Chính sách vùng dân tộc thiểu số và miền núi: Tăng cho vay, giảm cho không
11:12 AM 29/10/2015 | Lượt xem: 4713 In bài viết |Về đề án này, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Sơn Phước Hoan cho biết: Vùng DTTS&MN có nhiều tiềm năng về kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, khai khoáng, là địa bàn chiến lược về quốc phòng an ninh, nhưng cũng là địa bàn có nhiều khó khăn, hộ nghèo cao nhất cả nước; chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu, thường xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Khu vực này cũng thường bị ảnh hưởng trực tiếp bởi việc xây dựng các công trình thuỷ điện, thuỷ lợi, khai khoáng… Nếu không có chính sách đặc thù hỗ trợ, người dân sẽ khó ổn định và phát triển.
Vì lẽ đó, chính sách đặc thù để tiếp tục hỗ trợ cho các hộ nghèo ở vùng DTTS là chính sách quan trọng, gồm nhiều nội dung nhằm tạo đà cho hộ nghèo DTTS&MN có điều kiện phát triển, góp phần ổn định dân cư. Ủy ban Dân tộc đề xuất xây dựng chính sách đặc thù theo hướng tích hợp các chính sách hết hiệu lực trong năm 2015 nhưng mục tiêu chưa hoàn thành vào trong một quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi kỳ vọng chương trình này sẽ là một nội dung quan trọng của công tác dân tộc giai đoạn 2016-2020.
Chính sách đặc thù này sẽ tập trung vào những nội dung nào, thưa Thứ trưởng?
" Chính sách dân tộc trong giai đoạn mới sẽ được xây dựng theo hướng dài hạn, phân rõ chính sách có tính chiến lược và chính sách giải quyết những vấn đề bức xúc, có tính tình huống; tiếp cận giảm nghèo theo hướng đa chiều”.
- Một mặt, đề án tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn nhất, bức xúc nhất của đồng bào DTTS&MN; mặt khác, tạo đà cho hộ nghèo phát triển về kinh tế - xã hội, khuyến khích người dân tham gia sản xuất hàng hóa tiến tới giảm nghèo bền vững, nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội. Nội dung chính sách tập trung vào hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ nước sinh hoạt; bố trí sắp xếp ổn định dân cư; hỗ trợ tín dụng... Trong đó, chính sách sẽ được tích hợp theo hướng giảm đầu mối văn bản, từ 7-8 văn bản còn 1 để thực hiện chủ động hơn, nguồn lực cũng lớn hơn, trong đó chú trọng tăng cho vay giảm cho không, phân cấp mạnh cho địa phương để chủ động thực hiện hiệu quả.
Mục tiêu của chính sách là nhằm góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng DTTS&MN từ 3,5-4% năm; giải quyết việc làm và đất sản xuất cho 80% hộ DTTS thiếu đất sản xuất; giải quyết tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt; bố trí sắp xếp dân cư ở những hộ còn du canh du cư, di cư tự do; giúp đồng bào tiếp cận tốt hơn với tín dụng ưu đãi...
Thứ trưởng đánh giá như thế nào khi có ý kiến cho rằng, các nội dung trong dự thảo còn trùng lặp với các chương trình do Bộ, ngành khác thực hiện?
- Mặc dù có nội dung trùng nhau nhưng do các chương trình chưa phủ hết, vẫn còn bỏ sót đối tượng nên chính sách này hướng tới những đối tượng nghèo, vùng đặc biệt khó khăn chưa được các chương trình, chính sách khác nhắm đến. Đơn cử, qua rà soát, vẫn còn hơn 500.000 hộ đang có nhu cầu về nước sạch, hơn 300.000 hộ thiếu đất ở, đất sản xuất, cần đào tạo, chuyển đổi nghề…
Xin cảm ơn ông!
(Nguồn: danviet.vn)