Bốn kết quả và bốn bài học kinh nghiệm từ Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp tỉnh, huyện lần thứ II năm 2014

09:10 AM 20/01/2015 |   Lượt xem: 2747 |   In bài viết | 

Xung quanh kết quả và những bài học kinh nghiệm rút ra qua quá trình chỉ đạo tổ chức Đại hội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Xuân Lương đã dành cho phóng viên Tạp chí Dân tộc và Cổng Thông tin điện tử cuộc phỏng vấn.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

PV: Xin Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm cho biết những kết quả nổi bật trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của UBDT về tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS cấp tỉnh, huyện lần thứ II năm 2014?

TT, PCN Hoàng Xuân Lương: Đại hội đại biểu các DTTS cấp tỉnh, huyện lần thứ II năm 2014 đã thành công tốt đẹp. Cả nước có trên 50 tỉnh đủ tiêu chí đã tổ chức tốt Đại hội. Đây là đợt sinh hoạt chính trị hết sức sâu rộng đối với tất cả các dân tộc trên địa bàn cả nước, không chỉ riêng DTTS mà cả dân tộc đa số đều tham gia vào quá trình tổ chức Đại hội. Tính chất đại đoàn kết của đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn này thể hiện rất rõ tình cảm, niềm tin của các dân tộc Việt Nam với Đảng, Bác Hồ. Năm qua, vùng dân tộc không xảy ra vụ gây rối, phức tạp về an ninh chính trị. Tại sao chúng ta lại có được kết quả khác những năm trước như thế? Bởi vì năm 2014, chúng ta đã tổ chức tốt đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, cổ vũ, động viên đồng bào từ cấp xã, cấp huyện đến cấp tỉnh. Nhờ đợt sinh hoạt chính trị này mà tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng DTTS rất tốt. Tôi cho đây là kết quả quan trọng nhất.

Kết quả thứ hai là rút kinh nghiệm từ Đại hội lần thứ I nên nội dung Đại hội lần này đã đi vào những vấn đề cụ thể, bàn rất kỹ chuyện giảm nghèo, đánh giá được tại sao lại nghèo và tại sao có những dân tộc vượt lên, có những hộ gia đình vượt lên mà dân tộc mình, hộ nhà mình lại không vượt lên? Trong các Đại hội cũng như trên các diễn đàn, người dân trao đổi rất kỹ về giảm nghèo, những bài học kinh nghiệm giảm nghèo. Qua Đại hội, chúng ta đã khơi dậy được lòng tự tôn, tự trọng của từng dân tộc, từng hộ gia đình để tự học tập lẫn nhau. Tôi tin rằng sau Đại hội này, sự phấn đấu giảm nghèo bằng năng lực nội sinh của người DTTS chắc chắn sẽ tăng lên.

Kết quả thứ ba là thông qua Đại hội cấp tỉnh, cấp huyện đã làm cho nhận thức của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân tộc và chính sách dân tộc được nâng lên rõ rệt. Thể hiện từ việc quan tâm tổ chức tốt đến sự tham dự đầy đủ của các đồng chí lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện với những phát biểu chỉ đạo Đại hội hết sức tâm huyết. Tôi cho rằng bước chuyển trong nhận thức về công tác dân tộc của cả hệ thống chính trị thông qua Đại hội lần này là rất quan trọng. Hầu hết lãnh đạo cấp huyện, cấp tỉnh phát biểu với Đại hội đều nhận thấy một điều là bản thân mình cũng như hệ thống chính trị dưới quyền lãnh đạo của mình đều phải quan tâm chăm lo hơn đến đồng bào DTTS, tập trung các nguồn lực tốt hơn để đồng bào DTTS vượt qua khó khăn.

Kết quả thứ tư là đồng bào DTTS thông qua người đại diện của mình được đến dự Đại hội cấp huyện, cấp tỉnh đã tạo nên niềm phấn khích và từ đó khích lệ phong trào thi đua sâu rộng trong đồng bào DTTS, vừa để phát triển kinh tế - xã hội, vừa góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng DTTS.

Với những kết quả đó, tôi khẳng định Đại hội đại biểu các DTTS cấp tỉnh, huyện lần thứ II năm 2014 đã thành công tốt đẹp.

PV: Từ kết quả đạt được, đề nghị Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm khái quát những bài học kinh nghiệm chủ yếu rút ra trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo Đại hội đại biểu các DTTS cấp tỉnh, cấp huyện lần thứ II năm 2014?

TT, Phó Chủ nhiệm Hoàng Xuân Lương: Theo tôi có 4 bài học:

Thứ nhất, về các văn bản hướng dẫn Đại hội, lần này Ủy ban Dân tộc tiến hành hết sức chu đáo. Đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu, chỉ đạo những nội dung cần phải hướng dẫn trong Đại hội này, làm sao tạo một bước chuyển biến, khơi dậy năng lực nội sinh của đồng bào, giảm tính chờ đợi, ỷ lại. Từ đó UBDT đã có văn bản hướng dẫn chi tiết, không những về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu mà còn là thành phần, nội dung Đại hội, các bước chuẩn bị, khẩu hiệu, thành lập các tiểu ban… làm cơ sở để cấp huyện, cấp tỉnh dựa vào đó triển khai một cách đồng bộ.

Thứ hai là phải thành lập ban chỉ đạo, ban tổ chức có đầy đủ thành phần các sở, ngành liên quan, phân công rõ nhiệm vụ của từng sở, ngành. Bởi vì công tác dân tộc là lĩnh vực đa ngành, nên tất cả các sở, ngành phải vào cuộc và mỗi sở, ngành làm một công việc. Sự phối hợp giữa các sở, ngành đặt dưới sự chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, như vậy mới mang lại hiệu quả, kết quả thiết thực.

Thứ ba, trong từng Đại hội, từng thời điểm phải biết lựa chọn nội dung cốt lõi để thảo luận. Lần này, chúng ta chọn nội dung là các giải pháp để vượt qua đói nghèo một cách bền vững. Việc chọn đúng nội dung, đúng thời điểm để Đại hội tập trung trí tuệ thảo luận và khuyến khích đồng bào bàn các giải pháp vượt nghèo bền vững. Tất cả các mô hình tốt được trình bày trong Đại hội cấp huyện, cấp tỉnh lần này là những bài học, những mô hình rất tốt về kinh tế - xã hội. Đồng bào DTTS nhận biết đây là mô hình do chính người DTTS mình làm nên nên cảm thấy gần gũi, có thể học tập được và sẽ làm được.

Thứ tư, quá trình tổ chức Đại hội phải tạo ra được sự đồng thuận cao, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo các cấp. Nếu tạo ra được sự đồng thuận, sự quan tâm chăm lo của các đồng chí lãnh đạo chủ trì sẽ tạo cho Đại hội một không khí hết sức tốt đẹp.

PV: Vậy theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm, những vấn đề gì cần được quan tâm trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc để hướng tới Đại hội đại biểu các dân thiểu số toàn quốc lần thứ II năm 2019?

TT, Phó Chủ nhiệm Hoàng Xuân Lương: Từ nay đến Đại hội các DTTS toàn quốc lần thứ II tổ chức vào năm 2019 còn rất nhiều việc phải làm. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là chúng ta đã rà soát tốt hệ thống chính sách dân tộc của Nhà nước. Qua rà soát đã thấy rõ ưu điểm, đồng thời cũng thấy những bất cập, hạn chế của các chính sách hiện hành, từ đó tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ rà soát, đánh giá lại, chỉ đạo xây dựng một bộ chính sách cho nhiệm kỳ tới. Phương hướng xây dựng chính sách phải làm sao gọn lại, một chính sách nhiều mục tiêu để giảm số lượng chính sách nhưng kết quả, hiệu lực sẽ tốt hơn, giải quyết được những bất cập trong quản lý nhà nước, sự chồng chéo giữa các Bộ, ngành, giữa quản lý ngành, lĩnh vực và quản lý lãnh thổ trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách.

Một việc hết sức quan trọng cũng phải khắc phục, tức là chính sách làm sao phải dài hạn, không mang tính nhiệm kỳ để khắc phục những bất cập trong thời gian vừa qua - đó là chính sách thực hiện được một, hai năm là hết nhiệm kỳ, mục tiêu không đạt được, phải kéo dài. Một nhiệm vụ rất lớn mà đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm đã phân công, đó là tổng kết toàn bộ công tác dân tộc trong nhiệm kỳ để rút ra ưu điểm, đặc biệt là những bất cập hạn chế, những bài học kinh nghiệm để từ đó lựa chọn được những nội dung quan trọng cần thực hiện trong nhiệm kỳ, làm cho Đại hội đại biểu các DTTS toàn quốc lần thứ II năm 2019 có cơ sở vững chắc mang lại thành công lớn.

Hiện nay UBDT đã báo cáo Chính phủ đồng ý đưa vào chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc là xây dựng một đề tài khoa học cấp nhà nước đánh giá lại toàn bộ lý luận về công tác dân tộc, xây dựng chính sách dân tộc để từ đó làm cơ sở lý luận, phương pháp luận, cơ sở thực tiễn trong việc triển khai xây dựng cũng như tổ chức thực hiện chính sách dân tộc nhiệm kỳ tới.

Tôi cho rằng đó là những nội dung hết sức quan trọng mà đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm đã chỉ đạo cụ thể để chúng ta tập trung đoàn kết toàn bộ đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc và phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương triển khai. Thực hiện tốt những nội dung này chính là lập những thành tích chào mừng Đại hội đại biểu các DTTS toàn quốc lần thứ II được tổ chức vào năm 2019.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Xuân Lương đã dành thời gian trả lời phỏng vấn!

Nhóm PV