Tập trung giải quyết nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo

09:32 AM 09/08/2023 |   Lượt xem: 5986 |   In bài viết | 

Nhà ở là một trong ba nhu cầu cơ bản, thiết yếu và cốt lõi nhất của mỗi người, đặc biệt là các hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Ảnh: Phương Liên)

Nhà ở là một trong ba nhu cầu cơ bản, thiết yếu và cốt lõi nhất của mỗi người, đặc biệt là các hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Vì vậy, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề nhà ở cho nhân dân, nhất là các hộ gia đình nghèo tại khu vực nông thôn, khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão, lụt, đặc biệt là các hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay, trên cả nước, đã có hàng triệu hộ gia đình thuộc diện gia đình nghèo có khó khăn về nhà ở được hỗ trợ vốn để cải thiện nhà ở, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, giúp người dân có cuộc sống ổn định hơn, yên tâm lao động, sản xuất.

Tuy vậy, ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi của cả nước hiện vẫn còn 18.338 căn nhà ở cần được hỗ trợ. Do vậy, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025 (Chương trình) đã thiết kế Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, với mục tiêu: Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn chưa có nhà ở hoặc có nhà ở tạm, dột nát được hỗ trợ xây dựng nhà ở đảm bảo “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Tiêu chí “3 cứng” nhằm đảm bảo cho các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.

Ngày 23/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 04/QĐ-TTg về mức hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện một số nội dung thuộc Dự án 1 và Tiểu dự án 1, Dự án 4 của Chương trình. 

Theo đó, ngân sách trung ương hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ, ngân sách địa phương hỗ trợ tối thiểu 04 triệu đồng/hộ để xây dựng 01 căn nhà theo phong tục tập quán của địa phương, bảo đảm 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng).

Ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương và bố trí từ ngân sách địa phương, các địa phương huy động thêm các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện hỗ trợ về nhà ở, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu của Chương trình.

Theo quy định tại Nghị định số 28/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình, các hộ gia đình còn có thể vay vốn ưu đãi với mức lãi suất bằng 50% lãi suất cho hộ nghèo vay theo quy định hiện hành với thời gian tối đa 15 năm từ Ngân hàng Chính sách xã hội là 40 triệu đồng, đồng thời tự cân đối một phần vốn (khoảng 15% tổng số vốn xây dựng) để làm ngôi nhà đạt chuẩn theo quy định.

Giải quyết vấn đề nhà ở là đầu tư trực tiếp tới từng hộ gia đình, không phải cho cộng đồng dân cư, thôn bản nên không thể lập dự án chung để thụ hưởng nguồn vốn đầu tư công. Trong khi Luật Đầu tư công chưa có quy định việc hỗ trợ trực tiếp cho người dân từ nguồn vốn đầu tư công.

Để tháo gỡ vướng mắc này, các bộ, ngành chức năng đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 38/NĐ-CP ngày 24/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/NĐ-CP ngày 19/4/2022 quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Nghị định số 38/NĐ-CP cho phép áp dụng cơ chế đặc thù: “Sử dụng vốn đầu tư công để hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, theo định mức cho một số đối tượng chính sách thuộc nội dung đầu tư của chương trình mục tiêu quốc gia để tự thực hiện đầu tư, không quản lý theo hình thức dự án đầu tư. Tài sản hình thành sau đầu tư không là tài sản công”. Như vậy, việc hỗ trợ giải quyết nhà ở trong Chương trình được hưởng cơ chế đặc thù này.

Nghị định số 38/NĐ-CP cũng quy định rõ: “Việc thanh toán hỗ trợ xây mới nhà ở trong thực hiện chính sách nhà ở cho một (01) đối tượng chính sách thực hiện hai lần; thanh toán lần đầu (lần 1) sau khi đối tượng chính sách hoàn thành phần móng nhà ở, mức thanh toán tối đa không quá 70% mức hỗ trợ theo quy định; thanh toán phần còn lại của mức hỗ trợ (lần 2) sau khi đối tượng chính sách hoàn thành xây mới nhà ở”.

Như vậy, các vướng mắc trong việc hỗ trợ nhà ở trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được tháo gỡ. Các địa phương đã có đầy đủ cơ chế đặc thù và định mức để bắt đầu tổ chức triển khai thực hiện chỉ tiêu đến hết năm 2025, giải quyết nhà ở cho hơn 18.300 hộ.

Theo Bộ Xây dựng, nội dung hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước.

Trong quá trình triển khai thực hiện, các bộ, ngành đã chủ động, tích cực phối hợp cùng Bộ Xây dựng tham mưu cho Chính phủ giải quyết các vướng mắc, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để các địa phương có căn cứ bắt tay vào thực hiện nội dung hỗ trợ nhà ở trong Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hy vọng, từ bây giờ, việc hỗ trợ nhà ở sẽ được các địa phương triển khai quyết liệt, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đã đề ra, tạo điều kiện cho hơn 18.300 hộ có điều kiện xây dựng, cải tạo nhà ở, bảo đảm an toàn, ổn định, từng bước nâng cao mức sống./.

(dangcongsan.vn)