Thông tin giá cả thị trường tuần từ 19/04/2014 đến 27/04/2014

04:18 PM 20/04/2014 |   Lượt xem: 2544 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Chuyển đổi sản xuất lương thực ở ĐBSCL: Phải thật sự có ngành công nghiệp lúa gạo

Vươn lên đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu gạo, thậm chí có năm vượt qua Thái Lan để dẫn đầu thế giới, Việt Nam đang được biết đến là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất. Kết quả này có sự đóng góp rất lớn của các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy nhiên, để nâng cao giá trị hạt gạo của Việt Nam nói riêng và phát triển lương thực bền vững nói chung thì bên cạnh gia tăng số lượng còn cần chuyển đổi cơ cấu giống lúa.

Tăng sản lượng nhưng chưa tăng giá trị

Chỉ 14 năm sau ngày thống nhất đất nước, từ năm 1989, ĐBSCL đã trở thành vựa lúa lớn nhất cả nước và góp phần quan trọng vào việc xuất khẩu gạo. Từ đó đến nay, kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước luôn gia tăng mà mốc đáng nhớ là năm 2009, năm thứ 20 Việt Nam tham gia vào thị trường gạo thế giới, đã xuất khẩu được 5,95 triệu tấn, đạt kim ngạch 2.7 tỷ đô-la Mỹ. Sang năm thứ 39 khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, năm 2013 xuất khẩu gạo đạt 6,61 triệu tấn, kim ngạch xấp xỉ 3 tỷ đô-la Mỹ, giảm 17,4% khối lượng và 19,7% giá trị so với năm 2012.

Năm 2014 được dự báo là năm khá khó khăn của hoạt động xuất khẩu gạo khi nguồn cung thế giới đang dư thừa, trong khi cầu lại không tăng nhiều. Gạo Việt Nam đang bị cạnh tranh mạnh bởi sản phẩm của Thái Lan, Ấn Độ, Myanmar, Pakistan và cả Campuchia. Thực tế cho thấy vụ lúa đông xuân 2013 - 2014 vừa qua, sản lượng lúa dự kiến thu hoạch tại ĐBSCL khoảng 9 triệu tấn nhưng tình trạng “ế lúa” đang diễn ra phổ biến, do không có nhiều đơn hàng xuất khẩu nên doanh nghiệp hạn chế thu mua. Công tác tạm trữ lúa gạo cũng chỉ giúp tiêu thụ được một phần nào sản lượng và để giá lúa đỡ giảm hơn, người trồng lúa vẫn đang hết sức khó khăn.

Mặc dù có những đóng góp rất lớn cho hoạt động xuất khẩu nhưng sản xuất lúa gạo tại Việt Nam nói chung và xuất khẩu gạo nói riêng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đó là giá trị xuất khẩu không cao so với một số quốc gia xuất khẩu gạo khác. Đặc biệt, mức kỷ lục về năng suất, sản lượng lúa hàng năm là rất lớn nhưng lợi nhuận của người trồng lúa lại rất thấp, thậm chí thua lỗ nên nông dân khó mà thoát nghèo và làm giàu trên đồng ruộng của mình.

Cần những chuyển đổi quyết liệt

Câu chuyện được mùa, rớt giá đã tồn tại rất lâu trong sản xuất lúa gạo thời gian qua nhưng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu. Nguyên nhân chính là giống lúa được người dân trồng không có giá trị cao như ở một số nước xuất khẩu gạo khác. Vì thế, chúng ta mới chỉ bán cái ta có chứ chưa bán cái thị trường cần, điều này sẽ dẫn đến việc người dân bị ép giá và phụ thuộc rất nhiều vào sức mua của thị trường. Vì thế, cần có sự chuyển đổi quyết liệt bắt đầu từ sản xuất thay vì bán hàng. Cụ thể là cơ cấu lại giống lúa, đầu tư cho những giống lúa chất lượng cao, có giá trị xuất khẩu lớn như lúa thơm; quy hoạch và phát triển những cánh đồng mẫu lớn để thuận tiện trong cơ giới hóa nông nghiệp, trồng lúa theo các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap nhằm giúp giảm giá thành sản xuất. Bên cạnh đó, để nâng cao thu nhập cho người trồng lúa còn cần tổ chức lại sản xuất, tạo chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, kiểm soát dư lượng hóa chất trên hạt lúa để nâng cao giá trị hạt gạo.

Xây dựng nền công nghiệp lúa gạo là việc làm cấp bách cần phải tính đến trong chiến lược trung và dài hạn phát triển sản xuất lúa hàng hóa tại Việt Nam. Nói cách khác, sản phẩm Việt Nam phải có giá trị gia tăng cao và xác định được người mua hàng, tức thị trường ở đâu, nhu cầu bao nhiêu, chất lượng và giá cả thế nào… Từ đó mới điều chỉnh cách chế biến để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, quy hoạch diện tích sản xuất và chọn lựa gói kỹ thuật cũng như nơi trồng nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Tiến sĩ Đặng Kiều Nhân, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL cho rằng: Việt Nam cần quan tâm đến một gói giải pháp đồng bộ của cả một chuỗi ngành hàng, từ thị trường tiêu thụ cho đến lưu thông, chế biến, khâu kỹ thuật, tổ chức sản xuất và cung cấp dịch vụ đầu vào cho sản xuất và chia sẻ lợi tức từ bán hàng với nông dân. Để làm được như thế, cần thay đổi quan điểm từ ngành “sản xuất lúa gạo” thành ngành “công nghiệp lúa gạo”.

MUA GÌ?

Tiền Giang: Hồng xiêm cuối vụ khan hàng, được giá

Nhà vườn trồng sa-pô-chê (hồng xiêm) ở tỉnh Tiền Giang rất phấn khởi vì sa-pô-chê cuối vụ giá đang tăng mạnh và khan hiếm hàng. Hiện nay, sa-pô-chê loại 1 được các thương lái vào tận vườn thu mua với giá từ 16.000 - 18.000 đồng/kg; loại 2 giá từ 12.000 - 13.000 đồng/kg, tăng khoảng 5.000 đồng/kg so với thời điểm đầu vụ. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí sản xuất, mỗi héc-ta sa-pô-chê đem lại lợi nhuận cho nông dân trên 200 triệu đồng/năm. Ông Huỳnh Hữu Hòa, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Châu Thành (Tiền Giang) - nơi trồng chuyên canh sa-pô-chê lớn nhất của tỉnh Tiền Giang cho biết, sau thời gian rớt giá thảm hại, nhà vườn phải đốn bỏ chuyển sang cây trồng khác, nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, nhà vườn trồng sa-pô-chê áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến vào sản xuất, nên năng suất đạt bình quân đạt từ 35 - 40 tấn/héc-ta.

Hiện nông dân ở các xã Kim Sơn, Song Thuận, huyện Châu Thành (Tiền Giang), trồng phổ biến các giống sa-pô-chê Mặc Bắc, Mexico... cho năng suất cao, chất lượng trái ngon. Do mang lại hiệu quả kinh tế cao nên cây sa-pô-chê đang hấp dẫn các nhà vườn và diện tích trồng sa-pô-chê đang được mở rộng. Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 2.000 héc-ta sa-pô-chê, mỗi năm đạt sản lượng trên 70.000 tấn quả.

Trước hiệu quả cao mang lại từ cây sa-pô-chê, tỉnh Tiền Giang đang có kế hoạch mở rộng diện tích trồng loại cây ăn trái này và từng bước thực hiện quy trình thâm canh sa-pô-chê Mặc Bắc theo tiêu chuẩn VietGAP.

Miền Trung: Thu lãi từ rơm

Từ đầu tháng 3 đến nay, khi bắt đầu thu hoạch vụ dưa đông xuân 2013 - 2014 và vụ dưa xuân hè 2014, tại các tỉnh miền Trung, rơm được bán với giá rất cao, gấp 2 - 3 lần so với mọi năm. Dọc 2 bên của quốc lộ 1A của các tỉnh miền Trung lại mọc lên những đại lý rơm. Sẵn sàng cung ứng cho các thương lái có dưa chở đi Trung Quốc hay các tỉnh phía Bắc. Rơm được bán theo bó nhỏ (lọng). Mỗi lọng nhỏ từ 30.000 – 40.000 đồng, lọng lớn từ 60.000 – 70.000 đồng. Để chở 1 xe dưa khoảng 30 tấn cần khoảng 200 lọng rơm nhỏ, chi phí cho mua và chất rơm lên xe từ 6 - 7 triệu đồng. Hiện nay, ngoài rơm chưa có vật liệu nào thay thế để lót dưa khi đưa lên xe để vận chuyển an toàn. Được biết, 1 sào Trung Bộ, sau khi thu hoạch lúa được khoảng 200kg rơm khô. 

Giá rau củ và trái cây trong tuần

Tại An Giang

Mặt hàng Giá (đồng/kg)
Vừng vàng 75.000
Cà chua 7.000
Khổ qua (mướp đắng) 10.000
Hoa lơ trắng 28.000
Cà rốt 7.000
Đậu cove 16.000
Khoai tây ta 20.000
Nấm rơm 60.000
Xoài cát Hòa Lộc 35.000
Thanh long 30.000
Mãng cầu ta 45.000
Nhãn tiêu da bò 40.000
40.000

Tại Tiền Giang

Mặt hàng Giá (đồng/kg)
Cà chua thường loại 1 5.500
Đậu cove 11.500
Khoai tây Đà Lạt 12.000
Cam mật 16.500
Cam sành 34.000
Bưởi Năm Roi 22.000
Bưởi da xanh 43.000
Bưởi Lông Cổ Cò 21.000
Hồng xiêm 22.000
Vú sữa Lò rèn 23.000
Chuối ta xanh 6.200
Nhãn tiêu da bò 14.000
Nhãn xuồng cơm vàng 30.500

Đồng Nai: Giá ca cao có xu hướng tăng

Hiện giá ca cao trên thị trường đang có xu hướng tăng, ở mức 50.000 - 55.000 đồng/kg hạt khô lên men và 4.300 - 4.500 đồng/kg hạt tươi, nên người trồng đã giảm hẳn việc đốn bỏ cây ca cao để trồng cây khác. Đặc biệt, hạt ca cao của Đồng Nai đang được các doanh nghiệp chế biến đánh giá cao về chất lượng và được nhiều thương hiệu sô cô la nổi tiếng, như Marou, Grand - Place… quan tâm thu mua nên cung không đủ cầu.

Hiện trên địa bàn Đồng Nai có 2 doanh nghiệp đầu tư và thu mua sản phẩm ca cao là Công ty TNHH Đầu tư phát triển nông nghiệp Nguyên Lộc ở thị xã Long Khánh và Công ty Trọng Đức tại huyện Định Quán. Hầu hết diện tích và sản lượng ca cao của tỉnh được 2 công ty này đầu tư trồng, thu mua hạt tươi và sơ chế. Tuy nhiên, sản lượng ca cao thu hoạch trên địa bàn vẫn còn rất thấp so với nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, trên địa bàn tỉnh có khoảng 800 héc-ta ca cao, chủ yếu được trồng ở các huyện Tân Phú, Cẩm Mỹ, Long Khánh, Xuân Lộc, Định Quán. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh định hướng đến năm 2015 sẽ nâng diện tích trồng ca cao lên hơn 4.200 héc-ta bằng việc khuyến khích nông dân trồng xen ca cao trong vườn điều già cỗi hoặc cây lâm nghiệp.

Lào Cai: Đào Pháp được mùa, sai quả

Những ngày này, ở trung tâm huyện Bắc Hà (Lào Cai) và các xã Tả Chải, Na Hối, Bản Phố, trên những vườn đồi, đào Pháp bắt đầu chín rộ. Ông Lương Quang Thạch, Trại trưởng Trại Rau quả huyện Bắc Hà cho biết, năm nào quả đào Pháp cũng được giá, cao gấp 3 - 4 lần quả mận, vì mẫu mã đẹp, tươi ngon. Bà con thu hoạch vào khoảng thời gian từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 4, thời điểm nhiều loại cây ăn quả khác chưa cho thu hoạch. Năm nay nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi, cây đào Pháp được mùa, sai quả hứa hẹn nguồn thu lớn cho bà con nông dân.

Vụ đào năm nay, tại thị trường huyện Bắc Hà, từ đầu vụ đến nay giá cao, ổn định. Bắt đầu thu hoạch từ đầu tháng 4 đến đầu tháng 5 kết thúc, trong đó thời điểm chính vụ, đào chín rộ vào cuối tháng 4 đúng dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, cũng là thời điểm nhiều khách du lịch đến với Bắc Hà nên rất dễ tiêu thụ. Với giá cả như hiện nay, đem lại nguồn thu đáng kể, cải thiện, nâng cao đời sống người dân Bắc Hà. Toàn huyện Bắc Hà có khoảng 50 héc-ta cây đào Pháp, là cây xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống bà con nông dân.

BÁN GÌ?

Hậu Giang: Cam sành bán chạy

Bà con trồng cam sành tại Hậu Giang đang phấn khởi bởi cam năm nay được mùa, được giá. Một hộ trồng cam sành cho biết, hiện vườn cam mới thu hoạch được 10 tấn, giá bán 29.000 đồng/kg, thu 290 triệu đồng. Trước đó 2 tháng, thu hoạch cam đợt đầu bán với giá 20.000 – 22.000 đồng, thu 470 triệu đồng và sẽ thu hoạch thêm 3 đợt trái nữa, trừ chi phí lãi trên 1 tỷ đồng.

Giá cam tăng do diện tích trồng cam bị bệnh vàng lá gân xanh nhiều dẫn đến nguồn cung ít mà nhu cầu thị trường ngày càng tăng cao. Hiện nay, thương lái mua cam phải cạnh tranh, đặt cọc trước với nhà vườn nếu không sẽ không có hàng cung cấp cho đơn hàng ở thành phố.

Muối thủ công hấp dẫn nhiều nhà nhập khẩu

Theo dự báo, nhu cầu muối thế giới dự báo sẽ tăng 2,7% mỗi năm từ 2013 đến 2018. Trong đó, nhu cầu của thị trường châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng cao. Muối Việt Nam được sản xuất bằng phương pháp thủ công nên giữ được nhiều vi chất từ nước biển, đồng thời có hàm lượng NaCl khá cao (95%), nên được nhiều khách hàng quốc tế lựa chọn. Đặc biệt, người tiêu dùng Nhật Bản, Hoa Kỳ và EU rất ưa chuộng muối phơi cát sản xuất tại miền Bắc Việt Nam trên đồng muối huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Từ lâu, các thương gia đã nhập khẩu số lượng lớn muối sản xuất tại đây về sản xuất hàng thực phẩm tiêu dùng trong nước, cho dù hàng năm nước họ có thể sản xuất ra hàng triệu tấn muối các loại. Trong bối cảnh ngành chế biến thực phẩm phát triển nhanh, ngành muối Việt Nam đang tìm tòi nâng cao chất lượng, năng suất và khả năng chế biến để vừa đáp ứng nhu cầu cần muối phục vụ sản xuất công nghiệp trong nước, đồng thời đủ sức cạnh tranh với muối ngoại nhập, góp phần phát triển ngành muối bền vững và cải thiện đời sống cho người làm muối.

An Giang: Giá nếp giảm

Từ giữa tháng 3 đến nay, giá nếp ở An Giang liên tục giảm từ mức trên 5.000 đồng/kg xuống còn 3.700 đồng/kg (bán tại ruộng thời điểm trung tuần tháng 4/2014) nhưng tìm người mua cũng rất khó khăn trong khi ở các vụ trước, giá nếp ở mức 5.800 - 6.800 đồng/kg. Trên thực tế, trước khi chuẩn bị thu hoạch, thương lái tại huyện Phú Tân đã xuống xem ruộng nếp và thỏa thuận thu mua 5.100 đồng/kg và đặt tiền cọc 1,5 triệu đồng/công. Thế nhưng, vài ngày sau họ hạ xuống giá còn 4.050 đồng/kg. Nhưng đến thời điểm này, nhiều thương lái đã bỏ tiền cọc, không lấy nếp.

Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn An Giang, vụ đông xuân năm nay diện tích nếp toàn tỉnh khoảng 49.000 héc-ta, tăng hơn 21.100 héc-ta so với cùng kỳ năm trước. Riêng tại vùng chuyên canh của huyện Phú Tân, nếp chiếm gần 92% diện tích đất canh tác. Trước đó, khi triển khai kế hoạch sản xuất đầu năm 2014, lãnh đạo tỉnh An Giang đã cảnh báo các địa phương, tuy nhiên diện tích nếp tự phát vẫn tăng ồ ạt.

Đồng bằng sông Cửu Long: Giá cá tra giống tăng cao

Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, do ảnh hưởng của việc giá cá tra thương phẩm giảm thấp trong thời gian dài nên nhu cầu con giống phục vụ thả nuôi không cao dẫn đến tình hình sản xuất giống giảm. Hiện giá cá giống cỡ 2,5 - 3cm đang ở mức cao từ 30.000 - 37.000 đồng/kg. Do diện tích giảm nhiều nên sản lượng con giống cũng giảm, dẫn đến giá giống tăng cao trong 3 tháng đầu năm 2014. Theo ước tính, nhu cầu cá tra bố mẹ toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 120.000 con (tương ứng với 2 tỷ con giống/năm).

Hậu Giang: Đầu ra của củ ấu ổn định

Thời gian gần đây, một số nông dân xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã chuyển sang trồng ấu với thu nhập cao gấp 4 – 5 lần trồng lúa. Tiêu biểu là anh Dương Duy Linh, ấp Tân Long A, xã Tân Bình trồng 2 héc-ta ấu mỗi vụ, thu lãi trên 250 triệu đồng. Hiện anh Linh đã chuyển toàn bộ số diện tích 2 héc-ta trồng lúa sang trồng ấu vụ xuân hè. Cây ấu sống trong nước phát triển rất nhanh, chăm sóc đơn giản, thời gian bắt đầu trồng đến khi thu hoạch 3 tháng, thu hoạch kéo dài gần 3 tháng, cứ 8 - 10 ngày thu hoạch 1 lần, trung bình năng suất đạt từ 20 - 25 tấn/héc-ta. Với giá thu mua ấu tươi từ 8.000 – 10.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí mỗi héc-ta ấu, bà con có thể thu lãi trên 100 - 120 triệu đồng/héc-ta (mùa thuận), 150 - 200 triệu đồng/héc-ta (mùa nghịch). Trên thực tế, trồng ấu đầu ra ổn định, được thương lái Đồng Tháp, TP. Hồ Chí Minh, Bạc Liêu đến tận nơi thu mua…. Ngoài nguồn thu nhập từ ấu trái, bà con còn có được thu nhập mỗi vụ từ 50 – 80 triệu đồng từ việc bán ấu giống.

LƯU Ý, CẢNH BÁO

 Lưu ý cảnh báo ĐBSCL - hàng ngàn người nuôi tôm lao đao

Thủy sản, trong đó có con tôm làm sản phẩm thế mạnh đem đến hàng hóa xuất khẩu lớn cho đất nước và làm thay đổi nhiều mặt về đời sống, xã hội cho người dân nhiều nơi, nhất là vùng sâu, vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, năm nay hàng ngàn nông dân nuôi tôm ở ĐBSCL đang lao đao, vì tôm chết và giá đầu vào tăng cao, nhưng giá bán tôm nguyên liệu lại giảm mạnh.

Lao đao vì người dân trắng tay

Chỉ riêng 3 tỉnh ven biển: Cà Mau, Sóc Trăng và Trà Vinh, thống kê sơ bộ đã có trên 5.000 héc-ta tôm nuôi bị chết từ đầu năm đến nay. Trong đó Sóc Trăng là tỉnh bị nặng nhất, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh này trong 3 tháng đầu năm 2014 đã vượt con số 2.300 héc-ta. “Vận đen” nhất là thị xã Vĩnh Châu, năm ngoái hơn nửa diện tích tôm nuôi ở đây bị dịch chết, thiệt hại không dưới 110 tỷ đồng. Năm nay Vĩnh Châu lại xảy ra tình trạng tôm chết trên 1.600 héc-ta, đã đẩy hàng trăm gia đình vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất.

Với tỉnh Cà Mau, diện tích tôm chết từ đầu năm đến nay cũng không dưới 2.200 héc-ta. Còn ở tỉnh Trà Vinh, trong số hơn 1.800 héc ta tôm thẻ vừa thả nuôi được 3 tháng, nhưng diện tích tôm chết cũng đã gần 320 héc-ta.

Các chuyên gia cơ quan nghiên cứu cho rằng: ĐBSCL đang trong đợt cao điểm nắng nóng của mùa khô, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khá lớn, môi trường vùng nuôi ô nhiễm với nhiều mức độ. Đây là những nguyên nhân chính gây ra tôm chết nhiều.

Ngoài khốn khổ vì tôm chết, gần đây giá tôm nguyên liệu tại ĐBSCL bất ngờ giảm mạnh. Hiện, cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng đều đồng loạt giảm khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg so với cách đây hơn nửa tháng. Tôm nguyên liệu, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng rớt giá, đã khiến cho người nông dân ở nhiều địa phương ven biển khu vực ĐBSCL lo lắng, bởi năm nay sản lượng tôm tăng đột biến. Tình trạng ép giá lại diễn ra với con tôm, nhất là vùng trọng điểm nuôi tôm ở Cà Mau, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu… 

Những cảnh báo từ nuôi tôm ồ ạt

Nhiều vụ qua, tôm thẻ chân trắng cho lợi nhuận cao, nên năm nay, nông dân nhiều địa phương, không chỉ các vùng ven biển mà cả một số vùng nước ngọt, người dân cũng tự ý ồ ạt đầu tư thả nuôi loại thẻ chân trắng vùng ĐBSCL... Hậu quả nhiễm mặn ở vùng nước ngọt về lâu dài tất yếu sẽ xảy ra, nhưng trước mắt người nuôi tôm thẻ đã đối mặt với tình trạng tôm “rơi” giá, nhưng rất khó tiêu thụ.

Ông Nguyễn Quốc Sự, ở xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau cho biết, gia đình ông đã nuôi tôm được hơn 5 năm, nhưng chưa năm nào tôm nguyên liệu rơi vào tình trạng rớt giá như vụ này. Từ giữa tháng 3 đến nay, loại tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg giảm từ 130.000 đồng, xuống còn 90.000 đồng/kg. Đây là giá doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đưa ra để nhận mẫu tôm về kiểm phẩm, còn thực chất chưa người nuôi nào bán được mức giá này. Vì vậy 3 đầm tôm thẻ chân trắng của ông Sự ước khoảng 6 tấn tôm nguyên liệu đã quá lứa thu hoạch gần 1 tháng, nhưng vẫn chưa bán được. Hiện mỗi ngày tôm ăn khoảng 2 triệu đồng tiền thức ăn…

Ông Sự cũng cho biết, nhiều vụ nuôi tôm thẻ chân trắng được giá, nên hiện nay nhiều hộ dân ở Hòa Mỹ tiếp tục đào ao nữa, để nuôi tôm. Nhận thấy tác hại của việc nuôi tôm ồ ạt, ông Sự khuyên cản, nhưng bà con vẫn làm.

Trong năm 2013, diện tích nuôi tôm thẻ các tỉnh thành vùng ĐBSCL chiếm hơn 50.000 héc-ta. Hầu hết các tỉnh đều vượt quy hoạch diện tích sản xuất đề ra. Ví như Sóc Trăng diện tích tôm thẻ chân trắng thực tế thả nuôi tới hơn 16.000 héc-ta, vượt quy hoạch hơn 2 lần. Năm nay, hiện chưa có thống kê cụ thể, nhưng hầu hết các tỉnh đều dự báo diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng sẽ tăng rất nhiều. Đáng lo ngại là những vùng chưa đủ điều kiện thả nuôi, đặc biệt là vùng sinh thái ngọt, người dân cũng tự phát pha loãng nước muối để nuôi tôm thẻ chân trắng, bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Tại Đồng Tháp và một số địa phương còn xuất hiện tình trạng người dân tự ý khoan nước ngầm phục vụ cho nuôi tôm thẻ chân trắng, thậm chí bỏ thêm muối xuống ao để tạo thành môi trường nước lợ.

Thống kê chưa đầy đủ tại 3 tỉnh vùng ĐBSCL từ đầu năm đến nay đã có trên 6.000 héc-ta tôm nuôi bị thiệt hại. Nhưng rủi ro cho nền kinh tế nông nghiệp sẽ không dừng lại ở đó, một khi tình trạng nuôi tôm thẻ chân trắng ồ ạt ngoài qui hoạch vẫn còn đang bùng nổ. Với phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng ngày càng phát triển rầm rộ, len lỏi từ ngoài ao đầm cho đến tận mương vườn, nếu không được cảnh báo và có giải pháp ngăn chặn quyết liệt sẽ gây hậu quả khó lường cho nghề nuôi trồng thủy sản nói riêng và ngành sản xuất nông nghiệp lâu dài cho đất nước. 

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Bình Thuận: Xuất khẩu nông sản quý I/2014 giảm

Kết thúc quý I/2014, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Bình Thuận chỉ mới đạt 5,87 triệu đô-la Mỹ, giảm hơn 27% về kim ngạch so cùng kỳ năm ngoái. Trong nhóm hàng nông sản, Bình Thuận vẫn đang đặt nhiều kỳ vọng vào mặt hàng rau quả xuất khẩu, mà chủ yếu là trái thanh long.

Tuy nhiên, hiện địa phương mới tham gia xuất khẩu chính ngạch 3.972,2 tấn với khoảng 3,5 triệu đô-la Mỹ, tức đạt 9,81% về lượng và 11,28% về giá trị so kế hoạch năm nay. Nếu so sánh với quý đầu của năm 2013 thì kim ngạch đem lại từ xuất khẩu sản phẩm lợi thế của tỉnh giảm xấp xỉ 57% về lượng và giảm đến gần phân nửa về giá trị… Theo đánh giá của Sở Công Thương Bình Thuận, nguyên nhân của tình trạng giảm sút do trong quý I/2014, giá thanh long tại cửa khẩu biên giới Trung Quốc vẫn giữ ổn định ở mức khá cao. Cho nên các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thanh long ở Bình Thuận tập trung đẩy giá thu mua và vận chuyển ra biên giới phía Bắc để bán cho thương lái. Nhưng do hầu hết sản lượng thanh long được xuất bán sang Trung Quốc (chiếm từ 85 - 90%) và chủ yếu là buôn bán theo hình thức biên mậu nên không tính được kim ngạch xuất khẩu. Đồng thời những tháng qua, số lượng doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp thanh long của tỉnh cũng giảm so cùng kỳ, dẫn đến sản lượng và giá trị thanh long xuất khẩu chính ngạch giảm sâu…

Cùng thời gian, mủ cao su - một trong những mặt hàng chủ lực thuộc nhóm nông sản xuất khẩu của Bình Thuận lại tiếp tục đối diện với tình hình hết sức khó khăn. Từ cuối năm 2013, lượng cao su tồn kho trên thế giới vẫn duy trì ở mức cao, trong đó phải kể đến thị trường tiêu thụ sản lượng lớn là Trung Quốc. Đến nay giá cao su xuất khẩu cũng đang đứng ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, chính vì vậy mà Hiệp hội Cao su Việt Nam đã kêu gọi các thành viên hạn chế xuất khẩu ở thời điểm này. Hiện các đơn vị xuất khẩu cao su chủ lực của Bình Thuận tồn kho khoảng 3.000 tấn mủ cao su đang chờ giá tăng lên để xuất khẩu.

Tình hình xuất nhân hạt điều cũng không khả quan do trong quý đầu năm giá thành sản xuất cao hơn giá xuất khẩu, từ đó thị trường tiêu thụ bị thu hẹp nên gây khó khăn cho doanh nghiệp… Trước tình hình trên, địa phương và ngành chức năng đang tìm kiếm các giải pháp phù hợp để ổn định hoạt động xuất khẩu cho quý tiếp theo. Hướng tới đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu hàng hóa Bình Thuận trong cả năm 2014 đạt 260 triệu đô-la Mỹ, riêng nhóm hàng nông sản phấn đấu cán mốc 47,2 triệu đô-la Mỹ.

Phú Yên được mùa cá ngừ

Theo Sở NN & PTNT tỉnh Phú Yên, tính đến cuối tháng 3/2014, sản lượng thủy sản khai thác trên địa bàn toàn tỉnh được khoảng 13.100 tấn, trong đó cá ngừ đại dương hơn 1.700 tấn. Nhiều tàu câu cá ngừ đại dương trên địa bàn tỉnh có lãi từ 100 - 150 triệu đồng/chuyến biển... Còn theo các cơ sở thu mua cá ngừ đại dương ở bến cá phường 6, hiện giá cá ngừ câu vàng dao động trong khoảng 135.000 - 140.000 đồng/kg, cá ngừ câu tay kết hợp ánh sáng có giá từ 73.000 - 75.000 đồng/kg.

Kết quả trên khiến bà con ngư dân phấn khởi. Tuy nhiên, trong niềm vui cũng vẫn còn rất nhiều băn khoăn. Hiện nay, chi phí cho mỗi chuyến đánh bắt cá ngừ đại dương khoảng 140 đến 170 triệu đồng tăng 20% so với trước. Như vậy mỗi tàu cá phải đánh bắt từ 1,2 tấn cá trở lên thì mới có lãi. Mặc dù thời gian qua Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ giúp ngư dân vươn khơi bám biển, nhưng thực trạng hiện nay là công tác bảo quản sản phẩm sau đánh bắt vẫn là khâu yếu nhất của ngư dân Phú Yên. Do sản phẩm cá ngừ không đáp ứng về tiêu chuẩn đối với thị trường thế giới nên giá trị kinh tế thấp. Nhiều chủ tàu cho biết, đa số tàu cá đánh bắt xa bờ của Phú Yên được đóng theo kiểu truyền thống, hầm bảo quản cá chưa đạt yêu cầu nên chất lượng cá càng giảm khi đánh bắt dài ngày trên biển. Ngoài ra, đá dùng để ướp cá hiện nay cũng không đạt chất lượng do bị nhiễm phèn nên khi chuyển cá lên bờ có con dính phèn vàng như nghệ. Trước mắt cần quản lý và kiểm tra để các cơ sở cung cấp đá đạt chất lượng hơn. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực hơn để giúp ngư dân khai thác có hiệu quả và đảm bảo ổn định cuộc sống.

Năm 2014, Sở NN & PTNT sẽ nhân rộng các mô hình khai thác đạt hiệu quả, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ thuật đánh bắt, bảo quản sản phẩm nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả khai thác; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ ngư dân, tiếp tục lắp đặt thiết bị thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp định vị vệ tinh đảm bảo thông tin liên lạc. Ngoài ra, sở sẽ dùng kinh phí khuyến ngư để đẩy mạnh việc đào tạo nghề cho ngư dân, khuyến khích phát triển đội tàu khai thác xa bờ có công suất lớn và trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, đồng thời hướng vào những nghề đánh bắt các đối tượng có giá trị kinh tế cao…

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Thương lái Trung Quốc thao túng thị trường tôm nguyên liệu: Nông dân và doanh nghiệp lo lắng

Sau thời gian tăng đột biến, giá tôm thương phẩm liên tục giảm trong thời gian gần đây khiến nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh lo lắng vì đã đầu tư quá lớn từ đầu vụ. Hiện tại, trên địa bàn Quảng Nam có rất nhiều cơ sở thu mua tôm nguyên liệu trực tiếp tại ao nuôi của nông hộ rồi “nhượng” lại cho thương lái Trung Quốc chuyển về nước chứ không bán trực tiếp cho các cơ sở chế biến thủy sản trong và ngoài tỉnh. Họ lý giải, bán tôm thương phẩm cho thương lái Trung Quốc thu lợi nhuận nhiều hơn. Sau khi tăng giá tôm khiến nông dân tập trung đầu tư sản xuất, họ giảm giá mua vào thời điểm này với lý do là hàng hóa dư thừa. Do vậy, giá tôm thẻ chân trắng trên địa bàn Quảng Nam liên tục sụt giảm trong thời gian gần đây. Nếu như từ đầu tháng, 1 kg tôm thương phẩm cỡ 75 con bán được khoảng 160.000 đồng thì hiện nay dao động trong khoảng 130.000 – 140.000 đồng. Còn tôm 100 con/kg chỉ còn khoảng 100.000 đồng/kg trong khi cách đây chưa đầy nửa tháng, các nông hộ bán được 120.000 – 130.000 đồng.
Trong năm qua, khi giá tôm được thương lái Trung Quốc đẩy lên cao đến ngất ngưởng nên người dân tại các vùng cát ven biển trên địa bàn tỉnh đua nhau phá vườn làm ao nuôi tôm. Vào thời điểm này, giá tôm rớt thê thảm, thu không bù được chi nên nhiều hộ lâm vào cảnh thua lỗ trầm trọng.

Việc không tiếp cận được nguồn cung nguyên liệu cũng làm cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản Quảng Nam hết sức lao đao trong suốt thời gian dài. Doanh nghiệp không có hàng để chế biến mặc dù đã ký hợp đồng từ trước nên mất bạn hàng.

Trước tình hình trên, Sở NN & PTNT Quảng Nam đã khuyến cáo, người nuôi tôm nên bình tĩnh, theo dõi diễn biến của thị trường, hạn chế thu hoạch tôm ồ ạt, tránh tạo cơ hội cho thương lái Trung Quốc ép giá. Hiện tại, các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong và ngoài tỉnh cũng đã xúc tiến chống lại tuyên bố sơ bộ về mức thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ của Bộ Thương mại Mỹ nên nhiều khả năng mức thuế chính thức sẽ giảm. Điều này sẽ tạo điều kiện để các công ty chế biến thủy sản trong và ngoài tỉnh tiếp cận thị trường tôm thương phẩm tại Quảng Nam. Đây là cơ sở để hy vọng giá tôm có thể ổn định trong thời gian tới.

Hồ Tiêu Phú Quốc: Được mùa, mất giá

Thời điểm này, nông dân huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đang vào chính vụ thu hoạch hồ tiêu nhưng giá mặt hàng này trên thị trường liên tục sụt giảm khiến bà con phải đối mặt với tình trạng được mùa, mất giá.

Nếu như cuối năm 2013, giá hồ tiêu bình quân 170.000 đồng/kg tiêu hạt nhưng từ tháng 3 đến nay, giá liên tục giảm và hiện chỉ còn trên dưới 130.000 đồng/kg, giảm khoảng 40.000 đồng/kg. Với giá tiêu hạt như hiện nay, sau khi trừ chi phí đầu tư sản xuất, nhà vườn vẫn có lãi nhưng vấn đề họ lo ngại nhất là hồ tiêu tiếp tục mất giá thời gian tới, trong khi toàn đảo Phú Quốc còn khoảng 60% diện tích chưa thu hoạch, với sản lượng tiêu hạt khá lớn. Theo tính toán của nhiều nhà vườn, nếu giá tiêu hạt trên thị trường ổn định từ 150.000 đồng/kg trở lên thì nông dân sẽ mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích trồng tiêu, an tâm sản xuất mà không lo bị thua lỗ.

Đến nay, Phú Quốc có hơn 700 hộ trồng tiêu với diện tích 477 héc-ta. Mỗi héc-ta cho năng suất trung bình từ 3 - 3,5 tấn/năm. Với giá bán khoảng 120.000 đồng/kg, người trồng tiêu thu lãi từ 36 - 48 triệu đồng/héc-ta. Sản phẩm hồ tiêu Phú Quốc luôn được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng và đã xuất khẩu hơn 30 nước trên thế giới. Theo quy hoạch của Chính phủ đến năm 2020, Phú Quốc phải bảo đảm giữ 500 héc-ta trồng tiêu để duy trì nghề truyền thống và phục vụ phát triển du lịch. Hiện Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Kiên Giang đang thực hiện 2 đề tài khoa học là nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất tiêu đạt chứng nhận GlobalGAP và ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình tưới nhỏ giọt cho cây tiêu tại xã Cửa Dương.

Đảo Ngọc Phú Quốc có hơn 427 héc-ta hồ tiêu, trong đó gần 400 héc-ta cho thu hoạch. Từ đầu vụ đến nay, nông dân trồng hồ tiêu ở huyện đảo này đã thu hoạch khoảng 40% diện tích, năng suất bình quân đạt 2,6 tấn/héc-ta. Năm 2014, huyện đảo Phú Quốc có kế hoạch mở rộng vùng sản xuất chuyên canh hồ tiêu với diện tích ổn định 500 héc-ta, sản lượng 950 tấn, tăng 20 tấn so với năm 2013. Huyện có chủ trương phát triển, nhân rộng mô hình tiêu chất lượng Global Gap, vận động doanh nghiệp tìm kiếm thị trường xuất khẩu, thu mua, chế biến hồ tiêu theo phương thức ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

HÀNG THẬT, HÀNG GIẢ

Xi măng Vicem Hà Tiên

Vicem Hà Tiên là thương hiệu xi măng đã có mặt trên thị trường được 50 năm, được đông đảo người tiêu dùng biết đến và tin yêu. Vicem Hà Tiên nổi tiếng với dòng sản phẩm PCB40, Vicem Hà Tiên Đa Dụng và Vicem Hà Tiên chịu Mặn/Phèn. Cũng chính vì được tin dùng và là sản phẩm phổ biến trên khắp cả nước nên Vicem Hà Tiên đã bị làm giả. Bà con cần hết sức lưu ý khi đi mua xi măng ở các đại lý. Vừa qua, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Khánh Hòa đã chính thức xử phạt hành chính đối với Công ty cổ phần Xi măng Hòn Khói vì xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu trên bao bì của xi măng Vicem Hà Tiên. Cụ thể, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phạt Công ty cổ phần Xi măng Hòn Khói 130.000.000 đồng, tịch thu toàn bộ hơn 100 tấn xi măng thành phẩm và 85.000 vỏ bao xi măng VPcem có dấu hiệu vi phạm quyền nhãn hiệu bao bì đối với xi măng Vicem Hà Tiên.

Để phân biệt xi măng Vicem Hà Tiên hàng thật và hàng nhái, bà con chú ý những điểm trong bao bì như sau:

Nhìn cảm quan bên ngoài bao bì, vỏ bao nhái được thiết kế giống tới 99% bao thật với màu sắc, kiểu chữ, logo thương hiệu... Nhưng ở bao thật thì là thương hiệu “Vicem” được viết cách điệu, rõ nét, màu đen. Phía dưới ghi rõ “Sản phẩm của Vicem Hà Tiên”. Ở bao xi măng nhái thay bằng chữ “VPcem” và xuất xứ “Đóng bao tại nhà máy xi măng Văn Phong”. Ở bao xi măng thật, dưới chữ “Vicem” là dòng chữ “Thách thức thời gian” còn ở bao xi măng thay bằng dòng chữ “Vững mãi với thời gian”.

Trà xanh không độ Tân Hiệp Phát

Mới đây, Đội CSĐTTP về kinh tế và chức vụ CA TP. Cao Lãnh (Đồng Tháp) phát hiện 12 thùng trà xanh in nhãn không độ C, mỗi thùng 24 chai, 16kg viên nang màu xanh dương, bên trong chứa bột màu xám, 11kg viên nén bao phim màu vàng, 2kg nhãn tem các sản phẩm.

Qua quá trình theo dõi, các lực lượng chức năng đã kiểm tra hành chính cơ sở Vạn Đức Hoà và phát hiện số lượng lớn sản phẩm bị làm giả thương hiệu Trà xanh không độ của Tập đoàn Tân Hiệp Phát.

Đại diện Công ty TNHH TM-DV Tân Hiệp Phát đã đưa ra dấu hiệu phân biệt giữa sản phẩm thật của Tân Hiệp Phát và hàng nhái như sau:

Phần đầu thân chai: ở hàng thật có logo của Number 1. Tên sản phẩm: Trà xanh vị chanh viết in hoa. Tên tiếng anh: lemon green tea viết in hoa. Biểu tượng logo: Có lợi cho sức khoẻ, chữ sức khỏe viết to. Phía dưới có dòng chữ in hoa “thực phẩm bảo vệ sức khoẻ”.

Với hàng giả, phần đầu thân chai không có logo Number 1; Có logo OoC, bên dưới có chữ “Không độ C” viết hoa; Có chữ 100% trà xanh thiên nhiên; Chữ tiếng anh: 100@ natural green tea; Chữ “thực phẩm có lợi cho sức khoẻ” viết hoa, kéo dài.

Phần thân chai: Hàng thật có Logo lớn Oo, bên dưới có chữ “Không Độ” viết hoa; Thành phần dinh dưỡng trên 100ml là 20Kcal; Phần mô tả sản phẩm: Logo Oo, bên dưới có chữ Không Độ, “Được chiết xuất từ những đọt trà xanh tươi bằng công nghệ hiện đại Nhật Bản”. Có tô đậm chữ “Trà xanh Không Độ

Hàng giả: Logo lớn: OoC, bên dưới có chữ “Không Độ C” viết hoa; TP dinh dưỡng trên 100ml là 22Kcal; Phần mô tả sản phẩm: không có logo, chỉ có dòng chữ “Trà xanh vị chanh Không Độ C”. “Được chiết xuất từ những búp trà non xanh tươi với công nghệ hiện đại nhất”.

Đặc điểm khác: Hàng thật có nắp xanh đậm; Thân chai to; đáy chai có hình bánh răng sâu; Ở cổ chai sản phẩm chính hãng có vành nhựa trắng – loại chai chiết nón, tiệt trùng có thể chịu nhiệt nước nóng 100 độ C, có logo Number 1.

Hàng giả nắp màu xanh lợt, thân chai có đường kính nhỏ; Đáy chai có hình bánh răng cạn. Không có logo Number 1.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng TTĐT Ủy ban Dân tộc phối hợp thực hiện)