Thông tin giá cả thị trường tuần từ 08/09/2014 đến 12/9/2014
08:52 AM 10/09/2014 | Lượt xem: 2336 In bài viết |TIÊU ĐIỂM |
Khơi thông thị trường xuất khẩu gạo
Mục tiêu lớn nhất của hoạt động xuất khẩu gạo là phải tiêu thụ hết gạo hàng hóa cho nông dân và đảm bảo lợi nhuận tối thiểu 30% cho người trồng lúa. Sau những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, thời gian gần đây, xuất khẩu gạo đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, nhiều thị trường lớn như Philippines, Malaysia đã và đang chuẩn bị ký những hợp đồng gạo lớn. Điều đó đã có tác động tới giá cả và sức tiêu thụ lúa gạo tại các vựa lúa trên cả nước.
Dự kiến xuất khẩu gạo sẽ đạt khoảng 6,3 triệu tấn
Tổng cục Thống kê cho biết, trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo cả nước đạt 4,5 triệu tấn. Tính đến ngày 31/8, các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã thu hoạch được khoảng 729.000 héc-ta, sản lượng 3,915 triệu tấn lúa hè thu và tháng 9 còn khoảng 200.000 héc-ta, nâng sản lượng lên gần 1,1 triệu tấn lúa. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, căn cứ tình hình thị trường, sản lượng gạo hàng hóa và khả năng xuất khẩu gạo cả năm dự kiến đạt khoảng 6,3 triệu tấn. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đề ra, từ nay đến cuối năm các Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, VFA và các địa phương cần theo dõi sát diễn biến thị trường gạo thế giới, cân đối cung cầu lúa gạo hàng hóa trong nước và tình hình thực tế xuất khẩu gạo để kịp thời thực hiện có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo. Ưu tiên dành nguồn kinh phí bổ sung ngoài dự toán năm 2014 cho Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia phục vụ các hoạt động xúc tiến thương mại gạo từ nay đến cuối năm 2014. VFA cũng nghiên cứu, điều chỉnh kịp thời giá xuất khẩu gạo cho phù hợp với cân đối cung cầu lúa gạo hàng hóa trong nước và dự báo thị trường xuất khẩu gạo, ngăn ngừa những diễn biến bất lợi cho xuất khẩu gạo của ViệtNam.
Gạo Việt Nam lại có đặc điểm là hầu như được tiêu thụ trực tiếp ngay sau khi thu hoạch nên chất lượng đảm bảo và rất “hút” hàng, góp phần giúp nông dân và doanh nghiệp đảm bảo lợi nhuận. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, hiện nay, Việt Nam ưu tiên xúc tiến thương mại gạo với một số thị trường, thứ nhất là những thị trường truyền thống, tập trung, có quan hệ lâu dài về thương mại gạo nói riêng và thương mại nói chung như Indonesia, Philippines, Malaysia… Đây đều là những thị trường lớn xét về cả hợp tác song phương lẫn quy mô thị trường và cần dành những ưu tiên cao để phát triển bền vững. Thứ hai là những thị trường thương mại lớn khác như Trung Quốc, Singapore, Hồng Kông, châu Phi… Thứ ba là những thị trường mới như Haiti, Mỹ La tinh, Mexico... Ngoài ra, một số thị trường khác như châu Âu cũng đang được Bộ Công Thương quan tâm, phối hợp với các cơ quan, hiệp hội cùng đẩy mạnh phát triển. Tuy nhiên, cho dù là thị trường nào thì điều quan trọng nhất Bộ Công Thương, các hiệp hội và doanh nghiệp đang đẩy mạnh thực hiện là làm sao nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật để tạo thuận lợi lớn nhất cho hoạt động xuất khẩu.
Nâng cao chất lượng của hạt gạo
Có thể khẳng định lúa gạo là lợi thế bậc nhất của Việt Nam trong sản xuất nông sản. Các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam là Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan và sắp tới là Campuchia... đều có những lợi thế về phát triển lúa gạo. Song phát triển lúa gạo của Việt Nam cũng có những lợi thế riêng, về điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết khí hậu, đầu tư tập trung của các cấp, các ngành đối với sản xuất lúa gạo... Đặc biệt là khu vực miền Tây luôn luôn được đổi mới và đáp ứng được yêu cầu của sản xuất và thị trường. Đội ngũ doanh nghiệp ngày càng trưởng thành, ngoài những thị trường truyền thống thì họ còn mở ra những thị trường mới. Hiện nay có nhiều giống lúa đã được tạo ra và có nhiều doanh nghiệp xây dựng thương hiệu để có những giống lúa chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh đối với các nước trong khu vực và các nước xuất khẩu gạo mạnh trên thế giới. Song để nâng cao lợi thế của Việt Nam, chúng ta cần nâng cao chất lượng hạt gạo và khẳng định xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam thật uy tín. Bên cạnh đó, phải tiếp tục củng cố thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới để chúng ta có những điều kiện xuất khẩu được nhiều gạo. Một điều quan trọng nữa là, trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vẫn đặt cây lúa là lợi thế cạnh tranh. Để bà con hăng hái tiếp nhận lợi thế cạnh tranh thì rõ ràng cần có sự đầu tư khuyến khích một cách đồng bộ để giảm chi phí đầu vào, từ đó tăng cao hiệu quả của nghề trồng lúa. Đối với người nông dân, muốn nâng cao giá trị của hạt gạo, ngoài chuyện giảm chi phí đầu vào thì phải duy trì chất lượng của hạt gạo và vệ sinh an toàn thực phẩm.
MUA GÌ |
Lai Vung (đồng tháp): Cam thu lãi cao
Nhà vườn huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) đang bước vào thu hoạch cam (từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch). Toàn huyện có 615 héc-ta cam đang cho trái, trong đó cam xoàn 200 héc-ta, cam sành 50 héc-ta, còn lại là cam dây, tập trung các xã Long Hậu, Tân Thành, Vĩnh Thới, Tân Phước; năng suất ước đạt 20 tấn/héc-ta. Hiện tại, giá cam khá cao: Cam xoàn tại vườn 38.000 - 40.000 đồng/kg; cam sành từ 25.000 - 28.000 đồng/kg. Với giá này, nhà vườn thu về 100 triệu đồng/1.000m2/vụ. Riêng cam dây do thị trường tiêu thụ chậm, giá 10.000 – 11.000 đồng. Giá cam sẽ tiếp tục tăng vào tháng 9 âm lịch, do thị trường Campuchia đang tiêu thụ mạnh trở lại.
Quảng Ngãi: Mì (sắn) giá giảm ngay đầu vụ thu hoạch
Gần 1 tháng qua, trên các đồng ruộng, bà con nông dân bắt đầu vào vụ thu hoạch mì vì sợ mưa bão đến bất thường, nhưng ai cũng lo lắng vì giá quá thấp so với năm ngoái. Bà con xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) cho biết, mì tươi có giá 1,3 triệu đồng/tấn, trừ công cán, phân bón chẳng còn lãi. Ông Đồng Văn Lập - Giám đốc Nhà máy Sản xuất tinh bột mì Quảng Ngãi cho biết: “Năm nay mì tươi độ bột rất thấp, nguyên nhân là do khi nông dân xuống giống vào thời điểm tháng 11, 12 âm lịch gặp thời tiết lạnh. Đến tháng 2, 3 năm sau nắng nóng kéo dài nên ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây mì dẫn đến hàm lượng tinh bột thấp chứ không phải do Nhà máy o ép. Bởi hiện tại có rất nhiều đầu mối thu mua, cạnh tranh khốc liệt chứ không phải độc quyền nên ước sản lượng thu mua của Nhà máy năm 2014 chỉ 65.000 tấn, thấp hơn 15.000 tấn so với năm 2013. Về thị trường tiêu thụ, ngoài thị trường Trung Quốc, Nhà máy cũng đã tìm được thị trường tốt ở các nước khác nên về đầu ra không có gì trở ngại. Nhà máy tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nông dân như ưu tiên vùng trũng thu hoạch trước. Nhà máy sẽ cử cán bộ xuống tận dân phát phiếu thu mua. Trong tình cảnh này thì cả thương lái và Nhà máy chỉ chia sẻ với dân chứ không có lãi. Để nâng cao chất lượng bột, chúng tôi khuyến cáo bà con trồng mì phải theo hướng thâm canh”.
Giá thanh long tăng trở lại
Hiện thanh long loại đẹp đang có giá 16.000 - 17.000 đồng/kg, tăng khoảng 5 lần so tháng trước; loại hàng dạt, trước đây chỉ có giá trên dưới 1.000 đồng, nay cũng tăng lên 5.000 - 7.000 đồng/kg. Giá thanh long có xu hướng tăng dần từ tháng 9 trở đi đến tháng 1, tháng 2 năm sau. Nguyên nhân giá thanh long tăng mạnh trở lại là do bị “đứt” hàng, vụ chính sắp kết thúc, nông dân đang chong đèn để thanh long trổ bông vụ trái khoảng 2 tháng sau mới cho thu hoạch, bệnh trên trái thanh long giảm dần so với mùa thuận nên thị trường xuất khẩu hút hàng. Tuy nhiên mức độ giá tăng giảm tùy thuộc nhu cầu thị trường và tình hình sâu bệnh.
Đồng bằng sông Cửu Long: Nhãn tiêu da bò tăng giá nhẹ
Tại TP. Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ĐBSCL: Hậu Giang, Vĩnh Long, Bến Tre… hiện nhãn tiêu da bò loại 1 được nhiều tiểu thương và vựa trái cây thu mua ở mức khoảng 10.000 đồng/kg, còn hàng loại 2, loại 3 có giá khoảng 8.000 - 9.000 đồng/kg. Nhãn tiêu da bò chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Thời gian qua, giá nhãn tiêu da bò giảm thấp do đầu ra trong xuất khẩu gặp khó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bị hạn chế. Gần đây, nguồn cung nhãn tiêu da bò có phần giảm so với trước, nhu cầu nhãn phục vụ xuất khẩu sang một số thị trường cũng được cải thiện và việc tiêu thụ nhãn tại thị trường nội địa được tăng cường đã giúp giá nhãn tiêu da bò tăng nhẹ. Nhiều khả năng, giá nhãn tiêu da bò còn nhích lên trong thời gian tới, nhất là vào dịp Tết Trung thu.
Giá hồ tiêu có thể tăng nhờ sản lượng giảm
Do ảnh hưởng của thời tiết nên nhiều vườn hồ tiêu tại các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên bị chết và không thể cho thu hoạch vào đầu năm 2015. Sản lượng giảm có thể giúp hồ tiêu tăng giá. Hiện giá tiêu trên thị trường ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ dao động ở mức 184.000 - 187.000 đồng/kg, tăng 42.000 - 45.000 đồng so với mức giá tháng 4/2014. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (trong 8 tháng của năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu được 126.000 tấn hồ tiêu. Lượng hồ tiêu còn giữ lại trong nhà người dân, doanh nghiệp không nhiều và trong số 150.000 tấn hồ tiêu dự kiến xuất khẩu cho cả năm nay có khoảng 20.000 tấn hồ tiêu tạm nhập tái xuất của Indonesia.
Giá tiêu một số địa phương trong tuần
Tỉnh | Giá (đồng/kg) |
Chư Sê (Gia Lai) | 184.000 |
Châu Đức (Bà Rịa) | 190.000 |
Đắk Lắk - Đắk Nông | 185.000 |
Bình Phước | 187.000 |
BÁN GÌ |
Quảng Nam: Dâu đất được mùa
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước, mùa dâu đất năm nay, nhà vườn toàn huyện ước tính 500 tấn trái, cao gấp nhiều lần so với các năm trước. Những địa phương trồng dâu đất nhiều nhất là Tiên Thọ, Tiên Kỳ, Tiên Cảnh, Tiên Hiệp và các xã vùng Sơn - Cẩm - Hà... bình quân mỗi nhà vườn có thu nhập 15 - 20 triệu đồng từ bán trái dâu đất. Không riêng gì người dân ở "vựa" dâu đất Tiên Phước, nông dân các xã Tam Lãnh (Phú Ninh), Bình Lâm, Quế Thọ, Phước Trà (Hiệp Đức)... cũng trúng mùa dâu đất. Đây cũng là loài cây mọc tự nhiên nên trồng rất dễ, ít tốn công chăm bón nhưng đem lại thu nhập đáng kể cho nhà nông.
Tuy rất vui vì trúng mùa dâu đất, nhưng cũng ít người làm vườn các địa phương vùng trung du tỉnh Quảng Nam có dự định đầu tư vào phát triển cây dâu đất. Dù dâu đất dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, nhưng tính ra thì hiệu quả kinh tế không cao hơn các loại cây ăn trái khác. Trong khi đó, cây dâu đất hằng năm ra trái không ổn định, giá cả cũng bấp bênh, không phải loại trái được thị trường ưa chuộng.
Đồng Tháp: Nhộn nhịp thị trường mua bán rơm rạ mục
Trong các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, TP. Sa Đéc thường được gọi là xứ sở của các loài hoa với đầy đủ các chủng loại hoa kiểng đua nhau khoe sắc và đáp ứng thị trường mỗi ngày. Vì thế, nhu cầu sử dụng rơm rạ mục rất lớn nhưng nhiều nhất là từ tháng 9 – tháng 12 (âm lịch). Mỗi ngày, hàng chục ghe tàu chở rơm rạ mục từ huyện Lai Vung về thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp) để chào bán cho các nhà vườn trồng hoa kiểng, tạo công ăn việc làm và nguồn thu nhập ổn định. Vào các tháng đó tàu ghe đậu khắp dòng sông. Trung bình 1 ghe có trọng tải 20 tấn chở được khoảng 350 bao phân rơm mục, bán với giá 45.000 đồng/bao, với mỗi chuyến đi từ 2 – 5 ngày, trừ chi phí lãi trên 1 triệu đồng/chuyến.
Đồng bằng sông Cửu Long: Giá mía thấp, nông dân khốn đốn
Niên vụ mía mới 2014 - 2015 đang bắt đầu nhưng giá quá thấp khiến nông dân lo lắng. Hiện thương lái thu mua mía đầu vụ chỉ có 700 - 800 đồng/kg, với giá này những hộ trồng trúng mùa, năng suất cao mới mong có lời ít hoặc hòa vốn; riêng những hộ trồng năng suất thấp coi như lỗ trắng. Đây là năm thứ 3 liên tiếp người trồng mía khốn đốn bởi giá thấp quá. Chính vì vậy, vụ này người dân các xã Hòa Mỹ, Tân Phước Hưng, Hiệp Hưng (Tiền Giang) vừa phá bỏ khoảng 1.200 héc-ta mía để chuyển sang trồng cây khác. Tại huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) nhiều nông dân cũng vừa đốn bỏ 900 héc-ta mía, để đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng và trồng hoa màu… Hiệp hội Mía đường Việt Nam nhìn nhận, ngành mía đường đang rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn khi các nhà máy tồn kho hơn 350.000 tấn đường, trong khi vụ mía mới sắp khởi động. Hiện giá đường tiếp tục sụt giảm xuống mức 12.000 đồng/kg, nhưng rất khó bán, bởi sự cạnh tranh quyết liệt của đường cát Thái Lan nhập lậu ào ạt qua biên giới Tây Nam, bán giá thấp thao túng thị trường.
Cần Thơ: Giá ngư cụ ổn định
Năm nay lũ về sớm, nhiều làng nghề sản xuất ngư cụ ở TP. Cần Thơ đang tất bật chuẩn bị các loại ngư cụ sẵn sàng phục vụ nhu cầu đánh bắt thủy sản của người dân. Song, sức mua một số loại ngư cụ hiện còn yếu, giá cả vẫn ở mức ổn định. Theo nhiều người dân, dù nước lũ về nhiều hơn mọi năm nhưng hầu hết các diện tích gieo sạ lúa thu đông 2014 chưa thu hoạch, nên chưa thể triển khai các hoạt động đánh bắt trên đồng. Hiện, phần lớn người dân mới tập trung mua nhiều các loại lưới (nhất là lưới mùng) để phục vụ nuôi trồng các loại thủy sản và các loại chài, lưới, lú… để giăng, đánh bắt thủy sản trên các sông, rạch. So với các năm trước, giá bán nhiều loại ngư cụ vẫn khá ổn định. Cụ thể, giá lưới mùng loại thường đang ở mức 60.000 - 65.000 đồng/kg, loại cao cấp 70.000 - 80.000 đồng/kg; lưới bén loại thường 60.000 - 200.000 đồng/tay (chiều dài 80 - 100 m), một số loại lưới cao cấp (lưới 3 màu) có giá 250.000 - 500.000 đồng/tay; lú giá 200.000 - 400.000 đồng/cái; chài nhỏ khoảng 300.000 - 350.000 đồng/cái, chài lớn 400.000 - 500.000 đồng/cái, dớn 100.000 - 200.000 đồng/cái… Dự đoán, giá nhiều loại ngư cụ vẫn tiếp tục ổn định trong thời gian tới, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng.
Đồng Tháp: Giá rau màu tăng mạnh vào mùa nước nổi
Do nước lũ đang đổ về mạnh, một số diện tích trồng rau màu không có đê bao bị ngập sâu nên nguồn cung không đủ cầu, nhiều loại rau củ đều đồng loạt tăng giá, trung bình từ 15 - 20% so với ngày thường. Tại xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) giá cũng liên tục giữ mức cao trong thời gian qua. Hiện tại, hành lá bán tại ruộng giá trung bình từ 15.000 – 18.000 đồng/kg, củ cải trắng giá từ 5.000 – 6.000 đồng/kg, ớt chỉ thiên giá từ 20.000 – 25.000 đồng/kg, cà chua tăng từ 1.500 - 2.000 đồng/kg, khoai môn từ 9.000 -10.000 đồng/kg.
LƯU Ý CẢNH BÁO |
Người trồng cao su điêu đứng vì giá mủ thấp
Thời điểm này đang trong mùa thu hoạch cao su nhưng các nhà vườn ở Bình Dương, Bình Phước... gặp khó khăn do giá mủ xuống thấp. Thậm chí tại đây đã manh nha xuất hiện tình trạng người dân ồ ạt chặt cao su để chuyển sang cây trồng khác.
Giá mủ giảm 30% so với năm trước
Hiện nay, giá cao su xuất khẩu chỉ còn khoảng 1.871 đô-la Mỹ/tấn (tương đương 40 triệu đồng/tấn), giảm 59% so với đỉnh điểm năm 2011. So với năm trước thì giá mủ năm nay chỉ được khoảng 2/3 giá. Giá công cạo cũng giảm gần một nửa, thậm chí nhiều hộ không thuê nhân công mà tự làm để lấy công làm lãi. Do giá mủ xuống quá thấp nên nông dân có xu hướng chặt bỏ cao su để chuyển sang trồng cây khác. Tuy nhiên, tình trạng này chủ yếu diễn ra đối với các hộ có diện tích cao su lớn, có đất nhiều để đa dạng hóa cây trồng. Còn các hộ có diện tích cao su ít vẫn khai thác cầm chừng. Bản thân Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cũng đã cho ngưng khai thác mủ để tránh lỗ do giá xuống quá thấp. Theo VRG, hiện nguồn cung cao su thiên nhiên thế giới đang dư thừa khoảng 600.000 tấn, vì thế Việt Nam và các nước trong khu vực như Thái Lan đều ngưng khai thác mủ. Việc tạm ngừng khai thác này phần nào sẽ giúp giá không xuống quá thấp. Tuy nhiên, điều này lại khiến hàng nghìn hộ trồng cao su điêu đứng bởi cả gia đình đều chỉ trông chờ vào việc trồng và cạo mủ cao su để sinh sống.
Hội Nông dân Bình Dương cho biết, trên địa bàn tỉnh đã có tình trạng nông dân chặt cao su để chuyển sang trồng cây khác hoặc chuyển sang làm trang trại heo, trại gà. Hiện trên địa bàn tỉnh có gần 1/3 diện tích cao su tiểu điền tạm ngừng khai thác hoặc khai thác cầm chừng. Tại Bình Phước, tình trạng chặt cây cao su cũng xảy ra tại một số khu vực và chủ yếu diễn ra ở các vườn cao su tiểu điền. Chủ yếu người dân chặt để trồng lại cao su hoặc chuyển sang cây trồng khác hiệu quả hơn như trồng tiêu, cây ăn trái kể cả cây điều. Biện pháp trước mắt là phải kiểm soát và có định hướng để nông dân không vội vàng chặt bỏ cây cao su. Thay vào đó là tập trung tái canh vườn cao su hết tuổi khai thác và thâm canh vườn hiện có để nâng cao năng suất.
Đã đến thời điểm tái cơ cấu ngành cao su
Các doanh nghiệp cao su cho biết, đây là giai đoạn khó khăn nhất nhưng cũng là thời điểm "vàng" để thực hiện tái cơ cấu ngành cao su một cách toàn diện. Bởi trên thực tế, bất chấp cao su là mặt hàng đem lại kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng hàng năm các DN trong nước vẫn phải nhập khẩu đến 30% nguyên liệu cao su đầu vào để sản xuất lốp xe. Điều này đang khiến cho các DN sản xuất lốp xe gặp nhiều khó khăn do chi phí tăng và không chủ động được nguồn nguyên liệu. Giải thích nghịch lý này, VRA cho biết là do cơ cấu chủng loại cao su Việt Nam chưa đáp ứng nhu cầu của các nhà sản xuất trong nước mà chủ yếu để xuất khẩu. Các DN sản xuất lốp xe cần sử dụng chủng loại cao su SVR 20, SVR 10, RSS 3 nhưng những mặt hàng này có tỷ lệ thấp trong cơ cấu cao su thiên nhiên của Việt Nam. Trong khi có đến 40 – 50% sản lượng là chủng loại SVL 3L thì nhu cầu tiêu thụ trong nước không cao.
Tại hội thảo “Đẩy mạnh hiệu quả sử dụng và tiêu thụ cao su nguyên liệu trong nước” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cục Hóa chất - Bộ Công Thương tổ chức, ông Trần Ngọc Thuận - Tổng Giám đốc VRG cũng cho biết, chính VRG đã nhận ra từ rất sớm những bất cập về việc sản xuất các chủng loại mà thị trường trong nước không cần và ngược lại. Nhưng khi giá mủ cao, tiêu thụ tốt và chịu áp lực kinh doanh nên chưa nghĩ đến việc chuyển đổi cơ cấu. Hiện tại VRG đã chỉ đạo các DN trực thuộc nhanh chóng thay đổi cơ cấu sản phẩm bắt đầu từ năm 2014. Do đó, chiến lược của VRG sẽ tập trung vào sản phẩm nhúng và cao su màu như găng tay, băng tải, dây courroise, chỉ thun, nệm mút… đồng thời phát triển thêm một số sản phẩm cao su kỹ thuật, đệm giảm chấn, bóng thể thao. Cùng với đó, hàng năm VRG thanh lý khoảng 10.000 – 12.000 héc-ta cao su, sản lượng gỗ từ 1 – 1,2 triệu m3 phục vụ cho các nhà máy chế biến gỗ.
box: Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cho biết, từ tháng 10 tới tất cả các mặt hàng cao su thiên nhiên sơ chế đều có mức thuế xuất khẩu là 0%. Đây là động thái nhằm tạo điều kiện kịp thời tháo gỡ khó khăn cho ngành cao su, tăng tính cạnh tranh về giá trong tình hình giá sụt giảm mạnh trên thị trường thế giới vì cung vượt cầu, đồng thời tạo sự bình đẳng giữa các mặt hàng cao su xuất khẩu và khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa các chủng loại cao su thiên nhiên xuất khẩu.
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG |
Hà Giang bình chọn sản phẩm phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu
Một cách làm hay
Nhằm đẩy mạnh hoạt động khuyến công, xúc tiến công thương, hỗ trợ các đơn vị sản xuất vươn lên, ngành Công Thương Hà Giang đã tích cực tham mưu cho tỉnh tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu năm 2014.
Mục đích nhằm phát hiện, tôn vinh các sản phẩm công nghiệp nông thôn có chất lượng, có tiềm năng phát triển sản xuất để có kế hoạch hỗ trợ và xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu cho sản phẩm. Đối tượng tham gia bình chọn là các sản phẩm được sản xuất tại các cơ sở CNNT. Các nhóm sản phẩm được tham gia bình chọn gồm: Sản phẩm thủ công mỹ nghệ; nhóm sản phẩm chế biến từ nông, lâm sản, thực phẩm và các loại đồ uống có cồn, không cồn, có gas và không có gas; nhóm sản phẩm về thiết bị máy móc, phụ tùng cơ khí phục vụ nông nghiệp; nhóm sản phẩm vật liệu xây dựng và các sản phẩm khác...
Với mục đích hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất và các sản phẩm công nghiệp nông thôn, khi các cơ sở có sản phẩm được bình chọn qua cuộc bình chọn cấp tỉnh sẽ được cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các giải thưởng kèm theo của Hội đồng bình chọn. Cùng với đó, các sản phẩm được bình chọn còn có cơ hội để được xem xét hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh, của quốc gia để đầu tư phát triển mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, xúc tiến thương mại, đào tạo, dạy nghề cho người lao động; được giới thiệu để đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị tiêu thụ trên toàn quốc.
Sau khi các sản phẩm được đăng ký về tỉnh, Hội đồng bình chọn đã tiến hành bình chọn để lựa chọn ra các sản phẩm tiêu biểu. Tiếp đó, sẽ lựa chọn các sản phẩm nổi bật nhất để tham gia bình chọn ở cấp khu vực sẽ được tổ chức trong quý IV/2014 tại Lào Cai. Trong cuộc bình chọn năm nay, Hội đồng bình chọn nhận được 17 sản phẩm tham gia bình chọn của 14 cơ sở sản xuất ở 8 huyện gồm: Quản Bạ, Mèo Vạc, Đồng Văn, Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Xín Mần và Hoàng Su Phì. Các sản phẩm như rèn nông cụ, thêu dệt thổ cẩm, chế biến thực phẩm, hàng thủ công...
Vì là năm đầu tiên tổ chức nên các đơn vị, sản phẩm tham dự vẫn còn chưa chưa phong phú so với tiềm năng thực tế sản xuất các mặt hàng công nghiệp nông thôn của Hà Giang. Vì vậy, mong muốn của ngành Công Thương Hà Giang là các địa phương trong tỉnh sẽ quan tâm, tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất lựa chọn, gửi sản phẩm tham gia bình chọn trong các năm tiếp theo.
Quảng Nam : Cần thêm giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững
Những năm gần đây, nuôi bò lai đã trở thành lựa chọn số 1 trong phát triển chăn nuôi ở huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam).
Hiện nay toàn huyện đã hình thành được 14 trang trại và hơn 1 nghìn gia trại chăn nuôi bò lai. Bình quân mỗi mô hình trang trại thả nuôi 20 - 35 con, còn gia trại 4 - 15 con. Tính đến thời điểm này tổng đàn bò của Quảng Nam ước đạt 160 nghìn con, trong đó bò lai chiếm khoảng 40%, tăng 15% so với cách đây 5 năm. Những năm qua nông dân trên địa bàn tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi heo hướng nạc. Hiện nay tổng đàn heo của tỉnh khoảng 500 nghìn con, trong đó không dưới 75% thuộc diện nuôi hướng nạc. Bên cạnh đó, hàng nghìn mô hình chăn nuôi gia cầm theo hướng hàng hóa cũng được hình thành, chủ yếu là gà chuyên thịt, vịt siêu trứng, chim cút và bồ câu thương phẩm… Tuy đã tạo được bước chuyển biến nhưng thực tế cho thấy ngành chăn nuôi ở Quảng Nam vẫn còn gặp quá nhiều rủi ro. Năm nào dịch cúm A/H5N1, bệnh tai xanh, lở mồm long móng, dịch tả, phó thương hàn, tụ huyết trùng… cũng tái bùng phát và gây hại trên diện rộng. Ngoài ra, do giá thức ăn, con giống đầu vào ở mức cao, trong khi giá bán sản phẩm thấp và rất bấp bênh nên số tiền lãi mà người chăn nuôi thu được quá ít.
Theo đề xuất của các cơ quan nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giải pháp để ngành chăn nuôi phát triển theo hướng hàng hóa, bền vững cần nhanh chóng quy hoạch những vùng chăn nuôi tập trung để xóa bỏ dần hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu dân cư và ngăn chặn nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh. Đặc biệt, nên có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng như điện, đường, nước sạch… tại những khu chăn nuôi tập trung này. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh liên doanh liên kết để hình thành các cơ sở chế biến thức ăn tại chỗ. Quảng Nam có diện tích đất sản xuất bắp, sắn, khoai, đậu và những loại hoa màu khác tương đối lớn. Vì thế, nguồn nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là rất dồi dào. Do đó, cần có một cơ chế thoáng để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Hơn nữa, có nhà máy thu mua nguyên liệu thì nhà nông sẽ có thị trường tiêu thụ nông sản ổn định.
Cần quy hoạch những vùng chăn nuôi tập trung
CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG |
Thêm nhiều doanh nghiệp thủy sản được xuất khẩu vào Nga
Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản - Nafiqad (Bộ NN&PTNT) cho biết, Nga tiếp tục dỡ bỏ lệnh tạm đình chỉ nhập khẩu đối với một số doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Cụ thể là doanh nghiệp tư nhân Anh Long, Chi nhánh Công ty CP Thủy sản số 1 - Nhà máy chế biến thực phẩm Tân Phú Trung, Xí nghiệp đông lạnh AGF9 – Công ty CP xuất nhập khẩu thủy sản An Giang. Nafiqad đề nghị các doanh nghiệp trên thực hiện đúng các quy định về an toàn thực phẩm của Việt Nam và Nga, chủ động liên hệ với nhà nhập khẩu để tránh những vướng mắc… Trước đó, đầu tháng 8, Nga đã cho phép 7 doanh nghiệp Việt được xuất thủy sản vào thị trường này.
Chế biến thủy sản xuất khẩu
Vĩnh Long: Thanh long ruột đỏ đang có xu hướng phát triển ồ ạt
Thời gian qua, trồng cây thanh long ruột đỏ đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho nhiều nông dân ở Vĩnh Long, song thời gian gần đây diện tích thanh long ruột đỏ có chiều hướng tăng, tiềm ẩn rủi ro một khi cung vượt cầu quá lớn. Hiện toàn tỉnh có khoảng 20 héc-ta thanh long ruột đỏ, tập trung nhiều ở các huyện Trà Ôn, Tam Bình, Bình Minh… Hầu hết bà con đều trồng theo tâm lý thấy xung quanh trồng hiệu quả nên lên liếp trồng theo mà chưa biết nhiều về kỹ thuật. Đến vụ thu hoạch, giá bán cũng hoàn toàn phụ thuộc thương lái.
Tại Vĩnh Long, có một số vùng trồng có điều kiện thích nghi tốt cho cây thanh long ruột đỏ như: Bình Minh, Bình Tân, Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm do là vùng đất gò cao. Tuy nhiên, hiện thị trường tiêu thụ trái thanh long đang rất khó khăn vì trước nay vốn chủ yếu phụ thuộc thị trường Trung Quốc. Các vùng trồng thanh long trên cả nước cũng đang trong tình trạng dư thừa, vì vậy việc mở rộng diện tích trồng thanh long ồ ạt là điều không nên làm.
Sản lượng cá tra giảm 5 – 10%
Sau thời gian dài sụt giảm, thời điểm cuối tháng 8, đầu tháng 9 giá cá tra đã tăng từ 1.500 - 2.000 đồng/kg so với giá đáy tháng 6/2014. Hiện giá cá tra nguyên liệu được các doanh nghiệp thu mua dao động ở mức 21.000 - 22.000 đồng/kg. Nhưng nếu so sánh với giá thành sản xuất, người nuôi vẫn lỗ từ 1.500 - 2.000 đồng/kg.
Do giá cá tra nguyên liệu giảm thấp, người nuôi cho ăn cầm chừng, kéo dài thời gian nuôi đã dẫn đến tình trạng cá không đạt kích cỡ khi thu hoạch, ảnh hưởng đến giá bán ra. Khảo sát của ngành chức năng, đến nay, sản lượng cá tra của hầu hết các tỉnh đều giảm so với cùng kỳ năm 2013. Điều đáng quan tâm là tuy diện tích nuôi cá tra của nhiều tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang... đều tăng, nhưng sản lượng lại giảm từ 5 - 10%. Hiện nuôi cá tra đang có sự phân hóa mạnh, chỉ những hộ có tiềm lực kinh tế hoặc những doanh nghiệp lớn duy trì sản xuất nhưng cũng gặp nhiều khó khăn do chi phí cao, quản lý nuôi lỏng lẻo... Vì vậy, thay vì chạy theo sản lượng và mở rộng diện tích, ngành chức năng cần tập trung vào những giải pháp nâng cao chất lượng và tính bền vững của con cá tra.
Đồng Nai: Nuôi cá lăng cho lãi cao
Những ngày qua, hàng trăm hộ nuôi cá tại TP. Biên Hòa (Đồng Nai) phấn khởi khi cá lăng đang vào mùa thu hoạch được giá cao. Các thương lái đến tận các làng cá thuộc phường Tân Mai, Tam Hiệp, Thống Nhất… để thu mua với giá 70.000 - 120.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng so với năm ngoái. Nhìn chung, đợt cá lăng lần này phát triển tốt và đạt năng suất cao, bình quân mỗi bè lãi từ 500 triệu đồng đến vài tỷ đồng. Hiện tại, giống cá lăng đang được rất nhiều nhà hàng, quán ăn tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh khu vực miền Bắc ưa chuộng. Một số thương lái thu mua cho biết đợt cá thu mua lần này được vận chuyển đến TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương để tiêu thụ nhưng vẫn không đủ để cung ứng. Đợt trúng đậm cá lăng lần này sẽ giúp các hộ có tiền trả nợ, tiếp tục bám nghề nuôi cá truyền thống trên sông Đồng Nai.
HÀNG VIỆT |
Đẩy mạnh đưa hàng dệt may Việt Nam về nông thôn
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) vừa tổng kết 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Qua thực hiện, nhiều người dân nông thôn, vùng sâu đã được sử dụng hàng Việt Nam với chất lượng cao, giá thành hạ. Không những thế, tỷ lệ tăng trưởng sử dụng nguyên liệu từ nguồn trong nước đã tăng một cách khả quan.
Mở rộng mạng lưới tiêu thụ
Ông Lê Tiến Trường – Tổng Giám đốc Vinatex cho biết: Chủ trương của Cuộc vận động cũng chính là chiến lược phát triển của Tập đoàn. Theo đó, đối với thị trường nội địa, cung cấp sản phẩm may mặc chất lượng cao với giá thành phải chăng cho người tiêu dùng Việt Nam.
Số liệu của Vinatex cho thấy, sau 5 năm thực hiện Cuộc vận động, tổng số cửa hàng, đại lý trên toàn quốc của các đơn vị thành viên Vinatex đạt 4.125, dự kiến đạt tổng số 4.286 trong năm 2014. Chuỗi siêu thị Vinatexmart được mở rộng và phát triển trên 28 tỉnh thành trong cả nước, với trên 50 đại lý bán hàng, kinh doanh hơn 60.000 mặt hàng với tỷ lệ 100% hàng Việt Nam. Song song với Vinatexmart là chuỗi siêu thị, cửa hàng của các đơn vị thành viên Tập đoàn như Việt Tiến, Nhà Bè, May 10... phân phối đa dạng mặt hàng may mặc Việt Nam với kiểu dáng, mẫu mã phong phú... đáp ứng nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng.
Thông qua việc kết nối mạng lưới tiêu thụ nội bộ trong Tập đoàn giữa các đơn vị thành viên, không ngừng nỗ lực đưa sản phẩm dệt may Việt Nam đến mọi miền đất nước, đặc biệt tới vùng sâu, vùng xa để tuyên truyền và hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hàng năm, Vinatexmart đã tổ chức hàng chục đợt bán hàng về nông thôn tại các tỉnh như Bạc Liêu, Cần Thơ, Châu Đốc, Lái Thiêu, Cao Lãnh, được người tiêu dùng rất hưởng ứng, doanh thu đạt được có ngày trên 30 triệu đồng.
Giảm giá thành bằng cách tăng tỷ lệ nội địa hóa
Dù đánh giá thị trường dệt may ở nông thôn hiện nay còn rất nhiều tiềm năng với sức mua lớn, song các doanh nghiệp dệt may đều cho rằng, khó khăn lớn nhất khi đưa hàng về nông thôn là chi phí quá cao. Chia sẻ kinh nghiệm đưa hàng dệt may Việt Nam tiến sâu vào thị trường này, Tổng Giám đốc hệ thống siêu thị Vinatex (Vinatex Mart - Tập đoàn Dệt may Việt Nam) – cho biết: Vinatex sẽ chuyển từ bán hàng lưu động sang bán hàng thường xuyên tại địa phương để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đặc biệt, để giảm giá thành sản phẩm phù hợp với phân khúc thị trường và sức mua của người dân nông thôn, thời gian qua, Tập đoàn Dệt may Việt Nam luôn chú trọng tăng tỷ lệ nội địa hóa để giảm giá thành, dự kiến phấn đấu tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm lên 70% vào năm 2015. Các doanh nghiệp thành viên đã ý thức được vai trò, trách nhiệm với người tiêu dùng trong nước và đã nhận biết được tiềm năng của thị trường nội địa, do đó đã mạnh dạn đầu tư, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm mới với chất lượng ngày càng cao, mẫu mã ngày càng đa dạng, giá cả cạnh tranh được với hàng ngoại nhập, đáp ứng nhu cầu trong nước, tăng thị phần trên thị trường nội địa.
Nhằm đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động trong thời gian tới, Vinatex chủ trương triển khai đưa hàng Việt về nông thôn thông qua việc kết nối mạng lưới tiêu thụ nội bộ trong tập đoàn giữa các đơn vị thành viên, không ngừng nỗ lực đưa sản phẩm dệt may Việt Nam đến mọi miền đất nước, đặc biệt tới vùng sâu vùng xa để tuyên truyền và hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
box: Tại buổi làm việc của Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và Đảng ủy khối DNTW với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) ngày 20/8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đã đánh giá cao những nỗ lực của Vinatex. Thứ trưởng cho rằng, qua cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Vinatex đã làm tốt hoạt động kinh tế cũng như nhiệm vụ chính trị. Về chất lượng sản phẩm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cũng chỉ đạo: Không thể vì thị trường nông thôn có nhu cầu mua hàng giá rẻ mà đưa sản phẩm kém chất lượng vào thị trường này. Thực tế cho thấy, do thị trường bị bỏ ngỏ nên ở nông thôn tìm hàng chất lượng tốt rất khó, không có hàng; điều đó bắt buộc người tiêu dùng ở nông thôn mua sắm theo kiểu có gì mua nấy. Để cung cấp những sản phẩm dệt may phù hợp với người tiêu dùng nông thôn, các nhà sản xuất cũng phải nghiên cứu để cho ra những dòng sản phẩm nằm ở mức trung bình, cũng như các kiểu dáng mẫu mã phù hợp với điều kiện của nông thôn. Chẳng hạn như sản phẩm có độ dày vừa phải, ít bám bẩn, dễ giặt và sản phẩm phải nhanh khô, hoặc như người nông thôn chỉ đi dép thấp, không đi dép cao, cho nên chiều dài của quần cũng phải ngắn lại, về màu sắc cũng phải chọn những màu không quá lòe loẹt, diêm dúa...
HÀNG THẬT - HÀNG GIẢ |
Mũ bảo hiểm Amoro
Thời gian qua, trên thị trường một số tỉnh miền núi đã xuất hiện 1 số cửa hàng bán mũ bảo hiểm Amoro giả. Thậm chí, hàng giả còn được bán ngay trên vỉa hè hoặc trên những chiếc xe hàng rong. Các lực lượng chức năng khó có thể quản lý, xử phạt các đối tượng này do mỗi hôm họ ngồi một nơi. Khi có lực lượng chức năng tới thì họ nhanh tay thu dọn rồi bỏ đi, thậm chí có khi bỏ cả hàng hóa lại.
Theo Công ty Amoro Việt Nam, hầu hết các loại mũ này đều có xuất xứ từ Trung Quốc và đều thiếu 1 trong 3 đặc điểm là trên khoá mũ, sọ mũ hoặc kính mũ không có chữ nổi Amoro, đặc biệt là kính mũ mềm, không trong suốt, có màu trắng xanh và không có chữ nổi Amoro phía trên. Bà con có thể nhận diện hàng thật hàng giả dựa vào những điểm khác biệt sau:
Mũ bảo hiểm Amoro thật - Mũ bảo hiểm Amoro giả
Sọ mũ bảo hiểm sản xuất bằng nhựa ABS của Đức, được phân phối bởi Công ty BASF chịu được độ va đập cực lớn. Trên sọ mũ được rập nổi chữ Amoro rõ ràng, sắc nét.
Sọ mũ bảo hiểm giả được làm từ nhựa P.P tái sinh dễ dàng bị bể, nứt, vỡ, biến dạng dưới tác động của thời tiết hay trong các trường hợp va chạm nhẹ. Chữ nổi trên sọ không rõ nét, lem nhem.
Kính mũ bảo hiểm amoro được làm từ nhựa PC do Đức và Mỹ sản xuất, phân phối bởi Công ty GE Plastic, màu trắng trong suốt, không vỡ siêu bền trên được dập nổi chữ Amoro ở phía trên.
Kính trong suốt, mềm, có màu trắng xanh, dễ vỡ và không in chữ nổi Amoro phía trên.
Khoá mũ bảo hiểm amoro bằng nhựa P.O.M có độ dẻo cao, chịu được sức kéo mạnh.Trên in chữ Amoro nổi.
Khoá mũ giả làm từ nhựa tổng hợp, giòn, dễ gẫy khi sử dụng, trên khoá không có chữ nổi Amoro.
Áo mưa Rando
Áo mưa Rando là sản phẩm của Công ty TNHH sản xuất – thương mại Rạng Đông. Sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại, độ chống thấm cao nên được nhiều phụ huynh lựa chọn để mua cho con em nhân ngày tựu trường. Sản phẩm được thiết kế cải tiến nhằm tạo cảm giác thoải mái, thoáng mát hơn cho người sử dụng, đặc biệt phù hợp với khí hậu khu vực miền Trung và miền Nam vốn khô và nóng bức. Để phân biệt, bà con có thể dựa vào 1 số đặc điểm sau:
Hàng thật | Hàng giả |
Mặt vải rất mịn, đanh, xử lý độ tuột nước rất tốt. | Mặt vải thô, ráp, vải thưa, độ tuột nước kém, hay bị gãy mặt. |
Thông số bộ đồ tiêu chuẩn, cân đối, đường may sắc sảo. Sử dụng chỉ Coats (Anh Quốc) tiêu chuẩn ISO 9002, đường dán chắc chắn. | Thông số bộ đồ bị rút nhỏ, đường may không đều, sử dụng chỉ may thường, đường dán dễ bị bong. |
Mực in màu trắng cao cấp của Nhật không bị bong tróc. | Mực in dễ bị tróc. |
Dây kéo cao cấp được sản xuất trên dây chuyền hiện đại, đầu răng khóa nhựa cứng chắc. | Dây khóa kéo răng mềm, dễ gãy răng khóa sau thời gian ngắn sử dụng |
Bao bì được in rất sắc nét, đóng gói cẩn thận. | Bao bì nhái in mờ hơn, không sắc nét. |
NHÀ NÔNG CẦN BIẾT |
Nhằm giúp bà con giải đáp thắc mắc về các vấn đề thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, khoa học công nghệ, từ số 18 (ra ngày 02/5/2014), Chuyên đề DTTS & MN (Báo Công Thương) mở chuyên mục “Nhà nông cần biết” với sự hợp tác của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao và các doanh nghiệp ngành phân bón, hóa chất, nông nghiệp...
Sử dụng phân hỗn hợp NPK-S Lâm Thao cho cây lạc
Cây lạc còn được gọi là cây đậu phộng. Để có hạt lạc có chất lượng cao, ngoài việc sử dụng các loại giống tốt thì bón phân cân đối và đầy đủ các nguyên tố dinh dưỡng là rất cần thiết. Phân bón NPK-S Lâm Thao có tỷ lệ NPK hợp lý và đầy đủ các nguyên tố dinh dưỡng, làm tăng khả năng chống lạnh và chống hạn của cây.
Bà con trồng lạc trên nhiều loại đất có pH 3,8 - 9, nhưng thích hợp nhất là pH 5,5 - 6,0 và có lớp đất mặt 0 - 20 cm tơi xốp. Để đạt năng suất cao thì phải đảm bảo mật độ 30 - 35 cây/m2; có thể trồng dày hơn với mật độ không quá 45 cây/m2 trên các chân đất có độ phì nhiêu tự nhiên thấp, hoặc trồng muộn thời vụ. Khi gieo hạt, khoảng cách giữa các hàng là 30 - 35 cm, khoảng cách giữa các cây là 7 - 10 cm. Có thể gieo hạt theo hốc: Khoảng cách giữa các hàng là 25 - 30 cm, khoảng cách giữa các hốc là 15 - 20 cm, mỗi hốc để 2 cây. Sau khi rạch hàng hay tạo hốc thì bón phân lót, lấp đất và gieo hạt, các hạt trong cùng một hốc cách nhau 5 cm. Cây lạc có thể luân canh với cây mía hoặc cây dược liệu; có thể trồng xen canh với ngô, đậu đỗ, mía, dâu tằm, sắn, lúa cạn, cam, quýt, dừa, cao su, cà phê, chè, điều...
Lưu ý khi bón phân
Lượng phân bón tính cho 1 héc-ta:
- Bón lót khi làm đất: 8 - 10 tấn phân chuồng hoai mục, 200 - 300 kg vôi bột, 275 - 415 kg NPK-S 5.10.10-7 hoặc 415 - 555 kg NPK-S 3.9.6-6.
- Bón thúc khi cây 3 - 5 lá: 275 - 415 kg NPK-S 5.10.10-7 hoặc 415 - 555 kg NPK-S 3.9.6-6.
- Khi cây lạc ra hoa, vãi thêm trên thân lá 200 - 300 kg vôi bột.
Lượng phân bón tính cho một sào Bắc Bộ (360 m2):
- Bón lót khi làm đất: 300 - 400 kg phân chuồng hoai mục, 7 - 10 kg vôi bột, 10 - 15 kg NPK-S 5.10.10-7 hoặc 15 - 20 kg NPK-S 3.9.6-6.
- Bón thúc khi cây 3 - 5 lá: 10 - 15 kg NPK-S 5.10.10-7 hoặc 15 - 20 kg NPK-S 3.9.6-6.
Nếu trồng lạc có che phủ ni lon thì lượng phân bón thúc sẽ bón vào khi rạch hàng, gieo xong sau đó phủ nilon (vụ hè phủ nilon trước, sau đó đục lỗ để gieo).
Ban biên tập ((Thông tin do báo Công thương và Cổng Thông tin UBDT phối hợp thực hiện))