Cách nuôi trâu bò mùa rét

08:20 PM 18/12/2017 |   Lượt xem: 7380 |   In bài viết | 

Cao Bằng tăng cường phòng chống rét và dịch bệnh cho đàn gia súc

1. Chuẩn bị trước khi giá rét

- Chuẩn bị chuồng trại: Kiểm tra, củng cố nền chuồng, mái che, tường bao quanh, đảm bảo nền chuồng luôn khô ráo, đảm bảo đủ ấm, không bị gió lùa, mưa hắt vào chuồng. Dự phòng bạt, phên nứa, chăn màn cũ, áo cũ… để quây chuồng nuôi và giữ ấm cho trâu bò khi rét đậm, rét hại.

- Chuẩn bị thức ăn: Dự trữ thức ăn cho bò, tận dụng triệt để nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp để chế biến thức ăn cho chúng, đặc biệt là rơm, thân, lá cây ngô trong vụ thu đông, đảm bảo mỗi hộ chăn nuôi có tối thiểu 1 cây rơm. Ngay trong mùa mưa, lượng thức ăn thô xanh nhiều, người chăn nuôi phải có kế hoạch ủ chua thức ăn thô xanh (bình quân 1 tấn thức ăn ủ chua trở lên/con) hoặc trồng cây ngô, cỏ đảm bảo diện tích khoảng 300 – 500 m2/con.     

- Chăm sóc, nuôi dưỡng: Tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng, đảm bảo khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng và sức khỏe cho đàn bò để chống rét, chống bệnh dịch. Những bò già, yếu cần nuôi vỗ béo để bán giết thịt; đối với bê con cần có chế độ chăm sóc hợp lý để tăng cường sức đề kháng với bệnh, dịch và giá rét trong vụ đông.

-  Phòng, chống bệnh dịch: Thực hiện tiêm phòng vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm, định kỳ 2 lần/năm (vụ xuân hè, vụ thu đông) hoặc tiêm phòng bổ sung theo quy định. Định kỳ vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, xử lý chất thải chăn nuôi để hạn chế dịch bệnh lây lan.

2. Thực hiện các biện pháp chống rét

2.1 Độn chuồng

- Vào mùa đông, để chống rét cho trâu, bò, trước tiên cần chú ý, giữ cho bộ lông của trâu, bò thật sạch và khô. Nếu bộ lông ướt sẽ giảm cách nhiệt và làm cho trâu, bò bị rét hơn. Ngoài ra, cần sử dụng rơm rạ, cỏ khô lót chuồng sẽ làm giảm đáng kể ảnh hưởng thời tiết lạnh đến gia súc.

- Tùy vào điều kiện thực tế, có thể rải một lớp độn chuồng dày khoảng 5 - 15 cm trong suốt mùa đông. Chú ý, hàng ngày bổ sung chất độn chuồng ở phía trên, đảm bảo chất độn chuồng không bị ướt, ẩm.

2.2 Che chắn tránh gió

Che chắn chuồng bò bằng vải bạt hoặc các tấm phên, bao tải. Không nên che kín, chỉ che qua chiều cao của con vật, từ 1,8 - 2 m.

2.3 Cung cấp thức ăn và nước uống tại chuồng

- Khi nhiệt độ trên 120C: Sau khi chăn thả về, ban đêm cho trâu, bò ăn thêm 10 – 15 kg thức ăn/con/ngày, trong đó: 7 – 10 kg cỏ tươi xanh hoặc cỏ ủ chua, 2 - 3 kg rơm, l – 2 kg thức ăn tinh, cho uống nước ấm pha muối loãng (20 – 30 g muối/con/ngày).

- Khi nhiệt độ dưới 120C: Dồn trâu, bò về chuồng, lán tạm. Tuyệt đối không thả rông tự do ngoài đồng, ngoài bãi chăn thả, trên rừng qua đêm. Cho bò nghỉ và cho ăn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, khẩu phần ăn từ 30 - 40 kg thức ăn/con/ngày, trong đó: 26 – 34 kg cỏ tươi xanh hoặc cỏ ủ chua, 3 – 4 kg rơm hoặc rơm ủ urê, l – 2 kg thức ăn tinh, cho uống nước ấm pha muối loãng (20 – 30 g muối/con/ngày).

- Nếu vào ngày rét đậm, rét hại thì bà con cần điều chỉnh lượng thức tinh tăng lên khoảng 2 kg để bổ sung năng lượng giúp trâu, bò chống lại giá rét. Chú ý cho trâu, bò ăn thức ăn thô trước rồi mới cho ăn thức ăn tinh, uống nước.

- Để tăng sức đề kháng cho trâu, bò, bà con cần chú ý bổ sung vitamin tổng hợp và muối khoáng. Có thể pha nước ấm 37 - 380C với muối, nồng độ 0,1 - 0,3% tương đương 10 – 30 g muối/10 lít nước.

- Cho trâu, bò uống đủ nước, tốt nhất là cho uống nước ấm có hoà muối.

2.4 Đốt lửa chống rét

Khi nhiệt độ xuống dưới 120C, có thể sử dụng bóng điện hoặc đốt lửa chống rét.

- Dùng xô, chậu cũ để đựng củi, trấu, nhóm củi bén ở ngoài chuồng cho bớt khói rồi mới đưa vào trong chuồng.

- Khi đốt lửa chống rét cần chú ý nhất tới vị trí đặt. Đặt khay lửa ở cuối chuồng để khói không tạt vào mặt trâu, bò và đặt tránh xa chất độn chuồng, bạt che để phòng bén lửa gây cháy, gây bỏng cho trâu, bò.

2.5 Mặc áo chống rét

Khi nhiệt độ dưới 12 độ C thì mặc áo chống rét cho trâu, bò.

- Với một chiếc áo, bà con có thể sử dụng cho 1 trâu, bò trong suốt mùa, tuy nhiên không nên mặc áo chống rét cho trâu, bò cả ngày, lúc trời nắng (thường sau 8 giờ sáng) nên bỏ áo để trâu, bò tắm nắng.

- Khi mặc áo cho trâu, bò cần chú ý chiều dài áo phủ từ thân đến hết đuôi, chiều ngang vừa đủ choàng qua thân, các dây thắt như khuy áo buộc ở dưới bụng.

2.6  Vệ sinh chuồng trại

- Thường xuyên quét dọn vệ sinh chuồng trại. Định kỳ phun thuốc khử trùng từ 2 - 3 tuần một lần để tăng cường vệ sinh tiêu độc khử trùng. Có thể sử dụng một số loại thuốc sát trùng như Virkon, Hanlotdin, Farm Fluid theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Cách ly, chăm sóc tốt trâu, bò yếu, ốm trong những ngày giá rét. Tiêm phòng đầy đủ vắc xin chống các bệnh truyền nhiễm như dịch tả, tụ huyết trùng, lở mồm long móng, nhiệt thán, suyễn,...

- Những ngày quá rét, trâu, bò thường xảy ra bệnh cước chân, biểu hiện thấy da chân bị sưng phù, nứt nẻ, có hiện tượng xung huyết. Trường hợp bệnh nặng lớp biểu bì ở chân có chảy dịch màu vàng, tạo vết loét, gây nhiễm trùng, nếu không điều trị kịp thời tổ chức dưới da bị hoại tử làm cho con vật bị què, nặng hơn trâu, bò có thể kế phát các bệnh truyền nhiễm khác.

Nếu trâu, bò bị cước chân cần tăng cường giữ ấm, để nền chuồng khô ráo, tăng cường cho ăn uống đầy đủ có bổ sung muối, khoáng, vitamin. Bệnh mới xuất hiện có thể dùng gừng giã nhỏ hoà với rượu để xoa bóp hàng ngày, đồng thời cho trâu, bò vận động trong chuồng để tăng cường tuần hoàn máu tại chân, tránh hiện tượng sưng phù bệnh sẽ càng nặng. Khi bệnh nặng cần báo cán bộ thú y để điều trị bằng kháng sinh.

(dantocmiennui.vn)