Thông tin giá cả thị trường số 43/2017

07:50 AM 08/11/2017 |   Lượt xem: 4216 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Tây Nguyên: Niên vụ cà phê 2017 dự báo năng suất cao

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là bà con nông dân các tỉnh Tây Nguyên bước vào mùa thu hoạch cà phê niên vụ 2017 - 2018. Khác với nhiều năm trước, niên vụ năm nay dự báo năng suất cà phê sẽ cao hơn nhiều bởi điều kiện thời tiết thuận lợi.

Năng suất cao, sản lượng không tăng

Theo thường niên, mùa thu hoạch cà phê chính của bà con nông dân các tỉnh Tây Nguyên là từ giữa tháng 11 hàng năm. Khác với những năm trước, năm nay điều kiện thời tiết thuận lợi, mùa mưa kết thúc muộn, lượng mưa đều nên cây cà phê được bảo đảm lượng nước, trái nhanh lớn, sản lượng cao hơn mọi năm. Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, niên vụ năm nay, năng suất cà phê của Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung rất có thể sẽ lập kỷ lục mới.

Theo người trồng cà phê ở Tây Nguyên, năm nay tại các tỉnh Tây Nguyên có mưa lớn và kéo dài trong nhiều tháng, đất đủ ẩm nên cây cà phê có lượng nước ổn định. Bà con cũng tranh thủ thời tiết thuận lợi tập trung bón phân, chăm sóc nên lượng quả nhiều, trái to, bóng mẩy… Nếu như năm trước 1 héc-ta cà phê chỉ thu được khoảng 1,3 tấn thì năm nay có khả năng sẽ thu được gần 2 tấn.

Tuy nhiên, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam đã đưa ra dự báo sơ bộ từ đầu năm, sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2017 - 2018 khoảng trên dưới 1,4 triệu tấn, tức là thấp hơn hoặc tương đương niên vụ trước. Bên cạnh đó, một số diện tích cà phê già cỗi đang tăng cao và trồng xen nhiều loại cây trồng khác nên sản lượng cà phê dự đoán không tăng nhiều so với niên vụ trước.

Dự báo giá ổn định

Tính đến thời điểm cuối tháng 10/2017, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng trở lại 300 đồng lên mức 41.000 - 42.100 đồng/kg. Theo dự báo của các chuyên gia, giá cà phê của Việt Nam nói chung và Tây Nguyên sẽ không giảm mạnh mà chỉ dao động từ 40.000 - 43.000 đồng/kg. Đến khi các tỉnh Tây Nguyên bước vào mùa thu hoạch chính thức, nguồn cung có dư nhưng giá cà phê cũng không giảm xuống dưới 40.000 đồng/kg. Bởi theo các chuyên gia, đến thời điểm này, lượng cà phê tồn kho tại Việt Nam không còn nhiều, đặc biệt là tại các nước sản xuất cà phê lớn trên thế giới lượng cà phê tồn khô đều ở mức thấp trong vài năm trở lại đây.

 Không chỉ vậy, ở Việt Nam hiện nay, việc tiêu thụ cà phê nội địa cũng đang tăng. Nhiều nhà máy chế biến cà phê hòa tan đang mở rộng hoạt động hoặc sắp khai trương, đẩy nhu cầu tiêu thụ cà phê trong nước tăng lên đáng kể. Các hãng cà phê rang xay quy mô nhỏ cũng đang hoạt động rất hiệu quả…

Cây cà phê là loại cây trồng chủ lực và mang tính chiến lược của vùng đất đỏ Tây Nguyên, góp phần phát triển ổn định kinh tế gia đình tại các địa phương. Các tỉnh Tây Nguyên cũng hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung có quy mô lớn về cây cà phê. Nhưng trước thực trạng cây cà phê đang đối mặt với nhiều vấn đề như: cà phê già cỗi, hoặc thay thế cây trồng khác… Do vậy, chính quyền và người dân nơi đây cần có chiến lược dài hơi trong việc tái canh cây cà phê, ổn định diện tích và phát triển bền vững.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Đồng bằng sông Cửu Long: Giá phân bón vụ đông xuân tăng

Còn khoảng 1 tháng nữa nông dân Đồng bằng sông Cửu Long mới xuống giống cao điểm vụ lúa đông xuân 2017 - 2018 nhưng nhiều mặt hàng phân bón đã tăng giá mạnh.

Thời điểm này, các đại lý kinh doanh đang tập trung đầu tư dự trữ phân bón. Giá các loại phân bón đều tăng từ 40.000 - 90.000 đồng/bao (50 kg) so với vụ lúa thu đông. Cụ thể, urê Cà Mau 360.000 đồng/bao, urê Phú Mỹ 565.000 đồng/bao, urê trong (Indonesia) 340.000 đồng/bao, DAP 64 Hồng Hà 600.000 đồng/bao, kali Phú Mỹ 400.000 đồng/bao. Giá các loại phân NPK nội địa cũng tăng khoảng 50.000 đồng/bao, trong đó NPK 20-20-15 (loại 3 màu cao cấp) giá 595.000 đồng/bao, NPK 16-16-8 (loại 3 màu cao cấp) 495.000 đồng/bao, NPK 25-25-5 giá 600.000 đồng/bao… Với giá phân bón tăng cao như hiện nay, hầu hết bà con nông dân đều lo lắng bởi giá tăng đồng nghĩa với chi phí tăng và lợi nhuận sẽ giảm.

Nhiều chủ cửa hàng phân bón đánh giá, tình hình kinh doanh năm nay phấn khởi hơn mọi năm. Thời điểm này đã có nông dân đến đại lý ký gửi tiền mua phân, sớm hơn cả tháng so với các năm trước. Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón có uy tín ở các tỉnh, thành phía Nam đang tích cực đẩy mạnh sản xuất, tập trung cung ứng hàng.

Các doanh nghiệp sản xuất phân bón nhận định, thông thường vào đầu vụ lúa đông xuân, giá phân bón đều tăng nhẹ. Riêng năm nay, giá có xu hướng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là nguyên liệu đầu vào nhập từ các nước đều tăng, kéo giá phân bón sản xuất trong nước tăng theo. Nếu giá phân bón tiếp tục tăng cao khi bước vào chính vụ sẽ gây bất lợi cho bà con nông dân.

Quảng Trị: Chuyển đổi cây trồng cạn thích ứng biến đổi khí hậu

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng thiếu nước tưới đang ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, việc chuyển những diện tích đất thiếu nước sang cây trồng cạn, sử dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, phát triển cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu đã được huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị triển khai và thu được những kết quả hết sức khả quan.

Ngay từ năm 2016, UBND huyện Cam Lộ đã hỗ trợ người dân xây dựng hệ thống tưới nước tiết kiệm để sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu. Trên cơ sở đó, vụ hè thu năm nay, Trạm Khuyến nông huyện Cam Lộ đã tham mưu với UBND huyện hỗ trợ người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng cạn phù hợp như: lạc, ngô, đậu xanh, đậu đen xanh lòng và dưa quả. Theo tính toán, nhu cầu nước tưới của các loại cây trồng cạn này tương đương so với cây sắn trong khi thu nhập mang lại tương đối cao. Cụ thể, đối với cây lạc, Trạm xây dựng mô hình sản xuất lạc giống để chủ động nguồn giống cho vụ đông xuân tới nên giá bán tương đối cao, từ 30.000 - 35.000 đồng/kg. Với năng suất từ 20 - 22 tạ/héc-ta tính ra mỗi héc-ta trồng lạc mang lại thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng. Đặc biệt, với cây đậu đen xanh lòng, mặc dù đây là lần đầu tiên được đưa vào trồng ở huyện Cam Lộ nhưng đã cho thấy sự phù hợp. Với năng suất bình quân gần 12 tạ/héc-ta, giá bán từ 40.000 đồng/kg trở lên, mang lại thu nhập gần 50 triệu đồng/héc-ta.

Những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán ngày càng gay gắt. Để phát triển sinh kế bền vững cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số thì việc chuyển các diện tích đất thiếu nước, bỏ hoang sang trồng các loại cây trồng cạn là một chủ trương đúng đắn. Không chỉ trên đất trồng màu mà những vùng sản xuất lúa cạn cũng có thể áp dụng được mô hình này. Ví như trước đây, bà con nông dân Cam Lộ chỉ sản xuất lạc vụ đông xuân rồi bỏ hoang hoặc chuyển sang trồng sắn, hiệu quả kinh tế thấp. Đến nay, hầu hết các diện tích đều được tận dụng để trồng cây trồng cạn, vừa nâng cao thu nhập cho người dân vừa góp phần bảo vệ đất đai, đa dạng hóa đối tượng cây trồng.

MUA GÌ?- BÁN GÌ?

Quỳ Hợp (Nghệ An): Thu hoạch cam chính vụ

Hiện người trồng cam ở huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An đang thu hoạch cam chính vụ. Với giá bán bình quân tại vườn 30.000 - 35.000 đồng/kg, bà con có doanh thu 500 - 600 triệu đồng/héc-ta cam kinh doanh. Năm nay, thời tiết mưa nhiều nên các nhà vườn ở Quỳ Hợp bị ảnh hưởng, thiệt hại khá lớn. Hầu hết các vườn cam đều rụng quả từ 20 - 50%, thậm chí có vườn rụng đến 70 - 80%. Hiện tại, bình quân mỗi héc-ta cam khoảng 18 tấn. Mặc dù thiệt hại về sản lượng, nhưng sức mua lớn, được giá và nhờ uy tín thương hiệu cam Vinh nên bà con nông dân vẫn có lãi.

Quỳnh Lưu (Nghệ An): Ngư dân được mùa cá hố

Hàng trăm tàu cá của ngư dân Quỳnh Lưu cập bến trong niềm vui được mùa cá hố xuất khẩu, bình quân mỗi tàu thu về trên 300 triệu đồng. Toàn huyện Quỳnh Lưu có gần 1.200 tàu cá, trong đó có khoảng 700 phương tiện đánh bắt xa bờ. Thời gian qua, do ảnh hưởng của mưa bão nên các phương tiện đều phải nghỉ nghề khoảng gần 1 tháng. Thời tiết thuận lợi, bắt đầu từ trung tuần tháng 10, nhiều phương tiện đã xuất bến ra khơi đánh bắt.

Năm nay, ngư dân Quỳnh Lưu trúng đậm sản lượng cá hố và mực tươi. Như các năm trước, mỗi chuyến ra khơi, bình quân mỗi tàu chỉ đánh được khoảng 500 - 700 kg cá hố là nhiều, nhưng năm nay nhiều tàu thu về từ 1 - 2 tấn cá hố, doanh thu hàng trăm triệu đồng.

Tàu thuyền cập bến đầy ắp tôm, cá, mực, thương lái từ khắp nơi về thu mua. Hiện do được mùa cá hố nên giá thu mua rẻ hơn các đợt trước. Cá hố loại 1 giá 90.000 đồng/kg (trước đó 120.000 - 150.000 đồng/kg); loại 2 giá 50.000 đồng/kg, giảm 20.000 đồng so với trước đây). Cá hố được các thương lái thu mua về chế biến và xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Hàn Quốc...

Làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp): Cúc mâm xôi phát triển tốt đón tết

Trong khi người trồng hoa ở các địa phương lân cận đang đứng ngồi không yên vì nước lũ và triều cường thì nông dân làng hoa Sa Đéc rất phấn khởi khi hàng trăm ngàn giỏ hoa cúc mâm xôi đang phát triển rất tốt.

Do chủ động kê cao giàn hoa nên các diện tích cúc mâm xôi đều không bị ảnh hưởng của triều cường. Thời điểm này, các vườn hoa cúc mâm xôi của bà con nông dân đang phát triển tốt. Theo nhận định của nhiều nông dân, năm nay, ban ngày thời tiết có nắng nhiều nên cây cúc mâm xôi phát triển đều. Hiện bà con nông dân đang thực hiện ngắt cơi đợt thứ 4.

Năm nay, nông dân làng hoa Sa Đéc trồng khoảng 155.000 giỏ hoa cúc mâm xôi để cung ứng cho thị trường tết. Ngoài cúc mâm xôi thì cúc tiger, cúc đài loan cũng đã xuống giống và phát triển tốt, riêng các giống hoa ngắn ngày như: dạ yến thảo, vạn thọ, lyly, cát tường… sẽ xuống giống dứt điểm vào giữa tháng 10 âm lịch này.

Bến Tre: Giá hải sản giảm sâu

Tại 2 cảng cá lớn nhất tỉnh Bến Tre là Ba Tri và Bình Đại, giá các loại hải sản đồng loạt giảm từ 3.000 - 7.000 đồng/kg. Cụ thể, cá chỉ vàng còn 12.000 đồng/kg, cá đổng 20.000 đồng/kg, cá bò loại lớn (để làm khô) 10.000 đồng/kg. Riêng khô mực loại 1 chỉ còn 460.000 đồng/kg (giảm hơn 50.000 đồng/kg)… Nguyên nhân giảm giá do mưa nhiều khiến việc buôn bán lẻ tại các chợ cũng như việc làm cá khô, mực khô gặp nhiều khó khăn.

Mặc dù tổng sản lượng đánh bắt hải sản của tỉnh Bến Tre tăng nhưng hầu hết các ngư dân địa phương chỉ bán sản phẩm thô cho thương lái và qua nhiều khâu trung gian, chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa.

LƯU Ý - CẢNH BÁO

Miền Bắc thất thu vụ mùa

Sản lượng lúa của nhiều địa phương miền Bắc giảm mạnh do dịch bệnh, lũ lụt, đẩy giá lúa gạo tại thị trường phía Bắc tăng.

Hiện nay, giá gạo xuất bán tại kho đang tăng mạnh. Cụ thể, loại gạo có chất lượng tầm trung như: IR50404, Khang dân, BC15... đang có giá từ 12.000 - 15.000 đồng/kg (tùy loại), tăng từ 800 - 1.000 đồng/kg. Riêng gạo chất lượng cao giống Bắc thơm 7 tăng giá từng ngày, hiện đã lên mức bình quân 15.000 đồng/kg. Các thương lái dự báo, nhiều khả năng sau Tết Nguyên đán, giá gạo tại phía Bắc sẽ tăng mạnh. Bởi trên thực tế, hiện nay, miền Bắc mới thu hoạch xong vụ mùa nên ngoại trừ các giống đặc sản tăng cao bất thường, còn lại giá gạo bình quân chỉ tăng ở mức trung bình 1.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do sản lượng lúa vụ mùa tại một số địa phương giảm do ảnh hưởng của thời tiết khiến nguồn cung giảm.

Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, thời điểm hiện tại, năng suất lúa cả năm tại miền Bắc sẽ giảm khoảng 266.000 tấn, trong đó riêng vụ mùa 2017 giảm khoảng 133.000 tấn so với năm 2016, chủ yếu là do ảnh hưởng của ngập lụt và sâu bệnh tại các tỉnh Bắc Trung bộ và Đồng bằng sông Hồng. Mặc dù phía Bắc sản lượng lúa giảm đáng kể do thiên tai nhưng do Nam Trung bộ được mùa cộng với sản lượng lúa Đồng bằng sông Cửu Long vẫn duy trì ở mức khá và việc đẩy mạnh sản xuất lúa thu đông ở vùng này. Vì vậy, nhiều khả năng, tổng sản lượng lúa trên cả nước vẫn có thể được cân đối nhưng có thể giảm sản lượng ở một số  giống lúa chất lượng cao.

Việc xuống giống các loại cây vụ đông ưa ấm năm nay đã quá thời vụ do ảnh hưởng mưa lũ. Vì vậy, để giữ được mức tăng trưởng của ngành trồng trọt, hiện Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã chỉ đạo phải đẩy mạnh sản xuất cây vụ đông, trong đó đặc biệt là cây khoai tây, rau màu các loại.             

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Bảo vệ uy tín, thương hiệu sản phẩm: Cần sớm triển khai Đề án thí điểm nhận diện khoai tây Đà Lạt

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lâm Đồng đã xây dựng Đề án thí điểm nhận diện khoai tây Đà Lạt. Mục tiêu của đề án nhằm bảo vệ uy tín, thương hiệu sản phẩm khoai tây Đà Lạt trong thời gian tới.

Hiện khoai tây ở Lâm Đồng sản xuất chủ yếu vào vụ đông xuân (trồng tháng 10 dương lịch, thu hoạch tháng 1 - 2) với diện tích trung bình khoảng 1.200 - 1.400 héc-ta/năm, năng suất đạt 22 - 25 tấn/héc-ta, sản lượng từ 28.600 - 31.000 tấn. Thông thường sau thu hoạch, khoai tây có thể bảo quản, dự trữ trong kho 2 - 3 tháng không bị nảy mầm và đáp ứng cho thị trường nội tiêu các tỉnh phía Nam từ tháng 12 đến tháng 6. Từ tháng 7 đến cuối năm, nông dân trồng ít khoai tây trái vụ, trung bình từ 160 - 170 héc-ta/năm, sản lượng 2.700 - 2.900 tấn.

Trong khi đó, khoai tây sản xuất từ Trung Quốc nhập khẩu về Lâm Đồng có chất lượng và giá thấp chỉ bằng 30 - 35% giá khoai tây sản xuất chính vụ tại Lâm Đồng. Vì vậy, hàng năm từ tháng 5 cho đến tháng 10, một số tư thương đã đưa khoai tây từ Trung Quốc về chợ nông sản Đà Lạt và đem tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Vì lợi nhuận cao gấp 5 - 7 lần so với giá bán khoai tây sản xuất tại Đà Lạt, một số tư thương đã trộn khoai tây Trung Quốc với đất đỏ nhằm giả khoai tây Đà Lạt cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh để trục lợi. Điều này khiến khoai tây Đà Lạt bị tư thương ép giá, gây khó khăn cho việc mở rộng diện tích sản xuất và không tăng được sản lượng. Nghiêm trọng hơn, tình trạng gian dối này còn ảnh hưởng lớn đến thương hiệu khoai tây Đà Lạt, gây khó khăn cho công tác quản lý. Do vậy, nhằm giúp người tiêu dùng nhận diện được khoai tây Đà Lạt, quản lý được chất lượng sản phẩm, ổn định sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao và giữ được thương hiệu khoai tây Đà Lạt, Sở NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh Lâm Ðồng sớm tổ chức triển khai thực hiện Đề án thí điểm nhận diện sản phẩm khoai tây Đà Lạt trong thời gian sớm nhất.

HÀNG VIỆT

Tăng giá trị gạo Mường Lò

Gạo Mường Lò từ lâu đã được biết đến và tạo ra thương hiệu qua sự cảm nhận định tính của người tiêu dùng. Để bứt phá, chứng minh và khẳng định thương hiệu của mình, thị xã Nghĩa Lộ đã phối hợp với huyện Văn Chấn xây dựng chỉ dẫn địa lý gạo Mường Lò.

Từ hai giống lúa chủ lực...

Nằm ở phía Tây của tỉnh Yên Bái, cánh đồng Mường Lò rộng thứ 2 Tây Bắc, sau cánh đồng Mường Thanh. Với diện tích gần 3.000 héc-ta, được thiên nhiên ưu đãi về đất, nước, khí hậu, điều kiện sinh thái… đã góp phần tạo nên một nền văn minh lúa nước có từ lâu đời của đồng bào dân tộc Thái nơi đây.

 Cùng với sự cần cù, chịu khó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản lượng lúa mỗi năm từ cánh đồng Mường Lò đạt từ 30.000 - 32.000 tấn thóc, trong đó các loại lúa đặc sản hàng hoá khoảng 10.000 tấn. Với mục tiêu từng bước tăng năng suất, chất lượng lúa gạo Mường Lò, năm 1990, thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn đã đưa vào sản xuất giống lúa Hương chiêm, năm 1998 đưa thêm giống lúa Séng cù vào sản xuất. Đây là 2 giống lúa hàng hóa chủ lực chiếm trên 45% diện tích cánh đồng Mường Lò. Gạo Hương chiêm Mường Lò có hương thơm đặc biệt, hạt nhỏ thon. Gạo Séng cù có đặc trưng màu trắng ngà, hạt to, hương thơm, mềm dẻo. Cả 2 loại gạo này đều có vị ngon ngọt, giá trị dinh dưỡng cao, được nhiều người sành ẩm thực Việt Nam ưa chuộng.

Từ những đặc tính vượt trội này, hai giống lúa Hương chiêm và Séng cù dần dần thay thế các giống lúa lai hoặc các giống lúa khác tại Mường Lò. Ngày nay, phần lớn du khách qua Mường Lò đều mua gạo Séng cù hoặc Hương chiêm về làm quà - một đặc sản của cánh đồng Mường Lò...

... đến việc xây dựng chỉ dẫn địa lý gạo Mường Lò

Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Yên Bái, tháng 8 năm 2016, UBND tỉnh đã giao cho UBND thị xã Nghĩa Lộ phối hợp với huyện Văn Chấn thực hiện dự án “Xây dựng chỉ dẫn địa lý gạo Mường Lò” cho sản phẩm gạo của cánh đồng Mường Lò tỉnh Yên Bái với hai loại gạo đề nghị nhà nước bảo hộ là Séng cù và Hương chiêm. Thông qua việc bảo hộ thương hiệu gạo Mường Lò với hình thức chỉ dẫn địa lý, thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn sẽ có cơ chế, chính sách quản lý, quy hoạch sản xuất, kinh doanh gạo Mường Lò chặt chẽ, hiệu quả hơn. Đồng thời, nâng cao uy tín, chất lượng, giá thành gạo Mường Lò, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Ông Chu Quốc Tuấn – Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: Thực hiện dự án “Xây dựng chỉ dẫn địa lý gạo Mường Lò”, thị xã Nghĩa Lộ đã phối hợp với huyện Văn Chấn hoàn thiện việc điều tra, khảo sát vùng gạo và đánh giá sơ bộ về uy tín, giá trị kinh tế - xã hội của gạo Mường Lò. Xác định chất lượng đặc thù của gạo Mường Lò và các điều kiện tự nhiên, con người ảnh hưởng đến chất lượng đặc thù của gạo. Xây dựng bản đồ xác định phạm vi lãnh thổ tương ứng với chỉ dẫn địa lý. Xây dựng hệ thống tem nhãn, bao bì sản phẩm và phương tiện tuyên truyền quảng bá cho chỉ dẫn địa lý, tổ chức hội thảo…

Trong thời gian tới, thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn tiếp tục huy động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kết hợp với nông dân trong việc xây dựng các thông tin về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng... Đặc biệt, áp dụng chung một quy trình kỹ thuật canh tác lúa, chế biến và bảo quản gạo để đảm bảo độ đồng đều về chất lượng của gạo thành phẩm. Đồng thời, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua các hoạt động xây dựng mô hình canh tác, tập huấn kỹ thuật; nâng cao năng lực cho các tác nhân trong chuỗi giá trị. Sau khi Nhà nước bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm gạo Séng cù, Hương chiêm, UBND thị xã Nghĩa Lộ sẽ phối hợp với UBND huyện Văn Chấn quy hoạch, mở rộng diện tích gieo trồng hai giống lúa này, phấn đấu tăng từ  1,2 -1,5 lần sản lượng như hiện nay lên khoảng 12.000 - 15.000 tấn.

Với những việc đã và đang thực hiện, tin rằng, thời gian tới, thương hiệu gạo Mường Lò được bảo hộ bằng hình thức chỉ dẫn địa lý sẽ được nhiều người tiêu dùng biết đến. Và gạo Mường Lò thực sự trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp của thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn nói riêng, tỉnh Yên Bái nói chung.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)