Thông tin giá cả thị trường tuần từ 29/04/2014 đến 02/05/2014

04:16 PM 30/04/2014 |   Lượt xem: 2428 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Cây cao su trồng ở miền núi phía Bắc: Chưa thể khẳng định chắc chắn về hiệu quả

Theo quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cao su được định hướng trồng tập trung ở 5 vùng chính. Trong đó, các tỉnh vùng Tây Bắc được Chính phủ lưu ý, cần có bước đi phù hợp, không phát triển theo phong trào, phấn đấu đến năm 2020 diện tích cao su toàn vùng đạt khoảng 50.000 héc-ta.

Nhiều bất lợi về thời tiết và địa hình

Tây Bắc là khu vực mới được Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) triển khai trồng cao su từ năm 2007. Sau 6 năm triển khai, tổng diện tích cây cao su ở các tỉnh miền núi phía Bắc đạt hơn 23.000 héc-ta, trong đó chủ yếu là cao su đại điền (22.800 héc-ta). Lai Châu hiện là “thủ phủ” cao su ở miền núi Tây Bắc với diện tích lớn nhất với 9.700 héc-ta, tiếp đến là Sơn La 6.700 héc-ta, Điện Biên 4.380 héc-ta.

Cao su là loại cây công nghiệp nhiệt đới điển hình, “sợ” nhất là bão và rét, chỉ thích nghi sinh trưởng và phát triển ở vùng ít gió bão và nhiệt độ thấp nhất không dưới 16 độ. Chỉ cần gió cấp 10 trở lên là cây ngã đổ, trời rét dưới 16 độ cây sẽ chết. Trong khi Tây Bắc là khu vực chịu nền khí hậu cận nhiệt đới, mùa đông lạnh, nền khí hậu trung bình ở Tây Bắc là 12 độ. Vì thế, cao su bắt đầu được trồng từ năm 2007 ở phía Bắc, các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, tỷ lệ cao su chết dưới 5%. Còn các tỉnh phía Đông Bắc như Phú Thọ, Hà Giang… năm 2009, 2010, tỷ lệ cây chết 95%, vì vùng này mùa đông có nhiệt độ tối thấp.

Còn về độ cao, Tây Bắc độ dốc cao, không ít nơi cây cao su vẫn đưa lên trồng ở độ cao trên 600m - 700m, trong khi cao su không thể trồng ở độ cao trên 500m. Nếu trồng ở độ cao hơn sẽ nảy sinh hai khả năng: cây sẽ chết, hoặc là không chết thì thời gian sinh trưởng của cây sẽ kéo dài, bình thường 5 năm đã cho thu hoạch mủ, nhưng ở Tây Bắc phải 7 - 8 năm. Thời gian cạo mủ cả năm bị rút ngắn, năng suất mủ thấp, chi phí cao, hiệu quả kinh tế thấp.

Những khuyến cáo đáng quan tâm

Mục đích trồng cao su ở Tây Bắc là muốn giúp dân xóa đói giảm nghèo, tăng sản lượng cao su và tăng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Chuyên đề Dân tộc Thiểu số & Miền núi - Báo Công Thương, Ông Trương Xuân Cừ, Phó trưởng ban phụ trách Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho biết, phải năm 2015 khi cho mủ mới đánh giá cây cao su có hiệu quả hay không. Lãnh đạo các ban dân tộc Điện Biên, Lai Châu và Sơn La cũng chung ý kiến như ông Cừ.

Vì thế, tại hội thảo “Phát triển cao su miền núi phía Bắc – thực trạng và giải pháp” do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) tổ chức cuối năm ngoái, nhiều chuyên gia cho rằng, khu vực miền núi phía Bắc có quá nhiều đặc điểm không thuận lợi cho cây cao su phát triển, trong đó nhiệt độ thấp vào mùa đông ảnh hưởng đến sự sống còn diện tích cây trồng mới. Điều kiện này cũng gây ảnh hưởng bất lợi đến khả năng sinh trưởng và sản lượng khai thác. Địa hình chia cắt phức tạp, độ dốc lớn sẽ làm tăng chi phí đầu tư, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất cũng như khai thác và ảnh hưởng bất lợi đến chất lượng cây cao su. Ấy là chưa kể đến những bất lợi khác, như mật độ dân số của vùng còn thấp, hiểu biết kỹ thuật về cây cao su của lao động tại chỗ hạn chế… Những diện tích cao su trồng đầu tiên, sớm nhất cũng phải năm 2015 mới cho thu hoạch mủ. Do đó, cho đến bây giờ, liệu cao su ở các tỉnh miền núi phía Bắc có cho mủ, năng suất, chất lượng mủ ra sao vẫn còn là một câu hỏi khó?

Đa phần các chuyên gia cho rằng, khi đang còn quá nhiều câu hỏi xung quanh hiệu quả đầu tư trồng cao su ở các tỉnh miền núi phía Bắc, các địa phương không nên mở rộng diện tích thêm nữa mà chỉ giữ ổn định ở mức như hiện nay, tập trung chăm sóc, khai thác hiệu quả đồng thời ngành chức năng và các địa phương phải sớm tổng kết chương trình khảo nghiệm để có những đánh giá xác thực nhất.

Các chuyên gia khuyến cáo, miền núi phía Bắc cây cao su có thể trồng được ở một số nơi. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả, cần tuân thủ các điều kiện. Thứ nhất, phải có quy hoạch chi tiết và phù hợp cho từng vùng; trước mắt chỉ nên trồng ở vùng có độ cao dưới 600m so với mặt nước biển và độ đốc dưới 30 độ. Thứ hai, tập trung sử dụng các giống có khả năng chịu rét tốt, tiếp tục khảo nghiệm và tuyển chọn trước khi trồng trên diện rộng. Thứ ba, sử dụng loại cây non có tầng lá để giúp cây trồng mới phát triển nhanh hơn, tăng cường khả năng chống chịu của cây. Bộ Nông nghiệp và PTNT rà soát quy hoạch và trình Chính phủ xem xét để có các giải pháp cần thiết. Thứ tư, chính quyền địa phương trước mắt chỉ nên duy trì diện tích hiện có, chưa nên phát triển mạnh cao su tiểu điền.

MUA GÌ?

Lào Cai: Giá dứa tăng trở lại

Sau một thời gian rớt giá mạnh, hơn 2 tuần trở lại đây, giá dứa Mường Khương ở Lào Cai đã tăng trở lại với giá bán bình quân 5.500 đồng/kg, tránh được điệp khúc “được mùa, mất giá”. Một số hộ dân dọc tuyến Quốc lộ 4D (từ xã Bản Phiệt tới xã Bản Lầu) cho biết vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4, mưa nhiều đã ảnh hưởng tới chất lượng quả dứa. Mặt khác, việc cước vận tải tăng cũng tác động không nhỏ tới hoạt động tiêu thụ nông sản này. Do vậy, dứa tồn kho nhiều, nhiều người trồng dứa xã Bản Lầu, huyện Mường Khương đứng ngồi không yên. Tuy nhiên, từ hơn 10 ngày nay, tình hình đã thay đổi. Nhiều xe tải cỡ lớn xếp hàng trên tuyến đường này để thu mua dứa. Cả huyện hiện có gần 1.000 héc-ta dứa, trong đó tập trung chủ yếu ở xã Bản Lầu, với sản lượng 12.000 tấn dứa/năm. Đáng chú ý, trước đây, khách hàng Trung Quốc chỉ thu mua quả dứa to có trọng lượng từ 0,8kg trở lên. Năm nay, họ mua cả những quả có trọng lượng 0,4kg. Vụ dứa năm nay cả xã ước thu khoảng trên 60 tỷ đồng.

Tủa Chùa (Điện Biên): Thiếu rau xanh thời điểm giao mùa

Tổng diện tích đất gieo trồng rau xanh của thị trấn Tủa Chùa và vùng lòng chảo Mường Báng, huyện Tủa Chùa khoảng hơn 11 héc-ta. Nhưng lượng cung ứng rau xanh không đủ đáp ứng nhu cầu người dân. Một số loại rau, như: Rau cải ngồng, cải bắp giá đã tăng khá cao, rau cải bắp thời điểm chính vụ (tháng 12 dương lịch) giá dao động 5.000 đến 6.000 đồng/kg đến nay đã tăng lên 12.000 đồng/kg), trong khi đó các loại rau vụ hè như rau muống, mùng tơi, rau đay khá ít và giá cao. Tình trạng thiếu rau xanh thời điểm giao mùa chủ yếu do tính chất khí hậu đặc thù, nền đất dốc, vào mùa khô các khu vực trồng rau không chủ động được nguồn nước nên buộc phải thu hẹp diện tích; các giống rau gia vị cần nền đất ẩm nên hầu như không thể sinh trưởng, phát triển tại địa phương. Không như vùng lòng chảo Điện Biên hay một số khu vực thuận lợi để trồng rau khác, đến thời điểm này rau vụ hè như rau muống, mùng tơi đã được gieo trồng và cho thu hoạch nhưng tại Tủa Chùa phải đợi đến mùa mưa mới tiến hành trồng được. Năm nay mưa đến sớm hơn nhưng 2 trận mưa đá vừa qua làm thiệt hại 5 héc-ta (hơn 40% diện tích) rau màu, nhiều diện tích rau bắp cải, cà chua đang đến thời điểm thu hoạch bị hỏng đã làm tăng tình trạng thiếu rau xanh trên địa bàn. Tiểu thương phải tăng cường nhập rau từ nơi khác, thêm chi phí về cước vận chuyển nên không tránh khỏi rau tăng giá.

Giá rau củ trong tuần

Tại Thái Nguyên

Mặt hàng Giá (đồng/kg)
Chè xanh búp khô 130.000
Chè cành chất lượng cao 260.000
Chè xanh búp khô (đã sơ chế) 170.000
Bắp cải trắng 9.000
Cà chua 11.000
Khoai tây ta 11.000

 Tại Đắk Lắk

Mặt hàng Giá (đồng/kg)
Cà chua 5.000
Hành tây 10.000
Su hào 18.000
Khoai tây 18.000
Cà rốt 17.000
Bí đỏ 13.000
Cà phê Nhân xô 40.800
Tiêu thủy phần 15% 140.000

Trà Vinh: Giá cá lóc thương phẩm liên tục giảm

Từ đầu tháng 4 đến nay giá cá lóc thương phẩm liên tục giảm và tình trạng cá nuôi bị chết hàng loạt khiến cho hàng trăm hộ nuôi ở Trà Vinh chọn giải pháp “treo ao”. Tại huyện Trà Cú cho biết vụ nuôi các lóc năm 2013 toàn huyện có gần 2.000 hộ thả nuôi trên diện tích hơn 200 héc-ta, nay đã có gần 300 hộ “treo ao” với diện tích khoảng 40 héc-ta mặt nước. Cuối năm 2013, giá cá lóc thương phẩm bắt đầu giảm từ 42.000 đồng/kg xuống còn 36.000 đồng/kg và nay chỉ còn 26.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thành sản xuất 1kg cá lóc thương phẩm bình quân 30.000 đồng, người nuôi hiện phải chịu lỗ từ 4.000 đến 5.000 đồng/kg. Hơn nữa, do việc phát triển diện tích nuôi cá lóc ồ ạt, nông dân chưa nắm bắt tốt quy trình, kỹ thuật nuôi nên thời gian gần đây đã xuất hiện tình trạng cá lóc bị nhiễm bệnh lở loét, đỏ thân, tuột nhớt, xuất huyết… dẫn đến chết hàng loạt, nguy cơ lây lan trên diện rộng. Mặc dù trước đó, các ngành chức năng ở Trà Vinh đã liên tục khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích nuôi cá lóc vì loại thủy sản này chỉ tiêu thụ nội địa, cung sẽ vượt cầu, giá cả sẽ xuống thấp dẫn đến thua lỗ. Để giúp nông dân tận dụng diện tích ao nuôi tái sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo, vận động những hộ có ao nuôi cá lóc không có đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật như không chủ động được nguồn nước, không có ao xả nước thải… nên chuyển sang nuôi tôm càng xanh, cá rô phi đơn tính khi vào mùa mưa sắp tới nhằm ổn định sản xuất, tạo thu nhập.

Bến Tre: Nhà vườn trúng giá chôm chôm nghịch vụ

Nhiều nhà vườn huyện Chợ Lách và Châu Thành, tỉnh Bến Tre đang thu hoạch chôm chôm nghịch vụ, giá bán khá cao. Các vườn chôm chôm xử lý cho trái nghịch vụ bắt đầu thu hoạch cách đây hơn 2 tuần, chôm chôm Java trước đó chỉ 10.000 đồng/kg nhưng hiện đã tăng lên mức 35.000 đồng/kg. Chôm chôm nhãn đầu vụ giá hơn 10.000 đồng/kg và hiện đã ở mức 29.000 đồng/kg. Theo các thương lái, chôm chôm Java có vị ngọt và chua nên được thị trường xuất khẩu ưa chuộng. Chôm chôm nhãn, độ ngọt cao nên chủ yếu tiêu thụ ở thị trường trong nước. Theo tính toán của nhà vườn trồng chôm chôm Java, xử lý chôm chôm cho trái nghịch vụ, chi phí đầu tư cho 1 công đất trung bình khoảng 18 triệu đồng, nếu giá bán giữ ở mức 30.000 đồng/kg nhà vườn được lãi cao.

BÁN GÌ?

Nghiên cứu lập chợ biên giới: Thanh long Bình Thuận thuận lợi trong việc tiêu thụ

Để chủ động trong việc tiêu thụ thanh long cũng như các loại nông sản khác, Sở Công Thương Bình Thuận kiến nghị Bộ Công Thương vận dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi miền núi đầu tư chợ biên giới. Nhất là đối với cặp cửa khẩu biên giới ở Lạng Sơn (Tân Thanh - Pò Chài), Lào Cai (Kim Thành - Hà Khẩu)… nhằm tạo điều kiện thuận lợi đưa hàng tiêu thụ sang Trung Quốc.

Về vấn đề này, Bộ Công Thương vừa cho biết thời gian qua đã chủ trì phối hợp các bộ, ngành và địa phương có liên quan xúc tiến nghiên cứu, xây dựng Đề án “Tổ chức dịch vụ giao nhận vào hệ thống phân phối hàng hóa từ vùng sản xuất đến các khu vực cửa khẩu và xuất sang Trung Quốc”. Đồng thời, trong năm 2014 này, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chủ trì phối hợp nghiên cứu lập “Quy hoạch phát triển kho hàng hóa tại các cửa khẩu khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”. Ngoài ra cũng nghiên cứu, sửa đổi bổ sung về “Quy chế chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu” của Bộ Công Thương, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản sang Trung Quốc.

Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra, cá basa bền vững tại Việt Nam” do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, trong khuôn khổ Chương trình Switch - Asia của EU.
Cơ quan chủ trì thực hiện dự án là Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC). Thông qua dự án, EU sẽ hỗ trợ trực tiếp toàn bộ chuỗi cung ứng cá tra từ khâu ươm, sản xuất thức ăn, nuôi và chế biến của Việt Nam đến các nhà xuất nhập khẩu và người tiêu dùng cuối cùng nói chung, trong đó có EU (hiện EU đang là thị trường lớn nhất của cá tra xuất khẩu Việt Nam). Dự án được thực hiện trong 4 năm từ 2013 - 2017, tập trung nâng cao năng lực, thúc đẩy việc sản xuất có trách nhiệm, giảm thiểu tác động môi trường và giảm chi phí sản xuất, trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các nhà sản xuất quy mô hộ gia đình…

Bà Rịa - Vũng Tàu: Trồng dưa lưới trên cát thu lãi cao

Mặc dù người trồng dưa ở nhiều địa phương bị thua lỗ nhưng những nông dân trồng dưa lưới xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn thu lãi 100 – 150 triệu đồng/héc-ta. Trên thực tế, dưa lưới thích hợp nhất với đất cát bởi chỉ trồng trên đất cát thì những đường lưới mới hiện rõ trên vỏ dưa. Dưa lưới có thể trồng quanh năm, nhưng năng suất, chất lượng cao nhất là mùa khô. Trên thực tế, trồng dưa lưới đòi hỏi phải có kỹ thuật, kinh nghiệm, vốn cao hơn nhiều so với trồng dưa hấu. Ước tính trung bình mỗi héc-ta dưa phải đầu tư từ 100 - 120 triệu đồng để thuê đất, mua giống, phân, thuốc, tiền dầu máy để tưới và lớn nhất là tiền mua tre để làm giàn gác trái lên khỏi mặt đất. Chính vì vậy, hiện nay số hộ trồng dưa lưới cũng như diện tích dưa lưới rất hạn chế. Trong khi đó, ngay từ đầu vụ, thương lái đã đặt vấn đề bao tiêu toàn bộ dưa của nhà vườn.

Giá xoài giảm mạnh

Nông dân ở các vùng trồng xoài lớn thuộc các huyện Định Quan, Vĩnh Cửu, Đồng Nai cho hay, thương lái thu mua tại vườn giảm từ 4.000 – 10.000 đồng/kg. Cụ thể, xoài ba mùa (xoài bưởi) hiện chỉ còn hơn 2.000 đồng/kg, giảm 4.000 đồng/kg so với dịp đầu tháng 4; xoài cát Hòa Lộc còn 12.000 – 13.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg; xoài ăn xanh (xoài Thái) giá còn 14.000 – 15.000 đồng/kg, giảm 8.000 – 10.000 đồng/kg. Theo thương lái, xoài giảm giá sâu là do vào chính vụ thu hoạch, xoài từ miền Tây và các tỉnh, thành khác đưa về khá nhiều, nhiều vùng được mùa xoài nên nguồn cung tạm thời khá dồi dào dẫn đến giá giảm mạnh. Bên cạnh đó, hiện nay xoài ba mùa xuất khẩu sang Trung Quốc rất chậm, giảm đầu ra tương đối khó khăn.

Tại Khánh Hòa, thương lái từ chối thu mua xoài do phí vận chuyển tăng, buôn bán thua lỗ. Mới tuần trước giá xoài canh nông (giống xoài địa phương) được thương lái thu mua 21.000 – 22.000 đồng/kg, nhưng chỉ sau một tuần giá xuống còn có 9.000 - 10.000 đồng/kg. Tại các vựa thu mua xoài lớn tại huyện Cam Lâm, dọc trên tuyến quốc lộ 1A có hàng chục điểm thu mua xoài và hầu hết các vựa thu mua lớn chủ yếu tập trung tại xã Cam Hải Tây và thị trấn Cam Đức. Nguồn xoài tại các nhà vườn tại TP. Cam Ranh và huyện Cam Lâm sau khi được tập kết tại các đầu mối sau đó được xe tải vận chuyển tiêu thụ ở các tỉnh phía Bắc và xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, từ 1/4/2014 do quy định xe phải chở đúng tải trọng nên giá xoài đã bị giảm mạnh do cước vận chuyển tăng thương lái tạm ngừng mua xoài.

LƯU Ý, CẢNH BÁO

Tái cơ cấu cây trồng vùng Tây Bắc: Nên khai thác lợi thế

Cũng như nhiều vùng quê khác trong cả nước, cơ cấu nông nghiệp của vùng trung du miền núi phía Bắc (TDMNPB) cơ bản vẫn tập trung vào những loại cây chủ lực có lợi thế là lúa, ngô, sắn và cây chè.

Các loại cây trồng chủ lực

Lúa gạo

Trong đó sản xuất lúa là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu vì sự an toàn lương thực của toàn vùng. Những năm qua, nhiều loại giống mới phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đã được áp dụng vào sản xuất, như các giống lúa thuần cực ngắn ngày, nhưng cho năng suất, chất lượng gạo khá ngon, chống chịu sâu bệnh. Ngoài ra, các tỉnh TDMNPB còn phát triển nhanh giống lúa chất lượng như Nếp Tú Lệ, Nàng Hương (Yên Bái), nếp Râu, tẻ Già Dui, Khẩu Mang (Hà Giang); Shén Cù (Lào Cai)... Hay các giống lúa chịu hạn như CH207 và CH208 cho các vùng thiếu nước tưới và một số giống lúa cạn thích hợp cho vùng nước trời như các giống lúa lai 2, 3 cho năng suất cao, chất lượng gạo tốt, có thể gieo trồng cả hai vụ trong năm.

Ngô

Xuất phát từ phong tục tập quán địa phương, tỉnh nào cũng trồng ngô, lương thực chính của một số dân tộc vùng cao như H'mông, Dao, Nùng... Sản xuất ngô ở vùng này có thể chia làm hai vùng chính: Vùng ngô Đông Bắc và vùng ngô Tây Bắc. Đặc biệt, những năm qua sản xuất ngô hàng hóa phát triển mạnh ở Điện Biên, Sơn La và Hòa Bình. Ngô vùng này chủ yếu được trồng trên nhóm: Đất phù sa, đất đen nhiệt đới và đất đỏ vàng. Đối với đất phù sa sông suối rất thích hợp cho sản xuất lúa và ngô… Bà con có thể phát triển diện tích ngô trên đất này bằng cách tăng cường sản xuất vụ ngô với các cơ cấu: Lúa xuân - lúa mùa - ngô đông, ngô xuân - lúa mùa - ngô đông hoặc ngô xuân - ngô hè thu. Bà con cũng có thể chuyển diện tích đất ruộng thiếu nước vụ xuân sang trồng vụ ngô xuân nhưng cần chú trọng bón cân đối các nguyên tố N, P, K. Đối với đất nâu đỏ trên đá macma bazơ và trung tính, lượng nước hút ẩm của đất khá cao, độ ẩm cây héo đối với ngô lớn. Do vậy, bà con cần chống xói mòn; che phủ, giữ ẩm đất vào mùa khô; làm đất tối thiểu để bảo vệ kết cấu đất. Đối với đất đỏ vàng trên đá sét và đá biến chất, bà con cần chú ý đến bón phân cân đối đặc biệt là lân, nâng cao hàm lượng hữu cơ bằng các biện pháp như: Che tủ gốc bằng tàn dư thực vật, vùi phụ phẩm nông nghiệp (thân lá ngô vụ trước vùi cho vụ sau) và chống xói mòn rửa trôi. Đối với đất mùn vàng đỏ trên núi, bà con nên hạn chế mở rộng diện tích cây ngô. Ở những diện tích đã và trồng ngô cần chú trọng các biện pháp kỹ thuật: Chống xói mòn, bón phân cân đối đặc biệt chú ý đến nguyên tố P, K. Loại đất này thích hợp cho việc sử dụng theo phương thức nông lâm kết hợp, có thể phát triển cây dược liệu và cây ăn quả ôn đới. Hiện nay, phương thức trồng xen cây họ đậu vào ngô khá phổ biến ở trong vùng, vừa thu được sản phẩm vừa có tác dụng che phủ chống xói mòn, cỏ dại, giữ ẩm và tăng cường chất hữu cơ cho tầng canh tác.

Chè

Trong những năm qua, với lợi thế của vùng, cây chè được phát triển mạnh, hiện chiếm hơn 51% tổng diện tích chè cả nước, với 19 giống chè mới có năng suất, chất lượng đã và đang phổ biến trong sản xuất. Nhờ vậy nhiều địa phương đã hình thành những vùng sản xuất chè lớn như: Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ...

Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp

Mặc dù sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển, nhưng so với mặt bằng chung cả nước, kinh tế toàn vùng TDMNPB vẫn còn nhiều khó khăn. Ngoài chè với diện tích gần 100.000 héc-ta, hằng năm cho sản lượng gần 600.000 tấn (chiếm hơn 51% diện tích và 65% sản lượng chè cả nước), thì các sản phẩm được coi là chủ yếu trong vùng như lúa chỉ chiếm gần 10%, ngô 36%, sắn 15... Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng cao nhất cả nước.


Để bảo đảm an ninh lương thực cho vùng, tạo nguồn thu nhập và lợi ích cho người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản, góp phần xóa đói, giảm nghèo, các ngành chức năng cần phối hợp các tỉnh TDMNPB đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về lượng, chất, mẫu mã sản phẩm của thị trường trong nước và xuất khẩu. Theo đó, phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh tăng năng suất, tăng chất lượng nông sản và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Lựa chọn cây trồng, vật nuôi, dựa trên tiềm năng và lợi thế so sánh của từng tiểu vùng (đồng bằng, trung du, đồi núi), phù hợp với điều kiện của mỗi tiểu vùng phát triển nông sản, đặc sản. Chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tăng tỷ trọng của ngành chăn nuôi, các cây trồng, vật nuôi có giá trị, có lợi thế: Lúa đặc sản, rau, hoa, cây công nghiệp ngắn ngày (chè, cà phê, cây ăn quả, mía), chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đầu tư xây dựng công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản, gắn liền với xây dựng chợ và các trung tâm thương mại, dịch vụ ở nông thôn. 
 

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Khánh Hòa: Tìm giải pháp để gỡ khó cho cả ngư dân và ngân hàng

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa, đến cuối tháng 3/2014, dư nợ cho vay ngư nghiệp đạt 2.449 tỷ đồng, chiếm 9,36% trong tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh. Các ngân hàng thương mại luôn có chính sách khuyến khích cũng như ưu tiên nguồn vốn cho ngư dân vay. Tuy nhiên, dư nợ cho vay chủ yếu tập trung cho vay các doanh nghiệp, hộ thu mua chế biến xuất khẩu (chiếm hơn 92% dư nợ cho vay). Mặc dù cho vay đóng tàu; bổ sung vốn lưu động mua xăng dầu, ngư lưới cụ, máy móc, thiết bị hỗ trợ phục vụ đánh bắt, bảo quản hải sản khai thác tăng dần qua các năm nhưng vẫn còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa trang thiết bị của ngư dân.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, so với số lượng và giá trị tàu đóng mới thì với hơn chục tỷ đồng cho vay đóng tàu, rõ ràng ngư dân vẫn phải tự thân vận động là chính. Theo phản ánh của các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy sản và chủ tàu đánh bắt xa bờ, vốn đầu tư đóng mới tàu công suất lớn rất lớn, từ vài tỷ đồng đến hơn chục tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp khó vay vốn đóng tàu vì ngân hàng thường yêu cầu thế chấp nhà đất. Các chủ tàu mong muốn được vay ưu đãi đến 80% giá trị, thời hạn vay 10 năm, ân hạn 5 năm…

Tuy nhiên, việc các ngân hàng có tâm lý e ngại cho vay đóng tàu đánh bắt xa bờ cũng có nhiều lý do. Bà con ngư dân có nhu cầu vay nhưng vốn tự có thấp hoặc không có, tài sản thế chấp (sở hữu nhà đất) giá trị thấp, không đủ điều kiện để vay vốn. Nơi cư trú của ngư dân đa số là trên địa bàn phường, thị trấn nên không được hưởng ưu đãi theo Nghị định số 41 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong trường hợp phải phát mãi tài sản thế chấp là phương tiện tàu bè, ngân hàng gặp khó khăn trong việc xử lý tài sản thế chấp do tính chất đặc biệt của tài sản, khó quản lý và dễ xuống cấp… Khi xử lý được thì giá trị tài sản còn rất thấp, không đủ thu hồi nợ, dẫn đến khả năng mất vốn. Mặt khác, giá nhiên liệu, chi phí đi biển thường xuyên biến động theo chiều hướng tăng, giá bán hải sản không ổn định sẽ ảnh hưởng đến thu nhập và khả năng trả nợ ngân hàng của ngư dân.

Theo kiến nghị của đại diện UBND tỉnh, Nhà nước cần đứng ra giải quyết mối quan hệ giữa bên đi vay và bên cho vay nhằm gỡ khó cho cả ngư dân và ngân hàng. Để giúp ngư dân bám biển, bám ngư trường dài ngày, các sở, ban, ngành cần đánh giá tổng thể tình hình phát triển ngư nghiệp; kết quả thực hiện chính sách tín dụng và các chính sách khác liên quan đến ngư nghiệp - ngư dân. NHNN Chi nhánh Khánh Hòa cần đề xuất giải pháp phát triển cho vay ngư nghiệp, đảm bảo chính sách vừa hỗ trợ ngư dân, vừa bảo toàn được nguồn vốn ngân hàng. Đối với gói tín dụng (10.000 tỷ đồng) hỗ trợ ngư dân hoán cải tàu cũ, đóng tàu mới công suất lớn, Chi nhánh cần kiến nghị cụ thể với NHNN Việt Nam về tiêu chí cho vay, lãi suất cho vay, mức cho vay…

Quảng Ngãi: Đậu phộng được mùa nhưng khó tiêu thụ

Hiện đang là thời điểm các vùng trồng đậu của tỉnh Quảng Ngãi bước vào mùa thu hoạch rộ. Đậu phộng là loại cây có thể trồng trên đất đồi, đất ruộng, đất bãi ven sông; thời gian thu hoạch ngắn, vốn đầu tư ít và đầu ra tương đối thuận lợi nên nhiều năm qua, bà con nông dân yên tâm mở rộng diện tích.

Tuy nhiên, năm nay đậu phộng trúng mùa, nhưng tâm trạng của người trồng đậu lại không vui do mất giá. Hiện đang là vụ thu hoạch rộ, một ki-lô-gam đậu khô rớt xuống chỉ còn 21.000 đồng, trong khi năm ngoái là 24.000 đồng, năm kia tới 28.000 - 30.000 đồng. Giá 1 lít dầu đậu phộng thành phẩm thương lái chỉ mua từ 60.000 - 65.000 đồng, thay vì 75.000 - 80.000 đồng, thậm chí là 100.000 đồng năm 2011.

Theo bà con nông dân, lâu nay đậu phông bán được giá là nhờ vào thị trường Trung Quốc. Thời gian qua, thông tin dầu ăn được chế biến từ đậu phộng chứa độc tố nấm mốc gây ung thư được phát hiện ở Trung Quốc đã gây ảnh hưởng lớn đến đầu ra của sản phẩm. Thậm chí có thông tin cho rằng, người trồng phun thuốc cỏ cháy, thuốc lưu dẫn diệt cỏ, thuốc thấm trong đất, ngấm vào hạt đậu nên không dám ăn. Trên thực tế, đất trồng đậu phộng là đồi, đất ruộng cao, độ ẩm thấp nên nếu có phun thuốc diệt cỏ, lưu dẫn thì hiệu quả diệt cỏ cũng không cao. Vì thế thông thường bà con rất ít khi sử dụng biện pháp này mà thay vào đó là xới đất diệt cỏ cũng là để đất tới xốp, cây đậu sinh trưởng, phát triển tốt hơn.

Thực tế đã kiểm chứng, không chỉ riêng cây đậu phộng ở Quảng Ngãi, mà rất nhiều loại nông sản đang gặp khó khăn trong tiêu thụ đã cho thấy nhiều vấn đề cần sớm có sự đánh giá, quy hoạch không chỉ tại một địa phương cụ thể. Khi đầu tư phát triển một loại cây ăn quả, hoa màu, hoặc nuôi thủy sản, gia cầm, gia súc nào đó của bà con nông dân vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, phán đoán hoặc theo phong trào, trong khi đầu ra lại chỉ trông chờ gần như duy nhất vào thị trường Trung Quốc. Mà trên thực tế, những thông tin về thị trường Trung Quốc đến với bà con chủ yếu qua thương lái. Do vậy, chỉ cần thị trường có biến động, thương lái không đến nữa là hoàn toàn mất phương hướng, sản phẩm thừa ế, dẫn đến thiệt hại rất lớn.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Chuyển động thị trường Lạch Dù (Phú Quý - Bình Thuận): Cá mú cọp đặc sản rớt giá

Từ Tết Giáp Ngọ đến nay, ở bãi biển Lạch Dù, huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) những hộ nuôi cá mú lồng bè đang gặp khó khăn do giá giảm. Theo các hộ nuôi cho biết, nhiều năm nay, tiểu thương mua tại chỗ giá cá mú cọp loại I (mỗi con nặng 600 gam đến dưới 1 kg) thường ở mức cao 350.000 – 400.000 đồng/kg; nhưng từ trước Tết Giáp Ngọ đến giờ chỉ còn lại 240.000 đồng/kg; cá loại II (1 kg - dưới 2 kg) giá 170.000 – 190.000 đồng/kg; mà họ cũng không muốn mua. Chủ lồng bè cầm cự nuôi thêm chờ giá tăng thì chỉ có lỗ nặng, tốn tiền thức ăn. Với mức giá này, có hộ đã lỗ hàng trăm triệu đồng. Tại các làng bè nuôi cá mú cọp, nhiều ngư dân tháo bè lên bờ, tìm việc khác làm hoặc chuyển sang nuôi một vài loài hải sản đang có giá nhỉnh hơn.

Theo vài tiểu thương mua cá mú ở Phú Quý cho biết, cá mú cọp ở đây chở ra Nha Trang (Khánh Hòa) xuất đi Trung Quốc bằng đường biển nhưng gần 6 tháng qua, phía nước bạn không cho cập tàu nữa, chỉ còn tiêu thụ nội địa ở các thành phố lớn, từ đó giá cá giảm liên tục. Vùng biển vịnh Lạch Dù nước khá sâu, lưu thông với nhau, giàu nguồn thức ăn là các sinh vật phù du, sóng nhẹ, rất thích hợp cho nuôi cá mú lồng bè. Bình quân mỗi năm trước đây làng nổi này xuất bán vài trăm tấn cá mú các loại, cung cấp thị trường trong, ngoài nước (phần lớn xuất sang Trung Quốc), thu về hàng trăm tỷ đông. Đây là nguồn thu lớn trong nuôi trồng hải sản trên biển - lợi thế của đảo Phú Quý. Hiện UBND huyện đang đề xuất các ngành chức năng của tỉnh tăng cường hỗ trợ, xúc tiến thương mại với nhiều đối tác, tìm thêm đầu ra cho nguồn hải sản giá trị thương phẩm cao (ngoài thị trường Trung Quốc), mở hướng ra thị trường đặc sản này. Bên cạnh đó, huyện đảo Phú Quý cũng đang thực hiện các giải pháp hỗ trợ ngư dân nuôi cá mú đỏ đạt tiêu chuẩn loại I xuất khẩu (đang có giá 300.000 – 400.000 đồng/kg); từng bước khôi phục lại nghề truyền thống nuôi các loại cá mú đã đem lại hiệu quả kinh tế không nhỏ cho người dân huyện đảo trong một thời gian dài.
 

Cái Nước (Cà Mau): Hậu quả của nuôi tôm công nghiệp theo phong trào

Theo kế hoạch, năm 2014 huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) sẽ phát triển vùng nuôi tôm công nghiệp 1.100 héc-ta. Tuy nhiên, chỉ mới đến cuối tháng 3, diện tích nuôi tôm công nghiệp của huyện lên đến hơn 1.500 héc-ta, tăng gấp 3 lần so với năm 2013. Hiện nay, nuôi tôm công nghiệp đã trở thành phong trào, lan rộng ở 11/11 xã, thị trấn trong huyện.

Xã Tân Hưng Đông là một trong những địa phương có diện tích tôm nuôi công nghiệp tự phát lớn nhất huyện Cái Nước. Đến thời điểm này, toàn xã có gần 200 héc-ta nuôi tôm công nghiệp ngoài vùng quy hoạch. Đáng chú ý có trên 80% số hộ nuôi tôm công nghiệp tự phát đều nằm trong tình trạng thiếu vốn phải vay ngân hàng; thiếu hiểu biết kỹ thuật phải phó thác cho các cơ sở, đại lý cung ứng tôm giống, thức ăn và thuốc thú y thuỷ sản chỉ vẽ theo kiểu lời ăn lỗ chịu.

Trước hết, kết cấu hạ tầng lưới điện không bảo đảm cung ứng, dẫn đến các trạm biến áp bị sụt tải. Nguồn điện không đáp ứng nhu cầu phục vụ chạy quạt tạo ô-xy cho nuôi tôm. Kế đến là diện tích nuôi tôm công nghiệp tự phát không chỉ phá vỡ quy hoạch sản xuất của huyện, mà nguy hại hơn do cùng một lúc diện tích nuôi tôm tăng cao và phân tán, trong khi hạ tầng thuỷ lợi không bảo đảm nên nguy cơ ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh do hộ nuôi tôm cải tạo xen vét ao đầm đổ thẳng ra sông rạch không qua xử lý.

Từ đầu tháng 4/2014 đến nay, do tác động từ việc Bộ Thương mại Mỹ quyết định mức thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ, thị trường tôm nguyên liệu tại tỉnh Cà Mau, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng nằm trong tình trạng biến động mạnh. Có thời điểm, một số địa phương trong huyện, thương lái ngừng thu mua tôm thẻ chân trắng, không ít hộ nuôi tôm đạt trọng lượng 60 con/kg nhưng không thể lên hầm xuất bán.

Tình hình chung là vậy, nhưng hiện nay, nhiều nơi trong huyện bà con vẫn tiếp tục đào ao mới với hy vọng giá tôm sẽ bình ổn trở lại. Tình trạng sản xuất tự phát, chạy theo phong trào, vì lợi ích trước mắt, không bảo đảm các điều kiện phát triển bền vững là thực trạng đáng báo động.

HÀNG THẬT, HÀNG GIẢ

Nhức nhối thực phẩm giả, kém chất lượng

Bên cạnh các sản phẩm tiêu dùng bị làm giả, thời gian gần đây, quản lý thị trường các tỉnh Tây Bắc đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển và kinh doanh thực phẩm, đồ uống giả, kém chất lượng. Đây là thực tế đáng lo ngại vì về lâu dài, các sản phẩm này ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của đồng bào dân tộc.

Đủ loại thực phẩm giả, chất lượng kém

Sáu tỉnh Tây Bắc (Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Yên Bái, Lào Cai) đến nay vẫn là các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; đồng bào dân tộc chiếm tỷ lệ cao, đời sống bà con rất vất vả với chất lượng sống thấp. Rất nhiều mặt hàng tiêu dùng thông dụng tiêu thụ tại các địa bàn này vẫn phải vận chuyển từ miền xuôi lên, đồng bào các địa phương chưa thể tự sản xuất. Tuy nhiên, với sức mua thấp nên hàng giả, hàng kém chất lượng tiêu thụ với số lượng lớn ở Tây Bắc chủ yếu vẫn là các mặt hàng thực phẩm và đồ uống.

Báo cáo của các chi cục QLTT khu vực Tây Bắc cho thấy, năm 2013, riêng lĩnh vực hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, 6 tỉnh Tây Bắc đã xử lý gần 1.500 vụ. Bao gồm: Lai Châu 83 vụ, Điện Biên 152 vụ, Lào Cai 29 vụ, Yên Bái 207 vụ, Sơn La 636 vụ, Hòa Bình 318 vụ; với tổng số tiền phạt hành chính là hơn 2,2 tỷ đồng; trị giá hàng vi phạm là gần 1,6 tỷ đồng. Đặc biệt, các vụ vi phạm có liên quan tới thực phẩm, đồ uống giả, chất lượng kém tăng cao so với những năm trước, chủng loại hàng hóa đa dạng hơn, khối lượng hàng hóa cũng lớn hơn, thủ đoạn tinh vi hơn.

Trong đó, phải kể đến một số vụ tiêu biểu đã bị bắt giữ và xử lý như: Đội QLTT số 8 (Hòa Bình) phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện doanh nghiệp tư nhân Thúy Thắng kinh doanh hạt giống lúa giả mạo chỉ dẫn địa lý, giả mạo nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ độc quyền. Đội QLTT số 7 (Sơn La) phối hợp với đội cảnh sát giao thông khám xe ô tô biển kiểm soát 88C - 02064 phát hiện 443 kg mì chính giả nhãn bao bì hàng hóa Ajnomoto; Đội QLTT số 3 (Sơn La) phát hiện tại cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh 340 kg cá nục xuất xứ tại Hàn Quốc đã quá hạn sử dụng. Đoàn kiểm tra liên ngành do Chi cục QLTT Yên Bái chủ trì đã phát hiện xe ô tô chở 6.000 lon nước tăng lực đóng chai nhựa hiệu Anh Đô, sử dụng đường Saccarin (loại đường không được phép sử dụng trong nước ngọt)… Tại Lào Cai, Đội QLTT số 2 phối hợp với công an huyện Bát Xát phát hiện 3 chủ hàng kinh doanh 390 bao gạo vi phạm nhãn hiệu hàng hóa; Đội QLTT số 5 phát hiện 2 cơ sở sản xuất mì chính giả nhãn hiệu Ajnomoto, Miwon tại phố Lu, huyện Bảo Thắng; Đội QLTT số 2, số 7 phối hợp với lực lượng công an bắt giữ trên 230 kg xúc xích nhập lậu từ Trung Quốc…

Nhiều khó khăn trong xử lý

Không chỉ khó khăn do nhân lực hạn chế (mỗi đội chỉ 7 – 9 người), QLTT vùng Tây Bắc còn rất vất vả vì địa bàn quản lý rộng, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn. Trong khi đó, trang thiết bị và điều kiện làm việc còn rất thiếu thốn, lạc hậu, các công cụ hỗ trợ và thiết bị phụ trợ chưa được trang bị. Chứng kiến thực tế khi đi công tác cùng Đội QLTT huyện Mai Sơn (Sơn La) khiến chúng tôi không khỏi ngậm ngùi. Được tiếng là đội lớn nhất, nhì Chi cục QLTT Sơn La, nhưng Đội QLTT huyện Mai Sơn mới được trang bị 1 chiếc xe U Oát đã “qua mấy đời chủ”. Vậy nhưng, đội phó Nguyễn Thanh Hải Hậu cho biết: “Như vậy còn khá, vì nhiều đội vẫn sử dụng xe máy của cá nhân để đi công tác”. Điều kiện như vậy quả là không dễ xoay xở khi phương tiện, thiết bị của các đối tượng buôn lậu tốt và hiện đại hơn nhiều.

Bên cạnh đó, do không có điều kiện đào tạo chuyên sâu nên năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của kiểm soát viên ở các đội còn hạn chế, chưa đồng đều. Chính vì vậy, việc chủ động phát hiện, xử lý được các đường dây, ổ nhóm buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu đến nay vẫn chỉ dừng ở mức độ nhỏ, lẻ.

Thực tế, chuyện người bán không biết đó là hàng giả, đồng bào dân tộc không phân biệt được đâu là hàng giả đâu là hàng thật… khá phổ biến ở vùng cao. Tuy nhiên, biết là giả nhưng lại không đơn giản trong khâu xử lý cũng là chuyện khá phổ biến với lực lượng QLTT vùng Tây Bắc. “Nhiều đội chỗ làm việc cũng còn phải ngồi nhờ, nói gì đến kho chuyên dụng để bảo quản tang vật. Chính vì vậy, với những mặt hàng như thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là thực phẩm có nguồn gốc động thực vật ở dạng tươi sống, sơ chế có nguy cơ cao về dịch bệnh…, thu giữ được nhiều cũng là một nỗi khổ với lực lượng QLTT, nhất là quá trình chờ xử lý” – Phó chi cục trưởng QLTT Sơn La - ông Nguyễn Đình Cường cho biết.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng TTĐT Ủy ban Dân tộc phối hợp thực hiện)