Quốc hội dành sự quan tâm đến công tác dân tộc
08:57 AM 06/06/2024 | Lượt xem: 8483 In bài viết |Kỳ họp thứ 7, Quốc hội kóa XV diễn ra từ ngày 20/5 đến 28/6 có ý nghĩa quan trọng cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Trong đó, Quốc hội tiếp tục dành sự quan tâm đến công tác dân tộc (CTDT), thực hiện chính sách dân tộc (CSDT), đặc biệt là xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719).
Kỳ họp có ý nghĩa quan trọng
Công tác lập pháp là nội dung trọng tâm, chiếm gần 2/3 thời gian của Kỳ họp này với số lượng 24 dự án luật, dự thảo nghị quyết. Đây là khối lượng nội dung về lập pháp lớn nhất được xem xét tại một kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Trong đó, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật khác.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022. Quốc hội cũng xem xét, quyết định, cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình MTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035… và một số nội dung quan trọng khác.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết: Hồ sơ Chính phủ trình Quốc hội đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình bảo đảm đủ về số lượng, danh mục theo quy định và đúng thẩm quyền, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét.
Về giám sát tối cao, tại Kỳ họp này, Quốc hội nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7; xem xét báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”; xem xét, thông qua các nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025.
Về công tác nhân sự, tại Kỳ họp này, Quốc hội đã bầu Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an làm Chủ tịch nước và bầu ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội làm Chủ tịch Quốc hội, phê chuẩn thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
Quốc hội dành sự quan tâm đến công tác dân tộc
Có thể thấy, từ việc thảo luận các dự án luật, đến vấn đề kinh tế - xã hội và các nội dung quan trọng khác, Quốc hội đã dành sự quan tâm đến CTDT, thực hiện CSDT, tình hình kinh tế - xã hội và đời sống của đồng bào DTTS. Đặc biệt, tại Kỳ họp này, Quốc hội tiến hành xem xét Tờ trình về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình MTQG 1719 do Chính phủ trình.
Quốc hội nghe Tờ trình về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình MTQG 1719, do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình MTQG 1719 với Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, đây là Chương trình MTQG mới, gồm nhiều dự án, tiểu dự án thành phần với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, cơ quan Trung ương cùng tham gia chủ trì, quản lý. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân và kết quả thực hiện Chương trình, cần thiết phải đề xuất điều chỉnh một số nội dung tại chủ trương đầu tư Chương trình.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh nhấn mạnh, Chương trình được phê duyệt điều chỉnh sẽ có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, góp phần khắc phục khó khăn, vướng mắc hiện nay, tạo điều kiện giải ngân theo đúng quy định. Việc điều chỉnh chủ trương không làm tăng tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn đã được Quốc hội phê duyệt, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tiễn của các địa phương.
Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về đề xuất này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết: Hồ sơ Chính phủ trình Quốc hội đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình bảo đảm đủ về số lượng, danh mục theo quy định và đúng thẩm quyền, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét. Để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành Chương trình trong bối cảnh thời gian thực hiện còn rất ít, Hội đồng Dân tộc thống nhất về nguyên tắc điều chỉnh một số nội dung liên quan đến chủ trương đầu tư Chương trình như đề xuất của Chính phủ, để bảo đảm cơ sở pháp lý rõ ràng hơn cho việc thực hiện.
Thảo luận tại tổ về vấn đề này, các đại biểu khẳng định Chương trình MTQG 1719 là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Sau hơn 3 năm thực hiện đã góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS và miền núi so với bình quân chung của cả nước... Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân và kết quả thực hiện Chương trình. Các đại biểu tán thành với sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình.
Theo đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), Chương trình MTQG 1719 đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của địa phương. Đại biểu đề nghị cần kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình.
(baodantoc.vn)