Thực trạng và một số giải pháp nhằm quản lý, sử dụng đất đai có hiệu quả ở Tây Nguyên
11:05 AM 17/04/2013 | Lượt xem: 7517 In bài viết |Theo số liệu thống kê đất đai năm 2011, Tây Nguyên có tổng diện tích tự nhiên là 5,46 triệu ha, trong đó có 1,99 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp và 2,8 triệu ha đất lâm nghiệp (có 2,6 triệu ha rừng tự nhiên). Diện tích đất bazan chiếm 28,1% tổng diện tích tự nhiên của vùng và 74,25% diện tích đất bazan của cả nước (2,06 triệu ha). Đất đai và khí hậu Tây Nguyên rất phù hợp đối với việc trồng cây lương thực và cây công nghiệp.
Kết quả thống kê đất đai năm 2011 do Tổng cục quản lý đất đai thực hiện, nếu căn cứ vào mục đích sử dụng đất, 5,4 triệu ha đất Tây Nguyên được sử dụng như sau:
Đất sản xuất nông nghiệp chiếm 36,29%; đất lâm nghiệp chiếm 51,8%; đất phi nông nghiệp chiếm 6,48% tổng diện tích tự nhiên. Trong đó, 15% diện tích là đất ở, 83% là đất chuyên dùng. Đất chưa sử dụng chiếm 5,23% tổng diện tích tự nhiên. Hầu hết diện tích (92,7%) là đất đồi núi. So sánh với các số liệu điều tra đất đai năm 2000, kiểm kê đất đai năm 2005 và 2010 thì diện tích, cơ cấu sử dụng đất đã biến động rất lớn và liên tục theo hướng tăng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đất ở và đất chuyên dùng, giảm diện tích đất lâm nghiệp và đất chưa sử dụng.
Tính từ năm 2000 đến năm 2011, diện tích đất sản xuất nông nghiệp đã tăng 60,92%; trong đó, đất trồng cây hằng năm tăng 67%, đất trồng cây lâu năm tăng 57,23%. Diện tích đất ở tăng 59,85%, trong đó đất ở đô thị tăng 92%, đất ở nông thôn tăng 51,5%. Diện tích đất chuyên dùng tăng 47,94%. Phần diện tích tăng thêm của các loại đất nói trên được bổ sung từ việc chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp và khai thác quỹ đất chưa sử dụng. Cùng với đó, diện tích đất lâm nghiệp trong thời gian tương ứng đã giảm 5,44%; trong đó đất rừng sản xuất giảm 2,13%, đất rừng phòng hộ giảm 7,08%, đất rừng đặc dụng tăng 18,83% do tăng số lượng và mở rộng diện tích các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên. Diện tích đất chưa sử dụng cũng giảm 27,23%.
Căn cứ theo đối tượng sử dụng đất thì hộ gia đình, cá nhân được giao sử dụng 39,45%; các tổ chức trong nước sử dụng 60,22% tổng diện tích đất tự nhiên; trong đó, UBND cấp xã sử dụng 0,26%, tổ chức kinh tế sử dụng 29,64%; cơ quan, đơn vị của nhà nước sử dụng 29,33%, các tổ chức khác sử dụng 0,99%. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng 0,11%, cộng đồng dân cư sử dụng 0,22%, hai đối tượng này chủ yếu sử dụng đất lâm nghiệp.
Phần lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp được giao cho các hộ gia đình và cá nhân sử dụng (84,63% diện tích đất sản xuất nông nghiệp; 92,41% diện tích đất trồng cây hằng năm và 78,75% diện tích đất trồng cây lâu năm). Các tổ chức kinh tế sử dụng 13,96% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, 6,45% đất trồng cây hằng năm và 19,36% đất trồng cây lâu năm.
Trong khi đó thì việc sử dụng đất lâm nghiệp lại diễn biến theo chiều ngược lại, phần lớn diện tích đất lâm nghiệp được giao cho các tổ chức kinh tế (42,09%) và cơ quan, đơn vị nhà nước (52,8%) sử dụng. Trong đó, tổ chức kinh tế sử dụng 67,58% diện tích đất rừng sản xuất, 17,53% diện tích đất rừng phòng hộ và 1,29% diện tích đất rừng đặc dụng; cơ quan, tổ chức nhà nước sử dụng 24,4% diện tích đất rừng sản xuất, 79,78% diện tích đất rừng phòng hộ và hầu hết diện tích đất rừng đặc dụng (98,71%). Các hộ gia đình và cá nhân chỉ sử dụng 3% diện tích đất lâm nghiệp, hầu hết (99,98%) là đất rừng sản xuất, trong đó 70% là đất rừng tự nhiên.
Kết quả phân tích là vậy song trên thực tế việc sử dụng đất trong một số trường hợp lại không diễn ra như các con số và mong muốn của các nhà quản lý. Gia tăng dân số cộng với sự lên ngôi của một số loại cây, nhất là một số cây công nghiệp lâu năm đã làm cho quan hệ quản lý, sử dụng đất đai bị biến dạng, không theo quy định của pháp luật và các quy hoạch đã được phê duyệt.
Tại Quyết định số 168/2001/QĐ-TTg về việc định hướng dài hạn, kế hoạch 5 năm 2001 - 2005 và những giải pháp cơ bản phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên ngày 30/10/2001 và Quyết định số 25/2008/QĐ-TTg ngày 05/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh vùng Tây Nguyên đến năm 2010 đều xác định mục tiêu nâng độ che phủ rừng lên 65% với diện tích rừng tương ứng là 3,54 triệu ha nhưng trên thực tế diện tích rừng bị suy giảm nhanh cả về diện tích và chất lượng.
Theo số liệu thống kê, năm 2001 Tây Nguyên có 3,02 triệu ha rừng thì đến năm 2005 diện tích này còn 2,97 triệu ha, độ che phủ rừng còn 54,54% và đến năm 2010 diện tích rừng giảm xuống còn 2,87 triệu ha, độ che phủ 51,9% (thấp hơn 13,1% so với mục tiêu). Năm 2011, theo thống kê diện tích rừng Tây Nguyên còn 2,81 triệu ha, độ che phủ 51,34% nhưng theo kết quả giải đoán ảnh viễn thám thì diện tích rừng Tây Nguyên chỉ còn 2,66 triệu ha, độ che phủ 48,6% (trong đó rừng tự nhiên và rừng trồng có trữ lượng chỉ còn 2,03 triệu ha, độ che phủ 37,2%). Như vậy, so với mục tiêu, diện tích rừng năm 2011 theo thống kê thấp hơn so với mục tiêu 730 ngàn ha, độ che phủ thấp hơn 13,66%; theo kết quả giải đoán ảnh viễn thám thì diện tích rừng thấp hơn mục tiêu 880 ngàn ha, độ che phủ thấp hơn 16,4%.
Đối với diện tích đất trồng một số cây công nghiệp tăng rất nhanh so với mục tiêu. Quyết định số 168/2001/QĐ-TTg xác định mục tiêu đến năm 2005 Tây Nguyên có 31 ngàn ha và năm 2010 có 60 ngàn ha điều nhưng đến năm 2005 diện tích điều của Tây Nguyên đã đạt 102,62 ngàn ha và đến năm 2010, mặc dù phải tranh chấp với cây cao su và các cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn, diện tích điều vẫn còn 91,14 ngàn ha. Tại Quyết định số 25/2008/QĐ-TTg xác định mục tiêu đến năm 2010 “giảm diện tích cà phê ở những nơi thiếu nước, sản xuất kém hiệu quả, để ổn định diện tích khoảng từ 33 - 35 vạn ha” nhưng đến năm 2010 diện tích cà phê của vùng đã đạt 49,86 vạn ha và đến năm 2011 tăng lên 52,76 vạn ha. Cũng tại Quyết định số 936/QĐ-TTg ngày 18/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên đến năm 2020 xác định mục tiêu “ổn định diện tích cây cà phê” nhưng 9 tháng đầu năm 2012, các tỉnh Tây Nguyên vẫn tiếp tục trồng mới 4.321 ha cà phê.
Phần lớn diện tích tăng thêm của các cây trồng nói trên được chuyển đổi mục đích một cách tự phát. Người dân phá rừng trái phép để lấy đất hoặc tự chuyển đổi diện tích từ loại đất (theo mục đích sử dụng) khi loại cây trồng này có giá trị kinh tế cao hơn cây trồng khác. Nguyên nhân của tình trạng trên một phần do sự yếu kém trong quản lý đất đai, sự bất cập của các quy hoạch sử dụng đất khi không căn cứ vào nhu cầu sử dụng đất thực tế tại địa phương và các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; một phần do việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách kinh tế - xã hội còn nặng về sử dụng biện pháp hành chính, chưa có giải pháp kinh tế phù hợp cũng như nguồn lực bảo đảm cho việc thực hiện các giải pháp đó.
Xét theo thời gian, nếu như trước ngày giải phóng miền Nam, hầu hết đất đai ở Tây Nguyên do các cộng đồng dân cư và các hộ gia đình (phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên) quản lý và sử dụng nhưng từ sau ngày giải phóng miền Nam, cùng với việc chuyển đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý, Nhà nước đã thực hiện việc điều động dân cư, lao động để xây dựng hàng loạt nông, lâm trường, các khu kinh tế mới; quan hệ đất đai ở Tây Nguyên đã có sự thay đổi căn bản. 21% diện tích đất trồng cây công nghiệp lâu năm và hầu hết diện tích đất lâm nghiệp (95%) do các tổ chức trong nước sử dụng. Các hộ gia đình chỉ sử dụng 39% tổng diện tích tự nhiên. Trong số diện tích do các hộ gia đình sử dụng, các chủ trang trại và hộ gia đình người Kinh và dân tộc thiểu số phía Bắc do có vốn, có kinh nghiệm sản xuất, cũng thông qua việc chuyển nhượng đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ để giành quyền sử dụng những diện tích lớn và thuận lợi cho sản xuất. Do đó, đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ vốn sống nhờ rừng thông qua việc săn bắn, hái lượm và canh tác theo lối luân canh trên rất nhiều mảnh rẫy ở trong rừng bị thu hẹp môi trường sản xuất truyền thống, không theo kịp tiến bộ kỹ thuật mà người Kinh và các dân tộc thiểu số nơi khác đến ứng dụng, sản xuất và đời sống tuy được nâng lên nhưng họ vẫn cảm thấy bị thua thiệt, khó khăn.
Trong những năm gần đây, chính quyền các cấp đã giành nhiều nguồn lực để hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất, việc làm cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhưng đến nay vẫn còn hàng ngàn hộ thiếu đất sản xuất và con số này còn tiếp tục gia tăng do áp lực tăng dân số. Nếu không có những giải pháp cơ bản, lâu dài để giải quyết tình trạng thiếu đất dẫn tới thiếu việc làm - thu nhập thì sẽ rất khó khăn cho việc duy trì sự ổn định của Tây Nguyên. Bên cạnh đó, trong những năm qua việc triển khai các dự án kinh tế - xã hội trên địa bàn Tây Nguyên đã chiếm dụng nhiều diện tích đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Riêng việc triển khai các dự án thuỷ điện, với 163 dự án đã và đang nghiên cứu, đầu tư xây dựng, đã có 25.269 hộ dân bị ảnh hưởng (trong đó 5.617 hộ dân phải tái định cư); chiếm dụng 65.239,2 ha đất các loại (tương đương 1,2% tổng diện tích đất tự nhiên toàn khu vực), trong đó có 452 ha đất ở, 742,1 ha đất trồng lúa, 21.819,7 ha đất trồng màu và các cây lâu năm.
Song, khi thu hồi đất, một số địa phương và chủ đầu tư không căn cứ vào nhu cầu sử dụng đất của dân cư địa phương để bố trí mà thường căn cứ vào định mức hỗ trợ đất sản xuất cho hộ dân tộc thiểu số nghèo theo Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 của Thủ tướng chính phủ (Mức giao đất sản xuất tối thiểu một hộ là 0,5 ha đất nương, rẫy hoặc 0,25 ha đất ruộng lúa nước một vụ hoặc 0,15 ha đất ruộng lúa nước hai vụ) để cấp đất tái định canh cho các hộ bị mất đất phải di dời, phần còn lại bồi thường bằng tiền. Do đó, chỉ sau một thời gian, người dân lại thiếu đất sản xuất và khi tiêu hết tiền bồi thường thì cuộc sống lại gặp rất nhiều khó khăn. Tại một số dự án nông, lâm nghiệp, chủ đầu tư không lưu ý đến phong tục tập quán của đồng bào địa phương, cho san ủi cả những diện tích nghĩa địa, rừng thiêng, rừng giàng, gây bức xúc cho cộng đồng tại địa phương.
Từ thực tế trên, qua trao đổi, ông Trần Đức Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế - xã hội Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã đưa ra một số giải pháp nhằm góp phần quản lý, sử dụng có hiệu quả hơn quỹ đất Tây Nguyên trong thời gian tới như sau:
Việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần gắn liền với việc xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sử dụng đất tại địa phương. Quy hoạch sử dụng đất trước hết phải bảo đảm nhu cầu đất ở, đất sản xuất của nhân dân địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của các ngành, các thành phần kinh tế trong từng thời kỳ. Quy hoạch sử dụng đất nông, lâm nghiệp cần căn cứ điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội để bố trí quỹ đất cho các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng; đồng thời chú trọng bảo vệ và phát triển rừng, vừa bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế, vừa bảo đảm mục tiêu bảo vệ môi trường, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử của đồng bào các dân tộc tại chỗ, góp phần khắc phục tình trạng phá rừng bừa bãi, phát triển nông lâm nghiệp không có hoặc không theo quy hoạch. Quy hoạch sử dụng đất cho xây dựng hạ tầng và phát triển các ngành, các dự án kinh tế phải căn cứ vào dự báo về nhu cầu và khả năng phát triển của ngành, địa phương, tránh tình trạng quy hoạch treo, thu hồi đất của dân rồi bỏ hoang không sử dụng.
Bên cạnh đó, cần xây dựng quy hoạch, kế hoạch giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào gốc Tây Nguyên. Để làm tốt điều này, trước hết cần xây dựng các chỉ tiêu thống kê để tổ chức thu thập, tổng hợp tình hình sử dụng đất trong đồng bào dân tộc thiểu số làm căn cứ cho việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch. Quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch cần ưu tiên giải quyết đất sản xuất cho các hộ hiện đang thiếu đất sản xuất, đồng thời tính đến sự gia tăng nhu cầu sử dụng đất trong dài hạn do gia tăng dân số. Nghiên cứu, ban hành các quy định nhằm chấm dứt tình trạng bán đất dẫn tới thiếu đất trong đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên.
Ở góc nhìn văn hóa, cần thực hiện thí điểm tiến tới nhân rộng mô hình chuyển một phần diện tích đất rừng sản xuất hiện do các tổ chức kinh tế đang sử dụng để xây dựng thí điểm mô hình buôn làng Tây Nguyên truyền thống (có đất sản xuất nông nghiệp, rừng, sông suối...) để góp phần bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào Tây Nguyên.
Một giải pháp cần chú ý là khi triển khai các dự án kinh tế - xã hội trên địa bàn, cần nghiên cứu kỹ điều kiện kinh tế - xã hội và nhu cầu sử dụng đất của số dân bị thu hồi đất để có giải pháp bồi thường phù hợp, không để người dân thiếu đất sản xuất. Cụ thể: Đối với số dân sinh sống hoàn toàn bằng sản xuất nông nghiệp thì chỉ bồi thường bằng tiền sau khi đã bảo đảm bố trí đủ quỹ đất để họ có thể duy trì sản xuất, bảo đảm cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ như chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, có giải pháp hỗ trợ về hạ tầng, điều kiện và kiến thức sản xuất... để họ từng bước thích nghi được với điều kiện sản xuất và sinh sống tại nơi ở mới. Đối với các dự án nông – lâm nghiệp, doanh nghiệp – đơn vị triển khai dự án phải bảo đảm cho người bị thu hồi đất tham gia và hưởng lợi từ dự án (cho thuê đất, góp cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất, tuyển dụng lao động...) để họ có thu nhập ổn định, phát triển kinh tế và bảo đảm cuộc sống lâu dài.
Và cuối cùng việc giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số phải kết hợp với đào tạo nghề và giải quyết việc làm (kể cả xuất khẩu lao động). Phải kiên trì vận động, thuyết phục để đồng bào thích nghi dần với tác phong công nghiệp và sinh hoạt tập thể. Từ đó, chuyển dần một bộ phận lao động trẻ sang khu vực công nghiệp - dịch vụ để giảm dần áp lực thiếu đất dẫn tới phá rừng tập thể.
(Phạm Thị Phước An)