Thông tin giá cả thị trường tuần từ 24/05/2014 đến 30/05/2014

04:14 PM 26/05/2014 |   Lượt xem: 2418 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

 Chú trọng phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá

Duyên hải miền Trung (từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận) là vùng nghề khai thác thủy sản phát triển mạnh. Dịch vụ hậu cần nghề cá (bao gồm các cơ sở đóng và sửa chữa tàu cá; các cảng cá, bến cá, chợ cá; khu neo đậu tàu thuyền; cơ sở dịch vụ cung ứng vật tư, dầu mỡ, nước đá và ngư lưới cụ cho khai thác hải sản...) được coi là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển của nghề nuôi trồng và khai thác thuỷ sản. Tuy nhiên dịch vụ hậu cần nghề cá chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển, vẫn còn những mặt tồn tại cần phải khắc phục.

Chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế

Đến năm 2013, toàn vùng có 70 cảng cá, bến cá đã và đang được đầu tư phục vụ cho các hoạt động khai thác hải sản. Ngoài những cảng cá lớn, vùng duyên hải miền Trung còn có hàng chục bến cá quy mô vừa và nhỏ và hàng trăm điểm tập kết sản phẩm thủy sản khai thác ở các bãi ngang, làng cá dọc theo bờ biển... Về cơ bản, đã đáp ứng được nhu cầu mua bán, trao đổi sản phẩm của ngư dân sau những chuyến đi biển. Tuy nhiên hệ thống cảng cá, luồng lạch và vũng đậu tàu chưa được đầu tư đồng bộ. Các điểm tập kết sản phẩm thủy sản ở các bãi ngang, làng cá... còn mang tính tự phát, thiếu tổ chức quản lý. Thiếu khu neo đậu trú bão tại các cảng cá, bến cá nên khi có bão lớn, các khu này thường bị quá tải. Công tác vệ sinh môi trường không đảm bảo, làm ảnh hưởng đến chất lượng thủy sản sau thu hoạch.

Hệ thống cơ sở đóng sửa tàu thuyền trên địa bàn vùng duyên hải miền Trung đã phát triển nhanh, bước đầu đáp ứng được nhu cầu đóng tàu công suất lớn đánh bắt hải sản xa bờ. Toàn vùng hiện có khoảng 100 cơ sở sửa chữa và đóng mới tàu cá. Nhiều cơ sở ứng dụng công nghệ tiên tiến trong đóng sửa tàu thuyền, mang lại hiệu quả rõ rệt (điển hình là cơ sở đóng tàu xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi). Tuy nhiên, số lượng cơ sở đóng sửa tàu hiện đang phân tán, thiếu năng lực tài chính, quy mô sản xuất nhỏ, chủ yếu đóng tàu nhỏ, vỏ gỗ, phương thức đóng hầm bảo quản sản phẩm sau thu hoạch chỉ là ướp đá hoặc muối. Thủy sản là nguyên liệu dễ ôi thiu, nhưng công nghệ sau thu hoạch trên biển của ta còn rất thiếu và yếu. Các nước lớn ra khơi đều đã có tàu chế biến, thậm chí xuất khẩu ngay tại ngư trường ngoài khơi. Còn ta thì ướp đá đến nay vẫn là biện pháp truyền thống duy nhất nên chất lượng bảo quản chưa cao.


Vùng duyên hải miền Trung hiện có khoảng 1.180 cơ sở gia công máy móc, thiết bị phục vụ khai thác, kinh doanh xăng dầu, nước đá, ngư cụ... Trong đó, số cơ sở gia công máy móc, thiết bị; sản xuất, kinh doanh ngư cụ còn thiếu (phần lớn phải nhập ngoại). Hầu hết các cơ sở hoạt động với quy mô nhỏ, chưa thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cần được quan tâm đúng mức

Việc phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá là rất quan trọng cần quan tâm đầu tư, quản lý, nhất là khi chúng ta đã xác định đến năm 2020, Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền biển đảo. Các tỉnh, thành phố trong vùng cần nhanh chóng xây dựng và rà soát lại quy hoạch phát triển hệ thống cảng cá, bến cá và các điểm tập kết sản phẩm thủy sản khai thác ở các bãi ngang, làng cá, xây dựng các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Phấn đấu đến năm 2020, đáp ứng được nhu cầu trong vùng và các địa phương khác trong cả nước. Mở rộng quy mô các cơ sở sản xuất, gia công máy móc, thiết bị phục vụ khai thác, sản xuất, kinh doanh vật tư, ngư cụ. Chủ động trong sản xuất dây, lưới, sợi, phao, chì... thay thế hàng nhập khẩu. Thu hút cá nhân và các tổ chức trong và ngoài nước đầu tư phát triển ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ cho khai thác. Các doanh nghiệp cần liên kết với ngư dân hoặc các hợp tác xã đánh bắt thủy sản, tạo nên một chuỗi sản xuất khép kín, tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, đảm bảo lợi ích cho ngư dân. Về phía các nhà quản lý, cần nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác thống kê, dự báo nhằm ứng dụng tốt công nghệ tin học, viễn thông, sử dụng công nghệ vệ tinh trong quản lý khai thác hải sản, nghiên cứu ứng dụng công nghệ dự báo tiên tiến. Hy vọng với sự đầu tư toàn diện, ngư dân sẽ có một hậu phương vững chắc, yên tâm bám biển mưu sinh.

box: Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá, bến cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại 28 tỉnh, thành phố ven biển. Theo quy hoạch được phê duyệt, đến năm 2020 sẽ có hơn 200 cảng cá, bến cá với tổng lượng thủy sản qua cảng, bến là 2.360.000 tấn/năm. Trong đó, tuyến bờ 178 cảng cá và bến cá với tổng lượng thủy sản qua cảng và bến là 2.145.000 tấn/năm; tuyến đảo có 33 cảng cá và bến cá với tổng lượng thủy sản là 215.000 tấn/năm.

MUA GÌ?

Bạc Liêu: Giá tôm chân trắng giảm mạnh

Hàng ngàn hộ nuôi tôm chân trắng ở Bạc Liêu đang lao đao vì tôm chân trắng đã đến ngày thu hoạch nhưng giá bán đang giảm mạnh, chỉ còn 80.000 đồng/kg, giảm từ 60.000 đến 80.000 đồng/kg so với tháng trước đó. Với mức giá này, người nuôi tôm đang bị lỗ nặng nề; trong khi đó, lại có ít người mua nên người nuôi không dám thu hoạch dù chi phí thức ăn cho tôm hàng ngày hết từ 7 - 9 triệu đồng/héc-ta. Trước đó, do bất chấp các khuyến cáo của các nhà chuyên môn, người nuôi tôm ở nhiều vùng trong tỉnh Bạc Liêu đã ồ ạt thả nuôi tôm chân trắng, diện tích đã trên 9.000 héc-ta, trong khi quy hoạch chỉ thả nuôi ở vùng có điều kiện khoảng 200 héc-ta. Điều đáng lo ngại là tôm chân trắng đã được thả nuôi ở vùng phía Bắc, vùng chỉ thả nuôi tôm sú, gây nên sự xáo trộn về môi trường cho cả vùng ngọt phía Bắc.

Trong lúc tôm chân trắng giảm giá thảm hại, thì tôm sú vẫn duy trì ở mức giá cao, từ 270.000 - 300.000 đồng/kg (loại 30 con/kg) và sức tiêu thụ rất cao. Trong khi các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu trên địa bàn hầu như không mua tôm chân trắng để chế biến, chỉ có thương lái ''lạ'' mua loại tôm chân trắng này và việc mua bán cũng thất thường nên người sản xuất gánh hậu quả. Tình trạng nuôi ồ ạt tôm chân trắng, bỏ tôm sú đã dẫn đến hậu quả nặng nề cho người nuôi. Cơ quan quản lý đang khuyến cáo người nuôi tôm chân trắng sau khi thu hoạch xong tôm, cần cải tạo lại vuông tôm, phơi đáy ao thật kỹ và thả nuôi lại bằng tôm sú để tránh bị thiệt hại như đã qua.

Đồng Tháp: Nuôi lươn thu lãi cao

Nông dân nuôi lươn trong hồ xi măng và bồn lót bạt tại huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp hiện đang rất phấn khởi khi thu hoạch, bởi lươn tăng giá. Toàn huyện hiện có 52 hộ đang nuôi 85.000 con lươn trong 200 hồ xi măng, bồn lót bạt…, tập trung nhiều tại các xã An Long, Phú Thọ, Phú Thành A và Phú Thành B. Chín hộ nông dân trong huyện hiện đã thu hoạch được 50 hồ, bồn với 3,5 tấn lươn thương phẩm. Nhiều thương lái ở trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp đến tận nơi thu mua lươn với giá dao động từ 124.000 - 132.000 đồng/kg, tức tăng từ 10.000 - 15.000 đồng/kg so với hơn một 1 tháng trước. Trung bình 1 tấn lươn thương phẩm, người nuôi có lãi khoảng 30 triệu đồng. Với 32 bồn xi măng cạnh nhà, ông Trần Văn Đẳng ở ấp An Thịnh, xã An Long thả 22.400 con lươn giống. Sau hơn 7 tháng chăm sóc, lươn đạt trọng lượng bình quân 4 con/kg, ông Đẳng bán với giá 123.000 đồng/kg, thu nhập trên 578 triệu đồng, trừ các khoản chi phí đầu tư và công chăm sóc, ông Đẳng còn lãi hơn 180 triệu đồng.

Giá heo hơi tăng cao

Người nuôi heo đang phấn khởi bởi nhiều tháng qua, giá heo hơi trên thị trường liên tục tăng. Một thương lái thu mua heo ở thị trấn Mỹ An (huyện Tháp Mười) cho biết, hiện nay heo hơi loại tốt nuôi tại các trại lớn được thu mua với giá 5,4 - 5,5 triệu đồng/tạ. Tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, đường xá khó khăn, heo hơi loại tốt được thu mua với giá 5,2 - 5,3 triệu đồng/tạ do phải trừ chi phí thu gom, vận chuyển và chất lượng heo không đồng đều. Heo hơi loại xấu cũng được thu mua với giá 5,1 – 5,2 triệu đồng/tạ. Giá heo tăng mạnh trong những ngày qua là do đàn heo trong dân giảm do thua lỗ trong mấy tháng trước trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước vẫn ổn định. Nhiều hộ chăn nuôi đang tái, tăng đàn khiến giá heo giống cũng tăng vọt. Hiện giá heo giống bán trong dân đang dao động từ 61.000 đến 65.000 đồng/kg đối với con giống 21 - 30 kg/con. Riêng heo giống tại các trại giống có giá 85.000 đến 90.000 đồng/kg. Ông Ngô Phi Dũng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi heo Phú Bình, xã Phú Long, huyện Châu Thành cho biết: “Giá heo hơi tăng cao thời gian gần đây nên nhiều hộ chăn nuôi, xã viên của HTX cũng đang tiếp tục tái, tăng đàn, tuy nhiên sản lượng heo hơi có thể xuất chuồng tại thời điểm này chưa nhiều do thời gian trước khan hiếm heo giống, cộng với các chi phí đầu vào khác như thức ăn, thuốc thú y cũng liên tục tăng nên người chăn nuôi không nuôi kịp theo giá”.

Cần Thơ: Gạo thơm đang hút hàng

Trong những ngày qua, diễn biến thị trường lúa gạo bình lặng. Duy chỉ có gạo thơm là hút hàng. Tại các tỉnh ven sông Hậu, lúa khô IR50404 giá 5.100 - 5.200 đồng/kg; vùng Bạc Liêu vụ xuân hè đang vào vụ thu hoạch, lúa tươi hạt dài OM2517, OM4218 vẫn nằm mức 4.200 - 4.300 đồng/kg, lúa khô 5.400 đồng/kg... Trong khi đó lúa đông xuân trên đồng thu hoạch gần hết, thương lái mua lúa cầm chừng. Bất ngờ lớn nhất là thị trường gạo thơm hút hàng. Các thương lái mua bán lúa gạo tại khu vực Ô Môn, Cần Thơ cho rằng hiện đang là cuối vụ đông xuân, lượng lúa thơm thu hoạch giảm dần. Lúa gạo Jasmine giá tăng do chảy mạnh ra các tỉnh phía Bắc để xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Vụ hè thu tới nông dân ít trồng lúa thơm, do đó trong vòng một tuần qua, loại gạo trắng thơm Jasmine tăng liên tục từ 9.300 lên 9.500 - 9.600 đồng/kg và hiện ở mức 10.000 đồng/kg, tăng 500 - 700 đồng/kg so tuần trước. Gạo tăng kéo theo giá lúa của số ít hộ dân còn trữ trong bồ, lò sấy và doanh nghiệp có kho dự trữ bắt đầu có lãi, có khả năng giá cao như hiện nay kéo dài tới vụ thu đông.

BÁN GÌ?

Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc vẫn bình thường

Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, hiện hoạt động mua bán, trao đổi, xuất nhập khẩu của các hội viên vẫn diễn ra bình thường với các đối tác Trung Quốc. Việt Nam có nhập một số mặt hàng rau củ quả như cà rốt, khoai tây, rau cải, táo, lê, nho… song cũng xuất nhiều mặt hàng rau, củ, quả theo mùa như thanh long, chôm chôm, vải thiều, dưa hấu sang Trung Quốc. Tất nhiên là nếu có khó khăn về xuất nhập khẩu với Trung Quốc, chắc chắn các mặt hàng nông sản, trong đó có rau, củ quả sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, rau, củ, quả không phải là mặt hàng thiết yếu như các mặt hàng thực phẩm (gạo, thịt), nên trường hợp Trung Quốc không xuất sang Việt Nam cũng chỉ làm cho các sản phẩm rau, củ, quả không phong phú hơn thôi. Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, những xung đột ở Biển Đông từ trước đến nay đã diễn ra nhiều, nhưng hoạt động kinh tế thì không ảnh hưởng. Các sản phẩm rau, củ, quả là những mặt hàng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày, liên quan tới cuộc sống của hàng triệu người nông dân ở cả hai nước, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần tìm những nguồn nhập khẩu khác, tìm các thị trường khác để nếu Trung Quốc có hành động cấm vận hoặc giảm xuất nhập khẩu thì chúng ta cũng không bị thiệt hại quá. Người tiêu dùng nên ưu tiên dùng hàng Việt Nam và đây là điều hết sức cần thiết hiện nay. Nhất là các tỉnh biên giới hãy phát động một phong trào không buôn lậu, không chấp nhận hàng hóa chất lượng kém của Trung Quốc. 

Giá cà phê tăng, giảm thất thường

Giá cà phê trong tháng 5 tăng, giảm thất thường. Tại các tỉnh Tây Nguyên, chỉ trong vòng 1 tuần, giá đã liên tục biến động trong khung từ 39.000 – 40.000 đồng/kg. “Giá đi theo kiểu này không ai mua bán được vì dao động quá thất thường”, một nhà xuất khẩu tại Buôn Ma Thuột cho biết. Giá cà phê nguyên liệu tại các tỉnh Tây Nguyên ngày 17/5 chỉ còn 39.500 đồng, thậm chí có nơi các đại lý thu mua còn trả giá thấp hơn, mất 1.500 đồng so với ngày 16/5 và 500 đồng/kg so với tuần trước, tiếp đó ngày 20/5 lại giảm 2.000 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, hạn hán đã khiến sản lượng cà phê giảm nhưng động thái găm hàng đã tạo nên những đợt thiếu hàng cục bộ. Tuy nhiên, các nhà kinh doanh chuyên nghiệp và rang xay nay đã có quá nhiều kinh nghiệm để tránh thiệt hại do tác động đầu cơ, nên giá có thể tăng nhưng có lẽ chỉ trong ngắn hạn.

Bến Tre: Bưởi da xanh được giá

Thị trường tiêu thụ bưởi da xanh đang rất ổn định. Bưởi loại 1 cơ sở thu vào với giá 52.000 đồng/kg, loại 2 có giá 45.000 đồng/kg, loại 3 có giá 33.000 đồng/kg. Thị trường hiện đang cần khoảng 30 tấn bưởi/ngày, tuy nhiên sản lượng thu mua được chỉ đáp ứng 50%. Nguồn cung hụt so với cầu do từ sau Tết đến nay là mùa nghịch của trái bưởi da xanh.

Hiện bưởi da xanh Bến Tre đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới như Đức, Canada, Hà Lan, Nga, Hồng Kông, Trung Quốc… Và từ đầu năm đến nay đã có thêm nhiều đơn đặt hàng từ Pháp và Nhật. Tuy nhiên, đến nay sản phẩm chủ yếu vẫn chỉ tiêu thụ trong nước. Nguyên nhân là sản lượng và chất lượng trái bưởi không ổn định nên các doanh nghiệp đầu mối không chủ động nhận đơn đặt hàng xuất khẩu.

Hiện Bến Tre đang đẩy mạnh vận động các nhà vườn sản xuất theo hướng liên kết, áp dụng cùng quy trình nhằm ổn định cả số lượng lẫn chất lượng và khuyến khích doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm cho nhà vườn. Ông Nguyễn Văn Thượng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, trước tình hình sản xuất mánh mún, nhỏ lẻ, ngành nông nghiệp tỉnh đã tổ chức lại sản xuất, hình thành liên kết tổ hợp tác bưởi da xanh. Trước mắt, hợp tác xã tiếp nhận khoa học kỹ thuật để thực hiện đúng quy trình, nâng cao được chất lượng sản phẩm.

Vĩnh Long: Khoai lang rớt giá mạnh

Những ngày qua, giá khoai lang tại huyện Bình Tân (Vĩnh Long) liên tục giảm từ 700.000 - 800.000 đồng/tạ xuống còn khoảng 250.000 - 300.000 đồng/tạ. Nguyên nhân có thể là do các thương lái thấy bà con nông dân đến đợt thu hoạch rộ nên tìm cách tung tin đồn để hạ giá. Phòng NN&PTNT đã báo cáo tình hình này về lãnh đạo Sở NN&PTNT để có kế hoạch chỉ đạo các địa phương giải thích cho bà con nông dân hiểu rõ, tránh hoang mang, lo lắng.

Niên vụ này trên địa bàn huyện có khoảng 7.000 héc-ta trồng khoai lang. Trong đó, đợt 1 có khoảng 4.000 héc-ta đã thu hoạch xong với giá bán khoảng 700.000 - 800.000 đồng/tạ. Đợt 2 còn khoảng 3.000 héc-ta đang thu hoạch. Tuy nhiên, giá liên tục giảm do những tin đồn thất thiệt khiến bà con nông dân bất an. Các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để bà con yên tâm sản xuất.

Giá cà phê tại các tỉnh ngày 20/5/2014

Đ.v: Đồng/kg

Thị trường

Giá

Đắk Lắk

39.400

Đắk Nông

39.200

Lâm Đồng

39.000

Gia Lai

39.400

LƯU Ý, CẢNH BÁO

Lại chuyện buồn từ việc thu mua con banh lông

Con banh lông - một loại thủy sản trước đây giá rẻ như cho, vì chủ yếu chỉ dùng làm mồi câu cá rún. Tuy nhiên, vài tháng gần đây người dân một số vùng cửa biển Tây Nam Bộ, trong đó tập trung ở Cà Mau, Kiên Giang... bất ngờ đầu tư vốn, chuyển sang việc bắt con banh lông bán cho thương lái, nhưng không biết để làm gì và không ít người đang trong cảnh âm thầm “ngậm” thua lỗ trong lòng.
Không biết thương lái mua làm gì, nhưng nhiều ngư dân vẫn đánh bắt

Lý do khiến người dân vùng ven biển Tây Nam Bộ đầu tư khai thác con banh lông, vì các thương lái đặt mua với giá cao “ngất” (600.000 - 800.000 đồng/kg vào thời điểm đầu tiên). Mặc dù không biết họ mua để làm gì và mặc dù cũng không được ai tư vấn, cảnh báo gì, nhưng thấy lợi nhuận cao, vì ham lợi trước mắt, người dân nhiều nơi ở các cửa biển Cà Mau, Kiên Giang vẫn bỏ vốn đầu tư cho khai thác con banh lông.

Tại xã Bình Sơn - một xã ven biển thuộc huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang có rất nhiều ngư dân đã chuyển hẳn sang đánh bắt loài thủy sản này. Theo thống kê sơ bộ của UBND xã Bình Sơn, đã có 30 - 40 hộ dân trong xã làm nghề đánh bắt đã chuyển đổi nghề từ nghề bắt cám bắt ghẹ sang cào con banh lông.

Sở dĩ người dân gọi là con banh lông vì hình thù nó tròn đỏ giống trái banh tennis. Mỗi con có trọng lượng khoảng 150 gam - 160 gam, da nhám, nhớt và nó sống vùi mình sâu dưới lớp bùn, nên việc bắt được banh lông cũng không dễ dàng. Để khai thác được con banh lông, phải có dụng cụ là cần cẩu và lồng cào được gắn phía sau tàu (như loại dùng để cào sò voi, sò lụa, nhưng có mắc lưới to hơn). Chi phí cho việc đầu tư dụng cụ cào này khoảng trên dưới 50 triệu đồng (nếu đã có ghe tàu). Như vậy, muốn khai thác được con banh lông, thì người dân phải bỏ ít nhất khoảng 40 triệu đồng. Trong khi đó, việc thu mua sản phẩm rất bấp bênh, lúc mua, lúc dừng và giá cả chìm nổi thất thường. Theo chủ vựa Ngọc Huyền ở thị trấn Sông Đốc - Cà Mau, mức giá 600.000 - 800.000 đồng, chỉ thời gian ngắn đầu tiên, rồi thương lái ngừng mua khoảng 2 tháng. Sau đó, họ lại tiếp tục thu mua, nhưng với giá thấp hơn (từ 320.000 - 340.000 đồng). Song mức giá này họ cũng chỉ duy trì trong khoảng 2 tháng, lại ngừng mua vài ba tháng. Sau đấy mua trở lại, nhưng với giá “rơi” gần 10 lần so với ban đầu (chỉ ở mức 70.000 - 80.000 đồng), song cũng chỉ một thời gian ngắn lại dừng.

Chiêu cũ, đối tượng mới “sập bẫy”

Theo các chuyên gia và nhà quản lý, việc mua bán con banh lông, hay nông thủy sản lạ như: Lá khoai lang non, lá trầu không, mầm thảo quả, cây cút mây, ốc bươu vàng… chủ yếu tự phát để bán theo tiểu ngạch qua biên giới phía Bắc. Đây là chuyện mua bán bình thường trong cơ chế thị trường. Tuy nhiên, điều đáng nói, việc mua bán này hoàn toàn không có hợp đồng theo đúng căn cứ pháp lý, nhưng thương lái trong nước vẫn tiếp tay và với những chiêu cũ (đưa giá lên cao hơn nhiều lần so với bình thường), để hút được người dân nhiều nơi cung cấp hàng hóa, sau đó hạ giá, hoặc dừng đột ngột. Vẫn những chiêu cũ này, nhưng mỗi món hàng mỗi đối tượng mới, nên câu chuyện “sập bẫy” vẫn xảy ra.

Chuyện đáng nói, nếu thấy việc mua bán bất thường như trên xảy ra thì chính quyền địa phương, nhất là cơ sở thôn, xã phải thông tin, báo cáo kịp thời lên các ngành có chức năng quản lý, hoặc cơ quan chuyên môn, để tư vấn và khuyến cáo người dân. Song, công việc này không được chú ý, hoặc có cũng không cương quyết, nên hậu quả xấu để lại cho người dân, đa số người nghèo phải gánh chịu.

Ông Từ Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc cho hay: Việc mua bán nông sản thường không sòng phẳng, không hề có hợp đồng, tuỳ tiện nâng giá một cách vô lý. Dù rất buồn, nhưng tôi phải khẳng định, nông dân ta thường chạy theo lợi ích trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài, không nghĩ ngợi nhiều đến lợi ích cộng đồng. Mặc dù địa phương cũng đã tuyên truyền nhiều, nhưng hễ việc nào có lãi cao là họ lại bất chấp.

Hiện nay, việc mua con banh lông không thấy chỗ nào động tĩnh trở lại, dẫn đến một số chủ vựa thua lỗ nặng. Điều này cũng kéo theo hậu quả đẩy khá nhiều ngư dân vùng ven biển, trong đó phần nhiều là đối tượng nghèo càng thêm phần khốn khó. Số tiền đầu tư cho khai thác con banh lông hàng chục triệu đồng, không lấy đâu trả nợ. 

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Quảng Nam: Nghề mây tre đan có nguy cơ cạn kiệt nguyên liệu

Theo số liệu của Hiệp hội Mây tre Quảng Nam, hiện có khoảng 35 - 42% cơ sở đang phải sản xuất cầm chừng và có nguy cơ đóng cửa vì thiếu và không chủ động được nguyên liệu.

Khai thác nguyên liệu bừa bãi, không theo quy hoạch

Tại nhiều vùng nguyên liệu mây truyền thống như Nam Giang, Phước Sơn, Trà My…, nhiều loài mây tự nhiên đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Trữ lượng khai thác mây cũng giảm đi thấy rõ, từ 1.000 tấn năm 2004 xuống còn 400 - 500 tấn năm 2013. Nghịch lý hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất mây tre không thể trực tiếp mua nguyên liệu tại địa phương mà phải qua tư thương. Từ trước đến nay, nguồn nguyên liệu chủ yếu khai thác từ rừng tự nhiên, người dân miền núi khai thác tự phát, rải rác, chủ yếu bán cho các đại lý của tư thương rải khắp. Dù cho các DN mây tre đến tận nơi mua giá cao vẫn không thể tiếp cận được. Trước đây, các tư thương đòi hỏi song mây phải đủ chuẩn trên 3 mét trở lên mới mua nên bà con vùng cao mỗi khi vào các khu rừng song mây, chỉ lựa song mây lớn, đủ tuổi mới khai thác. Còn bây giờ, khai thác một cách cạn kiệt, song mây chừng 1,5 - 2 mét cũng được mua. Những cánh rừng song mây bạt ngàn ngày nào đã dần xác xơ.

Chính những hoạt động khai thác bừa bãi, không theo quy hoạch khiến nhiều địa phương đối mặt với tình trạng suy giảm số lượng về nguồn cung ứng mây nội địa. Trước thực trạng đó, để có nguyên liệu cho sản xuất, vài năm trở lại đây, Quảng Nam tập trung đầu tư cho công tác khoanh nuôi, tái sinh và trồng mới cây mây bằng nhiều hình thức thâm canh, xen canh hay mô hình nông - lâm kết hợp. Tuy nhiên, về quy hoạch trồng song mây, đến nay vẫn chưa cụ thể, rõ ràng. Trước khó khăn thiếu hụt nguyên liệu, thời gian qua, nhiều DN mây tre trong tỉnh như Xí nghiệp Mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ, Công ty Mây tre Phú Quý... đã tính đến chuyện đầu tư xây dựng vườn ươm để trồng nguyên liệu mây. Song một thách thức mà các DN mây tre phải đối mặt là không đủ năng lực trồng rừng do thiếu vốn, kỹ thuật, đặc biệt về cơ chế nhận đất rừng từ chính quyền địa phương.

Cần nâng cao nhận thức cho bà con

Những DN chuyên sản xuất ngành mây tre đã nhận thức rất rõ là nguồn mây trong nước đang suy giảm đáng kể vì nhu cầu ngày càng cao và khai thác không bền vững. Những loài mây quan trọng hiện giờ rất hiếm và thường xuyên phải nhập từ Lào và nhiều tỉnh miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, hầu hết DN này vẫn chưa có sự chú trọng đến vấn đề nguồn gốc nguyên liệu. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc phát triển bền vững mà còn giảm khả năng cạnh tranh, giảm giá thành sản phẩm trong bối cảnh người tiêu dùng thế giới ngày càng chú trọng hơn đến vấn đề bảo đảm an toàn sinh thái tự nhiên như hiện nay.

Để khôi phục và phát triển bền vững vùng nguyên liệu mây tre tự nhiên trên địa bàn tỉnh, trong những năm qua, các tổ chức quốc tế về môi trường đã tài trợ nhiều dự án nâng cao nhận thức trong cộng đồng và các DN chuyên sản xuất ngành mây tre. Đó là dự án “Tạo việc làm cho thanh niên thông qua phát triển kinh tế địa phương tại tỉnh Quảng Nam” do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tài trợ. Mục tiêu của dự án là xây dựng chuỗi giá trị mây được triển khai tại 4 huyện Duy Xuyên, Phước Sơn, Núi Thành và Thăng Bình. Sau 3 năm (2010 - 2012) triển khai dự án, ILO đã xây dựng nhiều mô hình nhóm sơ chế ươm giống và trồng rừng trong các nhóm thanh niên đồng bào thiểu số xã Phước Xuân, Phước Hòa (Phước Sơn) và mô hình trồng mây cho vùng sản xuất mây bền vững ở các xã Tam Hiệp, Tam Mỹ và Tam Trà (Núi Thành)... Hiện nay, Quảng Nam đang triển khai “Phát triển bền vững mây tre vùng Mê Kông” do WWF tài trợ. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ tối thiểu cho 50% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm mây ở Lào, Việt Nam, Campuchia hướng đến bền vững, cải thiện môi trường, giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Theo đó, sẽ hình thành chuỗi sản xuất và cung ứng mây đã được thiết lập ở Lào, Việt Nam, Campuchia, đảm bảo cung ứng 3.000 tấn nguyên liệu vào năm 2014. Riêng tại Việt Nam dự án này sẽ triển khai ở huyện A Lưới, huyện Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) và huyện Nam Giang (Quảng Nam).

Vừa qua, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam tại Đà Nẵng phối hợp với Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tổ chức hội thảo “Phát triển mây bền vững - kết quả thực hiện dự án và kế hoạch nối tiếp”. Tại hội thảo, nhiều kinh nghiệm, giải pháp cụ thể được các đại biểu đưa ra để ngành mây Việt Nam phát triển hơn trong thời gian tới như: Kinh nghiệm từ mô hình trồng mây nước ở huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế); kết quả thực hiện Quyết định số 11/2011/QĐ-TTg ngày 18/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển ngành mây tre; kinh nghiệm về phát triển vùng nguyên liệu mây FSC, liên kết thị trường xuất khẩu sản phẩm mây FSC sang thị trường châu Âu... Trên cơ sở đó, đề xuất của WWF là cần hỗ trợ về kỹ thuật trong việc nhân giống, cây trồng và khai thác bền vững các loài mây; triển khai đề án xây dựng rừng giống và quy trình sản xuất giống mây phục vụ phát triển vùng nguyên liệu trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2014 - 2020 và các mô hình khoanh nuôi, gây trồng song mây trên địa bàn tỉnh.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi: Sát cánh cùng bà con bám biển

Từ đầu vụ cá Nam đến nay nhiều tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Sa Huỳnh (Phổ Thạnh, Quảng Ngãi) ít trúng “lộc” biển. Nhưng điều khiến ngư dân thấy lạ là cá ít nhưng giá lại giảm. Dù lượng cá và giá cả đều giảm, nhưng có những ngư dân vẫn quyết định đầu tư hàng tỷ đồng nâng công suất tàu nhỏ thành tàu lớn hàng trăm mã lực để ra ngư trường Hoàng Sa khai thác. Theo họ, muốn đánh được nhiều thì tàu phải lớn, có thể ở ngoài biển dài ngày. Thêm một lý do nữa, nhiều bà con ngư dân cho biết, khi ra ngư trường, có tàu to, lại đi theo đội thì sẽ hạn chế được những ức hiếp, đe dọa của tàu Trung Quốc. Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 5.460 tàu đánh cá, tổng công suất trên 840.000 CV (mã lực), công suất trung bình 164 CV/chiếc. Trong đó số tàu đánh bắt xa bờ, công suất từ 90 CV trở lên khoảng 2.400 chiếc. Tuy nhiên đại đa số tàu cá của ngư dân có vỏ bằng gỗ, cho nên gặp một số hạn chế, điểm yếu; nhất là khi gặp gió bão, hoặc bị uy hiếp và rượt đuổi.

Trong khi ngư dân tâm huyết, can trường bám biển, thì Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội cũng sát cánh bên họ. Bên cạnh việc triển khai thực hiện những quyết sách lớn như Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 191 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc hỗ trợ nhiên liệu, trang thiết bị trạm bờ, máy HF, bảo hiểm thuyền viên, thân tàu và kinh phí hỗ trợ khi tàu gặp rủi ro…, Quỹ Hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đã kịp thời hỗ trợ các ngư dân khó khăn bằng việc cho vay hơn 7 tỷ đồng để mua sắm ngư lưới cụ hoặc đóng mới, cải hoán tàu thuyền. Đặc biệt sắp tới, Quỹ Hỗ trợ ngư dân sẽ trích kinh phí đóng mới 2 chiếc tàu vỏ thép giao cho ngư dân quản lý, sử dụng, nhằm giúp bà con nâng cao hiệu quả khai thác, yên tâm bám biển với tổng số tiền đầu tư dự tính khoảng 12 tỷ đồng. Tàu đóng xong sẽ giao cho đối tượng ngư dân nào, mức tiền nộp lại khi được sử dụng tàu hàng tháng, năm để tái phát triển quỹ là bao nhiêu... đang được tính toán để đưa ra tiêu chí, hạn mức cụ thể để phù hợp và có lợi cho ngư dân nhất. Đơn vị được chọn đóng thì dự kiến là Nhà máy đóng tàu Nha Trang - Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC). Trước đó SBIC đã đầu tư tổng số tiền khoảng 6,5 tỷ đồng để đóng, hạ thủy tàu đánh cá bằng vỏ sắt đầu tiên mang tên Hoàng Anh 01 và bàn giao cho ngư dân Quảng Ngãi.

Tìm giải pháp bền vững cho nghề nuôi tôm hùm lồng

Nghề nuôi tôm hùm lồng tại các tỉnh Nam Trung Bộ đã có hơn 20 năm nay, mang lại giá trị gần 4.000 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, nghề này đang gặp khó khăn do thiếu quy hoạch, quản lý nên số lượng lồng nuôi tăng nhanh, khiến môi trường bị ô nhiễm do chất thải, mồi dư bị trút thẳng xuống biển.

Trong khi tỷ lệ tôm hùm hao hụt vì dịch bệnh ngày càng cao thì giá con giống lại ngày càng tăng. Năm 2012, giá tôm giống chỉ hơn 200.000 đồng/con, đến tháng 4/2014, có lúc lên đến 400.000 đồng/con. Mấy năm gần đây, nguồn giống tự nhiên khan hiếm khiến giá tôm giống bị đẩy lên cao. Thức ăn cho tôm là các loài cá nhỏ giá cũng tăng nhanh do nguồn lợi cạn kiệt. Đến nay, các tỉnh Nam Trung Bộ (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) đang có khoảng 10.000 hộ nuôi với trên 43.000 lồng tôm hùm, sản lượng hàng năm khoảng 1.400 tấn. Không chỉ giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động ven biển mà con tôm hùm còn đem lại nguồn thu gần 4.000 tỷ đồng/năm cho người nuôi. Thế nhưng hiện nay, ngoài một lượng rất nhỏ tiêu thụ trong nước, số tôm hùm còn lại đều xuất khẩu tiểu ngạch và lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, giá cả thường xuyên biến động. Có thời điểm tôm loại 1 lên đến 2,6 triệu đồng/kg, nhưng có lúc chỉ còn 1 triệu đồng/kg.

Để nghề nuôi tôm hùm lồng phát triển bền vững, ổn định, theo các nhà nghiên cứu, cần phải triển khai đồng bộ 7 giải pháp, đó là: Quy hoạch, giống, khoa học công nghệ và môi trường, chính sách, vốn, khuyến ngư, thị trường. Theo Bộ NN & PTNT, khó khăn nhất của ngành nuôi tôm hùm là con giống; tuy đã thử nghiệm sản xuất giống nhân tạo nhưng chưa thành công. Vì vậy, các tỉnh có vùng giống tự nhiên cần quy hoạch bảo vệ và khai thác hợp lý. Trong khi chưa sản xuất được thức ăn công nghiệp thì phải nghiên cứu cung ứng thức ăn tự nhiên phù hợp để tránh ô nhiễm môi trường.

Hiện Bộ NN & PTNT đang xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển nghề nuôi tôm hùm đến năm 2020 để các tỉnh xây dựng, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp. Ngoài ra, sẽ sớm hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước cho người nuôi. 

HÀNG THẬT, HÀNG GIẢ

Báo động mì chính giả:

Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) vừa ra thông báo báo động về tình trạng vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mặt hàng mì chính và nguyên liệu mì chính; đặc biệt là các vụ việc về hàng giả, bao bì, nhãn mác giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu.

Chỉ trong quý I/2014, đã có hàng tấn mì chính và nguyên liệu bột nêm bị cơ quan chức năng niêm phong và giám định là hàng giả. Các lô mì chính giả mạo này đều mang các thương hiệu như Ajinomoto, Miwon, Vedan. Ngoài ra, thời gian qua, một số lô hàng mì chính có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan xuất sang Việt Nam theo đường nhập lậu không chính ngạch để trốn thuế và phần lớn là hàng giả, kém chất lượng, giá rẻ chỉ bằng một nửa so với sản phẩm chính hãng, có thương hiệu nên rất dễ tiêu thụ, đặc biệt là các quán ăn, nhà hàng…

Tại chợ Thổ Tang (Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc), nơi được mệnh danh là “thiên đường hàng nhái” ngay gần Hà Nội, người bán hàng cho biết "Mì chính hàng công ty giá trên 1,1 triệu đồng một bao 25kg, chia ra khoảng 45.000 đồng/kg". Tuy nhiên, cũng có mì chính loại 2, 3 với bao 25 kg, giá chỉ 30.000 đồng/kg, mua số lượng bao nhiêu cũng có. Những người bán hàng tại chợ Thổ Tang cho biết, loại mì chính rẻ tiền này có xuất xứ từ Trung Quốc và dân ở đây chỉ nhập buôn về bỏ mối nhà hàng, quán ăn. Bên cạnh hàng không có nhãn mác, cũng có nhiều loại mì chính giả được “đội lốt” hàng công ty có thương hiệu. Cũng tại chợ Thổ Tang, loại hàng này giá sẽ cao hơn loại đóng bao 25 kg kia khoảng 3 - 4 giá. Những loại này sẽ được đóng gói 1kg, 0,5kg nhái theo các thương hiệu nổi tiếng như Ajinomoto, Miwon, Vedan, bao bì in khá giống, nếu không tinh không thể phân biệt được.

Cách nhận biết mỳ chính AJINOMOTO thật và giả bằng cảm quan

Bao bì:

- Hàng thật hình Huy chương có màu vàng tươi, dòng chữ “Hội chợ thực phẩm an toàn năm 2002” đọc được rõ ràng; màu chữ đỏ tươi; bao bì dày, mềm mại, không nhăn. Bao bì thật không dập ngày tháng trước khi đóng gói.

- Hàng giả hình Huy chương có màu vàng sậm, nhoè, không đọc được dòng chữ bên trong hoặc rất mờ; màu chữ đỏ sẫm. Bao bì giòn, cứng và dễ nhăn nheo; màu chữ đỏ tươi. Bao bì giả dập ngày tháng trước khi đóng gói.

Đường hàn:

- Hàng thật đường hàn ở 4 cạnh phẳng, đều nhau và không có nổi bọt; mặt sau dưới đáy bao có in nổi ngày tháng sản xuất, rất rõ nét (6 số).

- Hàng giả có đường hàn ở 4 cạnh không đều nhau, đục và có nổi bọt; không in hoặc có in ngày tháng sản xuất nhưng không rõ nét, khó đọc.

Tinh thể cánh mỳ chính:

- Hàng thật: Cánh to, sáng đều, không gãy là hàng thật.

- Hàng giả: Cánh không đều, gãy, có nhiều bụi trắng.

Trọng lượng:

- Hàng thật: Có trọng lượng tịnh luôn đúng với trọng lượng ghi trên bao bì. 
- Hàng giả: trọng lượng tịnh ít hơn hoặc gần tương đương với trọng lượng ghi trên bao bì.

Cách phân biệt mật ong giả và thật:

Theo Công ty CP Ong trung ương, mật ong giả là loại mật đã bị hoà lẫn với nước đường, muối ăn, đạm hoá học, tinh bột, đường mạch nha… Mùi thơm của nó nhạt, có thể có mùi lạ, khi nuốt thấy có cảm giác hơi vướng cổ. Còn mật ong nguyên chất thì khi nhấm có vị ngọt đậm, mùi thơm đậm, ngọt nhưng không ngấy. Mật ong nguyên chất thì khi khuấy thấy rất mềm, thò ngón tay vào không thấy cảm giác sạn, bỏ vào miệng nếm thì thấy tan rất nhanh. Còn mật ong “chế biến” thì khi quấy có cảm giác cứng, khó tan. Đặc biệt, mật ong thật đặc quánh, độ kết dính cao, thơm, có các màu trắng, vàng nhạt hay hồng nhạt, trông rất trong.

Tuy nhiên, rất khó phân biệt mật ong giả và thật bằng mắt thường. Sau đây là vài cách thử mà bà con có thể áp dụng để phân biệt dễ hơn:

- Lấy một tờ giấy trắng sạch và bôi mật ong lên đó. Mật tốt sẽ thấm rất chậm, còn loại giả thì chỉ vừa phết lên là thấm ướt ngay.

- Dùng chiếc đũa tre sạch khêu một ít mật ong rồi kéo thành sợi. Sợi kéo dài sẽ đứt; nếu sau đó mật co lại thành cục tròn thì đó là loại tốt.

- Dùng một que tre sạch khuấy đều lên, nếu trong mật ong có trộn lẫn các chất khác thì bạn sẽ thấy màu đục hiện lên, còn mật ong chính hiệu thì không có hiện tượng ấy.

- Dùng một sợi thép hơ nóng đỏ lên chọc vào mật ong, nếu thấy sủi bọt phả hơi lên thì đó là mật ong giả, người ta đã trộn lẫn khá nhiều nước.

- Lấy một phần mật ong và 5 phần nước quấy đều rồi đậy lại, để một ngày, nếu không thấy có chất lắng xuống thì đó là mật ong tốt.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng TTĐT Ủy ban Dân tộc phối hợp thực hiện)