Xây dựng mô hình thu gom, sử dụng đệm lót sinh học để xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi cho đồng bào DTTS vùng khó khăn

12:28 PM 08/05/2020 |   Lượt xem: 2604 |   In bài viết | 

TS. Hoàng Xuân Lương - nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT chủ trì phiên họp Hội đồng

Hiện nay, phương thức chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn (trên 90%); việc quản lý và xử lý chất thải chăn nuôi ít được quan tâm. Hơn nữa, nhiều địa phương thiếu quy hoạch chăn nuôi nên tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mỗi năm, ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm thải ra khoảng 75-85 triệu tấn chất thải. Cả nước có trên 8,5 triệu hộ chăn nuôi quy mô gia đình và gần 20 nghìn trang trại chăn nuôi tập trung nhưng mới chỉ có 8,7% số hộ xây dựng công trình khí sinh học (hầm biogas). Tỷ lệ hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh cũng chỉ chiếm 10%. Và vẫn còn khoảng 23% số hộ chăn nuôi không xử lý chất thải bằng bất kỳ phương pháp nào mà xả thẳng ra môi trường bên ngoài. Với tốc độ phát triển mạnh của ngành chăn nuôi như hiện nay, theo tính toán, mỗi năm lượng chất thải rắn trong chăn nuôi tăng thêm khoảng 1,5 triệu tấn và đến năm 2020 lượng chất thải chăn nuôi sẽ tăng thêm khoảng 15% so với 2010.

Với đồng bào vùng DTTS vùng khó khăn thì hầu hết chất thải từ chăn nuôi được xả thải trực tiếp ra môi trường hoặc gom lại tại chuồng để sử dụng trực tiếp làm phân bón cho cây trồng mà không áp dụng các biện pháp xử lý hợp vệ sinh cần thiết nào. Mặt khác, do tập quán chăn thả gia xúc, gia cầm còn lạc hậu của người dân nên chuồng trại chăn nuôi thường được làm xen kẽ và thậm chí cạnh hoặc dưới gầm sàn nhà của người dân nên nguy cơ ô nhiễm môi trường sống của người dân là rất đáng để quan tâm.

Theo số liệu tổng hợp từ các kết quả nghiên cứu và thực tiễn chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học cho thấy, đệm lót sinh học mang lại nhiều lợi ích, đó là: Vật nuôi nuôi trên đệm lót sinh học khỏe mạnh, đồng đều, ít bệnh tật; vật nuôi tăng trọng nhanh do tăng khả năng tiêu hóa, hấp thu thức ăn và chất lượng thịt thơm ngon; Việc phân giải phân, nước tiểu làm cho mùi hôi, khí độc trong chuồng nuôi hầu như không còn, tạo môi trường sống tốt cho vật nuôi, cải thiện môi trường sống cho người lao động và tạo cơ hội để phát triển chăn nuôi ngay cả gần các khu dân cư; Đệm lót sinh học giúp tiết kiệm 60% nhân lực; Đệm lót sinh học giúp tiết kiệm 80% nước trong chăn nuôi, vì: Không sử dụng nước rửa chuồng; Không sử dụng nước để tắm rửa cho vật nuôi; Nước được sử dụng duy nhất cho vật nuôi uống và phun giữ độ ẩm cho nền chuồng (đệm lót chuồng luôn có độ ẩm 30%). Qua đó cũng hạn chế đáng kể nước thải chăn nuôi ra môi trường tránh ô nhiễm nguồn nước đặc biệt là với chăn nuôi lợn. Bên cạnh đó việc sử dụng đệm lót sinh học còn giúp tiết kiệm 10% thức ăn, giúp giảm tỷ lệ bệnh tật, đặc biệt là bệnh tiêu chảy, bệnh hen ở lợn; giảm tỷ lệ chết và loại thải ở gà, hạn chế ruồi, muỗi, các mầm bệnh - nguyên nhân lây lan dịch bệnh bị tiêu diệt hoặc hạn chế tới mức thấp nhất qua đó cũng giúp giảm nhân công thú y và chi phí thuốc thú y. Đặc biệt là khi sử dụng mô hình đệm lót sinh học sẽ thu được một nguồn phân hữu cơ đáng kể, đảm bảo vệ sinh môi trường trước khi bón cho cây trồng.

Qua phân tích ở trên cho thấy việc sử dụng đệm lót sinh học áp dụng cho các mô hình chăn nuôi quy mô hộ gia đình tại cho đồng bào DTTS vùng khó khăn là rất cần thiết. Giúp đồng bảo cải thiện và bảo vệ được môi trường sống của cộng đồng, tận dụng được các phế phụ phẩm trong nông nghiệp tạo ra phân hữu cơ mà vẫn duy trì được hoạt động chăn nuôi tại gia đình giúp phát triển kinh tế nông hộ gắn với bảo vệ môi trường cho cộng đồng nông thôn miền núi vùng sâu vùng xa.

Dự án “Xây dựng mô hình thu gom, sử dụng đệm lót sinh học để xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi cho đồng bào DTTS vùng khó khăn” sẽ góp phần giúp người nông dân tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, giảm chi phí sản xuất trong nông nghiệp, góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi gây ra. Dự kiến Dự án sẽ triển khai khảo sát và đánh giá hiện trạng ô nhiễm môi trường chăn nuôi trong đồng bào DTTS vùng khó khăn; thí điểm triển khai mô hình thu gom, sử dụng đệm lót sinh học để xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi cho đồng bào DTTS.

Thảo luận về Dự thảo đề cương của Dự án, các đại biểu tham dự phiên họp đề nghị: Đánh giá kỹ hơn hiệu quả tác động của các dự án, mô hình liên quan đã triển khai; Đánh giá tác động của tập quán chăn nuôi gia súc gia cầm của đồng bào DTTS; Cần có tiêu chí điều tra khảo sát, xây dựng mô hình, chọn hộ gia đình và nội dung tập huấn rõ ràng và bổ sung thành viên có chuyên môn sâu về lĩnh vực triển khai của Dự án...

Phát biểu tại phiên họp của Hội đồng, TS. Hoàng Xuân Lương đề nghị cần thu hẹp phạm vi địa phương thực hiện, tiêu chí chọn hộ gia đình tham gia Dự án cần được rõ ràng; làm rõ các khái niệm liên quan và phân tích kỹ các mục tiêu cụ thể của Dự án. Phần đánh giá tổng quan cần đánh giá được tính hiệu quả của các dự án, mô hình có liên quan đã triển khai trên địa bàn để có sự vận dụng phù hợp; tăng cường sự tham gia của các nhà khoa học, các sở, ngành của địa phương để tăng cường hiệu quả triển khai Dự án. Từ sự phù hợp của từng mô hình để có được các kiến nghị cụ thể trong xây dựng chính sách, tăng cường khả năng nhận rộng các mô hình hiệu quả...