Pờ Tó sẽ sớm thoát nghèo

04:37 PM 03/03/2016 |   Lượt xem: 2349 |   In bài viết | 

Vượt qua bao bộn bề khó khăn, vùng đất ấy giờ đây đang khoác lên mình bộ mặt mới với niềm tin sẽ trở thành vùng đất đầy tiềm năng trong tương lai.

Bước ngoặt về sự phát triển của Pờ Tó diễn ra vào năm 1999, khi Chương trình 135 đến với xã. Chính sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng của Đảng, Nhà nước là nền tảng cơ bản để người dân Pờ Tó phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành nên các vùng chuyên canh cây công nghiệp ngắn ngày và cây lương thực gắn với tiềm năng thế mạnh của vùng đất. Điểm nhấn về bức tranh kinh tế của Pờ Tó càng được nhân lên khi năm 2000, Công ty mía đường Gia Lai đầu tư phát triển vùng nguyên liệu trên địa bàn. Khai thác cơ hội này, người dân Pờ Tó tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển mạnh các diện tích mía, sắn và các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Xã Pờ Tó hiện có 12 thôn, làng với hơn 1.300 hộ dân, hầu hết các hộ dân đều trồng cây mía và cây sắn, nhà ít thì vài sào, nhà nhiều trồng 10 - 20 ha, cá biệt có nhà có đến gần cả 100 ha. Gia đình chị Ngô Thị Tâm ở thôn 3 là một trong những hộ sản xuất điển hình của xã với mức thu nhập mỗi năm sau khi trừ chi phí khoảng 1,5 tỷ đồng từ ruộng mía 50 ha và 20 ha sắn của gia đình. Chị Tâm tâm sự: Gia đình tôi vào vùng đất xa xôi này xây dựng kinh tế mới từ năm 1980. Vùng đất này khi đó hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài, không đường, không điện, không trường học, không trạm y tế. Từ khi được Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh, đặc biệt là hệ thống giao thông đã tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa được giao thương thông suốt, từ đó khích lệ gia đình tôi cũng như bà con trong xã tập trung phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo”.

Nhà máy tinh bột sắn đang được xây dựng trên địa bàn xã Pờ Tó.
Con đường Đông Trường Sơn rộng rãi, thông thoáng nối liền Pờ Tó với trung tâm huyện Ia Pa và các huyện lân cận không chỉ tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân mà còn tạo cú hích cho giao thương hàng hóa phát triển, hứa hẹn tạo nên sự đột phá cho người nông dân vươn lên làm giàu. Niềm vui tiếp nối niềm vui bởi vào cuối tháng 4/2016, Nhà máy sản xuất tinh bột sắn thuộc Công ty cổ phần Nông sản Thực phẩm Việt Nam được xây dựng trên địa bàn xã đi vào hoạt động sẽ mở ra cơ hội lớn để người nông dân yên tâm phát triển cây sắn khi đã có đầu ra ổn định, giải quyết việc làm cho khoảng 100 lao động tại chỗ, mang lại nhiều hứa hẹn về một nền kinh tế phát triển bền vững trong tương lai.

Gắn bó với mảnh đất vùng sâu Pờ Tó trên dưới 30 năm, Chủ tịch UBND xã Pờ Tó Lê Trọng Nam cho biết: Những năm 80 trở về trước, cuộc sống của người dân nơi đây rất khó khăn và thiếu thốn; mỗi khi đau ốm, người dân phải lội bộ nửa ngày mới ra được trung tâm huyện để khám bệnh. Từ khi được Nhà nước đầu tư hạ tầng cơ sở theo Chương trình 135, người dân mới có cơ hội vươn lên phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, xã đã lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn mục tiêu Quốc gia để đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó chú trọng đầu tư hệ thống giao thông, góp phần tạo thuận lợi cho các mặt hàng nông sản của địa phương được giao thương thông suốt, hạn chế tình trạng bị ép giá và không tiêu thụ được. Vùng nguyên liệu mía và sắn sẽ sớm giúp Pờ Tó thoát nghèo.

Từ một địa phương hầu hết là hộ nghèo, đến nay thu nhập bình quân đầu người ở Pờ Tó đạt trên 15 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 40% so với trước. Từ những thành quả đã đạt được, Pờ Tó hôm nay tự hào trở thành vùng kinh tế tiềm năng nhất huyện Ia Pa và là trung tâm giao thương hàng hóa với các huyện Ayunpa, Kôngchro và An Khê của tỉnh Gia Lai.


(Theo: Nguyễn Hoài Nam (Nguồn; baotintuc.vn))