Đánh thức tiềm năng dược liệu vùng dân tộc thiểu số và miền núi

10:26 AM 08/11/2022 |   Lượt xem: 2153 |   In bài viết | 

Các đại biểu đều đồng nhất quan điểm cần phát huy mạnh mẽ giá trị các loại dược liệu quý.

Phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị dược liệu

Để phát triển tốt nhất cho dược liệu vùng dân tộc thiểu số, miền núi, tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Cục Quản lý Y Dược cổ truyền (Bộ Y tế) vừa phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị hướng dẫn triển khai nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục quản lý Y Dược cổ truyền chủ trì hội nghị. Lãnh đạo nhiều địa phương, doanh nghiệp, đơn vị, nơi triển khai dự án trồng dược liệu quý cũng đến dự và có nhiều ý kiến đóng góp cho việc bảo tồn dược liệu.

Theo ban tổ chức, đây là Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021.

PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị.

Tại giai đoạn I, từ năm 2021 đến năm 2025 sẽ tập trung đầu tư hỗ trợ phát triển dược liệu quý theo hình thức dự án liên kết chuỗi giá trị tại 22 huyện, của 21 tỉnh với 18 dự án vùng trồng dược liệu quý và 4 dự án Trung tâm nhân giống ứng dụng công nghệ cao.

Các dự án đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý sẽ thực hiện theo 2 hình thức gồm: 

- Chuỗi liên kết 4 nhà là: Nhà nông (vùng đồng bào dân tộc thiểu số) - Doanh nghiệp - Nhà quản lý - Nhà khoa học - Nhà bank (trong đó doanh nghiệp là trung tâm của chuỗi liên kết).

- Chuỗi giá trị: Bảo tồn nguồn gen - nhân giống - trồng trọt - chế biến, sản xuất - tiêu thụ sản phẩm.

Để thực hiện hiệu quả chương trình này, Đảng và Nhà nước đã có chương trình hỗ trợ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị dược liệu.

Điển hình như, lần đầu tiên cây sâm và dược liệu quý nhận được sự quan tâm đầu tư lớn từ ngân sách nhà nước. Tổng mức đầu tư hỗ trợ có thể lên tới 65 tỷ cho một vùng dự án. Các nội dung hỗ trợ đa dạng như: Hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp đào tạo nghề cho lao động tại chỗ; Hỗ trợ chi phí quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực quốc gia và cấp tỉnh; Hỗ trợ theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt…

Hỗ trợ kinh phí thực hiện nghiên cứu khoa học, mua bản quyền công nghệ, mua công nghệ hoặc mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tạo ra sản phẩm mới… Hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ Ngân hành chính sách xã hội cho cơ sơ sản xuất kinh doanh tham gia vào dự án…

Nguồn dược liệu quý đa dạng

Theo ban tổ chức hội nghị, qua điều tra nguồn gen dược liệu, Việt Nam có 5.117 loài, trong đó có nhiều loại dược liệu quý, hiếm. Đây là một kho tàng vô giá để tạo ra các sản phẩm thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, sản phẩm chăm sóc bảo vệ sức khỏe từ dược liệu, hóa mỹ phẩm từ dược liệu…

Hàng năm tổng số dược liệu được sử dụng trong ngành y tế ở nước ta ước tính 100.0000 tấn với tổng giá trị thị trường trên 400 triệu USD/năm. Cũng theo WHO, có đến 80% dân số toàn cầu sử dụng thảo dược để chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tổng giá trị thị trường sản phẩm từ thảo dược toàn cầu năm 2021 ước tính khoảng 230 tỷ USD có thể đạt 430 tỷ USD vào năm 2028 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm CAGR 11.32%.

Đại diện Sở Y tế Đắk Lắk phát biểu tại hội nghị về bảo tồn dược liệu.

Theo đánh giá của các đại biểu, có thể thấy, nước ta có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật không chỉ phục vụ cho công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng dân tộc thiểu số miền núi, nông thôn, mà còn có thể xuất khẩu đóng góp tăng trưởng GDP cho nền kinh tế nước nhà.

Trong đó cây sâm và dược liệu quý được xác định là đối tượng có nhiều tiềm năng và lợi thế của các địa phương thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Chính phủ lựa chọn đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Việc đầu tư này nhằm tạo sinh kế và tăng thu nhập ổn định, bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực triển khai dự án.

Tại hội nghị, lãnh đạo Cục Quản lý Y Dược cổ truyền và Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam, Văn phòng điều phối trung ương Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng đã hướng dẫn nhiều vấn đề doanh nghiệp, chính quyền địa phương nơi triển khai dự án còn chưa rõ, những vấn còn vướng mắc trong triển khai thực hiện của chương trình.

Phát biểu thảo luận tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng đánh giá liên kết chuỗi giá trị dược liệu cần có sự chặt chẽ tránh tình trạng có dược liệu nhưng không có đầu ra dẫn đến các dự án rơi vào phá sản hoặc thực hiện không thành công.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh nhấn mạnh: Để triển khai hiệu quả Quyết định số 1719/QĐ-TTg tạo sự phát triển bứt phá, toàn diện và bền vững về phát triển dược liệu quý ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đề nghị các địa phương được lựa chọn triển khai nội dung đầu tư hỗ trợ phát triển dược liệu quý cần tích cực, chủ động, phối hợp tốt hơn với Bộ Y tế. 

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng chính sách xã hội và các bộ, ngành liên quan quyết tâm hoàn thành tất cả công tác chuẩn bị để kịp thời lựa chọn chuỗi giá trị dược liệu. Chủ trì liên kết triển khai thực hiện nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

(suckhoedoisong.vn)