Kỷ niệm ngày Dân số Thế giới 11/7/2012: Tăng cường sự tiếp cận, phổ cập tới các dịch vụ SKSS: Sự đầu tư khôn ngoan, hiệu quả

04:17 AM 12/07/2013 |   Lượt xem: 1746 |   In bài viết | 

Lợi ích to lớn

 

Công tác DS-KHHGĐ và chăm sóc SKSS luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm, ưu tiên hàng đầu. Sau hơn 50 năm thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về DS-KHHGĐ, đặc biệt là sau 10 năm thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam và Chiến lược SKSS giai đoạn 2001-2010, công tác DS-SKSS đã đạt được những kết quả quan trọng với nhiều thành tựu tốt đẹp.

Sự kiên trì thực hiện cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch đã giúp người dân tự nguyện thực hiện KHHGĐ. 

Trong vòng 50 năm qua, chúng ta đã thực sự làm nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực sinh sản: Từ việc sinh đẻ tự nhiên, mang tính bản năng sang sinh đẻ chủ động, có kế hoạch; từ việc sinh nhiều con sang sinh ít con; từ việc sinh đẻ chất lượng thấp sang chất lượng cao… Tất cả những điều đó được chứng minh qua những số liệu thống kê.

Trước đây, người phụ nữ không biết làm cách nào để tránh thai thì đến nay có tới gần 80% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã lựa chọn cho mình một biện pháp tránh thai thích hợp. Tổng tỉ suất sinh (số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) đã giảm ngoạn mục: Nếu như vào năm 1960, trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 6,3 con thì đến năm 2009 chỉ còn 2,03 con; năm 2010 là 2,0 con và năm 2011 là 1,99 con, chúng ta đạt mức sinh thay thế trước 5 năm so với mục tiêu đã đề ra. Chỉ tính trong vòng 20 năm qua, tỉ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi đã giảm được gần 2/3: Từ 44,4%o (năm 1990) xuống còn 15,5%o (năm 2011); tỉ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi cũng giảm hơn một nửa, từ 58%o (năm 1990) còn 23,3%o (năm 2011); tỉ số tử vong mẹ giảm còn 1/3 so với trước, từ 223/100.000 trẻ đẻ sống (năm 1990) giảm xuống còn 69/100.000 trẻ đẻ sống (năm 2009). Tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam cũng đã có những bước tiến ngoạn mục, năm 2010 là 73 tuổi (tăng 33 tuổi so với năm 1960, trong khi thế giới trung bình chỉ tăng được 21 tuổi trong cùng thời gian đó).

Chúng ta đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về dân số mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, lần thứ X và Chiến lược Dân số giai đoạn 2001 – 2010 đã đề ra. Những thành tựu của công tác DS-KHHGĐ đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đem lại lợi ích to lớn cho sức khỏe của phụ nữ và trẻ em, cơ hội học tập, việc làm, thu nhập, địa vị xã hội của phụ nữ… Do những thành tựu giảm sinh, cơ cấu dân số nước ta đã có những thay đổi rất quan trọng: Tỉ lệ cũng như số lượng trẻ em đã giảm đáng kể, tạo điều kiện giảm tải cũng như nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt đối với bậc học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở; số người trong độ tuổi lao động gấp đôi số người trong độ tuổi phụ thuộc, tạo ra cơ cấu “dân số vàng” - cơ hội có một không hai về nhân khẩu học của mỗi một quốc gia để đưa đất nước cất cánh bay lên, vượt qua đói nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, tăng cường bình đẳng giới... Nhờ vào những thành tựu về kinh tế - xã hội và công tác chăm sóc sức khỏe ngày càng được cải thiện nên tuổi thọ người dân ngày càng tăng cao, tỷ lệ cũng như số lượng người cao tuổi tăng nhiều so với trước đây, tỷ lệ các cụ từ 65 tuổi trở lên đã chiếm trên 7% dân số nên Việt Nam cũng đã bước vào giai đoạn “già hóa dân số”, tạo ra những cơ hội cùng với những thách thức mới.

Vận hội mới, thách thức nặng nề

Cơ cấu dân số trong mấy năm qua đã có những thay đổi rất mau lẹ, trong đó có một vấn đề nóng, được dư luận xã hội hết sức quan tâm, đó là mất cân bằng giới tính khi sinh. Nếu như chúng ta không kiên quyết can thiệp sẽ để lại những hệ lụy rất nặng nề cho con cháu chúng ta sau này. 

Có nhiều việc phải làm để giải quyết vấn đề này, trong đó cần phải chặn đứng việc cung cấp các dịch vụ lựa chọn giới tính trước sinh, nó liên quan chặt chẽ với những người thực hiện chăm sóc sức khỏe sinh sản. Cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục cả đối với những người cung cấp dịch vụ và những người sử dụng dịch vụ, kết hợp với kiểm tra, thanh tra, giám sát các hành vi lựa chọn giới tính mà đã bị pháp luật nghiêm cấm.

Công tác dân số và chăm sóc sức khỏe sinh sản có mối liên quan mật thiết với nhau, có tác động qua lại, bổ sung, tương hỗ với nhau. Chủ đề mà Liên Hợp Quốc đưa ra nhân Ngày Dân số thế giới 11 tháng 7 năm nay “Tiếp cận phổ cập các dịch vụ sức khỏe sinh sản” rất phù hợp với hoàn cảnh thực tế của Việt Nam. Từ năm 2007, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã quyết định đưa mảng công tác DS-KHHGĐ về ngành y tế; năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt và ban hành Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Điều đó thể hiện tầm nhìn của Đảng và Nhà nước về vấn đề này. Hai lĩnh vực này cần được gắn bó, phối hợp với nhau, bổ sung cho nhau, tạo nên một hiệu quả cộng hưởng với những tư duy, cách làm phù hợp, tuyệt nhiên không thể phủ nhận lẫn nhau.

Trong những năm tới, đất nước ta đứng trước nhiều cơ hội phát triển cũng như nhiều thách thức mới, đặc biệt là trong lĩnh vực DS-SKSS. Do đó, các vấn đề về dân số được đặt ra trong Chiến lược DS-SKSS giai đoạn 2011-2020 một cách toàn diện, bao gồm cả về quy mô, cơ cấu và đặc biệt là việc nâng cao chất lượng dân số, trong đó có việc đáp ứng các dịch vụ DS-SKSS cho mọi người dân.

Mặc dù Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 nhưng nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình và các phương tiện tránh thai (PTTT) vẫn tiếp tục gia tăng trong những năm sắp tới. Do mức sinh giai đoạn trước đây khá cao nên hằng năm số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ vẫn gấp rưỡi số phụ nữ bước ra khỏi độ tuổi sinh đẻ và như vậy số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sẽ tiếp tục tăng cao, đạt cực đại vào khoảng những năm 2027 – 2028. 

Trong những năm tới, dù mức sinh có tiếp tục giảm, dân số Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng mỗi năm gần 1 triệu người và đạt mức cực đại vào giữa thế kỷ này. Kết quả Điều tra Quốc gia về vị thành niên và thanh niên (VTN,TN) Việt Nam (SAVY) lần thứ 2, tỉ lệ sinh hoạt tình dục ở VTN,TN tăng cao cũng khiến cho nhu cầu sử dụng PTTT cũng sẽ tăng lên. 

Do tâm lý, tập quán của người Việt Nam vẫn mong muốn có đông con, nhiều cháu nên chúng ta không thể chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đã đạt được. Hiện nay mức sinh còn rất khác nhau giữa các tỉnh và các vùng miền: Trong khi tổng tỷ suất sinh của các tỉnh miền Đông Nam bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã ở mức khá thấp (khoảng 1,45-1,8 con) thì các tỉnh miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên còn ở mức trên dưới 3 con. Vì vậy, cần phải có kế hoạch kiểm soát mức sinh rất cụ thể và linh hoạt đối với từng tỉnh, từng địa phương. 

 

Đồng bộ triển khai các dịch vụ chăm sóc SKSS

Ở Việt Nam, cơ cấu các biện pháp tránh thai chủ yếu vẫn là dụng cụ tử cung (chiếm trên 50% các BPTT); nguồn kinh phí nhà nước dùng để mua PTTT vẫn còn đang chiếm một tỷ trọng khá lớn. Trong thời gian tới, sẽ có sự thay đổi lớn về cơ cấu sử dụng các BPTT, trong đó các BPTT phi lâm sàng tạm thời như bao cao su, viên uống tránh thai,… sẽ ngày càng chiếm tỷ trọng lớn; việc tiếp thị xã hội các PTTT sẽ ngày càng được đẩy mạnh, góp phần đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực DS-KHHGĐ.

Việt Nam đã bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, đạt mức kỷ lục về tỷ lệ thanh niên tham gia lực lượng lao động trong lịch sử. Hiện nay, thanh niên ở độ tuổi 10 - 24 chiếm gần 1/3 tổng dân số và lợi thế của nguồn lực dồi dào sẽ được khẳng định khi mỗi thanh niên đều được đảm bảo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó có dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ để họ có đủ điều kiện đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta của Việt Nam.

Trong những năm tới, quá trình di cư và đô thị hóa ở nước ta sẽ diễn ra ngày càng mạnh hơn, đó là một quy luật tất yếu trong quá trình phát triển. Việc đảm bảo các dịch vụ xã hội cho những người di cư, đặc biệt ở các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay chưa được xem là tốt và còn khá nhiều việc cần phải làm. Khi thanh niên được đảm bảo quyền về sức khỏe, giáo dục và điều kiện việc làm, thì họ trở thành một lực lượng vững mạnh phục vụ cho tăng trưởng kinh tế và sự phát triển bền vững của đất nước.

Từ những phân tích nêu trên, chúng ta hoan nghênh và hưởng ứng chủ đề “Tiếp cận phổ cập các dịch vụ sức khỏe sinh sản” mà Liên Hợp Quốc đưa ra nhân Ngày Dân số thế giới 11 tháng 7 năm nay. Các dịch vụ sức khỏe sinh sản, trong đó có kế hoạch hóa gia đình cần được triển khai một cách toàn diện, đồng bộ. Thực hiện tình dục an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp mang thai ngoài ý muốn sao cho mọi đứa trẻ sinh ra đều được mong muốn. Đẩy mạnh triển khai các mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân”, “sàng lọc và chẩn đoán trước sinh, sơ sinh” nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những bệnh, tật của trẻ sơ sinh, nâng cao chất lượng giống nòi Việt Nam. Chăm sóc các bà mẹ trong khi mang thai, đỡ đẻ an toàn, tiếp tục giảm mạnh tỷ lệ tử vong của bà mẹ và trẻ em, đạt và vượt mức các Mục tiêu thiên niên kỷ mà Việt Nam đã ký kết cùng cộng đồng quốc tế.

Hằng năm, mặc dầu đã có những tiến bộ đáng kể nhưng vẫn còn tới hàng triệu bà mẹ và trẻ em trên thế giới tử vong do liên quan đến thai sản.

Việt Nam đã có những thành tựu to lớn, được thế giới ghi nhận về vấn đề này, các chỉ số liên quan tới sức khỏe bà mẹ và trẻ em của nước ta đều tốt hơn rất nhiều so với các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Tuy nhiên, chúng ta chưa thực sự hài lòng về những kết quả đã đạt được, nhất là còn có sự khác biệt rất lớn giữa các tỉnh, thành phố, giữa thành thị và nông thôn, giữa miền xuôi và miền núi,… đòi hỏi cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đầu tư của Nhà nước nhiều hơn nữa cùng với sự nỗ lực của ngành y tế, đặc biệt là các cán bộ trực tiếp chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nhân dân.

 

TS. Dương Quốc Trọng(Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGD, Bộ Y tế)