Thông tin giá cả thị trường tuần từ 11/08/2014 đến 15/08/2014

04:26 PM 11/08/2014 |   Lượt xem: 2862 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM


Nhằm đáp ứng nhu cầu về thông tin của người dân miền núi và bà con dân tộc thiểu số, từ số 01 (ra ngày 03/01/2014), Chuyên đề DTTS&MN (Báo Công Thương) tiếp tục chuyên mục “Thị trường – Giá cả” với sự hợp tác của Cổng Thông tin điện tử Ủy ban Dân tộc (Dantoc online), Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) và các hiệp hội, ngành hàng...

Xuất khẩu sắn: Chưa thoát cảnh bấp bênh

Mấy năm gần đây, cây sắn phát triển mạnh, được trồng rộng rãi từ Bắc tới Nam với tổng diện tích lên tới 560.000 héc-ta. Sắn là cây trồng dễ thích nghi với điều kiện sống, chủ yếu được trồng ở phía Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc và Đông Nam Bộ. Trong đó, nhiều diện tích trồng sắn lớn chủ yếu tập trung ở các khu vực có địa hình trung du và đồi núi, nơi có nhiều bà con dân tộc thiểu số sinh sống.

Nhu cầu gom hàng để xuất khẩu gia tăng

Báo cáo cấp quốc gia đánh giá tiềm năng xuất khẩu vừa được Bộ Công Thương công bố cho thấy, trong danh mục các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu cao, sắn được xếp đầu bảng. Năm 2012, giá trị xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn đạt 1,37 tỷ đô-la Mỹ, còn năm 2013 đạt 1,1 tỷ đô-la Mỹ. Thị phần của sắn Việt Nam trên thị trường thế giới đạt 27,3%. Thị trường xuất khẩu cũng được mở rộng, từ con số 59 nước và vùng lãnh thổ năm 2009, đã nhanh chóng tăng lên đến gần 100 vào năm 2012.

Tuy là nhóm ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu cao, nhưng hiện có tới 85% tổng giá trị xuất khẩu ngành sắn Việt Nam lại thuộc về thị trường Trung Quốc. Thực tế cho thấy, sau gần 1 tháng tồn đọng do không ký được đơn hàng xuất khẩu với thương lái Trung Quốc, tuần đầu tháng 8, tại Tây Ninh, lượng sắn về cửa khẩu đã tăng trở lại từ 5 - 7 xe/ngày. Tại Quy Nhơn, các kho đang có xu hướng thu mua hàng để phục vụ nhu cầu xuất khẩu khi giá xuất khẩu đang lên cao. Hiện tồn kho ở Quy Nhơn tính đến cuối tháng 7 còn khoảng 140.000 - 150.000 tấn, trong đó những đơn vị lớn đang nắm giữ từ 30.000 - 40.000 nghìn tấn trong kho. Giá sắn lát xuất khẩu sang Trung Quốc đã có đơn vị ký được giá khoảng 230 - 232 đô-la Mỹ/tấn FOB, tăng 15 - 20% so với tháng trước.

Cũng giống như những mặt hàng nông sản khác, cứ vào vụ thu hoạch, sắn lại lâm vào tình trạng tồn đọng, thương lái giảm thu mua, ép giá khiến bà con nông dân lao đao. Theo thông tin từ Hiệp hội Sắn Việt Nam, tính đến cuối tháng 6/2014, tổng lượng tồn kho sắn lát khoảng trên dưới 300.000 tấn. Cụ thể, khu vực Quy Nhơn và Tây Nguyên còn dưới 200.000 tấn, TP. Hồ Chí Minh còn dưới 100.000 tấn và khu vực phía Bắc còn khoảng 20.000 – 30.000 tấn. Tình trạng tồn kho cũng xảy ra với tinh bột sắn. Từ tháng 3 nhiều doanh nghiệp ở khu vực miền Trung Tây Nguyên đã phải thuê kho dự trữ tại Quy Nhơn. Ước tồn kho tinh bột sắn đến cuối tháng 6 khoảng 150.000 tấn. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do các doanh nghiệp không thỏa thuận được giao dịch cho các đơn đặt hàng mới với thương lái Trung Quốc.
Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

Các chuyên gia đều nhận định, sở dĩ xảy ra tình trạng này là do sắn nước ta bị phụ thuộc chủ yếu vào duy nhất một thị trường Trung Quốc. Những thị trường khác như: Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn, Nga... lại khó tính, đòi hỏi chất lượng cao và nghiêm ngặt trong chỉ số an toàn vệ sinh thực phẩm trong khi sản phẩm của ta chưa đáp ứng được. Trên thực tế, một vài doanh nghiệp Việt Nam cũng đã xuất khẩu tinh bột sắn, sắn lát vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga… nhưng khối lượng không đáng kể hoặc đang trong giai đoạn thăm dò.

Để có thể đẩy mạnh xuất khẩu tinh bột vào thị trường EU, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chú ý đáp ứng các yêu cầu cần thiết từ phía nhà nhập khẩu.

MUA GÌ


Phú Thọ: Chè tươi mất giá

Hiện nay, diện tích chè toàn tỉnh Phú Thọ đạt gần 15.720 héc-ta, chiếm khoảng 12% diện tích chè và xếp thứ 4 cả nước, đạt năng suất bình quân gần 84 tạ/héc-ta, sản lượng chè búp tươi trên 117.000 tấn. Mặc dù năng suất và sản lượng chè tăng cao hơn so với trước, nhưng liên tục từ đầu năm đến nay giá chè tươi trên địa bàn tỉnh Phú Thọ mất giá, người trồng chè thấp thỏm lo âu. Tại xã Liên Hoa, huyện Phù Ninh, từ đầu vụ giá chè chỉ dao động ở mức 4.000 - 4.300 đồng/kg chè loại A, có những thời điểm xuống dưới 4.000 đồng/kg. Tại các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn giá chè được các đại lý thu mua trên địa bàn hiện nay chỉ còn từ 3.200 - 3.800 đồng/kg tùy loại. Với giá chè như hiện nay, người trồng chè đã bị lỗ từ 200 - 400 đồng/kg. Nhiều hộ gia đình đầu tư mạnh cho cây chè thì càng lỗ nặng. Một số hộ không tiếp tục đầu tư mà chỉ chăm sóc để giữ vườn.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng chè tươi mất giá là do sản lượng chè xuất khẩu giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp còn tồn khá nhiều hàng cũ, chưa xuất khẩu được nên chỉ thu mua nguyên liệu cầm chừng để duy trì sản xuất. Bà con trồng chè còn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, không đảm bảo an toàn thực phẩm ảnh hưởng tới sức tiêu thụ. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều diện tích chè cũ, năng suất thấp, không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng tham gia xuất khẩu. Các doanh nghiệp chuyên sản xuất chè đen quy mô lớn thì “mạnh ai nấy làm,” chưa chú trọng đến xây dựng quảng bá thương hiệu chè Phú Thọ.

Đồng bằng sông Cửu Long: Giá thanh long tăng trở lại

Hiện nay, giá trái thanh long ở khu vực ĐBSCL đang tăng trở lại. Tại 2 địa phương trồng thanh long nhiều nhất trong vùng là Tiền Giang và Long An, nếu trước đây khoảng 2 tháng giá xuống ở mức từ 3.000 - 4.000 đồng/kg thì nay tăng lên trên 14.000 đồng/kg. Vì đây là mùa thu hoạch tự nhiên, nên với giá bán này, sau khi trừ đi chi phí sản xuất, người trồng thanh long đạt mức lãi từ 100 triệu đến 120 triệu đồng/héc-ta trên một đợt thu hoạch. Các tiểu thương mua thanh long cho biết, đây là loại trái cây tiêu thụ phần lớn ở thị trường Trung Quốc. Hiện ở tỉnh Tiền Giang đang phát triển vườn cây thanh long trên 3.000 héc-ta, tập trung nhiều ở huyện Chợ Gạo, Tân Phước, Châu Thành, Gò Công Tây. Còn ở Long An, đến nay diện tích trồng thanh long đã lên trên 4.000 héc-ta.

Lạng Sơn: gô và mận cơm được mùa kép

Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh Lạng Sơn trồng trên 14.000 héc-ta ngô, năng suất bình quân toàn tỉnh ước đạt từ 45 – 50 tạ/héc-ta. Hầu hết diện tích ngô đều được người dân trên địa bàn Lạng Sơn tận dụng trồng trên các chân ruộng một vụ lúa thiếu nước, đất bãi, vườn đồi. Hộ thu thấp nhất một vụ cũng thu được 1 tấn ngô, trị giá khoảng 6 - 7 triệu đồng, hộ thu cao nhất được hơn 10 tấn ngô. Đến nay, bà con trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã thu hoạch được trên 65% diện tích ngô. Do ngô được mùa, được giá, thời tiết lại đang nắng ráo nên các cấp chính quyền đang hướng dẫn bà con tích cực thu hoạch, khẩn trương làm đất gieo trồng vụ ngô thứ 2 trong năm.

Hiện đang là thời điểm chính vụ thu hoạch mận cơm ở Lạng Sơn. Năm nay, do thời tiết thuận lợi nên mận cơm được mùa, mỗi cây cho thu hoạch khoảng 30 - 50kg quả. Với giá bán tận gốc từ 10.000 – 12.000 đồng/kg, có hộ gia đình chăm sóc tốt quả mận to, tròn đẹp giá từ 18.000 – 20.000 đồng/kg. Đặc biệt, mùa thu hoạch lại không trùng với thời điểm các giống mận khác nên được nhiều khách hàng, đặc biệt là khách du lịch lên tham quan, nghỉ dưỡng tại Lạng Sơn ưa chuộng.

Heo giống bán giá cao

Giá heo giống tại TP. Cần Thơ đã tăng lên ở mức 1,3 - 1,4 triệu đồng. Trước đây heo giống khoảng trên dưới 15 kg/con mới xuất bán, thì nay nhiều người đã xuất bán heo giống khi mới đạt trọng lượng trên dưới 10 kg/con do có nhiều người tìm mua. Heo giống “hút hàng” do gần đây giá heo hơi tăng ở mức cao, giúp người chăn nuôi đạt mức lợi nhuận khá tốt, từ đó kích thích người dân tìm mua con giống tái đàn phát triển nuôi heo thịt.

Giá heo hơi tại Tiền Giang cũng tăng mạnh trong thời gian gần đây, các hộ chăn nuôi cho biết, mấy tháng gần đây, giá heo hơi liên tục tăng, hiện ở mức từ 50.000 - 53.000 đồng/kg. Với giá bán này, sau khi trừ chi phí, người nuôi heo thu lãi từ 1 - 1,5 triệu đồng/tạ (100kg). Sau khi giá heo hơi tăng, nhiều hộ chăn theo quy mô trang trại và nuôi nhỏ lẻ bắt đầu rục rịch tái đàn trở lại và mở rộng chuồng trại chăn nuôi. Tiền Giang là tỉnh có phong trào chăn nuôi heo lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long với tổng đàn hơn 600.000 con, cung cấp ra thị trường mỗi năm khoảng 150.000 tấn thịt lợn hơi.

Giá ngô tại một số địa phương

Thị trường

Giá (đồng/kg)

Lạng Sơn

6.000 – 7.000

Lạc Sơn

(Hòa Bình)

3.000 – 3.200

Đơn Dương (Lâm Đồng)

8.500

An Giang

4.500

Đắk Lắk

6.100 – 6.200

BÁN GÌ

Xuất khẩu hạt tiêu sắp vượt mốc 1 tỷ đô-la Mỹ

7 tháng, Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu đạt 862 triệu đô-la Mỹ, dẫn đầu thế giới về sản lượng cũng như giá trị. Tuần đầu tháng 8, giá tiêu tại Chư Sê (Gia Lai) và tại Đắk Lắk - Đắk Nông tăng lên 184.000 đồng/kg, giá tiêu tại Bình Phước là 187.000 đồng/kg, còn tại Châu Đức (Bà Rịa) là 190.000 đồng/kg. So với 2 - 3 tuần trước, giá tiêu đang tăng lên từng ngày khiến bà con nông dân rất phấn khởi. Bởi với giá tiêu hiện tại trên 180.000 đồng/kg, 1 héc-ta thu hoạch được trung bình 4 tấn sẽ thu về được 720 triệu đồng. Trừ đi chi phí chăm sóc, thu hoạch hàng năm cộng với tiền khấu hao ban đầu nông dân lời từ 500 - 600 triệu đồng trên mỗi héc-ta, tùy theo năng suất vườn tiêu. Tuy nhiên, đầu tư cho 1 héc-ta hồ tiêu trồng mới khá cao, khoảng 150 triệu đồng và chi phí chăm sóc, thu hoạch 25 - 30 triệu đồng/héc-ta/năm. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) nhận định giá tiêu trong nước tăng do mất cân đối cung cầu trên thị trường thế giới.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), 7 tháng, khối lượng xuất khẩu tiêu đạt 119.000 tấn, tương đương 862 triệu đô-la Mỹ, tăng gần 29% về số lượng và 42% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. 4 thị trường nhập khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, Singapore, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất và Ấn Độ.

VPA cũng cho biết, nguyên nhân khiến giá trị xuất khẩu hạt tiêu tăng mạnh so với cùng kỳ là giá tiêu trên thị trường thế giới tăng mạnh. Hiện nay, Việt Nam là quốc gia có sản lượng và năng suất hồ tiêu vào loại cao nhất thế giới. Cho nên, các doanh nghiệp Việt có thể chào mức giá thấp nhất trên thế giới. Cụ thể, giá bán tiêu của Việt Nam thấp hơn so với Ấn Độ khoảng 3.000 đô-la Mỹ/tấn, đồng thời, thấp hơn nhiều so với các quốc gia xuất khẩu khác. Đó chính là điều kiện thuận lợi khiến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đứng đầu thế giới.

Theo dự đoán của VPA, Việt Nam sẽ xuất khẩu vượt mức kỷ lục là hơn một tỷ đô-la Mỹ trong năm nay, với khoảng 140.000 tấn hồ tiêu. Hiện, sản phẩm hồ tiêu của Việt Nam đã xuất khẩu đi hơn 90 nước và vùng lãnh thổ.

Giá một số thực phẩm tươi sống có thể tăng nhẹ

Theo dự báo mới nhất của các chuyên gia thương mại, tháng 8/2014, nguồn cung một số mặt hàng thực phẩm đang trong giai đoạn thấp nên giá một số mặt hàng thực phẩm như thịt, rau xanh có thể tiếp tục tăng, nhất là thời tiết đang trong mùa mưa bão và nhu cầu tiêu dùng cao hơn trong dịp Rằm tháng 7 âm lịch.

Đối với mặt hàng rau củ quả hiện thời tiết thuận lợi, nhiều loại rau củ quả đang vào vụ chính nên nguồn cung dồi dào, giá bán nhìn chung ổn định so với tháng trước. Riêng tại một số tỉnh miền núi phía Bắc (Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Bắc Kạn…), do ảnh hưởng của mưa bão gây ngập úng, sạt lở đất nên giá các loại thực phẩm tươi sống (rau củ quả, thực phẩm tươi sống và một số mặt hàng khô thiết yếu) đã tăng cục bộ trong thời gian ngắn, mức tăng phổ biến 10 - 20%. Tuy nhiên, do thời gian ngập úng không kéo dài nên hàng hóa cơ bản vẫn đáp ứng nhu cầu của bà con. Trong đó, thị trường thực phẩm tươi sống biến động trái chiều giữa các vùng miền và theo mặt hàng. Giá gà lông màu và giá trứng gia cầm tăng do nhu cầu tiêu thụ làm bánh Trung thu. Nguồn cung gà lông màu giảm do chưa tái đàn kịp, người chăn nuôi giữ gà lại chờ bán trong dịp Rằm tháng 7 để hy vọng bán được giá cao hơn. Trong khi đó, giá gà công nghiệp lại giảm nhẹ do nhu cầu tiêu dùng giảm. Còn lại đa phần các mặt hàng khác như phân bón, đường, vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi… giá tương đối ổn định.

Cà phê tiếp tục tăng giá

Tuần qua, giá cà phê trong nước tiếp tục đi lên. Cụ thể, đến cuối tuần qua giá cà phê nhân xô tại thị trường Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Nông tăng từ mức 39.300 – 40.500 đồng/kg (tùy địa phương và chất lượng) lên đạt 40.400 – 41.200 đồng/kg.

Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) sản lượng cà phê niên vụ 2014 - 2015 (bắt đầu từ tháng 10 tới) sẽ thấp hơn nhiều so với niên vụ trước do yếu tố thời tiết bất lợi và do tỷ lệ già cỗi cao của cây cà phê hiện nay. Hiện nay, chừng 15% lượng trái cà phê đang rụng nên sản lượng không được cao. Niên vụ 2013 - 2014 sẽ chấm dứt vào cuối tháng 9/2014 với sản lượng ước đạt 1,4 triệu tấn (khoảng 23,3 triệu bao).

Dự báo này của Vicofa được xem là thực tế nhất từ trước tới nay, nhưng thấp hơn nhiều so với các dự báo khác. Dự báo này phần nào đã tác động đến thị trường khiến giá cà phê có xu hướng tăng.

LƯU Ý CẢNH BÁO


Cẩn trọng với gạo nhiễm hóa chất độc hại

Việc sử dụng các chất độc hại trong quá trình sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ các loại nông sản và thực phẩm đã trở nên rất phổ biến và đáng ngại, bất chấp đến sự nguy hại cho sức khỏe cộng đồng và môi trường. Đáng chú ý gần đây nhất là việc phát hiện một số loại gạo ướp hương liệu và có chứa hóa chất diệt mọt và nấm mốc độc hại để bảo quản. Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản sẽ đưa gạo vào danh mục cần kiểm soát an toàn thực phẩm.

Bảo quản gạo bằng hóa chất diệt mọt và nấm mốc

Người viết bài này đã từng được nghe một số đại lý bán gạo “chia sẻ kinh nghiệm” để kéo dài thời gian bảo quản gạo. Họ dùng một số hóa chất nhập lậu của Trung Quốc để phun xung quanh các bao gạo. Những hóa chất này có tác dụng tiêu diệt các loại mọt gạo và hạn chế các loại nấm mốc, do đó sẽ kéo dài thời gian bảo quản gạo mà không sợ bị mọt và nấm mốc gây hại. Rất khó để xác định các loại hóa chất phun lên gạo gồm những loại hóa chất gì vì hiện có rất nhiều loại hóa chất từ Trung Quốc nhập về rồi pha chế, hòa trộn lẫn nhau nên không dễ để phân tích, xác định cụ thể. Các chuyên gia Việt Nam cảnh báo các chế phẩm diệt côn trùng dạng bình xịt của Trung Quốc dùng để phun ngoài bao gạo đều nằm trong danh mục hóa chất, chế phẩm cấm sử dụng trong gia dụng và lĩnh vực y tế. Các chế phẩm này được xác định có chứa hoạt chất thuộc nhóm phốt-pho, tồn lâu trong môi trường, gây nhiễm độc đường hô hấp. Kết quả nghiên cứu của Đại học Nông nghiệp Nam Kinh (Trung Quốc) cho thấy, một số hóa chất bảo quản gạo có chứa cadmium, loại hóa chất độc hại có thể gây bệnh suy thận và mềm hóa xương.

Ướp hương liệu tạo mùi thơm cho gạo

Ngoài việc dùng hóa chất bảo quản chống mối, mọt, những bao gạo để quá lâu mất mùi thơm tự nhiên sẽ được người bán hàng ướp hương liệu tạo nên mùi thơm hấp dẫn. Các loại hương liệu này thường được nhập lậu từ Thái Lan. Đây là các loại thuốc được chứa trong các lọ nhựa có màu phớt xanh, khi mở ra ngửi sẽ có mùi thơm như mùi gạo nếp. Họ dùng thuốc này trộn đều với gạo rồi đóng bao. Mùi thơm càng hấp dẫn khi gạo được trộn càng nhiều hóa chất tạo mùi. Với cách làm như vậy, một số đại lý gạo có thể biến những loại gạo thông thường thành nhiều loại gạo đặc sản như gạo Thái, gạo Bắc Hương, gạo Điện Biên… và lợi nhuận mà họ thu được là không nhỏ.
Nhận biết gạo nhiễm hóa chất

Hiện tại, các loại gạo không rõ nguồn gốc đang trôi nổi trên thị trường bán nhiều tại các chợ nhất là vùng nông thôn, miền núi. Bà con rất dễ mua phải các loại gạo kém chất lượng, không ngon, nhưng được “lên đời” bằng hóa chất. Đối với những loại gạo có ướp hương tạo mùi thì gạo thường có độ bóng hơn bình thường và có mùi thơm gắt, không có hương thơm tự nhiên của gạo. Những loại gạo bị ướp hương tạo mùi khi mua về sẽ mất dần mùi thơm do hóa chất bị bay hơi. Bên cạnh đó, khi ăn cơm sẽ không còn mùi thơm ban đầu do các hóa chất bị phân hủy và bay hơi khi gặp nhiệt độ cao. Đối với những loại gạo bảo quản bằng hóa chất: Khi ăn cơm có cảm giác “bở bục”, không có hương vị của cơm thông thường. Bà con không nên mua gạo có màu đục và hạt nát nhiều. Vì nếu hội đủ hai đặc điểm này, chứng tỏ đây là gạo của loại lúa được gặt sớm, không đủ độ chín hoặc sấy chưa khô. Nếu không được tẩm thuốc diệt côn trùng, chỉ một thời gian ngắn là có mọt ngay. Ngoài ra, có thể nhận biết gạo có chứa chất bảo quản bằng cách: Cơm của các loại gạo thông thường khi để qua đêm trong điều kiện mùa hè thường có mùi thiu, nhưng cũng trong điều kiện đó, cơm của các loại gạo có chứa hóa chất bảo quản thì lại không bị thiu, do các hóa chất độc có trong gạo ức chế vi khuẩn lên men.

Vì vậy, để có gạo an toàn không có hóa chất bảo quản, bà con nên mua ở các cửa hàng, đại lý có uy tín, đóng gói cẩn thận. Ngoài ra, nếu có điều kiện người tiêu dùng nên mua lúa của nông dân, sau đó xay sát để tiêu dùng dần cho gia đình.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Đón năm học mới ở Thừa Thiên – Huế: Văn phòng phẩm Việt chiếm ưu thế

Các loại bút mực nước, bút dạ quang, chì sáp, chì bấm... giá từ 5.000 - 15.000 đồng/cây. Bút máy Hồng Hà được cải tiến đính hạt tạo trơn, chống mài mòn, không xước giấy, giá dao động từ 17.000 - 60.000 đồng/cây. Bút giúp các em luyện nét thanh, nét đậm cũng rất phong phú về chủng loại. Cặp sách có giá từ 120.000 - 500.000 đồng/chiếc, nhưng cũng có nhiều loại giá dưới 100.000 đồng phục vụ khách hàng bình dân nhưng đảm bảo chất lượng.

Năm nay, các mặt hàng văn phòng phẩm do Việt Nam sản xuất được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn nhiều hơn hẳn.

Nắm bắt tâm lý học sinh và khả năng của phụ huynh, sản phẩm phục vụ cho việc học của các em học sinh đều có sự gia công hơn về chất lượng, cải tiến về hình thức nên dù giá cả có tăng đôi chút song vẫn được người tiêu dùng lựa chọn. Các mặt hàng dụng cụ học tập, văn phòng phẩm, như bút, cặp sách, mực… bày bán trên thị trường hầu hết được nhập về từ các công ty có thương hiệu lớn, như Thiên Long, Hami, Mr. Vui, Miti... với mẫu mã, kiểu dáng có nhiều thay đổi. Những chiếc cặp sách, bút màu xinh xắn hơn so với các năm trước nhưng giá bán không tăng, trừ một số mặt hàng cao cấp. Sản phẩm giấy vở của các doanh nghiệp Hải Tiến, Hồng Hà đã sử dụng công nghệ phun trên bề mặt bìa vở đảm bảo an toàn cho người dùng. Riêng mặt hàng sách giáo khoa không thay đổi so với năm trước, chỉ một vài mẫu sách bài tập tăng giá nhẹ.

Trước đây, hàng Trung Quốc thường chú trọng đến kiểu dáng, nhất là các sản phẩm dành cho học sinh mẫu giáo, tiểu học. Tuy giá thành rẻ, mẫu mã đẹp, màu sắc sặc sỡ thu hút nhưng các mặt hàng Trung Quốc năm nay bị dè chừng vì lo ngại có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ em. Bên cạnh đó, hàng Việt được cải thiện nhiều nên sức mua cũng tăng hơn mọi năm. Theo một số chủ hiệu sách, cửa hàng văn phòng phẩm trên địa bàn thành phố Huế, hàng Việt Nam dần chiếm thị phần trọn vẹn về các mặt hàng phục vụ năm học mới vì có nhiều cải tiến, khẳng định được uy tín, nguồn hàng cũng được cung ứng từ sớm, đa số người tiêu dùng đều chọn các sản phẩm nội địa bởi họ tin tưởng về độ an toàn, xuất xứ, mẫu mã.

Cà Mau :Triển khai dự án phục hồi và nhân rộng giống gà Tàu vàng

Cà Mau là tỉnh thuần nông, với nhiều lợi thế về sản xuất nông nghiệp lẫn chăn nuôi, tuy nhiên, thời gian qua quản lý, định hướng phát triển lĩnh vực này vẫn còn bỏ ngỏ. Một số loại gia cầm bản địa đang ngày một mất gốc. Trong đó, giống gà Tàu vàng chất lượng cao, được ưa chuộng đang được khôi phục và định hướng mở rộng, hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội mới cho nông dân. Đây là một trong những dự án nhằm phục hồi, gây dựng lại giống gà bản địa chất lượng cao mang thương hiệu của tỉnh Cà Mau. Từ đề tài “Phục tráng và xây dựng mô hình chăn nuôi gà Tàu vàng tại Cà Mau”, được triển khai vào năm 2012 do Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Cà Mau phối hợp Trường Đại học Cần Thơ và Trung tâm giống nông nghiệp tỉnh thực hiện, Trung tâm giống nông nghiệp tỉnh đang xây dựng dự án nhân rộng mô hình chăn nuôi gà Tàu vàng.

Cam Đức (Khánh Hòa): Cá mú nghệ tồn đọng lớn vì phụ thuộc vào một thị trường

Từ năm 2012 trở về trước, trung bình một hộ nuôi cá mú nghệ ở thị trấn Cam Đức (Cam Lâm, Khánh Hòa) thả nuôi khoảng 4.000 con giống, tỷ lệ hao hụt 50%, sau 24 tháng nuôi sẽ thu hoạch được khoảng 20 tấn cá thịt, với giá bán khoảng 210.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí cho lãi hàng tỷ đồng. Giai đoạn 2003 - 2012, cá mú nghệ mang lại lợi nhuận rất cao cho người nuôi, nhiều hộ cũng có ý định đầu tư nhưng đây là loại cá “nhà giàu”, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, trung bình khoảng 1 triệu đồng/con nên mức độ rủi ro cũng cao hơn, vì thế cả địa phương chỉ có 5 hộ đầu tư nuôi cá mú nghệ.

Điều đáng nói là, ngay cả khi ăn nên làm ra nhất thì toàn bộ sản phẩm cá mú nghệ cũng chỉ được xuất khẩu hết sang Đài Loan, giá cá luôn duy trì ở mức cao (hơn 200.000 đồng/kg). Tuy nhiên, từ khoảng 2 năm nay, thị trường duy nhất ngừng nhập khẩu, cá mú nghệ chỉ còn được tiêu thụ hạn chế trong nước. Người ta mua cá chủ yếu để nuôi làm cảnh, hoặc tiêu thụ ở một số ít nhà hàng tại TP. Hồ Chí Minh với mức một tháng vài chục con. Do vậy, giá cá hiện chỉ còn 150.000 đồng/kg, giảm khoảng 40% so với những năm trước khiến có hộ nuôi tính toán thua lỗ hàng trăm triệu đồng. Giá thấp, tiêu thụ chậm nên hiện nay tại địa phương tồn khoảng 3.000 con cá đã nuôi hơn 30 tháng của 5 hộ, với tổng trọng lượng khoảng 50 tấn, chưa kể số cá nhỏ thả nuôi thời gian ngắn.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG


Táo xanh Ninh Thuận: Vẫn lo được mùa, mất giá

Hiện nay, táo xanh ở nhiều địa phương trong tỉnh Ninh Thuận đã và đang thu hoạch rộ, năng suất đạt khá nhưng người trồng táo lo ngại nhất vẫn là chuyện mất giá. Giá táo hiện tại chỉ bán được bình quân không quá 4.000 đồng/kg, táo đẹp cũng chỉ có giá trên, dưới 5.000 đồng/kg.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng diện tích táo trên địa bàn tỉnh có trên 1.100 héc-ta, trong số này riêng huyện Ninh Phước chiếm gần 50% diện tích, bình quân hàng năm cho sản lượng gần 37.800 tấn (chỉ tính đối với diện tích cho trái). Chính nhờ đặc điểm dễ trồng, đầu tư không cao, dễ chăm sóc... nên cây táo cho năng suất bình quân từ 60 - 70 tấn/héc-ta. Tính toán đơn giản, nếu làm đạt theo yêu cầu kỹ thuật, được giá... thì chỉ cần 1 héc-ta đã mang đến cho người trồng từ 500 - 600 triệu đồng, cá biệt có hộ còn thu nhập trên 800 triệu đồng. Vì lý do đó, nhiều nông hộ đã đầu tư trồng tự phát, mày mò phương pháp chăm bón qua học hỏi những người đi trước. Tuy nhiên, nếu không gắn với các yêu cầu, quy chuẩn kỹ thuật của sản phẩm như đưa các chế phẩm sinh học vào quá trình tăng năng suất, chất lượng cây táo, giảm dư lượng thuốc trừ sâu hại... thì rất khó thành công một cách bền vững. Và mặc dù trên địa bàn tỉnh có đến trên 50 cơ sở thu mua táo chuyên cung cấp cho các tỉnh, thành cả nước đồng thời còn xuất bán sang Trung Quốc, Campuchia…; nhãn hiệu táo Ninh Thuận cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học - Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa từ tháng 11/2013 nhưng đến mùa thu hoạch bà con vẫn phải lo lắng chuyện mất giá.

Theo tư vấn của một số chuyên gia thị trường, nếu không nhanh chóng thay đổi kiểu sản xuất manh mún, nhỏ lẻ "mạnh ai nấy làm", cộng với thiếu thông tin về nhu cầu thị trường... của bà con nông dân thì khó có thể cho ra sản phẩm táo Ninh Thuận có chất lượng để đủ sức cạnh tranh trên thị trường cả trong và ngoài nước. Vì vậy, bên cạnh những biện pháp của chính quyền, bà con cũng cần nhanh chóng thay đổi tư duy sản xuất để sớm chấm dứt cảnh “được mùa, mất giá” của trái táo Ninh Thuận.

Rau chùm ngây - tiềm năng trở thành thương phẩm

Chùm ngây, hay còn gọi là cây ba đậu dại, trước kia mọc hoang ở nhiều nơi như Thanh Hóa, Ninh Thuận, Bình Thuận, vùng Bảy Núi ở An Giang, đảo Phú Quốc…

Cây chùm ngây ở tuổi trưởng thành mọc cao hàng chục mét. Lá chùm ngây còn chứa nhiều chất bổ dưỡng cho sức khỏe hơn nhiều loại hoa quả khác. Hiện tại, đã có hộ gia đình ở một số địa phương phía Bắc đã lấy giống chùm ngây về trồng để bán. Do số lượng rau ít nhưng nhu cầu lớn nên khách phải đặt trước. Tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, có người đã trồng và chế biến chùm ngây thành các loại sản phẩm như lá rau chùm ngây đóng hộp, cây giống (25.000 đồng/cây), hạt giống (100.000 đồng/túi 50 hạt), thân và cành tươi cũng được tận dụng để bán giá 15.000 đồng/hộp hoặc chế gói trà giá 45.000 - 55.000 đồng/hộp.

Nếu chỉ trồng 5.000 cây/héc-ta (2m2/cây), sau 6 tháng có thể thu hoạch trung bình 2.500kg lá/héc-ta/tháng. Được bán với giá 100.000 đồng/kg, người bán sẽ có thu nhập ròng tại vườn ít nhất sẽ là 20 triệu đồng/tháng.

Hiện tại, chùm ngây được xem là một trong những loài cây hữu dụng bậc nhất thế giới, do toàn bộ các phần trên cây chùm ngây đều có thể được dùng làm thức ăn hoặc phục vụ cho các mục đích khác nhau; nên chùm ngây hiện đang được khuyến khích trồng ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước nghèo.

HÀNG THẬT - HÀNG GIẢ


Chống hàng giả, hàng nhái ở huyện Lục Yên (Yên Bái): Kết hợp xử lý với tuyên truyền

Dừng chân tại cửa hàng tạp hóa ở chợ xã Tân Lĩnh, anh Hoàng Lê Huy - Phó đội trưởng Đội Quản lý thị trường (QLTT) huyện Lục Yên (Yên Bái) cầm gói mì chính Ajinomoto hướng dẫn tôi phân biệt hàng thật – hàng giả. Ngay lập tức, bà con đi chợ đã vây quanh, vừa chăm chú quan sát, vừa thi nhau hỏi anh Huy cách nào để phân biệt. Thế mới biết, được mua đúng sản phẩm thật là nhu cầu của tất cả người tiêu dùng, trong đó có bà con dân tộc ở vùng sâu, vùng xa.

Nói “không” với hàng giả

Chợ xã Tân Lĩnh mỗi tuần họp 1 lần nên bà con xuống chợ khá đông. Hơn 7 giờ sáng, các sắc áo của dân tộc Tày, Nùng, Dao đỏ… đã nhộn nhịp bán mua. Ngoài việc trao đổi nông thổ sản, bà con ai cũng tranh thủ mua về nhà các nhu yếu phẩm như: Xà phòng, dầu gội, dầu ăn, mắm, muối, mì chính… 100% các mặt hàng này đều được vận chuyển từ dưới xuôi lên, chính vì vậy đây cũng là các mặt hàng hay bị làm giả nhất.

Theo chân cán bộ QLTT huyện Lục Yên vào kiểm tra một số quầy hàng tại chợ Tân Lĩnh, thấy các chủ hàng vẫn thản nhiên bán hàng, không ai có biểu hiện lo che đậy hay cất giấu. Tìm hiểu ra mới biết, do công tác tuyên truyền, kiểm tra của các lực lượng chức năng, trong đó có QLTT Lục Yên khá thường xuyên, nghiêm túc, nên bà con buôn bán trong chợ đều chủ động nói không với hàng giả, trừ trường hợp mua phải hàng giả mà không biết. Trưởng thôn Ính, xã Tân Lĩnh – anh Đặng Văn Thiện chia sẻ: “Bà con không thích hàng giả đâu. Họp thôn cũng phổ biến bà con là nên mua hàng của người quen, của các cửa hàng cố định. Mua của người nơi khác đến, không biết hàng tốt hay xấu…”.

Trao đổi với đội trưởng Đội QLTT Lục Yên – anh Hoàng Đình Danh cho biết: Vài năm trước, mặt hàng tiêu dùng bị làm giả tiêu thụ ở Lục Yên khá nhiều, vì Lục Yên là địa bàn tập trung hàng hóa để vận chuyển sang Hà Giang, huyện Bảo Yên (Lào Cai). Năm 2012, đội QLTT Lục Yên đã thu giữ được hơn 2 tạ mì chính giả. Tuy vậy, sau mấy lần bị kiểm tra gắt gao, các đối tượng đã vận chuyển hàng hóa sang các huyện khác, rồi xé lẻ tuồn vào thị trường Lục Yên. “Nói không có hàng giả là không đúng. Tại các cửa hàng nhỏ ở một số thôn vùng sâu, thi thoảng đội vẫn phát hiện thấy mì chính, dầu gội giả, nhái thương hiệu nổi tiếng. Nhưng vì số lượng quá ít (1 vài gói), người bán chủ yếu do thiếu kiến thức, thấy rẻ thì mua; hóa đơn mua bán hàng cũng không có… nên đội chỉ tập trung nhắc nhở”.

Cũng theo anh Danh, đầu năm 2014, đội đã phối hợp với Chi cục QLTT Yên Bái thực hiện chuyên đề kiểm tra về mì chính giả, nhưng chưa phát hiện được hàng giả. Đây có thể là kết quả của việc kiểm tra ngặt nghèo trước đó, cộng với ý thức của đồng bào đã tăng lên sau lần đội kết hợp với cán bộ chi cục mở gian hàng trưng bày hàng thật, hàng giả ở địa bàn 3 xã: Phúc Lợi, Tân Lĩnh, Mường Lai. Tại đây, đội vừa trưng bày sản phẩm thật – giả, vừa tuyên truyền, hướng dẫn để bà con biết cách phân biệt. “Bà con rất hào hứng, đồng tình với hoạt động trưng bày này, nhưng vì kinh phí của chi cục có hạn, nên năm nay hoạt động này không được tiếp tục” – anh Danh chia sẻ.

Cần sự hợp tác của nhà sản xuất

Được biết, Đội QLTT Lục Yên hiện có 8 người, nhưng phụ trách 24 xã, thị trấn. Xã xa nhất cách trung tâm huyện hơn 50 km. Hàng tuần, hàng tháng, đội đều phân công cán bộ đến với các địa bàn để thực hiện công việc kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền nhắc nhở, nhằm hạn chế các hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, theo anh Danh, việc áp dụng quy trình kiểm tra theo thông tư 09/2013/TT-BCT (nội dung kiểm tra phải thông báo trước 3 ngày) đang hạn chế lớn đến việc phát hiện và xử lý các vi phạm, do các đối tượng làm sai có thời gian để xoay xở. Bên cạnh đó, việc phải thông báo trước khi đi kiểm tra đã phát sinh chi phí đi lại, vì các xã chủ yếu ở xa trung tâm, đi lại khó khăn…

Riêng với vấn đề hàng giả, một trong những bất cập mà đội QLTT Lục Yên, cũng như QLTT cả nước đang vướng phải, đó là các nhà sản xuất không mặn mà hợp tác. “Vì thiếu thông tin, hướng dẫn của nhà sản xuất nên chúng tôi rất bị động trong việc xử lý các vi phạm về hàng giả, hàng nhái. Đơn cử như với mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật. Hàng quá hạn thì dễ dàng phát hiện, chứ hàng thật hay giả thì bản thân cán bộ QLTT cũng khó phân biệt, vì nhiều sản phẩm không có căn cứ để biết đâu là sản phẩm thật”. Hiện tại, với đặc trưng của thị trường miền núi, bên cạnh việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm, đội QLTT Lục Yên còn kết hợp chặt chẽ với tuyên truyền. Trong đó, xác định tuyên truyền tiếp tục là hoạt động đặc biệt cần thiết với địa bàn miền núi, nơi nhận thức, hiểu biết và điều kiện kinh tế của bà con còn nhiều hạn chế. Về phía nhà sản xuất, anh Danh mong muốn các doanh nghiệp có sự trao đổi thông tin thường xuyên, kịp thời với cơ quan kiểm tra, kiểm soát để các cơ quan này hướng dẫn cho các hộ tham gia kinh doanh nắm được; đồng thời các cơ quan chức năng cũng có tài liệu, chứng cứ rõ ràng phục vụ cho quá trình điều tra, xử lý.

Ban biên tập ((Thông tin do báo Công thương và Cổng Thông tin UBDT phối hợp thực hiện))