Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum: Góp công bảo tồn bản sắc văn hóa DTTS
07:55 PM 31/10/2020 | Lượt xem: 5107 In bài viết |Trong những năm gần đây, công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn được tỉnh Kon Tum đặc biệt quan tâm, chú trọng. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS.
Tỉnh Kom Tum hiện có 28 dân tộc cùng sinh sống ở 874 thôn, tổ dân phố. Đồng bào các DTTS chiếm 53,18% dân số toàn tỉnh. Trong cộng đồng đồng bào DTTS có nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể như văn hóa luật tục, văn hóa cư trú, kiến trúc, lễ hội và các loại nhạc cụ dân tộc, nghệ thuật dân gian, ẩm thực, trang phục, thổ cẩm...
Trong 5 năm gần đây, Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum phối hợp các sở, ban, ngành triển khai nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc; trong đó nổi bật là việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy tiếng nói, chữ viết của các DTTS và bảo tồn, phát huy các di tích cách mạng.
Xác định, văn hóa truyền thống các DTTS là đặc trưng riêng của từng địa phương, Ban Dân tộc phối hợp với Sở Văn hóa tích cực tuyên truyền bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc. Không chỉ truyền dạy cồng chiêng, nghề truyền thống, phục dựng nghi lễ, phong tục, mà còn giúp đồng bào các dân tộc duy trì, tự tổ chức định kỳ hằng năm ở các cộng đồng dân cư. Đặc biệt, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2020”. Việc thực hiện Đề án đã góp phần thúc đẩy KT-XH vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh phát triển khá toàn diện, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào.
Theo báo cáo, đến nay toàn tỉnh có 449 nhà rông trên tổng số 593 thôn, làng đồng bào DTTS, đạt tỷ lệ 76% làng có nhà rông; toàn tỉnh đã lập hồ sơ 200 di sản phi vật thể của đồng bào các DTTS tại chỗ; điều tra thống kê 1.916 bộ cồng chiêng, cơ bản phân loại được các loại cồng chiêng của các DTTS; sưu tầm và xử lý khoa học hàng nghìn hiện vật bao gồm trang phục, trang sức, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình, dụng cụ lao động sản xuất truyền thống, nhạc cụ; tổ chức 87 lớp truyền dạy với hơn 1.800 học viên về văn hóa dân gian như truyền dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Ba Na, Xơ Đăng, Gié Triêng; nghề đan lát của dân tộc Xơ Đăng; sưu tầm phục dựng 28 lễ hội truyền thống. Đến nay, toàn tỉnh có 98,2% số xã, thôn vùng đồng bào DTTS có sân chơi, bãi tập được chỉnh trang, xây dựng bằng nguồn đóng góp của Nhân dân.
Với sự đóng góp của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức, người lao động trong công tác tham mưu, quản lý, triển khai hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum là một trong số ít đơn vị được các cấp, các ngành và lãnh đạo tỉnh ghi nhận tặng nhiều phần thưởng, bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc.
(baodantoc.vn)