Đánh giá tác động dịch COVID-19 tới các đối tượng dễ bị tổn thương

09:45 AM 24/07/2020 |   Lượt xem: 1921 |   In bài viết | 

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: VGP

Đây là một nội dung được trao đổi tại Hội thảo: “Dịch COVID-19: Ảnh hưởng và triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam” do Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức ngày 23/7 tại Hà Nội.

Đánh giá “Tác động kinh tế xã hội của đại dịch COVID-19 đối với hộ gia đình và doanh nghiệp dễ bị tổn thương ở Việt Nam - Phân tích có tính tới yếu tố giới” do Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN WOMEN) và Trung tâm Phân tích và Dự báo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thực hiện cho biết, doanh thu của cả hộ kinh doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa (gọi tắt là DNVNSN) đã bị giảm đáng kể. Điều này buộc hầu hết các DNVNSN phải cắt giảm hoạt động kinh doanh, giảm số lượng người lao động, do sự sụt giảm nghiêm trọng về nhu cầu đầu ra và những gián đoạn trong cung ứng đầu vào.

Cũng tại Hội thảo, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-xã hội Quốc gia (NCIF) thuộc Bộ Kế hoạc và Đầu tư trình bày về “Dịch COVID-19: Bối cảnh thế giới, triển vọng kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2020”.

Theo NCIF, đại dịch COVID-19 đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, nhanh và mạnh tới kinh tế thế giới và Việt Nam; nguy cơ suy thoái lớn nhất trong nhiều thập kỷ, tăng trưởng sụt giảm nghiêm trọng hơn cả thời kỳ khủng hoảng tài chính 2008-2009;  hoạt động kinh tế bị dừng đột ngột; thương mại và đầu tư suy giảm; thị trường tài chính thế giới bất ổn; nhiều xu hướng mới về kinh tế, địa chính trị thế giới cũng được hình thành và dự báo sẽ trở thành xu hướng chủ đạo trong thời gian tới, đặc biệt là xu hướng tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc kiểm soát dịch trên toàn thế giới vẫn khó khăn, nhiều nước đối mặt với nguy cơ dịch bùng phát trở lại do mở cửa nền kinh tế quá sớm.

Ông Lưu Quang Khánh, Giám đốc NCIF, cho biết dư địa tăng trưởng của nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm bị thu hẹp đáng kể. Cụ thể, trong tình hình này, “mở rộng thị trường”, “thúc đẩy đầu tư”, “kích thích tiêu dùng” là những động lực tăng trưởng. Điểm mấu chốt là về dài hạn cần phải có những giải pháp vượt hơn thường lệ cho trạng thái bình thường mới của nền kinh tế. Về ngắn hạn, cần lấy tốc độ thực hiện chính sách là phương châm hàng đầu mới có thể sớm đưa nền kinh tế vào ổn định và tiếp tục phát triển.

Báo cáo đánh giá đưa ra các khuyến nghị để Chính phủ tinh chỉnh các quyết định chính sách và quá trình thực hiện bảo vệ sinh kế của các hộ gia đình dễ bị tổn thương, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi hoạt động của họ và đảm bảo việc làm cho người lao động.

Bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự kết hợp giữa hành động sớm, có dự báo và linh hoạt của Chính phủ, và những sáng kiến của người dân, là chìa khóa thành công của Việt Nam trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch COVID-19 và giảm thiểu những tác hại về mặc kinh tế-xã hội của đại dịch.

“Tôi tin rằng quản trị dựa trên dự báo và đổi mới sáng tạo cũng sẽ có vai trò rất quan trọng trong nỗ lực phục hồi mạnh mẽ, bền vững, và có tính tới yếu tố giới của doanh nghiệp và người dân”, bà Caitlin Wiesen nói.

Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UNWomen tại Việt Nam lưu ý, nếu không được khắc phục một cách toàn diện, hậu quả về sức khỏe và kinh tế-xã hội của đại dịch COVID-19 có thể sẽ dẫn đến bất bình đẳng giới và nguy cơ đẩy lùi những thành quả thu được trong nỗ lực trao quyền cho phụ nữ trong những thập kỷ gần đây.

UNWomen kỳ vọng, đánh giá có tính đến yếu tố giới này sẽ đóng góp một cách hiệu quả cho những nỗ lực của Chính phủ trong việc xây dựng những giải pháp phù hợp với những nhu cầu cụ thể của phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời bảo vệ và phát huy những thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Trong thời gian tới, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng nếu giải ngân được hơn 90% gói 62 nghìn tỷ đồng đã là thành công. Tuy nhiên, cần phải thúc đẩy các chính sách, tài khoá, tiền tệ đồng bộ, thậm chí nên giãn luôn 2% phí công đoàn cho các DN có khi lên tới cả chục tỷ. Đặc biệt, cần chú ý đến việc giải ngân vốn đầu tư công.

Chính phủ cũng rất chủ động khi lập Tổ công tác đặc biệt đón “đại bàng” FDI, với Tổ trưởng là lãnh đạo Chính phủ. Tuy nhiên, việc dịch chuyển cũng không hề đơn giản có ngay mà phải tính đến cả cơ hội ngắn hạn và dài hạn.

Được biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng được giao xây dựng chuẩn bị về các chương trình tương tự như “gói kích thích kinh tế ” trong năm 2021, “tư tưởng bên cạnh tiếp tục chống đỡ thì chuẩn bị cho phục hồi gắn với tái cấu trúc cải cách, bám theo chuyển dịch của thế giới về tiêu dùng đầu tư, chuyển đổi số”, ông Võ Trí Thành nói.

(baochinhphu.vn)

Chuẩn bị chu đáo cho Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020

12:07 AM 29/07/2020 |   Lượt xem: 4396 |   In bài viết | 

Toàn cảnh cuộc họp

Trình bày báo cáo công tác chuẩn bị Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến cho biết: Đến nay, Ban Tổ chức Đại hội đã hoàn thiện Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội với chủ đề: “Dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau, phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước”.

Dự thảo Báo cáo chính trị được chia làm hai phần: Kết quả thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ I; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030.

Thời gian tổ chức Đại hội dự kiến vào tháng 11/2020, trong 3 ngày, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Thủ đô Hà Nội. Trong 3 ngày diễn ra Đại hội sẽ có nhiều hoạt động bên lề, như: Đoàn đại biểu dâng hương tại Đền Hùng (Phú Thọ); Đoàn đại biểu viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, viếng Anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ TP. Hà Nội; lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt các đại biểu tiêu biểu… Dự kiến sẽ có 1.600 đại biểu chính thức tham dự Đại hội, với đầy đủ thành phần 54 dân tộc.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến báo cáo về công tác chuẩn bị Đại hội

Tại cuộc họp các thành viên BCĐ, các Tiểu ban của Đại hội cơ bản thống nhất với chương trình, nội dung Đại hội và cho rằng, công tác chuẩn bị đã được triển khai chu đáo. Các đại biểu cũng đã báo cáo thêm về tiến độ triển khai các nhiệm vụ: công tác thi đua khen thưởng; khánh tiết, tuyên truyền; hậu cần, lễ tân… Một số đại biểu cho rằng, cần tăng cường công tác tuyên truyền trước, trong và sau Đại hội một cách sâu rộng, hiệu quả; đẩy mạnh quảng bá hiệu quả chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, thành tựu phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam tới bạn bè quốc tế...

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao công tác chuẩn bị Đại hội và khẳng định, Đại hội phải thể hiện đúng tinh thần là Ngày hội đại đoàn kết các dân tộc; thể hiện sự chung sức, đồng lòng của đồng bào các dân tộc trong sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, BCĐ Đại hội xem xét mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Đại hội. Các tham luận tại Đại hội phải đại diện tính vùng miền, khu vực, nên xem xét thêm các bài phát biểu của một số bộ, ngành. Xem xét thêm về số lượng đại biểu khách mời. Chương trình nghệ thuật phải đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện sự phong phú, đa dạng của nhạc cụ dân tộc, các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc. Công tác tuyên truyền phải thật đậm nét, dài hơi, tăng cường nêu gương những điển hình tiên tiến, đẩy mạnh thông tin đối ngoại, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc...

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu kết luận cuộc họp

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình bày tỏ vui mừng khi cùng Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì cuộc họp về công tác chuẩn bị Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020 - sự kiện chính trị quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng vui mừng khi Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và cho rằng, Chương trình sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển mới cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ thống nhất với nội dung, chủ đề của Đại hội, Dự thảo Báo cáo chính trị đã nêu khá đầy đủ, chi tiết. Khẳng định Đại hội diễn ra trong bối cảnh đất nước có nhiều sự kiện chính trị quan trọng, song tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tổ chức Đại hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các thành viên BCĐ, Ban Tổ chức, các Tiểu ban của Đại hội phải nêu cao vai trò, trách nhiệm, chuẩn bị chu đáo, bảo đảm Đại hội thành công, để lại những dấu ấn tốt đẹp.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng lưu ý công tác tuyên truyền cần phong phú, đa dạng; chương trình nghệ thuật, Đại hội phải đậm đà bản sắc dân tộc; các phương án an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy, y tế, cứu hộ, cứu nạn phải được chuẩn bị chu đáo, kịp thời…

(Theo: Thanh Huyền - Báo Dân tộc và Phát triển)