Khởi động Dự án tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam
04:08 PM 16/10/2018 | Lượt xem: 5587 In bài viết |Dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” hướng tới các nhóm đối tượng yếu thế, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo, nhằm hỗ trợ các nhóm đối tượng yếu thế dễ dàng tiếp cận hệ thống tư pháp, pháp luật Việt Nam.
Chiều 12/10, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp với Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức Lễ khởi động Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) do Liên minh châu Âu hỗ trợ.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh: Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” do Liên minh châu Âu tài trợ có mục tiêu tăng cường xây dựng pháp quyền xã hội chủ nghĩa thông qua hệ thống tư pháp tin cậy, dễ dàng tiếp cận hơn. Dự án hướng tới các nhóm đối tượng yếu thế, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo, nhằm hỗ trợ họ giải quyết những khó khăn trong việc sử dụng các dịch vụ công trong hệ thống tư pháp để thực hiện các quyền hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Dự án gồm hai hợp phần. Hợp phần Pagoda do Ban Quản lý dự án Bộ Tư pháp phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc quản lý thực hiện, tập trung vào hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực của một số cơ quan, tổ chức của Chính phủ Việt Nam. Hợp phần JIFF hỗ trợ cho các tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam để thực hiện các hoạt động hỗ trợ tiếp cận tư pháp cho công dân Việt Nam.
Các cơ quan tham gia thực hiện Dự án gồm: Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn luật sư Việt Nam và một số bộ, ngành, địa phương.
Dự án sẽ tăng cường tiếp cận các hình thức tư vấn, hỗ trợ pháp lý và đại diện bào chữa đối với các vụ việc dân sự và hình sự; Hoàn thiện khung pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành về tăng cường khả năng thực hiện quyền và tiếp cận công lý, phù hợp với Hiến pháp 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Tăng cường liêm chính, minh bạch trong ngành tư pháp. Đồng thời, nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân về quyền và cách thức thực hiện các quyền phù hợp với pháp luật Việt Nam.
Dự án được thực hiện từ năm 2018 đến hết năm 2020./.
Kim Phương