Thông tin giá cả thị trường tuần từ 01/12/2014 đến 5/12/2014

02:39 PM 02/12/2014 |   Lượt xem: 1934 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM


Tăng hiệu quả của mô hình sản xuất mía


Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ 2014 - 2015, nguồn cung đường vẫn ở tình trạng vượt cầu, do đó các công ty mía đường cần xây dựng kế hoạch, phương án tiêu thụ đường năm 2015, bảo đảm cân đối cung cầu, giữ ổn định thị trường trong nước. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng phương án, kế hoạch xuất khẩu đường.

Đường tồn, diện tích mía giảm

Hiện nay, các nhà máy đường ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã vào vụ mía mới (2014 - 2015). Một số nhà máy đường ở miền Trung và hầu hết các nhà máy tại miền Bắc sẽ vào vụ ép, nên nguồn cung đường tiếp tục được bổ sung và tồn kho sẽ tăng cao. Hiện cả nước tồn kho khoảng 202.500 tấn, nhiều hơn 43.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái và lượng đường sản xuất cũng cao hơn 7.100 tấn. Do áp lực đường tồn kho và cạnh tranh với đường nhập khẩu khiến giá đường giảm bình quân 2.000 đồng/kg, đồng thời kéo giá mía giảm theo bình quân 50 đồng/kg so cùng kỳ năm ngoái.

Giá thu mua mía cho nông dân của các nhà máy đường tiếp tục giảm so với niên vụ trước. Tại nhà máy đường Phụng Hiệp giá thu mua mía 10 chữ đường (CCS) chỉ còn 880 đồng/kg, tại nhà máy đường Vị Thanh thu mua 905 đồng/kg. Do giá mía suy giảm, thậm chí gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, nhiều vùng nguyên liệu mía đã được người dân chuyển đổi sang các loại cây trồng khác nên vụ mía năm nay toàn vùng ĐBSCL đã giảm tới 6.500 héc-ta. Ngành mía đường tiếp tục phải đối mặt với thách thức từ đảm bảo vùng nguyên liệu đến tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, giá bán đường trắng loại 1 (có thuế VAT) tại kho nhà máy từ 11.700 đến 12.500 đồng/kg, giảm so với tháng trước đó khoảng 600 đồng/kg và so với cùng kỳ năm trước giảm từ 2.500 đến 2.800 đồng/kg.

Giá thành sản xuất cao

Với xu hướng giá đường ngày càng đi xuống, các doanh nghiệp đã không thể giữ được giá thu mua mía cho nông dân như trước. Vụ mía 2013 - 2014, giá thu mua mía đã giảm khoảng 100.000 đồng/tấn so với niên vụ 2012 - 2013. Vụ này, giá mía sẽ tiếp tục giảm từ 50.000 đến 100.000 đồng/tấn.

Tuy nhiên, để giữ vùng nguyên liệu, hạn chế tình trạng nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác, các nhà máy đường vẫn cố gắng bảo đảm giá thu mua mía hợp lý cho nông dân. Mặc dù Bộ NN&PTNT và Hiệp hội Mía đường Việt Nam vẫn khuyến cáo doanh nghiệp tổ chức thu mua 1 tấn mía chỉ vào khoảng 600.000 - 660.000 đồng/tấn, nhưng hiện tại giá các nhà máy thu mua hầu hết trên 800.000 đồng/tấn, cao hơn rất nhiều so với khuyến cáo đó. Cụ thể, giá mua mía đạt 10 CCS (chữ đường) tại ruộng ở tỉnh Tây Ninh là 900.000 đồng/tấn, Hậu Giang 800.000 đồng/tấn, Sóc Trăng 786.000 đồng/tấn... Trong khi nguyên liệu mía hiện nay cung cấp cho các nhà máy đường có chất lượng thuộc loại thấp hơn thế giới nhưng giá mía lại thuộc loại cao khoảng 45 - 50 đô-la Mỹ/tấn. Đây là yếu tố chủ yếu làm giá thành đường của Việt Nam cao, bên cạnh đó các nhà máy còn phải cạnh tranh với đường lậu vẫn tràn vào ngày càng nhiều qua biên giới.

Gắn sản xuất với tiêu thụ

Theo Cục chế biến nông lâm sản, đa số các nhà máy đã xây dựng được các vùng nguyên liệu tập trung, gắn kết tương đối chặt chẽ với các nhà máy thông qua hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm. Hầu hết các công ty đã ứng vốn, vật tư nông nghiệp, hỗ trợ vay vốn mua sắm máy móc cơ giới hóa... cho người trồng mía. Giá thu mua mía đã được các công ty điều chỉnh linh hoạt để đảm bảo thu nhập hợp lý cho người nông dân. Về kỹ thuật, công nghệ chế biến, ngành đường đã có những bước tiến vượt và đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, về phần nguyên liệu còn gặp nhiều khó khăn do sản xuất vẫn theo truyền thống, còn manh mún. Bình quân mỗi hộ ở Việt Nam chỉ sở hữu khoảng 0,5 héc-ta, trong khi ở các nước là hàng chục héc-ta. Bên cạnh đó, đất trồng mía hiện không phải là đất tốt nhất cho mía, nguyên nhân này đã dẫn đến việc cơ giới hóa trong sản xuất gặp rất khó khăn hoặc chỉ cơ giới hóa ở mức độ thấp. Thực tế này cho thấy, các ngành chức năng cần nghiên cứu, xây dựng mô hình sản xuất mía hiệu quả nhất, trên cơ sở phân phối hài hòa lợi ích giữa người sản xuất mía, người chế biến, người tiêu thụ để có chính sách hỗ trợ hiệu quả.

Bà con thu hoạch mía bán cho nhà máy

MUA GÌ

Hồng được mùa giá thấp

Cây hồng bén rễ ở xã Nam Anh (huyện Nam Đàn, Nghệ An) từ hàng chục năm nay, nhờ hợp đất đai, khí hậu nên không cần tốn nhiều công chăm sóc vẫn đâm hoa kết trái mỗi khi đến mùa thu hoạch. Trung bình hàng năm tổng sản lượng hồng trên địa bàn xã Nam Anh đạt mức 500 tấn. Năm nay hồng được mùa, nhưng do đầu ra không ổn định, các hộ dân đang phải tự tìm mối tiêu thụ, thương lái về mua hồng không nhiều. Do đó, dọc quốc lộ 46, từ cầu Mượu (huyện Hưng Nguyên) đến thị trấn Nam Đàn, người dân trải bạt nylon bên đường để bán hồng. So với năm ngoái, giá hồng hiện tại giảm khá nhiều, hồng trái nhỏ với giá 12.000 đồng/kg, loại to 16.000 - 18.000 đồng/kg.

Miền Trung: Tôm hùm rớt giá

Bà con các vùng nuôi tôm hùm miền Trung gặp hai sức ép đó là bệnh tôm hùm và nguy cơ ảnh hưởng trong mùa mưa bão. Giá tôm hùm từ chỗ trên dưới 2,5 triệu đồng/kg đối với tôm loại 1, nay chỉ còn 1,8 triệu. Nếu tôm hùm bị bệnh, giá chỉ còn 1/10, tức chỉ còn khoảng 200.000 đồng/kg, thậm chí những con tôm hùm nhỏ, bán ra chỉ còn 50.000 - 60.000 đồng/kg, trong khi chi phí bỏ ra đã là 1 triệu đồng/con. Bên cạnh bệnh trên tôm hùm hoành hành thì vào lúc này, người nuôi tôm hùm đều thấp thỏm lo âu bởi đang giữa mùa mưa bão. Bà con đang đứng trước khó khăn, không bán thì sợ rủi ro mà bán thì giá thấp, càng bán tháo thì giá lại càng thấp. Nam Trung bộ là vùng nuôi tôm hùm lớn nhất nước với sản lượng mỗi năm đưa ra thị trường khoảng 2.000 tấn. Với giá thị trường dao động từ 1 - 1,5 tỷ đồng/tấn, tôm hùm mang lại giá trị kinh tế rất lớn. Tuy nhiên, thị trường tôm hùm lại chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, qua nhiều khâu rất bấp bênh. Trước thực tế đó, người nuôi cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật bảo vệ an toàn lồng nuôi tôm hùm trước dịch bệnh cũng như thiên tai, chờ đến thời điểm từ dịp Giáng sinh đến Tết Dương lịch, xuất bán, có thể sẽ được giá cao bởi lúc đó là thời điểm nhu cầu tiêu thụ mặt hàng thủy sản cao cấp như tôm hùm sẽ tăng mạnh.

Hậu Giang: Bưởi hồ lô bán Tết sẽ tăng giá

Các nhà vườn trồng bưởi hồ lô bán dịp Tết Ất Mùi đang điêu đứng do bưởi không đậu trái và rụng trái non trong lúc tạo hình hồ lô khiến năng suất giảm từ 50 - 60%. Năm nay, bưởi tạo hình không có sản phẩm mới, các nhà vườn giữ nguyên mẫu mã truyền thống như bưởi hồ lô in hình chữ Tài Lộc, thỏi vàng đồng tiền, bưởi hồ lô có chữ Phúc Lộc Thọ, Tài Lộc... Hiện các đầu mối đã xuống tận vườn đặt hàng với nông dân, nhưng sản lượng không đủ đáp ứng nhu cầu. Dự báo, năm nay giá bưởi hồ lô Tết Ất Mùi có thể tăng từ 20 - 25%.

Đặc sản khô rắn đắt khách

Mùa lũ là lúc cao điểm sản xuất loại đặc sản khô rắn độc nhất ở ĐBSCL. Để làm ra khô rắn, bà con thường chọn các loại rắn như bông súng, rắn râu, rắn nước, rắn trun... Rắn bắt về, cắt tiết, lột hết phần da, loại bỏ xương lấy thịt, rồi tẩm ướp gia vị. Cứ 12 kg rắn sống cho ra 1 kg khô. Thường khô rắn sản xuất chỉ trong vòng 6 tháng mùa lũ (từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm). Đây còn là sản phẩm dùng làm quà biếu đang được nhiều người quan tâm. Tại khu vực biên giới giáp Campuchia thuộc xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang có khoảng 10 hộ chuyên sản xuất khô rắn nổi tiếng, mỗi ngày cung cấp cho thị trường ĐBSCL hàng chục ki-lô-gam khô rắn. Hiện giá bán từ 250.000 - 300.000 đồng/kg, lúc cao điểm nhất trong dịp Tết giá tăng lên 350.000 - 400.000 đồng/kg. Lượng khô sản xuất bao nhiêu cũng không đủ đáp ứng cho thị trường, vì đây là sản phẩm mới lạ, khá đặc biệt nên nhu cầu thị trường rất cao.

Giá thủy sản một số tỉnh trong tuần



Thị trường

Sản phẩm

Giá (đồng/kg)

Bạc Liêu

Cá quả (lóc)

75.000

Cá chép

57.500

Cá thu

85.000

Tôm sú nguyên liệu loại 1 (20 con/kg)

265.000

Tôm sú nguyên liệu loại 2 (30 con/kg)

220.000

Long An

Cá quả (lóc) đồng

110.000

Cá rô phi

35.000

Cá thu

150.000

Trà Vinh

Cá quả (lóc)

130.000

Cá nục

55.000

Tôm sú loại 1

300.000

BÁN GÌ


Nông sản Việt thâm nhập thị trường Singapore


Trong 10 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Singapore đạt gần 17 tỷ SGD (khoảng 13,6 tỷ đô-la Mỹ). Trong đó, mặt hàng nông sản, thủy sản chiếm 10% thị phần nhập khẩu khu vực này của Singapore. Nắm bắt cơ hội này, tại Hội chợ Thực phẩm châu Á - Thái Bình Dương (APFE 2014), trên 20 doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia giới thiệu, trưng bày các sản phẩm. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực nông sản, thủy sản có thể giới thiệu, quảng bá về sản phẩm của mình, cũng như trực tiếp gặp gỡ, trao đổi và đàm phán với các đối tác Singapore và nước ngoài. Theo tư vấn của Ban Tổ chức APFE 2014, người Singapore khá kỹ tính trong việc chọn thực phẩm, với xu hướng hiện nay là thực phẩm có chất lượng cao và giá cả hợp lý. Nếu các sản phẩm Việt Nam có thể đáp ứng được thì Singapore sẽ là một thị trường tiềm năng. Bên cạnh đó, Singapore cũng là một trung tâm xuất nhập khẩu lớn trong khu vực và nhiều khả năng nông sản Việt Nam có thể được bán ở nhiều quốc gia khác.

Xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc tăng trên 50%

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), khối lượng nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào Hàn Quốc tăng tới 50,2% so với cùng kỳ năm 2013. Từ đầu năm tới nay, Hàn Quốc đã nhập khẩu từ Việt Nam 19.646 tấn tôm (trong số 44.418 tấn tôm nước này nhập khẩu) đạt giá trị 205,3 triệu đô-la Mỹ, tăng 50,2% về khối lượng và 87,2% về giá trị. Nước ta đã trở thành nhà cung cấp tôm hàng đầu tại Hàn Quốc với thị phần tăng từ 33% lên 44%. Nguyên nhân chính là do nhập khẩu tôm của Hàn Quốc từ Trung Quốc và Thái Lan giảm mạnh do ảnh hưởng của hội chứng tôm chết sớm (EMS). Hiện tại, Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 5 của Việt Nam sau Mỹ, Nhật Bản, EU và Trung Quốc, chiếm 7,9% tổng giá trị xuất khẩu tôm.
Ảnh: Chế biến tôm xuất khẩu

Thiếu nguồn trứng chim cút xuất khẩu

Theo các hộ nuôi chim cút ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, mỗi ngày, phía Nhật Bản có nhu cầu mua 400.000 trứng chim cút, nhưng đến nay họ chỉ đáp ứng được 100.000 trứng. Tuy nhiên, phía đối tác có yêu cầu khá cao đối với hàng xuất khẩu. Cụ thể, để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, việc nuôi chim cút phải đảm bảo các yêu cầu an toàn sinh học, không có dư lượng kháng sinh trong trứng. Số lượng trứng của các hộ nuôi được cung ứng cho Công ty cổ phần Rau quả Tiền Giang để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Tuy giá trứng cút xuất sang Nhật chỉ cao hơn giá nội địa 20%, nhưng theo các hộ nuôi chim, xuất khẩu sang thị trường khó tính như Nhật Bản coi như đã có “giấy thông hành” để xuất khẩu sang thị trường các nước khác.

Đồng Tháp: Giá cá lóc, cá tra tăng

Tại huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp bà con đang thu hoạch cá lóc và cá tra các loại. Nhiều thương lái ở trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp đến tận nơi thu mua cá lóc cỡ 0,5 - 0,8 kg/con với giá dao động 34.000 - 38.000 đồng/kg , giá cá tra thương phẩm từ 23.500 - 24.000 đồng/kg. Mức giá này tăng từ 1.000 - 3.000 đồng/kg so với tuần trước. Với giá bán như hiện nay, trung bình 1 tấn cá lóc thương phẩm, người nuôi sẽ có lãi khoảng 8 triệu đồng. Còn người nuôi cá tra cũng có lãi. Tại huyện Tam Nông có nhiều hộ tận dụng diện tích mặt nước ao hầm thả nuôi 44,7 héc-ta cá lóc, 458,57 héc-ta cá tra các loại.

Sẽ đưa thanh long ruột đỏ và xoài vào Nhật Bản

Trung tâm Kiểm dịch sau nhập khẩu II, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, dự kiến cuối năm nay hoặc đầu năm 2015, Việt Nam sẽ đưa đưa thanh long ruột đỏ và xoài vào Nhật Bản. Theo các chuyên gia, nhu cầu nhập khẩu hàng nông sản của Nhật Bản hàng năm khá lớn nên doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội để xuất khẩu sang thị trường này. Tuy nhiên, Nhật Bản là một thị trường khó tính, vì hàng nông sản xuất khẩu vào thị trường này phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm. Các loại trái cây khi xuất khẩu sang Nhật Bản phải qua chiếu xạ hoặc xử lý hơi nước nóng. Hiện tại mới chỉ có thanh long ruột trắng của nước ta được xuất khẩu vào thị trường Nhật. Lượng thanh long xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc đến nay đạt gần 5.000 tấn, riêng 6 tháng đầu năm đạt 1.000 tấn, tăng 1,5 lần so với 6 tháng đầu năm 2013.

LƯU Ý CẢNH BÁO


Hoa quả Trung Quốc nhiễm độc: Những ảnh hưởng lâu dài


Bị người tiêu dùng ở thành phố “tẩy chay” vì lo ngại nhiễm nhiều hóa chất độc hại, gần đây, các loại trái cây Trung Quốc đã tràn về các vùng thôn quê. Điển hình là các loại quýt quả nhỏ, nho xanh, táo, lựu... được bán nhiều tại các chợ quê với giá khá “bèo”. Tuy nhiên, điều nguy hiểm hơn cả là hoa quả nhiễm độc không chỉ gây ra những bạo bệnh như ung thư, suy gan, suy thận... mà còn có ảnh hưởng khôn lường đến sức khỏe của bà con.

Tồn dư chất BVTV vượt mức cho phép

Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN &PTNT) đã phát hiện 17 lô hàng nhập từ Trung Quốc không bảo đảm an toàn thực phẩm. Theo đó, 6 loại hoa quả và 2 loại củ quả: chanh tươi, nho tươi, hồng, táo, quýt, cam, củ cải trắng và cà rốt còn tồn dư chất bảo vệ thực vật (BVTV) vượt mức cho phép, tồn dư thuốc trừ sâu từ 1,5 - 9 lần so với mức cho phép. Các hóa chất thuốc bảo vệ thực vật bị phát hiện vượt ngưỡng gồm carbendazim (dùng để diệt nấm), difenoconazol, thiophanate, propargite (dùng để diệt nhện) và methomyl. Trước đó, Cục Bảo vệ thực vật cũng đã phân tích 315 mẫu hàng hóa nông sản có nguồn gốc thực vật nhập khẩu và phát hiện 71 mẫu có dư lượng hóa chất BVTV nhưng đều thấp hơn mức dư lượng tối đa cho phép. Đáng lưu ý, trong số đó có 1 mẫu lê nhập khẩu từ Trung Quốc chứa dư lượng endosulfan. Mẫu nho nhập qua cửa khẩu Lào Cai có dư lượng chất difenoconazole vượt ngưỡng 3 - 5 lần.

Theo phân tích của các chuyên gia trong ngành, tác hại của những độc tố chứa trong hoa quả Trung Quốc đã gây ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản của người tiêu dùng. Cụ thể, chất endosulfan tồn tại trong quả lê là hoá chất độc hại thứ 22 trong danh sách cần loại trừ trên toàn cầu của Liên hợp quốc. Thuốc trừ sâu endosulfan có tính độc cao và có thể gây các ảnh hưởng phá vỡ hệ nội tiết hoặc gây ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản của con người. Về thiram, theo báo cáo của cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (US Environment Protection Agency) đây một hợp chất hữu cơ diệt nấm chứa lưu huỳnh có độc tính trên hệ tiêu hóa, hô hấp thần kinh, và hệ sinh sản của người và động vật. Melarsoprol là một hợp chất hữu cơ độc hại chứa kim loại nặng arsen, chất này có thể đi qua hàng rào máu não để gây độc tính trên hệ thần kinh và rất nhiều cơ quan khác. Nguy hiểm hơn, cả thiram và melarsoprol đều là chất không tan hoàn toàn trong nước.

Bà con nên mua hoa quả nội


Như vậy, với lượng thuốc tồn dư cao vượt ngưỡng cho phép như công bố ở trên của các loại hoa quả Trung Quốc, nếu thường xuyên dùng và dùng trong thời gian dài thì nó sẽ âm thầm tàn phá sức khỏe của người tiêu dùng, thậm chí gây suy thoái cả nòi giống. Theo Tiến sĩ Võ Mai - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, nguyên Cục phó Cục BVTV, thông thường, thời gian thuốc trừ sâu tồn tại trong hoa quả chỉ khoảng 5 - 7 ngày. Trong khi đó, hoa quả Trung Quốc vận chuyển từ biên giới phía Bắc về đến các tỉnh miền núi, thậm chí về đến miền Tây mà vẫn phát hiện dư lượng thuốc thì rõ ràng người bảo quản đã phun xịt quá nhiều thuốc BVTV. Điều này rất nguy hiểm bởi thuốc BVTV tồn dư trong thực phẩm vào cơ thể qua đường ăn uống. Chúng có thể bị loại bớt một phần theo khí thở, qua bài tiết, nhưng không thể tránh khỏi sự tồn đọng các chất độc hại này ở trong gan. Một số thuốc BVTV tích lũy trong một số cơ quan hoặc mô mỡ gây tổn thương và kèm theo các triệu chứng ngộ độc nguy hiểm. Thuốc BVTV có trong thức ăn, đồ uống với lượng lớn có thể gây ngộ độc cấp tính gây rối loạn tiêu hóa (nôn mửa, tiêu chảy), rối loạn thần kinh (nhức đầu, hôn mê, co giật hoặc co cứng cơ...), trụy tim mạch, suy hô hấp rất dễ dẫn đến tử vong. Những trường hợp ngộ độc mãn tính do tiếp xúc với thuốc BVTV hoặc tồn dư trong thực phẩm sử dụng với lượng nhỏ nhưng tích lũy lâu ngày cũng có thể gây các tổn thương ở đường tiêu hóa, hô hấp, tim mạch, thần kinh, rối loạn hệ thống tạo máu, ảnh hưởng tới chức năng gan, thận.

Các cơ quan chức năng khuyến cáo, trong bối cảnh năng lực kiểm soát hoa quả, nông sản độc hại của nước ta còn hạn chế, bà con nên cảnh giác, tự bảo vệ mình, chỉ nên mua các loại hoa quả trong nước trồng được như: chôm chôm, thanh long, vú sữa, măng cụt... vừa an toàn lại vừa ủng hộ nông sản trong nước.

Nhiều loại hoa quả Trung Quốc được bán lẫn với hàng nội khiến bà con khó phân biệt

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG


Bình Định: Vụ thu hoạch mì (sắn) mất mùa, rớt giá


Năm 2014, toàn huyện Phù Cát (Bình Định) có 2.500 héc-ta mì, tập trung chủ yếu tại các xã: Cát Hiệp, Cát Sơn, Cát Lâm, Cát Trinh, Cát Tân, Cát Hanh...

Hiện đang vào chính vụ thu hoạch mì, nhưng giá mì tươi giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, làm người trồng mì rất lo lắng. Năm ngoái, giá mì tươi tăng liên tục, vào chính vụ thương lái mua tại ruộng lên đến 1.800 đồng/kg, thu hoạch đến đâu thương lái đến tận ruộng mua ngay đến đó. Còn vụ này, giá mì tươi giảm mạnh, đầu vụ giá từ 1.400 - 1.500 đồng/kg, còn hiện tại rớt xuống 1.200 - 1.300 đồng/kg. Trong khi đó, chi phí sản xuất như phân bón, công lao động, vận chuyển... năm nay lại tăng cao. Với mức giá này, nông dân trồng mì khó mà hòa vốn chứ không nói gì tới lãi.

Theo đại diện Công ty cổ phần Chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Bình Định, giá mì nguyên liệu thời gian gần đây có chiều hướng hạ thấp là do hàm lượng tinh bột trong mì nguyên liệu tại các địa phương không cao. Hiện nay, công ty đang mua mì nguyên liệu với 3 mức giá tại nhà máy gồm: Mì có hàm lượng tinh bột đạt 30% giá 1,8 triệu đồng/tấn; mì có hàm lượng tinh bột 25% giá 1,59 triệu đồng/tấn; hàm lượng tinh bột 20% giá 1,26 triệu đồng/tấn. Qua kết quả thu mua mì nguyên liệu, hầu hết mì của nông dân trong tỉnh thu hoạch năm nay hàm lượng tinh bột chỉ đạt trên dưới 20% nên giá thu mua giảm. Để kịp thời giải quyết hết lượng mì nguyên liệu tồn đọng của nông dân, vừa qua, Nhà máy chế biến tinh bột mì đã nâng công suất chế biến lên gấp đôi, từ 250 tấn mì tươi/ngày lên 500 tấn mì tươi/ngày. Thời điểm này, mỗi ngày, nhà máy mua được khoảng 300 tấn mì nguyên liệu, trong đó, mua của nông dân trên địa bàn tỉnh khoảng 200 tấn. Để tiêu thụ nhanh mì nguyên liệu cho nông dân, Công ty cổ phần Chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Bình Định đã cải tiến cách thu mua đơn giản, thanh toán tiền mặt kịp thời để giải phóng nhanh lượng mì thu hoạch của bà con nông dân. Đối với các địa phương ở xa nhà máy như: Vân Canh, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh… công ty có chính sách hỗ trợ thêm cước vận chuyển với giá 30.000 đồng/tấn mì nguyên liệu. Đồng thời, để giữ ổn định vùng nguyên liệu, nhà máy đã quy hoạch diện tích mì nguyên liệu khoảng 9.000 héc-ta, tập trung ở các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Vân Canh. Việc quy hoạch vùng nguyên liệu nhằm định hướng phát triển diện tích mì trên địa bàn tỉnh theo hướng thâm canh bền vững, chấm dứt tình trạng phát triển tự phát, phá vỡ quy hoạch, tác động xấu đến môi trường, giá cả…

Ninh Thuận: Tìm hướng mới để tiêu thụ nông sản đặc thù

Rau, nho, táo sản xuất theo quy trình VietGAP được xem là mặt hàng nông sản đặc thù của Ninh Thuận đang bị nghẽn đầu ra khiến nông dân phải bán cho thương lái với giá thấp. Nếu tình trạng này kéo dài, nhiều nông hộ dễ quay lại phương pháp canh tác cũ.

Cách đây vài năm, chương trình trồng rau an toàn ở Ninh Thuận được triển khai, đến nay đã có quy mô lên tới hàng trăm héc-ta. Tuy nhiên, khi diện tích được mở rộng, sản lượng ngày càng tăng, nông dân lại gặp khó khăn về đầu ra, số lượng tiêu thụ vào siêu thị rất ít, phần lớn còn lại thương lái thu gom với giá ngang bằng rau sản xuất thông thường. Trái nho, táo sản xuất theo quy trình VietGAP ở các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh thương lái cũng bị đánh đồng giá với nho, táo thường.

Theo đánh giá của ngành công thương Ninh Thuận, nguyên nhân của tình trạng này là do khâu phân phối thiếu khoa học. Ví dụ theo quy trình thì rau, táo, nho sạch… khi thu hoạch phải được chuyển về các hợp tác xã để phân loại, đóng bao bì, dán nhãn hiệu trước khi giao cho doanh nghiệp tiêu thụ như hợp đồng ký kết. Nhưng nhiều bà con nông dân bỏ qua khâu phân loại, đóng gói ghi xuất xứ, nên người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là sản phẩm sạch, đâu là sản phẩm thường. Còn đối với doanh nghiệp, vì chỉ quan tâm đến lợi nhuận nên chỉ mua những mặt hàng thị trường khan hiếm, giá thấp. Thực tế cho thấy, nếu chỉ dựa vào 1 - 2 siêu thị thì không cách gì tiêu thụ hết hàng nông sản sạch ở Ninh Thuận, mà phải mở rộng thị trường ra toàn quốc. Thời gian qua, ngành chức năng của tỉnh Ninh Thuận đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại giới thiệu hàng nông sản đặc thù ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, để đưa vào tiêu thụ trong hệ thống siêu thị trên toàn quốc, sản phẩm phải ghi rõ xuất xứ sản xuất, chất lượng; giá cả cạnh tranh; nguồn hàng dồi dào cung cấp thường xuyên cho doanh nghiệp với khối lượng lớn.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Đồng Nai: Sản lượng bưởi Tân Triều giảm

Sản lượng bưởi Tân Triều của tỉnh Đồng Nai phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán dự báo sẽ giảm trên 10% do hạn hán và dịch bệnh. Sản lượng bưởi thấp đang là tình trạng chung của người trồng bưởi khu vực Tân Triều, Đồng Nai. Năm ngoái thương lái thu gom bưởi tại nhà vườn là 500.000 đồng/chục (12 trái). Tuy nhiên, năm nay, sâu bệnh và thời tiết là hai yếu tố dẫn tới sản lượng bưởi giảm. Điều đó đồng nghĩa với việc giá bưởi sẽ tăng trong thời gian tới.

Với trên 500 héc-ta bưởi đang cho trái, bưởi Tân Triều là một thương hiệu có tiếng. Đặc biệt, trong dịp tết, bưởi được tiêu thụ mạnh nên nhiều nhà vườn đã quyết định sản xuất vụ bưởi nghịch để kiếm lãi. Tuy nhiên, sản xuất bưởi vụ nghịch ngày càng trở nên khó khăn hơn do thời tiết không thuận lợi, mưa nắng thất thường.

Đồng bằng sông Cửu Long: Giá thanh long thấp kỷ lục

Trong khi tại miền Bắc, thanh long có giá trên dưới 30.000 đồng/kg thì tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thanh long bán lẻ đến tận tay người tiêu dùng thì chỉ có giá từ 2.000 – 5.000 đồng/kg. Thanh long là cây trồng có tốc độ kim ngạch xuất khẩu đứng đầu khu vực ĐBSCL tuy vậy thu nhập của nông dân trồng thanh long không ổn định hơn các loại cây trồng khác mà vẫn thường gặp phải khó khăn vì giá cả bấp bênh. Tại huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, thanh long được bán đổ đống ven đường với giá 2.000 đồng/kg. Tại đường Trương Định (thành phố Tân An, Long An), giá cao hơn một chút là 2.500 đồng/kg. Nguyên nhân thanh long rớt giá được xác định do thiếu đầu ra. Hiện thị trường loại trái cây này chủ yếu tiêu thụ nội địa, 80% thanh xuất khẩu thô sang Trung Quốc, chủ yếu bằng đường tiểu ngạch đầy rủi ro. Hơn nữa, thị trường xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc hiện đang có dấu hiệu thu hẹp do những năm gần đây, nông dân Trung Quốc cũng mở rộng diện tích trồng thanh long.

Đồng bằng sông Cửu Long: Nâng cao giá trị thủy sản nuôi

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, năm 2014 các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phấn đấu nâng giá trị thủy sản nuôi lên 46.000 tỷ đồng, tăng 4,1% so năm 2013. Dự kiến năm nay các tỉnh ĐBSCL sẽ đưa diện tích nuôi thủy sản lên gần 800.000 héc-ta, phấn đấu sản lượng đạt trên 2,4 triệu tấn. Trong đó có 1,2 triệu tấn cá tra, 380.000 tấn tôm phục vụ chế biến để xuất khẩu hai mặt hàng này đạt giá trị 3,2 tỷ đô-la Mỹ.

Thủy sản nuôi tại ĐBSCL chủ yếu là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra và nhiều loại cá nước ngọt khác. Phương thức nuôi là quảng canh cải tiến đối với tôm sú và nghêu, nuôi thâm canh đối với tôm thẻ chân trắng và cá tra. Các đối tượng còn lại nuôi theo phương thức quảng canh cải tiến, bán thâm canh và thâm canh. Vùng nuôi tập trung là các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre. Nuôi nước ngọt tập trung ở các tỉnh ven sông Hậu và sông Tiền như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long.

Các tỉnh đã mở rộng mô hình SQF 1000CM, VietGAP, GlobalGAP; tăng cường đào tạo nhân lực phục vụ cho nuôi trồng, khai thác và chế biến có trình độ chuyên môn cao hơn. Đồng thời, đẩy mạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ nhằm đa dạng hóa các mặt hàng, đáp ứng tốt các đòi hỏi khắt khe của thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, tiếp tục xây dựng hệ thống thủy lợi đa mục tiêu cho vùng nước ngọt, nước lợ, phù hợp với kịch bản biến đổi khí hậu đồng thời bảo đảm cấp, thoát nước tốt tại các vùng nuôi tập trung. Đẩy mạnh kiểm dịch nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc nhập con giống không đạt chuẩn vào các vùng nuôi, trước hết là giống chủ lực phục vụ xuất khẩu gồm tôm sú, cá tra. Các tỉnh cần tăng cường quản lý môi trường nước vùng nuôi, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu; Bên cạnh đó, các địa phương cũng chú trọng mở rộng thị trường nội địa, tập trung xây dựng thương hiệu thủy sản gắn với tiêu chuẩn chất lượng của từng sản phẩm chủ lực; vận động các doanh nghiệp mở rộng xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết, ký hợp đồng bao tiêu nguyên liệu của các đơn vị, hộ cá thể.

HÀNG VIỆT


Bắc Kạn: Nỗ lực đưa sản phẩm ra thị trường


Trong số 61 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2014 vừa được Bộ Công Thương bình chọn, thì Bắc Kạn có một số sản phẩm gồm miến dong, thịt đà điểu đoạt giải. Điều này cho thấy bước đầu công tác xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường đã có hiệu quả.

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại

Đến thăm hầu hết các hội chợ, triển lãm về thương mại du lịch được tổ chức trong nhiều năm gần đây ở các tỉnh phía Bắc, ai cũng dễ dàng nhận thấy nhiều sản phẩm hàng hóa của Bắc Kạn như: miến dong, cam quýt, bí xanh, hồng không hạt, gạo Bao Thai... được bày bán, giới thiệu. Với chất lượng tốt, giá cả hợp lý, mẫu mã bao bì đẹp nên sản phẩm này luôn thu hút khá đông khách tham quan.

Theo báo cáo của Trung tâm xúc tiến Đầu tư thương mại và Du lịch Bắc Kạn, tính riêng trong năm 2013, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hai hội chợ với quy mô lớn hàng trăm gian hàng tại thị xã Bắc Kạn, thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia. Ngoài ra còn hỗ trợ hàng chục doanh nghiệp tham dự 7 sự kiện xúc tiến thương mại, hội chợ ở các tỉnh bạn, qua đó đã giúp giới thiệu quảng bá sản phẩm, mở rộng cơ hội giao thương, tìm kiếm thị trường, thu hút đầu tư cho tỉnh, đặc biệt là các dự án thu mua, chế biến sản phẩm nông lâm sản.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng xây dựng đề án và tổ chức 5 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi trên địa bàn các huyện Ba Bể, Pắc Nặm, Bạch Thông, Chợ Mới, Chợ Đồn. Điều này đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh tiếp cận thị trường nông thôn, kích thích sản xuất và tiêu dùng.

Bà Vi Thị Sinh – Cán bộ Trung tâm xúc tiến Đầu tư thương mại và Du lịch Bắc Kạn cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn về nguồn kinh phí, nhân lực... nhưng lãnh đạo Trung tâm đã xác định, trong số nhiều hình thức xúc tiến thương mại thì cách tham gia các hội chợ là kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm của tỉnh tốt nhất tới thị trường người tiêu dùng cả nước. Bởi lẽ, họ sẽ được trực tiếp nhìn ngắm, thử nghiệm, so sánh sản phẩm một cách thực tế. Thông qua các hội chợ, trung tâm đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tiếp cận thị trường của các đơn vị bạn, đồng thời giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất địa phương tìm kiếm được các đơn hàng dài hạn.

Đầu tư theo chiều sâu

Theo bà Sinh, nếu như trước đây, ngoài việc hỗ trợ về tài chính, vận chuyển, gian hàng cho một số doanh nghiệp tham gia hội chợ, Trung tâm còn tổ chức đưa nhiều loại hàng hóa tới hội chợ để bán nhưng hiện nay, do đã kết nối được nhiều đối tác ở các tỉnh nên trung tâm chỉ làm những phần việc chính, còn việc mang hàng hóa giới thiệu, bán tại hội chợ đều do các doanh nghiệp thực hiện thông qua các đại lý. Như vậy vừa tiết kiệm công sức, tiền của, vừa nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đó là hoạt động bề nổi, điều quan trọng hơn mà Trung tâm đã làm được là đầu tư chiều sâu. Cụ thể Trung tâm đã tư vấn cho Sở Công Thương, UBND tỉnh lồng ghép nhiều chương trình hỗ trợ như kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước vào khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm; Hỗ trợ người nông dân, doanh nghiệp xây dựng, mở rộng vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa; Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm chất lượng sạch; Đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp sản xuất. Hướng dẫn, tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu đóng gói, thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm phù hợp với xu thế cạnh tranh chung của thị trường.

Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường đầu ra cho sản phẩm nông sản luôn là mối quan tâm của nhiều địa phương. Vì vậy cách làm cả chiều rộng lẫn chiều sâu như của Bắc Kạn sẽ phát huy được hiệu quả trước mắt cũng như lâu dài. Tuy nhiên bên cạnh yếu tố chất lượng, phải lựa chọn được những nét riêng, độc đáo thì sản phẩm mới đứng vững trên thị trường.

Sản phẩm miến dong Bắc Kạn đã có mặt tại nhiều hội chợ

NHÀ NÔNG CẦN BIẾT

Trồng cây súp lơ an toàn theo chuẩn VietGAP


Súp lơ được mệnh danh là "siêu thực phẩm" cho gia đình vì có chứa hàm lượng phốt pho cao và các khoáng chất khác như mangan và vitamin, đặc biệt là vitamin K, folate, B6. Súp lơ là cây ưa ánh sáng dài ngày và ưa ẩm, yêu cầu dinh dưỡng cao, nhất là thời kỳ ra hoa tập trung tới hơn 70% tổng lượng dinh dưỡng cho cây.

Giai đoạn trong vườn ươm

Lượng hạt gieo để trồng cho một héc-ta vào khoảng 400 – 600 gam hạt. Trước khi gieo cần ngâm hạt vào nước ấm 45 – 500C trong thời gian 15 – 20 phút. Xử lý đất, lên luống và bón phân trên ruộng gieo ươm cây con tiến hành tương tự như đối với cây cải bắp. Chú ý làm mái che để chống mưa hoặc gió rét. Sau khi cây mọc hàng ngày tưới nước sạch. Hàng tuần tưới lân, đạm, nước ngâm phân chuồng mục pha loãng 5%.

Giai đoạn trồng ngoài ruộng

Làm đất, bón phân:


Đất trồng cần cày bừa kỹ, sạch cỏ. Luống trồng rộng 0,8 – 1,0 mét. Trong vụ rau sớm, mặt luống làm kiểu mui rùa và cao, còn vụ chính làm mặt luống cho phẳng có thể thoát nước dễ dàng khi mưa và tránh đọng vũng nước khi tưới. Tuỳ theo từng loại đất, lượng phân bón lót cần thiết cho một héc-ta như sau: Phân chuồng hoai mục: 30 – 35 tấn/héc-ta; Đạm urê: 50 – 60 ki-lô-gam; Lân super: 120 – 150 ki-lô-gam; kali clorua: 70 – 80 ki-lô-gam. Toàn bộ phân chuồng hoai mục, đạm, lân và kali trộn đều và kỹ. Sau đó chia đều cho các hố trồng đã cuốc (đào sẵn).

Bón thúc: Toàn bộ phân bón thúc khoảng 60 – 80 ki-lô-gam đạm urê/héc-ta, chia ra 3 lần bón như sau: Sau khi trồng 15 – 20 ngày, kết hợp với xới vun gốc sau đó hoà đạm với nước để tưới cho cây với lượng 20 – 25 kg/héc-ta; Sau lần 1 từ 10 – 15 ngày với cách làm tương tự như lần 1; Khi cây chéo nõn, tiến hành bón nốt số phân đạm còn lại (20 – 30 kg/héc-ta) để giúp cây phát triển hoa to và chắc. Có thể sử dụng các loại phân bón lá trong nửa đầu thời kỳ sinh trưởng của cây (thời điểm trước 45 – 50 ngày sau trồng).
Trồng và chăm sóc:

Mỗi luống chỉ nên trồng 2 hàng theo kiểu nanh sấu (so le) để dễ chăm sóc. Khoảng cách trồng khoảng 21.000 - 23.000 cây/héc-ta. Trước khi trồng có thể nhúng cây con vào dung dịch thuốc Sherpa 25EC nồng độ 0,1 – 0,15% hoặc thuốc Regent 800WG.

Sau khi trồng cần tưới đẫm nước và hàng ngày tưới đều trên cây cho tới khi cây hồi xanh. Đặc biệt, khi cây chuyển sang giai đoạn chéo nõn là thời kỳ cây cần rất nhiều nước, vì vậy phải tưới đẫm trực tiếp vào gốc cây để không làm ảnh hưởng tới hoa. Cũng có thể áp dụng phương pháp tưới rãnh, nhưng chú ý khi nước đã ngấm được 1/2 luống thì phải tháo hết nước. Nguồn nước tưới phải sạch, từ giếng khoan hoặc bơm từ sông suối. Tốt nhất nên tưới nước theo phương pháp phun mưa vào buổi chiều để hạn chế sự phát triển của sâu tơ.

Có thể phun thuốc 1 lần để phòng trừ sâu xanh bướm trắng khi cây đã hồi xanh và 2 lần để phòng trừ sâu tơ khi cây bắt đầu ra hoa (khoảng 40 – 45 ngày sau trồng) và khi hoa vào thời kỳ lớn nhanh (65 – 75 ngày sau trồng) bằng các thuốc như Elincol 12ME hoặc Pegasus 500 ND, Sherpa 25EC… Trong vụ rau trồng sớm, súp lơ thường bị rệp muội và sâu khoang, sâu xanh phát sinh gây hại, cần theo dõi đồng ruộng thường xuyên để phun thuốc vào những ổ rệp và ngắt bắt các ổ trứng và sâu non sâu khoang khi phát hiện được. Có thể dùng bẫy pheromone trừ sâu khoang và sâu tơ sau khi trồng. Đồng thời cần chú ý phòng trừ bệnh trên hoa bằng các thuốc như Ridomil MZ 72WP, Score 250ND… nhất là những chân đất ẩm thấp, úng nước. Ngừng việc phun thuốc khoảng 15 – 20 ngày trước khi thu hoạch rau.

Che đậy hoa:

Súp lơ là cây cần ánh sáng mạnh trong giai đoạn đầu chưa ra hoa, nhưng từ khi ra hoa lại cần ánh sáng yếu. Giống súp lơ sớm ra hoa vào 45 – 50 ngày sau trồng, còn giống trung bình và muộn ra hoa vào 55 – 60 ngày sau trồng. Vì vậy, biện pháp che đậy hoa tiến hành khi hoa có đường kính từ 3 – 4 cen-ti-mét bằng cách: Khi hoa còn nhỏ thì bẻ gập 2 lá trong để phủ kín hoa. Khi hoa có kích thước lớn thì ngắt lá to bên ngoài để đậy.

Thu hoạc
h

Sau khi ra hoa khoảng 15 – 17 ngày là có thể thu hoạch được. Lúc này mặt hoa có biểu hiện không phẳng và mép xung quanh có hiện tượng nở. Thời gian thu hoạch trên ruộng không nên kéo dài vì nụ hoa sẽ nở, giá trị thương phẩm bị giảm thấp. Sau khi chặt cây, cần lấy các lá bao túm lấy hoa để tránh bị khô héo và cần sớm đưa đi tiêu thụ. Có thể đóng gói vào các túi ny-lon ghi đầy đủ thông tin sản xuất theo quy trình VietGAP, nhưng chú ý đục lỗ để thoát ẩm trong quá trình vận chuyển.

HÀNG THẬT - GIẢ

Nhận biết tôn kém chất lượng


Trên thị trường hiện nay đã xuất hiện nhiều đối tượng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm tôn giả, kém chất lượng, nhái thương hiệu của các doanh nghiệp được bảo hộ... để lừa dối người tiêu dùng, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Những sản phẩm này không chỉ bán phổ biến ở vùng nông thôn, vùng xa, mà còn có ngay tại thủ đô Hà Nội.

Giả về hình thức bên ngoài và giả chất lượng

Theo Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 14, Chi cục QLTT Hà Nội, đối với mặt hàng tôn dân dụng, phổ biến nhất hiện nay là tình trạng giả về hình thức bên ngoài và giả về chất lượng. Việc cơ sở sản xuất tôn làm ra sản phẩm mà không in tên và thương hiệu của mình mà lại gắn tên, thương hiệu khác lên sản phẩm thì đó là hành vi làm hàng giả (giả về nhãn, xuất xứ, tên, địa chỉ). Nói cách khác là giả về hình thức bên ngoài. Còn nếu sản phẩm đó có chỉ tiêu chất lượng trên bao bì hoặc theo quy định cụ thể, ghi độ dày của tôn là 0,35mm, nhưng thực tế đo chỉ đạt 0,3mm hoặc mỏng hơn thì đây là hàng giả chất lượng.

Theo quy định, tất cả các sản phẩm doanh nghiệp (DN) đưa ra thị trường đều phải công bố chất lượng. Trong đó sẽ có tên của hàng hóa, chỉ tiêu chất lượng, kích thước (độ dày, độ mỏng), kể cả hàm lượng thành phần trong sản phẩm đó… Tại hội thảo về vấn nạn gian lận thương mại trong thị trường tôn thép mới tổ chức gần đây, hàng loạt doanh nghiệp, chuyên gia đã khẳng định thị trường tôn thép trong nước đang phổ biến tình trạng hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là tôn Trung Quốc kém chất lượng nhưng in thương hiệu Việt Nam. Ngoài ra, nhiều cửa hàng, đại lý bán các loại tôn không rõ nguồn gốc được người bán giới thiệu chung chung là tôn liên doanh. Phần lớn loại tôn này đều in thông số độ dày cao hơn thực tế. Ví dụ độ dày trên tôn ghi 0,35mm nhưng khi người tiêu dùng đo độ dày thực chất chỉ đạt 0,28mm đến 0,30mm. Bằng hình thức này, người tiêu dùng đã vô tình bị móc túi từ 8.000 - 10.000 đồng/mét tôn mà không hay biết.

Doanh nghiệp thiệt hại đủ đường

Theo số liệu ước tính của Hiệp hội Thép Việt Nam, kể từ đầu năm tới nay, thị phần của các DN sản xuất và kinh doanh tôn đã bị mất 11%. Nguyên nhân do nạn kinh doanh và sản xuất tôn giả đang lũng đoạn thị trường. Tình trạng này khiến các DN làm ăn chân chính, đầu tư nhà máy sản xuất, công nghệ hiện đại gặp khó vì doanh số sụt giảm, tồn kho tăng cao. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn cả chính là uy tín của DN bị tổn hại nghiêm trọng. Trên thực tế, nếu nhà cung cấp vật liệu tôn cố tình cung cấp tôn không đúng tiêu chuẩn chất lượng so với yêu cầu của công trình sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng. Đặc biệt, tôn kém chất lượng nhanh bị phai màu, nhanh gỉ sét, làm công trình xuống cấp sau khoảng 3 năm sử dụng thay vì 10 năm với tôn chính hãng. Việc tôn bị gỉ sét làm dột, nước mưa gây hư hỏng các vật dụng, trang thiết bị, hàng hóa lưu kho... Trong khi để khắc phục hậu quả, DN phải mất nhiều thời gian, chi phí để sửa chữa tình trạng hư hỏng này, thậm chí phải thay lại toàn bộ mái tôn của công trình.

Theo kinh nghiệm của những người kinh doanh trong nghề, bà con có thể phân biệt được tôn giả và tôn thật qua một số đặc điểm sau: Thứ nhất, chất lượng độ mạ không chuẩn, màu hơi lệch. Thứ hai, mã số cuộn tôn trên dòng in không giống mã in như nhà sản xuất quy định. Nguyên nhân do quá trình gia công và in lại tên, cơ sở làm hàng giả không xóa hết dòng in của nhà sản xuất cũ nên có thể thấy mờ mờ tên thương hiệu cũ. Thực tế đã có trường hợp tôn TOVICO bị xóa tên và được in lại tên tôn Hoa Sen. Đây cũng là điểm dễ nhận dạng nhất trên thị trường tôn hiện nay. Thứ ba, tôn gian lận độ dày thường có ký hiệu “MSC” hoặc “MC” trong chuỗi mã số ký hiệu in ở mặt sau tấm tôn. Loại tôn này cũng thường chỉ ghi độ dày của tôn là 0.35 hoặc 0.4 thay vì phải viết đầy đủ là 0,35mm hoặc 0,40mm. Đặc biệt, tôn giả, nhái thường không dập số mét và chứng chỉ ISO 9001:2008 vì máy cán không dập nổi. Riêng đối với những loại tôn liên doanh, tôn không đủ độ dày như thông số của nhà sản xuất, bà con chỉ cần đem cân tấm tôn để kiểm tra. Với tôn màu dày 0,35mm phải đảm bảo tỷ trọng 2,9 - 3 kg/mét, tôn màu dày 0,30mm cân nặng 2,4 - 2,5 kg/mét.

Ban biên tập (Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin Điện tử UBDT phối hợp thực hiện)