Thông tin giá cả thị trường số ra ngày 3/7/2015

03:29 PM 30/07/2015 |   Lượt xem: 1834 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Vận hội mới cho doanh nghiệp Việt – Lào

Sau nhiều năm nỗ lực, đến nay có không ít doanh nghiệp (DN) Việt Nam đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía, cao su, sắn... tại vùng biên giới Lào. Với Hiệp định Thương mại biên giới Việt – Lào vừa được ký kết; các loại nguyên liệu, hàng hóa này sẽ rộng đường nhập khẩu về Việt Nam mà không phải chịu thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng.

Rộng cửa cho DN hoạt động


Phục vụ cho Nhà máy tinh bột sắn và cồn thành phẩm đầu tư tại Savanakhet (Lào), với vốn đầu tư khoảng 60 tỷ đồng, quy mô 68 tấn thành phẩm mỗi ngày... Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi đã phát triển gần 5.000 héc-ta đất trồng sắn, thu hút hàng ngàn nông dân tham gia. Sau khi Hiệp định Thương mại biên giới Việt - Lào được ký kết, sản phẩm của công ty xuất khẩu sang Lào sẽ không phải chịu thuế nhập khẩu, góp phần nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Cơ hội này cũng đang mở ra với nhiều DN khác, trong đó có DN Như Xuân (Công ty thành viên của Công ty vật tư Thanh Hóa) khi công ty mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Lào - Việt với tổng mức đầu tư 6 triệu đô-la Mỹ…

Cùng với cây sắn, với vùng nguyên liệu mía và nhà máy đường đang phát triển tại tỉnh Attapeu (Lào), Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai hứa hẹn sẽ mang lại cho người tiêu dùng trong nước sản phẩm đường giá rẻ hơn hẳn giá của các DN trong nước, nhất là khi sản phẩm của DN này sẽ không phải chịu thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng khi nhập khẩu vào Việt Nam. Sản phẩm ngô, cao su của Hoàng Anh Gia Lai trồng tại Lào cũng sẽ rất thuận lợi khi nhập khẩu vào Việt Nam do được hưởng ưu đãi này.

Với các DN đầu tư trồng vùng nguyên liệu, rõ ràng Hiệp định Thương mại biên giới Việt – Lào được ký kết góp phần khuyến khích DN mạnh dạn đầu tư sang Lào. Bên cạnh đó, thông qua các ưu đãi này, Việt Nam có cơ hội nhập khẩu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất được nuôi trồng tại Lào, bổ sung nguồn nguyên liệu còn đang thiếu ở trong nước. Đặc biệt, cộng đồng các DTTS ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa dọc biên giới giữa hai nước sẽ là đối tượng được thụ hưởng sau khi kinh tế - xã hội khu vực biên giới có những bước phát triển mới.


Những thách thức đặt ra


Với việc thuế suất thuế nhập khẩu là 0%, hàng hóa của các DN sản xuất tại Lào sẽ tạo áp lực không nhỏ cho các DN trong nước.

Bên cạnh đó, việc miễn thuế hàng hóa được sản xuất theo dự án đầu tư của thương nhân Việt Nam tại các tỉnh biên giới Lào rất dễ dẫn đến nguy cơ hàng hóa của các nước khác trà trộn, gian lận để được hưởng ưu đãi khi nhập khẩu vào Việt Nam. Chính vì vậy, đòi hỏi hai Bộ Công Thươn hai nước Việt Nam, Lào cần có cơ chế quản lý chặt chẽ, làm sao để đảm bảo chỉ có hàng hóa do DN Việt Nam đầu tư sản xuất tại các tỉnh biên giới của Lào mới được hưởng ưu đãi theo hiệp định

Cụ thể như, việc “thương nhân muốn thực hiện hoạt động thương mại biên giới được hưởng chính sách ưu đãi phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh của mỗi nước và được cơ quan này xem xét, cho phép hoạt động theo quy định của mỗi nước”... là quy định cần thực hiện triệt để. Bởi lẽ quy định này sẽ góp phần quản lý tốt hoạt động thương mại biên giới, đồng thời khuyến khích DN hoạt động tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn nhiều khó khăn được hưởng các ưu đãi biên mậu.

Để Hiệp định đạt được đúng ý nghĩa, mục đích đặt ra…, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, ban ngành. Trong đó, công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và quản lý chất lượng hàng hóa qua biên giới Việt – Lào cần được quan tâm đặc biệt, bởi lẽ đây sẽ là đầu mối sàng lọc để những ưu đãi từ hiệp định đến được đúng với đối tượng được thụ hưởng.

MUA GÌ

Đồng bằng sông Cửu Long: Cá giống bán được giá


Hiện nay, ĐBSCL đang bước vào mùa mưa, cũng là thời điểm nông dân thả cá nuôi trong ruộng, ao, vèo. Chính vì vậy các cơ sở sản xuất cá giống bán rất chạy và giá tăng từ 5 - 7% so với năm ngoái. Tại xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ, cá rô phi giống có giá từ 35.000 - 37.000 đồng/kg (loại 150 - 200 con/kg), giống cá điêu hồng 45.000 - 50.000 đồng/kg (khoảng 150 - 200 con/kg), cá chép 50.000 - 60.000 đồng/kg (200 - 300 con/kg), cá mè trắng 35.000 đồng/kg (200 - 300 con/kg), cá mè hoa 60.000 đồng/kg, cá sặc rằn 70.000 - 80.000 đồng/kg (100 - 150 con/kg), cá trê 50.000 - 60.000 đồng/kg (150 - 200 con/kg), giá cá tra giống 30.000 – 32.000 đồng/kg. Còn ba ba giống loại 1 tuần tuổi 2.000 đồng/con; 4 – 8 tuần tuổi giá 5.000 đồng/con; cua đinh giống 2 tuần tuổi khoảng 5 phân giá 300.000 – 350.000 đồng/con; loại 4 tuần tuổi khoảng 7 – 8 phân giá 400.000 – 450.000 đồng/con.

Dưa Kim Cô Nương bán chạy

Gần đây tại vùng ĐBSCL người dân đã chuyển đổi nhiều héc-ta đất trồng lúa sang trồng dưa Kim Cô Nương. Đây là loại dưa đặc sản hiện nhu cầu thị trường rất lớn, đạt mức lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với các loại dưa và rau màu khác. Nhờ chuyển đổi đất ruộng sang trồng dưa, nguồn thu nhập của nhiều hộ dân cũng tăng lên đáng kể. Hiện tại, dưa Kim Cô Nương được thu mua với giá 20.000 đồng/kg.

Theo các hộ trồng dưa, năm nay năng suất dưa có giảm do tình trạng sâu bệnh và tình hình thời tiết không thuận lợi. Mặc dù dưa được xuống giống đồng loạt, nhưng thời điểm thu hoạch các dây không cùng lúc, nên mỗi vụ dưa nông dân phải bỏ công thu hoạch tới 6 đợt, mỗi đợt thu hoạch cách nhau từ 3 - 4 ngày. Để dưa được thị trường chấp nhận thì trái phải đẹp, màu vàng đều, bóng loáng, trọng lượng từ 0,4 – 1,7 kg/trái.

Giá phân bón nhích nhẹ

Khoảng một tháng qua, giá phân bón tại nhiều khu vực ĐBSCL và Tây Nguyên tăng giá nhanh và có dấu hiệu thiếu hàng cục bộ với mức tăng tới gần 1.000 đồng/kg. Phân đạm đến tay người tiêu dùng hiện ở mức 8.100 - 8.500 đồng/kg tùy địa phương. Nhiều đại lý cho hay nhu cầu của người dân tăng lên nhưng các nhà cung cấp phân bón không giao đủ lượng hàng. Theo các công ty sản xuất phân bón, giá phân bón, nhất là phân urê, tăng mạnh là do ở các khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã có mưa sau thời gian dài hạn hán, còn ở ĐBSCL đang triển khai lúa vụ ba, miền Bắc chuẩn bị vào vụ hè thu nên nhu cầu sử dụng phân bón tăng. Ngoài ra, các quốc gia như Ấn Độ, Pakistan đang triển khai các gói thầu mua phân bón lớn đã ảnh hưởng đến giá phân bón thế giới theo chiều hướng tăng.

Tiền Giang: Giá tôm nước lợ tăng mạnh
Nửa tháng qua, giá tôm nước lợ tại các vùng nuôi tôm phía Đông của tỉnh Tiền Giang tăng trở lại với mức tăng 13.000 - 20.000 đồng/kg, nông dân nuôi tôm rất phấn khởi. Hiện nay, tôm sú loại 40 con/kg được thương lái đến tận ao thu mua với giá 180.000 - 200.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá 210.000 - 230.000 đồng/kg, tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với nửa tháng trước. Tôm thẻ chân trắng loại 60 con/kg được thương lái thu mua với giá 106.000 - 114.000 đồng/kg, loại 100 con/kg có giá 86.000 - 90.000 đồng/kg, tăng khoảng 13.000 đồng/kg so với đầu tháng 6. Theo thương lái thu mua tôm ở thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, giá tôm tăng trở lại là do các doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu đang đẩy mạnh thu mua tôm nguyên liệu để đáp ứng các đơn hàng của đối tác. Mặt khác, hiện nay mặc dù các vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh bắt đầu thu hoạch nhưng sản lượng không nhiều do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời tiết trong những tháng đầu năm.

Giá tôm hiện nay giúp người nuôi có lợi nhuận tương đối cao, có thể giúp bà con nuôi tôm mạnh dạn đầu tư tái sản xuất. Tuy nhiên, nuôi tôm rủi ro rất cao do dịch bệnh luôn rình rập, người nuôi cần phải thực hiện đúng quy trình nuôi, đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật để tránh dịch bệnh và đạt sản lượng cao.

BÁN GÌ

Giá cao su tăng trở lại


Giá cao su trong nước đã tăng nhẹ trở lại sau khi thị trường phản ứng tích cực trước việc Thái Lan, nước có sản lượng cao su lớn nhất thế giới, thực hiện kế hoạch chặt bỏ những vườn cao su nằm ngoài quy hoạch. Tại các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nguyên, giá cao su tăng gần 1.000 đồng/kg so với thời điểm trước. Cụ thể, hiện giá SVR3L là 29.800 đồng/kg, giá cao su SVR10 là 24,600 đồng/kg. Do vậy, Hiệp hội Cao su Việt Nam dự báo, trong những năm tới, giá cao su nếu có tăng cũng chỉ ở mức dưới 2.500 đô-la Mỹ/tấn. Nguyên nhân do giá dầu trên thị trường thế giới giảm mạnh khiến cho giá cao su tổng hợp trở nên rẻ hơn và vì thế, giá cao su thiên nhiên cũng chịu ảnh hưởng từ sự giảm giá này. Bên cạnh đó, nhu cầu của Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới vẫn chưa phục hồi.

Nhập khẩu quả vải vào Úc tăng

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm dịch Thực vật 2 (thuộc Cục Bảo vệ thực vật), hiện các nhà nhập khẩu của Úc đang dồn dập đặt hàng trái vải tươi. Riêng doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam là Công ty Rồng Đỏ đã đưa được trái vải vào hệ thống siêu thị Úc thông qua nhà nhập khẩu. Mỗi tuần, đối tác của Công ty Rồng Đỏ tại Úc có thể nhập từ 15 - 20 tấn vải tươi. Các lô hàng đã được vận chuyển theo đường hàng không đến thành phố Melbourne. Trong tổng số 12 tấn được doanh nghiệp xuất khẩu thì có khoảng 7 tấn vải từ Hồng Giang (Lục Ngạn), số còn lại là của vùng vải Chí Linh, Thanh Hà (Hải Dương).

Đây là năm đầu thử nghiệm nên vận chuyển hàng không là phương án tối ưu để đảm bảo chất lượng quả vải, dù chi phí chiếm đến 60% giá thành. Hiện nay, vải Việt Nam được thị trường Úc đánh giá rất cao so với chất lượng quả vải được trồng tại các quốc gia này và một số nước xuất khẩu khác trong khu vực châu Á. Tuy nhiên, bà con nông dân cũng cần tuân thủ quy trình khắt khe của vải xuất khẩu, sẽ nâng cao ý thức canh tác hơn nữa cho bà con nông dân. Nếu không có những trái vải đẹp và an toàn, chắc chắn doanh nghiệp không có được nguyên liệu tốt để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Mít Thái đầy vườn, giá giảm

Năng suất cao, chất lượng vượt trội so với giống bình thường nhưng do đua nhau trồng nên giá bán mít Thái Lan đang giảm mạnh. Nhiều vườn mít chín vàng nhưng thương lái chẳng chịu thu mua.

Thời điểm đầu năm, mít Thái ở đồng bằng sông Cửu Long được thương lái lùng mua tại vườn với giá 20.000 đồng/kg. Trúng mùa, được giá nên nhiều nhà vườn trồng mít ở Hậu Giang - một trong những vựa mít lớn nhất khu vực- đã đón cái Tết thật ấm cúng. Tuy nhiên, từ đầu tháng 6 đến nay, giá mít liên tục giảm và hiện chỉ bán được giá từ 2.000 - 2.500 đồng/kg. Thậm chí, nhiều hộ còn không bán được do bây giờ vào mùa thu hoạch rộ, mít được mùa... Nguyên nhân chính vẫn là do bà con đua nhau trồng nhiều quá nên sản phẩm bị ứ đầu ra, giá giảm mạnh.



Tây Ninh: Nông dân trồng khoai mì lỗ vốn

Mặc dù khoai mì chỉ mới trồng 5 - 6 tháng nhưng người dân đã phải hối hả thu hoạch để tránh mưa ngập. Chính vì việc thu hoạch sớm nên giá bán khoai mì chỉ đạt 1.500 - 1.700 đồng/kg, trong khi giá mua gần 2.400 đồng/kg (cho khoai mì đạt 30 chữ bột). Nguyên nhân do người dân thu hoạch chạy mưa, chữ bột khoai mì chưa đạt nên giá bán củ mì của nông dân thấp. Bình thường một vụ trồng khoai mì phải một năm, nhưng hiện nay chỉ 6 tháng trở lên đã thu hoạch nên chỉ bán được giá thấp. Theo thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh, những hộ dân trồng khoai mì phải thu hoạch sớm đa số nằm trong diện tích trồng vượt quy hoạch.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Biên giới Việt – Lào: Nóng bỏng buôn lậu và vận chuyển hàng cấm


Những năm gần đây, thương mại biên giới giữa hai nước Việt – Lào có nhiều chuyển biến tích cực, thị trường được mở rộng, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia, nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa ngày càng đa dạng. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực thì tình trạng buôn lậu, nhất là tình trạng vận chuyển ma túy đang là mối lo ngại của hai nước.

Từ “Nóng bỏng” vận chuyển ma túy...

Ma túy vẫn đang là hiểm họa của nhân loại, hủy hoại sức khỏe, phá hoại hạnh phúc gia đình, phá hoại kinh tế, làm gia tăng tội phạm... Ở Việt Nam, tình trạng vận chuyển trái phép các chất ma túy, đặc biệt là qua biên giới Việt – Lào vẫn đang gia tăng. Trong số các vụ án lớn về buôn bán, vận chuyển ma túy, đa số đi vào nước ta thông qua đường biên giới đất liền, tập trung ở các tỉnh biên giới Việt - Lào, nhiều nhất là Sơn La, Nghệ An, Điện Biên, Thanh Hóa.

Trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, dù các cơ quan chức năng của nước bạn tăng cường lực lượng xuống cụm bản Pa Háng - Huổi Hiềng, Sốp Bâu, Hủa Phăn (Lào) phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng Việt Nam đấu tranh ngăn chặn hoạt động vận chuyển ma túy qua biên giới, nhưng các đường dây ma túy lớn vẫn ngang nhiên hoạt động thu gom hàng độc này từ khu vực Luông Phra-băng vận chuyển về cụm bản Pa Háng - Huổi Hiềng. Trong đó, địa bàn biên giới tỉnh Sơn La được xác định là tuyến trọng điểm phức tạp về hoạt động của tội phạm ma túy. Nóng bỏng nhất là Lóng Luông, Lóng Sập, Chiềng Sơn của 2 huyện Vân Hồ và Mộc Châu. Ở đây xuất hiện nhiều đường dây vận chuyển ma túy trang bị vũ khí nóng, nhiều đối tượng còn công khai thách thức các lực lượng chức năng.

... Đến “nóng” Buôn lậu hàng cấm và nhiều loại hàng

Không chỉ là điểm nóng về vận chuyển ma túy, biên giới Việt – Lào còn là khu vực buôn bán, vận chuyển hàng lậu như: thuốc lá, đường, gỗ, gia súc, hàng điện tử, đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm… qua các cửa khẩu khu vực miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… trong đó nổi cộm, nhất là ở khu vực cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị).

Theo quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Quảng Trị, các đối tượng buôn lậu lén lút tập kết hàng phía biên giới Lào và thuê người cõng hàng qua biên giới bằng các đường tiểu ngạch, qua sông Sê Phôn tuồn vào Khu kinh tế Thương mại đặc biệt Lao Bảo. Từ đây chia nhỏ hàng, tiếp tục luồn lách qua các trạm kiểm soát hải quan, biên phòng và theo quốc lộ 9 vào nội địa. Theo Thiếu tá Nguyễn Quang Tuấn - Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, cùng với hoạt động buôn lậu hàng cấm qua biên giới, từ sau khi Thông tư 109 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các chính sách tài chính cho khu kinh tế cửa khẩu, ban hành kèm danh mục 17 nhóm hàng không còn được miễn thuế VAT kể từ ngày 1/10/2014. Theo đó, các mặt hàng tiêu dùng như bia, dầu ăn, đường, sữa các loại, mì gói, cà phê, bánh kẹo, dầu gội, văn phòng phẩm… không được hoàn thuế giá trị gia tăng khi nhập vào khu kinh tế thương mại Lao Bảo thì các đầu nậu lại sử dụng tờ khai bằng những “món mới” được hưởng hoàn thuế GTGT 10% khi nhập vào khu kinh tế như xúc xích, phụ tùng máy cưa, thức ăn gia súc, hóa mỹ phẩm...

Cục QLTT - Bộ Công Thương cho biết: Nhận thấy việc kiểm tra, kiểm soát thị trường và quản lý thương mại hai nước là điều cần thiết, Bộ Công Thương hai nước đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác trong việc quản lý thị trường tưfừ năm 2011. Theo đó, hai bên thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp trong việc nâng cao chất lượng cho lực lượng chức năng, trao đổi kinh nghiệm về thực thi pháp luật liên quan đến QLTT. Bên cạnh đó, thường xuyên phối hợp trao đổi thông tin, điều tra, xử lý vi phạm qua biên giới giữa hai nước. Đồng thời, phối hợp đưa ra các biện pháp, quản lý những mặt hàng nhập lậu, hàng cấm như: thuốc lá, xăng dầu, mỹ phẩm, động vật hoang dã, đường, gỗ…

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Đồng Nai: Thương lái ồ ạt mua sầu riêng non


Các hợp tác xã (HTX) sầu riêng ở Đồng Nai cho biết gần đây thương lái tranh nhau mua sầu riêng non, chưa đủ độ già. Giá sầu riêng ở Đồng Nai hiện ở mức khá cao, 32.000 đồng/kg nên nhiều nhà vườn đua nhau bán. Đây là hiện tượng đã xảy ra ở những vụ trước, đầu vụ đua nhau mua khiến giá sầu riêng tăng cao, khi thương lái ngưng mua, giá rớt thê thảm và những nhà vườn làm ăn chính đáng bị ảnh hưởng.

Giá cao su xuất khẩu sẽ ở mức thấp trong những năm tới

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá cao su xuất khẩu bình quân trong 4 tháng đầu năm đạt 1.428 đô-la Mỹ/tấn, giảm gần 28% so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5 đến nay, giá cao su đã tăng trở lại. Trong nửa đầu của tháng 5 vừa qua, giá cao su loại SVR 3L của Việt Nam được chào bán đạt mức trung bình 1.655 đô-la Mỹ/tấn, tăng 4,6% so với mức trung bình của tháng 4/2015. Và bắt đầu từ tháng 5/2015, xuất khẩu cao su thiên nhiên dạng sản phẩm hỗn hợp sang thị trường Trung Quốc đã tăng và tương đối ổn định, với mức 900 tấn mỗi ngày và giá xuất loại SVL 3L ở thời điểm cuối tháng 5 đã đạt 1.790 đô-la Mỹ/01 tấn.

Theo dự báo, trong tháng 7/2015, các đối tác ở Trung Quốc sẽ đẩy mạnh nhập khẩu cao su để dự trữ, do vậy tiêu thụ cao su của Việt Nam cũng sẽ ổn định hơn. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù giá cao su đã được cải thiện nhưng trong những năm tới, giá xuất khẩu cao su vẫn ở mức dưới 2.500 đô-la Mỹ/tấn. Vì vậy, chính quyền các địa phương cần khuyến cáo bà con duy trì tốt diện tích trồng cao su hiện có, tính toán hợp lý khi đầu tư trồng mới.

Cam Lâm (Khánh Hòa): Xoài giống nội thất thu, xoài Úc vẫn được mùa

Nắng hạn kéo dài khiến nạn bọ trĩ hoành hành nên vụ xoài năm nay ở Cam Lâm (Khánh Hòa) mất mùa, sản lượng sụt giảm mạnh do xoài rụng sớm.

Nhiều hộ xoay ra chế biến bánh xoài từ xoài rụng mong vớt vát nhưng chế biến không xuể. Trong khi các giống xoài Thủy Triều, Bồ, Cát... giảm phẩm chất vì sâu bệnh thì giống xoài Úc không bị mất mùa và giá vẫn rất cao, bình quân từ 30.000 đồng/kg đến 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và thương lái trong nước rất khó thu mua được xoài Úc vì tại các vựa xoài lớn đều có nhiều thương lái Trung Quốc đứng chốt thu mua xoài Úc.

Năm nay, Công ty TNHH EMU Việt Nam chỉ thu mua được khoảng 100 tấn xoài Úc (so với bình quân 240 tấn mọi năm), tương đương 1/10 tổng sản lượng xoài Úc trên địa bàn do không thể cạnh tranh được với thương lái Trung Quốc. Điều đáng nói, họ cạnh tranh không lành mạnh, khi công ty ra giá, lập tức họ đưa ra giá cao hơn nên đã mua hết sản lượng xoài Úc. Tình hình này đã diễn ra 3 - 4 năm, nhưng năm nay rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín và việc kinh doanh của công ty đối với thị trường thế giới. Một điều đáng lưu ý là Công ty TNHH EMU Việt Nam là đơn vị đặt nền móng cho cây xoài Úc phát triển ở Khánh Hòa, đưa vùng chuyên canh phát triển hơn 1.500 héc-ta, xây dựng nhà máy thu mua, đóng gói xuất khẩu, lập vùng sản xuất theo quy trình GlobalGAP, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và được cơ quan thẩm quyền cấp mã vùng sản xuất. Nhưng cách thức cạnh tranh của thương lái Trung Quốc đã khiến việc kinh doanh của công ty hiện nay gặp rất nhiều khó khăn.

Câu chuyện cạnh tranh thu mua giữa thương lái Trung Quốc và doanh nghiệp trong nước không chỉ diễn ra với trái xoài ở Cam Lâm (Khánh Hòa) mà đang xảy ra ở nhiều mặt hàng khác trên cả nước. Bà con cần lưu ý việc chạy theo những lợi ích trước mắt, không giữ chữ tín sẽ làm nản lòng những doanh nghiệp trong nước muốn đầu tư làm ăn lâu dài ở địa phương.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Mong được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm


Thời gian qua, nông dân trên địa bàn TP. Cần Thơ đã cải thiện thu nhập nhờ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng sen lấy gương. Tuy nhiên, việc tiêu thụ gương sen phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Bà con nông dân rất cần có doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm nhằm giúp giá cả đầu ra sản phẩm ổn định.

Cây sen đã được nông dân phát triển trồng tại nhiều địa phương trên địa bàn TP. Cần Thơ như: Ô Môn, Cờ Đỏ, Thới Lai, Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh... Mỗi công đất trồng sen cho sản lượng gương sen đạt từ 1 - 1,4 tấn/năm. Với giá bán gương sen thời gian qua luôn ở mức từ 8.000 - 10.000 đồng/kg trở lên, nhiều hộ dân trồng sen tại xã có thu nhập bình quân từ 10 - 15 triệu đồng/công sen/năm. Với tình hình giá lúa đầu ra thời gian qua khá bấp bênh, bà con đang đẩy mạnh chuyển từ lúa sang trồng sen, diện tích trồng ngày càng tăng có khả năng sẽ “cung lớn hơn cầu”. Do đó, vấn đề bà con lo lắng nhất hiện nay là việc tiêu thụ sản phẩm gương sen phụ thuộc hoàn toàn vào tiểu thương, đặc biệt là thương lái đến từ các tỉnh lân cận. Hiện có nhiều thương lái từ Đồng Tháp đã sang tận Cần Thơ để thu mua gương sen, giúp nông dân thuận lợi hơn rất nhiều trong việc tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, giá thu mua còn bấp bênh và do thương lái quyết định. Ông phạm Văn Hiệp, ngụ ấp 8, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, cho biết: "Nông dân muốn bán gương sen chỉ cần hẹn với thương lái giờ nhận mua hàng và đưa hàng tập kết đến các bãi thu mua đã được hình thành trên địa bàn xã. Chỉ có điều việc đánh giá chất lượng sản phẩm và giá thu mua hầu như hoàn toàn do thương lái quyết định, nhiều lúc thấy hàng ít họ nâng giá lên, còn thấy hàng nhiều lại giảm giá. Bà con muốn tiêu thụ gương sen với số lượng lớn phải đem hàng sang tận Cao Lãnh - Đồng Tháp để bán cho các tiểu thương và vựa thu mua”.

Nông dân rất cần các cấp, các ngành chức năng quan tâm hỗ trợ, kết nối kịp thời với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nhằm giúp điều tiết sản xuất và chủ động hơn về mặt đầu ra sản phẩm.

Quảng Ngãi: Người nuôi heo gặp khó

Giá bán heo giảm mạnh, trong khi giá thức ăn lại tăng vọt khiến việc chăn nuôi nông hộ cũng như gia trại, trang trại đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí nhiều người còn lâm vào cảnh thua lỗ, nợ nần...

Theo bà con thôn Phước Vĩnh, xã Đức Phú (Mộ Đức), heo hơi được mua với giá 32.000 đồng/kg, giảm 8.000 - 10.000 đồng/kg so với hồi đầu năm. Tuy giá giảm nhưng bà con vẫn xuất bán vì đàn heo đã đủ cân đủ ký mà giá thì hạ dài, còn thức ăn chăn nuôi lại tăng vùn vụt. Không chỉ ép giá, có thương lái còn đồng ý mua nhưng với điều kiện, sau khi bắt về giết mổ mà họ nhận thấy heo thịt đẹp, nhiều nạc thì sẽ trả 35.000 đồng/kg hơi; ngược lại nếu thịt mỡ chỉ được 30.000 đồng/kg. Biết thế là bất hợp lý nhưng vì hiện giờ giá thức ăn quá cao, mà giá heo thì tiếp tục hạ nên bà con phải chấp nhận bán đổ bán tháo. Trong khi người nuôi heo nhỏ lẻ gặp khó vì giá bán thấp, thương lái chèn ép thì chủ các gia trại, trang trại heo cũng trong tình trạng tương tự, thậm chí còn bi đát hơn. Lý do, đây là những hộ nuôi heo quy mô số lượng lớn, từ vài chục đến hàng trăm con nên giá bán trông chờ vào các doanh nghiệp đầu tư và bao tiêu sản phẩm (thường là các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi).

Để giảm chi phí, một số hộ đã chọn cách bổ sung thức ăn có chất kích thích tăng trưởng để heo nhanh tăng trọng. Như vậy, chỉ vì muốn tự cứu mình mà vô tình, người chăn nuôi lại làm hại sức khỏe người tiêu dùng. Nhưng xảy ra thực trạng này, duyên cớ cũng bắt nguồn từ sự bất cập trong việc quản lý sản xuất, tiêu thụ khiến người dân phải gồng mình nuôi quá nhiều khâu trung gian. Bằng chứng là người sản xuất luôn bán sản phẩm với giá rẻ, còn người tiêu dùng lại mua với giá cao. Và không biết đến bao giờ, thực trạng này mới chấm dứt để bà con chăn nuôi yên tâm sản xuất.

CHỐNG BUÔN LẬU MUA BÁN GIAN LẬN

Các lực lượng Chống hàng giả: Phải nâng cao trách nhiệm với người tiêu dùng nông thôn, miền núi


Tại buổi tọa đàm về xây dựng và bảo vệ thương hiệu, đấu tranh chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, các lực lượng phải nâng cao trách nhiệm với người tiêu dùng từ thành phố tới nông thôn, miền núi... Đồng thời, người tiêu dùng cũng phải biết tự bảo vệ mình bằng cách khi mua hàng phải có hóa đơn, chứng từ rõ ràng, được hướng dẫn sử dụng chi tiết, thông tin cho lực lượng chức năng khi mua phải hàng giả, kém chất lượng.

Hơn 30 ngành hàng bị làm giả

Theo ông Lê Thế Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), hiện nay trong nước có trên 30 loại ngành hàng bị làm giả từ tiêu dùng thông thường đến hàng cao cấp, như: mỹ phẩm, rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, đường sữa, thuốc thú ý, đồ điện tử, điện thoại, gas, quần áo… gây thiệt hại cho doanh nghiệp (DN), người tiêu dùng bị lừa, nhất là người tiêu dùng nông thôn, miền núi không có nhiều kinh nghiệm trong việc nhận biết hàng thật, hàng giả.

Đại diện các DN, ngành hàng đều phản ánh hiện nay có rất nhiều hạn chế từ cơ chế, chính sách thực thi đến tư duy người tiêu dùng khiến hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn có “đất” sống. Ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết: Điều khiến các DN dệt may trong nước lo lắng là tình trạng nhập lậu hàng may mặc giá rẻ tràn lan trên thị trường. Đặc biệt là tại các vùng nông thôn, nơi có thu nhập thấp và chưa có ý thức sử dụng hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo về chất lượng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến thị phần của DN. Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Trường - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Dây cáp điện Việt Nam cũng phản ánh thêm: Dây cáp điện bị làm giả, làm nhái dễ bị hở điện, chập điện, ảnh hưởng tới tính mạng con người. Hiện nay, nhiều khu vực đặc biệt là khu vực miền núi, lợi dung dân trí thấp, nhiều cửa hàng, đại lý đã trà trộn hàng giả, hàng nhái để lừa bà con. Trong khi đó bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng một số địa phương thì còn nhiều địa phương vẫn buông lỏng, chưa sát sao với vấn nạn này.

Tăng cường chế tài xử lý

Để tiếp tục đấu tranh khắc phục có hiệu quả vấn nạn này, ông Lê Thế Bảo khẳng định, trong thời gian tới hiệp hội sẽ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, DN thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ông Bảo cũng kiến nghị, cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ xung chính sách, kịp thời khắc phục những bất cập, tăng cường chế tài xử lý mạnh đối với các loại vi phạm buôn lậu, làm hàng giả và gian lận thương mại. Bên cạnh đó, lực lượng thực thi từ trung ương tới địa phương cần tập trung triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, hàng giả, đặc biệt là các tổ chức buôn lậu, làm hàng giả xuyên biên giới.

Trước thực trạng này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, các lực lượng chức năng tổ chức quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về chống buôn bán sản xuất hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ và coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Đây cũng là nhiệm vụ thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương và các DN ở cả 3 lĩnh vực: Sản xuất, vận chuyển, buôn bán. Kiên quyết không cho phép có vùng cấm trong công tác này. “Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra xử lý các vụ vi phạm, đặc biệt là hàng giả về lương thực, thực phẩm thuốc chữa bệnh. Tập trung điều tra, triệt phá các đường dây ổ nhóm và các đối tượng cầm đầu. Nâng cao ý thực người tiêu dùng, nhất là ở các khu vực miền núi, nông thôn” – Phó Thủ tướng chỉ đạo.

BÀ CON CẦN BIẾT

Hiệp định Thương mại biên giới Việt – Lào: Nhiều mặt hàng không phải chịu thuế


Hiệp định Thương mại biên giới giữa hai nước gồm 23 Điều, sẽ có hiệu lực chính thức khi hai bên hoàn tất việc trao đổi công hàm ngoại giao với nhau và xác nhận rằng mỗi bên đã hoàn thành các thủ tục nội bộ cần thiết cho hiệu lực của hiệp định.
Cơ hội sau khi ký kết hiệp định

Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các thương nhân Việt Nam đầu tư sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh biên giới của Lào. Theo Hiệp định, nhiều loại nông sản được sản xuất bởi cư dân tại các tỉnh biên giới của Lào theo dự án của nhà đầu tư Việt Nam sẽ không phải chịu thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng khi nhập khẩu Việt Nam.

- Hiệp định tạo động lực mới cho thương mại biên giới hai nước, vốn hiện nay vẫn chưa phát huy thế mạnh và tiềm năng vốn có thông qua các ưu đãi cụ thể về hàng hóa, đơn giản hóa thủ tục kiểm dịch, kiểm tra qua cửa khẩu biên giới.
- Khi các loại nông sản của nhà đầu tư tại các tỉnh biên giới nhập khẩu về Việt Nam với thuế suất ưu đãi sẽ tạo thêm nguồn cung cấp nguyên liệu cho sản xuất trong nước.

Những nội dung chính của hiệp định

- Dành ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu 0% cho một số hàng hóa của Lào hiện đang áp dụng hạn ngạch thuế quan khi nhập khẩu vào Việt Nam bao gồm trứng, muối.

- Nhiều mặt hàng nông sản do cư dân các tỉnh biên giới của Lào theo dự án của nhà đầu tư Việt Nam (như rau, củ , quả, cao su và các nguyên liệu nguồn gốc thực vật khác) được miễn thuế nhập khẩu và không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng khi nhập khẩu về Việt Nam.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới hai nước khi mang qua biên giới thông qua cam kết về ưu đãi thuế và đơn giản hóa các thủ tục nhập khẩu và kiểm dịch.

- Tăng cường đầu tư vào các chợ biên giới của hai nước theo quy hoạch phát triển chợ biên giới.

- Quy định về hoạt động thanh toán trong thương mại biên giới và khuyến khích các ngân hàng thương mại của hai nước hợp tác cung cấp các dịch vụ ngân hàng tại khu vực biên giới.

- Cung cấp, chia sẻ các thông tin cần thiết về các quy định pháp luật về thương mại biên giới, thủ tục hải quan, các loại thuế, phí, lệ phí và các thông tin về dịch bệnh cho cơ quan có thẩm quyền, thương nhân và cư dân biên giới của mỗi bên.
- Khuyến khích phát triển các dịch vụ hỗ trợ thương mại biên giới và tạo thuận lợi cho sự di chuyển cho hàng hóa, người và phương tiện vận tải qua biên giới hai nước.

Ý nghĩa của việc ký kết

Thúc đẩy kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Lào, qua đó góp phần củng cố hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào.

- Xây dựng và phát triển các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào trở thành những cửa ngõ và cầu nối trung chuyển hàng hóa giữa các nước trong khu vực, góp phần thực hiện mục tiêu kết nối trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) và các cơ chế hợp tác khu vực khác.

- Thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ giữa các tỉnh biên giới hai nước trên mọi lĩnh vực kinh tế, thương mại, xã hội và văn hóa, góp phần xây dựng đường biên giới Việt Nam – Lào trở thành đường biên giới của giao lưu, hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển bền vững.

- Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa dọc biên giới giữa hai nước, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội tuyến biên giới Việt Nam – Lào.

HÀNG VIỆT


Quế Văn Yên: Phát triển mạnh nhờ chỉ dỵn địa lý


“Nhờ xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý (CDĐL), sản phẩm Quế Văn Yên, thuộc huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đã ngày càng phát triển mạnh cả về quy mô lẫn giá trị” - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Tám - Phó Chủ tịch Hiệp hội Quế Văn Yên, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Quế Sơn.

Trước đây, khi Văn Yên chưa xây dựng được CDĐL thì sản phẩm quế bà con sản xuất bán rất thấp, trung bình giá bán quế vỏ dao động khoảng 11.000 đồng/kg; tinh dầu 250.000 đồng/kg; cành lá quế 2.200 – 2.500 đồng/kg. Năm 2011, huyện Văn Yên bắt đầu đi vào thực hiện CDĐL, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về thị trường và định hướng quản lý phát triển cây quế của huyện. Tính đến nay diện tích trồng quế của huyện Văn Yên đã được mở rộng trên 23.000 héc-ta quế cả trong vùng CDĐL và ngoài vùng CDĐL. Mỗi năm cho thu hoạch 54.000 tấn cành lá quế, tinh dầu cũng đạt khoảng 280 tấn/năm, sản lượng vỏ khô đạt 7.000 tấn/năm, sản lượng gỗ đạt 40.000 m3/năm.

Đến nay, thương hiệu quế Văn Yên đã lan tỏa rộng rãi tới các khách hàng trong và ngoài nước. Đặc biệt giá trị sản phẩm đã được nâng lên rõ rệt, với giá bán trung bình dao động từ 38.000 – 40.000 đồng/kg vỏ quế; giá tinh dầu khoảng 500.000 – 550.000 đồng/kg; giá bán gỗ quế bóc vỏ khoảng 1.200.000 đồng/kg, tăng gấp nhiều lần so với thời điểm chưa thực hiện đăng ký CDĐL. Sản phẩm chủ yếu xuất khẩu đi thị trường Trung Đông như Ấn Độ, Bangladesh, Dubai, Pakistan chiếm tới trên 90%, chủ yếu để làm gia vị. Số còn lại tiêu thụ trong nước, chủ yếu phục vụ cho chế biến gia vị chiếm tới 80%, còn lại là làm dược liệu và chế biến hóa mỹ phẩm. “Ngoài ra, các mặt hàng quế có giá trị khác để làm gia vị, dược liệu cũng thu hút thêm một số khách hàng mới như Đài Loan, Hàn Quốc đang tìm hiểu thêm thông tin chi tiết về sản phẩm để nhập khẩu, vì sản phẩm đạt chuẩn xanh – sạch – đẹp và an toàn thực phẩm”- ông Tám chia sẻ.

Làng dệt choàng Long Khánh A

Chủ động đổi mới sáng tạo, tìm đến những phương thức sản xuất mới, cho ra đời những sản phẩm mang tính đột phá phù hợp với xu hướng và thị hiếu của thị trường... là những bước tiến mới của làng nghề dệt choàng Long Khánh A (xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp).

Những năm gần đây làng nghề dệt choàng Long Khánh A đang đứng trước nguy cơ bị mai một khi số lượng khung dệt và thợ lành nghề bị “vơi” dần theo thời gian. Cả làng nghề chỉ còn khoảng 120 khung dệt của 50 hộ, giảm gần 50% so với những năm trước đây. Đứng trước những khó khăn và thách thức trên, làng nghề dệt choàng Long Khánh A tạo đột phá mang tính bước ngoặt khi tung ra thị trường một loạt sản phẩm mới. Với chiến thuật lấy sở trường của mình làm ưu thế cạnh tranh, sản phẩm mới (khăn choàng cổ) của làng nghề có sự kế thừa, phát huy những ưu điểm và thế mạnh của sản phẩm khăn rằn truyền thống. Sản phẩm khăn choàng cổ được thiết kế tinh tế là sự kết hợp hài hòa giữa phong cách vừa hiện đại và yếu tố truyền thống. Đây là sản phẩm quà tặng được khách du lịch ưa chuộng khi đến thăm Đồng Tháp. Chia sẻ về hướng đi mới của làng nghề, cô Nguyễn Thị Kim Chiều - chủ nhiệm làng nghề dệt choàng Long Khánh A cho biết: “Kích cỡ, màu sắc và họa tiết ở khăn choàng cổ đa dạng và tinh tế hơn sản phẩm khăn rằn trước đây. Hiện tại, ngoài các mẫu sản phẩm cũ thì làng nghề có thêm trên 10 mẫu sản phẩm mới với giá từ 45.000 - 60.000 đồng/chiếc tùy kích cỡ. Đồng thời mẫu mã bao bì cho sản phẩm cũng được thiết kế mới”. Từ sự thay đổi này, thương hiệu của làng nghề dệt choàng Long Khánh A như được “chắp thêm đôi cánh” bước ra sân chơi mới của những thị trường với nhiều tiềm năng hơn.

“Hiện nay, sản phẩm của làng nghề được tiêu thụ rộng khắp các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, TP. Hồ Chí Minh, xuất sang Campuchia.

Ban biên tập (Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin Điện tử UBDT phối hợp thực hiện)