Phát triển Tây Nguyên xứng đáng với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng

01:47 AM 11/07/2012 |   Lượt xem: 4439 |   In bài viết | 
PHÁT TRIỂN TÂY NGUYÊN TOÀN DIỆN, BỀN VỮNG, XỨNG ĐÁNG VỚI VỊ TRÍ CHIẾN LƯỢC ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG, AN NINH VÀ MÔI TRƯỜNG SINH THÁI CỦA ĐẤT NƯỚC

1. Trong thời gian qua, trước bối cảnh đất nước ta phải đối phó với những tác động xấu của tình hình thế giới, khu vực, Tây Nguyên vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhất là âm mưu, ý đồ, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, trực tiếp là Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư, hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương; Tây Nguyên đã và đang giữ vững ổn định chính trị, xã hội và đạt được nhiều kết quả trong việc phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân. Kinh tế Tây Nguyên giữ được mức tăng trưởng khá, bảo đảm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng mục tiêu, yêu cầu đề ra. Công tác hỗ trợ sản xuất, giải quyết những vấn đề về đất đai, việc làm, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm chỉ đạo. Các huyện miền núi của các tỉnh giáp Tây Nguyên tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư hỗ trợ của Đảng và Nhà nước thông qua các chính sách, chương trình, dự án, tạo được sự chuyển biến trong xây dựng hạ tầng, tổ chức lại sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đã triển khai nhiều biện pháp đấu tranh vô hiệu hoá, ngăn chặn và làm thất bại âm mưu phục hồi tổ chức, phát triển lực lượng của phản động FULRO. Tập trung bảo đảm an ninh nông thôn, xử lý kịp thời một số vụ việc phức tạp về tranh chấp, khiếu kiện đất đai, chặt phá rừng, hạn chế đến mức thấp nhất việc xô xát, gây mất an ninh, trật tự, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trên tuyến biên giới, đã đẩy mạnh công tác phối hợp, tranh thủ sự ủng hộ, hợp tác của chính quyền, lực lượng vũ trang và các cơ quan chức năng Cămpuchia, Lào trong phòng, chống xâm nhập, vượt biên, đảm bảo an ninh biên giới. Tiếp tục triển khai các dự án phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh, ổn định dân cư, củng cố vững chắc các khu vực phòng thủ; phục vụ có hiệu quả công tác phân giới cắm mốc với Cămpuchia và tăng dày cột mốc cả hai tuyến biên giới.

Hệ thống chính trị cơ sở có chuyển biến tích cực trong việc tổ chức bám dân, nắm tình hình, đề cao trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, giữ gìn an ninh, trật tự. Đã tập trung kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng của các tổ chức đảng, nhất là ở những địa bàn khó khăn phức tạp, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Tiếp tục thu hẹp số thôn buôn chưa có đảng viên và tổ chức đảng. Nhiều nơi đã có tiến bộ trong công tác xây dựng cán bộ cốt cán, tạo nguồn phát triển đảng trong tôn giáo và vùng dân tộc thiểu số. Các ban, ngành, lực lượng vũ trang tiếp tục tăng cường công tác dân vận, xây dựng chính quyền, đoàn thể cơ sở, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tuy nhiên, những thành tựu, kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Tây Nguyên và còn một số hạn chế, yếu kém; đó là: Tiềm lực, trình độ phát triển kinh tế - xã hội còn ở mức thấp; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, chất lượng nguồn nhân lực thấp. Phát triển kinh tế chưa kết hợp tốt với thực hiện công bằng xã hội và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chênh lệch giàu nghèo giữa đô thị và nông thôn, giữa đồng bào Kinh với đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tăng; việc tổ chức lại sản xuất, bảo đảm không gian sinh sống cho các buôn làng, giữ gìn và phát huy tinh hoa và bản sắc văn hóa các dân tộc còn nhiều bất cập. Một bộ phận khá lớn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ vẫn còn nghèo, thiếu đất sản xuất và đất ở. Việc quản lý đất đai, khai thác khoáng sản và bảo vệ rừng còn nhiều thiếu sót, tiêu cực, xâm hại đến môi trường… Tư tưởng của một bộ phận quần chúng và một số ít cán bộ đảng viên hoang mang, dao động; một số nhận thức mơ hồ, ngộ nhận về “Nhà nước Đêga”; ở một số nơi vẫn tồn tại tâm lý kỳ thị dân tộc, mặc cảm Kinh - Thượng; hệ thống chính trị cơ sở nhiều nơi hoạt động yếu kém, xa dân, không nắm được tình hình; một bộ phận cán bộ yếu cả về năng lực và bản lĩnh chính trị. Tình hình an ninh nông thôn, tranh chấp, khiếu kiện về đất đai, mâu thuẫn trong nội bộ dân cư vẫn còn phức tạp; nhiều vấn đề bức xúc về kinh tế, xã hội chưa được giải quyết tốt đã tác động và ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết dân tộc, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định chính trị, xã hội.

Những hạn chế, yếu kém trên có phần do nguyên nhân khách quan là do Mỹ và các thế lực thù địch vẫn nuôi ý đồ sử dụng bọn FULRO hoạt động chống phá ta; khoét sâu các mâu thuẫn dân tộc, tôn giáo để kích động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tội; lợi dụng những sơ hở, thiếu sót và những vấn đề bức xúc nảy sinh để tạo cớ kích động biểu tình gây rối, bạo loạn. Nguyên nhân chủ quan là do một số cán bộ, đảng viên, nhất là ở cấp cơ sở chưa nhận thức hết ý nghĩa, tầm quan trọng của các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước về Tây Nguyên; một số nơi, cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc thiểu số, vùng trọng điểm về an ninh, trật tự; quan điểm, nhận thức về tôn giáo có nơi, có lúc chưa thống nhất...

2. Từ thực tiễn triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với Tây Nguyên, rút ra một số kinh nghiệm sau đây:

- Sự ổn định và phát triển của Tây Nguyên phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm đầu tư tương xứng của Nhà nước, sự liên kết, hỗ trợ của các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước.

Trong bối cảnh tình hình Tây Nguyên có nhiều vấn đề phức tạp và khó khăn gay gắt, Bộ Chính trị đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18/01/2002 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001 – 2010; Thông báo Kết luận số 148-TB/TW ngày 16/7/2004 về phát triển vùng Tây Nguyên toàn diện, bền vững; Kết luận số 12-KL/TW ngày 24/10/2011 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011 – 2020; đã được cả hệ thống chính trị Tây Nguyên nghiên cứu quán triệt, tổ chức thực hiện kịp thời, nghiêm túc. Ngoài Quyết định số 168/2001/QĐ-TTg ngày 30/10/2001 về định hướng dài hạn, kế hoạch 5 năm 2001-2005 và những giải pháp cơ bản phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế đặc thù giúp Tây Nguyên huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc.

Các bộ, ban, ngành đã kịp thời xây dựng chương trình hành động thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, tăng cường lực lượng, cán bộ cho Tây Nguyên, giải quyết kịp thời những vấn đề bức thiết của các vùng dân tộc thiểu số. Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với Tây Nguyên; phối hợp với các bộ, ban, ngành nghiên cứu, tham mưu đề xuất với Đảng, Chính phủ nhiều chủ trương quan trọng liên quan đến chính sách dân tộc, giải quyết những vấn đề bức xúc về đất đai, nhà ở, việc làm, giao đất rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số. Các địa phương trong khu vực và cả nước đã quan tâm liên kết, hỗ trợ về phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

- Phát triển Tây Nguyên toàn diện, bền vững phải trên nền tảng bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, xã hội; bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới

Phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên ổn định, nhanh, bền vững là cơ sở tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh; ngược lại, bảo đảm quốc phòng, an ninh là nền tảng vững chắc cho quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Nguyên. Thực tiễn cho thấy, do tập trung xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân; giữ vững an ninh biên giới; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và bọn phản động FULRO, nhất là đã ngăn chặn âm mưu thành lập “Nhà nước Đêga”; chủ động giải quyết các vụ việc phức tạp liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, không để bọn phản động lợi dụng kích động, gây phức tạp, nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục… ở Tây Nguyên. Mặt khác, được sự đầu tư của Trung ương và nỗ lực của các địa phương trong vùng, kinh tế Tây Nguyên đã có bước phát triển quan trọng, liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có bước phát triển; hệ thống đường sá đã được đầu tư, xây dựng, nâng cấp, hình thành mạng lưới rộng khắp, vừa liên kết 5 tỉnh trong vùng, vừa nối Tây Nguyên với các vùng khác trên tuyến hành lang Đông – Tây. Đã phát triển mạnh hệ thống giáo dục, đào tạo, mở rộng hệ thống trường lớp đến khắp các buôn làng; hình thành hệ thống cơ sở y tế rộng khắp; công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm được triển khai liên tục; đã quan tâm xây dựng đời sống văn hóa ở buôn làng, phục hồi di sản văn hóa cồng chiêng, tổ chức biên soạn luật tục của các dân tộc và khôi phục các lễ hội văn hóa, loại bỏ dần hủ tục, hình thành nếp sống văn minh… Sự phát triển toàn diện của các tỉnh Tây Nguyên đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới.

- Sự ổn định và phát triển vùng dân tộc thiểu số là nhân tố quan trọng bảo đảm sự ổn định và phát triển của Tây Nguyên

Cùng với chính sách phát triển miền núi trong cả nước, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách đặc thù đối với vùng dân tộc thiểu số Tây Nguyên, đẩy mạnh thực hiện chính sách dân tộc, tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách về đất đai, nhà ở, giao rừng, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đã dành một nguồn lực lớn từ Chương trình 168, 135 và các chương trình mục tiêu quốc gia khác về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình 132, 134 về giải quyết đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số đã được triển khai, thực hiện quyết liệt. Đã có nhiều chủ trương, giải pháp và tổ chức lồng ghép các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư, phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho đồng bào; hình thành mạng lưới khuyến nông, khuyến lâm hoạt động ở buôn làng. Nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã xây dựng mô hình liên kết làm ăn với doanh nghiệp có hiệu quả trên cơ sở đất đai, lao động của dân và doanh nghiệp tạo nguồn vốn, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm. Phong trào tương trợ, kết nghĩa của các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, cán bộ, nhân dân vùng đồng bào Kinh với các buôn làng dân tộc thiểu số ngày càng phát triển rộng khắp và trở thành việc làm tự giác. Nhiều nơi hỗ trợ giống, phân bón, lương thực, thuốc chữa bệnh; làm cầu, đường, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; chuyển giao kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho các buôn làng… Thực tiễn cho thấy, sự ổn định và phát triển vùng dân tộc thiểu số đã tạo nền tảng, động lực cho sự phát triển ổn định, bền vững của Tây Nguyên.

- Việc thực hiện tốt chính sách tôn giáo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của Tây Nguyên

Thực chất tình hình an ninh tại các vùng chiến lược là vấn đề các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động, chống phá. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên đã quán triệt, thực hiện đúng đắn, nhất quán chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, nhất là đối với đạo Tin Lành, bảo đảm nhu cầu hợp pháp và chính đáng của nhân dân.. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo, tập trung giải quyết cơ bản nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của quần chúng tín đồ, nhất là việc công nhận tư cách pháp nhân, đăng ký sinh hoạt tại cơ sở, đào tạo chức sắc, xây dựng nơi thờ tự. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn âm mưu, ý đồ lợi dụng tôn giáo gây mất ổn định chính trị, xã hội; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động truyền đạo trái phép, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng căn cứ cách mạng. Chăm lo công tác vận động quần chúng tín đồ, tranh thủ chức sắc; đặt lên hàng đầu vấn đề giữ dân, không để bọn phản động lợi dụng tôn giáo lôi kéo quần chúng. Thúc đẩy xu hướng tuân thủ pháp luật trong các tôn giáo; tập trung nắm, xây dựng, bồi dưỡng số chức sắc, chức việc có quan điểm, thái độ đúng đắn, tích cực tham gia công tác xã hội, làm hạt nhân tổ chức, động viên quần chúng tham gia phong trào thi đua yêu nước. Thực tiễn cho thấy, việc giải quyết tốt vấn đề đạo Tin lành, gắn với mục tiêu xây dựng thế trận lòng dân vững chắc đã góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Tây Nguyên.

- Coi trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số

Qua các cuộc biểu tình bạo loạn 2001, 2004 cho thấy, hệ thống chính trị cơ sở vùng Tây Nguyên đã bộc lộ rõ sự yếu kém về năng lực và bản lĩnh chính  trị, nhiều nơi bị vô hiệu hóa, cán bộ không dám đấu tranh trực diện với số đối tượng FULRO. Vì vậy, cùng với việc nâng cao chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở, các tỉnh Tây Nguyên đã chỉ đạo củng cố lại lực lượng công an, dân quân tự vệ, cốt cán của các đoàn thể ở những xã, buôn làng trọng điểm; tập trung phát triển kết hợp với điều động đảng viên đến vùng sâu, vùng xa để giải quyết tình trạng “trắng” đảng viên và tổ chức đảng. Thực hiện Quyết định số 253/QĐ-TTg ngày 5/3/2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Một số giải pháp củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên giai đoạn 2002-2010”, đã tập trung đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị cho cán bộ xã, buôn làng dưới nhiều hình thức. Nhiều tỉnh đã vận dụng chính sách, chủ động bổ sung chức danh làm việc tại xã theo yêu cầu thực tế; tuyển sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng về làm việc để nâng dần trình đội ngũ cán bộ, công chức. Việc đầu tư xây dựng trụ sở, trang thiết bị làm việc của cấp xã được quan tâm; từng bước vận dụng, điều chỉnh hợp lý chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ không chuyên trách và cán bộ buôn làng. Công tác quy hoạch, tạo nguồn, sử dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số đã được quan tâm; đồng thời có chính sách ưu tiên đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ người dân tộc thiểu số. Mặt trận và các đoàn thể đã tích cực thu hút đoàn viên, hội viên; từng bước đổi mới phương thức, nội dung hoạt động, gần dân, sát dân; triển khai nhiều chương trình hoạt động thiết thực, hiệu quả trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác xây dựng buôn làng đã được chú ý, nhất là xây dựng quy ước, hương ước và tổ chức phong trào tự quản về an ninh, trật tự; đề cao vai trò của già làng, trưởng buôn, trưởng các dòng họ, người có uy tín trong công tác giáo dục, vận động quần chúng.

Thực tiễn cho thấy, địa bàn nào có chính quyền cơ sở vững mạnh, có đội ngũ cán bộ trong sạch, đoàn kết vì nhân dân phục vụ, giải quyết tốt các vấn đề bức xúc của đồng bào dân tộc thiểu số; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được quan tâm đúng mức và chính sách dân tộc được thực hiện tốt, thì ở địa bàn đó không có phức tạp về an ninh, trật tự.

3. Trong thời gian tới, tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; đất nước ta có những thuận lợi cơ bản, nhưng vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức đan xen; âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta vẫn không thay đổi; Tây Nguyên vẫn là một trong những địa bàn trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch.

Để Tây Nguyên phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái của đất nước, các cấp ủy đảng, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi của các tỉnh giáp với Tây Nguyên cần tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt các chỉ thị nghị quyết của Đảng, Chính phủ, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18/01/2002 của Bộ Chính trị (khóa IX) về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001 – 2010; Thông báo Kết luận số 148-TB/TW ngày 16/7/2004 của Bộ Chính trị (khóa X) về phát triển vùng Tây Nguyên toàn diện, bền vững; Kết luận số 12-KL/TW ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011 – 2020; chú ý thực hiện một số công tác sau đây:

- Tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Giải quyết tốt vấn đề về đất đai, việc làm nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập; đánh giá hiệu quả việc sử dụng đất nông nghiệp đã giao cho đồng bào thời gian qua để rút kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng; phấn đấu đến năm 2015 giải quyết căn bản vấn đề đất đai, ưu tiên giải quyết đủ đất sản xuất, tập trung vào việc giao rừng, khoán rừng để đồng bào có thể sinh sống được từ nghề rừng. Đồng thời, giải quyết vấn đề thuỷ lợi, hỗ trợ cây, con giống, làm tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm để đồng bào phát triển sản xuất, cải thiện đời sống ngay trên diện tích đất được giao.

Làm tốt công tác định canh, định cư và ổn định đời sống đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, đặc biệt là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, vùng biên giới và đồng bào kinh tế mới, số di cư tự do đang gặp khó khăn, để hạn chế và tiến tới chấm dứt việc di dân tự do. Quy hoạch và chuẩn bị xây dựng dự án tái định cư theo hướng xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội, đất đai cho sản xuất và đất ở nhằm tiếp nhận thêm dân địa phương và một bộ phận dân ở vùng khác đến lập nghiệp, trong đó có dân tái định cư của một số dự án thủy điện. 

Tranh thủ nguồn vốn của Nhà nước, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, phát huy tinh thần tự lực của người dân để vươn lên xóa đói, giảm nghèo; đẩy mạnh việc tổ chức liên kết sản xuất, khuyến khích các doanh nghiệp, công ty, nông trường đóng vai trò đỡ đầu, liên kết làm ăn trên cơ sở đất đai và lao động của dân cộng với vốn đầu tư, khoa học, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động trong vùng dân tộc thiểu số. Quan tâm đầu tư phát triển các ngành dịch vụ nông nghiệp ở các buôn làng, khôi phục các nghề thủ công truyền thống, hỗ trợ giúp đồng bào giảm việc làm nông nghiệp, tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp để giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đào tạo, dạy nghề, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại Tây Nguyên, mở rộng dạy nghề và hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật tại buôn, làng … để người lao động vận dụng các kiến thức kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.

Tập trung vốn cho các công trình dự án cấp bách, trọng điểm, trong đó ưu tiên các dự án nâng cấp các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ huyết mạch. Tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phục vụ công tác giảm nghèo, bảo đảm cho tất cả các xã, buôn làng có đường giao thông đi lại cả hai mùa, có điện, hệ thống cấp nước, trường học, trạm xá, bưu điện và các cơ sở dịch vụ sản xuất thiết yếu.

Đi đôi với việc tập trung phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, các địa phương cần nắm chắc tình hình để chủ động và phối hợp với các bộ, ngành liên quan cứu trợ kịp thời về lương thực, nhất là lúc giáp hạt, thiên tai, dịch bệnh, mất mùa, kiên quyết không để xảy ra thiếu đói, đồng thời hỗ trợ một số vật tư cần thiết để khôi phục sản xuất.

- Phát triển văn hóa, giáo dục, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và địa bàn biên giới.

Tập trung xây dựng đời sống văn hóa mới và bảo đảm nhu cầu sinh hoạt văn hóa của đồng bào các dân tộc, trên cơ sở bảo tồn những tinh hoa văn hóa truyền thống, gìn giữ, kế thừa có chọn lọc, phát huy những giá trị tiêu biểu, loại bỏ dần hủ tục, từng bước xây dựng giá trị mới về văn hóa, nghệ thuật, hình thành nếp sống văn minh. Tiếp tục đầu tư nghiên cứu, sưu tầm, phục hồi các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, khôi phục các lễ hội và sinh hoạt văn hóa truyền thống theo nhu cầu, nguyện vọng của quần chúng.

Phát triển mạnh giáo dục, đào tạo hướng vào việc hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân; từng bước đầu tư nâng cấp, chuẩn hóa trường lớp, đội ngũ giáo viên, có chính sách đặc thù để nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số. Mở rộng chính sách cử tuyển để đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số, phát triển các loại hình nội trú, bán trú, trung tâm học tập cộng đồng.

Phấn đấu đến năm 2015, hệ thống y tế và dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân phát triển rộng khắp, đồng bộ, chất lượng cao theo hướng xã hội hóa, đạt 100% số cụm xã có phòng khám khu vực, trạm y tế có bác sĩ, thôn buôn có y tế cộng đồng và trẻ em được tiêm chủng đủ các loại vắc xin. Khống chế có hiệu quả các dịch bệnh; bảo đảm đồng bào dân tộc thiểu số được khám, chữa bệnh miễn phí, thu hẹp sự chênh lệch về khả năng tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ, y tế, chăm sóc sức khỏe của dân cư giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa với các khu dân cư khác.

- Bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, xã hội.

 Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, đề án của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng Tây Nguyên; thực hiện tốt các chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, chính sách tôn giáo, dân tộc, xóa bỏ tư tưởng kỳ thị, tự ti, ly khai, tự trị; tiếp tục ban hành những chủ trương, giải pháp tổng thể nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội và củng cố an ninh, quốc phòng trong toàn vùng. Tập trung thực hiện nghiêm túc Kết luận số 86-KL/TW ngày 05/11/2010 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh quốc gia trong tình hình mới”; Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; Chỉ thị số 03- CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chủ trương, biện pháp cấp bách nhằm tiếp tục đấu tranh xóa bỏ tổ chức phản động đòi thành lập “Nhà nước Đêga độc lập” ở Tây Nguyên; Chỉ thị số 16/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh xóa bỏ tổ chức phản động FULRO trên địa bàn Tây Nguyên…

Để giữ vững an ninh, trật tự, phục vụ có hiệu qủa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, phải tổ chức tốt công tác nắm tình hình, phân tích và dự báo đúng tình hình, đặc biệt là nắm tình hình từ xa, từ bên ngoài và tại cơ sở để kịp thời đề xuất các chủ trương, giải pháp, đối sách chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Khẩn trương giải quyết các vụ việc tranh chấp khiếu kiện đất đai có liên quan đến tôn giáo, dân tộc; kiên quyết xử lý các hoạt động lợi dụng khiếu kiện để gây rối, phá hoại. Kết hợp biện pháp giáo dục, thuyết phục, vận động quần chúng với huy động lực lượng đấu tranh, trấn áp, xử lý dứt điểm những vụ việc phức tạp tại chỗ, ngay tại cơ sở, không để lan rộng, kéo dài, không để trở thành “điểm nóng”, không để địch lợi dụng chống phá.

Tăng cường công tác quản lý, giáo dục, cảm hóa đối tượng liên quan đến FULRO đang sinh sống ở cộng đồng, coi đây là công tác thường xuyên, lâu dài và đặt dưới sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của các cấp ủy đảng, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể để tạo điều kiện cho họ ổn định cuộc sống, từ bỏ tâm lý dân tộc hẹp hòi, ý thức về “Nhà nước Đêga”.

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền và đối ngoại; hợp tác có hiệu quả với Lào, Cămpuchia trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự khu vực biên giới hai nước.

Công tác đảm bảo an ninh, trật tự phải được giải quyết trong mối quan hệ tổng thể giữa phát triển kinh tế, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, gắn thế trận an ninh nhân dân với thế trận quốc phòng toàn dân; sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng dưới sự lãnh đạo của Đảng; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Tập trung chỉ đạo, củng cố, kiện toàn và nâng cao sức mạnh của hệ thống chính trị cơ sở; xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số đủ sức đảm đương nhiệm vụ; có chính sách cụ thể để tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số có năng lực và uy tín trong hệ thống chính trị ở cơ sở; làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức chính trị cho đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, tranh thủ người có uy tín trong đồng bào dân tộc, chức sắc trong tôn giáo, kết hợp với đấu tranh vô hiệu hóa hoạt động của bọn phản động.

- Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo

Thực hiện tốt chính sách tôn giáo, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sức mạnh thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, ổn định chính trị, xã hội. Đối với đạo Tin lành, các cấp uỷ đảng, tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Kết luận số 160/KL-TW của Ban Bí thư Trung ương, Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác đối với đạo Tin lành, từng bước đưa sinh hoạt của đạo Tin lành vào quản lý bằng pháp luật, góp phần làm thất bại âm mưu tuyên truyền, xuyên tạc, lợi dụng của các thế lực thù địch.

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, xoá bỏ tư tưởng dân tộc hẹp hòi, kỳ thị dân tộc, tư tưởng ly khai, tự trị đang tồn tại trong một bộ phận đồng bào; đấu tranh ngăn chặn việc hình thành và xoá bỏ về mặt tổ chức đối với “Tin lành Đêga”, giáo dục, cảm hoá những đối tượng hoạt động FULRO đội lốt Tin lành. Đối với các tà đạo, chủ trương của ta là phải kiên quyết xóa bỏ ngay, không để tồn tại, gây phức tạp tình hình.

Các cơ quan, ban ngành cần chủ động tổ chức và tạo mọi điều kiện để các đoàn ngoại giao, phóng viên nước ngoài đến làm việc, gặp gỡ các chức sắc, tín đồ để họ có thông tin chính xác, khách quan về chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta.

- Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh

Tập trung xây dựng, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, gần dân, sát dân, hoạt động ngày càng có chất lượng, hiệu quả, động viên được sức mạnh của quần chúng nhân dân trong phát triển sản xuất, xây dựng buôn làng, chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh từ cơ sở. Từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức; phấn đấu thu hẹp nhanh số thôn buôn “trắng” đảng viên và “trắng” tổ chức đảng, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tôn giáo, phấn đấu đến năm 2013 tỷ lệ thôn, buôn có đảng viên đạt 100%, đến 2015 tỷ lệ thôn, buôn có tổ chức đảng đạt 100%.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác cán bộ là người dân tộc thiểu số; duy trì tỷ lệ thích đáng và bảo đảm cơ cấu cán bộ người dân tộc thiểu số trong bộ máy đảng, chính quyền từ các tỉnh đến cơ sở, đồng thời quy hoạch tạo nguồn, chuẩn bị đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, đảm bảo có đội ngũ kế cận trong 5 - 10 năm. Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số theo phương châm: Kết hợp vừa đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, vừa bồi dưỡng bổ sung kiến thức phổ thông để bảo đảm chuẩn về văn hóa, vừa đào tạo bồi dưỡng về lý luận chính trị.

Việc ổn định, phát triển Tây Nguyên phải đặt trong tổng thể chung của cả nước, gắn với khu vực trọng điểm miền Trung, Ðông Nam Bộ, khu vực “Tam giác phát triển” Việt Nam - Lào - Campuchia. Phát triển vùng Tây Nguyên toàn diện, bền vững phải trên nền tảng bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, xã hội và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới. Từ nay đến năm 2020, phấn đấu xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm, có lực lượng sản xuất phát triển ở mức trung bình của cả nước, có tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế vững chắc, đời sống văn hoá, trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc được cải thiện, chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững./.

Theo Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ [TT: N.K.T]