Thông tin giá cả thị trường tuần từ 07/02/2014 đến 13/02/2014

09:41 AM 07/02/2014 |   Lượt xem: 2498 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Nông dân trồng cà phê “đau đầu” chuyện đầu tư niên vụ mới

Đến thời điểm này, bà con nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên đã thu hoạch xong vụ mùa cà phê 2013 -2014. Để cho niên vụ cà phê mới được bảo đảm, bà con nơi đây đang chuẩn bị cho việc đầu tư, tưới tắm, chăm sóc cây cà phê. Tuy nhiên, năm nay giá cà phê xuống thấp khiến bà con nông dân “đau đầu” trước bài toán đầu tư, chăm sóc, bởi đầu tư như thế nào là hợp lý, hiệu quả, giảm chi phí?

Tính toán lại chuyện đầu tư

Niên vụ thu hoạch cà phê vừa qua, giá cà phê xuống thấp, thậm chí có lúc xuống dưới mốc 32 triệu đồng/tấn, trong khi đó giá vật tư nông nghiệp, đặc biệt là thời gian gần đây giá xăng dầu lại tiếp tục tăng, điều này đã khiến cho đa phần người thu hoạch cà phê trên địa bàn Tây Nguyên rơi vào tình cảnh thua lỗ, không đủ chi phí… Đây chính là nguyên nhân lớn khiến bà con nông dân đang “đau đầu” với câu chuyện lời - lỗ trong việc đầu tư, chăm sóc cho niên vụ cà phê mới. Anh Nguyễn Lương Phúc, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) chia sẻ: Gia đình tôi có 5 sào cà phê vừa thu hoạch xong, giờ chuẩn bị tưới và chăm bón đợt 1 để kịp cho niên vụ mới. Tuy nhiên, niên vụ vừa qua ngoài việc sản lượng giảm ra thì giá cà phê cũng xuống thấp quá, trong khi đó giá vật tư nông nghiệp lại tăng cao, nếu cộng cả công của mình vào xem như hoà vốn. Đến niên vụ này tôi đang phải tính toán xem nên lựa chọn phân bón gì cho hiệu quả mà hợp với túi tiền, rồi đến quy trình, thời điểm bón phân sao cho hợp lý… kẻo lại lỗ vốn thì khổ.

Trước đây, bà con nông dân ở Tây Nguyên thường manh mún, tự phát trong việc đầu tư bón phân, chăm sóc cho cây trồng. Nhưng đến nay, mọi thứ dường như đang được bà con nông dân suy tính, đắn đo kỹ lưỡng rồi mới quyết định cho việc đầu tư. Ông Lê Văn Quốc - nông dân trồng cà phê ở xã Ea Ning, huyện Cư Kuin cho biết: Nhiều năm trước, gia đình tôi nói riêng cũng như bà con nông dân khác trong vùng thường căn cứ vào túi tiền để bỏ phân chứ không chú ý đến quy trình… Nhưng năm nay, để giảm sự thua lỗ, có lãi chúng tôi buộc phải bàn tính lại xem nên lựa chọn việc bón loại phân nào cho hợp lý và chăm sóc sao cho đúng cách.

Nhiều cách làm mới

Từ việc băn khoăn, tính toán lại cho việc đầu tư, chăm bón cho cây trồng, hiện trên địa bàn Tây Nguyên nhiều bà con nông dân đã có cách làm mới từ đó góp phần tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm giá thành cho cây trồng. Cụ thể như cách làm của ông Phạm Bá Thân, xã Hoà Đông, huyện Krông Păk. Năm nay ông đã đầu tư mua phân chuồng về ủ và bón gốc cho cây cà phê, theo ông việc này sẽ giảm được chi phí đầu tư, ngoài ra ông Thân còn bỏ ra nhiều công trong việc cắt tỉa cành, vệ sinh nương rẫy để cây cà phê quang hợp, tiếp nhận ánh sáng phát triển tốt. Còn ông Lê Thể Thao, thôn 2, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột lại kết hợp việc bón phân chuồng với lựa chọn phân bón sinh học NPK dạng lỏng để đổ gốc và xịt vào cành, lá. Ông Thao cho biết: Tôi đã xịt đợt 1 rồi cho thấy hiệu quả rõ rệt, lá xanh bền, cành đâm bông đều và nhiều, đặc biệt là chi phí tiết kiệm hẳn hơn nhiều với việc dùng phân hoá học vừa trai cứng đất vừa tốn tiền. Để cho cây cà phê được phát triển bền vững, đủ chất tôi còn kết hợp với việc dùng phân chuồng bón gốc nữa. Ngoài ra, hiện nay đang vào mùa tưới cà phê đợt 1 trong khi đó giá xăng dầu tăng cao, cũng như mạch nước ngầm ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng đang có chiều hướng giảm dần vào mùa khô nên nhiều bà con nông dân ở đây đã lắp đặt hệ thống tưới phun mưa nhằm tiết kiệm công sức cũng như chi phí tưới tắm cho cây cà phê.

Thiết nghĩ, trước thời buổi về bão giá hiện nay, mọi chi phí phục vụ cho ngành nông nghiệp đang tăng giá, trong khi giá cả ngành nông nghiệp nói chung và cà phê nói riêng có nhiều biến động lớn. Ngoài việc, các ngành chuyên môn cần hướng dẫn bà con chăm sóc, bón phân cho cây trồng theo đúng quy trình, thời điểm ra, bà con nông dân cũng cần tính toán, tham khảo các mô hình chăm sóc, bón phân hợp lý nhằm giảm chi phí đầu vào cho cây trồng nâng cao sự chênh lệch giữa lời và lỗ.

MUA GÌ?

Sóc Trăng: Thu nhập cao nhờ trồng sen lấy củ

Nhiều năm qua, ngoài việc chuyên canh sản xuất lúa, một số hộ dân ở những khu vực vùng trũng của xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng có thêm nguồn thu nhập khá cao từ nghề trồng sen lấy củ. Từ việc chỉ trồng nhỏ lẻ, họ đã biết liên kết với nhau trong mô hình hợp tác xã để vừa hỗ trợ sản xuất, vừa tiêu thụ tốt sản phẩm...

Chúng tôi có mặt tại Hợp tác xã nông nghiệp (HTX) Tấn Đạt ở ấp Trà Canh A2, xã Thuận Hòa đúng vào lúc chuyến hàng vừa được HTX thu mua từ xã viên mang về. Từng giỏ sen củ nặng trịch được gánh từ ghe lên bờ để sau đó phân loại từng kích thước, cho vào từng chiếc giỏ nilon lớn... Anh Văn Tấn Đạt, Giám đốc HTX Tấn Đạt cho biết: “Ban đầu với 27 héc-ta ruộng nhưng đất trũng, làm lúa kém hiệu quả nên tôi mạnh dạn đầu tư trồng 10 héc-ta sen lấy củ. Thật bất ngờ, cây sen củ không chỉ phát triển tốt mà còn cho lợi nhuận hằng năm trên 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra, tôi còn cung cấp sen giống cho bà con trong và ngoài tỉnh”. Hiện nay, HTX có 30 héc-ta ruộng trũng đã chuyển sang trồng sen lấy củ và tất cả đều được HTX hỗ trợ về giống, hướng dẫn cách trồng và tiêu thụ sản phẩm. Chỉ mới 1 năm hoạt động, nhưng nhiều xã viên và hộ dân tham gia trồng sen đã có đời sống khá giả hơn trước, còn hoạt động của HTX cũng đã đi vào ổn định. Đến tham quan ruộng sen của anh Võ Bé Năm ở ấp Trà Canh B, anh Năm hồ hởi khoe: "Với 9 công đất trồng sen, vụ vừa rồi tôi lãi hơn 70 triệu đồng. Còn nếu tính cả 2 vụ sen tiếp theo chắc cũng trên 200 triệu đồng. Trồng sen củ cũng rất nhẹ công chăm sóc, chỉ cần cày đất kỹ trước khi xuống giống, cung cấp đầy đủ phân, phun thuốc dưỡng lá sẽ giúp sen có củ to, năng suất cao". Rộng lớn, đẹp và ấn tượng nhất phải kể đến ruộng sen rộng 11 héc-ta của ông Từ Đức Lợi ở ấp Trà Canh A1. Năm 2013, ông Lợi chuyển toàn bộ 11 héc-ta đất ruộng sang trồng sen. Thu hoạch vụ đầu tiên lãi trên 550 triệu đồng và còn vụ tiếp hứa hẹn sẽ trúng mùa được giá.

Trồng sen lấy củ là một mô hình nhằm chuyển đổi cây trồng phù hợp với vùng đất trũng canh tác lúa không hiệu quả. Kỹ thuật trồng sen đơn giản, đầu tư thấp, nhưng đầu ra luôn ổn định, giúp bà con Sóc Trăng vươn lên làm giàu trên chính quê hương.

BÁN GÌ?

Năm 2014: Cơ hội từ 3 thị trường xuất khẩu lớn

Tình hình xuất khẩu của Việt Nam năm 2014 được cho là sẽ có sự tăng trưởng tốt nhờ việc mở rộng thị trường, cũng như các hiệp định thương mại mà Việt Nam đang đàm phán để tiến tới ký kết với các đối tác. Ba thị trường xuất khẩu là Mỹ, Nhật Bản và Nga trong năm 2013 đều hứa hẹn triển vọng tăng trưởng mạnh trong năm tới.

Chủ lực thị Trường Mỹ

Đánh giá về triển vọng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ, các chuyên gia cho biết, ngày càng nhiều doanh nghiệp nhập khẩu Mỹ chuyển hướng sang Đông Nam Á. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nên có sự chuẩn bị chu đáo nhằm đáp ứng những yêu cầu khắt khe của các nhà nhập khẩu Mỹ. Bên cạnh việc tận dụng các thế mạnh cạnh tranh là chi phí sản xuất thấp để đưa ra các mức giá cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh nhạy trước những thay đổi về nhu cầu từ người tiêu dùng và cố gắng đáp ứng các tiêu chuẩn cao của ngành hàng nhằm tạo nên sự khác biệt so với các nhà cung cấp khác.

Để duy trì xuất khẩu ổn định vào Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm rõ các chính sách mới được ban hành liên quan đến hàng xuất khẩu. Ví dụ như Luật hiện đại hóa về vệ sinh an toàn thực phẩm mà Mỹ mới ban hành có thể ảnh hưởng rất lớn đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Hiện, thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã có nghiên cứu sâu về Luật này để thông báo trong nước cũng như có kiến nghị với các bộ ngành liên quan để thông tin cho các doanh nghiệp về các luật mới này.

Nhiều ưu đãi từ thị trường Nhật Bản

Theo Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, các mặt hàng nông sản, thủy sản, dệt may, sắt thép, linh kiện điện tử của Việt Nam có mức cam kết tự do hóa mạnh mẽ nhất. Nhờ vậy, hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Nhật sẽ được hưởng ngay thuế suất 0% nếu đáp ứng được yêu cầu xuất xứ. Đây chính là lý do các nhà nhập khẩu chuyển sản xuất, tăng đơn hàng từ nguồn cung Việt Nam. Hiện Nhật Bản chiếm hơn 13% thị phần xuất khẩu dệt may Việt Nam. Trong xu hướng chuyển dịch sản xuất dệt may ra khỏi Trung Quốc, Việt Nam sẽ là nước có nhiều cơ hội để gia tăng xuất khẩu vào Nhật. Đáng lưu ý, nhiều doanh nghiệp Nhật đang quan tâm đặt hàng lô giá trị nhỏ với Việt Nam để bảo đảm nguồn cung cho mạng lưới cửa hàng nhỏ của họ tại Nhật Bản. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam có thể tranh thủ phương thức này để thâm nhập thị trường Nhật, nhất là nông sản, thực phẩm chế biến. Tuy nhiên, để có thể xuất khẩu nông sản sang Nhật bền vững, doanh nghiệp Việt Nam phải hợp tác để quản lý vùng nguyên liệu bởi người Nhật không quan tâm đến giấy chứng nhận kiểm nghiệm bằng việc thấy quy trình mà họ yêu cầu được thực hiện đúng.

Thị trường Nga rộng mở

Nga là thị trường lớn nhưng không quá khắt khe như Tây Âu, Nhật Bản hay Mỹ. Cơ cấu kinh tế Nga quá chú trọng công nghiệp nặng nên hàng tiêu dùng chủ yếu nhập từ nước ngoài, trong đó có nhiều mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam. Một lợi thế nữa mà các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng để xuất khẩu sang Nga là việc Nga đã gia nhập WTO. Theo đó, Nga thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như nông sản, thủy hải sản, may mặc, giày da. Trong vòng 3 - 4 năm tới, một số mặt hàng của Việt Nam vào Nga sẽ chỉ bị áp mức thuế nhập khẩu thấp hơn so với mức hiện nay. Ngoài ra, Nga đang có chiến lược phát triển vùng Viễn Đông với nhiều ưu đãi, mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng như may mặc, giày dép, thủy sản, đồ gỗ... Việt Nam và Nga đang tích cực đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Thuế quan Nga - Belarus – Kazakhstan. Nếu Hiệp định này được ký kết, hàng hóa Việt Nam sẽ cạnh tranh tốt trên thị trường Nga.

LƯU Ý, CẢNH BÁO

Cà Mau ồ ạt nuôi tôm thẻ chân trắng: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Thời tiết thuận lợi, giá tôm nguyên liệu tăng cao là những động lực khiến nông dân ở Cà Mau ồ ạt đào hầm nuôi tôm thẻ chân trắng. Điều đáng lo ngại là nhiều bà con không hề biết gì đến quy trình cũng như kỹ thuật nuôi. Bên cạnh đó, việc nông dân tự phát nuôi tôm thẻ đang phá vỡ quy hoạch và tiềm ẩn dịch bệnh bùng phát.

Vài năm trước, diện tích và số hộ nuôi thẻ chân trắng ở Cà Mau có thể đếm được trên đầu ngón tay. Thế nhưng, hiện tại diện tích nuôi đã tăng nhanh đột biến, phá vỡ quy hoạch của địa phương.

Tại xã Tân Hưng Đông, nhiều gia đình đã mang sổ đỏ đến ngân hàng vay vốn để đầu tư ao đầm, mua sắm thiết bị nuôi tôm thẻ. Cũng như nhiều nông dân ở xã Tân Hưng Đông, hàng trăm người dân ở thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước cũng đang đưa cơ giới vào đào hầm nuôi tôm. Ông Nguyễn Văn Khương ở thị trấn Cái Nước bộc bạch: “Nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh cải tiến hiện tại không có ăn. Bây giờ nhiều người đào hầm nuôi thẻ nên tôi cũng làm theo”. Do ở thời điểm hiện tại nhiều nông dân ở Cà Mau đã nuôi thành công tôm thẻ chân trắng, thu về vài trăm triệu nên đã tạo thành phong trào nuôi tôm thẻ tự phát. Trên thực tế, nuôi tôm thẻ chân trắng đang thu hút bà con vì thời gian nuôi ngắn, vòng vốn quay nhanh, nuôi nhiều vụ trong năm. Tuy nhiên, nhiều người cũng tỏ ra lo lắng vì không nắm bắt được kỹ thuật nuôi. Các chuyên gia trong ngành cũng cho biết, tôm thẻ chân trắng chỉ cho phép nuôi theo mô hình công nghiệp tập trung ở một số địa phương trong tỉnh. Mô hình này đòi hỏi điều kiện kỹ thuật khắt khe, nhưng hiện đang được người dân nuôi tràn lan. Đa số những người nuôi tự phát tôm thẻ chân trắng trúng mùa đều ở những vùng nằm ngoài quy hoạch, đất mới. Ở những vùng đất mới trong những vụ nuôi đầu thì khả năng thiệt hại không cao. Tuy nhiên, sang những vụ nuôi tiếp theo thì sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro do nuôi không đúng quy trình, dịch bệnh phát sinh, đất và nguồn nước bị ô nhiễm…

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Năm 2014: Thận trọng khi đầu tư mở rộng diện tích trồng sắn

Năm 2013 sắn là mặt hàng xuất khẩu đạt trên 3 triệu tấn, thu về 1,1 tỷ đô-la Mỹ (khoảng 24.000 tỷ đồng Việt Nam). So với năm 2012, khối lượng xuất khẩu hơn 1/4 và giảm gần 1/5 về số tiền thu được.

Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính (chiếm hơn 8/10 thị phần) nhưng khối lượng xuất khẩu sắn sang thị trường này cũng giảm đáng kể so với năm 2012. Đứng thứ hai sau thị trường Trung Quốc, nhưng xuất khẩu sắn và sản phẩm sang thị trường Hàn Quốc lại tăng cả về lượng và trị giá, đây cũng là thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất.

Ngoài hai thị trường chính kể trên, Việt Nam còn xuất khẩu sắn và sản phẩm sang thị trường khác như Philippines, Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản.

Năm 2013, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn, đứng sau Thái Lan. Năng suất sắn của Việt Nam hiện nay đứng khoảng thứ 10 trong số các quốc gia năng suất cao, với năng suất 17,6 tấn/hec-ta. Hiện, cả nước có diện tích trồng sắn đạt khoảng 560.000 hec-ta, với tổng sản lượng đạt gần 9,4 triệu tấn, khoảng gần 1/3 sản lượng thu được phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước làm lương thực, chế biến thức ăn chăn nuôi, công nghiệp dược phẩm, làm nguyên liệu sản xuất xăng sinh học, cồn công nghiệp... Phần còn lại được xuất khẩu dưới dạng tinh bột hoặc sắn lát khô. Tính đến hết năm 2013, cả nước có 6 nhà máy sản xuất nhiêu liệu sinh học sử dụng nguyên liệu là sắn lát khô đi vào hoạt động, gần 100 nhà máy chế biến tinh bột sắn và hàng trăm cơ sở chế biến thủ công...

Tuy nhiên, sắn và sản phẩm từ sắn là mặt hàng tăng trưởng nóng trong những năm qua và phụ thuộc vào nhu cầu nhập khẩu của nước ngoài. Do vậy, năm 2014 bà con nên thận trọng khi đầu tư trồng sắn vì rất dễ bị lỗ vốn nếu nhu cầu mua của khách hàng tiếp tục giảm.

((Thông tin do Báo Công Thương và Cổng TTĐT Ủy ban Dân tộc phối hợp thực hiện))