Thông tin giá cả thị trường tuần từ 29/09/2014 đến 03/10/2014

1 phút trước |   Lượt xem: 3318 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Tây Nguyên: Canh tác bền vững – giải pháp an toàn cho người trồng tiêu 
 
Những năm qua ở Tây Nguyên, hồ tiêu là mặt hàng có giá trị kinh tế cao, được thị trường trong nước và quốc tế tiêu thụ khá mạnh. Tuy nhiên, việc canh tác hồ tiêu như hiện nay tại đây vẫn mang tính thiếu bền vững, tình trạng vườn cây ít ổn định, dễ bùng phát các loại sâu bệnh nguy hiểm, tuổi thọ vườn cây giảm dần, làm cho năng suất, chất lượng vườn cây nhanh xuống thấp. Chính vì vậy, việc triển khai các dự án, mô hình trồng tiêu bền vững là giải pháp quan trọng trong thời gian tới.

Triển vọng từ các mô hình trồng tiêu bền vững

Nhận biết được điều này, năm 2011 Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cùng với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam đã tiến hành phối hợp với Trung tâm khuyến nông các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng mô hình trình diễn “Trồng và thâm canh cây hồ tiêu” (mô hình thuộc dự án trồng và thâm canh cây hồ tiêu) với  22,6 héc-ta với 8 điểm trình diễn (mỗi tỉnh 2 điểm trình diễn) với 90 hộ tham gia. Các mô hình đều được triển khai trên đất đỏ bazan, địa hình bằng phẳng và được trồng bằng giống tiêu Vĩnh Linh, trong đó, trồng tiêu trên trụ sống chiếm 67,2% (Cư Kuin – Đắk Lắk, huyện Châu Đức - Bà Rịa Vũng Tàu, huyện Hớn Quản - Bình Phước), trồng tiêu trên trụ chết chiếm 32,8% (thị xã Buôn Hồ - Đắk Lắk, Chư Sê - Gia Lai). Sau khi được tập huấn về kỹ thuật, bà con nông dân đều trồng với khoảng cách 2,5 x 2,5m (1.600 trụ/héc-ta) và được chăm sóc theo đúng quy trình tiêu chuẩn ngành của Bộ NN&PTNT, do vậy sau 1 tháng trồng, tỷ lệ cây sống ở các mô hình 96,5% và sau 30 tháng, tỷ lệ cây sống 100%. Các mô hình đều sinh trưởng, phát triển tốt chưa thấy có hiện tượng vàng lá chết chậm và héo chết nhanh. Năng suất ở các mô hình sau 3 năm trồng đạt 1,95 – 2,40 tấn tiêu đen/héc-ta cao hơn sản xuất đại trà 20,2 - 25,0% và lãi thuần các mô hình mang lại cao hơn sản xuất đại trà từ trên 40 triệu đồng/héc-ta đến 53 - 54 triệu đồng/héc-ta. Mô hình tăng thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế, tạo công ăn việc làm, góp phần vào sự phát triển bền vững cây hồ tiêu tại địa phương. Hồ tiêu tại các điểm triển khai mô hình có tỷ lệ sống rất cao và khả năng sinh trưởng, phát triển tốt. 

Để cây tiêu phát triển bền vững

Ông Bùi Văn Khánh – Chủ nhiệm dự án trồng và thâm canh cây hồ tiêu (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên) cho biết: Kinh nghiệm trồng tiêu ở nhiều nơi trên thế giới cho thấy các bệnh sinh ra từ đất khó có thể giải quyết bằng biện pháp hoá học đơn độc mà các kỹ thuật quản lý cây trồng tổng hợp mới đem lại hiệu quả cao. Một trong các kỹ thuật quan trọng để giúp cây hồ tiêu chống đỡ được bệnh tật, giữ được tính bền vững, ổn định của vườn tiêu là áp dụng quy trình kỹ thuật tổng hợp trồng thâm canh cây hồ tiêu theo hướng bền vững: Trồng một số giống tiêu sinh trưởng mạnh, năng suất cao, chất lượng sản phẩm hồ tiêu tốt đồng thời có khả năng kháng được bệnh. Trồng xen cây trụ sống để tạo bóng mát nhất định cho vườn tiêu. Bón phân hữu cơ và chế phẩm sinh học hàng năm cho cây hồ tiêu, hạn chế phân hóa học và bón cân đối, trồng cây che phủ, đào mương thoát nước... Bà con cũng cần lưu ý tuyệt đối không trồng lại tiêu trên vùng đất vừa bị dịch bệnh tấn công vì các mầm mống bệnh hại vẫn còn tồn tại trong đất sẽ dễ dàng bùng phát trở lại. Nếu muốn tiếp tục trồng tiêu trên đất này thì phải thực hiện cải tạo và cách ly bằng cây trồng khác trong vài năm. Vào thời điểm mùa mưa, lượng nước ứ đọng nhiều kết hợp với nguồn nước ngầm dâng cao nên đất dễ bị bí, làm rễ tiêu bị tổn thương, có thể gây chết hàng loạt. Đối với vườn cây bằng phẳng, nước khó thoát thì cần đào các hố, rãnh sâu giữa các hàng để phục vụ việc thoát nước cục bộ. Ngoài nhiệm vụ thoát nước hệ thống mương rãnh trong vườn còn có tác dụng hạn chế được việc lây lan của các mầm bệnh hại.

Ngoài ra việc áp dụng các biện pháp thâm canh theo hướng bền vững và quản lý cây trồng tổng hợp trên vườn tiêu là điều cần thiết để phát triển sản xuất ngành hồ tiêu bền vững ở Tây Nguyên, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm trên đơn vị diện tích, giúp người dân có điều kiện tăng thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế, tạo công ăn việc làm góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững cây hồ tiêu tại địa phương.

MUA GÌ

Nghệ An: Gừng được giá 

Gừng Kỳ Sơn được trồng ở vùng núi cao, khí hậu lạnh, không sử dụng thuốc BTTV cũng như các loại phân bón hóa học nên chất lượng rất tốt, hàm lượng tinh dầu cao. Đồng bào dân tộc Mông ở các xã Na Ngoi, Huồi Tụ, Nậm Cắn, Tây Sơn… của huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đang rất phấn khởi, bởi gừng tươi được giá, lại rất dễ tiêu thụ. Hiện toàn huyện có khoảng 375 héc-ta gừng. Thời điểm này đang là cuối vụ thu hoạch gừng cũ, nguồn hàng không dồi dào nhưng gừng tươi loại 1 (bán tại trung tâm thị trấn Mường Xén) vẫn rất đắt, lên đến 35.000 đồng/kg, chất lượng xấu hơn giá trên dưới 30.000 đồng/kg. HTX Dịch vụ Nông nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn đang mua gừng thu hoạch muộn với giá 34.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, HTX còn liên kết thành công với các đối tác để xuất khẩu gừng ra nước ngoài. 
Ảnh: Đóng gói gừng trước khi tiêu thụ
 
Đà Lạt: Hồng được mùa, rớt giá

Hiện đang là thời điểm trái hồng Đà Lạt (Lâm Đồng), loại trái cây nổi tiếng của Đà Lạt đã được công nhận trái cây đặc sản Việt Nam, bước vào chính vụ. Năm nay loại trái cây đặc sản này được mùa so với một vài năm trước, nhưng tình trạng rớt giá vẫn tiếp diễn. Giá hồng các loại (hồng trứng, hồng vuông, hồng giòn, hồng lốc…) tại vườn hiện dao động từ 4.000 - 8.000 đồng/kg, trong đó hồng trứng láng 7.000 đồng/kg, cá biệt có loại giảm xuống 2.000 đồng/kg so với tháng trước. Trong khi đó, giá hồng giòn tại chợ được bán với giá từ 12.000 - 15.000 đồng/kg, hồng Fuji có giá 25.000 đồng/kg nhưng rất hiếm hàng vì ít người trồng. So với thời điểm đầu vụ một tháng trước, giá các loại hồng giảm khoảng 2.000 đồng/kg.

Một trong những nguyên nhân khiến giá hồng năm sau thấp hơn năm trước được nhiều người trồng cho rằng do trái hồng khi chín rất mau hỏng nếu không kịp chế biến, trong khi Lâm Đồng hiện chưa có nhà máy bảo quản, chế biến hồng khô và các sản phẩm khác mà chỉ có các cơ sở nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ hồng tươi chủ yếu là nội địa và phần lớn cũng chỉ chuộng hồng giòn, hồng ngâm nên sức tiêu thụ hồng chín kém dần. Do giá hồng ngày càng rẻ nên nhiều nhà vườn vừa thu hoạch xong đã chặt cây, chuẩn bị chuyển sang trồng cà phê hay các loại hoa màu khác cho thu nhập cao hơn.
 
Đồng Nai: Giá trứng chim cút giảm mạnh
Gần 1 tháng nay giá trứng cút trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giảm mạnh, chỉ còn từ 2.600 - 2.900 đồng/chục trứng, giảm gần 1.000 đồng chục trứng đã khiến nhiều chủ trang trại chăn nuôi chim cút rơi vào tình trạng thua lỗ nặng. Để duy trì số lượng trang trại chim cút hiện có của địa phương, Hội Nông dân xã Xuân Trường (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) đang tích cực tuyên truyền, vận động nông dân nắm bắt nhu cầu của thị trường để hạn chế và tăng đàn cho phù hợp. Xuân Trường là địa phương có số hộ chăn nuôi chim cút lớn nhất của huyện Xuân Lộc với tổng đàn hơn 450.000 con. Trước tình hình giá trứng cút giảm mạnh, nhiều hộ nuôi cút rơi vào cảnh nợ nần vì phải trả tiền cho chủ đại lý cám để duy trì đàn, trả tiền vay ngân hàng về đầu tư trại...
 
Đồng Tháp: Giá rau màu xuống thấp  

Bà con trồng rau màu thuộc 2 xã Mỹ An Hưng A và Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò lo lắng vì giá rau màu liên tục giảm. Nguyên nhân giảm do lượng hàng cung đang áp đảo nhu cầu của thị trường. Hiện tại, giá khoai môn chỉ còn 7.000 - 8.000 đồng/kg, kiệu 13.000 - 15.000 đồng/kg, bắp non từ 13.000 - 14.000 đồng/kg, rau muống từ 3.000 - 4.000 đồng/kg. Khảo sát tại các cánh đồng rau thuộc khu vực xã Mỹ An Hưng B cho thấy ngoài các loại rau trái vụ như: Mùng tơi, cà chua, mướp ván giữ được giá, các loại rau khác đều sụt giá như rau dền giá 3.000 - 4.000 đồng/kg, cải ngọt từ 3.000 - 3.5000 đồng/kg, xà lách 4.000 - 5.000 đồng/kg, bông súng 7.000 - 8.000 đồng/kg, dưa leo 4.000 - 5.000 đồng/kg. Lý giải việc rau màu đồng loạt giảm giá, một nông dân ngụ ấp An Thuận, xã Mỹ An Hưng B cho biết, do thời gian gần đây con nước thay đổi thất thường, đa số nông dân tranh thủ trồng và thu hoạch trước khi lũ ngập ruộng, nên nguồn rau màu cung ứng cho thị trường dồi dào kéo theo tình trạng cung vượt cầu. Còn theo bà con nông dân thuộc vùng rau màu 2 xã Mỹ An Hưng A và Mỹ An Hưng B thì diện tích rau trồng tại địa phương ngày càng được mở rộng, trong khi nông dân vẫn phải phụ thuộc vào giá cả thương lái đặt ra.   

BÁN GÌ

Xuất khẩu sắn chưa bền vững

Xuất khẩu sắn sang Trung Quốc dù đã nhúc nhích trở lại nhưng các doanh nghiệp đều đánh giá chưa bền vững. Theo thông tin từ Hiệp hội Sắn Việt Nam, các nhà máy sản xuất cồn tại Trung Quốc đã đóng cửa gần 70%, một số còn lại giảm công suất, nhu cầu sắn do đó cũng giảm mạnh. Trong khi đó, nguồn cung sắn từ Thái Lan, Indonesia đang rất tốt do được mùa. Các nước này hiện đang cạnh tranh rất mạnh với Việt Nam trong việc xuất khẩu sắn sang Trung Quốc.

Thời điểm giữa tháng 10 đánh dấu cho khởi điểm thu hoạch sắn ồ ạt ở Thái Lan, tiếp theo đó nửa đầu tháng 11 khu vực miền Đông Nam Bộ của ta cũng bắt đầu thu hoạch. Tháng 12 Tây Nguyên sẽ bắt đầu vào vụ sắn và dự báo sẽ có một vụ khá được mùa. Do vậy, để xuất khẩu sắn tốt từ nay tới cuối năm vẫn là bài toán khó. Để xuất khẩu sắn bền vững, Hiệp hội Sắn Việt Nam đề nghị Nhà nước tiếp tục có chương trình xúc tiến xuất khẩu, trong đó có mặt hàng sắn sang thị trường Trung Quốc nhằm ổn định thị trường xuất khẩu nông sản cho các doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, cần có chính sách về vốn, tài chính ưu đãi với lãi suất thấp cho các doanh nghiệp sản xuất tinh bột sắn trong việc đầu tư vùng nguyên liệu, đầu tư hệ thống xử lý môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm sắn để hướng tới các thị trường khó tính khác…

Đồng Nai: Nông dân lo lắng vì sắn (khoai mì) rớt giá

Hiện nông dân trong tỉnh đang bước vào vụ thu hoạch, song giá khoai mì đang ở mức thấp so với nhiều năm trở lại đây. Cụ thể, khoai mì tươi chở đến tận nơi bán cho các lò chế biến chỉ còn 1.400 đồng/kg, giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Thương lái mua tại vườn chỉ còn 1.000 đồng/kg do chi phí vận chuyển tăng. Mì lát bán được hơn 4.000 đồng/kg nhưng đa số nông dân phải bán củ mì tươi vì thời tiết mưa gió, không thuận lợi cho việc phơi khô. Từ đầu năm đến nay, giá khoai mì liên tục giảm khiến nhiều nông dân lo lắng cho vụ thu hoạch chính năm nay dự kiến vào tháng 11 tới.  Hiện toàn tỉnh có 1.547 héc-ta trồng mì, tăng hơn 700 héc-ta so với năm ngoái.
 
Bình Định: Giá thu mua sắn ổn định

Giá sắn (mì) hiện đang được các thương lái thu mua tại Bình Định là 1.850 đồng/kg. Theo tính toán của nông dân, với mức giá nói trên, mỗi héc-ta sắn có năng suất bình quân trên 20 tấn/héc-ta sẽ có doanh thu trên 37 triệu đồng, sau khi trừ mọi chi phí, người trồng có lãi ròng từ 12 - 15 triệu đồng/héc-ta. Vụ sắn này, bà con đã không lo khâu tiêu thụ bởi Công ty CP Chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Bình Định (BDSTAR). Để hai bên cùng có lợi, BDSTAR đã điều chỉnh các chính sách đầu tư, thu mua nguyên liệu hợp lý, bảo đảm cho nông dân trồng sắn có lãi trên 30%. Đối với các vùng nguyên liệu trọng điểm của nhà máy, BDSTAR hỗ trợ cho nông dân mượn giống và vốn để đầu tư sản xuất; đến kỳ thu hoạch, BDSTAR sẽ bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường tại thời điểm. Công ty cũng đã hợp đồng với các nhà xe vận chuyển sắn nguyên liệu, không để nông dân phải chờ đợi phương tiện vận chuyển sau khi thu hoạch, làm ảnh hưởng đến sản lượng và hàm lượng tinh bột. Sau khi cân nhập vào bãi chứa nguyên liệu của nhà máy, nông dân được thanh toán tiền mặt ngay.
 
Đắk Lắk: Bà con mở rộng diện tích trồng sắn

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có trên 35.000 héc-ta sắn, được trồng tập trung chủ yếu tại các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Bông, Ea Kar… Những năm gần đây, giá sắn củ tuy cao nhưng không ổn định. Tuy nhiên, năm nay giá sắn trên thị trường tăng cao nên bà con nông dân rất phấn khởi. Nhiều hộ đã thu lãi hàng trăm triệu đồng nhờ trồng sắn. Ước tính, nếu giá bán vẫn giữ ở mức cao như hiện nay thì đến cuối năm 2014 này, nhiều hộ sẽ thu lãi cả tỷ đồng. Thời gian gần đây, đã có không ít hộ dân trên địa bàn huyện Ea Súp đã ồ ạt lấn chiếm đất rừng để trồng sắn. Nhiều gia đình còn chuyển đổi một số diện tích đất đã bạc màu, trước đây trồng các loại cây khác ít hiệu quả như cây bông vải, đậu, khoai lang… sang trồng sắn. Không thể phủ nhận rằng cây sắn là loại cây trồng dễ tính, có thể sinh trưởng tốt ở những khu vực có điều kiện thổ nhưỡng khắc nghiệt, thiếu nước mà các loại cây trồng khác không phát triển được. Thế nhưng, diện tích sắn hiện đang tăng nhanh sẽ khiến diện tích loại cây trồng khác lại đang bị thu hẹp lại, rừng và đất rừng cũng bị mất đi. Điều đáng lo ngại là chất lượng sắn thấp, sản lượng không cao, nên việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn, giá cả không ổn định, nông dân dễ bị lỗ.
 
Giá sắn tại một số địa phương trong tuần 

Địa phương

Giá

Đồng Nai

1.400 – 1.500

Bình Định

1.800 – 1.850              

Thừa Thiên Huế

1.700 – 1.850

Đắk Lắk

1.750 – 1.800

 

LƯU Ý CẢNH BÁO

Thu hoạch sắn non Thiệt đơn, thiệt kép
 
Ở phía Bắc nước ta, sắn được trồng chủ yếu ở các khu vực có địa hình trung du và đồi núi, phổ biến tại các tỉnh: Hà Bắc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai... Ở phía Nam Việt Nam, hầu hết sắn được trồng trên đất cát ở vùng duyên hải miền Trung và vùng Đông Nam Bộ, trong đó chiếm ưu thế ở Gia Lai - Kon Tum và Đắk Lắk. Các vùng trồng sắn ở các tỉnh Tây Nguyên có địa hình tương tự nhau. Vùng duyên hải miền Trung và vùng Đông Nam Bộ, sắn được trồng chủ yếu trên đất xám bạc màu, một số ít đất đỏ bazan hoặc đất cát ven biển.
 
Điển hình là ở Thừa Thiên - Huế, đất nghèo chất dinh dưỡng và không thích hợp cho canh tác lúa nên bà con  chuyển sang trồng sắn. Tuy nhiên, cứ vào đầu mùa mưa, ở những vùng thấp trũng, bà con nông dân phải thu hoạch sắn sớm. Việc thu hoạch sắn non làm chất lượng tinh bột giảm, giá thấp đã gây thiệt hại cho bà con nông dân.

Bà con đồng loạt nhổ sắn non

Những ngày này, các vùng thấp trũng, trên cát như Phong Mỹ, Phong An, Phong Hiền (huyện Phong Điền), Quang Lợi, Quảng An (huyện Quảng Điền), bà con đều đồng loạt nhổ sắn bán, do lo ngại những trận mưa lũ đầu mùa gây ngập úng, sắn vàng lá chết, ảnh hưởng chất lượng. Mặc dù còn hơn một tháng nữa mới đến vụ nhổ sắn nhưng nhiều hộ ở vùng thấp trũng đã phải huy động hết nhân công trong nhà để nhổ sắn khiến bà con thiệt đơn, thiệt kép. Theo bà con nông dân, nếu sắn đạt chất lượng, nhà máy thu mua giá bình quân từ 1.700 - 2.000 đồng/kg. Tuy nhiên, việc bà con nông dân nhổ sắn non làm chất lượng tinh bột giảm, sau khi “đo” lượng bột, nhà máy chỉ thu mua với giá 1.600 – 1.650 đồng/kg. Nếu thu hoạch đúng vụ, tính trung bình 1 sào sắn, bà con có thể thu hoạch trên dưới 1 tấn sản phẩm. Với giá bán 2.000 đồng/kg, được gần 2 triệu đồng, trừ mọi chi phí, bà con lãi khoảng 1 triệu đồng. Tuy nhiên, với giá thu mua như hiện nay, bà con hầu như không lời lãi nhiều do sắn nhổ sớm, chất lượng bột giảm, nhà máy mua giá thấp.

Ngày đêm chầu chực bán sắn

Theo thống kê, tỉnh Thừa Thiên - Huế có 7.500 héc-ta sắn nguyên liệu, chủ yếu sử dụng các giống KM94, Ba Trăng. Sản lượng bình quân hàng năm từ 150.000 - 170.000 tấn, doanh thu trên 150 tỷ đồng. Phần lớn vùng sắn nguyên liệu cung cấp cho Nhà máy Tinh bột sắn Thừa Thiên - Huế.

Những ngày qua, trên Quốc lộ 1A, trước nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên - Huế luôn có hàng chục xe tải, công nông chầu chực chờ bán sắn cho nhà máy. Bà con nông dân đang huy động mọi phương tiện để chở sắn đến nhà máy. Thời gian cao điểm, có hàng trăm xe tải, xe công nông đậu ngược xuôi, chen chúc trên quốc lộ trước nhà máy. Tình trạng này diễn ra nhiều ngày đã gây ùn ứ, mất an toàn giao thông; sắn phơi mưa, phơi nắng hư hỏng, làm giảm chất lượng tinh bột, gây thiệt hại cho bà con. Một tài xế xe tải cho biết: “Tui từ xã Quảng Lợi chở 4 tấn sắn về đây đợi gần 2 ngày rồi mà chưa bán được. Đường xa, không lẽ mang về. Sắn phơi mưa, phơi nắng dễ hư hỏng, chất lượng chắc chắn bị giảm”.

Lý giải về tình trạng sắn ứ đọng nhiều, nhà máy thu mua không kịp, đại diện Nhà máy Tinh bột sắn Thừa Thiên - Huế cho biết, thời gian qua, bà con thu hoạch sắn đồng loạt, trong khi đó công suất của nhà máy chỉ 500 tấn/ngày, kho chứa 1.200 tấn mà thôi. Mặc dù nhà máy đã huy động hết nhân lực, vật lực để tăng cường thu mua nhưng vẫn không thể giải phóng được lượng hàng tồn. Năm nay, một số địa phương thu hoạch sắn sớm, chất lượng bột không đạt nhưng nhà máy vẫn tạo điều kiện thu mua, hỗ trợ bà con.

Bản thân huyện Phong Điền cũng đã chỉ đạo nhà máy làm việc với từng địa phương có hợp đồng, lộ trình cụ thể khi nào thu hoạch và ưu tiên cho vùng sắn chạy lũ, nhằm tránh thiệt hại cho người dân. Tuy nhiên, trước mắt, vào những lúc cao điểm nhà máy cần có cơ chế linh hoạt điều động thêm bộ phận thu mua, tăng thêm thời gian làm việc và mở rộng kho chứa nhằm chia sẻ những khó khăn với người trồng sắn. Tất nhiên, công suất của nhà máy không thể nâng lên trong một sớm một chiều, nhưng kho chứa sắn thì nhà máy cần đầu tư mở rộng để đáp ứng nhu cầu, tránh tình trạng xe đậu chờ để bán sắn tràn ra Quốc lộ 1A, mất thời gian của người dân và gây mất an toàn giao thông. 

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Bình Định: Đề nghị tạm ngừng xuất khẩu cá ngừ đại dương
 
Sở NN & PTNT Bình Định vừa đề nghị ngừng xuất khẩu cá ngừ đại dương sang Nhật với lý do để ngư dân hoàn thiện quy trình câu, xử lý, bảo quản cá ngừ theo đúng quy chuẩn của Nhật nhằm nâng cao giá trị, xâm nhập thành công thị trường vốn rất khó tính này.
 
Việc hoãn xuất có thể khiến thất thu hàng ngàn đô-la Mỹ trước mắt, nhưng đây cũng được coi là quyết định đúng đắn để đảm bảo thương hiệu và nâng cao giá trị của sản phẩm đặc thù Việt Nam trong mắt các nhà nhập khẩu Nhật, người tiêu dùng Nhật.

Tháng 6/2014 UBND tỉnh Bình Định đã bàn giao 5 bộ thiết bị câu cá ngừ đại dương nhập từ Nhật trị giá mỗi bộ 200 triệu đồng cho ngư dân để thí điểm công nghệ câu cá ngừ xuất khẩu sang Nhật. Kết quả là, từ ngày 12/8 đến ngày 4/9, ngư dân khai thác được 57 con cá ngừ đại dương, trong đó có chỉ có 9 con đạt chất lượng xuất khẩu sang Nhật. Tuy nhiên, sau khi đấu giá tại Nhật, trong 9 con cá này chỉ 4 con đạt tiêu chuẩn và lọt vào vòng đấu giá cao, các con còn lại chỉ ở mức giá trung bình. Trong 4 con cá lọt vào vòng đấu giá làm gỏi sống, chỉ có 1 con đạt tiêu chuẩn. Mức giá trung bình lô cá ngừ 9 con của Viêt Nam đấu giá tại Nhật là 240.000 đồng/kg, đây là mức giá chưa đạt hạng A theo tiêu chuẩn cá ngừ vào thị trường Nhật. 

Cá ngừ hiện có trong món ăn ưa thích của Nhật Bản như Sushia và Sashimi, tuy nhiên để đạt được đúng tiêu chuẩn chất lượng làm gỏi cá thì ngư dân Việt Nam cần hoàn thiện hơn nữa quy trình, tuân thủ quy định hậu khai thác cá. Nguyên nhân do ngư dân vẫn chưa tuân thủ các quy trình kỹ thuật câu, thời gian xử lý, bảo quản và hướng dẫn theo đúng quy trình mà Nhật Bản yêu cầu nên chất lượng chưa đảm bảo. Các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam về tiêu chuẩn đủ để vào thị trường Nhật nhưng về chất lượng đáp ứng là chưa đủ bởi khâu đánh bắt đã khiến chất lượng thịt cá giảm.

Việc nhập khẩu công nghệ, học hỏi quy trình đánh bắt nhằm xâm nhập vào thị trường Nhật Bản của tỉnh Bình Định đang mở ra cơ hội cho cá ngừ Việt sang thị trường Nhật. Tuy nhiên, trước thực tế người dân chưa thực sự thuần thục khiến giá cá vẫn chỉ ở hạng 2 – 3 khiến thương hiệu và giá trị cá ngừ của Việt Nam không ấn tượng trong mắt các nhà nhập khẩu Nhật. Việc UBND tỉnh Bình Định hoãn xuất khẩu cá là cách rất đúng để đánh giá lại và hoàn thiện hơn nữa quy trình để thực sự tạo dấu ấn khi xuất khẩu sang thị trường này. Cách làm này có thể thiệt chút lợi nhuận trước mắt nhưng về lâu dài, các ngư dân sẽ ý thức được đã khai thác phải xuất được và tham gia vào phân khúc cao.  
 
Quảng Nam: Nói thách và loạn giá ở chợ truyền thống
 
Câu chuyện hét giá trên trời không mới ở các chợ truyền thống ở Quảng Nam, đến mức nhiều khi được người tiêu dùng chấp nhận như điều hiển nhiên trong mua bán. Trong khi đó, việc niêm yết giá đã được pháp luật quy định từ nhiều năm nay và cũng đã được các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc để quản lý. Khi một số đoàn kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá tại các chợ, nhiều tiểu thương đã thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, sau một thời gian thì đâu lại vào đó, giá cả vẫn không được niêm yết trên sản phẩm hoặc không được thông tin bằng bảng giá. Việc loạn giá ở các chợ truyền thống khiến người tiêu dùng e ngại bị chủ cửa hàng la lối vì trả giá thấp. Vì vậy nhiều người thường chọn siêu thị để mua sắm, mặt hàng nào không có trong siêu thị mới mua ở chợ. Trong các cuộc họp, làm việc với bà con tiểu thương, ban quản lý chợ cũng thường xuyên nhắc nhở nhưng vẫn không có nhiều chuyển biến tích cực. Trong khi thực hiện việc niêm yết và bán đúng giá chính là bảo đảm quyền được cung cấp những thông tin cần thiết về hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng.

Hiện nay, việc niêm yết giá tại các chợ trên địa bàn tỉnh rất khó thực hiện một cách đồng bộ, một mặt do thói quen mua bán, mặt khác vì các chợ đều có quy mô nhỏ, giá trị hàng hóa không đáng kể. Nhiều người dân chỉ bán vài bó rau hay mớ cá, ít hoa quả… nên không thể buộc họ niêm yết giá. Nguyên nhân nữa là chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để răn đe việc vi phạm trong khi nhiều đối tượng kinh doanh các loại hàng hóa nhạy cảm như sữa bột, vàng… giá thường xuyên thay đổi và lợi nhuận cao nên người kinh doanh bất chấp quy định của pháp luật. Trong khi đó, theo đánh giá của ngành quản lý thị trường, mức phạt theo quy định hiện nay khá nhẹ so với những tiểu thương kinh doanh hàng hóa có giá trị lớn. 

Để khắc phục tình trạng vi phạm niêm yết giá, chính quyền địa phương các cấp, các ban ngành liên quan cần tích cực phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm thay đổi thói quen và hành vi mua, bán của người tiêu dùng và người kinh doanh. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm đối với những đối tượng kinh doanh vi phạm.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Thừa Thiên – Huế: Nhiều trái cây, rau quả Trung Quốc “đội lốt” hàng trong nước 
 
Tại các chợ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, các loại trái cây Trung Quốc như cam, lê, táo, lựu hồng… vẫn được tiêu thụ khá tốt. Cam Trung Quốc nhập về chỉ 12.000 - 15.000 đồng/kg song trái to, đều, ngọt mà nhiều nước, trong khi cam trong nước quả nhỏ lại dày cùi, giá tới 22.000 đồng/kg; táo Mỹ, New Zealand ở các siêu thị có giá 74.000 - 102.000 đồng/kg, trong khi táo Trung Quốc chỉ dao động từ 20.000 - 25.000 đồng/kg nhưng vẫn tươi, ngọt và quả to... nên luôn thu hút khách.

Tuy nhiên, một thực trạng đáng lo ngại là sau khi nhập các loại trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc ở chợ đầu mối, các tiểu thương bỏ ra vài giờ đồng hồ để bóc lớp bảo vệ bên ngoài và lột nhãn có chữ Trung Quốc biến thành táo, hồng Đà Lạt và nho Ninh Thuận. Trung bình mỗi ngày địa bàn thành phố Huế và các huyện, thị xã tiêu thụ hàng chục tấn trái cây các loại, trong đó lượng trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm trên 30%. Đây thực sự là con số không nhỏ và là mối lo lớn khi các loại trái cây này tiềm ẩn nhiều nguy cơ độc hại. Cũng theo ước tính của giới kinh doanh mỗi ngày, các mặt hàng rau củ ở cửa khẩu Lạng Sơn vào các tỉnh miền Trung chừng 20 tấn, trong đó bỏ hàng ở Huế chiếm trên 40%. Tuy nhiên, bên cạnh các tiểu thương vì hám lợi nên không ngần ngại buôn bán các loại trái cây, rau củ xuất xứ không an toàn thì hiện vẫn có khá nhiều tiểu thương kiên định bán các loại trái cây trong nước dù lãi thấp. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp kiểm tra nhằm bảo vệ sản xuất nông nghiệp trong nước; đảm bảo vệ sinh an toàn sản phẩm, tránh gây hoang mang cho người tiêu dùng.
 
box: Theo các tiểu thương kinh doanh trái câu và rau củ lâu năm ở Huế, một đặc điểm nhận biết khá rõ nét về trái cây, rau củ Trung Quốc đó là do được dùng nhiều chất kích thích nên hầu hết thường có kích thước đều và cùng một kích cỡ. Mặt khác, vì phải tẩm hóa chất để giữ tươi lâu nên hầu hết có độ láng bóng nhiều, thời gian lưu trữ rất lâu, có thể để ở nhiệt độ bình thường bên ngoài từ 3 - 7 ngày mà không bị hỏng. Điển hình như bắp su Việt Nam thì thường còn nguyên lá, phần bông chia không đều, còn hàng Trung Quốc bị cắt hết phần cuống và lá, màu trắng phau, bông cuốn rất chặt; tỏi Trung Quốc có củ và tép lớn, màu trắng và rất dễ lột, trong khi tỏi trong nước củ nhỏ có màu nâu tím; cà rốt Trung Quốc có màu đỏ tươi, to đều, da láng bóng và không dính nhiều đất, còn cà rốt trong nước củ nhỏ, kích thước không đều nhau và còn nguyên phần cuống lá.

Đối với trái cây, táo Trung Quốc có quả thường tròn, màu phấn hồng được bọc trong lưới xốp; cam Trung Quốc lớp vỏ ngoài có độ bóng rất cao và dính, có màu vàng sẫm, loang lổ và trái đều, trong khi cam sành trong nước có màu xanh đậm, da sần và không đều; hồng Đà Lạt có trái nhỏ, cuống tươi và có màu xanh nhạt, khi chín sẽ chuyển sang đỏ đậm, còn hồng Trung Quốc trái to đều nhau, màu xanh đậm và cuống hơi khô…  
 
Tiền Giang: Trồng ca cao xen cây ăn quả đem lại thu nhập lớn 

Đến nay, tỉnh Tiền Giang đã nhân rộng diện tích cây ca cao được trên 2.300 héc-ta, chủ yếu là trồng xen trong vườn dừa và vườn cây ăn trái khác. Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu, nông dân tỉnh Tiền Giang đã trồng được 300 héc-ta cây ca cao hữu cơ với 720 hộ dân, dẫn đầu trong cả nước. Đây là mô hình trồng theo hướng GAP, đảm bảo an toàn sinh học, hạn chế phân thuốc hóa học. Ở thời điểm này, giá ca cao hữu cơ là 70.000 đồng/kg hạt khô, tăng hơn ca cao thường khoảng 7.000 đồng/kg. Tính một năm, trồng cây ca cao xen vườn cây ăn quả nông dân sẽ có nguồn lợi thêm từ 40 - 50 triệu đồng/héc-ta. Hiện tại, nhu cầu thu mua của 4 doanh nghiệp lớn có đại lý tại địa phương này rất lớn nhưng nguồn cung lại rất thiếu. UBND tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt đề án phát triển cây ca cao với diện tích 5.000 héc-ta, trên thực tế phát triển được trên 2.000 héc-ta. Đây cũng là hướng tập trung đầu tư đem lại thu nhập cho bà con nông dân.
 
Vĩnh Thái (Quảng Trị) được mùa biển

Khoảng từ những năm 2008 đến 2013, nghề khai thác ti tan xuất hiện ở xã Vĩnh Thái, nhiều ngư dân đã lần lượt "úp thuyền treo lưới" đi làm công nhân khai thác ti tan để kiếm từ 2 - 3 triệu đồng/tháng. Khi những trảng cát đã cạn kiệt ti tan, các công ty khai thác ti tan rút đi thì những hậu quả để lại cho địa phương rất nặng nề: Những rừng phi lao chắn bão, chắn cát hàng chục năm tuổi bị đốn hạ không thương tiếc, gốc rễ chất thành đống dọc theo những làng chài; nguồn nước ngầm bị sụt giảm nghiêm trọng… Trong khi đó, thu nhập của những người đi làm ti tan thậm chí còn kém nghề biển. Vì vậy, nhiều ngư dân bỏ biển năm nào bây giờ đã sửa sang lại thuyền, đầu tư mua thêm ngư lưới cụ để ra khơi đánh bắt hải sản. Thuận lợi hơn, liên tiếp vài năm trở lại đây nghề biển ở địa phương luôn được mùa nên bà con ngư dân rất phấn khởi. Đặc biệt, trong nửa đầu năm 2014, nhiều ngư dân đã có thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng nhờ tích cực bám biển.  Ngư dân Vĩnh Thái đánh bắt ven bờ nhưng chủ yếu đánh bắt những loại hải sản có giá trị nên thu nhập rất cao và ổn định. 

NÔNG DÂN CẦN BIẾT

Sử dụng phân Văn Điển  trên vùng chè Thái Nguyên 
 
Nhằm giúp bà con giải đáp thắc mắc về các vấn đề thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, khoa học công nghệ, từ số 18 (ra ngày 02/5/2014), Chuyên đề DTTS & MN (Báo Công Thương) mở chuyên mục “Nhà nông cần biết” với sự hợp tác của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao và các doanh nghiệp ngành phân bón, hóa chất, nông nghiệp...

Nhiều hộ gia đình trồng chè ở Thái Nguyên đã sử dụng phân bón đa yếu tố NPK Văn Điển chuyên dùng cho cây chè rất hiệu quả. NPK Văn Điển có đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết nhất là các chất trung và vi lượng mà đất trồng chè đang thiếu hụt. Bón phân Văn Điển để cải tạo đất, giảm lần bón, giảm chi phí thuốc BVTV, chè lên chậm nhưng tốt bền, năng suất cao, khi pha được nước, hương vị đậm, thơm ngon.

Lựa chọn phân bón phù hợp với khí hậu, đất đai và đặc tính của cây đồng thời phải bón đủ số lượng vì chè có năng suất cao, 1 héc-ta thu 2 - 3 tấn búp chè khô mỗi năm, với lượng sinh khối lớn như vậy nên cây chè cần lượng dinh dưỡng rất lớn. Trung bình 2 tấn chè búp khô 1 héc-ta cây chè lấy đi khoảng 80kg N, 40kg P2O5, 30kg K2O, 8kg MgO, 16kg CaO và các chất vi lượng: Zn, B, Mo. Nếu năng suất 3 tấn chè búp khô 1 héc-ta cây chè cần lượng dinh dưỡng tăng gấp trên 2 lần.

Đối với chè giai đoạn kiến thiết cơ bản bón cho 1 sào: Năm thứ nhất bón NPK 8.6.4, 1 năm có 2 lần bón. Tháng 2, tháng 3: Bón 15 - 18kg, trộn đều, bón rạch sâu 6 - 8cm, cách gốc 25 - 30cm, phủ kín phân. Năm thứ 2 dùng NPK Văn Điển 8.6.4, chia làm 2 lần bón: Tháng 2, 3 bón 20 - 25kg, tháng 6, 7 bón 15 - 18kg. Năm thứ 3 bón phân NPK Văn Điển 16.8.8, chia làm 2 lần bón: Tháng 2, 3 bón 15 - 18kg, tháng 6,7 bón 15 -18kg. Bón rạch sâu 6 - 8cm, cách gốc 30 - 40cm, phủ kín phân.

Đối với chè kinh doanh: Sau 3 năm sử dụng phân bón NPK chuyên dùng cho chè, qua thực tế năng suất cao hơn 2 - 3 lần so với phân bón thông thường, khi sao chè ít hao chỉ cần 3,85 - 4,2kg búp tươi cho 1kg búp khô. Dùng loại phân đa yếu tố NPK Văn Điển 16.8.8 hoặc dùng loại NPK 16.8.4. Mức bón: 60 - 80kg/sào 1 năm. Chia làm 2 lần bón: Tháng 3 bón 50% lượng phân; tháng 8, 9 bón hết số phân còn lại.

Cách bón: Bà con xới đất giữa 2 hàng chè, rải đều phân, lấp đất kín hoặc đào hố giữa hàng đối với đất bằng, đất đồi thì đào hố mép chè phía trên ta luy dương, mỗi hốc rộng 15 - 20cm, sâu 20 - 25cm, hốc cách hốc 30 - 40cm, sau đó rải phân rồi lấp đất chặt. Những nơi nào đã sử dụng loại phân trên đủ số lượng và bón đúng cách thì không phải bón thêm một loại phân nào khác mà rất hiệu quả.

HÀNG THẬT - HÀNG GIẢ

Chiêu “biến” đường lậu thành hàng nội 

Điểm nóng nhập lậu đường cát Thái Lan trên dòng sông chung biên giới Việt Nam - Campuchia là sông Bình Di, đoạn từ xã Khánh An đến thị trấn Long Bình và xã Khánh Bình thuộc huyện An Phú. Các đối tượng buôn lậu sử dụng nhiều ghe tải trọng 50 - 100 tấn làm kho “di động” tập kết đường cát Thái Lan nhập lậu neo đậu trên sông Bình Di phía bờ Campuchia, tổ chức sang bao bì ngay trên ghe. Sau đó, dùng xuồng máy và ghe nhỏ chạy tốc độ cao chở hàng vượt sông qua các kho dọc xã Khánh An, Khánh Bình và thị trấn Long Bình, đưa lên xe tải chở về nội địa tiêu thụ.

Thủ đoạn buôn lậu mặt hàng đường cát Thái Lan của các doanh nghiệp có kho hàng ở khu vực biên giới An Giang là mua đường cát bên kia biên giới Campuchia, rồi thay bao bì và sử dụng hóa đơn mua hàng của các nhà máy đường trong nước hoặc chứng từ mua hàng hóa phát mãi (hàng nhập lậu bị bắt tịch thu bán hóa giá) để đối phó, vận chuyển qua biên giới, đưa về nội địa tiêu thụ. Khi bị phát hiện, các doanh nghiệp xuất trình hóa đơn, chứng từ và biện minh rằng mua hàng trong nội địa rồi vận chuyển ra biên giới dự trữ và sau đó chuyển về các tỉnh và thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nhưng các ngành chức năng chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu. Do vậy, hàng ngày, hàng chục xe tải và ghe chở hàng trăm tấn đường cát lậu vẫn tìm cách vượt qua các chốt trạm. Nếu bị bắt, chúng đã chuẩn bị sẵn các hóa đơn của các nhà máy đường trong nước hoặc hồ sơ chứng từ mua hàng hóa của các tỉnh biên giới để đối phó. Các lực lượng chức năng dù biết rất rõ các doanh nghiệp ở khu vực biên giới An Phú vận chuyển đường cát Thái Lan nhập lậu nhưng không thể bắt và xử lý.

(Thông tin do Báo Công thương và Cổng Thông tin UBDT phối hợp thực hiện)