Thông tin giá cả thị trường tuần từ 03/05/2014 đến 09/05/2014

04:15 PM 04/05/2014 |   Lượt xem: 2607 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Cây cao su trồng ở miền núi phía Bắc: Mạo hiểm để tìm đất mới cho cây cao su

Nhằm đáp ứng nhu cầu về thông tin của người dân miền núi và bà con dân tộc thiểu số, từ số 01 (ra ngày 03/01/2014), Chuyên đề DTTS&MN (Báo Công Thương) tiếp tục chuyên mục “Thị trường – Giá cả” với sự hợp tác của Cổng Thông tin điện tử Ủy ban Dân tộc (Dantoc online), Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) và các hiệp hội, ngành hàng...

Chuyên đề Dân tộc Thiểu số và Miền núi - Báo Công Thương số 18 ra ngày 2/5/2014 đã có bài: “Cây cao su trồng ở miền núi phía Bắc - chưa thể khẳng định chắc chắn về hiệu quả”. Tuy nhiên, đây là loại cây mà Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và một số địa phương “dũng cảm” đưa lên trồng ở vùng đất mới từ hơn 7 năm nay. Dù chưa cho thu hoạch mủ, nhưng cũng đang mở ra triển vọng về phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh miền núi phía Bắc nghèo khó. Để đáp ứng yêu cầu thông tin cho bạn đọc, trong số báo này chúng tôi tiếp tục đề cập đến cây “vàng trắng” ở Tây Bắc.

Không mạo hiểm, không làm được gì

Do quỹ đất trồng cao su truyền thống ở khu vực Nam Bộ không còn, nên việc tìm vùng đất mới để phát triển loại cây công nghiệp này đã được đặt ra ngay trong những năm đầu của thế kỷ 21. Theo đó, các nhà khoa học và Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã triển khai trồng thí điểm hàng ngàn cây cao su tại một số nơi ở Tây Bắc từ năm 2006. Tới năm 2011, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch cây cao su Việt Nam, đồng ý cho nhân rộng cây cao su ra miền Bắc, số lượng cây cao su đã tăng lên khá nhanh. Đến hết năm 2013, tổng diện tích cao su trồng ở miền núi phía Bắc đã tới gần 25.000 héc-ta. Trong đó, phần lớn thuộc các đơn vị của VRG.

Quá trình “Bắc tiến” của cây cao su đã vấp phải không ít gian nan, do điều kiện khí hậu giá rét và gió Lào, gây cho cây cao su chết khoảng 5% diện tích. Tuy nhiên, theo ông Phú, việc trồng cây cao su ở miền Bắc không phải là không có căn cứ. Từ năm 1994 đã có một viện nghiên cứu thử nghiệm trồng 10 héc-ta và hiện diện tích này đã cho thu hoạch. Đầu tư 1 héc-ta cao su ở phía Tây Bắc chi phí khoảng hơn 200 triệu đồng, cao gần gấp đôi miền Đông Nam Bộ, nhưng ông Phú khẳng định vẫn sẽ bảo toàn vốn và có lãi hợp lý.

Trồng được cây cao su sinh trưởng xanh tốt tại vùng đất khó khăn như các tỉnh miền núi phía Bắc, quả là kỳ công và thậm chí phải chấp nhận mạo hiểm, có thể thiệt hại do thiên tai. Nói như, ông Nguyễn Khắc Chử – Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu: “Làm nông nghiệp thì phải chấp nhận rủi ro, không thể tránh khỏi thiên tai. Có làm tất có lúc thiệt hại, nhưng không làm thì thất bại hoàn toàn”.

Những lợi ích ban đầu

Ông Nguyễn Hồng Phú, khẳng định: Khi diện tích trồng cao su truyền thống đã cạn, phải tìm đất mới để tạo chỗ đứng cho cây cao su, nên VRG xác phải chấp nhận mạo hiểm. Tuy nhiên, mạo hiểm phải có cơ sở khoa học và chịu rủi ro ít nhất. VRG rất tin tưởng, kỳ vọng vào cây cao su ở vùng đất mới.

Thực tế, gần 25.000 héc-ta cao su đã trồng tại khu vực Tây Bắc hiện đều đang sinh trưởng tốt. Giá trị kinh tế còn phải chờ một vài năm nữa khi cây cho thu hoạch, nhưng giá trị về an sinh xã hội thì đã rất rõ. Có dự án trồng cao su, người dân có việc làm. Hàng ngàn nông dân đồng bào dân tộc thiểu số quen tập quán canh tác lạc hậu, du canh du cư ngày nào, nay đã trở thành những công nhân của các công ty cao su, tháng lĩnh 2 - 3 triệu tiền lương. Nơi nào có dự án cao su thì nơi đó hệ thống điện – đường – trường – trạm được hình thành nhanh chóng.

Ông Lò Văn Thoạn, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Điện Biên cho biết: Cao su và cà phê là 2 cây công nghiệp đang khẳng định chỗ đứng ở Điện Biên. Với cây cao su, tuy là mới, nhưng bà con nông dân ủng hộ, vì trước mắt cho thu nhập ổn định. Hầu hết những nơi triển khai trồng cao su đều ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nên đồng bào tham gia góp đất, trở thành lao động cao su khá nhiều, nhất là huyện vùng cao Mường Nhé.

Tại Lai Châu, bà Lò Thị Vương, Phó ban Dân tộc tỉnh này cũng khẳng định: Đất đai của Lai Châu chủ yếu là rừng, đồi núi, nên tỉnh chủ trương đất nào phù hợp với cao su thì vận động người dân trồng cây công nghiệp này. Việc đưa cao su vào trồng ở Lai Châu đã đem lại các lợi ích. Thứ nhất, tạo việc làm cho người dân tại chỗ. Thứ hai, các công ty cao su có cơ chế cho người dân góp đất đóng cổ phần, nhiều đồng bào có được việc làm lâu dài và thu nhập ổn định thường xuyên, chứ không phải chỉ theo thời vụ như trước.

Còn trao đổi về tác động của cây cao su đến xóa đói giảm nghèo, Phó trưởng ban phụ trách Ban Chỉ đạo Tây Bắc - ông Trương Xuân Cừ cũng cho biết: Ở những vùng trồng cao su, hiện nay đồng bào bước đầu đã có thu nhập, vì khá nhiều hộ góp đất vào các công ty cao su, có người hợp đồng dài hạn, có người hợp đồng ngắn hạn. Vì thế Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã đề nghị, cây cao su trước mắt triển khai theo kế hoạch ở 3 tỉnh đã phê duyệt và tiếp tục thí điểm ở các tỉnh còn lại. 

MUA GÌ?

Giá cao su giảm

Giá cao su ở thị trường trong nước hiện đang giảm khá mạnh theo xu hướng chung của thị trường thế giới do cung vượt cầu. Theo các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cao su, giá có thể tiếp tục rơi tự do trong những ngày tới.

Giá mủ cao su các loại tại các tỉnh Đông Nam Bộ hiện dao động từ 36 - 38 triệu đồng/tấn, giảm khoảng gần 1 triệu đồng/tấn so với thời điểm đầu tháng 4/2014. Theo một số doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cao su trong nước, giá cao su giảm do tác động từ thị trường thế giới. Thêm vào đó là các nước có trồng cao su như Thái Lan, Malaysia, Việt Nam có sản lượng tăng hơn dự báo trước đó. Trong khi những năm trước đây, cao su được giá nên một số nước như Lào, Campuchia, Myanmar đã tăng diện tích cao su và nay đã đến thời điểm cho mủ. Do sản lượng tăng trong khi nhu cầu tiêu thụ không tăng, khiến lượng cao su dự trữ của thế giới tính đến thời điểm này đã lên đến 652.000 tấn, tăng 286.000 tấn so với thời điểm tháng 12/2013. Riêng Trung Quốc đang tồn kho khoảng 360.000 tấn cao su, tăng 40.000 tấn so với thời điểm cuối năm 2013. Tuy tồn kho lớn nhưng doanh nghiệp Trung Quốc vẫn tăng mua vào với số lượng lớn vì giá đang thấp. Song, họ chỉ chọn mua loại cao su dùng để sản xuất săm lốp của Malaysia là SIR20, SMR20, STR20 với giá rẻ, chứ không mua hàng từ Việt Nam vốn chủ yếu là các loại như SVR3L hay SVR10 có giá cao hơn. Vì thế, các cơ quan chức năng cảnh báo các doanh nghiệp, giá cao su nội địa có thể tiếp tục giảm thêm.

Hiện khoảng 70% lượng mủ cao su xuất khẩu của Việt Nam là sang Trung Quốc và Maylaysia, vì thế, doanh nghiệp xuất khẩu cao su trong nước cũng bị rơi vào tình huống “dở khóc dở cười” khi các nhà nhập khẩu của hai nước này tuy đã ký hợp đồng nhưng lại không mở LC và trì hoãn nhận hàng. Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu cao su cho biết, do giá cá cứ giảm sau mỗi ngày nên doanh nghiệp nhập khẩu không muốn thực hiện những hợp đồng đã ký trước đó do lo ngại thua lỗ.

Cơ hội xuất khẩu hạt điều vào thị trường Úc

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), Úc là một trong những thị trường xuất khẩu điều nhân quan trọng của Việt Nam. Trong những tháng đầu năm 2014, doanh nghiệp xuất khẩu điều nước ta đã nhận được rất nhiều lời chào mua từ thị trường này. Sắp tới vào giữa tháng 5/2014, Vinacas sẽ tổ chức đoàn giao dịch thương mại tại thị trường Úc để tăng cường giao thương, xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm điều Việt Nam.

Theo Vinacas, 3 tháng đầu năm 2014, cả nước xuất khẩu 51.000 tấn điều nhân các loại với kim ngạch 319 triệu đô-la Mỹ, tăng hơn 19% về lượng và 22% về giá trị so với cùng kỳ 2013. Dự báo xuất khẩu nhân điều năm nay khoảng 180.000 tấn điều nhân với kim ngạch xuất khẩu hơn 1,8 tỷ đô-la Mỹ.

Hà Tĩnh: Ngư dân được mùa cá biển

Từ khoảng giữa tháng 3/2014 cho đến nay, nhiều bà con ngư dân ở một số xã vùng ven biển bãi ngang thuộc các huyện Lộc Hà, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) lại liên tiếp được mùa đánh bắt các loại cá, hải sản trên biển.

Các loại cá đánh bắt được nhiều trong thời điểm này chủ yếu là cá mú, cá lượng, cá đù, cá trích, cá nục, cá cơm, cá lẹp, cá ngạnh, cá bầu… Trung bình trong mỗi chuyến ra khơi đánh bắt vùng lộng ven bờ của mỗi tàu thuyền thu hoạch được khoảng từ 5 - 8 tạ cá tương đương từ 5 - 10 triệu đồng, thậm chí có ngày thuận lợi có tàu thuyền công suất lớn còn đánh bắt lên tới 12 - 15 triệu đồng.

Ước tính từ giữa tháng 3 trở lại nay, ngư dân một số xã ở các vùng ven biển bãi ngang ở Hà Tĩnh đã thu hoạch được hàng trăm tấn thủy hải sản các loại, với tổng trị giá hàng tỷ đồng. Việc được mùa cá biển liên tiếp, kết hợp với sau khi các tàu vào cập bến cảng, cánh thương lái (chủ yếu là chị em phụ nữ) đổ về tiếp cận thu mua tại chỗ nhanh chóng và bán được với giá cao, càng khích lệ ngư dân phấn khởi đầu tư nâng cấp thêm tàu thuyền, ngư cụ yên tâm bám biển, bám ngư trường lâu dài. Ngoài ra, còn tạo nhiều công ăn việc làm, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho một bộ phận người dân địa phương đang tham gia phục vụ, kinh doanh hậu cần nghề cá trên bờ…

BÁN GÌ?

Lạng Sơn: Gấc quả được giá

Thời điểm hiện nay, giá quả gấc trên địa bàn Lạng Sơn được bán từ 80.000 – 85.000 /kg, cao hơn đầu năm từ 60.000 – 65.000 đ/kg, cao gấp 3 - 4 lần so với đầu năm. Người dân ở Lạng Sơn thường trồng gấc xen vải, nhãn, mận, trồng tận dụng, hoặc trồng ở ruộng cao, bạc màu, làm cọc tre, chăng dây thép cho dây gấc leo, thu nhập cao gấp 2 – 3 lần trồng lúa. Theo những người trồng và thu mua gấc ở Lạng Sơn, giá quả gấc cao như vậy là do hiện nay không phải là chính vụ nên nguồn hàng khan hiếm, trong khi rất nhiều người mua về làm bánh, xôi phục vụ đám cưới, nhà hàng.

Gấc là một loại cây bán hoang dại, cây leo và chu kỳ gieo trồng đến thu hoạch khoảng 9 tháng đến 1 năm. Trung bình một gốc gấc cho thu hoạch 20 – 30 quả, khi chín trọng lượng quả đạt 1 – 1,5 kg. Nếu trồng và chăm sóc tốt thì một gốc gấc cho thu hàng tạ quả, sau thu quả, cắt dây để lại gốc, đến vụ sau lên cây mới, cây vụ sau khoẻ hơn và cho năng suất cao hơn vụ trước.

Đồng Tháp: Giá vừng tăng cao

Hiện nay, nông dân trồng vừng tỉnh Đồng Tháp đang bước vào thu hoạch vụ xuân hè, tuy năng suất có giảm so với vụ trước, nhưng do giá bán cao, nông dân thu lợi hơn 35 triệu đồng/héc-ta. Tại các xã Mỹ Quý, Láng Biển, Thạnh Lợi của huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), năng suất vừng đạt từ 1 - 1,1 tấn/héc-ta. Do nắng nóng kéo dài nên năng suất giảm hơn vụ xuân hè năm trước, nhưng bù lại giá vừng cao hơn từ 10.000 - 12.000 đồng/kg nên nông dân vẫn có lợi nhuận cao. Hiện giá vừng được thương lái mua từ 45.000 đồng/kg trở lên, trừ chi phí đầu tư nông dân còn lãi hơn 35 triệu đồng/héc-ta.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Tháp, một số huyện, thị có diện tích đất sản xuất ven sông Tiền, sông Hậu kém hiệu quả đã chuyển sang trồng hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày thích hợp, trong đó cây vừng được nông dân chọn trồng nhiều nhất ở các huyện Lấp Vò, Lai Vung. Chỉ riêng huyện Cao Lãnh đã trồng hơn 1.900 héc-ta vừng, đang trong giai đoạn thu hoạch, tuy năng suất có giảm do thời tiết nhưng với giá cao hiện nay mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân.

Giá cà phê tăng, bà con bán mạnh

Thị trường cà phê nội địa đang có xu hướng tăng, dao động quanh mức 41.000 - 41.300 đồng/kg, tăng 500 - 800 đồng/kg so với 40.500 đồng/kg tuần trước. Nhiều hộ trồng cà phê ở Gia Lai, Tây Nguyên... giữ hàng bấy lâu nay đã quyết định bán ra.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 4/2014, nước ta xuất khẩu được 111.606 tấn cà phê. Lũy kế xuất khẩu 3 tháng rưỡi đầu năm nay đạt 713.278 tấn, tương đương với 121% tức 591.323 tấn so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, ước báo của Tổng cục Thống kê cho rằng xuất khẩu cà phê tháng 4/2014 của Việt Nam có thể đạt mức 220.000 tấn, nâng tổng lượng xuất khẩu 4 tháng đầu năm nay lên 822.400 tấn.

Tây Nguyên: Giá hạt tiêu tăng

Hiện nay, giá hạt tiêu đen ở Tây Nguyên đã tăng từ 136.000 lên đến trên 140.000 đồng/kg, tăng 15.000 - 19.000 đồng/kg so với đầu vụ, nên đồng bào các dân tộc ở khu vực này đã đua nhau mở rộng diện tích cây hồ tiêu. Theo các hộ trồng tiêu, với giá tiêu đen như hiện nay và năng suất bình quân 3 tấn/héc-ta, mỗi năm, sau khi trừ chi phí, các hộ nông dân thu lãi từ 400 triệu đồng trở lên/héc-ta. Đây là loại cây công nghiệp dài ngày cho thu nhập cao nhất hiện nay. Ở các vùng trọng điểm tiêu ở tỉnh Gia Lai như Chư Sê và Chư Pưh, có hàng trăm hộ gia đình thu nhập từ trồng tiêu hàng tỷ đồng/năm.

Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có tổng diện tích cây tiêu trên 33.704 héc-ta, với sản lượng đạt trên 67.000 tấn tiêu hạt trở lên. Diện tích tiêu này tập trung ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông. Theo quy hoạch đến năm 2015, tỉnh Đắk Lắk mới có 6.000 héc-ta tiêu. Thế nhưng, đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã có diện tích tiêu trên 11.080 héc-ta, trong đó có 5.500 héc-ta tiêu đã đi vào kinh doanh cho thu hoạch.

Giá cà phê nhân xô

 Đ.v: Đồng/kg

Thị trường

Giá (trung bình trong tuần)

Tây Nguyên

41.700

Đắk Lắk

41.100

Đắk Nông

41.400

Gia Lai

41.200

Lâm Đồng

40.800

 Giá hạt tiêu đen trong tuần

Đ.v: Đồng/kg

Thị trường

Giá (trung bình trong tuần)

Đắk Nông

142.000

Đắk Lắk

143.000

Đồng Nai

160.000

Bình Dương

140.000

Phú Quốc

150.00

LƯU Ý, CẢNH BÁO

 Ngô nhập khẩu rẻ hơn ngô nội địa

Mặc dù đang trong vụ thu hoạch nhưng giá thu mua ngô (bắp) tại các địa phương liên tục giảm. Trong khi đó, lượng ngô nhập khẩu những tháng đầu năm tăng đột biến. Theo lý giải của các doanh nghiệp, cho dù ngô sản xuất trong nước có chất lượng tốt hơn nhiều, nhưng năng suất hiện vẫn còn quá thấp, khâu bảo quản kém nên không thể cạnh tranh với ngô nhập khẩu ngay trên “sân nhà”.

Giá hàng nội cao hơn nhập khẩu

Mặt khác, việc thu mua ngô từ nông dân đến nhà máy chế biến phải qua tay nhiều thương lái, cùng với chi phí vận chuyển từ miền núi về miền xuôi rất lớn. Ngoài ra, ngô trước khi giao cho các nhà máy chế biến phải sấy khô, trọng lượng chỉ còn 2/3, vì thế, nếu thu mua từ nông dân với giá 5.000 đồng/tấn thì khi về đến nhà máy, giá thành sẽ lên tới 6.500 – 6.700 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, giá ngô nhập khẩu hiện ở mức khoảng 5.400 đồng/kg, sau khi cộng với các chi phí khác như thuế nhập khẩu, cước vận chuyển, thậm chí cả ‘tiêu cực phí’ nữa thì về tới kho doanh nghiệp, giá ngô nguyên liệu 13% độ ẩm chỉ khoảng 6.300 – 6.400 đồng/kg.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Tin học và Thống kê (Bộ NN&PTNT), trong 3 tháng đầu năm 2014, lượng nhập khẩu các loại nguyên liệu chính làm thức ăn chăn nuôi tăng mạnh. Trong đó, nhập khẩu ngô 1,62 triệu tấn, trị giá 419 triệu đô-la Mỹ tăng gấp 3 lần về lượng và hơn 2 lần về giá trị so cùng kỳ năm ngoái. Giải thích điều này, Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết, hiện giá ngô trên thế giới đang giảm mạnh do vào chính vụ thu hoạch nên thời điểm cuối tháng 3, nhiều DN đã tranh thủ nhập khẩu để giảm chi phí. Tuy nhiên, một nguyên nhân khác mà bà con cần đặc biệt lưu ý là doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đều muốn sử dụng ngô nhập khẩu bởi ngô trong nước có độ ẩm cao, chất lượng không đồng đều. Nếu dùng ngô nhập khẩu, DN không phải qua nhiều công đoạn xử lý phơi, sấy rườm rà như khi mua nguyên liệu trong nước. Giá nhập khẩu cũng tương đương, thậm chí thấp hơn giá ngô trong nước. Trên thực tế, ngô nhập khẩu luôn được sấy khô đến mức tối ưu, độ ẩm đảm bảo yêu cầu kỹ thuật 14 - 15%. Còn trong nước, ngô thu hoạch đầu mùa có độ ẩm lên đến 30%, đến lúc vào mùa độ ẩm cũng còn 23 - 25%. Nguyên nhân là do hầu hết nông dân trồng ngô không có kinh nghiệm bảo quản, chủ yếu dự trữ tại các lán, trong góc nhà nên tỷ lệ mốc, mối mọt rất cao.

Giá thu mua giảm, tiêu thụ chậm

Tại Đồng Nai, 2 tháng nay, giá thu mua ngô liên tục giảm. Nếu nông dân thu hoạch vụ ngô sớm bán được với giá từ 5.500 – 5.700 đồng/kg thì hiện chỉ còn từ 5.000 – 5.100 đồng/kg. Giá đã liên tục giảm mà thương lái còn kỳ kèo, mua rất chậm. Bà con không bán được ngô phải phơi đi phơi lại nhiều ngày, rất mất công. Theo chị N.T.T (ấp Đồng Minh, xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai), giá ngô hiện đã giảm “sát nút” so với giá thành sản xuất. So với mùa vụ trước, tiền đầu tư hạt giống, phân bón, thuốc BVTV các loại… để trồng ngô hiện đã lên mức 3.500 – 3.700 đồng/kg, đó là chưa tính tiền thuê công phụ phun thuốc trừ sâu, bẻ bắp, công vận chuyển. Giá thu mua ngô mùa vụ trước ở mức 6.500 – 6.700 đồng/kg còn vụ này, giá thu mua đã giảm khoảng 1.500 đồng/kg. Với mức giá này, người nông dân cầm chắc lỗ. Thậm chí, giá giảm nhưng lượng tiêu thụ rất chậm.

Giải thích tình trạng giá ngô liên tục giảm, tiêu thụ chậm, một thương lái chuyên thu mua ngô tại các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Trảng Bom (Đồng Nai) cho biết, từ cuối năm 2013 đến nay, các “mối” ăn hàng của anh, phần lớn là các DN sản xuất thức ăn gia súc trong vùng, đều từ chối nhận hàng. Lý do họ đưa ra là ngô nhập khẩu về nhiều, giá rẻ hơn so với sản phẩm nội địa. Điều này trái ngược với nhu cầu sử dụng thức ăn chăn nuôi trong nước đang tăng mạnh do bà con nông dân tái đàn nhiều. Tình hình thị trường nhập khẩu một số sản phẩm như tôm, cá tra… cũng có dấu hiệu phục hồi. Do đó, DN trong nước đang tăng nhập khẩu ngô phục vụ phát triển sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, năng suất ngô các tỉnh phía Nam hiện đang rất cao, đạt từ 7 – 10 tấn/héc-ta. Hiện tại, cả nước đã có khoảng 1 triệu héc-ta ngô, nếu năng suất tăng thêm được 1 tấn/héc-ta thì sẽ không phải nhập khẩu. Ngoài ra, khi năng suất tăng, chi phí giá thành cũng sẽ giảm, đẩy mạnh tính cạnh tranh của ngô trong nước. Để sản xuất ngô trong nước không rơi vào tình trạng được mùa mất giá như hiện nay, các cơ quan chức năng phải có định hướng đầu ra cho nông dân và tính toán lịch mùa vụ một cách phù hợp. Đồng thời, có biện pháp tăng năng suất để giảm chi phí giá thành và hỗ trợ, chuyển giao cho bà con công nghệ mới trong bảo quản và thu hoạch ngô.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Hòa Bình: Tổ chức hiệu quả các hoạt động khuyến mại, kích thích tiêu dùng

Từ đầu năm đến nay, các chương trình khuyến mại, hội chợ được tổ chức thường xuyên tại nhiều điểm huyện, thị trên địa bàn tỉnh với các hình thức hấp dẫn đã mang lại hiệu quả cao trong việc kích thích sức mua của thị trường.

Theo nhận định của các doanh nghiệp thương mại, trong bối cảnh tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, người tiêu dùng buộc phải thắt chặt chi tiêu, hàng hóa tồn đọng, việc lựa chọn triển khai các chương trình, hoạt động mang tính chất kích cầu này là giải pháp hữu hiệu tháo gỡ khó khăn cho nhà sản xuất, doanh nghiệp phân phối, kinh doanh thương mại hiện nay. Cũng từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã diễn ra 2 hội chợ thương mại lớn quy mô trên, dưới 200 gian hàng với ngành hàng, sản phẩm đa dạng, phong phú, đảm bảo về chất lượng, chủ yếu là hàng Việt Nam do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Ước tính thu hút khoảng 10.000 người tiêu dùng đến thăm quan, mua sắm, doanh thu của các từ hội chợ đạt trên 3 - 5 tỷ đồng.

Đại diện Sở Công Thương Hòa Bình cho rằng, việc liên tục mở ra các hoạt động, chương trình hội chợ, khuyến mại đã góp phần quan trọng thúc đẩy lưu thông hàng hóa, kích cầu tiêu dùng và đẩy mạnh CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Qua thống kê, năm 2013 có tới gần 2.900 chương trình khuyến mại của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh các ngành hàng trong cả nước được thông báo và tổ chức trên địa bàn. Trong đó có 102 chương trình được Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) xác nhận, 1 chương trình được Sở Công Thương xác nhận và 2.781 chương trình hoạt động khuyến mại của doanh nghiệp được thông báo đến Sở Công Thương. Hình thức khuyến mại chủ yếu là tặng quà, giảm giá bán sản phẩm, đưa hàng hóa mẫu, khuyến mại mang tính may rủi. Các chương trình, hoạt động này tiếp tục được thúc đẩy trong năm 2014. Công tác quản lý hoạt động khuyến mại trên địa bàn đã được cơ quan chức năng thực hiện đúng quy định. Các thông báo chương trình khuyến mại được tiếp nhận, quản lý, lưu trữ, theo dõi thực hiện. Lực lượng quản lý thị trường với vai trò giám sát, kiểm tra tổ chức thực hiện của các doanh nghiệp đã góp phần đẩy mạnh hoạt động thương mại, bình ổn thị trường.

Quý I/2014, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ (theo giá thực tế) của thành phố Hòa Bình ước đạt 1.012 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2013, đạt 26,5% kế hoạch năm 2014, trong đó khối hộ cá thể ước đạt 458 tỷ đồng; khối doanh nghiệp ước đạt 554 tỷ đồng. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được tăng cường, chủ động các phương án kiểm tra nhằm chống buôn lậu, đầu cơ trục lợi, chống kinh doanh pháo nổ, hàng cấm, hàng giả và hàng kém chất lượng.

Bình Định: Nguồn cung phân bón dồi dào, giá có xu hướng giảm

Theo Sở NN & PTNT Bình Định, vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh có kế hoạch gieo sạ 41.300 héc-ta lúa. Mọi năm, khi bước vào vụ sản xuất, thông thường giá các loại phân bón trên thị trường có biến động lớn, giá cả tăng do nông dân ồ ạt mua dự trữ để bón cho cả vụ. Tuy nhiên, trong vụ hè thu này, giá phân trên địa bàn tỉnh khá ổn định, nguồn cung tương đối dồi dào.

Theo các đại lý phân bón, gần đây sức tiêu thụ phân bón giảm khoảng 20 - 30% so với vụ sản xuất đông xuân do diện tích gieo sạ trong vụ hè thu thấp. Thị trường phân bón đang rất dồi dào về chủng loại, nguồn cung, giá cả có sự cạnh tranh giữa các thương hiệu nên để bán được, nhiều nhà sản xuất và đầu mối cung cấp phân bón buộc phải hạ giá. Với xu hướng này, dự đoán giá nhiều loại phân bón sẽ còn giảm trong thời gian sắp đến, nhất là giá các loại phân đơn như: Urê, kali, lân...

Một nguyên nhân khác làm cho giá phân bón trong vụ hè thu năm nay ổn định và có chiều hướng giảm là do nhu cầu tiêu thụ của bà con nông dân ở đầu vụ chưa cao. Một số địa phương do ảnh hưởng của khô hạn, thiếu nước tưới nên đã cắt giảm bớt diện tích sản xuất. Nguồn cung ứng, giá phân có chiều hướng giảm tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân tiết kiệm chi phí đầu vào. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo thời gian gần đây là chất lượng phân bón cung ứng ra thị trường thường không đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng theo đúng quy định. Thậm chí, một số đại lý kinh doanh phân bón còn tổ chức sang chiết, pha trộn trái phép phân bón để thu lợi bất chính, gây bất bình đối với nông dân.

Trước tình hình này, UBND tỉnh đã chỉ đạo Thanh tra ngành Nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với Chi cục Quản lý thị trường và chính quyền các địa phương tổ chức kiểm tra, lấy các mẫu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để kiểm tra chất lượng, có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định đối với các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng vật tư nông nghiệp, phân bón kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Quảng Trị: Cơ hội cho sản phẩm hồ tiêu vươn xa

Vừa qua sản phẩm hạt tiêu vùng Cùa (huyện Cam Lộ) cùng với sản phẩm tinh bột sắn của Công ty TNHHMTV Thương mại Quảng Trị đã được vinh danh thông qua Giải thưởng Chất lượng Quốc tế thế kỷ - hạng Vàng do Tổ chức Business Initiative Directions (BID - Tây Ban Nha) trao tặng.

Đây là lần đầu tiên hai sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị được thế giới biết đến và cũng là lần đầu tiên sản phẩm hạt tiêu “cháy hàng” khi các đối tác châu Âu ký kết đơn đặt hàng thông qua Công ty TNHHMTV Thương mại Quảng Trị, mở ra cơ hội cho sản phẩm hồ tiêu Quảng Trị vươn xa.

Trên thực tế, ở tỉnh Quảng Trị nhiều năm qua, diện tích trồng tiêu không chỉ tập trung ở vùng Cùa (Cam Lộ) 350 héc-ta mà còn được mở rộng với diện tích rất lớn ở các huyện Gio Linh gần 400 héc-ta, Vĩnh Linh 1.028 héc-ta và một số nơi khác. Nhưng khi nhắc đến sản phẩm tiêu ở Quảng Trị thì thị trường trong nước cũng như thế giới mới biết nhiều đến tiêu Cùa. Đây là một thiệt thòi lớn cho người trồng tiêu bởi hạt tiêu ở Quảng Trị chất lượng tương đương nhau, nhưng giá cả lại chênh lệch chỉ vì chưa có thương hiệu. Nhiều giống tiêu của Quảng Trị đã được các địa phương ở Tây Nguyên chọn mang về sản xuất đại trà, đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng ngay trên chính quê hương thì giá trị mang lại của loại cây này chưa tương xứng với tiềm năng về diện tích, năng suất, chất lượng của giống tiêu.

Mới đây, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án “Quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị đến năm 2020”, cây hồ tiêu cũng nằm trong tổng thể quy hoạch phát triển chung đó. Dự kiến đến năm 2020, diện tích cây hồ tiêu trên địa bàn tỉnh sẽ phát triển đạt 3.000 héc-ta (hiện nay 2.000 héc-ta), tập trung tại 4 huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ và Hướng Hóa. Đồng thời, thực hiện triệt để chủ trương liên kết 4 nhà, trong đó nhà doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc bao tiêu sản phẩm và xây dựng thương hiệu sản phẩm như Công ty TNHHMTV Thương mại Quảng Trị xây dựng thương hiệu tiêu Cùa hiện nay. Bên cạnh đó, công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chọn giống tiêu, hỗ trợ lãi suất vốn vay… cũng được đẩy mạnh. Với cách làm này, trong tương lai gần sản phẩm hạt tiêu Quảng Trị sẽ có thương hiệu mạnh trên thị trường thay vì chỉ có thương hiệu tiêu Cùa như hiện nay.

Quảng Nam: Muối được mùa, được giá

Trái ngược với cảnh được mùa mất giá như mọi năm, bước vào vụ này, diêm dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam rất phấn khởi vì thu hoạch muối đạt sản lượng gấp 2 - 3 lần so với mọi năm nhưng vẫn bán được giá. Thời điểm này, giá muối mà diêm dân bán được tại ruộng là 1.800 đồng/kg, tăng 1/3 so với năm vừa rồi.

Hiện nghề muối ở xã Tam Hòa (huyện núi Thành) phân bổ tại 3 thôn là Bình An, Hòa Bình và Đông Thạnh Đông. Tổng diện tích sản xuất muối của địa phương vào thời điểm này xấp xỉ 15 héc-ta. Nhờ được chính quyền hỗ trợ vật liệu như bạt lót và được đi tham quan, tiếp thu thêm kinh nghiệm, liên kết sản xuất, đảm bảo đầu ra sản phẩm nên diêm dân sản xuất ổn định. Địa phương đang khuyến khích phát triển nghề truyền thống này. Năm nay muối Tam Hòa bán được giá cao hơn các vùng sản xuất muối khác là nhờ sản phẩm muối sạch đã được các đầu mối tiêu thụ đánh giá cao về chất lượng nhờ độ mặn của muối cao, muối luôn đảm bảo độ sạch, có màu sắc trắng tinh hấp dẫn. Bên cạnh đó, muối Tam Hòa còn có độ kết tinh 95% trong khi các vùng sản xuất muối khác, sản phẩm chỉ có độ kết tinh đạt khoảng 80%.

Theo đại diện UBND xã Tam Hòa, sau khi khảo sát, đánh giá lại các vùng sản xuất muối, địa phương đã quyết định mở rộng diện tích sản xuất muối lên 40 héc-ta. Các biện pháp đảm bảo đầu ra cho hạt muối cũng được thực hiện. Như 14 công trình khu chế biến muối Tam Hòa đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Với việc ra đời của khu chế biến muối, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp & kinh doanh tổng hợp Tam Hòa sẽ thu mua muối của diêm dân địa phương rồi về chế biến thành muối i ốt để bán cho các công ty kinh doanh muối trong và ngoài tỉnh theo các hợp đồng đã ký kết.

Sắp tới, Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam sẽ phổ biến quyết định hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong sản xuất nông nghiệp vừa được Thủ tướng Chính phủ ký mới đây cho diêm dân và Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp & kinh doanh tổng hợp Tam Hòa để người dân nắm bắt thông tin và mạnh dạn mở rộng sản xuất. Người dân và hợp tác xã chế biến sẽ được hỗ trợ mức vay tối đa để sản xuất. Sau khi vay, 100% lãi suất vốn vay sẽ được hỗ trợ trong 2 năm đầu. Từ năm thứ 3, lãi suất vốn vay sẽ được ưu đãi 50%.

HÀNG THẬT, HÀNG GIẢ

Bà con cần cảnh giác khi mua củ đinh lăng làm thuốc

Trên Quốc lộ 6 qua địa phận huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) có rất nhiều điểm rao bán củ đinh lăng về ngâm rượu, làm thuốc. Thế nhưng, những người có kinh nghiệm cho biết, đó là những củ đinh lăng… giả.

Tại những quầy rao bán củ đinh lăng, đống củ được dựng thành bó, đã được rửa sạch sẽ, tựa như những củ sắn dây. Người bán hàng cho biết, đây là củ đinh lăng có tuổi đời vài chục năm tuổi, giá 150.000 đồng/kg. Người bán hàng quảng cáo, đấy là “nhân sâm” rất tốt cho sức khỏe, có thể ngâm rượu hoặc uống”. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, mỗi “củ đinh lăng” dài chừng 40cm, to cỡ bắp tay người lớn, thẳng tắp chứ không ngoằn ngoèo, không có các rễ phụ, rễ bé… quanh thân củ. Một thương lái chuyên kinh doanh sản vật ở đây cho biết, để lừa những người không biết, hầu hết các cửa hàng đều cắt hết phần liên quan đến gốc để không ai nhận biết được, cũng không có bất kỳ một tý lá nào làm “dấu hiệu”. Nhiều điểm, họ thái lát mỏng, phơi khô, cho vào túi ny-lon. Một túi phơi khô được bán với giá từ 250.000 – 300.000 đồng/kg. “Trước cơn sốt thu mua đinh lăng bán cho Trung Quốc làm dược liệu, hầu hết các cây đinh lăng trong các nhà dân đã bị thương lái đi săn lùng hết cả, rất ít vùng còn. Thế nên, hàng vài chục điểm treo biển bán củ đinh lăng, củ to, mập như củ sắn dây… là điều không tin được” – thương lái này cho biết thêm. Theo kinh nghiệm của bà con, thực tế đây là củ của một loại cây trên rừng, thuộc họ cây củ mài, củ nhiều nước và bột, không có xơ. Còn cây đinh lăng trồng chục năm mới có củ, bé bằng cỡ ngón chân cái, có mùi hăng đặc trưng, không thể có củ đinh lăng nào nặng gần 1kg cả.

Không chỉ bày bán ven đường, nhiều người còn bị lừa mua phải củ đinh lăng giả của những người chở xe máy đi bán rong trên Hà Nội. Những người bán rong này chất củ đinh lăng sau xe máy, bán kèm theo ong đất, ong vò vẽ, tắc kè, bìm bịp… Thậm chí để “hợp lý” với những sản vật tự nhiên bắt được trên rừng như quảng cáo, những người này thường đi xe máy mang biển kiểm soát của Hòa Bình, Điện Biên… Nhiều nơi, để lừa người mua, họ lấy keo gắn lá đinh lăng trên thân củ khiến không ít người đã mắc lừa mua phải đinh lăng giả.

Hàng giả, hàng lậu từ Trung Quốc gia tăng

Tại hội thảo: “Doanh nghiệp đồng hành cùng quản lý thị trường (QLTT) trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT)”, Cục QLTT đã đánh giá hàng giả, hàng lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam thời gian gần đây tăng mạnh.

Hàng Trung Quốc với ưu thế mẫu mã đẹp, giá thành rẻ là một trong những đối thủ cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam. Đánh vào tâm lý người tiêu dùng ưa hàng rẻ, mẫu mã đẹp, chất lượng… tạm được, hàng Trung Quốc đã tiếp cận bà con bằng nhiều con đường khác nhau. Khi đã vào sâu nội địa, hàng Trung Quốc nhanh chóng xuất hiện ở nhiều địa bàn từ vùng ven trung tâm thành phố đến các tỉnh, các chợ vùng ven... Thậm chí, một số mặt hàng như may mặc, thực phẩm... hàng Trung Quốc còn đội lốt hàng Việt Nam cho dễ tiêu thụ.

Ông Nguyễn Văn Bách - Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh cho biết, năm 2013, thành phố phát hiện 228 vụ vi phạm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, tịch thu gần 226.500 đơn vị sản phẩm. "Số vụ kiểm tra trong năm 2013 chưa bằng một nửa của năm 2012, nhưng số lượng hàng hóa vi phạm tăng gần gấp đôi. Điều đó cho thấy quy mô sản xuất hàng giả ngày càng lớn và vụ việc mang tính chất ngày càng phức tạp”, ông Bách đánh giá.

Theo ông Nguyễn Thanh Hồng - Trưởng phòng Thực thi và giải quyết khiếu nại Cục SHTT, hàng giả, hàng nhái được sản xuất ở nước ngoài nhập vào Việt Nam để tiêu thụ có khối lượng lớn, có đơn vị tới 90% hàng giả là hàng nhập khẩu. Việc xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp xảy ra với mọi loại hàng hóa, dịch vụ. Nhận định về tình trạng trên, ông Mai Hòa Việt - Trưởng ban An ninh và bảo hộ SHTT Công ty Unilever Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả các công ty nước ngoài (VACIP), cho biết: Đối với hàng giả sản xuất trong nước, các đối tượng làm giả phần lớn sử dụng nguyên liệu, bao bì của Trung Quốc đưa sang hoặc tái sử dụng bao bì, đóng gói tại thị trường nội địa. Đối với hàng giả sản xuất ở nước ngoài thì 100% thành phẩm sản xuất tại nước ngoài rồi được xé nhỏ đưa vào Việt Nam; hàng nhái sản xuất tại nước ngoài thì các đối tượng sao chép một số hình ảnh trên bao bì của các doanh nghiệp có uy tín và thương hiệu trong nước rồi đặt nhãn hiệu gần giống hàng thật.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng TTĐT Ủy ban Dân tộc phối hợp thực hiện)