Bình Thuận sau 1 năm triển khai, thực hiện Quyết định 18 của Thủ tướng Chính phủ đối với người uy tín trong vùng đồng bào DTTS
10:57 AM 17/04/2013 | Lượt xem: 2563 In bài viết |Tỉnh Bình Thuận với tổng dân số là 1.157.199 người, gồm 35 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 34 dân tộc thiểu số (DTTS), với 84 nghìn người (chiếm 7% dân số toàn tỉnh); đồng bào DTTS sinh sống ở 15 xã thuần và 32 thôn xen ghép thuộc 8/10 huyện, thị, thành phố của tỉnh. Các DTTS có dân số không đều nhau, nhưng cư trú rộng khắp trên địa bàn của tỉnh. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, lễ hội riêng, rất phong phú và đa dạng tạo nên tính thống nhất trong nền văn hoá của địa phương.
Trong những năm qua được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội trong vùng đồng bào DTTS có bước cải thiện. Đặc biệt, tỉnh Bình Thuận đã ban hành một số chính sách đặc thù đối với đồng bào DTTS như: Nghị quyết 17 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020. Chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên theo Quyết định 93, 09; chính sách đầu tư ứng trước và trợ cước vận chuyển theo Quyết định 41; chính sách phát triển cây cao su vùng đồng bào DTTS theo Quyết định số 1592.., cơ bản đã giải quyết vấn đề lương thực và chấm dứt tình trạng đói triền miên trong đồng bào DTTS. Hệ thống giao thông đi lại được thuận lợi; bản sắc văn hoá dân tộc được khôi phục, khối đại đoàn kết các dân tộc ngày càng thắt chặt; lòng tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước ngày một nâng lên. Tuy vậy, tình hình kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào DTTS phát triển chưa vững chắc; trình độ dân trí thấp, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống còn khó khăn, phong tục tập quán còn nhiều lạc hậu. Vì vậy, việc phát huy vai trò của người có uy tín trong việc tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc tỉnh Bình Thuận là cần thiết và có ý nghĩa rất quan trọng trong điều kiện hiện nay.
Xác định người uy tín là cầu nối giữa chính quyền, đoàn thể, quần chúng nhân dân và các hộ gia đình trong dòng tộc, tôn giáo và là người tích cực, gương mẫu đi đầu trong công tác vận động đồng bào tham gia hưởng ứng các chủ trương, chính sách và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống dân tộc hiện nay. Thực hiện Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, năm 2012 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1605/QĐ-UBND ngày 20/8/2012 về công nhận danh sách người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Bình Thuận với 86 vị/9 dân tộc; đồng thời, chỉ đạo các ngành liên quan tổ chức tập huấn bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức cho người có uy tín trong đồng bào DTTS và tổ chức cho người có uy tín đi thăm quan, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh; kết hợp tổ chức thăm hỏi, chúc Tết và cấp báo miễn phí cho người có uy tín nhân dịp các ngày lễ, tết Katê, Lễ Ramưwan, Tết đầu lúa của đồng bào nhằm phát huy tối đa vai trò của người có uy tín trong công tác vận động quần chúng trong trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc vai trò văn hóa truyền thống các dân tộc ở địa phương.
Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận tuy có nguồn gốc xuất thân từ nhiều thành phần dân tộc, nghề nghiệp, độ tuổi, giới tính khác nhau nhưng họ đã xác định đúng đắn về vai trò, vị trí, nhiệm vụ của mình trong việc tham gia, vận động quần chúng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc trên các lĩnh vực như:
Về công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo Trung ương và địa phương. Người có uy tín đã phối hợp với chính quyền, mặt trận, đoàn thể ở địa phương tổ chức triển khai quán triệt, phổ biến các văn bản như: Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về “Xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Chỉ thị 39/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định 1211/QĐ-TTg ngày 05/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu về văn hóa giai đoạn 2012-2015; Quyết định 04 của Bộ Văn hoá Thông tin; Nghị quyết số 04 (khóa IX) của Tỉnh uỷ Bình Thuận...; kết hợp tuyên truyền, vận động đồng bào xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư; thực hiện nếp sống văn hoá, cải tiến các hủ tục lạc hậu, thực hiện kế hoạch hoá gia đình, thực hiện phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học, giáo dục đạo đức và lối sống cho lớp trẻ, đồng thời tích cực xây dựng và bổ sung thực hiện hương ước về nếp sống văn hoá, chống lại ảnh hưởng của văn hoá đồi trụy, nạn tảo hôn…Đến nay trong vùng đồng bào DTTS đã có nhiều công trình vệ sinh được xây dựng, việc sinh con thứ ba đã giảm đáng kể, con cháu chăm lo phụng dưỡng cha mẹ, ông bà.
Về công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Người uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Bình thuận đã phối hợp cùng chính quyền địa phương vận động đồng bào thực hiện tốt việc cưới, việc tang và lễ hội, đảm bảo tiết kiệm, vệ sinh phù hợp với đặc thù vùng đồng bào DTTS, như: Việc tổ chức cưới, hỏi được thực hiện theo quy định pháp luật. Hầu hết nam, nữ thanh niên dân tộc đăng ký kết hôn đúng độ tuổi, hiện không còn tệ thách cưới. Tùy theo tôn giáo và điều kiện của mỗi dân tộc, sính lễ và hình thức tổ chức cưới, hỏi gọn nhẹ, bớt rườm ra, thời gian tổ chức cưới được rút ngắn (trước kia kéo dài 2-3 ngày). Xã Phan Hoà (là nơi tập trung đồng bào Chăm theo đạo Bani) đã đi đầu trong việc tổ chức đám cưới tập thể cho nhiều đôi vợ chồng trẻ dưới sự chủ trì nghi lễ của các chức sắc tôn giáo cùng với sự chứng kiến của hai họ, chính quyền, đoàn thể. Việc tang trong đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều tiến bộ. Người chết được đồng bào Chăm Hồi giáo Bani chỉ để 1 ngày đêm (trước kia phải để 1 tuần). Đối với người Chăm Bà La Môn đám thiêu không để quá 4 ngày (trước kia từ 7 – 10 ngày). Đối với xã Phú Lạc (huyện Tuy Phong), đám tang được thực hiện theo quy ước của làng đề ra. Đối với đám tang của đồng bào DTTS vùng cao Raglay, K’ho, Chơ ro đã tiết kiệm nhiều chi phí và chỉ để 24 giờ là địa táng. Cộng đồng người Nùng, Hoa khi có người chết sau 48 giờ tổ chức chôn cất, hạn chế đốt vàng mã, xoá bỏ dần việc báo tang từng nhà. Các lễ hội Katê của đồng bào dân tộc Chăm đạo Bàlamôn, lễ hội Ramưwan của người Chăm Hồi giáo (Bani); lễ hội Nhôvrêhê, Tết đầu lúa của đồng bào dân tộc Raglay, K’ho; lễ Tả Tài Phán của người Nùng - Hoa hằng năm đều được Ban Dân tộc tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh thăm và chúc Tết. Trong các dịp lễ trên, nhiều địa phương đã kết hợp tổ chức ngày hội cho đồng bào dưới các hình thức: tổ chức các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, thi đấu bóng rổ, bóng chuyền, cờ tướng, cầu lông...cùng giao lưu với các xã bạn nhằm góp phần tạo sự đa dạng cũng như tạo sự thân tình đoàn kết của các dân tộc ở địa phương.
Về phát triển và khôi phục ngành nghề truyền thống. Người có uy tín là người “giữ lữa” đối với việc bảo tồn, phát triển các ngành nghề truyền thống như nghề gốm ở Bình Đức, nghề dệt thổ cẩm ở Phan Hòa, đan lát của đồng Raglay, Cơ ho. Đến nay, công tác đào tạo nghề cho đồng bào được chú ý, đã tổ chức liên kết với các doanh nghiệp và các nghệ nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ đào tạo nghề dệt thổ cẩm, đan lát cho 337 lao động dân tộc Chăm, Cờho, Răglay; ngoài ra còn chiêu sinh đào tạo nghề may công nghiệp cho 33 thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số.
Về công tác bảo tồn tiếng nói chữ viết dân tộc thiểu số. Người có uy tín là người đã phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương vận động con em là học sinh các cấp tham gia các lớp dạy học song ngữ học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình nhằm giữ bản sắc dân tộc, như chữ viết – tiếng nói Chăm dành cho học sinh bậc tiểu học ở huyện Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc; các lớp dạy tiếng Hoa ở các vùng có đông đồng bào Hoa, Nùng sinh sống.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Trong năm 2012, người có uy tín đã tích cực giúp các ngành và địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các chính sách dân tộc cho hơn 1.200 lượt người. Họ là những người gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương, chính sách và pháp luật; tích cực vận động nhiều hộ gia đình, dòng tộc trong thôn, bản xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Dòng tộc văn hóa”, xây dựng nếp sống văn minh ở khu dân cư; vận động và giúp đỡ nhiều hộ đồng bào tự lực, tự cường vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình; phối hợp với tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động thanh niên ở đia phương thực hiện tốt Luật An toàn giao thông, không gây rối và nói không với các tệ nạn xã hội. Một số địa phương xảy ra tình trạng gây rối trật tự xã hội, tệ nạn mê tín dị đoan, hoạt động truyền đạo trái phép, bán đất, phá rừng làm rẫy... người có uy tín đã kịp thời phối hợp với các cấp, các ngành địa phương ngăn chặn kịp thời.
Bên cạnh đó, người có uy tín là người đi đầu trong việc đóng góp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự xã hội và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng vững chắc, chống lại các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá nước ta... Nhờ đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi ngày một ổn định, những âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch đều được ngăn chặn kịp thời, không có điểm nóng xảy ra.
Có thể khẳng định rằng, qua 01 năm triển khai thực hiện Quyết định 18 của Thủ tướng Chính phủ, chính quyền địa phương luôn quan tâm xây dựng và phát huy vai trò người có uy tín, các vị chức sắc và già làng, trưởng bản, bước đầu tạo điều kiện thuận lợi để người có uy tín có ý thức trách nhiệm, hoạt động tại địa phương. Đến nay, nhiều người có uy tín là tấm gương sáng mẫu mực trong gia đình, dòng họ, cộng đồng. Nhiều người có uy tín không những sản xuất, kinh doanh giỏi mà còn vận động họ tộc giúp nhau vượt qua khó khăn, tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình thoát nghèo.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số yếu kém, đó là: Người có uy trong tỉnh chiếm số lượng ít (chiếm tỷ lệ 0,10% dân số các DTTS), địa bàn cư trú phân tán; một số người có uy tín chưa mạnh dạn và chủ động phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết những vấn đề bức xúc của cơ sở; chế độ chính sách đối với người uy tín còn bất cập; công tác phối hợp với các ngành liên quan chưa đồng bộ.
Để tiếp tục phát huy vai trò của người có uy tín trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận trong thời gian tới, cần quan tâm một số nhiệm vụ chủ yếu như: Tiếp tục quan tâm thực hiện chính sách dân tộc đối với đồng bào DTTS, cụ thể là đầu tư xây dụng kết cấu cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới để làm chuyển biến về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao dân trí vùng đồng bào dân tộc; Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng, trình độ đối với người có uy tín. Đồng thời, cần thiết phải tổ chức các Hội thảo về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trong đó có sự tham gia của người có uy tín; Tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách đối với người có uy tín; Thiết lập một mạng thông tin liên lạc chặt chẽ giữa người có uy tín với chính quyền địa phương, Ban Dân tộc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Công an tỉnh (thông qua cán bộ được phân công trực tiếp làm công tác quản lý); Tăng cường số lượng ấn phẩm báo, tạp chí của Trung ương (được cấp theo Quyết định 2472/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ) cấp cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; Hằng năm cần tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm để khẳng định ví trí, vai trò của người uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Trên cơ sở đó nghiên cứu, bổ sung các chế độ chính sách cho phù hợp, đồng thời có những phần thưởng xứng đáng đối với người uy tín đã tích cực tham gia đóng góp các phong trào tại địa phương./.
Nguyễn Thị Ngọc Bích