Chỉ thị của Ban Bí thư về lãnh đạo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam

12:00 AM 08/05/2009 |   Lượt xem: 2182 |   In bài viết | 

Bác Hồ lúc sinh thời, Đảng và Nhà nước ta đã tổ chức hai Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) ở hai miền Bắc và Nam. Nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của năm 2010, Ban Bí thư quyết định tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam. Đây là sự kiện chính trị - xã hội quan trọng trong đời sống cộng đồng các dân tộc Việt Nam; nhằm tiếp tục tổng kết, đánh giá công tác dân tộc, khẳng định đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc; khẳng định, tôn vinh và biểu dương công lao đóng góp to lớn của các DTTS đối với thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam. Đại hội là diễn đàn giao lưu, trao đổi, tạo sự đồng thuận và niềm tin vững chắc của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Đây cũng là nguyện vọng chính đáng của đồng bào các DTTS trong cả nước. Đại hội là biểu tượng sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, thống nhất ý chí và hành động vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Quá trình tiến hành đại hội đại biểu các DTTS các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đặc biệt đối với vùng DTTS. Đồng thời là dịp để tiếp tục nâng cao nhận thức, hành động cách mạng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước, đường lối chiến lược của Đảng về chính sách dân tộc và đại đoàn kết toàn dân tộc.

Để tổ chức đại hội đại biểu các DTTS các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam đạt kết quả tốt, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng từ Trung ương đến địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:

1. Quán triệt sâu rộng về mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức đại hội đại biểu các DTTS các cấp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhằm phát huy truyền thống yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tạo khí thế thi đua sôi nổi trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thiết thực lập thành tích chào mừng đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và các sự kiện chính trị, lịch sử lớn của đất nước.

2. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa IX) về công tác dân tộc. Chú trọng tuyên truyền trong nước và tuyền truyền đối ngoại về kết quả thực hiện chính sách dân tộc và đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước ta.

Ban tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan có kế hoạch chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tổ chức tuyên truyền về đại hội đại biểu các DTTS các cấp.

3. Đại hội đại biểu các DTTS Việt Nam được tổ chức ở cấp huyện, tỉnh và cấp trung ương. Việc tổ chức đại hội đại biểu các DTTS các cấp phải trang trọng, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm.

Thời gian đại hội đại biểu ở huyện, tỉnh từ quý III đến quý IV năm 2009; Đại hội đại biểu toàn quốc sẽ tiến hành vào tháng 5-2010 (vào dịp kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Các tỉnh uỷ, thành uỷ, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương căn cứ tinh thần Chỉ thị này thành lập ban chỉ đạo đại hội đại biểu các DTTS các cấp. Ban Chỉ đạo Đại hội toàn quốc do một đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, lãnh đạo Uỷ ban Dân tộc làm Phó trưởng ban thường trực, thành viên gồm các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương có liên quan. Ban Chỉ đạo Đại hội cấp tỉnh, cấp huyện do đồng chí chủ tịch hoặc phó chủ tịch uỷ ban nhân dân làm trưởng ban, thành viên gồm các đồng chí lãnh đạo các cơ quan liên quan trực thuộc tỉnh, huyện.

4. Đây là Đại hội nhằm tôn vinh, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội qua các thời kỳ cách mạng, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới. Do vậy, các cấp uỷ đảng cần chỉ đạo việc giới thiệu, chọn cử đại biểu tham dự đại hội các cấp bảo đảm thực sự tiêu biểu, xuất sắc, đại diện cho các DTTS, các thành phần, các giới, các thế hệ, lĩnh vực, vùng miền. Việc bình xét khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích phải có tác dụng động viên, lôi cuốn phong trào, theo đúng Luật Thi đua-Khen thưởng và các quy định hiện hành.

5. Giao Ban cán sự đảng Uỷ ban Dân tộc chủ trì xây dựng đề án Đại hội, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện; chủ trì, phối hợp với Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cấp uỷ đảng và chính quyền các cấp triển khai tổ chức Đại hội.

6. Từ năm 2010 trở đi, định kỳ 10 năm tiến hành tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam một lần.

Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ.

T/M Ban Bí thư

Trương Tấn Sang
(đã ký)