Cần tiếp tục tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ
03:00 PM 18/12/2023 | Lượt xem: 4185 In bài viết |Đây là phát biểu chỉ đạo của Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Nông Thị Hà tại Hội thảo Tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ đối với các cơ sở giáo dục trực thuộc UBDT và Tổng kết hoạt động khoa học và công nghệ năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024 của UBDT, được tổ chức ngày 18/12, tại Hà Nội.
Tham dự Hội thảo còn có đại diện các vụ, đơn vị của UBDT, đại diện các trường chuyên biệt thuộc UBDT và một số đại biểu một số bộ, ngành, trường đại học, học viện.
Báo cáo tại hội thảo, ông Cầm Văn Thanh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp UBDT cho biết, năm 2023, UBDT được giao kinh phí sự nghiệp khoa học cấp bộ là 6.250 triệu đồng. UBDT tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp bộ bám sát kế hoạch được duyệt: Tiếp tục quản lý việc triển khai thực hiện đối với 5 đề tài chuyển tiếp từ năm 2022; tổ chức nghiệm thu và chuyển giao đối với 2 đề tài chuyển tiếp từ năm 2021 và 2022; mở mới 3 đề tài để bắt đầu thực hiện từ năm 2024.
Trong năm 2023 hoạt động KH&CN của UBDT đã đạt được một số kết quả nổi bật như sau: Công tác quản lý KH&CN tuân thủ đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và của UBDT. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng trong các hoạt động đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ, thẩm định thuyết minh, nghiệm thu các nhiệm vụ khoa học. Thực hiện cơ chế tuyển chọn/giao trực tiếp, lựa chọn được các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực trình độ tham gia nghiên cứu khoa học để chủ trì các nhiệm vụ đối với cấp bộ. Hầu hết các nhà khoa học đầu ngành, đơn vị nghiên cứu khoa học có năng lực trong các lĩnh vực tham gia hoạt động nghiên cứu với UBDT. Các hoạt động khoa học cũng ngày càng đa dạng, bám sát các nhiệm vụ chính trị của UBDT.
Trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, UBDT đã phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức triển khai Chương trình phối hợp số 1900/ CTr-BKHCN-UBDT ngày 19/7/2021 giữa 2 cơ quan giai đoạn 2021 - 2030. Sau khi Chương trình được ban hành, hai cơ quan đã phối hợp để triển khai kế hoạch đến các địa phương. Rất nhiều địa phương đã tiến hành xây dựng Chương trình phối hợp giữa Sở KH&CN với Ban Dân tộc một cách cụ thể, đổi mới và phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương. Các hoạt động phối hợp giữa ngành công tác dân tộc và ngành KH&CN ở địa phương ngày càng trở nên chặt chẽ, đa dạng và hiệu quả hơn.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ truởng, Phó chủ nhiệm UBDT Nông Thị Hà đánh giá, các đơn vị nghiên cứu khoa học của UBDT trong điều kiện kinh phí hạn hẹp, các phương tiện làm việc thiếu và yếu... nhưng vẫn duy trì hoạt động và từng bước phát triển. Chất lượng các nghiên cứu khoa học ngày càng được nâng lên. Nội dung nghiên cứu đều gắn trực tiếp với việc cung cấp các luận cứ khoa học giúp UBDT thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc, nhất là xây dựng và tổng kết các chủ trương, đường lối của Đảng; xây dựng chiến lược về công tác dân tộc; xây dựng các đề án, dự án, chương trình, chính sách trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác dân tộc, tổ chức bộ máy cơ quan làm công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2025; các nghiên cứu xây dựng các chính sách (chính sách vùng, chính sách cho DTTS, chính sách khởi nghiệp, chính sách về KT-XH vùng DTTS, chính sách quốc phòng, an ninh gắn với hệ thống chính trị cơ sở vùng DTTS và miền núi... phục vụ triển khai các nội dung theo Nghị quyết 88/2019/QH14 và Nghị quyết 120/2020/QH14...và các nghiên cứu về mô hình sinh kế liên quan đến môi trường đất, làng nông nghiệp thuận thiên và gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống... phục vụ triển khai Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 và chuẩn bị cho Chương trình giai đoạn 2026 - 2030.
Toàn cảnh hội thảo
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trung - Giám đốc Học viện dân tộc đề xuất, cần sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản quy định về khoa học và công nghệ để phù hợp với những yêu cầu mới đặt ra trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy đổi mới sáng tạo gắn với khoa học và công nghệ; tạo dựng khuôn khổ pháp lý triển khai các cơ chế thí điểm, thử nghiệm và đặc thù đối với các loại hình tham vấn chính sách dân tộc mới dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Cần tổ chức các cuộc Hội thảo, tọa đàm khoa học đều đặn, nội dung đa dạng hơn nữa, trong đó tăng cường trao đổi ý kiến của các nhà khoa học, mời chuyên gia, các nhà khoa học có những công trình nghiên cứu về công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong và ngoài nước để trao đổi thông tin các kết quả nghiên cứu, nhất là các vấn đề mới, cơ bản, cấp bách trong công tác dân tộc.
Bà Bế Thị Hồng Vân - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc cho rằng, cần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, tăng cường công tác dự báo về tình hình vùng DTTS va miền núi và những vấn đề trong xây dựng, thực hiện chính sách dân tộc. Để đảm bảo các nghiên cứu có tính ứng dụng cao đòi hỏi cơ quan quản lý và nhà nghiên cứu phải nhận diện được những vấn đề cơ bản, bức xúc ở vùng đồng bào DTTS.Nắm được hệ thống chính sách dân tộc hiện hành để phát hiện ra những khoảng trống chính sách, những nhu cầu thực tế chưa được điều chỉnh bởi chính sách để kịp thời đề xuất, kiến nghị. Nghiên cứu những vấn đề mang tính lý thuyết để hoàn thiện hệ thống lý luận về dân tộc, công tác dân tộc, chính sách dân tộc.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày tham luận nhằm nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo; thách thức, những yêu cầu mới được đặt ra của hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ trong Cách mạng công nghiệp 4.0.
Kết luận hội thảo, Thứ truởng, Phó chủ nhiệm UBDT Nông Thị Hà gửi lời cảm ơn đến các ý kiến, tham luận của các đại biểu, nhà khoa học về nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học nói chung, về hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ của các cơ sở giáo dục trực thuộc UBDT nói riêng. Thứ trưởng đề nghị vụ Tổng hợp tổng kết các ý kiến để tham khảo, triển khai trong thời gian sắp tới.
Theo đó, một số nhiệm vụ KH&CN trọng tâm năm 2024 của UBDT là: tiếp tục triển khai thực hiện các cơ chế chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ; Khi Chương trình KH&CN cấp Quốc gia với tên gọi: “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về DTTS và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030” giai đoạn II” được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan được giao chủ trì quản lý Chương trình sẽ tiến hành thực hiện các nội dung theo thuyết minh, kế hoạch được duyệt.
Về hoạt động khoa học và công nghệ cấp bộ: Triển khai thực hiện 6 nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ; Tăng cường tiềm lực mạng lưới KH&CN; Duy trì và mở rộng hợp tác quốc tế về hoạt động KH&CN, Thực hiệu hiệu quả chương trình phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Ủy ban Dân tộc giai đoạn 2021 - 2030.