Đoàn kết, sáng tạo, đẩy mạnh các phong trào thi đua vì sự phát triển nhanh, toàn diện, bền vững vùng dân tộc và miền núi
04:16 AM 28/05/2013 | Lượt xem: 3127 In bài viết |Nhân dịp Kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2013). Cổng Thông tin điện tử Ủy ban Dân tộc xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bài viết của đồng chí Giàng Seo Phử, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.
Sau chiến thắng Việt Bắc, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/3/1948, Ban chấp hành Trung ương Đảng ra chỉ thị phát động phong trào thi đua yêu nước, động viên toàn dân kháng chiến, kiến quốc.
Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra LỜI KÊU GỌI THI ĐUA ÁI QUỐC, trực tiếp phát động phong trào. Từ đó, phong trào thi đua yêu nước trở thành nguồn động lực khơi dậy tinh thần yêu nước của toàn dân, tạo nên sức mạnh tinh thần và vật chất vô cùng to lớn, đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác hết sức vẻ vang.
Để phát huy vai trò, tác dụng của thi đua yêu nước đối với sự nghiệp đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, động viên các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ, ngày 04/03/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg về việc lấy ngày 11 tháng 6 hàng năm làm Ngày truyền thống Thi đua yêu nước.
Đối với ngành công tác dân tộc, những năm qua, Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo Ủy ban luôn quan tâm phát động và tổ chức thực hiện các phong trào thi đua lập thành tích kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của dân tộc cũng như ngày truyền thống thành lập cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc (3/5/1946). Thi đua đã thực sự là giải pháp, là động lực quan trọng quyết định hiệu quả công tác của ngành. Huân chương Sao vàng-danh hiệu thi đua cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng cho Ủy ban Dân tộc tại Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ nhất (năm 2010) là sự ghi nhận, đánh giá của Đảng, Nhà nước đối với những đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ làm công tác dân tộc qua các thời kỳ.
Năm 2013, toàn ngành công tác dân tộc kỷ niệm 67 năm ngày truyền thống (3/5/1946-3/5/2013); đồng thời thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 10/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức kỷ niệm 65 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc - Ngày truyền thống Thi đua yêu nước (11/6/1948 - 11/6/2013), tổ chức phát động phong trào thi đua và các hoạt động Kỷ niệm 65 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc bằng các hình thức phù hợp, tiết kiệm.
Chúng ta đã đi qua một phần ba quãng đường của năm 2013 - năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, cũng là năm Ủy ban Dân tộc tập trung chỉ đạo, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc trong phạm vi cả nước theo Nghị định số 84/2012/NĐ-CP ngày 12/10/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc nhiệm kỳ 2011-2016. Với những ý nghĩa to lớn đó, toàn ngành công tác dân tộc cần phát động và tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2013 và các năm tiếp theo.
Các phong trào thi đua phải quán triệt quan điểm của Đảng về vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược, cơ bản, lâu dài đồng thời cũng là vấn đề cấp bách của cách mạng Việt Nam. Nội dung thi đua cần tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc; Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc; Chỉ thị số 1971/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Quyết định số 449/Q Đ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến 2020 theo các định hướng sau:
Một là, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cho vùng dân tộc, miền núi, nhất là các công trình trọng điểm để phục vụ sản xuất và đời sống như: điện, đường, trường, trạm.
Hai là, giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; giải quyết tình trạng dân di cư tự do.
Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương. Tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động trong vùng dân tộc, miền núi để người dân hiểu, làm theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời có điều kiện giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc.
Bốn là, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của vùng dân tộc, miền núi.
Năm là, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là tiếng nói, chữ viết, trang phục, phong tục tập quán tốt đẹp của một số dân tộc đang bị mai một. Phòng chống biến đổi khí hậu, bảo đảm môi trường sinh thái, rừng đầu nguồn ở vùng dân tộc, miền núi.
Sáu là, đảm bảo nguồn lực đầu tư cho các chính sách đã được ban hành, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí. Điều chỉnh lại cơ chế quản lý thực hiện chính sách dân tộc theo hướng xây dựng chương trình, chính sách tổng hợp, đa mục tiêu, dài hạn. Thống nhất đầu mối cơ quan chủ trì, tổ chức thực hiện chính sách, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Cụ thể hóa các định hướng trên, tại Hội nghị toàn quốc đánh giá và triển khai thực hiện chính sách vùng dân tộc, miền núi tổ chức ngày 11/4/2013, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc đã phát động phong trào thi đua trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương với chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, kế hoạch công tác năm 2013". Theo đó, toàn ngành tiếp tục quán triệt sâu rộng chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về thi đua khen thưởng gắn với "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tự giác, hăng hái tham gia thi đua yêu nước trong hoạt động công tác năm 2013. Các Vụ, đơn vị và Ban Dân tộc địa phương tích cực phát động thi đua theo đợt, theo chuyên đề để tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách với hình thức, nội dung phù hợp, đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Hệ thống cơ quan công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020; tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án trình Chính phủ trong nhiệm kỳ 2011-2016 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển vùng dân tộc, miền núi và nhiệm vụ công tác dân tộc trong giai đoạn mới. Xây dựng mới và tổ chức thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ giảm nghèo ở các xã, thôn, bản có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn vùng dân tộc, miền núi, xã biên giới, xã an toàn khu, vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao (Chương trình 135 giai đoạn III) nhằm hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững.
Công tác dân tộc nước ta đang bước vào thời kỳ chiến lược mới. Thành tựu qua hơn 25 năm đổi mới đã tạo ra thế và lực cho đất nước, đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm các nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Tuy vậy, vùng dân tộc và miền núi vẫn đang là vùng khó khăn nhất của cả nước. Người nghèo chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Bởi vậy, muốn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý nhà nước trên lĩnh vực công tác dân tộc, đòi hỏi toàn ngành phải tiếp tục quán triệt và thấm nhuần nhận thức tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua yêu nước là mỗi người hãy làm tốt những việc làm cụ thể hàng ngày trên cương vị công tác của mình. “Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều… Cách làm là: dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân”; “Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua"; “Thi đua không phải là một việc làm nhất thời mà là công việc lâu dài và rộng khắp”; "Kế hoạch 10 phần thì biện pháp 20 phần và quyết tâm 30 phần" như lời Bác Hồ căn dặn. Tư tưởng của Người mãi mãi đúng theo thời gian, luôn mang tầm khái quát, tính thời sự và soi đường chỉ lối cho cách thức phát động, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, hệ thống cơ quan công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới công tác quản lý nhà nước về thi đua khen thưởng theo hướng: Sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thực hiện phù hợp với pháp luật hiện hành và tình hình thực tế; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; quan tâm hơn nữa công tác tuyên truyền, chủ động phát hiện nhân tố mới, nhân tố điển hình trong các phong trào thi đua; nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, đảm bảo khen thưởng đúng quy định, đúng người, đúng việc và kịp thời nhằm động viên, khích lệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hăng hái thi đua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần thiết thực vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước.
Tôi tin tưởng và mong muốn mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương sẽ góp phần nhân lên sức mạnh nội sinh của đất nước, của dân tộc bằng những việc làm thiết thực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước vì mục tiêu nhân văn phát triển nhanh, toàn diện, bền vững vùng dân tộc, miền núi.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử