Thông tin giá cả thị trường tuần từ 18/08/2014 đến 22/08/2014
04:09 PM 18/08/2014 | Lượt xem: 2717 In bài viết |
TIÊU ĐIỂM |
Từ mô hình thí điểm xuất khẩu cá ngừ sang Nhật
Nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh nghề khai thác cá ngừ đại dương của địa phương, UBND tỉnh Bình Định và Hội hữu nghị Nhật – Việt tại Sakai, Nhật Bản đã ký Bản ghi nhớ cam kết hợp tác giữa hai bên hỗ trợ xây dựng và thực hiện mô hình thí điểm tổ chức khai thác, thu mua và xuất khẩu cá ngừ sang Nhật. Sau 7 tháng triển khai, kết quả bán đấu giá lô hàng cá ngừ đại dương 9 con đầu tiên tại Nhật Bản đánh bắt theo công nghệ mới đã thành công ngoài mong đợi. Chín con cá ngừ đại dương có giá bình quân 240.000 đồng/kg. Trong đó, con có chất lượng tốt nhất được bán với giá 437.000 đồng/kg, con cao nhất 500.000 đồng/kg. Như vậy, so với cá đánh bắt theo kiểu truyền thống đang được bán trên thị trường nội địa (khoảng 80.000 đồng/kg) thì giá cá bình quân đánh bắt theo công nghệ mới cao gấp 3 lần.
Ông Lê Hữu Lộc - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, lô cá đầu tiên đánh bắt theo công nghệ mới của ngư dân vẫn còn nhiều khuyết điểm từ khâu câu, bắt cá đến ướp đá, bảo quản... nhưng đã đạt được kết quả tốt. "Nếu ngư dân áp dụng đúng như kỹ thuật câu cá ngừ đại dương mà phía Nhật truyền đạt thì tôi tin rằng giá cá bình quân bán bên nước họ sẽ trên 400.000 đồng/kg. Với kết quả này, sắp tới tỉnh sẽ quyết tâm hỗ trợ ngư dân để nhân rộng mô hình đánh bắt cá theo công nghệ Nhật Bản" - ông Lộc khẳng định. Các chuyên gia kỹ thuật cũng nhận định, mặc dù tỷ lệ cá ngừ đạt chất lượng xuất trực tiếp chưa cao (27%), nhưng kết quả đạt được của chuyến đầu tiên thí điểm mô hình là tương đối khả quan. Trong thời gian tới, cần tiếp tục tập huấn cho ngư dân về kỹ thuật khai thác, xử lý, bảo quản và thực hiện đúng quy trình hướng dẫn, đồng thời tổ chức luân phiên đưa cá vào bờ theo đúng thời gian quy định.
Kết quả bước đầu của mô hình thí điểm đã mở ra triển vọng mới cho việc phát triển liên kết trong khai thác, thu mua, xuất khẩu cá ngừ đại dương tại Bình Định nói riêng và nghề khai thác cá ngừ đại dương nói chung. Trong thời gian tới, Bình Định sẽ tổ chức rút kinh nghiệm, tăng thêm số lượng tàu khai thác tham gia mô hình cũng như sớm triển khai đầu tư tàu dịch vụ hậu cần luân chuyển cá vào bờ. Tiến hành nhân rộng mô hình tại địa phương cũng như các tỉnh khác khi hiệu quả được nâng cao.
... đến đề án khai thác và tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi
Trước đó, để khai thác, chế biến cá ngừ trở thành ngành sản xuất phát triển tương xứng với tiềm năng, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng đề án “Tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi”. Đề án sẽ được thực hiện tại 3 tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Theo đề án, đến năm 2017, toàn bộ tàu câu cá ngừ đại dương và 50% số tàu khai thác bằng nghề lưới vây cá ngừ hoạt động trên biển sẽ được giám sát, quản lý. Tổn thất sau thu hoạch đối với sản phẩm cá ngừ đại dương giảm xuống dưới 10%. Sản phẩm cá ngừ được kiểm soát và truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, Bộ sẽ thực hiện mô hình thí điểm khai thác, chế biến cá ngừ theo chuỗi. Hoạt động khai thác cá ngừ được tổ chức lại bằng việc cấp hạn, đóng mở ngư trường khai thác phù hợp theo mùa vụ. Bên cạnh đó, các mô hình hợp tác xã, tổ ngư dân đoàn kết trong khai thác cá ngừ được xây dựng và nhân rộng. Những công nghệ khai thác và bảo quản sản phẩm tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ được chuyển giao cho các tàu khai thác, tàu dịch vụ thu mua trên biển. Bên cạnh việc trang bị những loại máy móc, thiết bị hiện đại cho các tàu khai thác cá ngừ, dự án này sẽ đầu tư xây dựng một cảng cá ngừ chuyên dụng (gồm hệ thống kho lạnh, nhà lạnh, chợ đấu giá sản phẩm...) tại cảng cá Quy Nhơn, Bình Định. Ngoài ra, đề án cũng đưa ra một số giải pháp về chính sách hỗ trợ tín dụng thương mại để ngư dân nâng cấp hoặc đóng mới tàu vỏ thép; giảm tổn thất sau thu hoạch thông qua việc hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc, trang thiết bị, hầm bảo quản…
Trên thực tế, việc chọn đối tượng cá ngừ đại dương để tổ chức sản xuất theo chuỗi không chỉ nhằm phát triển hiệu quả và bền vững nghề khai thác này mà còn tạo sự đột phá, làm tiền đề nhân rộng đối với các đối tượng và nghề khai thác hải sản xa bờ khác.
MUA GÌ |
Giá cà phê liên tục giảm
Sau khi tăng mạnh vào tuần đầu tháng 8/2014, giá cà phê hiện đang có xu hướng giảm trên các thị trường giao dịch chính. Tính đến thời điểm trung tuần tháng 8, giá cà phê tại thị trường Việt Nam và thế giới đều đồng loạt giảm trở lại. Giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên giảm 500.000 đồng/tấn xuống còn 37.700 – 38.800 đồng/tấn so với mức 42.000 đồng/tấn ở thời điểm đầu tháng. Các thương gia đánh giá, chỉ trong vài ngày, ở giai đoạn cuối vụ, giá cà phê nội địa giảm nhanh như thế này là hiện tượng hiếm có.
Trong khi đó, các chi phí sản xuất như phân bón, xăng dầu, giá nhân công, cước vận tải... đều tăng khiến bà con nông dân phải gồng mình chống chọi. Đặc biệt, chương trình siết chặt tải trọng xe ô tô đã khiến giá chuyên chở cà phê từ vùng sản xuất trên các tỉnh Tây Nguyên về các kho cảng tăng gấp 3 so với trước. Ngoài ra, bà con nông dân còn phải cõng thêm giá cước tàu và các loại phí làm hàng xuất khẩu đang tăng hàng ngày. Nếu như năm 2008, cước tàu chở cà phê từ cảng TP.HCM đi châu Âu chỉ 400 - 500 đô-la Mỹ/container/tấn, đến quý I/2014 đã lên 950 - 1.000 đô-la Mỹ/container/tấn, thì nay nâng lên 1.250 đô-la Mỹ/container/tấn.
Khánh Hòa: Ngư dân được mùa cá ngừ đại dương
Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Khánh Hòa, ngư dân Khánh Hòa vừa khai thác được mùa cá ngừ đại dương với giá cao. Đặc biệt, giá cá ngừ đại dương liên tục tăng lên khiến cho ngư dân rất phấn khởi. Giá trước kia khoảng 60.000 - 80.000/kg, nay tăng lên 90.000 - 100.000/kg, giá cá câu đèn đạt 108.000 - 110.000 đồng/kg. Hiện nay, mỗi ngày có khoảng 20 - 30 tàu cập cảng, các tàu cá sau mỗi chuyến biển khai thác bình quân được 1,5 tấn, thu nhập của ngư dân đạt khá. Các tàu đánh bắt chủ yếu tại ngư trường Trường Sa, DK1.
Từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng thủy sản khai thác trên toàn tỉnh đạt 49.000 tấn, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm 2013. Năm nay, sản lượng khai thác đạt khá là nhờ thời tiết thuận lợi, ít bão hơn so với năm ngoái, tạo điều kiện cho ngư dân bám biển. Được biết, hiện toàn tỉnh có 9.806 phương tiện đánh bắt, trong đó có 1.200 chiếc công suất từ 90 CV trở lên.
Giá cà phê tại 1 số thị trường ngày 13/8/2014
Thị trường |
Giá |
Đắk Lắk |
38.700 |
Lâm Đồng |
37.700 |
Gia Lai |
38.600 |
Đắk Nông |
38.800 |
Cà phê Buôn Ma Thuột: Đăng ký bảo hộ chỉ dỵn địa lý ở EU
Tỉnh Đắk Lắk đang xây dựng hồ sơ để đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột tại Liên minh châu Âu (EU).
Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đang hoàn thiện hồ sơ để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột tại EU. Hiệp hội phải hoàn thiện đầy đủ hồ sơ chứng minh truyền thống lịch sử trồng cà phê lâu đời; thứ hai là phải chứng minh được sự gắn liền giữa điều kiện tự nhiên của Buôn Ma Thuột với chất lượng của cà phê Buôn Ma Thuột; thứ ba là phải làm rõ hệ thống quản lý để làm sao truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đảm bảo rằng cà phê tại chính nguồn gốc đó với chất lượng đó.
Trước đó, cùng với thành công trong việc yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột mà một doanh nghiệp đăng ký độc quyền tại nước này, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể tại 17 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hiện nay, với sự giúp đỡ của Dự án hỗ trợ chính sách Đầu tư và Thương mại châu Âu, tỉnh Đắk Lắk đang xây dựng hồ sơ để đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột tại Liên minh châu Âu.
Ông Trịnh Đức Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, cho biết, thời gian qua, các chuyên gia của Liên minh châu Âu thông qua Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã tổ chức những cuộc hội thảo, tập huấn để giúp tỉnh Đắk Lắk đăng ký chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột. Quá trình này thông thường mất khoảng 4 - 5 năm, tuy nhiên với sự giúp đỡ của EU thì có thể quá trình đăng ký chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột sẽ rút ngắn xuống còn khoảng 3 năm.
Hiện, cà phê của tỉnh Đắk Lắk đã được xuất khẩu tới 60 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các sản phẩm cà phê bền vững có chứng nhận xuất xứ đang được bán cao hơn giá thông thường khoảng 15%. Việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột là một cách để khai thác thị trường hàng hóa cấp cao, nâng cao giá trị xuất khẩu của mặt hàng này.
BÁN GÌ |
Cà Mau: Sò huyết giá cao
Hiện nay, giá sò huyết đang cao hơn cùng kỳ năm trước 10.000 đồng/kg khiến người nuôi sò huyết ở đầm Thị Tường rất phấn khởi, có hộ thu được cả tỷ đồng. Hiện sò huyết loại 60 - 65 con/kg giá tới 80.000 đồng/kg, loại 80 con/kg giá khoảng 65.000 đồng/kg, cùng thời điểm này năm trước giá sò huyết loại 60 - 65 con giá chỉ khoảng 70.000 đồng. Một hộ gia đình thu thu hoạch khoảng 10 tấn sò thương phẩm, giá trung bình 70.000 đồng/kg bán cho các thương lái đã có thể thu được khoảng 700 triệu đồng.
Sò huyết được giá còn mang lại niềm vui cho các hộ dân nuôi tôm tự nhiên ở huyện Năm Căn. Bên cạnh việc nuôi tôm cua theo hướng truyền thống, các hộ dân ở đây còn kết hợp nuôi sò huyết trong vuông để tăng thêm nguồn thu nhập.
Sò huyết là đối tượng dễ nuôi, rủi ro thấp. Cách làm cũng rất đơn giản, chỉ cần dùng lưới chủ vây quanh diện tích nuôi để giới hạn không gian nuôi sò. Lưới chủ chỉ cần cao hơn mặt xình khoảng 0,2 m không cho sò ra bên ngoài là được. Không cần cho ăn hay hoạt động chăm sóc nào khác, chỉ cần trông coi đến khi thu hoạch. Năm nay vừa trúng sản lượng vừa được giá nên mọi người ai cũng phấn khởi.
Hậu Giang: Khuyến cáo nông dân bán nhanh lúa tạm trữ
Sở Công Thương Hậu Giang đã khuyến cáo bà con về tình trạng giá lúa tăng cao nhưng nhiều người chưa chịu bán, tiếp tục chờ giá tăng hơn nữa.
Theo Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang, những ngày qua giá lúa, gạo bất ngờ tăng mạnh từ 500 - 1.000 đồng/kg. Hiện, giá lúa thu mua tại kho của doanh nghiệp tăng khoảng 500 - 700 đồng/kg và giá mua gạo tăng hơn 1.000 đồng/kg so với tháng 6. Cụ thể, đối với lúa tươi thu mua tại ruộng giá dao động từ 5.400 - 5.500 đồng/kg, lúa khô có giá từ 5.800 - 6.000 đồng/kg đối với các giống OM 5451, IR 6976 và IR 50404. Riêng đối với lúa khô tạm trữ từ vụ đông xuân lên đến 7.000 đồng/kg. Theo ngành chức năng, giá lúa, gạo đột ngột tăng mạnh là do các doanh nghiệp đồng loạt đẩy mạnh thu mua. Nếu bà con không chịu bán, nhiều khả năng các thương lái sẽ đổi hướng chuyển ra thu mua ngoài tỉnh bởi hiện các tỉnh lân cận đang đồng loạt thu hoạch vụ lúa hè thu. Bên cạnh đó, diện tích lúa thu đông gieo cấy sớm tại địa phương chỉ còn khoảng hơn 1 tháng nữa cho thu hoạch. Việc kéo dài thời gian tạm trữ khó tránh được rủi ro.
Tiền Giang: Ớt tăng giá, khan hàng
Gần 1 tuần nay giá ớt ở các vùng chuyên canh huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) bắt đầu tăng mạnh trở lại hơn 5.000 đồng/kg, hiện ở mức 22.000 - 24.000 đồng/kg.
Hiện nay giá thành sản xuất ớt khoảng 15.000 đồng/kg tùy theo kỹ thuật canh tác của từng hộ, năng suất ớt bình quân đạt khoảng 1 - 1,2 tấn/công (mỗi công bằng 1.000m2). Với giá ớt hiện nay, nông dân trồng ớt lãi khoảng 8 - 10 triệu đồng/công ớt. Tuy nhiên, sản lượng ớt thời điểm này còn rất ít do hiện nay ớt đã “lên ngọn”, chỉ còn một số hộ trồng ớt trễ hay ở những vùng sâu mới còn ớt thu hoạch.
Nhiều nông dân trồng ớt ở huyện Chợ Gạo cho biết, thông thường ớt trồng mỗi năm 2 vụ với hai giống ớt chủ yếu là ớt chỉ thiên và ớt 2 mũi tên, do 2 giống ớt này dễ trồng và năng suất cao. Thường vụ 1 kéo dài từ tháng 4 - 7, sau đó bà con nhổ ớt, cải tạo đất, gieo hạt trồng vụ thứ 2 sao cho thu hoạch trước tết âm lịch khoảng hơn 1 tháng. Mỗi vụ ớt chỉ khoảng hơn 100 ngày, trong đó 70 - 80 ngày là thời gian từ khi gieo hạt đến bắt đầu thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài trong khoảng 1 tháng.
Tiền Giang hiện có khoảng 800 héc-ta ớt, tập trung ở các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, thị xã Gò Công với nhiều vùng chuyên canh ớt nổi tiếng như: Bình Ninh, Bình Phan, Bình Phục Nhứt, Vĩnh Hựu...
Đồng Nai: Giá tiêu đen tăng
Giá hạt tiêu xuất khẩu tăng kéo theo giá hạt tiêu trong tỉnh tăng lên đến gần 190.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay. Giá hạt tiêu đen xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2014 bình quân đạt gần 7.600 đô-la Mỹ/tấn, tăng trên 6% so với cùng kỳ năm trước. Trong 7 tháng đầu năm, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã xuất khẩu được 4.500 tấn hạt tiêu đen với tổng giá trị 34,2 triệu đô-la Mỹ. Riêng tháng 7/2014, toàn tỉnh xuất khẩu được 900 tấn, tăng khoảng 2 lần về lượng và 2,2 lần về giá trị.
Đắk Lắk: Bí đỏ giảm giá mạnh
Mấy năm gần đây, diện tích trồng bí đỏ ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk tăng nhanh, mang lại thu nhập đáng kể cho nông dân. Tuy nhiên, năm nay giá bí đỏ loại hồ lô giảm mạnh khiến hàng chục hộ dân trồng bí lao đao. Tuy đã gần cuối mùa vụ nhưng hàng chục tấn bí đỏ đến kỳ thu hoạch vẫn nằm trên đồng, thậm chí bị thối rữa do mưa. Một số hộ dân sợ bí thối đã hái về chất thành đống trong nhà chờ thương lái đến mua. Điều này khác hẳn với năm ngoái, khi mới đầu vụ thì bí đã được người dân bán gần hết. Thực trạng này xảy ra một mặt do giá bí đỏ xuống thấp chưa từng thấy, mặt khác tiểu thương lại “kén hàng” chỉ chọn những quả có trọng lượng đều và vừa tầm để nhặt. Nếu so với mức giá thu mua của tiểu thương năm 2013 là khoảng 7.000 - 8.000 đồng/kg thì giá năm nay đã giảm mạnh chỉ ở mức 2.000 đồng/kg.
LƯU Ý CẢNH BÁO |
Buôn lậu thuốc lá “Quýt làm cam chịu”
Cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương đã chỉ đạo 17 địa phương khu vực phía Tây Nam Bộ triển khai dán áp phích cảnh báo về vi phạm trong buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức của cư dân, đặc biệt là cư dân biên giới vận chuyển, đai vác hàng lậu vào nội địa.
Bà con không để các đầu nậu lợi dụng
Cục QLTT cho biết, từ đầu năm 2014 cho đến nay lực lượng QLTT trên cả nước đã kiểm tra 7.916 vụ thuốc lá nhập lậu, xử lý 4.704 vụ. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 14 tỷ đồng. Tịch thu thu giữ gần 1 triệu bao, thu giữ 08 ô tô, 432 xe máy, 07 ghe, xuồng máy các loại và chuyển cơ quan công an khởi tố 20 vụ. Mặc dù số lượng bắt giữ và khởi tố tăng so với các năm, song, số lượng bắt giữ vẫn chỉ như “muối bỏ bể”, lượng thuốc lá nhập lậu đổ vào nội địa vẫn tăng mạnh.
Theo đánh giá của lực lượng chức năng, các đối tượng vận chuyển vẫn chủ yếu là cư dân biên giới, nhất là cư dân khu vực phía Tây Nam. Lợi dụng thời điểm nông nhàn, cư dân biên giới không có việc làm ổn định, đi làm thuê mướn nên các đầu nậu đã thuê đai vác, vận chuyển hàng lậu từ biên giới vào nội địa. Thuốc lá nhập lậu là mặt hàng có lợi nhuận cao, nên nhiều cư dân khu vực biên giới, bất chấp sự kiểm soát nghiêm của lực lượng chức năng, vẫn cố tình tiếp tay cho buôn lậu.
Một cư dân (Vĩnh Ngươn, An Giang) chuyên vận chuyển hàng thuê cho biết: Trung bình mỗi chuyến vẫn chuyển trót lọt 1.000 đến 1.500 bao thuốc lá nhập lậu người vận chuyển được đầu nậu trả 70.000 – 100.000 đồng/chuyến. Nếu mỗi ngày chở 2 – 3 chuyến cũng kiếm được 250.000 – 300.000 đồng. Đây là số tiền lớn đối với người dân biên giới không có việc làm ổn định.
Mặc dù được trả thù lao lớn nhưng các cư dân không biết mình đang bị các đầu nậu lợi dụng và phải đối mặt với pháp luật. Thực tế, các đầu nậu rất khôn ngoan, không ra mặt vận chuyển hàng lậu mà thuê cư dân vận chuyển. Mặc dù mức thù lao cho mỗi chuyến hàng cao nhưng đầu nậu lại gắn trách nhiệm của người chở thuê vào số lượng hàng vận chuyển. Vì vậy, nếu để cơ quan chức năng bắt, mất hàng thì dân chở thuê chịu trách nhiệm và bị cơ quan chức năng chỉ xử lý được người chở thuê, còn đầu nậu vẫn vô tội.
Chính vì vậy mà để che mắt lực lượng chức năng, các đối tượng vận chuyển dùng nhiều thủ đoạn vận chuyển khá tinh vi. Phần lớn nài thuốc là người dân địa phương các xã biên giới vốn thông thạo địa bàn, họ gắn kết nhau trên từng chặng đường. Phương thức và thủ đoạn cơ bản là dùng xe máy, xuồng máy có công suất lớn vận chuyển thuốc lá lậu qua đường tiểu ngạch. Các đầu nậu cũng cử người túc trực tại trụ sở lực lượng chống buôn lậu để thông báo cho nhau khi lực lượng này ra quân. Họ có nhiều cách để đối phó như: thay đổi cung đường vận chuyển khi đi, vận chuyển với số lượng ít, mỗi lượt vận chuyển từ 150 đến 300 gói thuốc lá ngoại nhập lậu; cất giấu rất kỹ bằng cách độ lại xe máy để hàng bên trong; đóng giả là người dân chở thực phẩm hoặc sinh viên, học sinh đi học nhằm qua mắt lực lượng chống buôn lậu.
Dán áp phích cảnh báo tại 17 địa phương
Theo Cục QLTT mặc dù đã có nghị định quy định thuốc lá nhập lậu là hàng cấm, vi phạm sẽ bị xử phạt và truy tố trách nhiệm hình sự… Tuy nhiên, dân buôn lậu, nhất là cư dân đai vác thuê khu vực biên giới Tây Nam vẫn chưa thực sự quan tâm đến các quy định này.
Để nâng cao nhận thức của người dân, Cục QLTT đã chỉ đạo các chi cục QLTT 17 tỉnh, phối hợp với Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam triển khai dán áp phích cảnh báo về vi phạm trong buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu từ ngày 1/7 đến ngày 30/8. Địa điểm dán áp phích là các khu công cộng, nhà hàng, quán bar, đại lý, tủ thuốc…
Nội dung áp phích cảnh báo người dân nếu vi phạm trong việc buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu sẽ bị phạt tù tới 15 năm. Căn cứ theo Nghị định 43/2009/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BYT-TANDCT-VKSNDTC. Theo đó, việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ từ 1.500 gói đến dưới 4.500 gói thuốc lá nhập lậu sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; từ 4.500 gói đến dưới 13.500 gói bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù 3 - 7 năm; từ 13.500 gói trở lên bị phạt tù 7 - 15 năm.
Ông Đỗ Thanh Lam cho biết, việc dán áp phích tuyên truyền phòng chống buôn lậu thuốc lá là hoạt động thường niên của cục nhằm mục đích tuyên truyền, cảnh báo cho người dân nhận thức được tác hại của việc buôn bán, kinh doanh thuốc lá nhập lậu.
Bên cạnh việc nâng cao nhận thức cho người dân, trong thời gian tới, Cục QLTT sẽ chỉ đạo lực lượng QLTT cả nước tăng cường việc kiểm soát thị trường nội địa. Rà soát các hộ kinh doanh, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá, các điểm tập kết, cất giữ… Xử lý nghiêm các đối tượng buôn bán thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả, kém chất lượng. Đồng thời, tổ chức kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, tập trung vào những đối tượng đầu nậu, những đường dây vận chuyển, điểm cất giữ, bán buôn, phát luồng nhằm tạo sức mạnh tổng hợp trong việc ngăn chặn tình trạng buôn lậu, vận chuyển, buôn bán thuốc lá nhập lậu.
box: 17 địa phương triển khai dán áp phích gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, TP. Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, An Giang và Đồng Tháp.
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG |
Cây điều Việt Nam sẽ có đối thủ cạnh tranh mới
Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), từ năm 2005 - 2013, trung bình mỗi năm có khoảng 15.000 héc-ta trồng điều bị chặt bỏ, chuyển sang trồng cây trồng khác có giá trị cao hơn. Nguyên nhân do hiệu quả kinh tế của cây điều thấp và không ổn định, không đủ sức cạnh tranh với các loại cây trồng khác. Trong khi đó, xuất khẩu hạt điều nhân trong những năm qua cũng từng bước phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc cũng giống như nhiều sản phẩm cây, con… khác. Người dân Trung Quốc rất thích ăn điều Việt Nam và họ sẵn sàng mua giá cao hơn điều châu Phi.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Hiệp hội Điều Việt Nam, thời gian qua Trung Quốc đã quay sang chế biến xuất khẩu điều. Các doanh nghiệp nước này đang đầu tư xây dựng nhiều nhà máy chế biến hạt điều nhân và đóng gói sản phẩm chế biến sâu xuất khẩu ở đảo Hải Nam và ở tỉnh Quảng Đông. Nhiều thương nhân Trung Quốc đến Việt Nam học nghề chế biến hạt điều. Nhiều khả năng trong vài năm nữa Trung Quốc sẽ không còn nhập khẩu hạt điều của Việt Nam nữa. Thay vào đó, phía Trung Quốc sẽ trực tiếp mua điều thô từ châu Phi và máy móc công nghệ tách vỏ hạt điều của Việt Nam để tự chế biến cung cấp cho thị trường nội địa.
Trước mắt thì hiện tượng này chưa đáng ngại cho ngành điều Việt Nam vì nước ta có nguồn nguyên liệu tốt, Trung Quốc lại không phải nước trồng được cây điều. Nhưng ai cũng biết rằng với cách đầu tư bài bản, mánh lới kinh doanh, nếu các doanh nghiệp Trung Quốc quyết tâm sản xuất điều thì ngành điều Việt Nam sẽ có thêm đối thủ cạnh tranh đáng gờm.
Theo các chuyên gia kinh tế, nếu ngành điều Việt Nam không sửa đổi thói quen trước nay muốn làm thế nào cũng được, muốn bán giá nào thì bán; chỉ chạy theo số lượng mà chất lượng không được cải thiện; ít chú ý thay đổi mẫu mã, cách chế biến... thì những nguy cơ đã cảnh báo sẽ thành hiện thực trong tương lai gần.
Ngành chăn nuôi trong nước gặp khó vì thịt nhập khẩu
Nửa đầu năm 2014, lượng bò từ Úc nhập về nước ta đã ở mức hơn 72.000 con, nhiều hơn 6.000 con so với lượng bò nhập khẩu cả năm 2013. Các mặt hàng thịt heo, gà và các loại phụ phẩm nội tạng đều đang được nhập về Việt Nam với số lượng lớn hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài bò sống từ Úc, Việt Nam còn nhập khẩu số lượng lớn thịt trâu, bò đông lạnh. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay Việt Nam cũng nhập khẩu gần 2.000 con trâu sống từ Úc qua đường chính ngạch để phục vụ cho việc giết mổ, bán thịt trên thị trường nội địa. Cũng trong hơn 6 tháng đầu năm 2014, lượng thịt heo, gà, cừu nhập khẩu cũng tăng mạnh.
Với tốc độ nhập thịt ngoại ngày càng nhiều khiến ngành chăn nuôi trong nước lâm vào cảnh khó khăn, thua lỗ vì rớt giá. Nhưng theo các chuyên gia, ngành chăn nuôi nước ta cần biết một thực tế là trong những năm tới thịt nhập khẩu sẽ ngày càng nhiều. Vì vậy, cần có những giải pháp liên kết hoặc gia công để tồn tại, phát triển. Đa phần trang trại, các hộ chăn nuôi Việt Nam vẫn có nếp nghĩ làm nuôi gia công là làm thuê, mình làm để người khác hưởng lợi. Đấy là cách nghĩ hoàn toàn sai. Ở nước ta nhiều trang trại đã thành công nhờ khởi đầu từ mô hình nuôi gia công cho doanh nghiệp nước ngoài. Một loạt trang trại ở Sơn Tây (Hà Nội) ban đầu nuôi gia công 80%, họ được nước ngoài hỗ trợ con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc và hướng dẫn kỹ thuật. Nhờ vậy các trang trại này thoát rủi ro thua lỗ vì rớt giá, vẫn đảm bảo có lợi nhuận. Cũng như vậy, ở Đồng Nai, nhiều trang trại thu được lợi nhuận trong mấy năm qua là nhờ nuôi gia công cho doanh nghiệp lớn. Dù giá thịt có rớt thì trang trại vẫn đảm bảo có lợi nhuận vì đã được ký hợp đồng gia công mua với mức giá cố định. Nhờ nuôi gia công trang trại nhỏ ít vốn, ít kinh nghiệm sản xuất vẫn có thể phát triển nhờ được hỗ trợ con giống, kỹ thuật và thức ăn. Sau khi đã có vốn, nắm tốt kỹ thuật, các hộ, các trang trại nhỏ đã bắt đầu tự nuôi, đảm bảo phát triển bền vững.
CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG |
Phan Thiết (Bình Thuận): Mùa cá cơm nhiều khó khăn
Vài năm gần đây, từ đầu tháng 7 dương lịch – trùng với thời điểm UBND tỉnh cho phép một số thuyền nghề khai thác gần bờ hoạt động, cũng là lúc các thuyền đánh bắt cá cơm khai thác đạt sản lượng cao. Tuy nhiên năm nay, mùa cá cơm đã trôi qua được một tháng nhưng sản lượng khai thác đạt thấp. Lý giải tình trạng này, nhiều ngư dân cho rằng do thời tiết không thuận lợi, cộng với việc tình trạng khai thác hải sản non, nhất là đánh bắt gần bờ diễn ra thường xuyên khiến trữ lượng cá cơm giảm. Bên cạnh đó, mọi năm vào mùa này ở các vùng biển lộng thường có đàn cá nổi xuất hiện, còn năm nay thì hiện tượng này rất ít xảy ra.
Việc sản lượng cá cơm sụt giảm khiến cho các cơ sở sản xuất nước mắm thiếu trầm trọng nguồn nguyên liệu để muối chượp. Hiện lượng cá mới chỉ đáp ứng từ 10 đến 15% công suất các xưởng chế biến nước mắm, và dự báo tình hình thiếu nguyên liệu trong mùa muối chượp năm nay.
Có một nghịch lý đang diễn ra đó là trong khi sản lượng cá cơm giảm nhưng giá mua lại không tăng, thậm chí một số thời điểm còn hạ so với mọi năm. Tại Cảng cá Phan Thiết cũng như Cảng Phú Hài, giá thu mua mỗi giỏ cá cơm, loại 25 kg/giỏ dao động từ 200.000 đến 250.000 đồng, tùy loại lớn nhỏ và chất lượng cá. Riêng về cá cơm dùng để muối chượp, mức giá chỉ chừng 150.000 đồng/giỏ. Nguyên nhân quan trọng đó chính là các cơ sở sản xuất cá cơm hấp – sấy khô không còn tham gia thu mua mạnh như trước. Vào thời điểm này năm ngoái, nhiều thương lái liên tục có mặt ở bến cảng để đón đầu các thuyền cá cơm, nhưng năm nay thì khác. Một số chủ cơ sở sản xuất cá cơm hấp – sấy khô cho hay, đơn đặt hàng của thị trường tiêu thụ mặt hàng này ở nước ngoài đến nay vẫn chưa có và nhu cầu không còn mạnh, điều này khiến cá cơm nguyên liệu dùng để hấp bán rất chậm. Trong khi đó, giá cá cơm để muối chượp cũng không tăng do giá thành nước mắm vẫn giữ nguyên.
Sản lượng khai thác, giá thu mua cá cơm là vậy. Trong khi đó giá xăng dầu trong mỗi chuyến biển lại liên tục có chiều hướng gia tăng khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là nỗi băn khoăn thường trực của ngư dân trong mỗi lần vươn khơi buông lưới.
Bình Thuận: Đưa chuối già lùn lên vùng cao La Dạ
Trong tháng 8/2014, giống chuối già lùn nuôi cấy mô sẽ được Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Bình Thuận đưa lên trồng thí điểm tại xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc.
Viện Sinh học Nhiệt đới (Viện Khoa học công nghệ Việt Nam) là đơn vị chuyển giao công nghệ cho đơn vị chức năng ở địa phương để triển khai dự án xây dựng mô hình nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô và trồng thâm canh chuối già lùn tại Bình Thuận. Với thời gian thực hiện đến tháng 3/2016, dự án này hướng đến mục tiêu đào tạo được 6 kỹ thuật viên nắm vững các quy trình công nghệ chuyển giao từ Viện Sinh học nhiệt đới. Đồng thời, sản xuất khoảng 14.000 cây chuối già lùn cấy mô đạt tiêu chuẩn cây giống tại Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Bình Thuận để cung cấp cho mô hình. Tiếp nữa là xây dựng thành công và chuyển giao quy trình trồng, thâm canh cây chuối già lùn bằng giống nuôi cấy mô với tổng diện tích 5 héc-ta tại xã La Dạ, góp phần tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao.
Theo Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Bình Thuận, 1 héc-ta chuối nuôi cấy mô có thể cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng (tùy mật độ trồng), tức bằng giá trị sản phẩm của 3,8 héc-ta trồng lúa, 6 héc-ta trồng ớt hoặc 10 héc-ta trồng lạc…
Dự kiến 1 héc-ta trồng được 2.500 cây chuối già lùn nuôi cấy mô, sau 12 tháng hộ tham gia mô hình thu hoạch sản lượng khoảng 40 tấn chuối. Với giá bán 5.000 đồng/kg, bà con dân tộc thiểu số ở vùng cao này có thể đạt doanh thu lên đến 200 triệu đồng cho mỗi héc-ta. Sau khi trừ chi phí, đem lại thu nhập trung bình cho người dân La Dạ hơn 53 triệu đồng/héc-ta.
Vùng cao La Dạ, là địa bàn tập trung đông bà con dân tộc K’ho, Tày, Mường, Chăm… và hiện có tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao với khoảng 40%. Chính vì vậy, dự án này là cơ hội để đồng bào vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, dự án còn nhằm thay đổi phương thức canh tác lạc hậu, xóa bỏ tập quán đốt rừng làm rẫy theo mùa. Và nếu giống cây trồng này được tập trung nhân rộng, sẽ góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc cho La Dạ (địa bàn có đồi núi chiếm 94% diện tích tự nhiên), bảo vệ môi trường.
Nhà nông cần biết
Nhằm giúp bà con giải đáp thắc mắc về các vấn đề thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, khoa học công nghệ, từ số 18 (ra ngày 02/5/2014), Chuyên đề DTTS & MN (Báo Công Thương) mở chuyên mục “Nhà nông cần biết” với sự hợp tác của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao và các doanh nghiệp ngành phân bón, hóa chất, nông nghiệp...
Những ưu điểm của phân bón Lâm Thao
Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao là cơ sở sản xuất phân bón chứa lân lớn nhất cả nước, với khối lượng sản xuất trên 1,8 triệu tấn/năm. Với vị trí thuận lợi, gần với hệ thống giao thông của quốc gia như tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, Quốc lộ 32C nên rất thuận tiện cho việc cung cấp quặng apatit từ Lào Cai và các nguyên liệu đầu vào khác cũng như vận chuyển phân phối sản phẩm đi các tỉnh trong cả nước hoặc xuất khẩu ra nước ngoài. Đây là một trong các yếu tố giúp công ty hạ giá thành sản phẩm và chiếm ưu thế trên thị trường.
Phân bón Lâm Thao bao gồm: Supe lân, Lân nung chảy, NPK-S Lâm Thao. Các loại phân bón này đều có những ưu điểm nổi bật, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của cây trồng.
Phân Supe lân
Đối với phân bón Supe lân Lâm Thao được sản xuất từ quặng apatit loại I phối trộn với axit sunfuric được sản xuất từ lưu huỳnh nên axit không bị lẫn tạp chất có chứa độc tố. Vì vậy, sản phẩm Supe lân Lâm Thao là sản phẩm sạch, khi bón không gây ngộ độc cho cây, không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Thành phần P205 hữu hiệu của sản phẩm dễ tan trong nước. Ngoài ra, trong thành phần Supe lân của công ty còn có một số nguyên tố trung, vi lượng khác như Ca, Mg, lưu huỳnh… giúp cho cây trồng dễ dàng hút và lấy dinh dưỡng để nuôi cây, tăng cường chịu hạn, chịu rét, kích thích sự ra hoa, kết trái, chắc củ, sáng hạt. Trong khi đó, một số cơ sở sản xuất Supe Phốt phát lấy axit từ loại axit thu hồi có chứa nhiều độc tố, ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe người sử dụng.
Phân lân nung chảy
Ngoài chất dinh dưỡng chính là lân (P205), phân lân nung chảy Lâm Thao còn được bổ sung thêm các chất dinh dưỡng khác như: CaO, MgO… và các chất vi lượng Cu, Zn, Fe, Mo,… Phân lân nung chảy không tan trong nước mà tan từ từ trong môi trường đất và dịch rễ cây tiết ra nên hạn chế rửa trôi. Phân lân nung chảy có tác dụng khử chua, tăng độ phì của đất, kích thích sự phát triển của rễ cây, tăng sức chống chịu sâu bệnh cho cây trồng, nâng cao chất lượng nông sản. Loại phân này đặc biệt phù hợp với các vùng đất chua phèn, chiêm trũng.
Phân NPK-S
Sản phẩm NPK-S Lâm Thao được sản xuất trên nền của cả phân nguyên liệu Supe lân và phân lân nung chảy. Đây chính là đặc điểm ưu việt nhất của sản phẩm NPK-S và chỉ Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao mới sản xuất được. Đây cũng là cơ sở duy nhất trong cả nước đồng thời sản xuất được cả hai loại sản phẩm Supe lân và lân nung chảy. Phân NPK-S Lâm Thao, ngoài thành phần đạm, lân, kali còn có thêm các nguyên tố trung, vi lượng rất cần thiết cho cây trồng như canxi, magiê, lưu huỳnh, kẽm… Với những đặc tính ưu việt đó, sản phẩm NPK-S Lâm Thao phù hợp với nhiều loại cây trồng và chất đất khác nhau, đặc biệt đối với những vùng đất chua, chiêm trũng, đất phèn khi được phối trộn với một phần lân nung chảy. Đây là đề tài mới được áp dụng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ưu điểm của phân NPK-S Lâm Thao
Do các loại phân đơn khi bón tan nhanh trong nước trong điều kiện thời tiết khí hậu nước ta nắng lắm, mưa nhiều nên làm thất thoát dinh dưỡng lớn. Để hạn chế những nhược điểm của bón phân đơn, Công nty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã phối hợp với các cơ quan nghiên cứu về đất, phân bón và cây trồng như Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam để sản xuất các loại phân bón NPK-S phù hợp với các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Trong thành phần của phân bón NPK-S Lâm Thao ngoài đạm, lân, kali còn bổ sung đầy đủ và cân đối các nguyên tố dinh dưỡng trung, vi lượng cần thiết cho sinh trưởng và phát triển của cây trồng như canxi, ma giê, lưu huỳnh, kẽm, đồng, sắt, molipđen, bo... đặc biệt là dinh dưỡng trung lượng lưu huỳnh.
Riêng thành phần dinh dưỡng lân trong NPK-S Lâm Thao gồm hai loại dinh dưỡng là lân tan được trong nước và lân không tan trong nước với tỷ lệ thích hợp. Thành phần lân tan được trong nước giúp cho cây trồng sớm nảy mầm, phát triển bộ rễ nhanh kể cả khi cây còn non và trong điều kiện thời tiết bất thuận như rét kéo dài cây cũng hút được lân, hạn chế được bệnh nghẹt rễ lúa, bệnh chân chì huyết dụ đối với cây ngô. Thành phần lân không tan trong nước cung cấp lân cho cây ở giai đoạn sau, hạn chế rửa trôi phân bón và bổ sung thêm các nguyên tố dinh dưỡng trung lượng như magiê, silic giúp cứng cây và chống đổ tốt hơn.
Đặc biệt, phân bón NPK-S Lâm Thao mới M1 không những phù hợp với các vùng đất trung tính mà còn phù hợp và cải tạo các vùng đất chua, đất phèn, đất chiêm trũng tại các tỉnh như: Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hải Phòng, Thanh Hoá và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Để đáp ứng đầy đủ, cân đối nhu cầu dinh dưỡng của các loại cây trồng ở từng thời kỳ sinh trưởng trên từng vùng đất khác nhau, công ty đã sản xuất các chủng loại NPK-S, như: Nhóm NPK bón lót, nhóm NPK bón thúc, nhóm NPK-S chuyên dùng cho cây họ đậu; cây lâm nghiệp, cây dâu tằm, cây cỏ làm thức ăn cho gia súc; cây lấy củ.
Phân bón NPK-S Lâm Thao được sản xuất qua công nghệ vê viên tạo hạt nên có thể áp dụng bón bằng cơ giới trong những năm tới.
Mô hình bón phân khép kín của Công ty
HÀNG GIẢ - HÀNG THẬT |
Ngăn chặn gian lận thương mại và hàng giả
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo có hiệu quả, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải thường xuyên chỉ đạo quyết liệt, sâu sát và chịu trách nhiệm trước Đảng và nhà nước về tình hình và kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Địa phương nào chưa kiện toàn thì phải kiện toàn ngay Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và lập ngay các kế hoạch triển khai cụ thể trên địa bàn.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung rà soát các doanh nghiệp đã được quyết toán hoàn thuế mặt hàng rượu, bia từ năm 2011 đến nay, kịp thời xử lý và thu hồi ngân sách số tiền bị chiếm đoạt trái phép. Chỉ đạo Tổng cục Hải quan chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý tình trạng nhập khẩu các mặt hàng không đảm bảo chất lượng, đặc biệt là hoa quả, thực phẩm các loại.
Bộ Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc trình sửa đổi, bổ sung các chính sách về kinh doanh tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan (trước mắt có thể tạm dừng việc tạm nhập, tái xuất, gửi kho ngoại quan đối với ô tô, thuốc lá, rượu); chính sách áp dụng tại các khu kinh tế cửa khẩu, khu thương mại nhằm khắc phục những bất cập, sơ hở, đảm bảo không để các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại lợi dụng. Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện tổ chức, hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường, đảm bảo nâng cao hiệu quả công tác. Chỉ đạo Cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với Tổng cục Hải quan, Cục Bảo vệ thực vật tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm tình trạng nhập lậu, kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng.
Ngăn chặn buôn lậu khu vực biên giới
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng tăng cường kiểm soát các đường mòn, lối mở biên giới, đặc biệt là những địa bàn các đối tượng buôn lậu thường xuyên hoạt động. Lực lượng Cảnh sát biển tăng cường tuần tra, kiểm tra kiểm soát trên biển, đặc biệt là vùng biển Bắc Bộ và vùng biển phía Nam, nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu xăng dầu, gỗ, khoáng sản, thuốc lá, thuốc nổ, pháo.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến
Bộ Công an chỉ đạo Tổng cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức triệt phá các đường dây, “ổ nhóm” buôn lậu ô tô, mô tô, thuốc lá, rượu, đường; xác lập một số chuyên án về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để tuyên truyền kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm răn đe, phòng ngừa.
Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm, Tư lệnh Cảnh sát biển, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường phải đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại kéo dài hoặc nghiêm trọng trên địa bàn nào thì người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm.
Đồng thời, chú trọng công tác quản lý đội ngũ cán bộ, công chức; xử lý kỷ luật, buộc thôi việc những cán bộ, công chức có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu; đối với những cán bộ, công chức có thông tin phản ánh tiêu cực, chưa đủ cơ sở kết luận thì trước hết phải điều chuyển, bố trí công tác khác; thực hiện việc luân chuyển cán bộ, công chức theo đúng quy định, đặc biệt là tại các vị trí “nhạy cảm”, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.
Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân hiểu, thấy rõ tác hại của hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, không tham gia, không tiếp tay cho những hành vi này.
box: Bộ Công Thương cũng ban hành Công văn số 7105/KH-BCT về kế hoạch tuyên truyền góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Mục đích nhằm tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường cam kết không kinh doanh hàng giả, phân bón giả, phân bón không đảm bảo chất lượng; mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng; hàng hóa kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm; hàng ngoại nhập lậu, hàng không rõ xuất xứ. Trong đó, Cục QLTT cần phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí để thông tin kịp thời về hoạt động của các lực lượng trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.