Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông làm việc với Đại sứ Michele Taylor

10:22 PM 13/01/2023 |   Lượt xem: 19071 |   In bài viết | 

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông và lãnh đạo các vụ, đơn vị UBDT thân mật tiếp đón và trao đổi nhiều nội dung quan trọng với Đại sứ Michele Taylor - Đại diện của Hoa Kỳ tại Hội đồng Nhân quyền LHQ

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông cho biết, Việt Nam là một quốc gia thống nhất với 54 dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm hơn 14 triệu người. Địa bàn cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và Tây duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích cả nước.

Chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam về bảo đảm quyền của các DTTS, cụ thể: Hiến pháp, văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống VBQPPL của Việt Nam dành riêng chương II với 36 điều quy định trực tiếp và rõ ràng về “quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, bao gồm quyền của DTTS với các quy định về bảo đảm quyền cho đồng bào DTTS, 06 điều hiến định về công tác dân tộc và chính sách đối với vùng DTTS&MN; có 99 văn bản luật đang còn hiệu lực với tổng số 296 điều liên quan đến DTTS.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông nhấn mạnh, hiện nay người DTTS được tham gia vào các hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua đại diện theo những quy định cụ thể, rõ ràng, nhất là hành lang “quy chế dân chủ”. Nhiều nội dung, quy định luật, văn bản chính sách đều quy định rõ việc tham gia của người dân, bao gồm người DTTS, vào hoạt động quản lý KT-XH ở cơ sở trên nguyên tắc “dân biết – dân bàn – dân làm – dân kiểm tra”.  Đặc biệt, hiện nay Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS&MN đang được triển khai với 10 dự án thành phần, bao phủ toàn diện mọi lĩnh vực đời sống của đồng bào các DTTS&MN đang được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương tập trung triển khai.

Toàn cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, bà Michele Taylor chúc mừng Việt Nam trở thành Thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Đây không chỉ cho thấy sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam mà còn là minh chứng cho thấy vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được củng cố, nâng cao.

 Bà Michele Taylor tin rằng, với trọng trách mới tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Việt Nam sẽ có cơ hội đóng góp vào quá trình thúc đẩy tất cả các quyền con người trên cơ sở khách quan, hợp tác và đối thoại. Bà cũng mong rằng, sẽ có những hợp tác sâu sắc với UBDT trong thực hiện bảo đảm quyền cho đồng bào DTTS nói riêng và quyền con người của Việt Nam nói chung.

Tại buổi làm việc, hai bên cũng đề cập đến một số nội dung liên quan đến việc thúc đẩy bình đẳng giới, đảm bảo quyền việc làm trong ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế bao trùm và bền vững, đảm bảo quyền sức khỏe thể chất và tinh thần, thúc đẩy giáo dục, nâng cao nhận thức về nhân quyền.

Xuân Thường