Thông tin giá cả thị trường số 7, 8/2018

02:49 PM 05/02/2018 |   Lượt xem: 4723 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Đắk Lắk: Thận trọng mở rộng diện tích trồng dược liệu

Bên cạnh những cây trồng chủ lực như mía, hồ tiêu, cà phê, gần đây nhiều địa phương trên địa bàn huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk đã đầu tư trồng gừng, nghệ làm nguyên liệu chế biến dược liệu.

Mô hình trồng gừng, nghệ làm dược liệu đã mở ra cho bà con dân tộc hướng phát triển mới. Tuy nhiên, tình trạng tự mở rộng diện tích cây trồng theo phong trào, không căn cứ vào nhu cầu và quy hoạch của địa phương đang là vấn đề đáng quan ngại hiện nay.

Một hộ gia đình ở xã Ea Pil cho biết, gia đình ông có hơn 3 héc-ta đất sản xuất. Gần đây, nhận thấy nghệ là loại cây dễ trồng, không kén đất, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên gia đình ông quyết định đầu tư 30 triệu đồng mua 2 tấn nghệ đỏ giống về trồng. Hiện nay, 2 héc-ta nghệ của gia đình phát triển tốt, nếu chăm sóc tốt, sau 9 - 12 tháng năng suất ước đạt 20 - 25 tấn/héc-ta. Với giá hiện nay là 5.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình ông có thể thu lãi được vài chục triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng các loại cây như sắn, ngô.

Nhiều hộ nông dân xã Ea Pil thấy hiệu quả kinh tế từ cây dược liệu cao nên cũng đổ xô trồng nghệ, trồng gừng. Tuy nhiên, bên cạnh những hộ đăng ký diện tích trồng và bao tiêu sản phẩm với công ty dược liệu, vẫn còn nhiều hộ dân trồng tự phát, mở rộng diện tích cây nghệ khiến nhiều địa phương lo lắng. Thống kê sơ bộ, nông dân trên địa bàn xã đã trồng hơn 400 héc-ta gừng, nghệ. Trước tình hình đó, UBND xã đã khuyến cáo bà con không nên trồng theo phong trào, những gia đình đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm hoặc có thị trường đầu ra ổn định mới phát triển diện tích. Bên cạnh đó, bà con cần chú trọng khâu chọn giống, tránh mua giống trôi nổi trên thị trường dẫn đến thiệt hại về kinh tế.

Theo thống kê, trong năm 2017, nông dân huyện M’Đrắk đã trồng hơn 500 héc-ta nghệ, gừng. Một số xã có diện tích nghệ, gừng tự phát cao như: Cư Prao trên 400 héc-ta, Ea Pil trên 20 héc-ta, Krông Á trên 10 héc-ta… Bên cạnh những cây trồng chủ lực, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tìm ra những hướng phát triển kinh tế là điều cần thiết. Tuy nhiên, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần kịp thời định hướng, quy hoạch, hướng dẫn người dân trong việc chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, tránh tình trạng ồ ạt mở rộng diện tích mà không bảo đảm đầu ra, dẫn đến thiệt hại cho nông dân.

Theo quy hoạch, 8 vùng dược liệu trọng điểm của Việt Nam bao gồm: Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Trong đó, vùng Tây Nguyên bao gồm các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông. Các tỉnh này sẽ trồng 10 loài dược liệu bản địa với diện tích khoảng 2.000 héc-ta. Các loài đó là: Gấc, gừng, hương nhu trắng, đảng sâm, nghệ vàng, sa nhân tím, sả, sâm Ngọc Linh, trinh nữ hoàng cung, ý dĩ. Ưu tiên trồng các loài: đảng sâm, sâm Ngọc Linh.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Vùng đặc sản khô bổi Cà Mau vào vụ  tết

Miệt rừng tràm U Minh hạ gồm các huyện U Minh và Trần Văn Thời có điều kiện tự nhiên tốt để cá bổi phát triển. Đó cũng là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu chủ yếu để sản xuất đặc sản khô bổi U Minh. Hiện sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể và bảo hộ thương hiệu.

Sau vụ lúa mùa, nông dân vùng ngọt hóa Cà Mau đang hối hả thu hoạch cá đồng để làm khô bán trong dịp Tết Nguyên đán. Cá đồng dùng làm khô phổ biến là cá sặc rằn, người miền Tây còn gọi là cá bổi. Tranh thủ những ngày nắng đẹp, các sân phơi cá khô hầu như không còn chỗ trống. Tại các cơ sở sản xuất, mua bán cá khô, không khí lao động khẩn trương, nhộn nhịp. Đặc biệt, vào thời điểm cận tết như hiện nay, mỗi ngày có hàng chục lao động thời vụ phụ giúp việc thu hoạch, mần cá, làm khô, phơi cá khô. Tùy theo vị trí công việc, lao động được trả công từ 150.000 - 300.000 đồng/ngày.

Những năm gần đây, do làm lúa hai vụ trong năm nên cá bổi tự nhiên không đủ độ lớn và diện tích nuôi cá bổi tự nhiên ngày càng thu hẹp. Để chủ động nguồn cá nguyên liệu, một số cơ sở đã nuôi cá bổi công nghiệp. Sau khi tát đìa, chụp đìa, cá bổi được cơ sở thu gom về, sơ chế sạch, ngâm vừa đủ muối, sau đó phơi khoảng 3 nắng là xuất bán cho người tiêu dùng. Tùy theo đơn hàng mà cơ sở làm khô gia giảm lượng muối sao cho phù hợp khẩu vị thích cá mặn, cá lạt, cá vừa ăn của người tiêu dùng. Thịt cá bổi thơm, dai và ít xương, bảo quản được lâu, vận chuyển đi xa dễ dàng, chế biến cũng nhanh và đơn giản. Gọn nhất là mang cá khô nướng trên bếp than hồng, hoặc chiên (phi), sau đó xé ra ăn với cháo trắng hoặc chấm với nước mắm me làm mồi nhấm kèm với bia, rượu trong những ngày sum vầy tết đến. Với giá bán dao động từ 150.000 - 450.000 đồng/kg tùy loại, cá bổi cũng là đặc sản của miệt rừng U Minh hạ, được nhiều du khách thập phương mua về làm quà.

Ngọc Lặc (Thanh Hóa): Trồng sắn dây mang lại hiệu quả kinh tế cao

Những năm gần đây, cây sắn dây đã trở thành cây trồng mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.

Sắn dây là một trong những cây trồng truyền thống của huyện Ngọc Lặc. Nhận thấy tiềm năng phát triển cây sắn dây, chính quyền  xã đã quy hoạch và vận động người dân chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng sắn, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sắn dây cho nông dân. Từ những thửa đất cằn khô, thiếu nguồn nước tưới, rất khó để trồng các loại cây ngắn ngày, đến nay, cây sắn dây đã cho năng suất, giá trị kinh tế cao.

Thực tế cho thấy, cây sắn dây phù hợp với nhiều chất đất, dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp trong khi thị trường tiêu thụ rộng nên giá bán ổn định.  Vài năm gần đây, để nâng cao giá trị kinh tế sản phẩm sắn sau thu hoạch,  một số hộ dân còn mạnh dạn đầu tư máy móc, xây dựng nhà xưởng  chế biến bột sắn dây. Đến nay, trên địa bàn huyện Ngọc Lặc trồng gần 500 héc-ta sắn dây, trong đó, tập trung ở một số xã như Ngọc Liên hơn 100 héc-ta, Ngọc Sơn hơn 160 héc-ta...

Đặc biệt, năm nay, thời tiết thuận lợi nên năng suất sắn dây đạt khá, từ 850 - 900 kg củ tươi/sào cho thu nhập từ 8 - 9 triệu đồng/sào, cao hơn so với các loại cây trồng khác. Nhiều hộ dân còn chế biến củ sắn dây tươi thành bột, trung bình 5,5 - 6 kg củ sắn dây tươi sẽ thu được 1kg bột khô. Theo đó, mỗi sào trồng sắn dây thu hoạch trung bình 850 - 900 kg sắn tươi, tương ứng 1,8 tạ bột khô, bán với giá 100.000 - 120.000 đồng/kg sẽ thu được hơn 20 triệu đồng/sào.

MUA GÌ - BÁN GÌ

Quỳnh Lưu (Nghệ An): Các mặt hàng hải sản rục rịch tăng giá

Các năm trước, vào những ngày gần tết, thị trường hải sản rất phong phú và đa dạng do ngư dân bội thu những chuyến biển cuối năm. Tuy nhiên, năm nay, do thời tiết diễn biến phức tạp, ngư dân ra khơi đánh bắt chỉ được cá tạp trong khi sản lượng các loại cá xuất khẩu và mực tươi rất ít. Vì vậy, các mặt hàng hải sản khan hiếm và bắt đầu tăng giá.

Các ngư dân cho biết, năm nay thời tiết nắng ấm, không quá lạnh nhưng ra khơi buông lưới chỉ thu về cá tạp gồm cá trỏng, cá đốm, cá chuồn, cá nóc. Chỉ có một vài tàu lớn đánh bắt được mực tươi và cá thu. Đây là hai mặt hàng hải sản có giá trị cao được các đại lý thu mua sơ chế để xuất khẩu sang Trung Quốc, Lào và Nhật Bản. Riêng đối với mặt hàng mực khô, nhiều năm trở lại đây, thị trường ưa chuộng loại mực khô chế biến ngay trên tàu nên các tàu cá đã chủ động mổ và phơi ngay trên tàu nhằm đảm bảo hương vị của mực khô.

Quảng Nam:  Giá kiệu bấp bênh

Nông dân vùng chuyên trồng kiệu tết ở xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam đang lo lắng trước tình trạng giá kiệu giảm chỉ bằng một nửa so với cũng kỳ năm ngoái. Huyện Thăng Bình là địa phương trồng kiệu lớn nhất tỉnh Quảng Nam, trong đó vùng cát Bình Phục là vựa kiệu lớn nhất nhì của huyện. Thời điểm đầu vụ thu hoạch, giá kiệu là 35.000 đồng/kg. Sau đó giá liên tục giảm, tính đến thời điểm hiện nay, thương lái thu mua chỉ còn 20.000 – 22.000 đồng/kg tùy chất lượng kiệu. Trong khi đó, do ảnh hưởng của đợt lũ đầu tháng 11/2017, nhiều diện tích kiệu bị hư hại, ước tính khoảng 30 - 40%. Bên cạnh đó, thời tiết thất thường, mưa liên tục và lạnh kéo dài cũng khiến củ kiệu nhỏ, chất lượng không bằng năm ngoái.

Hiện người dân đã thu hoạch được khoảng 50% diện tích trồng kiệu. Bình quân 1 sào người dân chỉ thu được từ 5 - 7 triệu đồng, trong khi đó năm ngoái đạt từ 10 - 14 triệu đồng/sào. Những ngày gần đây, thương lái thu mua ít do hàng bán rất chậm.

Tiền Giang: Năng suất trái cây giảm

Hiện nay, nông dân tỉnh Tiền Giang đang tích cực chăm sóc gần 70.000 héc-ta vườn cây ăn trái để phục vụ thị trường tết. Trong đó, có nhiều loại trái cây đặc sản được thị trường ưa chuộng như: thanh long, xoài, vú sữa, dứa, mảng cầu xiêm, bưởi da xanh…

Theo nhà vườn tỉnh Tiền Giang, những năm trước trái cây xuất bán vào dịp tết giá tăng từ 20 - 40% so với ngày thường. Do đó, năm nay, nhà vườn tăng cường khâu chăm sóc, áp dụng các biện pháp xử lý cho cây ra trái và thu hoạch đúng vào dịp tết. Tuy nhiên, gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, nhất là các cơn mưa trái mùa, thời tiết lạnh, bão, áp thấp nhiệt đới cuối năm đã khiến nhiều loại cây ăn quả ra trái ít, giảm năng suất. Thậm chí, xoài cát Hòa Lộc tỷ lệ cây ra trái chỉ có khoảng 20%. Để khắc phục tình trạng này cần hướng dẫn bà con nông dân thay đổi mùa vụ hay làm trước thời gian đó chứ xử lý ra hoa dịp tết thì rủi ro rất lớn.

Đồng Tháp: Gương sen bán chạy

Thời điểm này, các cơ sở chế biến dưa kiệu, khô cá lóc, sữa hạt sen trên địa bàn huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đang hối hả vào mùa sản xuất nhộn nhịp nhất trong năm. Dù đã tăng sản lượng nhưng các sản phẩm vẫn không đủ cung cấp cho người tiêu dùng. Năm nay, nông dân huyện Tam Nông đã tăng cường sản xuất các sản phẩm sen. Toàn huyện đã gieo trồng trên 35 héc-ta sen giống Đài Loan, tăng trên 12 héc-ta so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, vào thời điểm thu hoạch rộ gương sen với năng suất bình quân đạt gần 1.000 kg gương sen thương phẩm/công, thương lái thu mua tận nơi với giá dao động từ 12.000 - 17.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, người trồng sen thu lãi khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/công. Không chỉ bán gương sen, hạt sen mà các bộ phận khác của sen như: Ngó, lá, cuống, hoa sen, tâm, nhụy... đều có thể bán được nên cây sen có giá trị rất cao về kinh tế. Ngoài ra, bà con còn có thể nuôi cá trong ruộng sen để tăng thu nhập.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Bình Dương: Mưa trái mùa, người trồng điều lo thất thu

Những ngày gần đây, trên địa bàn huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương xuất hiện nhiều cơn mưa trái mùa. Hiện tượng này đã ảnh hưởng lớn đến các vườn điều trên địa bàn, nhiều hộ gia đình trồng điều đang lo thất thu.

Trên thực tế, những trận mưa đã cung cấp nguồn nước tự nhiên cho cây trồng phát triển, trong đó hưởng lợi nhiều nhất là cây cao su, tiêu, rau màu. Tuy nhiên, với cây điều, mưa trái mùa lại có ảnh hưởng tiêu cực khiến hỏng bông, thối trái. Nếu mưa trái mùa tiếp tục xảy ra trong những ngày tới, chắc chắn người trồng điều sẽ lại có một vụ mùa thất thu. Đặc biệt, nếu mưa diễn ra liên tục, với lượng nhỏ thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên cây trồng, nhất là cây điều, rau màu, cây ngắn ngày là rất cao.

Sau khi xảy ra các trận mưa trái mùa, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Phú Giáo đã cử cán bộ về cơ sở điều tra, ghi nhận, nắm bắt tình hình dịch bệnh trên cây trồng. Đồng thời, thông báo và hướng dẫn nông dân chủ động trong công tác phòng chống bệnh trên cây trồng. Qua nắm tình hình, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Phú Giáo đã ghi nhận có 2 loại bệnh xuất hiện trên cây trồng, đó là bệnh khảm gây chết lụi trên cây khoai mì và bệnh thán thư trên cây điều. Để đề phòng bệnh hiệu quả, trạm khuyến khích bà con nông dân chủ động, tích cực thăm vườn và điều trị bệnh kịp thời khi bệnh mới chớm xuất hiện trên cây trồng.

Hai năm nay, người trồng điều trên địa bàn tỉnh Bình Phước gặp nhiều khó khăn do thời tiết thay đổi thất thường.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LÂN THƯƠNG MẠI

Long An: Buôn lậu, gian lận thương mại gia tăng

Trên địa bàn tỉnh Long An, tình trạng kinh doanh, vận chuyển hàng lậu và gian lận thương mại thường diễn biến phức tạp, nhất là vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Long An, năm 2017, buôn lậu, gian lận thương mại vẫn xảy ra khá phức tạp. Vào thời điểm gần Tết Nguyên đán 2018, nguy cơ gia tăng lại càng cao hơn. Đặc biệt, tập trung vào các mặt hàng tiêu thụ nhiều vào dịp tết như: thuốc lá, đường, bánh kẹo… Đa số các vụ việc vi phạm liên quan đến kinh doanh, vận chuyển thuốc lá lậu và gian lận thương mại vẫn chiếm tỷ lệ cao với thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Trước tình trạng này, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh xây dựng kế hoạch, đề nghị các sở, ngành và địa phương tăng cường đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong thời điểm cuối năm. Đề nghị các sở, ngành chỉ đạo lực lượng thanh tra chuyên ngành, các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra hoặc tham gia phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của ngành. Chú ý tăng cường kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm về sở hữu trí tuệ, không bảo đảm an toàn thực phẩm. Đối với lực lượng quản lý thị trường, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm sản xuất, kinh doanh hàng giả, nhái, kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm. Nhất là các mặt hàng thuốc lá điếu nhập lậu, rượu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi. Việc tiến hành kiểm tra tập trung ở các địa bàn trọng điểm, trung tâm thị trấn, thị tứ. Đồng thời, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, vận động người dân, nhất là đồng bào dân tộc không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng.

HÀNG VIỆT 

Gà đồi Yên Thế (Bắc Giang): Sản phẩm chất lượng phục vụ tết

Huyện Yên Thế (Bắc Giang) có địa hình tự nhiên thích hợp phát triển kinh tế vườn đồi, vườn rừng gắn với chăn nuôi. Phát huy lợi thế này, mấy năm gần đây, người dân Yên Thế đã phát triển thương hiệu “Gà đồi Yên Thế”.

Chúng tôi về huyện Yên Thế vào những ngày cuối năm. Bất chấp cái rét ngọt len lỏi qua từng lớp áo, câu chuyện với các hộ nuôi gà cứ mỗi lúc một rôm rả. Con gà không rõ từ khi nào đã trở thành nguồn thu nhập chính của người dân Yên Thế, nhờ nuôi gà, nhiều hộ dân ở đây không chỉ mua xe, mua nhà mà còn có “của ăn của để”.

Tiếp chúng tôi bên hiên nhà, giữa vườn vải xanh mướt, anh Nguyễn Xuân Hiếu (thôn Đề Thám, xã Đồng Tâm) cho biết, hơn chục năm trước nhà anh đã nuôi gà, ban đầu chỉ vài chục con, nay đàn gà đã lên đến cả nghìn con. Lứa nọ gối lứa kia, mỗi năm gia đình anh cũng bán ra cả vài nghìn con gà. Sau nhiều năm nuôi gà, nay vợ chồng anh Hiếu khá tự tin với việc chăm sóc, phòng bệnh và cách thức cho ăn để làm sao gà đạt trọng lượng và chất lượng như mong muốn.

Dẫn tôi ra đồi vải, nơi có hàng nghìn con gà đang chạy nhảy, đào bới, đậu rải rác trên các cành cây, anh Hiếu chia sẻ: Năm 2016 giá gà vẫn trồi sụt liên tục, nên vừa nuôi vừa lo. Năm 2017, tình trạng này giảm đi trông thấy giá gà không xuống quá thấp, trung bình cũng được 50.000 đồng/kg. Có được kết quả này, theo anh Dũng, đó là nhờ sự vào cuộc của các cấp chính quyền, từ tỉnh đến huyện, đến các hợp tác xã, các tổ chức đoàn thể. “Thời điểm dễ phát sinh dịch bệnh, các hộ có số lượng gà lớn đều được cán bộ hướng dẫn cách phòng bệnh, xử lý khi gà bị bệnh. Gà đến ngày xuất bán, ngoài thương lái các nơi về mua, chúng tôi còn có thể tiêu thụ thông qua Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Yên Thế…”.

Không chỉ riêng anh Hiếu phấn khởi, tại nhà anh Nguyễn Văn Dũng (thôn Hồng Lạc, xã Đồng Tâm), chúng tôi cũng vui lây khi nhìn đàn gà cả nghìn con, con nào con nấy lông mượt, thịt chắc, chạy nhảy khắp đồi vải. Anh Dũng cho biết: Gia đình anh là một thành viên của Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ gà đồi Yên Thế, anh tham gia nuôi gà theo quy trình VietGap đã 5 năm nay. Với quy trình này, con giống, thú y rất được các cơ quan chức năng quan tâm. “Nhà có vườn đồi, nên việc chăn thả gà khá thuận lợi. Tháng nào gia đình tôi cũng có khoảng 1.000 con gà xuất bán. Thương lái từ các nơi như Bắc Ninh, Lào Cai, Yên Bái, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên… về Yên Thế mua gà khá nhiều nên 2 năm nay, tôi không còn phải lo lắng về đầu ra”.

Tuy nhiên, theo anh Dũng, để đảm bảo gà nuôi được khỏe mạnh, người nuôi không được vào đàn quá đông, quá dày, như vậy sẽ rất khó kiểm soát. Bởi lẽ, để hạn chế dịch bệnh, cứ cách chục ngày phải khử trùng chuồng trại bằng cách phun thuốc khử trùng, vãi vôi bột. Người nuôi nào chủ quan, bỏ qua các khâu này, hậu quả sẽ rất khó lường.

Giống như anh Hiếu, anh Dũng cũng cương quyết khẳng định sẽ tuân thủ quy trình chăn nuôi đảm bảo an toàn để có được những lứa gà chất lượng nhất. “Có dịp gà được giá, gà chưa đến tháng xuất chuồng, thương lái đã đến hỏi mua. Chúng tôi nhất định không bán dù được trả giá hấp dẫn, bởi bán non như vậy, gà chưa đủ thơm ngon, sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu “Gà đồi Yên Thế” mà chính quyền và nhân dân đã dày công xây dựng” - anh Dũng khẳng định.

Có trò chuyện mới biết, mỗi câu chuyện của những người nuôi gà đều chất chứa biết bao vui buồn. Từ chỗ loay hoay chọn giống tốt,  xây dựng thương hiệu cho “Gà đồi Yên Thế”, đến tìm đầu ra ổn định và được giá. Đáng mừng là, mấy năm gần đây, trong suốt quá trình chăn nuôi - tiêu thụ, người nuôi gà Yên Thế đều nhận được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương. Đặc biệt, việc xây dựng thành công thương hiệu “Gà đồi Yên Thế” đã giúp uy tín của sản phẩm được nâng lên, được nhiều người tiêu dùng ưu chuộng. Các sản phẩm từ gà đồi Yên Thế đã được xem là đặc sản của nhiều thị trường, nhà hàng, khách sạn trong nhiều tỉnh, thành phố.

Đón Tết Mậu Tuất năm nay, huyện Yên Thế dự tính cung cấp ra thị trường từ 2,2 - 2,5 triệu con gà chất lượng cao, chủ yếu là gà từ 4 - 5 tháng tuổi, trong đó tỷ lệ gà ri lai chiếm 40 - 45%. Tin rằng, với trách nhiệm và ý thức của người nuôi gà đang ngày một nâng cao, sản phẩm gà đồi Yên Thế sẽ là lựa chọn cho nhiều chị em nội trợ khi chuẩn bị mâm cỗ đón tết.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)