Người Thầy ở bản Dao

02:45 AM 23/11/2010 |   Lượt xem: 2061 |   In bài viết | 

Trong câu chuyện, đồng bào vẫn nhắc mãi chuyện cả bản đi học lớp xoá mù chữ do thầy Phạm Văn Huần dạy. Ban ngày đồng bào trong bản đi trồng và chăm sóc cây, tối đến cả bản không kể già trẻ, gái trai lại kéo nhau đến lớp líu lo học chữ vang cả núi rừng. Người Dao ở đây đã coi thầy Huần là một người con yêu quí của bản.

Ở lại Trình Tường giữa bốn bề heo hút là núi, cách trung tâm xã tới 25 cây số. Đường lên bản phải mất 4 tiếng đồng hồ đi bộ. Nếu đi xe máy chỉ gài số 2, số 1 và từ từ bò lên dốc thì mới lên được. Còn nếu xuống dốc thì thả trôi, không cần nổ máy. Từ năm 2006, thầy đã kiên trì vận động các em đến lớp, miệt mài rèn cho các em tập đọc, làm toán, cùng các em hát vang mỗi lúc giải lao. Có gia đình bắt con ở nhà phụ giúp lao động, anh nhẹ nhàng dùng lí lẽ thuyết phục bố mẹ cho con em được ra lớp học. Với sự nỗ lực đó, anh đã góp phần vào thành công của công tác phổ cập giáo dục Tiểu học huyện Bình Liêu theo đúng lộ trình. Mỗi năm, anh đều phải dạy ghép từ lớp 1 đến lớp 5, tổng cộng chỉ được 5 đến 7 học sinh, năm nay đông nhất là 9 em.

Chúng tôi đến phân hiệu Trường Tiểu học Hoành Mô ở Trình Tường vào đúng lúc thầy và trò đang ra chơi. Các em khoanh tay chào rất lễ phép rồi vây quanh tôi tíu tít chuyện trò. Anh trưởng bản Dường Chống Lỷ đi cùng tôi hồ hởi nói: “Thầy giáo Huần giỏi lắm, thầy bảo được các em nhỏ chào người lớn, Trước đây khi chưa được đi học, cứ thấy người lạ là trẻ con ở bản lại chạy đi nấp, không bao giờ hỏi được các em nói một lời”.

Khi được hỏi : Lí do nào khiến thầy đến với bản người Dao ở biên cương xa xôi, hẻo lánh này để dạy học? Thầy trả lời: “Sau khi tốt nghiệp ra trường, tôi muốn đem những kiến thức mình đã học được trong trường để truyền dạy cho các em. Đúng dịp Đoàn kinh tế Quốc phòng 156 tuyển quân tình nguyện, có bằng sư phạm nên tôi đăng kí và được phân công dạy học ở đây. Ngày đầu lên đây, đường chưa đi được xe máy như bây giờ, tôi phải đi bộ gần hơn 3 tiếng đồng hồ mới tới nơi. Nhìn bản làng, núi rừng heo hút, hoang sơ, tôi cảm thấy khâm phục về sức sống, sự chịu đựng của đồng bào vùng cao ở đây.

Khi được hỏi điều gì đã khiến thầy tâm huyết muốn gắn bó mình với mảnh đất biên cương đầy gian khó này, thầy bộc bạch: “Nghe Thiếu tá Nguyễn Thanh Sang, cán bộ Phòng Chính trị của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 156 giới thiệu ở đây có 8 hộ gia đình với 35 nhân khẩu là người dân tộc Dao sống dọc theo biên giới, tôi đã cảm nhận được trách nhiệm của chúng tôi thật lớn khi cùng bà con giữ từng tấc đất biên cương thiêng liêng của Tổ quốc; còn nữa, mình nghĩ đến cảnh các em học sinh người dân tộc Dao mỗi sáng cõng nhau đến lớp, phong phanh chiếc áo mỏng không có cúc giữa cái lạnh giá của mùa đông vùng cao để tìm thầy học chữ; nghĩ đến tiếng đọc bài vang vang của các em trong mỗi buổi học; nghĩ đến mỗi buổi tối cả bản kéo nhau đến học chữ mà mình không đành lòng về xuôi. Có lẽ duyên số đã gắn chặt mình với bản người Dao nơi biên cương này rồi”...

Chia tay thầy giữa ngút ngàn rừng xanh trập trùng của mây và gió rét nhưng ấm áp bởi tiếng trẻ thơ nô đùa, lòng tôi tràn đầy niềm tin về một sự đổi thay tươi đẹp của bản Trình Tường.

Hoàng Diệu - Tô Hiệu (Nguồn: Báo Dân tộc & Phát triển)