Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số là một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn

08:27 AM 19/05/2014 |   Lượt xem: 3544 |   In bài viết | 

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm, năm 2014 là năm tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp huyện, tỉnh lần thứ II. Xin Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm cho biết UBDT đã có kế hoạch cụ thể như thế nào để chỉ đạo các địa phương tổ chức Đại hội lần này?

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Xuân Lương: Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam cấp huyện, cấp tỉnh lần thứ II đã được luật hóa, được quy định rất rõ tại Điều 6 của Nghị định 05; cấp huyện, cấp tỉnh được tổ chức Đại hội DTTS 5 năm một lần và toàn quốc là 10 năm một lần. UBDT đã có văn bản ban hành từ tháng 12/2013 để hướng dẫn rất chi tiết cách tổ chức Đại hội. Mục tiêu Đại hội hướng tới phải thiết thực, bày tỏ tâm tư nguyện vọng của đồng bào DTTS. Vì vậy đồng chí Giàng Seo Phử, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT đã có chỉ đạo rất rõ đối với văn bản hướng dẫn Đại hội lần này, yêu cầu trong báo cáo chính trị của cấp huyện, cấp tỉnh phải làm rõ các vấn đề cơ bản như: đánh giá kinh tế - xã hội bằng cách đối chiếu, so sánh nghèo giữa các dân tộc, các nhóm dân tộc, các vùng, các huyện trong tỉnh, tại sao nghèo, nguyên nhân dẫn đến cái nghèo? Tại sao có những vùng, những địa phương lại có thể vượt lên thoát nghèo. Phải phân tích, đánh giá được hết các nguyên nhân, kể cả nguyên nhân xuất phát từ cách điều hành của cấp ủy, chính quyền hay nguyên nhân xuất phát từ phía người dân, tiếp đó là đánh giá về sự nỗ lực, vươn lên của nhân dân trong khắc phục thiên tai, lũ lụt như thế nào?. Đặc biệt, trong báo cáo chính trị lần này yêu cầu cần đánh giá được kết quả việc điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác dân tộc, tại sao lại có những kết quả tốt mà bên cạnh đó lại có những kết quả chưa tốt, qua đó có thể đánh giá rõ được vai trò của các cấp chính quyền trong thực hiện chính sách dân tộc.

Trong định hướng báo cáo chính trị, UBDT yêu cầu rất chi tiết đối với các huyện, các tỉnh để đánh giá một cách thiết thực hiệu quả, đáp ứng được mong mỏi của đồng bào DTTS.

Phóng viên:  Xin Thứ trưởng cho biết hoạt động của Đại hội lần này có gì mới so với Đại hội lần thứ I diễn ra vào năm 2009?

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Xuân Lương: Đại hội lần này, UBDT đã chủ động để các địa phương sớm có một dự toán chi tiết về kinh phí phục vụ cho Đại hội DTTS các cấp và đưa vào dự toán ngân sách của địa phương hằng năm. Hiện đã có 35 tỉnh, thành phố thành lập được Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Đại hội và có 2 huyện của tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Đại hội DTTS cấp huyện.

Do tình hình kinh tế đất nước khó khăn, các địa phương sẽ tổ chức với quy mô tiết kiệm, nhỏ gọn hơn: cấp tỉnh không quá 250 đại biểu, cấp huyện không quá 150 đại biểu. Tuy nhiên, nội dung, tinh thần vẫn đảm bảo tính trang trọng, thiết thực, hiệu quả và cho phép các địa phương vận động xã hội hóa để triển khai các hoạt động văn hóa - xã hội, tổ chức khuyến khích đồng bào trong quá trình tổ chức Đại hội. Chúng ta cũng đã làm tốt công tác hướng dẫn thi đua khen thưởng cho đồng bào, những người có công trong suốt thời gian qua. Khen thưởng ở tất cả các cấp từ cấp huyện, cấp tỉnh, Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT, Bằng khen của các Bộ ngành và Bằng khen cấp cao hơn của Thủ tướng Chính phủ, của Nhà nước. Đấy là những điểm hết sức mới trong việc tổ chức Đại hội lần này.

Phóng viên:  Xin thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm cho biết thêm tác động, ý nghĩa của Đại hội đối với đời sống của bà con các dân tộc và vùng đồng bào DTTS?

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Xuân Lương: Đại hội DTTS là một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, quy tụ đoàn kết các dân tộc, không chỉ riêng đồng bào DTTS mà cả cộng đồng các dân tộc sống trên địa bàn, là của 54 dân tộc anh em. Đại hội được tổ chức từ cấp huyện đã giúp thể hiện sinh động, chi tiết đời sống văn hóa – xã hội của đồng bào dân tộc; khơi dậy tình đoàn kết, phấn đấu hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ chính trị, xây dựng, phát triển quê hương của mỗi người con đất Việt.

Trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế thế giới cũng như của đất nước hiện nay, trong đó có những khó khăn về nguồn kinh phí để thực hiện chính sách dân tộc, việc tổ chức Đại hội chính là phát huy được niềm tự hào, truyền thống cần cù, vượt khó của đồng bào các dân tộc. Thông qua Đại hội lần này, càng thể hiện đậm nét hơn ý chí tự lực tự cường, vượt lên khó khăn, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc của dân tộc ta.

Phóng viên:  Xin cảm ơn Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm đã trả lời phỏng vấn phóng viên Cổng Thông tin Điện tử UBDT.

Thực hiện: Nhóm phóng viên