Phụ nữ dân tộc thiểu số - những bông hoa giữa đời thường
02:35 AM 23/10/2012 | Lượt xem: 2803 In bài viết |Những năm qua, trong sự phát triển, đổi mới của đất nước, Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của người phụ nữ nói chung và phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng, đồng thời luôn tạo điều kiện để phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.
Ngày nay phụ nữ dân tộc thiểu số luôn nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, năng động sáng tạo, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển chung của đất nước. Nhiều chị em đã tham gia vào các phong trào thi đua, nhiều cuộc vận động, thực hiện hiệu quả công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng kinh tế tại các địa phương.
Châu Hồng Hoa: “Đầu tàu” của phong trào thanh niên
Năm 2004, khi được bầu làm Bí thư Đoàn xã Tân Phú (huyện Châu Thành) chị Châu Hồng Hoa dân tộc Khmer đã mạnh dạn xây dựng đề án mô hình chăn nuôi lợn nái và trình lên Đảng ủy, UBND xã, đồng thời tham mưu với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ cho đoàn viên thanh niên (ĐVTN) được vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Ban đầu có 30 ĐVTN được ngân hàng cho vay với số tiền 150 triệu đồng.
Qua 3 tháng chăn nuôi, lứa lợn đầu tiên được xuất chuồng, hơn 50% số ĐVTN tham gia chương trình đã đạt hiệu quả như mong muốn với mức lợi nhuận khoảng 3 triệu đồng/hộ. Từ thành công mô hình chăn nuôi, chị tiếp tục mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo địa phương mở các lớp dạy nghề may gia dụng, sửa xe, uốn tóc. Châu Hồng Hoa còn mạnh dạn mở các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật, trồng lúa, trồng màu cho ĐVTN cũng như người dân ở địa phương để nâng cao kiến thức về khoa học kỹ thuật, đem lại hiệu quả cao trong sản xuất.
Cuối năm 2009, Hồng Hoa được bầu làm Bí thư Huyện đoàn Châu Thành, chị vẫn quyết tâm tạo nghề cho thanh niên. Chị liên hệ được với một số công ty sản xuất tại TP.HCM hỗ trợ nguyên liệu và lo đầu ra cho sản phẩm làng nghề do thanh niên trong huyện làm ra.
Bùi Thị Phú: “Chị vườn - ao - chuồng - rừng”
Đến thôn Đồng Lượn, xã Điền Trung, Bá Thước (Thanh Hóa) hỏi thăm chị Bùi Thị Phú, dân tộc Mường, 47 tuổi, bà con ai cũng bảo: "Ở đây chúng tôi gọi chị ấy là Phú vườn - ao - chuồng - rừng” (VACR)...".
Trước đây, gia đình chị làm tới 1 mẫu ruộng, nhưng năm nào cũng thiếu ăn 3 - 4 tháng. Nguyên nhân lớn nhất là do chưa biết cách thâm canh nên năng suất lúa chỉ đạt 40 - 50 kg/sào. Nhờ chủ trương giao đất, giao rừng, chị bàn với chồng nhận 2 ha đất đồi núi trọc để phát triển mô hình trồng rừng, chủ yếu là cây luồng, đồng thời nhận khoán bảo vệ 2 ha rừng phòng hộ.
Hai năm đầu, khi cây chưa khép tán, chị trồng xen sắn để lấy ngắn nuôi dài. Kết quả, mỗi năm chị thu được 10 tấn sắn tươi. Ngoài ra, chị còn đào 400 m2 ao, mỗi năm thả 100 kg cá rô phi đơn tính; trong chuồng nuôi 20 con lợn nái và trên 200 con vịt/đợt. Tận dụng 2 ha rừng phòng hộ, chị chăn thả 40 con dê. Những năm trở lại đây, chị Phú thu hoạch sản phẩm từ VACR, tổng trị giá gần 600 triệu đồng, trừ chi phí, chị còn lãi trên 150 triệu đồng/năm. Chị còn bán chịu cây giống cho bà con nghèo, số tiền lên tới chục triệu đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 6 - 8 lao động.
Nguyễn Mai Ngọ: Người phụ nữ tiêu biểu trong phong trào "nhà sạch, vườn đẹp"
Là giáo viên đã về nghỉ chế độ, nhiều năm liền chị Nguyễn Mai Ngọ, thôn Sơn Hà, xã Ngọc Đường, thành phố Hà Giang được biết là Chủ tịch Hội Phụ nữ thôn Sơn Hà. Không chỉ tích cực tham gia các phong trào đoàn thể của thôn, của xã, chị còn vận động chị em phụ nữ trong thôn tích cực tham gia các phong trào của địa phương.
Chị Ngọ áp dụng khoa học kỹ thuật trồng rau sạch theo mùa vụ và các loại hoa quả mùa nào thức ấy tăng thu nhập cho gia đình mỗi năm vài chục triệu đồng. Không chỉ thực hiện tốt các phong trào xã hội và phát triển kinh tế gia đình, chị Nguyễn Mai Ngọ còn giúp vốn, hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng cho chị em phụ nữ trong thôn, xã phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Thuận Thị Trào: Hết lòng vì người nghèo
Sinh ra và lớn lên ở làng Chăm có truyền thống về nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, chị Thuận Thị Trào, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) đã sớm trưởng thành trong nghề dệt thổ cẩm, trở thành nữ nghệ nhân lão luyện ở làng Chăm, Mỹ Nghiệp.
Chị đã vận động và thành lập được 10 tổ, nhóm phụ nữ, mỗi nhóm từ 15 - 20 người, mỗi tháng sinh hoạt một lần cùng góp vốn để giúp nhau đầu tư làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Chị còn tranh thủ vận động quỹ tình thương được hàng chục triệu đồng, để giúp đỡ các gia đình khó khăn, hoạn nạn. Hầu hết các hộ vay vốn, được chị động viên, giúp đỡ, tạo hướng làm ăn... nên kinh tế gia đình đã có sự thay đổi, đời sống ngày một ấm no, văn hóa tinh thần được nâng cao.
Triệu Thị Lanh: Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ, tổ trưởng tổ vay vốn đa tài
Nhanh nhẹn, nhiệt tình, năng nổ, hết mình với công tác Hội là cảm nhận của bất kỳ ai khi tiếp xúc, làm việc với chị Triệu Thị Lanh, người con của bản người Dao Suối Bòng, xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn (Phú Thọ). Trong vai trò nào chị cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ và được bà con dân bản yêu mến. Người Dao ở bản Suối Bòng gọi chị với cái tên trìu mến “chị Lanh đa tài”.
Với vai trò Ủy viên Ban chấp hành Hội Phụ nữ xã Xuân Đài, tổ trưởng tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách, chị Lanh đã hướng dẫn hội viên phụ nữ trong thôn, bản cách làm ăn, sản xuất kinh doanh bằng vốn vay từ quỹ, tổ chức cho chị em học tập kinh nghiệm lẫn nhau, giúp nhau về cây giống, con giống để cùng phát triển kinh tế gia đình, xây dựng đời sống mới. Nhờ vậy mà cuộc sống của bà con dân bản đã ngày một khấm khá hơn.
Trong công tác dân số, chị Lanh đã vận dụng phương pháp tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu”, nhờ đó, nhiều năm nay, bản Suối Bòng không có trường hợp sinh con thứ 3...
Thạch Thị Xuyên: Nữ bí thư chi bộ hết lòng với phum sóc
Ấp Bàu Sơn, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành (Trà Vinh) bây giờ không còn là ấp nghèo, vùng đất chỉ biết trồng cây lúa một vụ trong năm. Hơn 90% hộ đồng bào Khmer trong ấp đã có cuộc sống ổn định, không còn cảnh thiếu ăn vào mùa giáp hạt. Có được điều đó là nhờ sự đóng góp không nhỏ của chị Thạch Thị Xuyên, dân tộc Khmer, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban nhân dân ấp.
Chị Xuyên đã cùng với các tổ chức đoàn thể vận động những hộ nghèo, hộ cận nghèo cùng nhau thành lập các tổ tương trợ sản xuất và tiết kiệm góp vốn. Chị còn đề xuất với lãnh đạo UBND xã hỗ trợ xây dựng các dự án nhỏ về chăn nuôi, trồng nấm rơm, mua bán nhỏ để hộ nghèo được vay vốn ưu đãi. Việc làm thiết thực nên ấp Bàu Sơn nhanh chóng thành lập được 6 tổ tương trợ sản xuất, với 106 hộ nghèo tham gia. Bình quân mỗi năm, hộ nghèo trong tổ được vay vốn ưu đãi từ 3 - 5 triệu đồng và được mượn vốn tương trợ 2 triệu đồng để sản xuất chăn nuôi. Nhờ đó, 106 hộ nghèo lần lượt đến nay đã thoát nghèo.
Cao Mỳ Xí: Vươn lên làm giàu từ mô hình trang trại tổng hợp
Chúng tôi ghé thăm mô hình trang trại tổng hợp rộng hơn 3 ha của người phụ nữ dân tộc Hà Nhì, chị Cao Mỳ Xí, ở bản Pô Tô, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ (Lai Châu), một mô hình giúp phụ nữ biên giới phát triển kinh tế của bộ đội biên phòng.
Chị Xí cho biết: Trước đây, khi mới lập gia đình, cuộc sống gia đình rất khó khăn. Được chính quyền xã và cán bộ biên phòng vận động việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Sau năm đầu tiên thu hoạch từ chuối, có chút vốn, anh chị đã mạnh dạn mở rộng trang trại của mình để đào ao, thả cá kết hợp chăn nuôi lợn. Không dừng lại ở đó, gia đình còn mua thêm 4 xe ô tô để chuyên thu mua nông sản của bà con trong vùng. Hiện với mô hình kinh tế tổng hợp này, hàng năm trừ chi phí, gia đình chị thu về trên 300 triệu đồng. Mô hình kinh tế của gia đình chị đã góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều chị em và thanh niên trong bản, trở thành kinh nghiệm để hơn 400 hộ hội viên phụ nữ khác trong toàn xã áp dụng và thành công.
Theo baotintuc.vn