Thông tin giá cả thị trường tuần từ 23/11/2013 đến 29/11/2013

11:44 PM 23/11/2013 |   Lượt xem: 2590 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Tiêu thụ phân bón sản xuất trong nước giảm

Theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp sản xuất urê trong nước đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Lượng tồn kho urê của Nhà máy Đạm Ninh Bình tính đến cuối tháng 10 vào khoảng 88.700 tấn; Đạm Cà Mau tồn kho khoảng 81.000 tấn. Nguyên nhân chủ yếu do Trung Quốc giảm thuế xuất khẩu urê xuống còn 2% (từ 1/7 - 31/10/2013) nên lượng phân bón nhập khẩu vào Việt Nam lớn, giá thành thấp. Giá urê nhập từ Trung Quốc thấp gây khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất urê trong nước.

Cũng theo Bộ Công Thương, tháng 10/2013 nhập khẩu phân bón các loại ước đạt khoảng 450.000 tấn, bằng 94% so với cùng kỳ năm 2012 (khoảng 478.000 tấn) và bằng 102% so với tháng 9/2013 (khoảng 443.000 tấn). Riêng phân urê, nhập tháng 10/2013 khoảng 138.000 tấn, bằng 103% so với tháng 9/2013 (khoảng 134.000 tấn) và bằng 198% so với tháng 10/2012 (khoảng 70.000 tấn). Tính chung, nhập khẩu phân bón 10 tháng đầu năm 2013 khoảng 3,81 triệu tấn (bằng 117% so với cùng kỳ năm 2012 (khoảng 3,27 triệu tấn). Riêng phân urê, nhập 10 tháng năm 2013 khoảng 684.000 tấn, bằng 152% so với 10 tháng đầu năm 2012 (khoảng 449.000 tấn).

Tuy nhiên, các vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng lan rộng xuống địa bàn các tỉnh miền Trung, nơi đang chịu những hậu quả nặng nề của mưa bão. Bộ Công Thương cho biết, 10 tháng qua, lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra 3.689 vụ, phát hiện xử lý 1.183 vụ vi phạm (tăng 4,5% so với cả năm 2012), xử phạt hành chính 10,6 tỷ đồng, tịch thu 416.341kg, 11.409 gói và 574 chai phân bón các loại. Phân bón giả, kém chất lượng được lực lượng quản lý thị trường phát hiện chủ yếu tại các tỉnh Nam Bộ như: An Giang, Long An, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang, chiếm 84,1% vụ vi phạm kém chất lượng và 80% vụ vi phạm phân bón giả trên cả nước… Các đại lý bán phân bón giả, kém chất lượng thường tập trung ở vùng xa, vùng giáp biên giới. Với lô hàng giá rẻ do buôn bán qua đường tiểu ngạch không ai kiểm soát chất lượng nên họ mua đứt bán đoạn với nông dân, còn những lô hàng có giá trị lớn hơn thì họ bán nợ sau 4 tháng với lãi suất 5%/tháng tức 60%/năm.

MUA GÌ?

Giá phân đạm tăng khi vụ lúa đông xuân bắt đầu

So với thời điểm cách đây khoảng 1 tháng, hiện giá phân đạm ở nhiều khu vực của Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng mạnh trở lại. Nguyên nhân kéo giá phân tăng là do vụ lúa đông xuân 2013 - 2014 đã bắt đầu, nhu cầu tiêu thụ tăng lên. Hiện phân urê Phú Mỹ từ đại lý cấp 1 phân phối đến đại lý cấp 2 hoặc bán cho nông dân có giá 8.400 – 8.600 đồng/kg, còn nhà máy bán cho đại lý 7.400 – 7.600 đồng/kg, tăng bình quân 200 đồng/kg so với cách đây 1 tháng. Các doanh nghiệp kinh doanh phân bón đang đẩy mạnh nhập kho, làm cầu tăng cao cũng là nguyên nhân kéo giá phân tăng theo. Không chỉ trong nước, giá phân đạm tại nhiều khu vực trên thế giới cũng tăng rất mạnh trong khoảng 1 tháng qua.

Khoai lang tím đắt hàng sau lũ

Sau cơn bão số 14, giá khoai lang tím tiếp tục tăng, hiện đã lên đến mức 900.000 – 950.000 đồng/tạ (60 kg). Nguyên nhân giá khoai tăng mạnh ở thời điểm này do trong mùa lũ, khoai chỉ trồng trên vùng đất cao, có đê bao, vì thế số lượng hạn chế, không đại trà như trong những mùa vụ khác nên đắt hàng, giá tăng. Để hạn chế tình trạng rớt giá, các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã vận động nông dân trồng rải vụ và nhiều loại khác nhau. Tuy nhiên thực tế khoai lang tím Nhật vẫn chiếm khoảng 80% diện tích trồng.

Tại Vĩnh Long, thương lái thu mua khoai lang tím Nhật để cung ứng cho thị trường Trung Quốc với giá tăng từ 100.000 - 1200.000 đồng/tạ. Đây là mức giá rất cao đảm bảo nông dân trồng khoai trúng đậm. Giá khoai tím Nhật tăng cao là do đang vào mùa lũ, nhiều nơi không trồng được khoai khiến sản lượng giảm, trong khi nhu cầu xuất khẩu đang tăng khiến giá khoai liên tục nhảy vọt. Hiện tại, nhiều nơi bà con đã mở rộng diện tích khoai để mong bán được giá cao. Không chỉ khoai tươi mà các sản phẩm sau chế biến như tinh bột khoai, khoai lang sấy... thị trường cũng đang có nhu cầu. Hiện tinh bột khoai lang có giá xuất khẩu từ 800 - 900 đô-la Mỹ/tấn tùy thị trường.

Hành tím trúng giá nhưng thất mùa

Theo các nhà rẫy ở thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, mùa hành năm nay bị thất bát nặng nề do mưa trái mùa. Mưa bão từng đợt kéo dài trong nhiều ngày khiến nhiều diện tích hành trồng sớm bị sâu rầy, nấm bệnh tấn công, làm giảm năng suất cây trồng. Nếu như những năm trước, người trồng hành có thể thu hoạch vào dịp tết Nguyên đán với năng suất từ 20 tấn/héc-ta trở lên, hoặc củ hành thu hoạch đợt rằm tháng 10 (âm lịch) cũng khoảng 12 – 15 tấn/héc-ta thì vụ trồng hành năm nay chỉ thu hoạch từ 5 – 10 tấn/héc-ta. Tuy nhiên, giá hành lại tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá khoai lang trong tuần    

Tại Vĩnh Long

Mặt hàng

Giá (đồng/tạ - 60 kg)

Khoai lang tím

900.000 - 910.000

Khoai lang sữa

180.000 - 190.000

Khoai ruột vàng

280.000 - 300.000

Khoai trắng

220.000 - 230.000

                Tại Đồng Tháp

Mặt hàng

Giá (đồng/tạ - 60 kg)

Khoai lang tím

910.000 - 950.000

Khoai lang sữa

150.000 - 170.000

Khoai ruột vàng

270.000 - 290.000

Khoai trắng

220.000 - 230.000

                Tại Cần Thơ

Mặt hàng

Giá (đồng/tạ - 60 kg)

Khoai lang tím

910.000 - 930.000

Khoai lang sữa

160.000 - 170.000

Khoai ruột vàng

270.000 - 290.000

Khoai trắng

230.000 - 240.000

BÁN GÌ?

Giá trứng gà giảm: Người chăn nuôi vùng Đông Nam Bộ lao đao

Giá trứng gà liên tục giảm từ tháng 10 đến nay khiến nhiều chủ trang trại vùng Đông Nam Bộ đứng trước nguy cơ thua lỗ và lo hàng tồn kho. Dự báo, giá trứng gia cầm sẽ tiếp tục giảm từ nay đến cuối năm. Mặc dù vậy, tại các hệ thống chợ, siêu thị, giá trứng gia cầm đến tay người tiêu dùng vẫn ở mức cao gần gấp đôi so với giá trứng tại trại.

Đặc biệt, từ tháng 11 đến nay, giá trứng gia cầm liên tục giảm sâu hơn nữa khiến nhiều bà con nông dân lo lắng. Theo chủ trại gà Thanh Đức ở Xuân Lộc, Đồng Nai, giá trứng tại trại giao sỉ cho bạn hàng có giá 13.500 - 14.000 đồng/chục (chưa đóng hộp), giảm gần 2.000 đồng/chục so với hồi đầu tháng 10. Trứng cỡ trung bình 19 trứng/kg hiện chỉ còn giá 1.300 - 1.350 đồng/quả, giảm thêm khoảng 100 đồng/trứng so với trước đó một tuần. Tình trạng này đã khiến bà con trong vùng giảm đàn chăn nuôi nhưng lượng giảm của nông dân không đáng kể so với lượng tăng đàn của một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong vùng. Do vậy, lượng cung trứng trên thị trường hiện khá nhiều, ép giá liên tục giảm.

Theo dự báo của nhiều trại chăn nuôi, giá trứng gia cầm có thể còn giảm sâu hơn nữa từ nay đến Tết. Lý giải việc trứng giảm giá liên tục thời gian qua, chủ trại gà ở Xuân Lộc, Đồng Nai cho rằng, mấy tháng gần đây nhiều trang trại tăng đàn mạnh, nhất là những doanh nghiệp lớn, có vốn đầu tư nước ngoài như Emivest, C.P… khiến cung vượt cầu. Ước tính lượng trứng hiện nay tăng gần 30% so với thời điểm giữa năm. Trong khi đó, theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, hoạt động kinh doanh trứng gia cầm hiện đang khá phức tạp, nhiều người, nhiều doanh nghiệp tham gia nhưng quản lý chưa chặt. Bất kỳ một sự biến động nào trên thị trường cũng lập tức tác động đến giá theo chiều hướng không có lợi cho người chăn nuôi. Bên cạnh đó, lượng trứng "bẩn", chưa qua xử lý có giá thấp hơn từ 1.000 - 2.000 đồng/chục cũng tràn lan trên thị trường. Loại trứng này được các cơ sở chế biến thực phẩm, quán ăn, nhà hàng tiêu thụ mạnh nên trứng sạch phải cạnh tranh rất vất vả. Tuy nhiên, điều khiến bà con vùng Đông Nam Bộ lo lắng nhất hiện nay là giá trứng chưa có dấu hiệu hồi phục trong khi lượng sản xuất ra vẫn đều đặn hằng ngày có thể dẫn tới tình trạng ứ đọng hàng trong thời gian tới và hệ lụy của nó bà con nông dân là người phải gánh chịu.

LƯU Ý, CẢNH BÁO

Giá thu mua đường giảm mạnh: Đâu là nguyên nhân?

Ngay sau bài viết: “Chật vật” xuất khẩu đường đăng trên số 47 ra ngày 22/11/2013, Ban Chuyên đề DTTS&MN đã nhận được một số ý kiến phản hồi của bà con vùng mía Hậu Giang, vựa mía lớn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đề nghị phân tích rõ nguyên nhân khiến giá thu mua đường giảm để từ đó có cơ sở phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp thu mua... nhằm đảm bảo quyền lợi cho người trồng mía.

Theo tổng hợp của nhóm phóng viên thị trường Ban Chuyên đề DTTS&MN, những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do:

Thứ nhất, đường nhập lậu từ Thái Lan tràn vào nhiều khiến giá đường thành phẩm trong nước bán ra liên tục giảm. Đơn cử là đường RE giá rất rẻ, khoảng 12.700 - 12.800 đồng/kg, đường RS khoảng 12.000 đồng/kg. Nếu trừ thuế VAT 5% thì còn khoảng 11.600 đồng/kg. Đem giá này để tính giá mía (giá 1 tấn mía bằng giá 60 kg đường RS bán tại kho), thì giá thu mua mía sẽ chỉ còn 600 - 700 đồng/kg. Nếu nhà máy mua mía giá thấp để đảm bảo lợi nhuận, nông dân là người chịu thiệt và thua lỗ. Còn nếu mua giá cao để hỗ trợ nông dân trồng mía như đã cam kết, nhà máy sẽ phá sản.

Thứ hai, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã nhập khẩu chính ngạch theo cam kết WTO và AFTA khoảng 70.000 tấn. So với nhu cầu tiêu thụ trong nước ở mức 1,35 triệu tấn thì nguồn cung đang cao hơn rất nhiều, đẩy giá đường trong nước giảm xuống, lượng đường tồn kho tăng lên làm ảnh hưởng đến tiến độ thu mua mía của các nhà máy. Hơn nữa, việc chậm trễ trong công tác thu mua, đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long khi mùa mưa lũ đến đã ảnh hưởng đến giá nhân công trong thu hoạch, tiến độ cho vụ kế tiếp, ảnh hưởng chung đến năng suất và là nhân tố chính khiến giá thu mua giảm.

Thứ ba, mặc dù Bộ Công Thương đã cho xuất khẩu tiểu ngạch mặt hàng đường RS sang Trung Quốc nhưng do chậm trễ trong các khâu thủ tục, giấy phép nên đến nay, lượng đường xuất khẩu mới đạt khoảng 120.000 tấn. Đây là một tỷ lệ khá khiêm tốn trong khi lượng đường tồn kho thực tế lớn hơn rất nhiều.

Giải pháp để tháo gỡ khó khăn này cho các doanh nghiệp cũng như người nông dân trồng mía đó là quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp nhập khẩu theo hình thức tạm nhập tái xuất để hạn chế lượng đường dư thừa trên thị trường, giúp giải phóng bớt lượng đường tồn kho cho các doanh nghiệp sản xuất, từ đó họ mới có thể quay lại giúp đỡ người nông dân trong công tác thu mua và hỗ trợ giá. Bộ Công Thương và Hiệp hội Mía Đường Việt Nam cũng nên sớm có biện pháp để thúc đẩy quá trình hợp tác xuất khẩu đường.

NHẬN BIẾT HÀNG THẬT, HÀNG GIẢ

NPK Lâm Thao

Trong các loại phân bón thì phân NPK bị làm giả nhiều nhất. Là thương hiệu lớn nên sản phẩm NPK nhãn hiệu 5-10-3-8 của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao bị làm giả rất nhiều.

Tháng 2/2012, có 26 hộ dân xóm Ngheo, xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình mua 22.550kg phân bón lót NPK 5-10-3-8, trên vỏ bao có ghi nguồn gốc sản phẩm là Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao để bón cho ngô, sắn, mía.

Sau khi bón phân thấy cây ngô, sắn, mía không xanh tốt mà lá, thân cây cứ vàng úa, lụi dần. Nghi là phân NPK giả, xóm Ngheo làm báo cáo gửi Công ty CP Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao. Ngay lập tức, Công ty CP Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao đã lấy mẫu phân tích và kết luận: "Mẫu phân bón lót NPK 5-10-3-8 lấy mẫu tại xóm Ngheo, xã Ân Nghĩa, Lạc Sơn, Hoà Bình, không phải là sản phẩm phân bón của Công ty CP Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao".

Nhằm tránh cho người nông dân mua phải phân bón giả, ông Nguyễn Duy Khuyến - Tổng Giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao đã đưa ra những lưu ý để phân biệt phân NPK thật - giả. Đối với các loại phân hỗn hợp NPK, theo phương pháp sản xuất thì được chia ra làm 2 nhóm:

Nhóm phân khoáng trộn: Được sản xuất bằng cách phối trộn các loại phân nguyên liệu chứa đạm, lân và ka-li với nhau theo một tỷ lệ nhất định theo tiêu chuẩn đã công bố, tạo thành một hỗn hợp phân bón với thành phần là các hạt chứa riêng rẽ từng loại dinh dưỡng. Nhóm này khó làm giả mà chỉ có thể làm kém chất lượng do người tiêu dùng có thể nhận biết bằng cảm quan từng thành phần phân bón có trong hỗn hợp (hạt đạm, hạt ka-li, hạt lân...).

Nhóm phân phức hợp: Được sản xuất bằng cách nghiền nhỏ, trộn đều các loại nguyên liệu thành phần, sau đó tạo thành các hạt phân tổng hợp. Nhóm này dễ bị các cơ sở sản xuất nhỏ khác lợi dụng làm giả, làm nhái bằng cách ve viên các nguyên liệu rẻ tiền như đất mùn, than bùn, bột sét, bột màu… tạo thành sản phẩm có hình dáng và màu sắc giống như hàng thật.

Ông Khuyến cũng lưu ý, hiện phân NPK là loại khó phân biệt được thật - giảvà xác định được mức chất lượng bằng cảm quan thông thường. Người tiêu dùng nên chọn mua sản phẩm của các công ty lớn, có uy tín trên thị trường, mua tại các đại lý bán hàng chính thức của Công ty.

Mẫu phân bón NPK giả (bên trái) và NPK thật (bên phải)

Phân bón Kali Israel

Công ty cổ phần nông sản Vinacam khuyến cáo: Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện mặt hàng phân bón Kali Israel giả, bao bì mang thương hiệu “Hai con rồng”.

Công ty cổ phần nông sản Vinacam chuyên kinh doanh mặt hàng phân bón nhập khẩu Kali Israel, có hệ thống đại lý trải dài từ Bắc vào Nam cho biết: Các đối tượng đã dùng loại bao thông thường dệt bằng 2,4 mm, dùng hình thức in lụa, in nhái mẫu bao cũ (mà Công ty Vinacam không còn sử dụng từ năm 2010); các đối tượng dùng muối biển nghiền nhỏ, trộn với phẩm màu để làm giả 100% Kali bên trong.

Để chống hàng giả, ngoài việc đăng ký độc quyền kiểu dáng công nghiệp cho 2 loại bao Kali Israel (loại hạt lớn Kali Israel 61% hiệu “Một con rồng” và loại hạt nhỏ Kali Israel 61% hiệu “Hai con rồng”), Công ty Vinacam còn sử dụng loại bao đặc biệt dệt bằng bản chỉ nhỏ 1,8 – 2 mm (các bao bì giả thường dệt bằng bản chỉ lớn 2,4 mm), in bằng kỹ thuật offset tân tiến 5 màu và các kỹ thuật chống giả đặc biệt riêng.

Ngoài nhận biết trực quan thông qua vỏ bao bì, bà con có thể thực nghiệm so sánh Kali giả và Kali Israel thật. Cụ thể, bà con dùng 2 ly nước trong, sau đó đổ 1 muỗng cà phê Kali giả vào 1 ly, 1 muỗng cà phê Kali Israel thật vào một ly. Quan sát sẽ thấy: Nước trong ly Kali giả lập tức vẩn đục, đổi màu đỏ; còn nước trong ly Kali Israel thật vẫn trong, nhìn hạt Kali như bị quánh lại. Tiếp đó, dùng muỗng khuấy đều 2 ly: Nước trong Kali giả vẩn đục, còn nước trong ly Kali Israel thật chuyển sang màu hồng và hạt Kali tan chậm. Sau khi tan hết, chờ khoảng 5 phút, nước trong ly Kali giả vẫn đỏ đục, đáy ly có cặn lắng; còn nước trong ly Kali Israel thật từ từ trong trở lại, dưới đáy ly không có cặn, trên bề mặt xuất hiện lớp váng màu hồng đỏ.

So sánh mẫu bao thật và bao giả của phân bón Kali Israel để bà con dễ nhận biết

((Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện))