Thông tin giá cả thị trường số ra ngày 23/01/2015

02:57 PM 23/01/2015 |   Lượt xem: 2134 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Xuất khẩu mía sang Trung Quốc: Cơ hội thoát nghèo?

Nhiều năm trở lại đây, diện tích mía ở nhiều huyện miền núi giáp biên giới của tỉnh Cao Bằng không ngừng tăng lên, bởi lẽ nó đã trở thành một trong những cây trồng mang lại thu nhập ổn định cho đồng bào người dân tộc.

Hợp tác về phương án xuất khẩu mía nguyên liệu

Cuối năm 2014, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng đón nhận tin vui khi UBND huyện Hạ Lang và huyện Long Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đã ký thỏa thuận hợp tác về phương án xuất khẩu mía nguyên liệu năm 2014 và kế hoạch năm 2015. Theo đó hai Công ty cổ phần Thương mại huyện Hạ Lang và Công ty TNHH Mậu dịch Đối ngoại Tam Khánh (Trung Quốc), sẽ chịu trách nhiệm thực hiện việc xuất khẩu mía từ Hạ Lang sang Long Châu qua cửa khẩu Bí Hà, xã Thị Hoa. Giá mía là 260 Nhân dân tệ (tương đương 890.000 đồng)/tấn, trừ tạp chất 2%; phương thức thanh toán sau 30 ngày; thời gian thu mua từ ngày 29/12/2014. Đồng thời đã chỉ đạo các ngành chức năng tạo mọi điều kiện để vận chuyển, xuất khẩu mía cho người dân được thuận lợi.

Ngay sau đó, người dân đã được tham dự hội nghị khách hàng vụ mía năm 2014 do Ban Chỉ đạo Phát triển vùng mía nguyên liệu xuất khẩu huyện Hạ Lang phối hợp với Công ty Thương mại tổng hợp huyện tổ chức. Bên cạnh việc được phổ biến các thông tin, quy trình xuất khẩu mía thông qua các công đoạn: Phân phát phiếu chặt mía, vận chuyển mía, thanh toán tiền..., người dân còn được nghe về kế hoạch phát triển nguồn nguyên liệu mía mùa vụ 2015.

Mặc dù, giá mía xuất khẩu năm 2014 giảm 40 Nhân dân tệ/tấn so với năm 2013, tuy nhiên theo ông Thanh Trọng Dũng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cao Bằng, thì mức giá này vẫn còn chấp nhận được, bởi lẽ thị trường mía đường trong nước cũng đang gặp khó khăn. Hiện ở Cao Bằng chỉ có một nhà máy đường duy nhất của Công ty cổ phần Mía đường Cao Bằng tại Phục Hòa. Theo báo cáo của công ty thì năng suất ép bình quân đạt khoảng 1.676 tấn/ngày với sản lượng mía ép 201.836 tấn. Như vậy với sản lượng mía trên toàn tỉnh còn dôi dư khá nhiều. Do đó việc xuất khẩu mía sang Trung Quốc sẽ góp phần giảm bớt áp lực cho người dân.
Tạo cơ hội thoát nghèo

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Bằng, niên vụ 2014 - 2015, diện tích mía trồng mới toàn tỉnh Cao Bằng là 1.792 héc-ta, đạt 83,3% kế hoạch, nâng diện tích trồng mía lên khoảng trên 4.500 héc-ta. Với năng suất bình quân đạt từ 62 - 64 tấn/héc-ta, mỗi năm sản lượng mía đạt gần 300.000 tấn.

Trên thực tế, mía là cây trồng chủ lực của nhiều huyện miền núi như Phục Hòa, Hạ Lang, Quảng Uyên. Mặc dù Cao Bằng có diện tích đến 90% là đồi núi, đất cho sản xuất nông nghiệp, nhất là lúa nước rất hạn chế do địa hình, nguồn nước không thuận lợi. Trong khi đó mía, ngô, sắn là các loại cây rất dễ trồng và cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa.

Ông Đàm Văn Sàu - Phó phòng Nông nghiệp huyện Phục Hòa cho biết, nhiều năm trở lại đây, cuộc sống của đồng bào dân tộc ở Phục Hòa đã khá hơn trước nhờ cây mía, cây sắn. Ngoài việc cung cấp cho nhà máy đường trên địa bàn, mía còn được xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây cũng là hướng đi giúp người dân thoát nghèo. Tuy nhiên, để mở rộng và duy trì diện tích trồng mía, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, không chỉ về giống, vốn, kỹ thuật mà còn phải có chiến lược thị trường đầu ra.

Có thể thấy, việc trồng mía theo hướng sản xuất hàng hóa không chỉ giúp bà con đồng bào các dân tộc ở Cao Bằng có việc làm, thu nhập ổn định, tạo cơ hội vươn lên thoát nghèo, tránh được nhiều hệ lụy khác như người dân bỏ sang Trung Quốc làm thuê, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại... Đồng thời góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc sinh sống ở vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc.

MUA GÌ

Bắc Ninh: Cà rốt mất giá

Đang vào vụ thu hoạch, song do giá cà rốt ở huyện Gia Bình (Bắc Ninh) giảm sâu khiến hàng trăm héc-ta cà rốt bị bỏ mặc ngoài ruộng. Tại cánh đồng xã Vạn Ninh, tư thương vào ruộng mua cà rốt loại 1 giá 3.000 đồng/kg, mà loại 2 (củ to quá cỡ) chỉ có 400 đồng/kg. Nhiều hộ dân ở các vùng trồng cà rốt cùng huyện Gia Bình như Thái Bảo, Đại Lai… cũng đang rơi vào tình cảnh thê thảm không kém. Phần lớn nông dân vẫn giữ cà rốt lại ruộng, chờ giá lên mới nhổ bán. Nhưng theo các hộ dân ở đây cho biết, cà rốt càng để dài ngày thì củ càng to, đến khi thu hoạch cũng khó mà bán được. Ông Phạm Công Viện – Phó phòng Nông nghiệp huyện Gia Bình cho biết: “Loại cây nông nghiệp này, dù đã trồng ở huyện được gần 10 năm, song phần lớn là bà con trồng tự phát. Huyện không có chủ trương đưa vào cơ cấu mùa vụ, cũng như khuyến khích nông dân trồng loại cây này vì giá cả quá bấp bênh, nên rủi ro thất bại là rất cao”.

An Giang: Khoai mì đất núi được giá

Khoai mì trồng trên đất núi xã Lê Trì (Tri Tôn, An Giang) đang bắt đầu vào vụ thu hoạch. Thương lái thu mua với giá 110.000 đồng/tạ. Toàn xã có 40 héc-ta trồng khoai mì, tập trung chủ yếu ở ven chân núi Dài. Khoai mì thì dễ trồng, rất thích hợp với vùng đất núi nhiều cát, khô cằn. Ít tốn công chăm sóc và ít tốn chi phí. Bắt đầu trồng vào đầu mùa mưa, khoảng tháng 4 - 5. Sau đó để khoai mì tự phát triển. Chỉ bón phân bò khi giâm hom, phân đầu trâu, phân urê và làm cỏ quanh gốc. Sau 6 tháng là khoai mì cho thu hoạch.

Miền Trung: Giá hoa Tết sẽ tăng

Theo nhiều nhà vườn tại Hội An (Quảng Nam), dự kiến giá hoa Tết tới đây sẽ tăng khoảng 20% so với năm ngoái. Cụ thể, quất lớn sẽ có giá từ 1 - 1,5 triệu đồng/cây, mai vàng tùy cây lớn hay nhỏ, cúc chậu từ 250.000 - 300.000 đồng/cặp. Nguyên nhân hoa tăng giá là do nhu cầu thị trường tăng từ 20 - 30% và nguyên liệu đầu vào như cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... cũng tăng giá.

Còn tại Đà Nẵng, những ngày này các làng trồng hoa lớn như Vân Dương, Nhơn Thọ (huyện Hòa Vang) và nhiều vườn hoa tại quận Liên Chiểu cũng đang khẩn trương vào vụ hoa Tết. Anh Lên Văn Vinh, Phó Chủ tịch HTX Hoa, cây cảnh Vân Dương cho biết, năm nay các xã viên xuống giống trên 4.000 chậu hoa cúc, 2.000 chậu hoa ly, 100.000 củ lay ơn, 10.000 chậu vạn thọ, cùng nhiều loại hoa khác… với số lượng tăng khoảng 20% so với năm trước. Giá bán ra cũng sẽ cao hơn năm ngoái từ 10.000 - 20.000 đồng/chậu, như hoa cúc có giá khoảng 130.000 - 140.000 đồng/chậu. Dự kiến năm nay, mỗi xã viên sẽ có thu nhập bình quân trên 10 triệu đồng/người/tháng.

Trong khi hoa tại Đà Nẵng, Hội An phát triển tốt thì tại Huế, nhiều chủ vườn mai vàng đang lo lắng vì mai vàng nở sớm. Một chủ vườn mai ở phường Thủy Biều, TP. Huế cho biết, năm nay mùa đông lạnh ít, nắng ấm nhiều hơn mọi năm đã kích thích hoa mai nở sớm. Đến nay nhiều cây mai tự rụng lá, đâm nụ, không ít cây đã nở hoa. Tại phường Vĩ Dạ, TP. Huế, nơi có số lượng mai vàng nhiều nhất ở Huế, người trồng mai rất lo lắng về tình trạng này. Vì vậy, hoa mai vàng chưng Tết tại Huế được dự báo sẽ tăng so với mọi năm.

Đồng Nai: Sắn dây thất thu

Hiện xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai có hơn 30 hộ trồng sắn dây với trên 35 héc-ta. Ngoài việc trồng sắn dây, nhiều hộ còn sản xuất tinh bột phục vụ cho thị trường trong và ngoài địa phương. Ông Nguyễn Duy Ngành - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Minh cho biết: “Sắn dây là cây trồng chủ lực của xã Bình Minh chủ yếu tập trung ở ấp Tân Bắc và một số trồng ở ấp Tân Bình và ấp Trà Cổ. Năm nay do thời tiết, khí hậu không thuận lợi nên năng suất giảm, giá thấp và cũng không ổn định. Một phần do lượng sắn dây còn tồn đọng từ năm trước để lại. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân thấy giá rẻ nên cũng không thu hoạch và chờ giá lên nên cũng ảnh hưởng đến chất lượng tinh bột sắn…”. Hiện giá bán cũng thấp hơn nhiều so vụ trước từ 7.000 – 8.000 đồng/kg củ tươi. Giá tinh bột sau khi chế biến 80.000 đồng/kg. Vì thế, trừ chi phí, người trồng sắn dây đang đứng trước nguy cơ bị thua lỗ nặng.

BÁN GÌ

Hàn Quốc áp thuế nhập khẩu với gạo Việt Nam

Từ 1/1/2015, Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu áp thuế 513% đối với gạo nhập khẩu không bắt buộc. Người đứng đầu phái bộ Hàn Quốc tại Geneva cho biết, thuế suất 513% là hợp lý và không cao khi so sánh với thuế suất 1.066% của Nhật và 563% của Đài Loan trong quá trình tiến hành tự do hóa thị trường gạo. Hàn Quốc không có ý định giảm thuế nhập khẩu gạo. Hiện Hàn Quốc vẫn phải nhập khẩu 408.700 tấn gạo mỗi năm với thuế suất 5%. Lượng gạo nhập khẩu vượt quá hạn ngạch này sẽ chịu thuế suất 513%. Tuy nhiên, 5 nước xuất khẩu gạo truyền thống của Hàn Quốc là: Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Úc và Mỹ đều đang lên tiếng phản đối quyết định áp thuế này lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Đồng Nai : Gà Đông Tảo “cháy” hàng

Tết Ất Mùi đang đến gần, do nhu cầu tăng mạnh nên gà Đông Tảo tại Đồng Nai đang “cháy hàng”. Mặc dù nhiều hộ nuôi gà Đông Tảo trên địa bàn đã tăng số lượng nuôi nhưng hiện vẫn không đáp ứng được lượng khách đặt mua. Đến thời điểm này, dù còn ít gà, nhưng người dân các tỉnh vùng Đông Nam bộ vẫn trực tiếp đến, gọi điện đặt hàng, có người còn đặt mua với số lượng lớn. Gà tùy vào trọng lượng, chân, hình dáng sẽ có giá từ 300.000 – 500.000 đồng/kg.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, trước đây, số hộ dân nuôi gà Đông Tảo ở Đồng Nai chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khoảng 2 năm trở lại đây, một số hộ dân đã đầu tư nuôi gà Đông Tảo với số lượng hàng chục con. Do khí hậu ôn hòa, nguồn thức ăn dồi dào nên Đồng Nai phù hợp nuôi gà Đông Tảo. Tuy nhiên, do chưa nắm được nhu cầu của thị trường, chi phí đầu tư lớn nên người dân trong tỉnh vẫn chưa mặn mà với mô hình này.

Xoài cát Hòa Lộc sẽ khan hiếm

Năm 2014 mưa liên tục và thời tiết nóng, lạnh bất thường nên vụ xoài Tết Ất Mùi 2015 cho năng suất không cao. Sản lượng xoài giảm khoảng 60% so với cùng kỳ.

Hiện Tiền Giang trồng hơn 5.000 héc-ta xoài chủ yếu xoài cát Hòa Lộc và xoài cát Chu, tập trung nhiều nhất ở huyện Cái Bè với hơn 3.600 héc-ta rải rác tại các xã Hòa Hưng, An Hữu, Tân Hưng… Hiện nay, mặc dù nhà vườn đã dùng mọi biện pháp để kích thích nhiều lần, nhưng xoài vẫn không ra hoa, đậu trái. Trước đó, nhằm đáp ứng nhu cầu chưng mâm ngũ quả ngày Tết và mong muốn bán được giá cao, nông dân tỉnh Tiền Giang đã tập trung xử lý xoài ra trái nghịch vụ. Hiện tại, xoài cát Hòa Lộc loại 1 được các thương lái tìm mua tại vườn với giá hơn 70.000 đồng/kg, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ. Với lượng xoài khan hiếm như hiện nay, nhiều nhà vườn khẳng định cận Tết Nguyên đán, có thể xoài cát Hòa Lộc sẽ vượt mức 100.000 đồng/kg và khó có thể đáp ứng đủ nhu cầu cho, biếu, chưng mâm ngũ quả như mọi năm.

Sẽ mua toàn bộ lúa mùa nổi cho nông dân

Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) vừa cam kết sẽ bao tiêu toàn bộ lúa mùa nổi do nông dân sản xuất ra. Lúa mùa nổi là sản phẩm hiếm nhưng đã được khôi phục tại xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, An Giang và một số nơi khác của An Giang. Hai công ty thành viên của Vinafood 2 là Công ty TNHH Lương thực TP. Hồ Chí Minh và Công ty Lương thực thực phẩm An Giang sẽ cùng với Ecofarm tiêu thụ toàn bộ sản phẩm lúa mùa nổi mà nông dân sản xuất được. Các công ty này sẽ nâng sản phẩm này lên thành sản phẩm đạt chuẩn về hữu cơ và sẽ đưa vào hệ thống phân phối trong các cửa hàng tiện ích của Vinafood Mart từ Đà Nẵng về TP. Hồ Chí Minh và đến Cà Mau.

Trên thực tế, diện tích lúa mùa nổi rất ít, tổng sản lượng chỉ khoảng trên 100 tấn. Năng suất cũng rất thấp, chỉ đạt khoảng 1,2 - 1,5 tấn/héc-ta nên gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu cũng như đánh giá mức độ chấp nhận của thị trường. Mặc dù doanh thu từ cây lúa mùa nổi cũng chỉ khoảng 1,4 - 1,5 triệu đồng/công tầm lớn (1.300 mét vuông), nhưng bù lại nông dân sẽ tận dụng được nguồn rơm rạ (rơm rạ lúa mùa nổi bền, có thể đậy cho đất rẫy được 6 - 7 tháng, trong khi lúa thần nông chỉ đậy được 2 - 3 tháng là mục) để phát triển trồng màu với doanh thu từ cây màu lên đến cả trăm triệu đồng/công tầm lớn.

Theo kế hoạch khôi phục, phát triển lúa mùa nổi của An Giang, địa phương này sẽ mở rộng và ổn định diện tích trồng đạt khoảng 500 héc-ta đến năm 2020, tăng khoảng 400 héc-ta so với hiện nay.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Tây Nguyên: Nguy cơ cạn kiệt lan rừng

Thời gian gần đây, ở các tỉnh Tây Nguyên xuất hiện nhiều người dân đi bán lan rừng phục vụ thú chơi tao nhã của nhiều nhà. Điều đáng nói đó là những khóm lan rừng này được người dân đổ xô đi khai thác từ những cánh rừng về bán khiến chúng đã và đang đứng trước nguy cơ “xoá xổ”.
Lan rừng ngập phố

Có dịp ghé thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) dọc các tuyến đường Lê Duẩn, Nguyễn Tất Thành, Phan Bội Châu… những khóm lan rừng với đủ các chủng loại được bày bán. Chỉ với giá 30.000 - 50.000 đồng là người chơi có thể sở hữu được một khóm lan về trồng, khóm lớn hơn có giá từ 70.000 - 100.000 đồng. Sau khi mua lan về, người dân thường mang cắt tỉa bớt rễ già rồi cho vào các loại chậu đất nung, chậu nhựa, gỗ để trồng kèm theo xơ dừa, than củi… hoặc ghép vào một thân cây sống, gốc cây khô khác, tuỳ theo sở thích sau đó tưới nước theo định kỳ là những giò lan có thể sống và phát triển.

Không chỉ ở Đắk Lắk, mà tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng… cũng xuất hiện rất nhiều người dân đi bán lan rừng với đủ các chủng loại. Lan rừng được bày bán trên vỉa hè, không chỉ bán theo khóm, người bán ở một số điểm còn bán theo ki-lô-gam, trung bình các loại lan có giá từ 150.000 – 250.000 đồng/kg, tuỳ theo từng loại lan khác nhau.

Nguy cơ cạn kiệt

Ngày nay khi cuộc sống được cải thiện, thú chơi này dần được “bình dân hoá”, do đó nhiều người dân ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung đang rộ lên phong trào chơi lan rừng. Tuy nhiên, những loại lan bán dọc đường phố đa số đều là lan rừng, loại lan này bị khai thác quá mức ở những cánh rừng sâu nên khiến chúng có nguy cơ cạn kiệt. Có cầu ắt có cung, để phục vụ nhu cầu của người chơi hoa lan, hiện nay ở Tây Nguyên còn xuất hiện nhiều thương lái đến mua các loại lan rừng để mang về các vùng khác bán. Chị Hoa - người bán lan rừng tại đường Lê Duẩn, TP. Buôn Ma Thuột cho biết: “Trước đây chủ yếu gia đình mình tự vào rừng kiếm lan rừng về bán, nhưng bây giờ lan rừng ngày càng ít dần nên để có đủ lượng lan bán cho khách, ở nhà mình thu gom lan rừng của đồng bào ở các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Bông… để bán lại. Hàng ngày, mình bán khoảng trên một trăm bó, trung bình một bó có giá từ 30.000 – 100.000 đồng, tuỳ theo từng loại lan khác nhau…”. Bán cây giống lan rừng là công việc thường xuyên của nhiều phụ nữ ở đây từ hàng chục năm nay. Họ gom lan rừng từ nhiều ngôi làng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng. Các làng này đã hình thành những nhóm người chuyên săn lan rừng. Mười năm trước, lượng lan rừng chuyển về chợ Đà Lạt lên đến hàng trăm ki-lô-gam mỗi ngày. Bây giờ, số lượng giảm đi rất nhiều. Giảm không phải vì người ta không khai thác lan rừng mà lý do chính: Nguồn lan rừng đã bị cạn kiệt.

Tình trạng người dân ở Tây Nguyên đang đổ xô vào rừng sâu tìm kiếm, thu gom, khai thác ồ ạt các loại về bán để kiếm lời. Điều này đã và đang đẩy loài hoa quý này đứng trước nguy cơ bị cạn kiệt, thậm chí bị xoá xổ nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên cũng đã từng thực hiện nhiều đề tài khoa học giữ lại nguồn gen lan rừng quý hiếm. Tuy nhiên, công việc này khó mà mang lại kết quả trọn vẹn lan rừng vẫn được mua, được bán ồ ạt và điều đáng nói là cả người mua, người bán không ai nghĩ mình đang làm cạn kiệt lan rừng…

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Quảng Nam: Dịch vụ thương mại đã phổ biến ở vùng cao

Năm nay, điểm bán hàng bình ổn giá của Đoàn kinh tế quốc phòng 207 đã mở chợ sớm tại gần trung tâm xã biên giới Chà Vàl (Nam Giang, Quảng Nam). Các mặt hàng bày bán rất phong phú nhưng chủ yếu là nông sản bản địa và các vùng khác.

Ngoài việc cung cấp sản phẩm, điểm kinh doanh này còn thu mua nông lâm sản của đồng bào. Kết hợp với chợ dọc đường biên giới, cửa hàng dịch vụ của đơn vị quốc phòng còn là địa chỉ lui tới, thỏa mãn nhu cầu mua bán cho người dân. Bà con rất phấn khởi vì năm nay bước ra khỏi nhà là gặp chợ, không phải lặn lội xuống tận thị trấn Thạnh Mỹ để mua sắm. Các điểm kinh doanh, buôn bán trên địa bàn cộng với thời gian gần đây hình thành phiên chợ xuân đã tạo ra sự giao lưu, trao đổi buôn bán vùng miền đa dạng. Trước đây, bà con thường rất khó mua được thực phẩm tươi sống nhưng bây giờ chợ đến tận nơi, rất thuận tiện cho mua sắm.

Ngược lên khu vực cửa khẩu Nam Giang thuộc xã La Dêê cũng bày bán đủ thứ hàng hóa phục vụ tại chỗ cho bà con, đồng thời cung cấp cho phía bạn Lào. Thời điểm cận Tết, đồng bào Cơ Tu, Tà Riềng, Ve thường bán các mặt hàng đan đát, dệt thổ cẩm truyền thống và các rượu đặc sản như tr’đin, tà vạt... Còn mua tiêu dùng thì phổ biến áo quần, mùng mền, đồ dùng gia đình, các thiết bị điện tử, điện thoại di động. Dọc quốc lộ 14D từ xã Ta Bhing lên biên giới Việt – Lào còn xuất hiện nhiều chợ di động bày bán quần áo, sản phẩm tự sản xuất của đồng bào.

Chuyển biến tích cực là sát trung tâm xã biên giới nhiều hộ vốn quen với cái nương, cái rẫy đã chuyển sang buôn bán, kinh doanh. Khi dịch vụ thương mại đã phổ biến ở vùng cao, cái lợi lớn nhất là giúp đồng bào mở rộng giao lưu làm ăn, dần dà chuyển đổi nghề phù hợp. Theo Sở Công Thương Quảng Nam, khu vực các huyện miền núi như Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My và Bắc Trà My sẽ mở 29 điểm bán hàng cố định lẫn lưu động. Với tinh thần phục vụ Tết cho đồng bào một cách tốt nhất, nhiều phiên chợ đã triển khai sớm hơn mọi năm, tránh tình trạng đầu cơ, đẩy giá hàng hóa vượt mức chung của thị trường.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã có chủ trương hỗ trợ tiền lãi vay cho doanh nghiệp chuẩn bị hàng hóa phục vụ địa bàn miền núi. Do vậy, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang tích cực thu mua, dự trữ hàng hóa và hiện đã chuyển lên vùng cao cung ứng. Hàng hóa phục vụ cho khu vực miền núi dịp Tết Nguyên đán chủ yếu gạo, nếp, dầu ăn, muối i ốt, đường, thịt gia súc - gia cầm…

Quảng Ngãi: Tăng cường kiểm tra vệ sinh ATTP thị trường bánh kẹo Tết

Hiện là thời điểm chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Ất Mùi sắp tới, không khí mua bán ở khu bánh kẹo tại chợ tạm Quảng Ngãi đã khá tấp nập. Chủ yếu lượng khách mua là các mối bạn hàng ở các huyện đổ về để lấy hàng dự trữ bán Tết.

Theo nhiều tiểu thương tại chợ tạm, đây là thời điểm “vàng” để bán hàng cho các bạn hàng ở các huyện lân cận cũng như vùng núi và hải đảo. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh, các đại lý ở huyện cũng nhập về những mẫu bánh kẹo có thương hiệu và 100% là hàng Việt Nam. Tình trạng bánh kẹo trôi nổi, không rõ xuất xứ đã hạn chế đáng kể trên các quầy hàng của tiểu thương ở chợ tạm Quảng Ngãi. Nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn băn khoăn về vệ sinh an toàn thực phẩm của mặt hàng bánh kẹo truyền thống, vốn rất được ưa chuộng trong ngày Tết. Đây cũng là nỗi lo chung của người tiêu dùng mỗi khi chọn mua các sản phẩm bánh kẹo, mứt Tết. Để hạn chế những trường hợp xấu có thể xảy đến, đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Ngãi đã ra quân tiến hành kiểm tra ở một số địa điểm, trong đó có chợ tạm Quảng Ngãi và lấy mẫu kiểm nghiệm đối với một số mặt hàng: bánh, mứt, thực phẩm tươi sống, mực khô, cá khô… Qua đó, đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện nhiều quầy hàng bánh kẹo tự ý chia nhỏ các sản phẩm bánh kẹo thành vào các bao bì nhỏ hơn, không kèm nhãn mác. Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở các tiểu thương về việc chia nhỏ sản phẩm như vậy sẽ khiến cho chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng và có thể vô tình bị nhiễm độc từ tay của người bán, tác động xấu đến sức khỏe người sử dụng. Đồng thời, yêu cầu các hộ kinh doanh nhập và bán các sản phẩm phải có chứng từ đầy đủ với nhãn mác, xuất xứ rõ ràng.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Bình Dương: Sẵn sàng phục vụ thị trường dưa hấu Tết

Dưa hấu có thể trồng quanh năm song dưa dịp Tết vẫn được nông dân trồng nhiều nhất và tiêu thụ mạnh nhất trong năm. Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tìm đến các nông trường cao su tại Bình Dương thuê đất để trồng xen canh dưa hấu. Thời điểm này, các vườn dưa hấu trồng xen canh đang phát triển tốt, sẵn sàng phục vụ cho thị trường Tết Ất Mùi sắp tới.

Ở Nông trường Cao su Long Nguyên (Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng), xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng, giữa những hàng cao su non là những luống dưa hấu được gieo trồng cách đây hơn 2 tuần và đang trong giai đoạn làm cỏ. Quanh khu vực nông trường còn có hàng chục người đến thuê đất trồng dưa trên vườn cao su non. Hoạt động này đã xuất hiện cách đây 10 năm ở tỉnh Bình Phước và mới xuất hiện 4 - 5 năm nay ở Bình Dương. Theo các chủ vườn dưa, để dưa hấu phát triển tốt cần chọn khu vực cao su non mới đủ ánh sáng, độ ẩm; những khu vực cao su thanh lý, đang trồng mới là phù hợp nhất. Hiện tại, ở một số lô đất trồng dưa hấu trong vườn của anh đã cho thu hoạch. Các thương lái thường đến tận nơi thu mua với giá dao động từ 4.000 - 6.000 đồng/kg. Thông trường, mỗi vụ dưa hấu kéo dài khoảng 55 - 60 ngày, mỗi năm trồng được 3 vụ. Sau khi kết thúc mỗi vụ, chủ vườn lại xới đất để đất nghỉ ngơi khoảng 1 - 2 tháng rồi tiếp tục trồng vụ mới. Ở các vườn dưa, chủ vườn đều đào giếng lấy nước tưới dưa. Nhờ nguồn nước và phân bón từ vườn dưa, cao su xanh tốt và phát triển hơn nên các nông trường đồng ý cho thuê đất để trồng dưa hấu. Nhiều công nhân cao su cũng có thể kiếm thêm thu nhập từ các vườn dưa hấu này. Hầu hết chủ vườn dưa hấu chọn diện tích đất lớn vài chục thậm chí đến hàng trăm héc-ta để trồng dưa, thay vì diện tích nhỏ trong các vườn cao su tiểu điền mới trồng. Lý do là do công đầu tư lớn, nguồn nước được chuyển bằng ống đến từng luống để bảo đảm cho dưa phát triển. Nhờ có kỹ thuật và theo dõi quá trình phát triển của dưa nên các nhà vườn dưa hấu ở Long Nguyên cho năng suất cao. Không chỉ phục vụ thị trường Tết mà giống dưa này còn được các chủ vườn trồng quanh năm để cung cấp cho người tiêu dùng. Hy vọng vụ dưa hấu Tết năm nay sẽ mang lại thắng lợi lớn cho bà con.

Khóm phụng, khóm son công phu chờ Tết

Năm nào cũng vậy, mỗi dịp Tết đến bà con xã Thạnh Mỹ (Tân Phước - Tiền Giang) tất bật chăm sóc để những trái khóm (dứa, thơm) phụng, khóm son để có trái to, hình dáng đẹp, bán được giá bắt mắt. Khóm phụng có hình chim phượng hoàng (chim phụng) đang xòe cánh. Còn trái khóm son là loại cây cảnh có màu sắc đẹp, rực rỡ như màu son nên cũng được nhiều người ưa chuộng dùng trưng trên mâm ngũ quả ngày Tết.

Theo các nông dân trồng khóm ở đây, từ nay đến 20 tháng Chạp (âm lịch) sẽ có nhiều thương lái từ Hà Nội, Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đến đặt mua. Một trái khóm phụng đạt tiêu chuẩn và có giá phải nặng từ 4 – 6 ki-lô-gam, hình dáng đẹp, trên đầu có mào rực rỡ, xung quanh trái mẹ phải có nhiều trái con có hình dáng tương tự trái mẹ. Năm nay sẽ hứa hẹn một năm trúng mùa, vì khóm phụng và khóm son hiện phát triển khá tốt. Khóm phụng trái đẹp giá dao động từ 150.000 - 200.000 đồng/trái, số còn lại giá bán từ 20.000 - 30.000 đồng/trái. Để có trái khóm phụng đẹp bán Tết được giá cao, ngay từ đầu tuần tháng 8 (âm lịch), bà con bón phân, sau đó xử lý khóm ra hoa bằng khí đá để đến Tết Nguyên đán trái già, có thể chưng lâu mà không bị mất màu, giảm sắc. Bên cạnh khóm phụng, khóm son cũng là loại khóm kiểng được thị trường Tết ưa chuộng. Tuy nhiên, loại khóm này có giá rẻ hơn khóm phụng nhiều lần, chỉ trên dưới 20.000 đồng/trái, bù lại khóm son không đòi hỏi quá nghiêm ngặt về mẫu mã nên tỷ lệ trái đạt yêu cầu cao hơn.

Kỹ thuật trồng khóm phụng, khóm son rất công phu, đòi hỏi chăm sóc tỉ mỉ và kỹ lưỡng. Từ khi trồng đến khi cắt trái khoảng 10 tháng và mỗi cây chỉ cho 1 trái. Vì vậy, muốn có khóm son bán vào đúng dịp Tết thì khoảng tháng 2 âm lịch là bắt đầu trồng cây giống, đến tháng 8 - 9 âm lịch bắt đầu xử lý để khóm ra hoa. Bên cạnh đó, phải thường xuyên tưới nước đầy đủ, phun xịt các loại phân thuốc để rệp sáp không tấn công và khi thời tiết nắng nhiều ngày phải che nắng để không bị nám trái.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN

Chống sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng

Tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng ngày càng gia tăng đã trở thành vấn nạn và là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả sử dụng phân bón thấp. Vì vậy, việc tăng cường công tác quản lý phân bón nhằm nâng cao chất lượng phân bón trên thị trường, bảo vệ các nhà sản xuất kinh doanh chân chính cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trong sản xuất, bảo vệ người nông dân là vấn đề bức thiết.

“Chất lượng” vẫn đang là vấn đề nhức nhối

Nhu cầu phân bón ở Việt Nam hiện nay vào khoảng trên 10 triệu tấn các loại, vì vậy, phân bón được xếp vào mặt hàng chiến lược quan trọng của Việt Nam. Hiện, cả nước có trên 500 đơn vị sản xuất lớn nhỏ và khoảng 30.000 đơn vị kinh doanh phân bón. Trong đó có nhiều đơn vị không đáp ứng được điều kiện cần thiết tối thiểu cho sản xuất kinh doanh. Theo kết quả kiểm tra, phân loại các đơn vị sản xuất kinh doanh phân bón 6 tháng cuối năm 2012 và năm 2013, Cục Quản lý thị trường Bộ Công Thương kiểm tra 5.372 vụ có 1.390 vụ vi phạm kém chất lượng, tịch thu 917 tấn phân bón giả và chuyển 6 hồ sơ sang công an khởi tố.

Theo kết quả kiểm tra giám sát chất lượng phân bón trên thị trường của Cục Trồng trọt năm 2013 tại 76 cửa hàng kinh doanh trên địa bàn 6 tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Kiên Giang, Đồng Tháp và An Giang với tổng số mẫu phân bón đoàn kiểm tra lấy phân tích là 223 mẫu trong đó đã phát hiện tới 44,4% số mẫu có chỉ tiêu chất lượng không đạt so với đang ký trên nhãn mác bao bì, 68,4% cơ sở kinh doanh có sản phẩm phân bón vi phạm nhãn mác hoặc chỉ tiêu chất lượng so với công bố trên nhãn mác. Như vậy, có thể thấy nhu cầu phân bón phục vụ sản xuất ở nước ta rất lớn nhưng hiệu quả sử dụng phân bón vẫn còn thấp dẫn đến tổn thất không nhỏ về kinh tế và tác động xấu đến môi trường.

Khoảng trống cần sớm lấp đầy

Ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN & PTNT) cho biết, mặc dù năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định 202/2013/NĐ-CP quy định về sản xuất phân bón. Nghị định này có hiệu lực từ 1/2/2014, Bộ Công Thương, Bộ NN & PTNT đã hoàn thiện Thông tư và đang chờ thẩm định để ban hành, sự phân định trách nhiệm quản lý hiện còn rất nhiều bất cập và gây tranh cãi, khó khăn hơn cho công tác quản lý, thanh tra của các địa phương. Nghị định quy định phân bón là ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện đồng thời có 2 năm chuyển tiếp (đến 1/6/2016), đây cũng là khoảng trống để một số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, chụp giật lợi dụng nhằm trục lợi trên mồ hôi, công sức của nông dân. Do vậy, tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng vẫn tiếp tục ảnh hưởng tới uy tín của các doanh nghiệp sản xuất chân chính, gây thiệt hại cho bà con nông dân.

Theo ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương, thời gian qua các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý nhiều vụ việc nhưng tình trạng vi phạm pháp luật trong vận chuyển, kinh doanh phân bón vẫn diễn biến phức tạp, nhiều vụ vi phạm kéo dài gây bức xúc dư luận. Lý giải về vấn đề này, ông Lam cho biết, Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 22/11/2013 của Chính phủ chưa quy định thẩm quyền của quản lý thị trường nên ngành chưa có thẩm quyền kiểm tra, xử phạt hành chính đối với hành vi kinh doanh phân bón không đảm bảo chất lượng. Theo ông Lam, để thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong vận chuyển, kinh doanh phân bón, cần triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp. Trong đó, trước mắt cần phải thực hiện tốt việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 163/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp của lực lượng quản lý thị trường. Bên cạnh đó, đề nghị các doanh nghiệp tổ chức sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường với giá cả hợp lý, tổ chức các kênh phân phối phù hợp, khuyến khích các doanh nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện chương trình bán hàng trực tiếp đến tận tay người nông dân với giá cả hợp lý. Ngoài ra, các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh phân bón cần chủ động xây dựng, phát triển hệ thống phân phối trên cơ sở phù hợp với quy định pháp luật, quy luật thị trường, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và bà con nông dân.

BÀ CON CẦN BIẾT

Để cây mía tăng năng suất và chữ đường

Để trồng mía đạt năng suất và chữ đường cao, ngoài việc tuân thủ quy trình kỹ thuật trồng mía cần chú trọng thực hiện đồng bộ các biện pháp trong sản xuất mía. Xin giới thiệu một số biện pháp tác động và kinh nghiệm sản xuất của các hộ nông dân đạt năng suất, chữ đường cao.

Biện pháp cơ giới hoá trong canh tác mía

Trồng hàng đôi có ưu điểm lớn là khoảng trống giữa 2 hàng mía tạo độ thông thoáng, thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển. Vừa đảm bảo mật độ như trồng hàng đơn, vừa có thể thực hiện cơ giới hoá để giảm chi phí công lao động thủ công và dễ dàng chăm sóc, thu hoạch. Yêu cầu ruộng trồng mía phải tương đối bằng phẳng, thuận tiện giao thông, chiều dài ruộng mía đủ lớn thuận tiện cho thao tác cơ giới.

Khoảng cách trồng theo kiểu hàng đôi (hàng cách hàng 40 cen-ti-mét), chừa khoảng trống tuỳ vào tính chất đất và phương tiện máy móc sử dụng từ 1,6 - 1,8 mét (chừa lối đi cho máy móc như cày đất, làm cỏ, bón phân, thu hoạch…) rồi lại đến hàng đôi tiếp theo, cứ thế nối tiếp cho đến hết diện tích.

Biện pháp làm đất

Trên vùng đất cao, khô hạn, gò đồi chú ý biện pháp làm đất tối thiểu, đặc biệt cày sâu trên 30 cen-ti-mét bằng cày ngầm (cày không lật). Đất dốc, ngoài cày sâu tối thiểu 30 cen-ti-mét cần làm đất kỹ cho tơi xốp và làm rãnh đặt hom sâu 30 - 35 cen-ti-mét.

Trên vùng đất thấp, phèn cần thiết kế đồng ruộng, đắp đê bao chống lũ, đảm bảo thoát nước tốt trong thời gian mưa lũ, giữ ẩm, giữ nước trong các mương, ém phèn trong các tháng mùa khô.

Đối với mía trồng mới: Áp dụng 5 lần cày (1 lần cày không lật, 2 lần cày phá lân, 2 lần cày trở) và 1 lần rạch hàng.

Đối với mía lưu gốc: Áp dụng 1 lần cày sau khi băm gốc với độ sâu > 40 cen-ti-mét.

Bón phân cho mía theo kỹ thuật quản lý dinh dưỡng tổng hợp

- Bón đầy đủ các chất và cân đối lượng phân. Chú ý lượng phân đạm bón thâm canh có hiệu quả thay đổi từ 200 - 250 kg N/héc-ta theo tỷ lệ 4 N - 3 P2O5 - 4 K2O (tăng lân) hoặc theo tỷ lệ 2N - 1 P2O5 - 3 K2O (tăng kali). Tuỳ vào chân đất mà có thể bón theo công thức như sau:

+ Đối với mía trồng mới (tính cho 01 héc-ta): 200 - 220 kgN + 150-160 kg P2O5 + 200 - 220 kg K2O + 3.000 kg Hữu cơ vi sinh + 1.000 kg vôi.
+ Đối với mía lưu gốc: bón tăng thêm 15% so với mía tơ.

- Chọn các loại phân thích hợp, ngoài hàm lượng dinh dưỡng NPK còn có thêm các chất trung vi lượng (S, Ca, Mg).

- Thời gian bón hoặc số lần bón: Mía tơ bón 3 lần (1 lót 2 thúc), mía gốc bón 2 lần. Vụ đầu mùa mưa hoặc đông xuân có tưới bón phân N dứt điểm 3 - 4 tháng sau trồng. Vụ cuối mưa phải chờ mưa đủ ẩm mới bón, bón dứt điểm N trong khoảng 7 - 8 tháng sau trồng.

- Chọn cách bón tăng tỷ lệ hữu hiệu. Tất cả các loại phân cần được bón chôn vào đất. Nếu có điều kiện phun tưới nên bón phân qua lá.
- Tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển tốt, hấp thụ mạnh trước lúc bón phân.

Chăm sóc mía lưu gốc:

- Chỉ lưu gốc những ruộng có năng suất cao, ít bị sâu bệnh, ít mất khoảng.

- Vệ sinh đồng ruộng và bạt gốc ngay sau khi thu hoạch.

- Để lá và gom gọn phòng chống cháy.

- Dặm những chỗ mất khoảng trên 0,6 mét bằng cách đào bứng mía từ chỗ mọc dày và đảm bảo đủ ẩm cho mía trồng dặm.

- Xả gốc, bón thúc lần 1 với toàn bộ lượng lân, 1/2 lượng đạm và 1/2 lượng kali (số lượng sử dụng tương tự ở vụ tơ), xới xáo, vô chân ấm.

- Bón thúc lần 2 vào thời điểm sau khi thu hoạch 3 tháng, (khi mía bắt đầu có lóng) với 1/2 lượng đạm và 1/2 lượng kali kết hợp làm cỏ, xới xáo lấp phân.
Áp dụng một số hóa chất đặc biệt để xử lý cho mía:

- Tăng tỷ lệ nảy mầm:

Xử lý hom bằng các loại phân bón lá: Agrostim, HVP, Komix 301 trước khi trồng.

- Chống trổ cờ: Phun Gramaxone (paraquat) 0,8 – 1 lít/héc-ta + 800 – 1.000 lít nước, hoặc Diquat 1,5 – 2 lít/ héc-ta + 800 – 1.000 lít nước/ héc-ta.

- Tăng chữ đường:

Phun Glyphoscin (Polarin): 4,0 – 4,5 lít/héc-ta + 800 – 1.000 lít nước/héc-ta, hoặc phun Glyphosate 0,4 – 0,5 lít/héc-ta + 800 – 1.000 lít nước/héc-ta; hoặc GA3 (1%) + Metasilicate (0,1%) + 800 – 1.000 lít nước; hoặc phun Cycocal 1% + 800 – 1.000 lít nước/héc-ta; hoặc tưới dung dịch Metasilicate 1% + 800 – 1.000 lít nước/héc-ta vào gốc mía.
- Thời gian xử lý: 6 - 8 tuần trước thu hoạch.

HÀNG VIỆT

Vinatex: Nhiều sản phẩm phù hợp với thị trường nông thôn

Năm 2014 đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), thể hiện không chỉ ở kim ngạch xuất khẩu đạt con số ấn tượng 3,3 tỷ đô-la Mỹ, mà còn ở việc giữ vững thị trường nội địa. Đặc biệt, nhiều sản phẩm phù hợp với thị trường nông thôn đã được bà con đón nhận và đánh giá cao.

Đáp ứng tốt nhu cầu nội địa

Ông Lê Tiến Trường – Tổng Giám đốc Tập đoàn cổ phần dệt may Việt Nam cho biết: Năm 2014, doanh thu may mặc nội địa của Vinatex tăng khoảng 10% so với năm 2013, ước đạt hơn 22.000 tỷ đồng, chiếm hơn 30% nhu cầu hàng may mặc của toàn thị trường. Nhiều thương hiệu thời trang mới ra đời, phục vụ người tiêu dùng trong cả nước. Với chiến dịch “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” và ưu tiên sử dụng dịch vụ của nhau trong các doanh nghiệp (DN) thuộc Bộ Công Thương, Vinatex và các DN thành viên đã ký kết được nhiều hợp đồng cung ứng dịch vụ đồng phục, trang phục bảo hộ lao động, nguyên liệu… cho các ngành, tập đoàn, tổng công ty, đơn vị lớn trong cả nước.

Sự tăng trưởng về doanh thu nội địa chủ yếu tập trung vào các công ty may mặc lớn liên tục đầu tư các nhà máy mới và tạo ra những sản phẩm mới để thích ứng với nhu cầu thị trường trong tình hình kinh tế chung khó khăn. Một số DN lớn thuộc tập đoàn vốn chỉ may xuất khẩu nay cũng đầu tư khâu thiết kế và nguyên phụ liệu để sản xuất hàng phục vụ thị trường trong nước. Công tác thị trường cũng được đẩy mạnh với cách làm mới mẻ. Đặc biệt, hàng Việt Nam đã có những tín hiệu đáng mừng tại thị trường nông thôn – thị trường từ trước đến nay vẫn bị bỏ ngỏ. Nhiều doanh nghiệp đã đưa ra những dòng sản phẩm có giá bán phù hợp với người tiêu dùng nông thôn như sản phẩm tất dệt kim Hà Nội, quần áo dệt kim Đông Xuân… Đồng thời, tập đoàn định hướng các đơn vị thành viên phát triển thương hiệu một cách hệ thống, kết hợp thương hiệu tập đoàn và thương hiệu đơn vị tạo nên một khối thống nhất, nâng cao lợi thế cạnh tranh, tăng thị phần của toàn tập đoàn đối với thị trường trong nước. Đồng thời, Vinatex cũng tập trung phát triển hệ thống phân phối với tỷ lệ 100% hàng Việt Nam, điển hình là hệ thống siêu thị Vinatexmart – hệ thống bán hàng chủ chốt của tập đoàn.

Dù vậy, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp dệt may, hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức tại trường nội địa. Các khách hàng, người tiêu dùng ngày càng chặt chẽ hơn về giá cả, chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Xét về góc độ cạnh tranh nội bộ ngành dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp dệt may nói chung và tập đoàn nói riêng đang phải đối mặt với sức ép cạnh tranh rất lớn từ những doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt phân khúc giá rẻ bị hàng dệt may Trung Quốc chiếm lĩnh. Ngoài ra, hàng nhập lậu, hàng nhái kém chất lượng tràn lan trên thị trường được gắn mác hàng Việt Nam đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của nhà cung cấp.

Chú trọng mở rộng thị trường

Tại Hội nghị tổng kết tình hình sản xuất kinh doanh năm 2014 và đề ra kế hoạch năm 2015 của Vinatex, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đỗ Thắng Hải đã ghi nhận và biểu dương những kết quả mà Vinatex đã đạt được. “Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng cao, tốc độ phát triển trung bình Vinatex đạt 18,4%/năm là con số rất ấn tượng, đáng khích lệ. Với hơn 6.000 doanh nghiệp, Vinatex đã tạo việc làm cho hơn 2 triệu lao động, góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế đất nước và tạo an sinh xã hội”, Thứ trưởng nói.

Về định hướng phát triển năm 2015, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, cùng với việc thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phục vụ tốt nhu cầu nội địa, Viantex cũng cần chú trọng đầu tư và mở rộng phát triển thị trường. “Điều này góp phần lớn trong việc phát triển của Vinatex”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ban biên tập (Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin Điện tử UBDT phối hợp thực hiện)