Tổng kết Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ nhất
04:23 PM 01/11/2015 | Lượt xem: 15369 In bài viết |Trong hai ngày 12 và 13/5/2010, Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ nhất đã dược tổ chức trọng thể tại thủ đô Hà Nội. Đại hội nhằm tiếp tục tổng kết, đánh giá công tác dân tộc trong suốt chặng đường của cách mạng Việt Nam, khẳng định đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và đại đoàn kết dân tộc; khẳng định, tôn vinh và biểu dương công lao đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam.
Trong hai ngày 12 và 13 tháng 5 năm 2010, Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ nhất đã dược tổ chức trọng thể tại thủ đô Hà Nội. Đại hội nhằm tiếp tục tổng kết, đánh giá công tác dân tộc trong suốt chặng đường của cách mạng Việt Nam, khẳng định đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và đại đoàn kết dân tộc; khẳng định, tôn vinh và biểu dương công lao đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam được Đảng và Nhà nước tổ chức với quy mô toàn quốc, có điều kiện tập hợp đầy đủ đại biểu của 54 dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đại diện cho các tầng lớp dân cư, các thành phần xã hội, các lĩnh vực, vùng, miền; nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tạo động lực mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập và phát triển đất nước.
1.702 đại biểu chính thức (trong đó 1252 đại biểu địa phương, 450 đại biểu các cơ quan Trung ương) đại diện cho hơn 12 triệu đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước đã về dự Đại hội đều là những hạt nhân tiêu biểu, là những tấm gương sáng với nhiều thành tích trong công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng và bảo vệ đất nước.
Trước khi Đại hội chính thức được tổ chức vào 2 ngày 12-13/5/2010, 100 người con ưu tú của 54 dân tộc Việt Nam do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng - Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội làm Trưởng đoàn đã đến dâng hương tại khu di tích Đền Hùng. 100 đại biểu được chọn mang ý nghĩa tượng trưng cho 100 người con trong truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ trăm trứng nở trăm con đã về thăm quê cha đất tổ, nơi hội tụ hồn thiêng sông núi Việt Nam. Tại đây Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cùng Đoàn đã kính cáo và tri ân các Vua Hùng. Trước anh linh các Vua Hùng, thay mặt cho Đoàn đại biểu đại diện cho 54 dân tộc Việt Nam, Phó Thủ tướng thành kính bày tỏ: "Đồng bào các dân tộc Việt Nam xin hứa luôn gắn bó bên nhau, thủy chung, đoàn kết, nguyện một lòng vững tin theo Đảng; chúng ta phải thương yêu nhau, tôn trọng nhau, giúp đỡ nhau để mưu cầu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm dành nhiều tâm huyết để vun trồng cho sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; Người đã viết: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”.
Đoàn đại biểu do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội làm Trưởng đoàn làm lễ trước Đền Thượng
Khi đoàn đến nơi đặt bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong”, lần lượt các đại biểu đã đặt những bó hoa tươi thắm trước bức phù điêu để tưởng nhớ công ơn của Bác Hồ và các anh hùng liệt sĩ đã xả thân vì độc lập dân tộc. Lời của Bác Hồ kính yêu vang vọng trong tâm khảm mỗi người: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Cùng với hoạt động Lễ Dâng hương tại Đền Hùng, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã có buổi gặp mặt đại diện của 54 dân tộc tại trụ sở Ban Chấp hành Trung ương Đảng; chủ trì buổi gặp mặt có đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đ/c Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc Hội; đ/c Bế Trường Thành, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân tộc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ nhất. Thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định: những công lao to lớn của đồng bào vùng dân tộc thiểu số đã luôn đồng hành cùng nhân dân cả nước vượt qua mọi khó khăn thử thách để tạo cho Việt Nam có được cơ đồ như ngày hôm nay; việc tin tưởng và đồng tâm hiệp lực, cùng thực hiện những chủ trương, chính sách mà Đảng và Nhà nước đã giao phó là việc làm đúng đắn và có ý nghĩa rất lớn trong việc thay đổi bộ mặt vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc; Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm đến những vấn đề thiết yếu đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, đó là xóa đói và giảm nghèo, đào tạo cán bộ và đầu tư cơ sở hạ tầng…, khẳng định chính sách đầu tư cho các vùng khó khăn, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số là một chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước, đây là một trong những công việc lớn phải làm và cần sự kiên trì bền bỉ, đồng bào các dân tộc cần đoàn kết cùng nhau góp sức với Đảng, Nhà nước để xây dựng quê hương ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Cũng trong khuôn khổ các hoạt động trước ngày Đại hội diễn ra chính thức, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng - Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội cùng Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức Đại hội dẫn đầu đoàn đại biểu gồm 100 đại diện ưu tú của 54 dân tộc anh em đã đến đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm liệt sỹ thành phố Hà Nội và viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sáng 12/5, Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ nhất đã khai mạc trọng thể. Tham dự và chỉ đạo Đại hội có Tổng Bí thư Ban Chấp hành TW Đảng Nông Đức Mạnh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm; Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng - Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức Đại Hội…; các đồng chí nguyên là Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động, đại diện các tôn giáo, nhân sỹ, trí thức, doanh nhân là người dân tộc thiểu số và 1.702 đại biểu ưu tú đại diện cho hơn 12 triệu đồng bào của 53 dân tộc thiểu số về dự Đại hội.
Đại hội đã vinh dự được nhận được lẵng hoa chúc mừng của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh và thư chúc mừng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp .
Khai mạc Đại hội, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng - Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội khẳng định: “Đây là lần đầu tiên Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam được Đảng và Nhà nước tổ chức với quy mô toàn quốc. Đại hội nhằm tiếp tục tổng kết, đánh giá công tác dân tộc trong suốt chặng đường dài của cách mạng, khẳng định đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc; khẳng định, tôn vinh và biểu dương công lao đóng góp to lớn của các dân tộc thiểu số đối với thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam. Đại hội là diễn đàn giao lưu, trao đổi, tạo sự đồng thuận và niềm tin vững chắc của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI”.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng - Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ nhất đọc diễn văn khai mạc Đại hội
Sau lời phát biểu khai mạc Đại hội của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức Đại hội đã thông qua Báo cáo chính trị của Đại hội với chủ đề “Dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, cộng đồng các dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng phát triển”.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Hơn 80 năm qua, dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, công tác dân tộc đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp cách mạng của cả nước. Vùng dân tộc thiểu số là chỗ dựa vững chắc của cách mạng, đồng bào các dân tộc luôn tin tưởng, một lòng, một dạ theo Đảng và Bác Hồ, không ngại gian khổ, hy sinh, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ nhất đọc Báo cáo Chính trị của Đại hội
Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc, tình hình kinh tế-xã hội vùng dân tộc đã có những chuyển biến quan trọng. Các địa phương vùng dân tộc đạt tốc độ phát triển cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện rõ rệt. Hàng năm số hộ nghèo giảm 4-5%. Thực hiện các chính sách dân tộc, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là các Chương trình phát triển kinh tế, xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng dân tộc và miền núi.
Công tác giáo dục, đào tạo ở các vùng dân tộc đạt được những thành quả quan trọng. Đã hoàn thành xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, đang tiến tới phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Hầu hết các xã, thôn, bản đều có trường học, nhà mẫu giáo, tạo điều kiện cho con em các dân tộc được đến trường. Công tác chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng các dân tộc được chú trọng, người nghèo được cấp bảo hiểm y tế, miễn phí khám chữa bệnh, các huyện vùng dân tộc có trung tâm y tế, các xã có trạm y tế và cán bộ y tế cơ sở. Văn hóa các dân tộc được tôn trọng, giữ gìn, phát huy. Nhiều ngày hội văn hóa các dân tộc được tổ chức ở các khu vực Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ…. Hệ thống chính trị các cấp được củng cố, đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số ngày càng được tăng cường. Tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội từ Trung ương đến địa phương ngày càng được nâng lên.
Phát biểu tại Đại hội, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh biểu dương những nỗ lực của các cấp, các ngành, nhân dân cả nước, đặc biệt là những cố gắng lớn lao của đồng bào các dân tộc thiểu số đã cùng đồng lòng, chung sức từng bước làm “thay da đổi thịt” vùng dân tộc và miền núi, vì sự nghiệp phát triển của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tổng Bí thư khẳng định: “Trong những năm qua, mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước đã dành nguồn lực đáng kể để phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho nông thôn vùng dân tộc và miền núi có nhiều tiến bộ rõ rệt, to lớn và quan trọng. Từ việc xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cho đến phát triển các mặt kinh tế-xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, đảm bảo an ninh và phát động các phong trào quần chúng. Điều đáng ghi nhận nữa là đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào từng bước được cải thiện. Công tác bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống của các dân tộc được coi trọng. Hệ thống chính các cấp được củng cố, tổ chức cơ sở Đảng, các đoàn thể nhân dân được kiện toàn, đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ dân tộc thiểu số đã có bước trưởng thành”.
Đ/c Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành TW Đảng phát biểu tại Đại hội
Thay mặt Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh kêu gọi đồng bào các dân tộc Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, nêu cao ý chí tự lực tự cường, vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc, hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 do Đại hội đề ra.
Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã trao tặng Đại hội bức trướng với nội dung: “Cộng đồng các dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”
Tổng Bí thư Ban Chấp hành TW Đảng Nông Đức Mạnh thay mặt Ban Chấp hành TW Đảng Cộng sản Việt Nam trao tặng Đại hội Bức trướng "Cộng đồng các dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển"
Đại hội đã giành nhiều thời gian nghe các đại biểu báo cáo về công tác dân tộc, các báo cáo điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực của đời sống xã hội vùng dân tộc và miền núi. Đại hội tiếp tục khẳng định, tôn vinh và biểu dương công lao to lớn của đông bào các dân tộc trong phong trào thi đua yêu nước đóng góp vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Là một trong những hoạt động chính tại Đại hội, Đêm Dạ hội tôn vinh các giá trị văn hóa của 54 dân tộc cũng đã được tổ chức với các tiết mục nghệ thuật hoành tráng mang âm hưởng đặc trưng cho các giá trị văn hóa đặc sắc của các vùng, miền, các dân tộc Việt Nam. Các giá trị ấy đã hoà vào dòng chảy văn hoá chung theo tiến trình lịch sử, là thành tố tạo nên nền văn hoá Việt Nam đa dạng, phong phú, tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc. Qua các tiết mục giao lưu văn hóa, văn nghệ tại Dạ hội, đồng bào càng thêm hiểu về văn hóa các dân tộc anh em trên khắp đắt nước, càng thêm hiểu nhau, gần gũi, và gắn bó mật thiết với nhau hơn.
Sau hai ngày làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, chiều 13/5 đã diễn ra Phiên Bế mạc. Phát biểu Bế mạc Đại hội, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng ban Chỉ đạo Đại hội nhấn mạnh: “Thành công của Đại hội là mốc son mới trong chặng đường phát triển các dân tộc Việt Nam. Đại hội tin tưởng rằng, mỗi đại biểu tham dự Đại hội cùng các cấp, các ngành, đồng bào và chiến sỹ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, hăng hái tuyên truyền nội dung của Đại hội nhằm tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tạo thành sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về Công tác dân tộc; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; giữ vững độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; thực hành dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”.
Đại hội đã thông qua Quyết tâm thư với sự nhất trí cao của các đại biểu. Quyết tâm thư bày tỏ sự quyết tâm của Đại hội trước Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam sẽ thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ và nguyện: “Tuyệt đối trung thành với Đảng, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước của dân tộc; đồng bào các dân tộc quyết tâm thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống vùng dân tộc và miền núi của Đảng và Nhà nước; tranh thủ thời cơ, chủ động, sáng tạo, vươn lên làm giàu; tích cực vận động con em đến trường; quyết tâm hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục trung học phổ thông; tích cực học tập nâng cao trình độ; thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất và cán bộ y tế cấp cơ sở, phấn đấu 100% các xã đạt tiêu chuẩn quốc gia về y tế; cùng nhau giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp; kiên quyết xóa bỏ mọi hủ tục, tập quán lạc hậu; xây dựng gia đình văn hóa, làng bản văn hóa, góp phần xứng đáng vào quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; làm tốt công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường, nhất là tài nguyên, môi trường rừng, đất, nước và các hệ sinh thái vùng đầu nguồn, môi trường sống; tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín, giữ vững an ninh trật tự bản làng, an ninh biên giới, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia; kiên quyết đấu tranh chống mọi âm mưu thủ đoạn gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, lợi dụng vấn đề dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, chia rẽ các dân tộc, gây mất ổn định trật tự xã hội, an ninh, quốc phòng; củng cố và nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị các cấp, nhất là cấp cơ sở; nâng cao trình độ cán bộ vùng dân tộc và miền núi”.
Đại hội đã công bố các quyết định tôn vinh khen thưởng, trao tặng các danh hiệu và phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước cho các tập thể, cá nhân: Tặng thưởng Huân Chương Sao Vàng cho Ủy ban Dân tộc; phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho nhân dân, lực lượng vũ trang huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An và ông Vừ Chông Pao, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An; phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho nhân dân và cán bộ xã Nậm Cang, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai; tặng thưởng 42 Huân chương Lao động từ hạng 1 đến hạng 3; tặng 82 Huân chương Đại đoàn kết; tặng 616 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu; tặng gần 2000 Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; 59.946 Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc".
Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ nhất đã thành công tốt đẹp, đảm bảo an ninh, an toàn, để lại dư âm tốt cho các đại biểu tham gia Đại hội cũng như toàn thể đồng bào trong và ngoài nước.