Giảm "cho không" - Hỗ trợ sinh kế trực tiếp cho đồng bào dân tộc
08:21 AM 18/11/2014 | Lượt xem: 1757 In bài viết |Tăng chính sách hỗ trợ sinh kế
Thời gian qua, nhiều cơ chế chính sách giảm nghèo, trong đó có giảm nghèo trong
đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt kết quả tích
cực. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 11,76% năm 2011 xuống còn khoảng 6% năm
2014. Bình quân mỗi năm giảm được 2%, riêng 64 huyện nghèo mỗi năm giảm khoảng
5% (giảm từ 50% năm 2011 xuống 34% năm 2014).
Tuy nhiên, có một thực tế là các chương trình, chính sách còn trùng lặp về đối
tượng thụ hưởng, chồng chéo trong quản lý, tổ chức thực hiện hiệu quả chưa cao.
Nhà nước đã ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các huyện nghèo, xã thôn bản đặc biệt
khó khăn, vùng dân tộc và miền núi, nhưng mức đầu tư, hỗ trợ còn thấp so với nhu
cầu thực tế. Bên cạnh đó, chính sách giảm nghèo chủ yếu mang tính hỗ trợ "cho
không" (y tế, giáo dục, nhà ở) trong khi chính sách đầu tư phát triển sản xuất,
tạo sinh kế chưa nhiều, suất đầu tư thấp. Các chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo, hộ
mới thoát nghèo để đảm bảo mục tiêu giảm nghèo bền vững cùng chậm được ban hành.
Chính vì vậy, kết quả giảm nghèo vẫn chưa đồng đều, chưa bền vững. Tỷ lệ hộ
nghèo khu vực đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, tại 64 huyện nghèo tuy đã giảm
mạnh nhưng đến năm 2014 vẫn còn khoảng 34% (đầu năm 2014 còn 1 huyện có tỷ lệ hộ
nghèo trên 70%, 3 huyện trên 60%, 13 huyện trên 50%).
Để giảm thiểu chồng chéo trong chính sách về giảm nghèo, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH
Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về
giảm nghèo bền vững thực hiện phân công cho từng ngành phụ trách rà soát chính
sách mình phụ trách. Trong đó, một trong các giải pháp ưu tiên là tiếp tục tập
trung cao cho những vùng khó khăn, tập trung nguồn lực của giai đoạn còn lại cho
các xã nghèo, huyện nghèo; ưu tiên nguồn lực cho đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng
thiết yếu để cho bà con có điều kiện phát huy nội lực; giảm dần chính sách hỗ
trợ trực tiếp cho người dân, tăng nguồn vốn vay phát triển sản xuất.
Thời gian tới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được phân loại, đối tượng hộ
nghèo không còn sức lao động sẽ chuyển sang đối tượng bảo trợ xã hội. Các đối
tượng mất đất sản xuất, tùy theo mức độ sẽ được phân cấp cho địa phương để trên
cơ sở đó đề xuất các nhóm chính sách phù hợp.
Khắc phục thiếu đất, mở rộng đối tượng học nghề
Đánh giá về nguyên nhân của tình trạng thiếu đất sản xuất đối với vùng đồng bào
dân tộc thiểu số, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử, trước
hết do nhiều địa phương chưa làm tốt việc phân bổ đất sản xuất; đất bị thu hồi
để phục vụ lợi ích công; thiên tai mất mùa; một số địa phương thiếu đất…
Hiện nay, ở nhiều địa phương không còn đất để giải quyết cho đồng bào sản xuất
nông nghiệp nhưng quỹ đất lâm nghiệp còn nhiều. Vì thế, Nhà nước có chủ trương
đẩy mạnh giao đất, giao rừng, khoán rừng cho đồng bào. Thủ tướng Chính phủ đã có
Quyết định 231/2005, thí điểm giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số
ở các thôn bản. Đến nay, đã 5.427 hộ dân được giao 118 nghìn ha.
Theo Chánh Văn phòng Quốc gia giảm nghèo Ngô Trường Thi, trong giai đoạn
2016-2020, sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển, nâng cao
chất lượng nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện nghèo, xã
nghèo, xã biên giới, thôn bản đặc biệt khó khăn… Đặc biệt, sẽ giải quyết cơ bản
tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số không có đất ở và giải quyết đất sản xuất
hoặc chuyển đổi nghề cho ít nhất 80% hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Đồng
thời, kết hợp với đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho
hộ đồng bào dân tộc chưa được hỗ trợ đất sản xuất và giải quyết tình trạng di
dân không theo quy hoạch ở một số địa phương.
Về các chính sách học nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Phạm Thị
Hải Chuyền cho biết, Quyết định 267/2005/QĐ-TTg về chính sách dạy nghề đối với
đồng bào dân tộc thiểu số đã có hiệu quả bước đầu, tuy nhiên đối tượng quy định
của Quyết định còn hẹp; kinh phí giao cho địa phương tự cân đối vì vậy chương
trình để học sinh đi học nghề tại các trường nội trú còn ít. Vì vậy, Bộ LĐTB&XH
đã đề nghị Chính phủ sửa đổi Quyết định 267 theo hướng tất cả con em đồng bào
dân tộc thiểu số đi học nghề đều được hưởng chế độ; địa phương nào không cân đối
được ngân sách sẽ được Trung ương hỗ trợ thực hiện mục tiêu để đồng bào dân tộc
thiểu số nâng cao tri thức, tay nghề...
Trong thời gian qua, nhiều địa phương đã xây dựng các mô hình giảm nghèo hiệu
quả, giảm nghèo ở các vùng đặc thù, giảm nghèo liên kết giữa người nghèo với
doanh nghiệp, giảm nghèo gắn với củng cố an ninh quốc phòng. Một số địa phương
như Kon Tum, Đắk Lắk, Yên Bái đã có chính sách hỗ trợ cho các xã, thôn, bản đặc
biệt khó khăn về sản xuất và đầu tư cơ sở hạ tầng. Còn tại Đồng Nai, Ninh Thuận,
Bình Phước, Trà Vinh, hộ mới thoát nghèo được tiếp tục hưởng một số chính sách
trong vòng 2 năm như: khám chữa bệnh, vay vốn tín dụng, đào tạo nghề, giáo dục
đào tạo. Có 6 tỉnh, thành phố đã nâng mức chuẩn nghèo, cận nghèo cao hơn mức
chuẩn nghèo của quốc gia.
Thu Cúc (Nguồn: chinhphu.vn)