Thông tin giá cả thị trường tuần từ 29/03/2014 đến 04/04/2014
09:44 AM 30/03/2014 | Lượt xem: 2707 In bài viết |
TIÊU ĐIỂM |
Bài học từ việc mở rộng diện tích trồng sắn
Thời gian gần đây, bà con nông dân tỉnh Đắk Lắk đang tiến hành thu hoạch sắn. So với thời điểm năm trước, năm nay giá sắn khô cao hơn do vậy, nông dân phấn khởi hơn vì có lãi. Tuy nhiên, các ngành chức năng cần cảnh báo cho nông dân biết những hệ lụy khi mở rộng diện tích ngoài quy hoạch.
Bà con vui vì sắn được giá
Nếu như niên vụ trước, giá sắn khô trên thị trường chỉ đạt 3.300 - 3.400 đồng/kg, thì niên vụ này giá sắn đã tăng lên 3.800 - 3.900 đồng/kg, với giá này trừ chi phí về cây giống, thuê người trồng và thu hoạch thì người dân cũng lãi khoảng 15 - 17 triệu đồng/héc-ta. Anh Trần Thanh Thế, xã Ven, huyện Buôn Đôn cho biết: “Gia đình tôi thuê đất trồng được 2 héc-ta sắn, năm nay giá sắn khô tăng lên 3.900 đồng/kg, so với năm trước mỗi ki-lô-gam sắn khô tăng thêm được 6.000 đồng. Với 2 héc-ta sắn này, sau khi trừ hết chi phí như tiền thuê đất, cây giống, chăm bón… tôi được lời khoảng 30 triệu đồng, trong khi đó năm trước chỉ được 19 triệu đồng thôi. Với giá sắn này, nông dân chúng tôi thấy tạm được, điều khiến tôi lo lắng đó là giá cả không ổn định lên xuống thất thường”. Cũng như anh Thế, chị Lê Thị Duyên, xã Ea Lê, huyện Ea Súp chia sẽ: “Nếu như năm ngoái, giá sắn khô không những đã thấp (3.300 đồng/kg) mà các thương lái còn chê không mua, thì năm nay giá sắn tăng hơn, nông dân chúng tôi trồng may ra còn được một chút lời. Nhà tôi có 1,5 héc-ta sắn, đầu vụ thu hoạch được 3 tấn sắn tươi, lúc đó thương lái đến thu mua sắn tươi tại vườn nhưng tôi không bán, để được giá cao hơn tôi đem về thái phơi khô. Trừ chi phí hết chắc năm nay cũng thu về được khoảng 23 - 24 triệu đồng”.
Việc giá sắn tăng cao không chỉ bà con nông dân phấn khởi mà ngay cả các thương lái thu mua cũng tấp nập hơn mọi năm. Anh Phương - thương lái thu mua sắn khô tại xã Ea Ven, huyện Buôn Đôn cho biết: “Thị trường tiêu thụ mạnh hơn năm trước do vậy việc mua bán sắn cũng dễ dàng hơn. Đúng là “đắt ra quế, ế ra củi”, nhiều người lâu nay không làm nghề thu mua sắn, năm nay cũng “hành nghề”.
Hệ lụy khi trồng ồ ạt
Được biết, theo quy hoạch, thì tỉnh Đắk Lắk giữ diện tích 15.000 héc-ta sắn là phù hợp, đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn. Do vậy, với việc giá sắn tăng cao trở lại như hiện nay thì nguy cơ phá vỡ quy hoạch diện tích trồng sắn là điều có thể xảy ra. Bởi việc ồ ạt trồng sắn chắc chắn sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy như: Không làm chủ được giá cả thị trường dẫn đến tình trạng “thừa người bán, thiếu người mua”; rồi là khi trồng sắn ồ ạt sẽ dẫn đến sự thoái hóa đất, xói mòi đất… Ngoài ra, việc tăng diện tích trồng sắn cũng là nguyên nhân khiến một số diện tích rừng tự nhiên bị mất, đe dọa trực tiếp đến môi trường sinh thái. Nếu sau này nông dân muốn bỏ sắn để quay về trồng cây khác sẽ rất khó khăn. Do vậy ngành nông nghiệp cần khuyến cáo bà con nông dân chỉ nên trồng sắn với diện tích theo quy hoạch của từng vùng, từng nơi thích hợp.
Diện tích trồng sắn tại Đắk Lắk mở rộng đã thúc đẩy 4 nhà máy chế biến tinh bột sắn ra đời. Tổng công suất của 4 nhà máy là 86.000 tấn tinh bột/năm, nhu cầu lượng sắn nguyên liệu hàng năm lên tới 300.000 – 350.000 tấn. Do vậy, sắn của người dân Đắk Lắk làm ra đến đâu được các nhà máy thu mua hết đến đó. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, nếu phát triển cây nguyên liệu sắn trên diện tích lớn sẽ là tác nhân gây nên tình trạng sa mạc hóa tài nguyên đất, xói mòn, lũ lụt cục bộ làm ảnh hưởng đến môi trường. Rễ sắn lấy các chất hữu cơ trong đất và thải ra một loại a-xít có hại cho cây trồng, đồng thời làm chai cứng nền đất, hủy diệt các loại vi sinh vật có lợi. Nếu canh tác liên tục thì sau đó cây sắn sẽ bị giảm năng suất nghiêm trọng. Bên cạnh đó, hầu hết các nhà máy chế biến tinh bột sắn đều tồn tại vấn đề “nhạy cảm” về ô nhiễm môi trường. Chính vì phát triển ồ ạt cây sắn dẫn đến hậu quả không tốt nên các bộ, ngành và địa phương khuyến cáo hạn chế tối đa mở rộng diện tích trồng sắn.
MUA GÌ? |
Thanh Hóa: Mưa rét, ẩm ướt kéo dài, giá rau xanh tăng mạnh
Bà con xã Hoằng Hợp (Hoằng Hóa) cho biết: Giá rau tăng 8 – 10 lần so với thời gian sau Tết Nguyên đán. Nếu cách đây hơn 1 tháng, bà con phải bán tại ruộng với giá 200 - 300 đồng/bó rau mùi, thì là; 500 đồng/kg su su; 500 đồng/bó mồng tơi, cải cúc; 1.000 - 2.000 đồng/cái bắp cải; 2.000 đồng/kg xà lách... thì nay các loại rau gia vị như mùi, thì là, mùi tàu bán với giá 2.000 đồng/bó; rau muống 3.000 đồng/bó; mồng tơi, rau ngót, cải cúc 4.000 - 5.000 đồng/bó; cải ngọt, rau cần 2.500 - 3.000 đồng/bó; bắp cải 8.000 - 10.000 đồng/cái, su su 10.000 đồng/kg... Tại một số chợ trên địa bàn Thanh Hóa, giá rau xanh cũng tăng mạnh. Cụ thể: Cà chua 15.000 đồng/kg; su su 13.000 - 15.000 đồng/kg, bắp cải 13.000 - 15.000 đồng/cái; rau muống 5.000 - 7.000 đồng/bó; xà lách 30.000 đồng/kg; các loại rau mồng tơi, rau ngót, cải sen, cải chíp 5.000 - 6.000 đồng/bó...
Nguyên nhân giá rau tăng cao là do thời tiết diễn biến xấu, mưa rét kéo dài làm rau chậm phát triển và chết nhiều. Mặt khác do thời gian sau Tết, giá rau “rẻ như bèo”, nhiều hộ nông dân đã dọn ruộng, nhổ bỏ hết rau màu để trồng vụ mới, một số hộ khác bỏ ruộng nên diện tích gieo trồng và sản lượng rau giảm đáng kể. Vì cung không đủ cầu khiến rau tăng giá mạnh. Hơn nữa, giá rau tăng cao còn có nguyên nhân do các tiểu thương đồng loạt đẩy giá rau ở chợ tăng lên nhiều so với giá rau mua từ người nông dân. Theo nhận định của bà con nông dân và các tiểu thương, thời gian tới giá rau vẫn tiếp tục tăng, chỉ khi nào thời tiết nắng ấm thì mới có thể “hạ nhiệt”.
Tiền Giang: Dừa khô khan hàng, tăng giá
Theo các nhà vườn ở các huyện Gò Công Tây, Chợ Gạo và Tân Phú Đông, hiện thương lái thu mua dừa với giá từ 100.000 đến 110.000 đồng/chục (một chục bằng 14 trái, có nơi 12 trái), tăng 20.000 đồng/chục so với trước. Tuy giá dừa tăng cao nhưng nhà vườn không có dừa để bán. Nguyên nhân, dừa đang ở thời kỳ “treo” và năng suất các vườn dừa đều giảm bởi nông dân không chăm sóc dừa ở thời điểm giá dừa rớt. Mặt khác, trong thời gian dừa khô giảm giá mạnh, nông dân chuyển sang bán dừa tươi uống nước dẫn đến không có dừa khô trong thời điểm hiện tại. Do dừa khô đang hút hàng, sản lượng cung cấp cho thị trường hạn chế, nên mỗi ngày các thương lái trong và ngoài tỉnh đều đến các vườn dừa mua dừa, dẫn đến giá dừa tăng cao theo từng ngày. Tại các huyện phía Đông của tỉnh Tiền Giang, nơi có diện tích trồng dừa tập trung lớn nhất tỉnh, đang bước vào mùa khô hạn, khả năng đậu trái của dừa trong giai đoạn này giảm đáng kể, nên tình trạng khan hiếm dừa khô cung cấp cho thị trường sẽ còn kéo dài ít nhất khoảng 3 - 4 tháng nữa. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh hiện có khoảng 14.500 héc-ta trồng dừa, sản lượng dừa cung cấp cho thị trường hàng năm khoảng 95.000 tấn. Hiện nhiều nhà vườn ở Tiền Giang đang áp dụng mô hình trồng xen ca cao trong vườn dừa cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/héc-ta/năm.
Đắk Lắk: Trồng bí đỏ thu lợi nhuận cao
So với nhiều cây trồng khác, bí đỏ dễ trồng, dễ chăm sóc, không tốn nhiều công lao động; chi phí đầu tư giống, phân bón không cao, chủ yếu dùng phân chuồng đã ủ hoại mục. Tại xã Ea Sar (huyện Ea Kar), nhiều hộ đã bỏ mấy héc-ta mía để chuyển sang trồng bí đỏ. Chị Phạm Thị Nguyệt (thôn 1) cho biết: Mỗi héc-ta bí có thể cho năng suất từ 25 - 30 tấn, với giá thương lái thu mua tại ruộng hiện nay 7.000 - 8.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi trên 50 triệu đồng/héc-ta. Bà con huyện Krông Bông cũng đã đầu tư kinh phí mua sắm máy bơm, ống tưới để trồng bí đỏ vụ 3 (từ tháng 10 hoặc 11 hàng năm), đưa diện tích bí đỏ toàn huyện lên hơn 20 héc-ta. Bà con không lo đầu ra vì cứ đến mùa thu hoạch là thương lái đến tận ruộng thu mua với giá khoảng 5.000 đồng/kg, mỗi sào bí đỏ mang lại lợi nhuận khoảng 3 - 4 triệu đồng. Đây là khoản thu nhập không nhỏ đối với bà con nông dân ở vùng đất thường xuyên đối mặt với hạn hán.
Sóc Trăng
Mặt hàng | Giá mua của thương lái (đồng/kg) | Giá bán tại chợ (đồng/kg) |
Lúa khô ST 5 | 6.800 | 7.300 |
Lúa khô OM 4900 | 5.900 | 6.300 |
Lúa khô OM 6976 | 5.200 | 5.700 |
Lúa tươi ST5 | 5.750 | 5.950 |
Lúa tươi OM 4900 | 5.000 | 6.000 |
Lúa tươi OM 6976 | 4.700 | 4.900 |
Gạo ST 5 | 11.000 | 12.500 |
Gạo thơm nhẹ | 10.000 | 11.500 |
Gạo thường | 9.000 | 10.500 |
Đắk Lắk
Mặt hàng |
Giá (đồng/kg) |
Cà phê nhân xô | 39.600 |
R2B (R2, S13, 5%) | 39.600 |
R1C (R1, S16, 2%) | 40.700 |
R1A (R1, S18, 2%) | 40.900 |
Ca cao hạt | 55.000 |
Sắn tươi | 1.600 |
Sắn lát khô | 4.000 |
Tây Ninh
Mặt hàng |
Giá (đồng/kg) |
Tiêu hạt (loại 1) |
180.000 |
Đậu phộng nhân |
32.000 |
Đậu xanh (có vỏ) |
36.000 |
Đậu xanh (không vỏ) |
39.000 |
Sắn tươi |
2.400 |
Dưa leo |
10.000 |
Bí xanh loại 1 |
7.000 |
Bắp cải |
9.000 |
Cà chua |
8.000 |
Cà rốt Đà Lạt |
17.000 |
BÁN GÌ? |
Trà Vinh: Đậu phộng mất mùa, mất giá
Vùng chuyên canh đậu phộng từ lâu đời của tỉnh Trà Vinh với diện tích hơn 4.000 héc-ta tập trung chủ yếu ở huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, TP. Trà Vinh… năm nay thất thu do vừa mất mùa, mất giá. Năm nay, hầu hết các vùng trồng đậu phộng năng suất giảm khoảng 30% do thời tiết không thuận lợi.
Thời điểm này, người dân tỉnh Trà Vinh đang vào vụ thu hoạch rộ đậu phộng. Tuy nhiên, giá đậu phộng chỉ còn 8.000 đồng/kg, giảm 4.000 đồng/kg so với thời điểm năm ngoái. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, toàn tỉnh hiện có hơn 4.000 héc-ta diện tích trồng đậu phộng, tập trung chủ yếu ở các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải. Một nông dân trồng đậu phộng ở huyện Cầu Ngang - địa phương có diện tích trồng đậu phộng lớn nhất tỉnh Trà Vinh, vụ này thời tiết không mấy thuận lợi nên tổng vốn đầu tư cho 1 héc-ta đậu phộng có thể lên tới 55 - 60 triệu đồng. Với năng suất bình quân 7 tấn/héc-ta và với giá bán ra như trên, trừ tất cả chi phí thì nông dân không có lời. Do vậy, những hộ dân đã vay tiền ngân hàng và thuê đất trồng đậu phộng như đang “ngồi trên đống lửa” bởi sản phẩm đã đến kỳ thu hoạch nhưng giá giảm. Các thương lái thu mua còn cho biết, vài ngày tới, giá đậu phộng sẽ tiếp tục giảm. Nguyên nhân khiến đậu phộng năm nay mất mùa do thời tiết không thuận lợi và giá cả giảm là do xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, thị trường trong nước cũng tiêu thụ chậm trong khi diện tích đậu phộng tăng dẫn đến cung vượt cầu.
Khánh Hòa: Bội thu rau câu
Tại xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, mấy ngày gần đây trên biển đã xuất hiện rau câu. Các nông dân đã nhanh chóng chớp thời cơ thu hoạch và đã bội thu mùa rau câu. Khoảng 2 năm trở lại đây, rau câu xuất hiện trở lại và bà con có thể thu hoạch hàng chục ki-lô-gam mỗi ngày. Giá bán ước chừng khoảng trên dưới 5.000 đồng/kg rau câu chỉ khô và 7.000 đồng loại rau câu cước. Dọc theo xã Cam Hải Tây hiện có gần 10 hộ dân thu hoạch rau câu và bán ngay cho các thương lái.
Bình Định - Quảng Nam: Dưa hấu được mùa, rớt giá
Vụ đông xuân năm nay, nông dân các huyện Tuy Phước, Vân Canh, Tây Sơn, Phù Mỹ (Bình Định) đã chuyển đổi hơn 3.000 héc-ta đất sản xuất lúa và hoa màu hiệu quả thấp sang trồng dưa hấu. Hiện nay, bà con đang vào chính vụ thu hoạch dưa hấu, với năng suất dưa đạt trung bình từ 20 - 25 tấn/héc-ta. Tuy nhiên, giá dưa hiện ở mức thấp so với trung bình các năm trước, tại ruộng được thương lái thu mua bình quân 4.000 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ các năm trước từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Do đó, nhiều hộ trồng dưa bị thua lỗ. Tại Quảng Nam, 3 tuần nay, bà con nông dân vừa hái vừa mong giá tăng từng ngày. Tuy nhiên, khi thu hoạch dưa xong, các thương lái đưa xe đến để nhập dưa với giá bán sỉ chỉ có 2.000 - 2.500 đồng/kg. Như vậy, giá dưa năm nay chỉ bằng 1/3 giá dưa vụ trước. Với giá này, người trồng dưa chỉ mới đủ tiền thuê đất, mua giống, phân bón, trả tiền nhân công chứ không có lãi. Giá thấp là vậy nhưng bà con vẫn phải bán cho thương lái bởi thời tiết nắng mưa thất thường nên dưa có dấu hiệu thối.
Hải Dương: Giá thu mua hành tái giảm gần một nửa
Kinh Môn (Hải Dương) là huyện có truyền thống trồng hành lấy củ vụ đông, hầu hết bà con đều có kinh nghiệm cất trữ, bảo quản hành củ. Tuy nhiên, do trời nồm ẩm liên tục, kéo dài cả tháng đã khiến việc cất trữ và bảo quản hành vô cùng khó khăn.
Vì thời tiết không thuận, lượng hành thu về quá lớn mà địa phương đều không có máy sấy để hong khô sản phẩm nên nông dân đều phải đồng loạt bán hành tái với giá thành chỉ bằng một nửa so với bán hành tươi. Thời điểm đầu tháng 3 thương lái chỉ thu mua từ 5.000 - 6.000 đồng/kg hành củ tái, giảm khoảng 40 - 50% so với trước đây. Do đó, mỗi sào hành dù có thu được xấp xỉ hàng tấn củ cũng chỉ bán được từ 4,5 - 5,5 triệu đồng. Tính ra, hiệu quả kinh tế thấp hơn gần một nửa so với hành tươi. Một nông dân thôn Trần Xá cho biết, vụ đông năm 2013 gia đình anh trồng được 4 sào hành, cho thu hoạch xấp xỉ 3,5 tấn, năng suất có thể nói là bội thu. Nhưng đến nay, anh cũng đã phải bán nhanh 2 sào hành, chỉ để lại một nửa để tiếp tục bảo quản cất trữ, dù biết giá thành hành củ hiện tại rất rẻ. Bởi không bán thì lấy đâu ra chỗ cất trữ và hong phơi khi thời tiết cứ ẩm ướt kéo dài. Những hộ trồng nhiều, thu hoạch được cả hàng chục tấn hành cũng phải bán tống bán tháo với giá rẻ còn hơn là để lại thì hỏng hết.
LƯU Ý, CẢNH BÁO |
Trái cây Trung Quốc át trái cây nội địa
Gần đây người tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh khá hoang mang trước việc có nhiều điểm bán dưa lê với giá rất rẻ ngoài lề đường. Loại dưa này có đặc điểm là ăn rất ngọt và để được rất lâu, giá khoảng 6.000 - 10.000 đồng/kg. Khi khách hàng hỏi nguồn gốc, người bán đều trả lời là dưa Tây Ninh, Vũng Tàu..., đang rộ mùa nên rất rẻ. Các thương lái kinh doanh trái cây khẳng định hiện đang rộ mùa dưa lê nên hàng về địa bàn TP. Hồ Chí Minh rất nhiều. Có đủ các nguồn từ miền Tây, miền Đông nhưng số lượng dưa lê Trung Quốc cũng hùng hậu không kém. Điều đáng nói là dưa lê trong nước phải cạnh tranh rất chật vật với dưa Trung Quốc. Vì giá cả không chênh lệch nhiều nhưng các loại dưa trồng trong nước trái thường nhỏ, xấu và không đều nên khó bán. Trong khi hàng Trung Quốc trái thường to hơn, thậm chí gấp đôi dưa lê trong nước, màu sắc thường rất tươi và bóng mượt, được lựa chọn nhiều để cúng lễ.
Bên cạnh đó, dù giảm nhẹ so với đợt cao điểm Tết Nguyên đán nhưng tại nhiều chợ, con đường ở TP. Hồ Chí Minh, trái cây Trung Quốc vẫn tiếp tục về nhiều với các loại dưa lê, nho, cam, táo, lê... là những mặt hàng “chủ lực”. Táo, lê được các tiểu thương rao từ 50.000 - 60.000 đồng/kg, thậm chí trên trái táo vẫn còn dán tem có chữ Trung Quốc. Giới kinh doanh cho rằng, người tiêu dùng lúc nào cũng thích đẹp, rẻ mà phải ngon. Cam Trung Quốc nhập về chỉ 12.000 - 15.000 đồng/kg, trái to, đều, ngọt mà nhiều nước, trong khi cam miền Tây quả nhỏ lại dày cùi, giá tới 22.000 đồng/kg.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu 2014, Việt Nam đã nhập khẩu trên 21,5 triệu đô-la Mỹ rau quả các loại từ Trung Quốc, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2013. Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Bộ NN & PTNT) cũng cho biết, công tác kiểm tra trái cây nhập khẩu từ đầu năm đến nay vẫn tiến hành bình thường. Quy trình kiểm soát trái cây nhập khẩu của Trung Quốc nói riêng và các nước nói chung thực hiện theo Thông tư số 13 năm 2011 của Bộ NN & PTNT về kiểm soát nông sản nhập khẩu. Tại các cửa khẩu, bên cạnh việc kiểm tra cảm quan còn có kiểm tra bằng các bộ thử nhanh để phát hiện dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật.
Trong khi chờ đợi ngành chức năng có những biện pháp quản lý hữu hiệu hơn thì hiện tại các mặt hàng rau quả, nông sản Trung Quốc vẫn được bày bán công khai tại TP. Hồ Chí Minh cũng như nhiều địa phương trên cả nước. Nắm bắt tâm lý người tiêu dùng chuộng rau quả, nông sản Việt, các loại hàng ngoại nhập, mà chủ yếu là có nguồn gốc từ Trung Quốc, đã được người bán mập mờ giới thiệu là hàng Việt. Theo các chuyên gia, do được dùng nhiều chất kích thích, chất bảo quản, nên hầu hết các loại nông sản, trái cây Trung Quốc có kích thước đều đặn, láng bóng và giữ được rất lâu trong môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, chỉ cần tinh mắt một chút, bằng cảm quan, người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận ra đâu là rau quả Trung Quốc, đâu là hàng Việt Nam. Chẳng hạn, khoai tây Đà Lạt vỏ mỏng, dễ bị tróc vỏ, ruột vàng, mắt khoai nhỏ, trong khi khoai tây Trung Quốc củ to, mắt to, vỏ dày hơn. Tỏi Việt Nam vẻ ngoài không đồng đều, các tép tỏi nhỏ, khó bóc vỏ còn tỏi Trung Quốc tròn, to, mỡ màng, dễ bóc vỏ, nhưng không thơm nồng như hàng trong nước. Bí đỏ Trung Quốc thường có kích thước gấp đôi, gấp 3 bí ta, quả dài, bóng và đẹp hơn. Nho Trung Quốc to tròn, có lớp vỏ màu nhạt, ăn vị chua, mềm, bở và nhiều hạt. Nho Ninh Thuận quả nhỏ, chùm ngắn, màu xanh tươi… |
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG |
Ninh Thuận: Rong sụn được mùa, trúng giá
Vụ đông xuân năm nay, nông dân huyện Ninh Hải nuôi thả 33,5 héc-ta rong sụn (tăng 5,3 héc-ta so với cùng kỳ năm trước), tập trung ở 2 xã Thanh Hải và Tri Hải. Trên 10 héc-ta đã thu hoạch cho sản lượng 240 tấn, tăng 10 tấn so với cùng kỳ năm trước. Với giá bán bình quân từ 3.800 - 4.200 đồng/kg rong tươi, 26.000 - 28.000 đồng/kg rong khô (cao gấp rưỡi so với trước) người trồng rong sụn trên địa bàn huyện đang hết sức phấn khởi. Có gia đình nuôi thả 120 kg rong sụn theo hình thức dây đơn trên đáy, vừa trồng vừa cắt tỉa nhân giống, cuối vụ thu hoạch 5 sào, đạt trên 10 tấn rong tươi. Với giá bán bình quân 4.000 đồng/kg, trừ chi phí thu lãi trên 30 triệu đồng.
Đà Lạt: Cải thảo khó tiêu thụ
Nhiều vườn cải thảo ở Đà Lạt đang trổ hoa vì qua 4 tháng không bán được dù giá đã xuống dưới 1.000 đồng/kg. Chưa năm nào bắp sú, cải thảo rẻ và khó tiêu thụ như năm nay. Giá các vựa tính chỉ dưới 1.000 đồng/kg không đủ chi phí thu hoạch, vận chuyển. Một hộ trồng cải thảo cho biết, muốn tiêu thụ một vài tấn cải thảo, bắp sú thời điểm này rất khó khăn. Trong khi đó, mỗi đợt cải thảo từ khi trồng cho đến thu hoạch không quá 3 tháng. Nếu trồng đạt, mỗi cây khi cuốn bắp có trọng lượng 1,7 - 2,2kg. Nhưng hiện tại nhiều vườn đã buộc phải chặt phá vườn vì gần 4 tháng không bán được hàng. Nguyên nhân giá rau rẻ là vụ đông xuân hầu hết các tỉnh thành đều trồng. Thị trường tiêu thụ rau Đà Lạt chủ yếu là TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ, nhưng các địa phương này cũng đang dôi thừa nguồn cung tại chỗ.
Dự báo sản lượng tiêu năm nay sẽ giảm
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), kết quả khảo sát tại 4 vùng trồng tiêu trọng điểm (Bình Phước, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk) cho thấy, sản lượng tiêu của Bình Phước giảm khoảng 5.000 tấn, Gia Lai giảm 8.000 tấn, 2 tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk tăng khoảng 4.300 tấn… Do đó, VPA dự báo sản lượng tiêu của Việt Nam năm nay sẽ giảm so với năm trước, với tổng sản lượng ước khoảng 120.000 - 125.000 tấn. Hiện, hầu hết các vườn tiêu đã khai thác 7 - 10 năm, nay đã già cỗi nên năng suất giảm mạnh, trong khi nhu cầu thế giới rất lớn nên giá có thể sẽ tăng trong thời gian tới. Hiện, giá tiêu dao động từ 123.000 - 127.000 đồng/kg, giảm khoảng 40.000 đồng/kg so với cuối vụ 2013.
Bình Thuận: Giá gà và trứng liên tục giảm
Do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm H5N1, người nuôi gà tam hoàng và trứng gà công nghiệp đang chịu cảnh thua lỗ nặng nề khi giá bán ra liên tục giảm sâu dưới giá thành. Theo một số trang trại chăn nuôi gà tại các xã Tân Phúc, Tân Minh (Hàm Tân, Bình Thuận), giá gà tam hoàng hiện xuống còn 24.000 - 25.000 đồng/kg, giảm 13.000 - 14.000 đồng/kg so với thời điểm giữa tháng 2/2014. Giá gà giảm cùng với tiêu thụ chậm, khiến các trang trại gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân thông tin cúm gia cầm liên tiếp bùng phát tại nhiều tỉnh trong thời gian ngắn và mấy ngày gần đây đã xảy ra tại huyện Đức Linh, khiến người tiêu dùng e ngại chuyển sang dùng các loại thực phẩm khác. Tại các chợ trên địa bàn huyện Hàm Tân, giá trứng gà cũng giảm gần một nửa, lượng người mua giảm 2/3 so với khi chưa có thông tin về dịch.
Thu mua thanh long xô tại vườn bị lỗ nặng
Mấy tháng gần đây, nhiều điểm thu mua thanh long xô tại các nhà vườn trong tỉnh bán lại cho doanh nghiệp lớn (ở TP. Phan Thiết, Hàm Thuận Nam) đều bị lỗ nặng, vì không ít loại trái này xuất hiện bệnh nấm kim, không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, giá rớt hơn phân nửa: Mua xô tại gốc 24.000 - 25.000 đồng/kg, khi bán chỉ còn lại 10.000 đồng/kg. Vài chục cơ sở hành nghề này ở các khu vực giáp ranh: TP. Phan Thiết, huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc đã phải nợ lại mỗi nhà vườn 40 - 50 triệu đồng. Theo nhiều chủ vườn kinh nghiệm trồng thanh long VietGAP trong tỉnh, do tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích, tăng trưởng của một số người trồng, nên đã nảy sinh bệnh nấm kim ở quả thanh long, làm loại trái cây này mất giá, chỉ tiêu thụ nội địa. Trong khi các doanh nghiệp của tỉnh lựa chọn thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc rất kỹ: Trái tươi to đẹp, tai xanh, trọng lượng 2 - 3 quả/kg.
CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG |
Hòa Bình: Xây dựng thương hiệu cho ngành chăn nuôi
Theo rà soát, tổng hợp của hệ thống thú y, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hiện có 68 cơ sở chăn nuôi gia cầm quy mô lớn, trong đó có 55 cơ sở chăn nuôi gà thương phẩm sản xuất được khoảng hơn 2 triệu con xuất chuồng/năm, sản lượng thịt hơi gần 5.800 tấn, có 20 trang trại chăn nuôi lợn nái và hậu bị quy mô từ 300 - 3.000 con, cung cấp khoảng 15.000 con lợn giống, 19.100 con lợn hậu bị/năm. Ngoài ra còn có hàng trăm gia trại chăn nuôi trong nông hộ có thể phát triển chăn nuôi một số con nuôi đặc sản như lợn bản địa, don, nhím. Tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh gồm gần 105.000 con trâu, bò, dê, hơn 5,3 triệu con gà, vịt.
Tỉnh Hòa Bình đang tích cực triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả chăn nuôi gia súc, gia cầm, tạo tăng trưởng bền vững. Trong đó, chú trọng vấn đề quản lý con giống, cải tiến phương thức chăn nuôi và mở rộng hướng sản xuất quy mô trang trại, gia trại. Giải pháp được ngành chăn nuôi tỉnh đẩy mạnh trong khâu quản lý con giống, cụ thể là loại bỏ những con kém chất lượng, tiến hành chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để cải tạo đàn trâu địa phương. Đối với đàn bò, thực hiện cải tạo theo hướng Sind hóa, Zêbu hóa, cải tạo đàn bò thịt địa phương. Năm 2014 và những năm tiếp theo, phát triển nhanh đàn trâu lấy thịt quy mô lớn, tập trung tại các huyện Lạc Sơn, Kim Bôi, Tân Lạc, Cao Phong, Mai Châu, Đà Bắc và đàn bò thịt ở các huyện Tân Lạc, Yên Thủy, Mai Châu, Lạc Thủy, Lạc Sơn, Cao Phong, thành phố Hòa Bình. Cùng với phương thức chăn nuôi bò truyền thống, phân tán, quy mô nhỏ, chăn nuôi của tỉnh từng bước tổ chức theo phương thức nuôi vỗ béo, nuôi thịt có chất lượng cao, phục vụ cho người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh, hướng tới tạo ra thương hiệu trâu, bò thịt.
Năm 2014, các huyện Lương Sơn, Lạc Thủy, Yên Thủy, Kim Bôi tập trung phát triển chăn nuôi lợn theo hướng tập trung, đồng thời duy trì chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ trong các nông hộ. Vấn đề quản lý đàn lợn đực giống trên địa bàn, xây dựng các vùng chăn nuôi lợn ngoại và lợn lai gắn với ổn định, từng bước nâng cao chất lượng đàn lợn nái. Với đàn dê có tổng đàn khoảng 30.000 con, tỉnh đang từng bước hình thành các mô hình chăn nuôi dê, chế biến sản phẩm từ dê để tạo các vùng sản xuất hàng hóa về giống, thức ăn, sữa, thịt dê có giá trị kinh tế cao.
HÀNG THẬT, HÀNG GIẢ |
Nhận biết nước mắm ngon và chất lượng
Thời gian gần đây, trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc, lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt quả tang nhiều vụ sản xuất nước mắm giả. Nguyên liệu để sản xuất rất đơn giản: Chỉ với một chút nước mắm nguyên chất, cộng thêm muối trắng, đường hóa học, hương vị tạo mùi, chất chống thối và nước giếng... Bà con có thể dựa vào những dấu hiệu sau để nhận biết hàng thật - hàng giả.
Về mặt hình thức
Trước hết bà con nên quan sát kỹ nắp chai: Nắp chai của các sản phẩm thật, chính hãng thường khớp với cổ chai, không bị hở, còn nắp chai của sản phẩm giả bị hở do cách đóng chai thủ công. Tiếp theo là quan sát phần vỏ chai: Vỏ chai của sản phẩm giả nhìn rất cũ và đục, thậm chí có dấu hiệu trầy xướt do sử dụng lại vỏ chai của nước mắm thật. Các thông tin được thể hiện trên tem, nhãn sản phẩm thường không được thể hiện rõ ràng, sắc nét, thậm chí thiếu thông tin, khi bóc ra rất dễ dàng. Ở hàng thật, ngày sản xuất và hạn sử dụng thường được dập nổi ở phần trên của thân chai, trong khi với hàng giả, những thông tin này lại chỉ được in trên giấy giới thiệu sản phẩm được dán lên thân chai. Đây là dấu hiện dễ nhận biết nhất của nước mắm giả.
Về mặt cảm quan
Màu sắc, mùi, hương vị của nước mắm giả không hấp dẫn do pha chế thủ công và hàm lượng các chất dinh dưỡng không đảm bảo. Để nhận biết nước mắm ngon, bà con có thể dựa vào 3 yếu tố cơ bản, đó là: Màu sắc, độ đạm và mùi vị của nó.
Màu sắc: Đưa chai mắm và soi ra ngoài ánh sáng, sau đó dốc ngược chai xuống, nếu thấy nước trong thì ổn, nếu thấy có cặn xuất hiện thì tuyệt đối không nên mua.
Nước mắm trong chai màu vàng là loại tốt, các màu khác đều không an toàn. Tuy nhiên, cũng không nên nhầm lẫn giữa “màu khác lạ” và màu vàng của nước mắm bị sẫm lại so với lúc mới mua, vì sau khi dùng một thời gian, màu sắc sẫm đi là dấu hiệu tự nhiên của nước mắm truyền thống.
Độ đạm: Hàm lượng đạm là thông tin phản ánh chất lượng của nước mắm và nó luôn luôn nằm trên bao bì của sản phẩm. Đây cũng là một mẹo nhanh chóng giúp bà con phân biệt nước mắm thật - giả. Một sản phẩm có ghi rõ độ đạm trên nhãn mác chưa hẳn đã là hàng thật, nhưng 1 chai mắm mà ngay đến cả thông số này cũng không có thì chắc chắn là mắm giả hoặc của cơ sở sản xuất kém uy tín. Căn cứ theo Tiêu chuẩn Việt Nam về nước mắm (TCVN 5107:2003) có 4 loại sau: Độ đạm lớn hơn 30No là loại đặc biệt, độ đạm lớn hơn 25No là loại thượng hạng, độ đạm lớn hơn 15No là loại hạng 1, độ đạm lớn hơn 10No là loại hạng 2. Như vậy, độ đạm càng cao thì càng quyết định chất lượng của mắm.
Mùi vị: Sau khi đã kiểm tra chất lượng an toàn của chai nước mắm thông qua cách kiểm tra màu sắc và độ đạm thì bước kế tiếp sẽ là mùi vị. Thông thường, nước mắm ngon thì sẽ mang một mùi vị thơm nhẹ, mặn ngọt hài hoà và bùi bùi. Mùi thơm lừng của mắm sẽ rất đặc trưng, khi nếm mà vị ngọt đậm của nó thấm dần nơi cổ họng và dịu nhẹ thì là mắm ngon. Ngược lại, nếu bà con nếm thử mà thấy mặn chát một cách khó chịu ở đầu lưỡi thì có thể là do độ đạm thấp hoặc sử dụng chất phụ gia không đảm bảo.
Một số lưu ý khác
Ở nước ta, nước mắm được làm từ nhiều loại cá như cá cơm, cá thu, cá linh, cá đối… Theo phương pháp truyền thống, sản xuất nước mắm sẽ được lên men cá, muối và nước trong điều kiện bắt buộc, ngoài ra còn có thêm đường, chất bảo quản và màu tự nhiên. Trên thực tế, độ đạm sẽ quyết định giá thành của chai nước mắm, độ đạm càng cao, giá càng đắt. Do vậy, một số nhà sản xuất cố tình ghi thông tin độ đạm ở góc khuất, khó nhìn hoặc dùng cỡ chữ bé tí, khó đọc. Ngoài ra còn thêm cả những lời quảng cáo “có cánh” như “siêu sạch”, “mắm cốt”, “đặc sản vùng…” để nhằm mục đích “mập mờ đánh lận con đen”. Chính vì vậy, bà con phải xem kỹ thành phần trên nhãn trước khi bị thu hút bởi bao bì bắt mắt, sặc sỡ...
Thông tin tiếp theo bà con cần quan tâm là tên, địa chỉ của doanh nghiệp, nơi sản xuất... Bà con không nên mua những loại nước mắm trôi nổi, không xuất xứ, tuy giá rẻ hơn, thậm chí chưa bằng 1/2 giá của hãng uy tín nhưng nó lại tiềm tàng nhiều nguy cơ gây hại cho sức khoẻ.
((Thông tin do Báo Công Thương và Cổng TTĐT Ủy ban Dân tộc phối hợp thực hiện))