Bác Hồ với các dân tộc thiểu số; các dân tộc thiểu số với Bác Hồ kính yêu

09:18 AM 15/05/2013 |   Lượt xem: 3464 |   In bài viết | 

PV: Thưa Thứ trưởng với tư cách là Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi “Bác Hồ với các dân tộc thiểu số; các dân tộc thiểu số với Bác Hồ kính yêu” Thứ trưởng có thể cho biết xuất phát từ đâu mà UBDT và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng lại có ý tưởng cho việc tổ chức một cuộc thi có ý nghĩa chính trị sâu sắc như vậy?

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Xuân Lương: Trong tình cảm lớn lao của Bác Hồ đối với nhân dân cả nước, tôi nhận thấy Bác Hồ dành cho đồng bào dân tộc thiểu số ân tình rất sâu nặng. Khi bắt đầu về nước hoạt động cách mạng là Bác về vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Bác xây dựng các căn cứ cách mạng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, lựa chọn những cán bộ đầu tiên để xây dựng chi bộ Đảng cũng là các đồng chí người dân tộc thiểu số. Trong 34 chiến sỹ của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân thì có tới 29 cán bộ là người dân tộc thiểu số. Tất cả những điều này đã nảy sinh cho chúng tôi một suy nghĩ là chúng ta cần phải tìm hiểu, cần phải hệ thống lại tất cả những tư liệu để minh chứng cho tình cảm của Bác Hồ đối với đồng bào dân tộc thiểu số và tình cảm của đồng bào dân tộc thiểu số với Bác Hồ kính yêu. Chính vì vậy mà chúng tôi phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng là lực lượng thường xuyên gắn bó với đồng bào các dân tộc ở vùng biên giới xa xôi của Tổ quốc để tổ chức cuộc thi. Cuộc thi này không phải là sáng tác văn học, nghệ thuật mà để chúng ta sưu tầm tất cả các tư liệu, hiện vật, các mẩu truyện có thật xảy ra trong cuộc sống để minh chứng, để khẳng định tình cảm sâu nặng của Bác Hồ đối với đồng bào dân tộc thiểu số và tình cảm của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Bác Hồ. Đó chính là ý nghĩa và mục đích sâu sắc nhất của cuộc thi này.

PV: Xin Thứ trưởng cho biết sau khi phát động cuộc thi, đến nay Ban Tổ chức đã nhận được 51.000 bài và hiện vật do các thí sinh gửi về. Ban Tổ chức cũng đã lựa chọn 65 bài vào chấm chung khảo. Qua các bài viết, tư liệu gửi về dự thi, Thứ trưởng có đánh giá như thế nào về chất lượng những bài viết cũng như giá trị của các tư liệu dự thi lần này?

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Xuân Lương: Ban Tổ chức chúng tôi khi nhận được bài thi thì quả thật là chúng tôi rất bất ngờ, nó vượt quá sức tưởng tượng của chúng ta ban đầu. Lúc đầu họp Ban Tổ chức xác định trong điều kiện khó khăn như hiện nay thì có khoảng 1000 bài dự thi là đã đạt kết quả. Nhưng không ngờ với hơn 1 năm phát động, đến nay Ban Tổ chức đã nhận được hơn 51.000 bài dự thi đại diện cho tất cả các dân tộc, các tầng lớp, các lứa tuổi, các vùng miền trong cả nước, kể cả một số cán bộ người Việt Nam đang công tác ở nước ngoài cùng tham gia. Thông qua cuộc thi, có nhiều tư liệu rất quý mà chúng ta chưa sưu tầm được lâu nay, có nhiều mẩu truyện hết sức cảm động về cách xử lý của Bác trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà hôm nay chúng ta mới biết, chúng ta mới được những người đang sống, đã chứng kiến cuộc gặp của Bác kể lại, tường trình lại và có đầy đủ căn cứ để khẳng định việc đó là có thật. Có rất nhiều công trình đồ sộ chẳng hạn như tập công trình của Học viện An ninh Nhân dân, với hơn 450 sinh viên, trong đó có hơn 100 em là người dân tộc thiểu số cùng tham gia xây dựng công trình này, cả một khối lượng hơn 30 tập, mỗi tập dầy hàng ngàn trang của cả 4 nhóm. Có thể nói đây là một công trình hết sức đồ sộ được sinh viên của Học viện An ninh Nhân dân xây dựng nên. Có những đồng chí công an ở Thanh Hóa 1 mình đi sưu tầm tư liệu về Bác và viết bằng tay với bài thi dài hơn 1000 trang. Chúng ta hình dung một con người ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc, họ còn dành thời gian để tìm hiểu tư liệu tập hợp lại mà không phải chỉ bằng những tư liệu có sẵn mà họ còn viết bằng tay, điều đó thể hiện sự trân trọng của họ đối với cuộc thi, trân trọng tình cảm của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Bác Hồ và tình cảm của Bác Hồ đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Hoặc có những bà mẹ người Hơ rê ở Tây Nguyên đã 5 lần được gặp Bác Hồ và mẹ kể lại những câu chuyện hết sức cảm động mà bây giờ vẫn còn những nhân chứng xung quanh mẹ để chứng kiến cho sự thật đó. Quasự kiện này chúng ta càng thấy tình cảm sâu đậm của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên đối với Bác Hồ và tình cảm của Bác Hồ đối với đồng bào miền Nam ruột thịt và đặc biệt là đối với đồng bào Tây Nguyên hết sức sâu nặng. Cuộc thi này có rất nhiều ý nghĩa và giá trị, chúng ta tổng hợp được một cách tương đối hệ thống tất cả những tư liệu nói lên tình cảm của Bác Hồ đối với đồng bào dân tộc thiểu số và tình cảm của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Bác Hồ kính yêu. Thông qua hệ thống tư liệu này, chúng tôi rất hy vọng chúng ta hiểu đầy đủ hơn những giá trị tư tưởng của Bác trong công tác dân tộc, trong vấn đề đoàn kết, bình đẳng, trong việc tôn trọng, đoàn kết thật lòng, trong việc tương trợ, hỗ trợ giúp đỡ đồng bào để làm thế nào thu hẹp được khoảng cách phát triển giữa vùng dân tộc thiểu số với cả nước. Tất cả những tư liệu này sẽ chứng minh cho những việc làm rất cụ thể của Bác, qua việc làm của Bác chúng ta càng hiểu sâu sắc thêm những giá trị tư tưởng lớn lao của Bác đối với công tác dân tộc, và đây chính là những bài học hết sức sâu sắc. Đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử có căn dặn 1 điều: “Từ cuộc thi này giúp cho chúng ta những vấn đề gì trong hoạch định chính sách sắp tới?”. Chúng tôi hy vọng rằng qua cuộc thi này sẽ cung cấp các tư liệu thật, tư liệu lịch sử giúp chúng ta nghiên cứu sâu sắc để hoàn thiện đề tài “Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân tộc”. Sau khi hoàn thiện đề tài đó thì chúng ta có thêm những luận cứ về mặt lý luận để tập trung triển khai xây dựng các đề án chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn mới.

PV: Thưa Thứ trưởng sau khi kết thúc cuộc thi, UBDT sẽ làm gì để truyền tải những nội dung của các bài dự thi, đặc biệt là những bài thi có chất lượng cao, những tác phẩm đạt giải đến với đông đảo người dân cũng như bạn bè quốc tế?

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Xuân Lương: Ban Tổ chức chúng tôi đã họp và thống nhất tất cả những bài thi đạt giải cao từ giải khuyến khích trở lên cho đến giải nhất, cả giải tập thể cũng như giải cá nhân chúng ta sẽ truyền tải qua các cơ quan thông tin đại chúng của UBDT như Cổng thông tin điện tử, Báo Dân tộc và Phát triển, Tạp chí Dân tộc, Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc và thông qua hệ thống báo chí tham gia chương trình 2472 (đưa thông tin về cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số) thì chúng ta sẽ dần dần chuyển tải hết những tư liệu quý. Đặc biệt là những tư liệu mà chúng ta mới phát hiện được thông qua cuộc thi để chúng ta chuyển tải tới đồng bào, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế hiểu được những giá trị tư tưởng lớn lao của Bác Hồ đối với đồng bào dân tộc thiểu số và tình cảm sâu sắc của đồng bào dân tộc thiểu số với Bác Hồ kính yêu. Cùng với công tác tuyên truyền đó, chúng tôi sẽ truyền tải cho các cơ quan nghiên cứu đang nghiên cứu sâu về tư tưởng Hồ Chí Minh và các Bảo tàng, lớn nhất là Bảo tàng Dân tộc học để họ có thêm các tư liệu lịch sử để chứng minh cho cuộc đời hoạt động cách mạng hết sức vĩ đại của Bác Hồ. Trong đó có một phần hết sức lớn lao là tình cảm của Bác đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng tôi nghĩ từ những việc làm tốt đó, tiếp theo chúng ta sẽ tiếp tục phát động thực hiện tốt Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trong công tác dân tộc chúng ta học tập và làm theo tấm gương của Bác với đồng bào dân tộc thiểu số bằng hành động cụ thể là chúng ta góp phần tích cực tham gia xây dựng chính sách, tổ chức thực hiện chính sách, kiểm tra thực hiện chính sách để hiệu quả của chính sách đến được với từng người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm!

Nhóm phóng viên