Tập trung nguồn lực cho chính sách dân tộc

09:44 AM 03/07/2015 |   Lượt xem: 1555 |   In bài viết | 

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá trong thời gian qua, chính sách dân tộc đã được các Bộ, ngành và địa phương nghiêm túc thực hiện, đạt được những kết quả khá tốt. Kết quả này thể hiện ở việc ban hành khá đầy đủ, toàn diện các chính sách trên các lĩnh vực, phủ kín các địa bàn vùng dân tộc và miền núi (gần 180 văn bản từ cấp Chính phủ tới Bộ, ngành), trong đó trọng điểm là các chính sách ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc ít người.

Quan trọng hơn, các chính sách dân tộc đã góp phần tăng trưởng kinh tế vùng dân tộc, thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi, nhất là hạ tầng kinh tế-xã hội, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc giảm từ 6-10%, nhanh hơn mức giảm bình quân cả nước (5,79%). Bên cạnh đó, dân trí được nâng lên, văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy.

“Có được kết quả này là do Đảng, Nhà nước đã tập trung cả cơ chế, nguồn lực để thực hiện. Nếu không tập trung thì khó có được những kết quả này”, Phó Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng vùng dân tộc miền núi vẫn là vùng còn hết sức khó khăn khi tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, chiếm tỷ lệ 50%, cá biệt có nơi 60%. Tại các vùng này, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, bị chia cắt ảnh hưởng tới sản xuất trong khi tập quán sinh hoạt và tư duy sản xuất của người dân vẫn còn nhiều hạn chế. Thêm vào đó, việc triển khai chính sách dân tộc của các cơ quan quản lý vẫn còn những chồng chéo, trùng lắp nên chưa phát huy được hiệu quả.

Do đó, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: “Vẫn cần phải tập trung nguồn lực để thực hiện chính sách dân tộc trong giai đoạn tới. Chính sách giảm nghèo và các chính sách liên quan phải được sửa đổi theo hướng tập trung ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc ít người”.

Thêm vào đó, trong thiết kế và thực thi chính sách thì không được huy động đóng góp từ người dân nghèo. “Dân nghèo mà huy động thì huy động cái gì? Đối với vùng nghèo như vùng dân tộc thiểu số thì không được huy động dân đóng góp. Còn phân bổ nguồn lực thì phải phân bổ đủ cho vùng dân tộc”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Ngoài các chính sách dân tộc lớn của Nhà nước, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban Dân tộc tổng hợp thêm các chính sách khác từ các nguồn viện trợ không hoàn lại (ODA), từ các chương trình hỗ trợ kỹ thuật thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế và tín dụng vào chính sách dân tộc để thực hiện thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm.

Ủy ban Dân tộc phối hợp với các Bộ rà soát các chính sách dân tộc hiện hành để bỏ những nội dung trùng lặp, xác định lại thứ tự ưu tiên đầu tư để tập trung ngân sách, cơ chế để thực hiện.

Trong thực hiện phân bổ vốn cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Bộ NN&PTNT và các Bộ liên quan nghiên cứu phân bổ cho các xã nghèo (nhất là ở vùng dân tộc miền núi) cao hơn mức hiện nay (hiện nay các xã nghèo được phân bổ vốn từ ngân sách gấp đôi các xã bình thường).

Cho ý kiến vào việc thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2016-2020, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng ý với đề xuất của Ủy ban Dân tộc và các Bộ là tiếp tục thực hiện các chương trình đang làm dở dang nhưng có hiệu quả như Chương trình 135 (hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở, cộng đồng), chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt, hỗ trợ định canh...

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng không nên đặt thời hạn thực hiện các chính sách này trong một khoảng thời gian mà nên làm theo mục tiêu để tránh việc ép tiến độ hoặc không hoàn thành, lại phải bổ sung, kéo dài,...

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng giao các Bộ đánh giá kỹ hơn chính sách cấp phát báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số để đạt hiệu quả thực chất trong nâng cao dân trí, tiết kiệm chi phí cho ngân sách Nhà nước.

Nguồn lực cho chính sách dân tộc còn thiếu hụt

Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, một số chính sách dân tộc chính được thực hiện trong giai đoạn 2011-2015 là Chương trình 135, chính sách hỗ trợ đất ở đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 755/QĐ-TTg và cho vùng đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định 29/2013/QĐ-TTg, chính sách hỗ trợ định canh định cư theo Quyết định 33 và Quyết định 1342/QĐ-TTg, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg, chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg và các chính sách giáo dục, đào tạo nghề,...

Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm tới thực hiện các chính sách dân tộc khi nguồn lực để thực thi chiếm tới 30% tổng vốn ngân sách cấp cho các chương trình mục tiêu.

Ông Sơn Phước Hoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết Chương trình 135 là chính sách quan trọng bậc nhất trong hệ thống chính sách dân tộc. Sau 3 năm thực hiện, với nguồn vốn gần 8.900 tỷ đồng và 38,3 triệu Euro thì các địa phương đã thực hiện trên 15.000 công trình, tập trung chủ yếu vào đường giao thông, thủy lợi và trường học; hỗ trợ giống cây, con, mua sắm trang thiết bị công cụ sản xuất; thực hiện 117 dự án và 104 mô hình phát triển sản xuất, chuyển giao kỹ thuật cho trên 275.000 lượt người.

Tuy nhiên, hạn chế chung trong thực hiện các chính sách dân tộc trên là do nguồn lực thực hiện không được cấp đủ, kịp thời cho các địa phương, do đó mục tiêu đặt ra của các chính sách khó đạt được đúng kế hoạch. Như chính sách tín dụng sau 3 năm mới chỉ đáp ứng được 7% nhu cầu vay vốn của đồng bào dân tộc.

Riêng chính sách hỗ trợ trực tiếp (bằng tiền, hiện vật) cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn thì hoàn thành 100% kế hoạch đề xuất.

Ngoài ra, một nguyên nhân ảnh hưởng tới việc thực hiện chính sách còn do tổ chức thực hiện còn bất cập. Đối với Chương trình 135, đối tượng là cấp xã, thôn và được giao cho Ủy ban Dân tộc chỉ đạo thực hiện. Đối với Chương trình 30a, đối tượng là cấp huyện (có trên 90% xã thuộc Chương trình 135), trên cùng một địa bàn nhưng lại phân công cho Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo, tạo ra sự chồng chéo trong quản lý, thực hiện.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết ngoài nguyên nhân từ phía tổ chức thực hiện thì phong tục, tập quán sinh hoạt, sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số cũng ảnh hưởng lớn tới hiệu quả của chính sách.

“Một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn ỷ lại vào trợ cấp của nhà nước, chỉ cần đủ ăn là được. Tôi đã trực tiếp gặp gỡ đồng bào dân tộc và thấy gia đình có 1 ngày giỗ nhưng mọi người nghỉ nương rẫy 1 tuần. Định canh định cư cho bà con nhưng sau một thời gian lại du canh du cư vì họ nói canh tác ở xuôi thì phải cúi người nên đau lưng, còn canh tác ở vùng núi dốc thì chỉ đứng, không bị đau lưng. Mà đã ở trên núi thì ngân sách kéo điện lên tốn kém, đến lúc thu tiền điện thì không đủ trả công cho anh đi thu tiền điện. Tâm lý đồng bào là sử dụng miễn phí mọi thứ từ xưa tới nay, nhưng giờ dùng nước sạch dù được hỗ trợ nhưng phải mất một chút tiền thì không ai dùng. Đó là những thực tế cần phải được xem xét nghiêm túc để chính sách dân tộc đạt hiệu quả”, ông Nguyễn Chí Dũng nói.

Để chính sách dân tộc phát huy được hiệu quả trong thời gian tới, các Bộ, ngành cho rằng nên tập trung vào Chương trình 135 và tích hợp các chính sách còn lại thành chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số.

Theo: Thành Chung (Nguồn: chinhphu.vn)