Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Bắc Kạn lần thứ IV, năm 2024

09:03 AM 21/10/2024 |   Lượt xem: 873 |   In bài viết | 

Toàn cảnh Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Bắc Kạn lần thứ IV, năm 2024

Với Chủ đề: “Cộng đồng các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng hội nhập và phát triển bền vững”, Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Bắc Kạn lần thứ IV, năm 2024 đã diễn ra trang trọng tại TP. Bắc Kạn ngày 19/10. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội. Tham dự Đại hội có lãnh đạo một số vụ, đơn vị thuộc Uỷ ban Dân tộc. 

Đại biểu tỉnh Bắc Kạn dự Đại hội có các đồng chí: Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ, Đoàn ĐBQH tỉnh, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Đại hội; lãnh đạo các huyện, thành phố; cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; nguyên lãnh đạo Ban Dân tộc qua các thời kỳ.

Đại hội còn có sự tham gia của Đoàn đại biểu UBND, Ban Dân tộc các tỉnh: Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai.

Báo cáo chính trị tại Đại hội cho thấy, sau 05 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Bắc Kạn lần thứ III năm 2019 tình hình vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống của Nhân dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người tăng 16 triệu đồng/người/năm so với năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo người DTTS giảm trên 3,45%/năm. Các mục tiêu đề ra tại Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Bắc Kạn lần thứ III cơ bản hoàn thành. Công tác dân tộc, chính sách dân tộc được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm triển khai thực hiện. Cơ quan công tác dân tộc ở địa phương từng bước được củng cố, kiện toàn. Các chương trình, chính sách dân tộc, trọng tâm là 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 được triển khai thực hiện nghiêm túc; nguồn lực đầu tư hỗ trợ của các chương trình, chính sách dân tộc đã góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi.

Cơ sở hạ tầng tiếp tục được quan tâm đầu tư, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong giao thương hàng hóa, phát triển sản xuất; nhiều công trình, dự án trọng điểm được khởi công, hoàn thành đưa vào sử dụng, tháo gỡ khó khăn về hạ tầng, tạo động lực tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông, lâm nghiệp được đẩy mạnh, các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả được nhân rộng. Hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tiếp tục được quan tâm, tạo điều kiện cho vùng đồng bào DTTS và miền núi tiếp cận nhanh với các thông tin, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Các lĩnh vực văn hoá - xã hội đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng, các di sản văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch từng bước được quan tâm triển khai thực hiện. Chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào DTTS và miền núi tiếp tục được nâng lên. Công tác chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào DTTS có nhiều chuyển biến tích cực.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được chú trọng; hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở nhất là vùng DTTS, miền núi được củng cố vững chắc; công tác đào tạo, bồi dư­ỡng nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị cho đội ngũ cán bộ ng­­ười DTTS được cấp ủy, chính quyền quan tâm thực hiện. Quốc phòng được tăng cường, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; vai trò các già làng, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS được phát huy, góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.

Tại Đại hội, các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi những kinh nghiệm hay, những bài học quý, thống nhất mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại Đại hội, ông Hoàng Duy Chinh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Kạn nhấn mạnh: Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV là sự kiện hết sức quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh.

Thấm nhuần quan điểm công tác dân tộc và đại đại đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn đoàn kết, thống nhất, khắc phục khó khăn, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vươn lên xây dựng quê hương Bắc Kạn ngày càng phát triển. Các quyết sách, chương trình, dự án, chính sách dân tộc khi xây dựng và triển khai thực hiện đều hướng đích “vì dân, cho dân” nên được Nhân dân đồng tình ủng hộ, củng cố niềm tin vào vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Nông Thị Hà phát biểu chỉ đạo tại Đại hội

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Nông Thị Hà bày tỏ vui mừng trước thành tựu trên các lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm cũng khẳng định, Đại hội là một sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, một biểu tượng đặc biệt về khối Đại đoàn kết gắn bó “keo sơn” giữa các dân tộc Việt Nam. 

Đồng thời, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm ghi nhận và đánh giá cao kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Bắc Kạn. Kết quả 05 thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Bắc Kạn đã góp phần tăng cường kết cấu hạ tầng nông thôn miền núi, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo vùng đồng bào các DTTS. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố niềm tin của đồng bào DTTS vào vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền. Tuy nhiên, đến nay đời sống của một bộ phận Nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS còn gặp nhiều khó khăn. Chất lượng giảm nghèo chưa thật sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS còn cao; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường chuyển biến chậm. Việc triển khai một số chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS còn chậm; tỷ lệ giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, đặc biệt là vốn sự nghiệp.

Đồng chí Nông Thị Hà, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho 01 tập thể, 05 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc giai đoạn 2019-2024

Để thực hiện thắng lợi Quyết tâm thư Đại hội, cũng như công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Nông Thị Hà đề nghị, các cấp uỷ, chính quyền tiếp tục thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước trong tình hình mới. Đổi mới tư duy, phát huy tiềm năng, thế mạnh để nâng cao đời sống của người dân, giảm nghèo nhanh và bền vững. Tăng cường cán bộ DTTS có năng lực đến cơ sở để cùng Nhân dân phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục và đào tạo đối với con em đồng bào các DTTS, vì đây là con đường vững chắc đưa bản làng tới tương lai tốt đẹp.

Với truyền thống của quê hương giàu truyền thống cách mạng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm tin tưởng tỉnh Bắc Kạn sẽ có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Dịp này, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà đã thay mặt lãnh đạo Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho 01 tập thể, 05 cá nhân; Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 20 tập thể và 26 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc giai đoạn 2019-2024.

Bắc Kạn là tỉnh miền núi, có diện tích tự nhiên 4.859,4km2; dân số khoảng 326.000 người, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm trên 88%, gồm 07 dân tộc chính là Tày, Nùng, Dao, Kinh, Mông, Hoa và Sán chay. Trong đó dân tộc Tày chiếm 47,85%, Dao chiếm 15,5%, Nùng chiếm 14,17%, Kinh chiếm 12,49%, Mông chiếm 8,0%, các dân tộc khác 1,46%.

Toàn tỉnh có 07 huyện và 01 thành phố với 108 xã, phường, thị trấn và 1.292 thôn, tổ dân phố; 100% các xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó 66 xã khu vực III, 02 xã khu vực II, 40 xã khu vực I và 648 thôn đặc biệt khó khăn (583 thôn đặc biệt khó khăn của xã khu vực III, 30 thôn đặc biệt khó khăn của xã khu vực II, 35 thôn đặc biệt khó khăn của xã khu vực I); có 02 huyện nghèo (Pác Nặm và Ngân Sơn).

 

(baodantoc.vn)

Tin khác