Thông tin giá cả thị trường số ra ngày 12/6/2015

03:24 PM 12/06/2015 |   Lượt xem: 2307 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Còn nhiều bất an với cây sắn

Từ lâu bà con nông dân các dân tộc thiểu số ở miền Nam xem cây khoai mì (sắn) là cây “xóa đói, giảm nghèo” vì dễ trồng, dễ thu hoạch, dễ cất trữ, dễ bán. Tuy nhiên, xung quanh cây lương thực gắn bó bao đời nay luôn xảy ra những chuyện bất an cho người trồng.

Được mùa, mất giá

Dịp này, ở khu vực miền Nam bà con nông dân đã thu hoạch xong niên vụ sắn 2014 - 2015 và đang trồng vụ mới, tuy vậy câu chuyện về củ khoai mì vẫn là vấn đề thời sự do vẫn chưa thoát khỏi tình trạng được mùa mất giá, tư thương mua rẻ, bán khoai non để tái đầu tư và thuế xuất khẩu khoai mì lát sắp được áp dụng.

Lộc Ninh là vùng biên giới của tỉnh Bình Phước giáp với Campuchia, khoai mì là cây kinh tế chủ đạo của vùng này nhưng bà con nông dân đang lo vì khoai mì rớt giá. Ông Hà Hùng, người dân tộc Dao, ở khu kinh tế Hoa Lư, Bình Phước - cho biết, vào vụ chính giá khoai mì bán tại nhà máy 2.050 đồng/kg, riêng bán tại vườn chỉ còn 1.700 đồng/kg. Với giá này người nông dân không có lời, nếu đầu tư không khéo còn bị lỗ vốn.

Tỉnh Bình Phước có 15.785 héc-ta đất trồng khoai mì, sản lượng gần 400.000 tấn. Khoai mì ở Bình Phước được bà con trồng xen với các loại cây công nghiệp như cao su, cà phê, cây ăn trái. Do người trồng khoai mì chưa liên kết, ký hợp đồng với thương nhân, doanh nghiệp nên thương lái khi mua thường bị áp giá rẻ và chuyện này xảy ra như cơm bữa.

Tây Ninh là địa phương có diện tích trồng khoai mì lớn nhất nước nhưng nông dân cứ đến mùa là lo, kể cả những năm được mùa. Ông K’Hùng - người Stiêng, ở thị trấn Bến Cầu (Tây Ninh) cho biết, nông dân trồng khoai mì ở đây luôn phụ thuộc vào thương lái, họ nói bao nhiêu thì người trồng biết bấy nhiêu, thậm chí có mùa khoai mì chất đống mà không bán được do tư thương “làm giá” không mua, chỉ khi nào bán rẻ thì họ mới “ăn hàng”.

Có nên tăng thuế xuất khẩu?

Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, mỗi năm nước ta xuất khẩu sang Trung Quốc 1,5 -2 triệu tấn khoai mì lát, chiếm 90% lượng xuất khẩu. Ông Trần Quốc Ân - Phó giám đốc Công ty XNK Trân Hồng (TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) - cho biết, do một lượng lớn khoai mì xuất đi Trung Quốc dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp xuất khẩu bị lệ thuộc vào thị trường này, trong đó có chuyện thương nhân Trung Quốc áp giá, định đoạt giá bán. “Đã có nhiều mùa vụ thương nhân Trung Quốc đặt hàng mua khoai mì giá cao, đến khi giao hàng thì ép giá, thậm chí không mua gây dồn ứ ở cửa khẩu, dẫn đến thua lỗ nặng” - ông Ân bức xúc.

Chưa hết, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu khoai mì lát ở khu vực miền Nam đang đứng ngồi không yên khi mức thuế xuất khẩu khoai mì lát từ 0% tăng lên 5% và sẽ được áp dụng vào ngày 20/6 tới. Theo tính toán của các doanh nghiệp, mức thuế xuất khẩu khoai mì tăng lên 5%, tương đương 250 đồng/kg thì các doanh nghiệp đầu mối đã thu mua cất trữ trong kho chưa bán được sẽ lỗ. Nếu mức thuế 5% cho khoai mì xuất khẩu được Bộ Tài chính áp dụng, doanh nghiệp thu mua khoai mì xuất khẩu muốn có lãi chắc chắn họ sẽ hạ giá thu mua của nông dân, như vậy người trồng khoai mì sẽ gặp bất lợi khi mức thuế mới được áp dụng.

Để ngành công nghiệp trồng khoai mì đỡ vất vả, nhiều doanh nghiệp đề xuất Bộ Tài chính chưa nên tăng thuế xuất khẩu khoai mì vào lúc này. Nếu có tăng thì chờ hai đến ba vụ tới khi người trồng khoai mì lẫn doanh nghiệp đủ thời gian để tăng năng suất, thu hoạch đúng thời điểm… để bán được giá hơn. Ngoài thuế xuất khẩu tăng, người trồng khoai mì ở miền Nam còn mong có một thị trường thu mua khoai mì sòng phẳng, ổn định, không bị ép giá. Mặt khác người nông dân cần được chuyển giao loại giống khoai mì mới cho năng suất cao, chịu được cả những vùng đất khắc nghiệt và kỹ thuật canh tác phù hợp.

MUA GÌ

An Giang: Lá mối dễ bán, giá cao

Lá mối thuộc loài dây leo, lá màu xanh lục, người dân vùng Bảy Núi (An Giang) còn gọi lá mối là cây sương sâm. Lá mối thường mọc tự nhiên trong rừng, trên núi hoặc các khu vườn hoang dại, nhưng gần đây nhiều người đã sử dụng lá tươi vò nát để làm thạch, coi như một vị thuốc. Từ đó nhiều người đã nhân giống bằng cách ươm hột trồng trong vườn nhà để lấy lá. Tại xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, bà con cho biết cứ 10 ngày hái lá một đợt, mỗi đợt khoảng 50 – 70kg lá. Lá mối tới kỳ thu hoạch sẽ có thương lái đến tận nơi thu mua với giá 50.000 đồng/kg, những lúc hút hàng lên tới 80.000 đồng/kg. Tại những vùng đất núi khô cằn bà con chỉ trồng được một ít loại cây ăn trái như xoài, mãng cầu ta và một vài loại khoai, đậu. Riêng dây mối, nếu trồng đúng kỹ thuật, phân nước đầy đủ, mỗi công có thể thu nhập trên 75 triệu đồng/năm, lãi gấp 3 lần các loại cây ăn trái và gấp 2 lần trồng sắn.

Khánh Hòa: Rơm rạ đắt hàng

Thời tiết nắng nóng kéo dài ở các tỉnh Duyên hải miền Trung trong những ngày qua làm cho nguồn thức ăn của trâu, bò đang dần cạn kiệt, lượng cỏ tươi đang ngày một khan hiếm, trong khi đó rơm rạ trên đồng ruộng đang trở nên đắt hàng. Nhu cầu của người dân cần rất nhiều nhưng rơm lại ít, trung bình mỗi hộ chăn nuôi cần từ 3 – 4 xe rơm/tháng. Một nông dân xã Diên Thạnh, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa cho biết, hơn 1 tháng nay anh đi rong ruổi khắp nơi để thu gom rơm về dự trữ, đã gom được 30 xe rơm rạ. Rơm rạ mua về qua xử lý để trồng nấm rơm, số còn lại bán cho các chủ trang trại chăn nuôi trâu, bò với giá từ 400.000 - 550.000 đồng/xe nhưng không đủ để cung cấp vì nhu cầu đang tăng lên rất nhiều.

Bến Tre: Bưởi da xanh nghịch vụ, giá cao

So với thời điểm này năm trước, hiện giá bưởi da xanh cao hơn khoảng 10.000 đồng/kg. Tại cơ sở Hương Miền Tây, bưởi da xanh loại 1 giá 55.000 đồng/kg, loại 2 giá 46.000 đồng/kg, loại 3 giá 35.000 đồng/kg. Đặc biệt, trong vài tuần nay, có lúc giá lên đến gần 60.000 đồng/kg đối với bưởi loại 1. Bình quân, cơ sở thu mua từ 10 - 20 tấn/ngày. Ngoài thu mua bưởi da xanh, cơ sở Hương Miền Tây cũng thu mua bưởi Năm Roi với giá 25.000 – 29.000 đồng/kg. Đây cũng là mức giá kỷ lục của bưởi Năm Roi so với trước nay. Nguyên nhân giá bưởi tăng cao là do vào mùa nghịch, sản lượng bưởi có giảm so với các thời điểm khác trong năm; thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên, sắp tới đây, giá bưởi da xanh có thể sẽ ổn định trở lại với mức giá từ 40.000 – 50.000 đồng/kg do các vườn bưởi đang chuẩn bị vào đợt thu hoạch rộ. Mặt khác, vụ mùa trái cây đang đến, với giá thấp hơn, do đó trái bưởi cũng phải cạnh tranh về giá để được tiêu thụ với sản lượng tốt nhất.

Tiền Giang: Cây ngò gai bán được giá

Tại xã Tam Hiệp, diện tích đất trồng ngò gai khoảng 150 héc-ta, tập trung nhiều nhất là ấp 3 và ấp 4. Mặc dù cây ngò gai này giá bán thấp hơn giá ngò gai ta từ 7.000 - 8.000 đồng/kg nhưng cho năng suất từ 4,5 - 5 tấn/1.000m2, (hơn ngò gai ta từ 500 kg trở lên/1.000 m2). Trong một tháng trở lại đây, cây ngò gai bắt đầu có giá trở lại. Hiện thời điểm này, ngò gai ta giá dao động từ 21.000 - 22.000 đồng/kg. Còn giống ngò gai khác thì giá khoảng 17.000 - 18.000 đồng/kg. Nhờ đạt về năng suất sản lượng, giá bán lại cao giúp người trồng ngò gai có một vụ thu hoạch bội thu.

BÁN GÌ

Nâng giá sàn xuất khẩu gạo

Từ đầu năm đến nay, giá sàn xuất khẩu gạo liên tục giảm do nhu cầu trên thị trường hiện khá yếu trong khi nguồn cung bắt đầu tăng do sắp vào vụ thu hoạch chính. Do vậy, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã điều chỉnh giá gạo xuất khẩu tăng nhẹ. Theo đó, từ ngày 1/6/2015, giá xuất khẩu tối thiểu đối với gạo trắng 25% tấm là 350 đô-la Mỹ/tấn FOB cảng Việt Nam, đóng bao 50 kg. Chênh lệch giá giữa các loại gạo khác do các thương nhân tính toán và quyết định. Hiện giá gạo xuất khẩu loại gạo 25% tấm của Việt Nam giao dịch khoảng 325 - 335 đô-la Mỹ/tấn, còn gạo 5% tấm đạt khoảng 350 - 360 đô-la Mỹ/tấn. VFA dự báo từ nay đến cuối năm 2015 giá xuất khẩu mặt hàng này có thể còn giảm.

Sóc Trăng: Hành lá bán chạy

Bấp chấp nắng hạn gay gắt, tại các rẫy màu ở huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), không khí mùa vụ rất nhộn nhịp. Vừa thu hoạch xong những líp hành lá, bà con đã tranh thủ làm đất ngay để xuống giống vụ mới. Từ đầu năm đến nay, do thời tiết nắng nóng nên sản lượng hành lá tại hầu hết các địa phương đều giảm mạnh. Trong khi đó thị trường trong nước và đặc biệt thị trường Campuchia đang có nhu cầu cao nên giá hành tăng liên tục. Điều này trái với quy luật hằng năm, hành lá chỉ có giá cao trong mùa mưa do điều kiện canh tác khó khăn (vụ nghịch).

Tháng trước, thương lái chỉ thu mua hành lá với giá trên dưới 8.000 đồng/kg, sau đó tăng dần và hiện tại đang đứng ở mức 13.000 đồng/kg, giá bán tại chợ lên đến 20.000 đồng/kg. Nhờ giá cao, nguồn lợi nhuận của bà con tăng thêm gần 50%. Tính ra mỗi công, người trồng hành lá thu được khoảng 10 triệu đồng sau khoảng 2 tháng. Lợi nhuận cao, nhưng trồng hành khá cực, đa phần mỗi hộ gia đình chỉ làm vài công, nhiều cũng chỉ 1 héc-ta. Tuy nhiên, các ngành chức năng khuyến cáo, người trồng hành nên cảnh giác, không phát triển tràn lan, tránh vượt quá nhu cầu thị trường để rồi lại được mùa mất giá.

Ninh Thuận: Muối tồn kho

Diêm dân tỉnh Ninh Thuận đang vào đợt cao điểm thu hoạch vụ muối chính năm 2015. Tuy nhiên, với giá bán quá thấp và thị trường tiêu thụ ế ẩm như hiện nay, người làm muối gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, giá muối thô tại chân ruộng chỉ còn khoảng 350.000 – 380.000 đồng/tấn, muối trải bạt: 800.000 đồng/tấn, chỉ bằng một nửa so với những năm trước. Với mức giá này, diêm dân chỉ đủ trang trải chi phí nhân công thu hoạch, lỗ chi phí đầu tư.

Trên các cánh đồng muối ở huyện Ninh Hải, “thủ phủ” muối của tỉnh Ninh Thuận, muối chất đống trắng đồng. Theo cánh thương lái, diêm dân Ninh Thuận chủ yếu sản xuất muối bằng kỹ thuật truyền thống. Muối trải bạt ít được quan tâm vì vốn đầu tư cao. Trong khi đó, đa phần cơ sở chế biến muối thu mua muối trải bạt. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến giá muối truyền thống không ổn định, thị trường bị chững lại.

Đà Lạt: Cơn sốt cà chua đen

Từ nửa đầu năm 2014, giống cà chua đen bắt đầu du nhập về Đà Lạt - Lâm Đồng. Một số người mạnh dạn trồng thử nghiệm nhưng với quy mô rất nhỏ, thậm chí thất bại vì không nắm rõ quy trình chăm sóc. Hiện nay, cà chua đen bán tại vườn có giá 50.000 đồng/kg, thậm chí lên tới gần 200.000 đồng khi đến tay người tiêu dùng khiến các nhà vườn hào hứng trồng. Vì số lượng hạn chế, giá cà chua đen trên thị trường hiện khá cao, thậm chí rất khó mua. Do đó, nhiều lúc giá của sản phẩm mới lạ này khi đến tay người tiêu dùng lên tới 150.000 - 200.000 đồng/kg.

Theo kinh nghiệm của các nhà vườn, nên canh tác cà chua đen trong nhà kính, nhưng chi phí đầu tư lớn, trung bình từ 150 - 200 triệu đồng cho 1.000 m2, chưa kể trang bị hệ thống tưới và một lượng phân chuồng khá lớn, cộng với giá hạt giống cao.

LƯU Ý CẢNH BÁO


Tôm nuôi bị dịch bệnh chết trên diện rộng


Tôm là loại thủy sản nhạy cảm với thời tiết và hay phát bệnh khi thời tiết diễn biến bất thường. Đang nắng nóng, đột ngột mưa, làm nhiệt độ thay đổi, tôm cũng có thể chết. Thời tiết cực đoan, nắng hạn gay gắt và kéo dài như năm nay càng làm cho con tôm bị chết nhiều hơn.

Những bất thường về tôm chết trong năm nay

Chuyện tôm chết năm nào cũng diễn ra, nhưng điều bất thường là năm nay tôm bị dịch bệnh chết trên diện rộng, từ Nam ra Bắc. Tại Bạc Liêu trong số gần 3.000 héc-ta nuôi tôm thì diện tích tôm bị chết gây thiệt hại trên 70% chiếm hơn 2.400 héc-ta. Đáng chú ý khu vực miền Trung, tình trạng tôm chết xảy ra ở nhiều địa phương. Tại khu vực từ Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Trị, thời gian vừa qua tình trạng tôm chết chiếm tới 70% diện tích thả nuôi ở nhiều nơi. Nhiều hồ nuôi, tôm bị chết đến 80%, gây thiệt hại hết sức nặng nề cho người nuôi.

Tôm chết ở miền Nam và miền Trung vì nhiều bệnh, có nơi nhiễm virus gây bệnh đốm trắng (WSSV), có nơi xuất hiện những biểu hiện lạ, tôm chết nhưng không nổi lên. Tuy nhiên, phần nhiều là do tôm chết bị bệnh hoại tử gan, tụy cấp.

Ở miền Bắc, chuyện con tôm chết vì nhiễm bệnh cũng xảy ra không ít nơi. Trong đó, đáng chú ý là ở tỉnh Quảng Ninh, dịch bệnh hoại tử gan, tụy cấp tính trên tôm nuôi xảy ra nghiêm trọng tại Móng Cái - thành phố biên giới giáp với Trung Quốc. Năm nay diện tích nuôi tôm ở đây được đẩy mạnh với diện tích nuôi đạt 1.090 héc-ta, với cả ngàn hộ tham gia nuôi tôm. Tuy nhiên, dịch bệnh hoại tử gan, tụy cấp ập đến, gây thiệt hại lớn, đã có 10 phường xảy ra hiện tượng tôm chết với diện tích gần 200 héc-ta và đang diễn biến phức tạp.

Vậy, đây có phải là sự bất thường? Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục thủy sản Việt Nam - Phạm Anh Tuấn cho rằng, đúng là năm nay tôm chết bất thường. Nhiều lý do gây nên sự bất thường này, trong đó chủ yếu vì mấy tháng qua nhiệt độ nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch lớn.

Người dân cần ứng phó thế nào?

Mỗi hồ nuôi tôm bà con đầu tư từ 40 - 70 triệu đồng, tôm chết người nông dân mất trắng, gây thiệt hại lớn. Điều đáng lo, diện tích nuôi tôm ở các địa phương, nhất là duyên hải miền Trung và ở Móng Cái - Quảng Ninh bị bệnh chết hàng loạt, chưa có dấu hiệu dừng lại.

Để ngăn chặn dịch bệnh cho con tôm, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chính thức công bố dịch bệnh Hội chứng bệnh hoại tử gan, tụy cấp tính trên tôm nuôi tại thành phố Móng Cái vào ngày 1/6/2015. Tiếp đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - ông Đặng Huy Hậu cũng đã đến ngay hiện trường vùng tôm bị dịch bệnh, để yêu cầu bằng mọi biện pháp phải xử lý môi trường ao đầm nuôi tôm, kiên quyết đảm bảo nguồn nước đã qua xử lý trước khi xả từ ao đầm nuôi tôm ra ngoài môi trường. Về lâu dài, thành phố Móng Cái phải có chiến lược về vùng nuôi tôm. Ông Hậu cũng khuyến cáo người dân nếu phát hiện dịch bệnh trên tôm nhất quyết không được giấu dịch và tạm dừng thả vụ tôm mới. Đồng thời chỉ đạo Sở NN&PTNT đề xuất với Bộ NN&PTNT cung cấp thêm hóa chất để xử lý dịch bệnh trên tôm cho địa bàn Móng Cái. Với các địa bàn khác, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các địa phương có diện tích nuôi tôm tăng cường công tác kiểm tra giám sát và thực hiện các biện pháp phòng dịch, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, lúc này có nhiều việc phải làm, trong đó việc xả thải nước từ những hồ nuôi tôm bị chết, phải làm triệt để và phải kiểm soát nghiêm ngặt. Tuy nhiên, giải pháp dài hạn quan trọng là hạ tầng nuôi tôm phải coi trọng cải thiện, không nuôi tôm với bất cứ điều kiện nào, khi ao chưa bảo đảm thì chưa nên thả tôm. Đối với những nơi nuôi tôm nhỏ lẻ, cộng đồng người dân cần thống nhất quản lý nguồn nước đưa vào nuôi, cũng như việc xả thải thật chặt chẽ.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Thừa ế nông sản: Địa phương thiếu quyết liệt bảo vệ quy hoạch


Trong những năm qua, cây mía tím giúp người dân ở nhiều địa phương tỉnh Hòa Bình xóa đói giảm nghèo, tạo thu nhập ổn định. Nhưng đến năm nay, đầu ra của cây mía đang bị thu hẹp, giá thu mua rớt từ 5.000 đồng xuống 1.000 đồng/cây, giảm 50 - 60% so với năm ngoái. Nguyên nhân do khi mía tím được giá người dân đã đua nhau mở rộng diện tích dẫn đến tình trạng thừa ế.

Không chỉ riêng cây mía, hầu như các mặt hàng nông sản có giá trị cao ở tỉnh Hòa Bình đều trong tình trạng vượt quy hoạch, trong đó có diện tích cây có múi như cam, bưởi. Vì trồng 1 héc-ta hai loại cây này đều cho thu nhập cao hơn trồng rừng. Hiện, người dân trồng bưởi có thu nhập đạt 300 triệu đồng/héc-ta, với giá bán gần 50.000 đồng/quả. Huyện Tân Lạc được quy hoạch vùng sản xuất trọng điểm trồng cây bưởi. Nghị quyết số 10 năm 2013 của Huyện ủy Tân Lạc nêu rõ đến năm 2015 phấn đấu đạt 200 héc-ta diện tích trồng bưởi da đỏ, da xanh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, diện tích trồng bưởi đã tăng từ 60 héc-ta lên đến 430 héc-ta. Không chỉ cải tạo vườn tạp, đất lúa kém hiệu quả, người dân tự ý chuyển đất rừng trồng cây lâm nghiệp sang trồng cây bưởi, thậm chí có nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh khác về thuê đất để trồng loại cây này.

Thực trạng phá vỡ quy hoạch sản xuất nông sản không chỉ diễn ra ở riêng tỉnh Hòa Bình mà còn ở nhiều địa phương trên cả nước đã và đang gây ra thiệt hại cho bà con từng mùa vụ; đồng thời dẫn đến những tổn thất rất lớn đối với nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, một thực tế đáng lo ngại là cho đến nay, tại nhiều địa phương, việc nắm bắt thông tin về nhu cầu và biến động thị trường rất thiếu chủ động, sâu sát. Chính vì vậy, phần lớn các giải pháp của chính quyền các địa phương mới chỉ dừng ở mức chung chung, không quy được trách nhiệm cụ thể.

Giá cà phê giảm: Nông dân đầu tư cầm chừng cho vụ mới

Hiện, giá cà phê nhân xô trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên giảm xuống chỉ còn 34.800 đồng - 35.300 đồng/kg, giảm khoảng 5.000 đồng/kg so với thời điểm đầu năm; mức giá này cũng gần bằng thời điểm cuối năm 2013.

Thêm vào đó, tình trạng khô hạn xảy ra hết sức khốc liệt trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên làm hàng chục nghìn héc-ta cà phê bị khô hạn nặng. Vì vậy, các chuyên gia trong ngành cà phê dự đoán, sản lượng cà phê niên vụ 2015 - 2016 sẽ tiếp tục giảm.

Không chỉ những người sản xuất cà phê mà năm nay, kể cả những người có kinh nghiệm lâu năm trong việc kinh doanh cà phê cũng bị thua lỗ nặng. Bởi sau khi vụ thu hoạch cà phê 2014 - 2015 kết thúc, thời điểm ấy giá cà phê ở mức 40.000 đồng/kg. Nhiều người nhận thấy, do ảnh hưởng khô hạn và sâu bệnh bùng phát khiến năng suất, sản lượng cà phê giảm nên đã tung ra một khoản kinh phí lớn, thậm chí nhiều người còn vay tiền ngân hàng để mua cà phê dự trữ. Thế nhưng, thời gian gần đây giá cà phê trên thị trường liên tục giảm sâu khiến họ lỗ nặng, thậm chí nhiều người còn bị phá sản.

Những năm trước đây, vào thời điểm này giá cà phê ở mức 42.000 - 43.000 đồng/kg nên nhiều hộ chỉ sau một vài vụ thu hoạch đã phất lên giàu có. Còn năm nay, giá cà phê giảm sâu và chưa có điểm dừng nên người trồng cà phê ở Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn, thậm chí nhiều hộ lâm vào nợ nần. Vì vậy, ngay những tháng đầu mùa mưa năm nay, nông dân tại nhiều địa phương đã chặt bỏ vườn cà phê chuyển sang trồng hồ tiêu bởi giá tiêu hiện đang ở mức rất cao (182.000 đồng/kg).

Thị trường cà phê, hạt tiêu còn biến động rất thất thường nên các ngành chức năng địa phương cần có biện pháp khuyến cáo bà con nên tính toán kỹ, tìm hiểu thêm, không nên ồ ạt chuyển đổi sang trồng tiêu để tránh thiệt hại.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Vỡ quy hoạch hồ tiêu


Hồ tiêu là loại cây trồng đem lại lợi nhuận kinh tế rất cao, đi kèm với rủi ro lớn bởi khá nhạy cảm với diễn biến thời tiết và dịch bệnh. Tuy nhiên, trước hấp lực của loại cây được mệnh danh là “cây trồng triệu phú” này, dù được khuyến cáo, nông dân khắp các vùng vẫn ồ ạt trồng và mở rộng diện tích khiến hồ tiêu hiện lâm vào tình trạng bị phá vỡ quy hoạch.

Phá vỡ quy hoạch

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), giá hồ tiêu đen xuất khẩu bình quân đạt hơn 8.700 đô-la Mỹ/tấn, tăng hơn 2.200 đô-la Mỹ/tấn (34,7%), tiêu trắng 12.500 đô-la Mỹ/tấn, tăng 34,7% so cùng kỳ năm 2014. Đây cũng là mức giá kỷ lục từ trước đến nay với hồ tiêu Việt Nam. VPA nhận định, nếu duy trì mức giá 180.000 - 200.000 đồng/kg bán tại vườn, người trồng tiêu đang lãi lớn.

Giá bán hạt hồ tiêu tăng cao và tương đối ổn định khiến người dân ồ ạt trồng tiêu phá vỡ quy hoạch. Tại Đắk Lắk, nhiều hộ gia đình đã phá diện tích cà phê, cao su, sắn… để trồng tiêu. Việc phá diện tích các cơ cấu cây nông nghiệp khác để trồng tiêu khiến diện tích trồng tiêu tăng mạnh. Theo quy hoạch của tỉnh Đắk Lắk, đến năm 2020 tỉnh này sẽ có khoảng 15.000 héc-ta hồ tiêu để đảm bảo sản lượng khoảng 30.000 tấn tiêu đen. Tuy nhiên, mới giữa năm 2015 diện tích tiêu toàn tỉnh đã lên đến hơn 16.000 héc-ta và dự báo hết năm nay sẽ tăng thêm 2.000 héc-ta nữa...

Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), cho biết: giá tiêu tăng liên tục và thiết lập những kỷ lục mới đã thúc đẩy người dân mở rộng diện tích ồ ạt. Diện tích trồng tiêu cả nước vừa qua đã tăng lên nhanh chóng, hiện đạt 80.000 héc-ta và chưa có dấu hiệu dừng lại. Diện tích này đã vượt xa con số mà Bộ NN&PTNT quy hoạch đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. “Với tốc độ này, chỉ vài năm nữa nguồn cung tiêu của Việt Nam sẽ tăng thêm cả trăm ngàn tấn, lúc đó thì bán cho ai. Phát triển hồ tiêu của Việt Nam đang quá nóng và quá nguy hiểm” - ông Hoàng Phước Bính lo ngại.

Tiềm ẩn rủi ro

Theo VPA, điều đáng lo ngại trong việc vỡ quy hoạch không phải là diện tích tăng quá nhanh, không thể kiểm soát mà là việc mở rộng diện tích tràn lan tiềm ẩn nhiều nguy cơ về năng suất, chất lượng, dịch bệnh. Cây tiêu rất mẫn cảm, nếu chăm sóc không đúng kỹ thuật, trồng không đúng nơi, cây sẽ nhiễm bệnh, chết hàng loạt hoặc cho năng suất rất thấp. Hiện có 8 loại dịch bệnh trên hồ tiêu, trong đó nguy hiểm nhất là bệnh chết nhanh do nấm Phythopthora và bệnh chết chậm do nấm Fusarium

Ông Hoàng Phước Bính cũng cho biết, việc mở rộng diện tích trong khi chăm sóc không đúng kỹ thuật khiến niên vụ 2014 – 2015, sản lượng hộ tiêu không chỉ ở Gia Lai mà ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước đều giảm khoảng 20% so với niên vụ trước.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VPA, cảnh báo: Việc chạy theo số lượng đã khiến tỷ lệ tiêu chất lượng cao và đạt chuẩn quốc tế không tăng, điều này tạo ra rủi ro cực lớn khi nguồn cung tiêu trên thế giới dư thừa, gây mất cân bằng cung cầu dẫn đến giá cả biến động khó lường.

CHỐNG BUÔN LẬU MUA BÁN GIAN LẬN

Nhận diện 3 loại giống cây mắc ca ghép không đảm bảo chất lượng


Trước tình trạng cây giống mắc ca được bán tràn lan trên thị trường và lợi dụng nhu cầu cây giống của bà con tăng cao, một số đối tượng đã đưa các loại cây giống không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng về bán để trục lợi.

Trong khi đó, công tác kiểm tra, quản lý hoạt động mua bán cây giống mắc ca trên địa bàn các tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn bà con trực tiếp đi mua tại các cơ sở bán cây giống ngoài tỉnh mang về trồng. Hay một số đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh mua cây giống rồi chở thẳng về vườn, rẫy giao cho người dân trồng nên không thể kiểm soát hết.
Nhiều loại giống cây mắc ca không đảm bảo chất lượng

Nếu bà con ham rẻ không chọn cơ sở uy tín có nhiều năm kinh nghiệm, có thể mất đến 5 - 6 năm mới nhận ra giống không đạt chất lượng, lúc đó thiệt hại kinh tế sẽ rất lớn. Theo kinh nghiệm của Công ty cổ phần Vinamacca, để có cây giống tốt đòi hỏi phải chọn giống ghép. Hiện nay, ở Tây Nguyên, Đắk Lắk, Đắk Nông... có nhiều điểm bán cây giống mắc ca giả bằng cách cắt tạo ở thân cây một vết cắt như hình dạng vết ghép. Một số khác thì không có cây đầu dòng để lấy mắt ghép đã dùng cành của cây thực sinh (cây trồng hạt) cắt làm mắt ghép.

Trên thị trường đang có 3 loại giống cây mắc ca ghép không đảm bảo chất lượng: Một là, loại giống mắc ca không phải giống ghép. Cây giống chỉ có chiều cao từ mắt ghép xuống gốc là 40 - 60 cm. Cây ghép có chồi ghép đã liền vết sẹo, chồi ghép mọc cao 25 - 30 cm, có tối thiểu 2 thân chính trở lên. Nhưng một số cơ sở bán cây giống không phải là cây ghép đã tạo ra vết ghép giả bằng cách cắt tạo ở thân cây một vết cắt hình dạng giống vết ghép. Để nhận biết cây ghép giả, bà con so sánh sẽ thấy lá ở dưới vết cắt và lá ở bên trên vết ghép giống nhau.

Hai là, loại cây giống dùng cây thực sinh làm mắt ghép. Một số điểm ươm, bán cây giống không có cây đầu dòng đã dùng cành của cây thực sinh làm mắt ghép. Loại cây này năng suất thấp, thời gian cho thu hoạch trái rất chậm (phải từ 7 - 8 năm trở lên).

Ba là, loại cây giống nguồn gốc không rõ ràng. Một số điểm bán giống không có cây đầu dòng để lấy mắt ghép, đã mua cành của các vườn khác về ghép. Loại cây giống này, chủ vườn ươm không phân biệt được dòng cây mà vẫn đặt tên để bán.

Kinh nghiệm chọn giống mắc ca

Nhằm hạn chế những thiệt hại về kinh tế cho người dân, các cơ quan chức năng đã đưa ra những khuyến cáo về cách chọn giống, thời gian trồng... Theo đó, về giống chỉ trồng cây giống được ghép từ những giống đã được Bộ NN&PTNT công nhận. Đến thời điểm hiện nay, Bộ NN&PTNT đã công nhận 9 giống mắc ca tiến bộ kỹ thuật gồm giống: 842, 741, 900, 800, 695, OC, 246, 816, 849, đặc biệt là các giống đã được khảo nghiệm tại Tây Nguyên như giống 246, 816, OC,849 và chỉ nên mua giống tại những đơn vị có uy tín về sản xuất giống mắc ca, có địa chỉ rõ ràng. Trên một vườn trồng mắc ca nên chọn từ hai đến ba giống khác nhau để các giống thụ phấn chéo khi ra hoa giúp tăng năng suất, sản lượng.

Khi chọn giống, bà con nên yêu cầu người bán giống cho thăm cây đầu dòng (cây lấy mắt ghép giống vào mùa đang có quả từ tháng 6 đến tháng 8) rồi mới tiến hành ký hợp đồng mua.

Người trồng nên tránh mua cây có mắt ghép cao cách mặt bầu từ 50 cen-ti-mét trở lên, vì cây cao không chịu được gió bão, ít cành ngang, không cho năng xuất cao. Không nên mua cây có tuổi gốc ghép quá 24 tháng hoặc thân trên to. Không mua giống ở những cơ sở sản xuất giống mà không có cây đầu dòng (cây năng suất, chất lượng tốt trong nhiều năm liên tục) để cắt lấy mắt ghép.

Về thời gian trồng thích hợp khoảng tháng 5, 6 và kết thúc trồng trước ngày 15/8 hằng năm. Mắc ca có thể trồng thuần nhưng tốt nhất nên trồng xen với các loại cây trồng khác như cà phê, cây hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày khác…

BÀ CON CẦN BIẾT

Giải pháp ngăn chặn tôm bị nhiễm kháng sinh


3 giải pháp ngăn chặn

Thứ nhất, Bộ NN&PTNT chỉ đạo tăng cường kiểm tra chất lượng các lô hàng trước khi xuất khẩu. Song song đó, tăng cường thanh tra, giám sát các cơ sở nuôi trồng, khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh thủy sản, nhằm ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất.

Thứ hai, hướng dẫn lại người nuôi về vấn đề sử dụng kháng sinh. Đặc biệt, phải có phương pháp thay thế, ít dùng kháng sinh trong quá trình nuôi.

Thứ ba, khuyến khích các doanh nghiệp chế biến xây dựng các vùng nuôi an toàn để thu mua sản phẩm cho rõ nguồn gốc. Để giảm kháng sinh thì khuyến khích người dân và doanh nghiệp nên dùng nhiều chế phẩm sinh học hơn, nuôi với mật độ thưa hơn để bớt dịch bệnh.

Thực tế hiện nay có một số trại giống chỉ quan tâm đến lợi nhuận, họ không chỉ dùng chất kháng sinh để trộn cho tôm ăn trong lúc ương vèo (hình thức nuôi tôm con trong diện tích nhỏ với mật độ rất cao nhằm mục đích giúp tôm con lớn, khỏe, đều hơn trước khi thả ra ao nuôi), mà còn “ngâm tôm giống trong kháng sinh”, nghĩa là họ đưa các chất kháng sinh vào môi trường nước nuôi tôm trước khi xuất bán. Tôm bị nhiễm kháng sinh, có dư lượng kháng sinh cao sẽ gây ảnh hưởng lớn đến thị trường xuất khẩu thủy sản. Đặc biệt, để người nuôi tôm không phải chịu thiệt hại khi mua phải nguồn tôm giống không đảm bảo chất lượng, các cơ quan chức năng cần đầu tư các trang thiết bị kiểm tra chất lượng con giống, nguồn nước để giúp các hộ kinh doanh, sản xuất tôm giống nhằm ngăn chặn việc lạm dụng, đưa chất kháng sinh vào con giống.

Quy trình nuôi tôm sạch và bền vững

Quy trình nuôi tôm sạch và bền vững là quy trình nuôi không sử dụng kháng sinh, hóa chất độc hại để khử trùng, diệt tạp, diệt giáp xác.

Theo quy trình này, đối với ao nuôi vụ đầu và ao đã qua nhiều vụ sử dụng các loại thuốc kháng sinh và các chất diệt khuẩn, diệt giáp xác, diệt cá tạp nhưng nuôi bị thất bại thì cần tiến hành cải tạo ao như sau: Bà con bơm cạn nước và phơi khô đáy ao 1 tuần với ao lót bạt đáy hay xi măng; phơi khô có cày đảo 2 - 3 tuần đối với ao đất. Tiếp theo là tháo nước vào đáy ao khoảng 5 - 10 cm rồi rải vôi sống (CaO) đều khắp mặt ao với liều lượng 700 - 1.000 kg/héc-ta đối với ao bạt và xi măng; 1.500 - 2.000 kg/héc-ta đối với ao đất; ngâm từ 10 - 14 ngày. Tiếp tục lấy đầy nước vào ao qua lưới lọc thưa như vải mùng để lọc cá dữ rồi bổ sung chế phẩm vi sinh vật hữu hiệu EMC (giúp phân hủy các chất hữu cơ thừa trong nước, hấp thụ các chất độc hại và phục hồi vi sinh vật có lợi) với liều lượng 10 lít/héc-ta để gây màu nước. Sau 5 - 7 ngày nếu nước có màu xanh nhạt là có thể thả giống.

Đối với những ao vụ trước nuôi thả thành công thì quy trình chuẩn bị ao rất đơn giản: Giữ lại toàn bộ nước cũ, nếu thiếu bổ sung thêm nước qua lưới lọc cá dữ. Sau đó, sử dụng chế phẩm vi sinh vật hữu hiệu EMC, với liều lượng như trên để gây màu nước và sau 3 - 5 ngày có thể thả tôm. Trong quá trình nuôi, việc sử dụng chế phẩm Bio-Probiotic (men vi sinh làm thức ăn bổ sung cho tôm cá) bổ sung vào thức ăn cho tôm hàng ngày là rất quan trọng. Bên cạnh đó, người nuôi cần sử dụng chế phẩm làm sạch nước và nền đáy Bio-DW và EMC xen kẽ nhau trong suốt vụ nuôi.

HÀNG VIỆT

Bình Định hỗ trợ phát triển sản phẩm làng nghề đặc trưng


Thông tin từ Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), đến thời điểm này hồ sơ xây dựng nhãn hiệu chứng nhận bánh tráng nước dừa Tam Quan (huyện Hoài Nhơn) và nón ngựa Phú Gia (huyện Phù Cát) đã hợp lệ. Đây là cơ hội để Bình Định tiếp tục “định danh” những sản phẩm đặc trưng của tỉnh, giúp nâng cao giá trị và tăng lợi thế cạnh tranh.

Sản phẩm đậm bản sắc văn hóa

Nón ngựa Phú Gia ở thôn Phú Gia (xã Cát Tường) là một trong những sản phẩm thủ công độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của Bình Định, với tuổi đời đã mấy trăm năm. Làng nghề là 1 trong 5 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh quy hoạch gắn với phục vụ phát triển du lịch. Toàn thôn hiện có hơn 70 hộ làm nghề nón ngựa. Nón ngựa hiện nay đã trở thành một sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo bởi sự cầu kỳ, tỷ mẩn và tài hoa trong từng đường nét. Những người gắn bó với nghề nón ở đây “bật mí”, để chiếc nón trường tồn cùng thời gian nằm ở chỗ các nguyên vật liệu làm nón, từ giang, rễ dứa rừng đến lá kè mỡ đều được lấy đúng mùa. Và, để làm ra một chiếc nón đẹp, chất lượng, phải trải qua ít nhất 10 công đoạn chính và phải hoàn toàn thao tác bằng thủ công. Trung bình mỗi hộ sản xuất thành phẩm 40 - 45 chiếc/tháng, thu nhập từ 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Nón ngựa Phú Gia được thị trường tiêu thụ mạnh và đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm cùng loại. Hầu hết các hộ làm nghề chưa có một tiêu chuẩn sản xuất bắt buộc, cũng chưa có hộ nào đăng ký tiêu chuẩn chất lượng hay đăng ký nhãn hiệu độc quyền cho sản phẩm, nên việc xây dựng nhãn hiệu là rất cần thiết nhằm đảm bảo quyền lợi của các cơ sở sản xuất và kinh doanh mặt hàng này.

Trong khi đó, xứ dừa Hoài Nhơn tạo nên thương hiệu “Bánh tráng nước dừa Tam Quan” nổi tiếng và “phủ sóng” khắp trong Nam ngoài Bắc. Tại địa bàn này hiện có khoảng 120 hộ dân ở các xã, thị trấn: Tam Quan, Tam Quan Nam, Hoài Hảo, Hoài Châu Bắc, Hoài Tân và Hoài Xuân sản xuất bánh tráng nước dừa. Bánh tráng nước dừa Tam Quan luôn được giới thiệu ở các sự kiện lớn như Festival Huế, Festival Tây Sơn - Bình Định. Ông Nguyễn Tiến Dũng - chủ cơ sở sản xuất bánh tráng dừa Ba Quan (ở thôn Phụng Du 2, xã Hoài Hảo) chia sẻ: “Khác với các loại bánh tráng ở các vùng miền khác, bánh tráng nước dừa Tam Quan có kích thước to hơn hẳn và được tráng thành lớp dày. Vì thế, khi nướng bánh đòi hỏi phải lật đều, nướng kỹ và nướng bằng lửa than thì bánh mới ngon, giòn đều”.

Quan tâm xây dựng nhãn hiệu hàng hóa

Để xây dựng và bảo vệ thương hiệu đặc sản “Bánh tráng nước dừa Tam Quan” và “Nón ngựa Phú Gia”, UBND tỉnh giao Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Công nghệ thông tin tỉnh (thuộc Sở KH&CN) thực hiện “Dự án KH&CN hỗ trợ phát triển các sản phẩm đặc trưng tỉnh Bình Định năm 2014”. Mục tiêu đặt ra là hỗ trợ xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, nâng cao năng suất - chất lượng và quản lý phát triển thương hiệu ra thị trường. Thực hiện dự án, trung tâm đã xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu cho 2 sản phẩm ở địa phương; đồng thời, xây dựng và ban hành hệ thống các văn bản nhằm phục vụ việc quản lý và sử dụng có hiệu quả nhãn hiệu chứng nhận “Bánh tráng nước dừa Tam Quan” và “Nón ngựa Phú Gia”. Đăng ký thương hiệu là việc quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả là cách tổ chức quản lý và quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng. UBND các huyện Hoài Nhơn và Phù Cát đã triển khai mô hình hệ thống quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Bánh tráng nước dừa Tam Quan” và “Nón ngựa Phú Gia” đồng bộ từ huyện đến các xã, thị trấn. Hệ thống quản lý cho phép kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ; đồng thời, có cơ chế phát hiện những sản phẩm “mượn danh” làm ảnh hưởng đến uy tín và lợi ích của người sản xuất và người tiêu dùng. Ông Thái Hoàng Uẩn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển CNTT tỉnh khẳng định: Nhãn hiệu hàng hóa không những giúp phát triển thị trường tiêu thụ và góp phần phát triển kinh tế địa phương, mà còn khuyến khích các hộ gia đình đầu tư mở rộng sản xuất. Thông qua việc tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu, bắt đầu hình thành một phương thức sản xuất gắn liền với việc giữ gìn “hình ảnh” sản phẩm.

Ban biên tập (Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin Điện tử UBDT phối hợp thực hiện)