Đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030

10:25 AM 19/06/2024 |   Lượt xem: 8388 |   In bài viết | 

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận

Qua thảo luận, đa số ý kiến Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá cao Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Hồ sơ để trình Quốc hội, đánh giá cao việc xây dựng Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Các ý kiến ĐBQH cơ bản nhất trí với sự cần thiết xem xét, điều chỉnh một số nội dung, chủ trương đầu tư Chương trình MTQG để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án, tiểu dự án trong Chương trình.

Theo đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) nhận thấy, Chương trình MTQG DTTS được phê duyệt chủ trương đầu tư theo Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội, là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào DTTS và miền núi. Đây là chương trình mục tiêu quốc gia mới, gồm nhiều dự án, tiểu dự án thành phần với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, địa phương và cơ quan Trung ương chủ trì, quản lý dự án.

Thời gian qua, Chương trình đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng, tạo tác động tích cực đến đời sống người dân, đặc biệt ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn, như việc thực hiện khá tốt công tác xóa đói giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng lên… Tuy nhiên, đại biểu Mai Văn Hải cho rằng, vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến kết quả triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình, nên cần phải điều chỉnh một số chủ trương là cần thiết.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh phát biểu tại phiên họp

Đề cập về việc mở rộng các đối tượng thụ hưởng của Chương trình, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) cho biết, theo tờ trình của Chính phủ, việc mở rộng các đối tượng thụ hưởng của Chương trình áp dụng cho 4 nhóm, gồm 10 đơn vị sự nghiệp công lập, 101 trường phổ thông dân tộc nội trú thuộc 39 tỉnh không nằm trên địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi, 3 trung tâm y tế, bệnh viện tuyến huyện không nằm trên địa bàn các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS và miền núi và các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của đồng bào DTTS.

Theo báo cáo của Chính phủ, việc bổ sung 4 nhóm đối tượng với hơn 4.000 tỷ đồng, Chính phủ cam kết không làm tăng tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 120/2020/QH14. Bên cạnh Kết luận số 65 ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về công tác dân tộc trong tình hình mới, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhận thấy, việc mở rộng các đối tượng thụ hưởng của Chương trình còn là một bước quan trọng nhằm thể chế hóa trong thực tiễn các quy định tại khoản 1 Điều 58, khoản 3 Điều 62 Hiến pháp về phát triển y tế, giáo dục cho đồng bào DTTS và miền núi. Vì vậy, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đánh giá cao và hoàn toàn ủng hộ việc mở rộng đối tượng thụ hưởng các Chương trình trong nghị quyết Quốc hội, làm cơ sở pháp lý vững chắc cho Chính phủ triển khai trong thực tiễn…

Thay mặt Chính phủ và được thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cảm ơn Quốc hội và các ĐBQH đã có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng, ban hành nhiều nghị quyết nhằm tháo gỡ những khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình MTQG DTTS trong thời gian qua. Đồng thời cảm ơn các ĐBQH đã đồng tình, ủng hộ về Tờ trình 191 của Chính phủ về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình MTQG. Các nội dung trong Tờ trình, cơ bản các ĐBQH đã đồng tình, thống nhất.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cũng giải trình, làm rõ một số nội dung ĐBQH quan tâm về điều chỉnh nguồn vốn của Chương trình, về phạm vi và đối tượng của Chương trình, về tiến độ thực hiện Chương trình… Để bảo đảm thống nhất giữa chủ trương đầu tư của Quốc hội, quyết định phân bổ vốn hằng năm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và quyết định giao vốn của Chính phủ, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép điều chỉnh nguồn vốn Chương trình.

Quang cảnh phiên thảo luận

Về phạm vi, đối tượng của Chương trình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cho biết cơ bản các ĐBQH đều đồng tình ủng hộ. Trong quá trình thực hiện, Ủy ban Dân tộc sẽ tham mưu cho Chính phủ, cùng với các bộ, ngành, địa phương rà soát cụ thể từng danh mục, công trình để bảo đảm phù hợp với tiêu chí, mục tiêu, phạm vi, đối tượng của Chương trình.

Về nguồn vốn của Chương trình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh khẳng định nguồn vốn thực hiện là hơn 4.000 tỷ đồng đã được phân bổ trong tổng nguồn vốn mà Quốc hội đã phê duyệt, bao gồm 50 nghìn tỷ đồng cho vốn đầu tư công và 54 nghìn tỷ đồng vốn chi thường xuyên của giai đoạn 2021 - 2025. Các nội dung này đã được phân bổ cho các địa phương; đồng thời các địa phương cũng đã lựa chọn danh mục để đầu tư.

Về tiến độ thực hiện Chương trình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cho biết theo báo cáo của các địa phương và các ngành chủ quản thì các danh mục công trình được lựa chọn chủ yếu là cải tạo, nâng cấp, sửa chữa và mua sắm trang thiết bị với quy mô nhỏ, thời gian ngắn có thể tiến hành được ngay. Khi Quốc hội đồng ý điều chỉnh nội dung này, các địa phương sẽ tiến hành tổ chức thực hiện. Chính vì vậy, các địa phương đều cam kết đến năm 2025 sẽ hoàn thành vấn đề này…

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, đa số ý kiến ĐBQH thống nhất trình Quốc hội đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV và không ban hành Nghị quyết riêng, với nội dung Quốc hội thống nhất về nguyên tắc điều chỉnh một số nội dung liên quan đến chủ trương Chương trình MTQG cả về nguồn vốn đầu tư công, vốn thường xuyên, phạm vi và đối tượng.

Giao cho Chính phủ chịu trách nhiệm về việc chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, ban hành danh mục đầu tư cụ thể, bảo đảm các nguyên tắc, hiệu quả, mục tiêu Chương trình và không làm thay đổi tổng mức vốn của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội phê duyệt.

(baodantoc.vn)