Thông tin giá cả thị trường tuần từ 15/09/2014 đến 19/9/2014

08:54 AM 16/09/2014 |   Lượt xem: 2323 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Phát triển ngô gắn với chuyển đổi cây trồng ở phía Bắc: Không ép dân trồng bằng mọi giá


Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức hội nghị “Phát triển sản xuất ngô gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng các tỉnh phía Bắc”. Đây là một trong những giải pháp nhằm thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Bộ cũng xác định, cây ngô là đối tượng cây trồng số một cần tập trung phát triển trong thời gian tới.

Phát triển cây ngô còn nhiều khó khăn

So với các khu vực khác, cây ngô trồng tại các tỉnh miền Bắc hiện đang chiếm diện tích lớn nhất với gần 588.000 héc-ta (xấp xỉ 50% diện tích ngô cả nước), trong đó các tỉnh miền núi trồng tới gần 495.000 héc-ta. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), diện tích ngô ở miền Bắc trong 5 năm trở lại đây đang có xu hướng giảm, nhất là trong vụ đông. Tính từ vụ đông 2009, khu vực Đồng bằng sông Hồng bị giảm trên 10.000 héc-ta, khu vực trung du miền núi phía Bắc giảm trên 5.000 héc-ta, khu vực Bắc Trung Bộ giảm gần 7.000 héc-ta. Nguyên nhân giảm là do hiệu quả sản xuất vụ đông không cao, trong khi chi phí đầu tư cao, việc cơ giới hóa thấp. Đặc biệt, đối với khu vực Đồng bằng sông Hồng diện tích ngô giảm chủ yếu do hiệu quả sản xuất ở vụ đông không cao, năng suất trung bình chỉ đạt 4,4 - 4,6 tấn/héc-ta. Trong khi đó, theo đánh giá của các nhà chuyên môn, ngô phải đạt năng suất ít nhất từ 6 tấn/héc-ta trở lên thì mới đảm bảo giá thành, chứ năng suất chưa được 5 tấn như hiện nay thì nông dân không có lãi.

Trước tình hình này, Bộ NN&PTNT định hướng các tỉnh phía Bắc phát triển ổn định diện tích ngô vụ xuân, mở rộng diện tích ngô vụ đông trên đất hai vụ lúa. Đặc biệt phải phát triển sản xuất ngô lai theo hướng đồng bộ từ giống, khâu sản xuất và quy trình công nghệ, phơi sấy, chế biến nâng cao năng suất. Cây ngô biến đổi gen cũng sẽ từng bước được đưa vào sản xuất ở những vùng chịu áp lực sâu bệnh, cỏ dại và thiếu nước nghiêm trọng.

Cần tập trung nâng cao năng suất và chất lượng

Theo Cục Trồng trọt, sản phẩm ngô hạt là nguồn nguyên liệu chính được dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Chỉ trong 7 tháng đầu năm 2014, nước ta đã nhập khẩu 2,62 triệu tấn ngô với giá trị 681 triệu đô-la Mỹ, tăng gấp 2,4 lần về lượng và tăng 1,9 lần về giá trị so cùng kỳ 2013. Giải thích về tình trạng ngô nhập khẩu tăng mạnh ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho biết, về cơ bản ngô sản xuất đều đã sử dụng cho mục tiêu phục vụ ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, sở dĩ các doanh nghiệp (DN) sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn phải nhập ngô từ nhiều nước là bởi, ngô nhập khẩu từ các nước hiện nay rất rẻ. Ngoài ra, DN khi sử dụng ngô nhập khẩu rất yên tâm về chất lượng, không lo bị mốc, thối, do đó sản xuất thức ăn sẽ tốt hơn. Trong khi ngô của ta thường thu hoạch vào những tháng mùa mưa, có ẩm độ cao nên chắc chắn, điều kiện về thời tiết, khí hậu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hạt ngô. Một DN sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước chia sẻ: “Giá chào bán ngô nhập khẩu là 5.800 - 5.900 đồng/kg, song chúng tôi luôn cam kết mua trong nước với giá cao hơn là 6.250 đồng/kg. Tuy nhiên, chất lượng ngô trong nước hiện chủ yếu là loại 3, 4, 5, 6, loại 1 và 2 gần như không có. Do vậy chúng ta cần cải thiện khâu thu hoạch, sấy và bảo quản sau thu hoạch để nâng cao chất lượng ngô”. Ngoài ra, còn một nguyên nhân khiến ngô sản xuất trong nước không tiếp cận được với DN, là do chủ yếu bà con vẫn trồng ngô theo các hộ nhỏ lẻ, phương thức canh tác rất manh mún, các công ty chế biến thức ăn chăn nuôi không thể mua ngô trực tiếp từ nông dân, vì mỗi lô nguyên liệu nhập vào lên tới hàng chục nghìn tấn, DN không có nhân lực để thu gom từ từng hộ. Do vậy, các DN buộc phải thu mua qua thương lái, đại lý. Thực tế này cũng gây nên thực trạng bà con nông dân thường bị thương lái ép giá tất cả các mặt hàng nông sản, không riêng gì đối với cây ngô.

Để giải quyết thực trạng này, ngay từ bây giờ cần chú trọng tăng cường mở rộng diện tích trồng ngô, nhưng song song với đó, vấn đề bảo quản sau quy hoạch là rất quan trọng. Muốn làm được điều đó, việc trước tiên phải dần loại bỏ tập quán trồng trọt chăn nuôi theo phương thức lẻ tẻ, manh mún như hiện nay.

box: Dự kiến, diện tích chuyển đổi cây ngô tại các tỉnh miền Bắc tính đến năm 2020 sẽ hơn 23.000 héc-ta. Tuy nhiên, phát triển nhưng cần phải có quy hoạch, có tính đến lợi ích của bà con nông dân đúng như ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chỉ đạo: “Phát triển cây ngô ở các tỉnh miền Bắc là để chúng ta khai thác cơ hội về thị trường, sản xuất ngô phải có hiệu quả cao để người dân nhìn vào đó mà tự nguyện chuyển đổi, chứ không ép dân trồng ngô bằng mọi giá”.

MUA GÌ

Tiền Giang : Giá ca cao tăng mạnh

Hiện nay, giá ca cao trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang tăng mạnh, nhà nông rất phấn khởi bởi nguồn thu nhập khá, nhất là trong các mô hình ca cao xen canh trong vườn cây ăn trái. Tại ấp Hội Trí, xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy, giá ca cao tươi hiện đạt 5.000 đồng/kg, tăng 1.500 đồng/kg; ca cao hạt khô giá 60.000 đồng/kg, tăng hơn 5.000 đồng/kg so với tháng trước. Với năng suất bình quân từ 15 đến 20 tấn/quả/héc-ta đối với ca cao tươi và khoảng 1,5 đến 2 tấn hạt khô/héc-ta, mỗi héc-ta ca cao sau vụ thu hoạch nông dân thu khoảng 100 triệu đồng chưa kể thu lợi từ cây ăn trái trồng xen như nhãn, dừa, mít Thái siêu sớm... Nhận thấy tiềm năng lớn từ cây trồng mới này, tỉnh đã triển khai mô hình trồng ca cao xen canh dưới tán cây ăn quả từ năm 2007. Đến nay, diện tích ca cao Tiền Giang đã mở rộng lên trên 1.200 héc-ta với hai mô hình chính: Xen canh trong vườn dừa ở các huyện phía Đông và xen canh dưới tán nhãn ở các huyện ngập lũ phía Tây. Để tạo thuận lợi cho bà con trong tiêu thụ nông sản, tỉnh Tiền Giang cũng đã thành lập Hợp tác xã ca cao Chợ Gạo, đồng thời phối hợp với Công ty Cargill để mở rộng mạng lưới thu mua trái ca cao, sơ chế hạt ca cao khô cung ứng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến các sản phẩm từ cây ca cao. Từ đó, tạo thêm động lực để phát triển diện tích ca cao tại địa phương.

Dừa khô khan hàng, giá cao

Tiền Giang hiện có khoảng 14.500 héc-ta trồng dừa, sản lượng dừa cung cấp cho thị trường hàng năm khoảng 95.000 tấn. Theo nhà vườn ở vùng trồng dừa tập trung tại các huyện Gò Công Tây, Chợ Gạo và Tân Phú Đông, hiện thương lái thu mua dừa với giá từ 100.000 - 110.000 đồng/chục (14 trái, có nơi 12 trái), tăng 20.000 đồng/chục so với trước. Tuy giá dừa tăng cao nhưng sản lượng dừa khô cung cấp cho thị trường khá hạn chế, do dừa đang ở thời kỳ “treo”, năng suất thấp. Do dừa khô khan hiếm hàng, nên các thương lái trong và ngoài tỉnh đến các địa phương trồng dừa ở các huyện phía Đông của tỉnh Tiền Giang "tranh nhau" thu mua dừa khô, khiến giá dừa được đẩy lên cao từng ngày. Theo các hộ trồng dừa, còn khoảng 2 tháng nữa các vườn dừa mới bắt đầu cho trái nhiều do vào mùa thuận và sản lượng dừa cung cấp cho thị trường dồi dào hơn so với thời điểm hiện nay.

Giá sản phẩm chăn nuôi sẽ giảm

Theo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nếu thuế giá trị gia tăng (VAT) thức ăn chăn nuôi giảm từ 5% về 0% thì chắc chắn giá đầu ra của ngành chăn nuôi cũng sẽ giảm 5%, điều này sẽ tạo thêm sức cạnh tranh cho ngành chăn nuôi trong nước. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, hiện Bộ đang thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, theo đó sẽ chú trọng đến các phương pháp và cách tiếp cận mới nhằm tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm ngành chăn nuôi thông qua việc hạ giá thành sản xuất, bằng cách hạ giá thành các vật tư đầu vào của thức ăn chăn nuôi. Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý kiến nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính về việc đưa mặt hàng thức ăn chăn nuôi sản xuất công nghiệp đang chịu thuế VAT từ 5% xuống đối tượng không chịu thuế. Theo dự kiến, Chính phủ sẽ trình lên Quốc hội nội dung này vào tháng 10 năm nay và nếu được phê duyệt, sẽ chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2015. Nếu được Quốc hội phê duyệt, nguyên liệu đầu vào của ngành chăn nuôi sẽ giảm 5%, như vậy sản phẩm đầu ra cũng sẽ giảm 5%, góp phần tạo sức cạnh tranh cho ngành chăn nuôi để tiến tới tham gia vào các hiệp định tự do hoá thương mại tới đây.

Kiên Giang: Được giá lúa và tôm sú nguyên liệu

Với giá lúa thường khô, thương lái thu mua 5.700 - 5.850 đồng/kg; lúa gạo hạt dài, chất lượng tốt là 6.100 - 6.300 đồng/kg. Giá lúa năm nay luôn ở mức khá cao do lượng gạo mua bán, trao đổi qua biên giới Trung Quốc tăng mạnh. Nhiều doanh nghiệp cạnh tranh mua lúa nguyên liệu để chế biến thực hiện hợp đồng cung ứng gạo đã ký kết với đối tác, góp phần tiêu thụ lúa gạo hàng hóa trong tỉnh với giá cả đảm bảo lợi nhuận cho người sản xuất.

Hiện giá tôm sú nguyên liệu loại 30 con/kg dao động 225.000 - 230.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg so với thời điểm trước đây 2 tháng. Nguyên nhân do hầu hết các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu và phải nhập khẩu nguyên liệu sản xuất. Giá tôm sú nguyên liệu có khả năng tăng cao hơn nữa trong những tháng cuối năm do nhu cầu hàng hóa thủy sản trên thị trường trong nước và thế giới tăng mạnh, nhất là vào dịp lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2015. Trong khi đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nông dân chuẩn bị cải tạo ao đầm để thả giống vụ mới dẫn đến sản lượng tôm thu hoạch không còn nhiều.

Giá nông sản trong tuần tại một số địa phương

Thị trường

Chủng loại

Giá (đồng/kg)

Gia Lai

- Cà phê nhân

- Tiêu hạt

- Cao su khô

- Sắn lát

40.200

184.000

31.000

5.200

Long Khánh (Đồng Nai)

- Tiêu

- Cà phê

- Hạt điều khô

- Bắp hạt

184.000

39.000

25.000

7.000

Bình Phước

- Hạt tiêu đen

- Hạt điều khi mua xô

- Mủ cao su dạng nước

- Cà phê vối nhân xô

183.000

32.000

8.800

39.000


BÁN GÌ

Doanh nghiệp điều gặp khó vì bị "xù" hợp đồng

Doanh nghiệp kinh doanh và chế biến điều xuất khẩu trong nước đang gặp khó khăn vì thiếu nguyên liệu mà nguyên nhân là một số doanh nghiệp nước ngoài bán điều thô cho doanh nghiệp Việt Nam "xù" hợp đồng và không chịu giao hàng hoặc nếu giao hàng nhưng số lượng và chất lượng điều thô không đúng như trong hợp đồng đã ký. Nguyên nhân là do thời điểm giữa hai bên ký hợp đồng giá điều thô còn thấp và khi đến thời hạn giao hàng thì giá điều thô tăng nên doanh nghiệp nước ngoài hủy hợp đồng để tránh bị thua lỗ. Hiện Hiệp hội Điều đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp tên của những doanh nghiệp xuất khẩu điều thô cho Việt Nam đã “xù” hàng để đưa vào danh sách đen và cảnh báo với cộng đồng doanh nghiệp điều trên toàn thế giới.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 8 tháng của năm nay Việt Nam đã nhập khẩu 406.000 tấn điều thô, giá trị đạt 418 triệu đô-la Mỹ, giảm 3% về lượng nhưng lại tăng 4,5% về giá trị. Dự kiến năm nay Việt Nam sẽ nhập khoảng 500.000 tấn điều thô từ các nước châu Phi, Indonesia, Campuchia.

Sắn xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 85%

Theo số liệu ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 8 đạt khoảng 193.000 tấn, giá trị đạt 70 triệu đô-la Mỹ. Ước tính này nâng tổng khối lượng xuất khẩu sắn 8 tháng đầu năm đạt 2,26 triệu tấn với giá trị đạt 729 triệu đô-la Mỹ, giảm 2,6% về khối lượng và giảm 4% về giá trị so cùng kỳ năm 2013. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu sắn và các sản phẩm sắn lớn nhất của Việt Nam với 84,95% thị phần. Hiệp hội Sắn Việt Nam nhận định, thời gian tới, xuất khẩu sắn sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Bởi, hiện nay Trung Quốc đã và đang mở rộng thị trường nhập khẩu theo cách mua lại hoặc đầu tư mới các nhà máy tinh bột sắn ở Campuchia, châu Phi…

Sẽ xuất khẩu vải và nhãn tươi vào thị trường Mỹ

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã chính thức cho phép nhập khẩu mặt hàng vải và nhãn tươi của Việt Nam vào thị trường Mỹ nếu đáp ứng được 1 số tiêu chuẩn về vệ sinh - an toàn thực phẩm. Các điều kiện sơ bộ mà USDA yêu cầu bao gồm vải nhập khẩu từ Việt Nam phải được trồng trên vùng đăng ký và được Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam theo dõi nhằm đảm bảo không có bệnh; vải và nhãn phải được chiếu xạ để loại bỏ ký sinh trùng; mỗi lô hàng phải kèm theo chứng chỉ của Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam, xác định sản phẩm phù hợp với quy định. Ngoài ra, các sản phẩm trên còn phải tuân thủ các quy định rất ngặt nghèo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Dự kiến nước ta sẽ xuất khẩu sang Mỹ khoảng 600 tấn vải và 1.200 tấn nhãn/năm, lần lượt chiếm 17% và 69% tổng lượng nhập khẩu trung bình đối với 2 mặt hàng này tại Mỹ giai đoạn 2007 - 2010. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 6/10/2014.

Nga mở đường nhập nông sản Việt

Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, hiện là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nhanh chóng mở rộng thị phần tại Nga bởi tất cả những mặt hàng như rau, củ, quả, nông sản, sản phẩm thịt của Việt Nam đều có thế mạnh. Trong đó, thủy sản được đánh giá là mặt hàng có khả năng tăng mạnh lượng xuất khẩu. Bằng chứng này được chứng minh khi mới đây phía Nga đã gỡ bỏ lệnh tạm đình chỉ nhập khẩu thủy sản vào Nga, cho phép thêm một số doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thủy sản vào thị trường này.

Đây là thông tin đáng mừng trong bối cảnh các mặt hàng thủy sản của nước ta đang phải cạnh tranh khốc liệt với thủy sản của các nước trong khu vực. Trong đó, hai thị trường tiềm năng là Nhật Bản và châu Âu lại đòi hỏi chất lượng cao từ khâu giống, nguồn nước, thức ăn cho đến khâu chế biến. Trong khi đó, thị trường lớn cho sản phẩm cá tra và tôm là Hoa Kỳ cũng đang bị áp giá chống bán phá giá rất cao, lên đến 6%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu rau, củ, quả vào thị trường Nga cần lưu ý là chất lượng phải tuyệt đối đảm bảo, vì nếu không được đảm bảo, doanh nghiệp vẫn có thể bị thải loại. Các tỉnh của Việt Nam có thể kết nối với tỉnh Moskva và các tỉnh khác của Nga để giúp doanh nghiệp xúc tiến thương mại vào thị trường này dễ dàng hơn.

Tây Nguyên: Giá cà phê giảm mạnh

Cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên đã giảm 1 triệu đồng/tấn xuống 38,9 - 39,7 triệu đồng/tấn. Thị trường trong nước 2 tuần đầu tháng 9 khá sôi động do nông dân và thương nhân đẩy mạnh việc xả bán hàng tồn kho trước khi niên vụ mới bắt đầu vào tháng 10. Sản lượng cà phê niên vụ hiện tại ước đạt 27 triệu bao, trong đó 96% là cà phê robusta. Dự báo, xuất khẩu cà phê robusta trong tháng 9 của nước ta sẽ đạt 1,67 - 2 triệu bao, cao hơn 1,5 triệu bao của tháng 8. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu này phần lớn là đáp ứng các hợp đồng đã ký thay vì hợp đồng mới.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Phôi không cho nấm ở Đồng bằng sông Cửu Long

Cần làm rõ nguyên nhân!

Những ngày này, hàng chục hộ trồng nấm ở các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre như đang ngồi trên đống lửa khi hàng trăm nghìn bịch phôi nấm do Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và dịch vụ khoa học công nghệ (NCƯD&DVKHCN) Tiền Giang cung cấp meo bị hư hỏng phải đổ bỏ, trong khi nhà cung cấp giống chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể để có biện pháp khắc phục kịp thời và hỗ trợ người trồng nấm hạn chế thiệt hại.

Thiệt hại thuộc về người nông dân

Theo phản ánh của người dân, hầu hết hộ nông dân có phôi bị hư hỏng thiệt hại đều lấy nguồn meo của Trung tâm NCƯD&DVKHCN Tiền Giang. Tuy giá một meo chỉ 250 đồng và chi phí sản xuất phôi gần 3.300 đồng/bịch, nhưng mỗi hộ dân đã đầu tư hàng chục, thậm chí cả hàng trăm nghìn bịch phôi, trong đó có nhiều bịch phôi sau khi cấy meo đã không cho nấm thì thiệt hại không nhỏ. Điều đáng nói ở đây là trong khi hầu hết các hộ nông dân có phôi bị hư hỏng thiệt hại ở Tiền Giang, Bến Tre, Long An đều khẳng định nguyên nhân là do nguồn meo giống lấy của Trung tâm NCƯD&DVKHCN Tiền Giang không đạt tiêu chuẩn. Bằng chứng là nhiều hộ đã nhập meo từ nguồn khác về cấy song song với meo của Trung tâm, trong một điều kiện nuôi trồng như nhau, chất lượng bịch phôi giống nhau thì phôi cấy meo nguồn khác cho nấm gần đạt 100%, còn phôi cấy meo của Trung tâm NCƯD&DVKHCN Tiền Giang chết gần hết. Đáng buồn hơn nấm trồng chết, vốn không có, hàng chục hộ trồng nấm ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chịu thiệt hại với số tiền hàng tỷ đồng, đang xót xa nhìn công sức, tiền của như đổ xuống sông xuống biển, không biết phải xoay sở thế nào để có tiền trả nợ vay ngân hàng và tái sản xuất.
Nhiều trại nấm khó tái sản xuất

Dù nhận meo bị thoái hóa là nguyên nhân gây ra hiện tượng phôi không cho nấm nhưng ông Nguyễn Tuấn Phong - Giám đốc Trung tâm NCƯD&DVKHCN Tiền Giang cho rằng tỷ lệ hư hại không thể cao như các cơ sở phản ánh.“Tại trung tâm vẫn sản xuất bịch phôi xuất bán và cấy loại meo giống như xuất bán cho các cơ sở nhưng tỷ lệ phôi bị nhiễm (không cho nấm) khoảng 33,4%. Lỗi có thể còn do các bịch phôi của các đơn vị không đạt chất lượng. Hơn nữa thông thường, nếu do meo thì bịch phôi được cấy sẽ không kéo tơ trắng, nhưng trường hợp này phôi vẫn kéo trắng nên Trung tâm không phát hiện kịp thời. Mấy tháng qua, Trung tâm cũng phải đền trên 113 triệu đồng tiền phôi hư hỏng cho bà con” - ông Phong khẳng định. Theo ông Phong, hiện tượng meo cấy vào phôi không cho nấm là rất phổ biến, hiện Trung tâm đã chấp nhận đền bù 100% tiền meo cho các đơn vị mua từ tháng 5 đến ngoài tháng 7. Nếu các đơn vị không đồng ý, Trung tâm sẽ tiếp tục thương lượng mức đền bù, gấp rút sản xuất phôi nấm để cho bà con kịp tái vụ. Tuy nhiên, do số lượng quá lớn nên việc đền bù cho bà con ngay trong một thời điểm vượt quá khả năng của các cơ sở. Nhưng nếu việc hỗ trợ đền bù giữa Trung tâm và các đại lý không sớm được thống nhất thì chắc chắn nhiều trại nấm khó có thể tái sản xuất. Đây cũng là bài học cho bà con, trong quá trình trồng nấm bà con cần lưu ý, phôi không cho nấm có thể do nhiều nguyên nhân như meo giống không đảm bảo chất lượng; môi trường nuôi trồng không thuận lợi, chăm sóc không đúng kỹ thuật... Khi phôi kéo tơ trắng có nghĩa là meo tốt, nấm có thể phát triển thuận lợi. Nhưng nếu độ ẩm, nhiệt độ, quá trình chăm sóc không đảm bảo thì phôi cũng có thể không ra nấm. Ngay cả khi phôi đã mọc nấm, nếu tưới quá nhiều nước cũng có thể làm nấm chết hoặc sống tỷ lệ thấp. Bà con có thể kiểm tra lại các mô sẹo, xem có hình thành quả thể (quả nấm) hay không, đồng thời nên ngừng tưới, đợi thêm vài ngày xem nấm có nở hay không. Trong trường hợp phôi chết với tỷ lệ cao, có thể do giống nấm đã bị thoái hóa nên chăm sóc lâu phôi cũng không thể ra nấm.

Việc phân định trách nhiệm, đền bù chưa biết sẽ như thế nào, xin “hạ hồi” phân giải, nhưng về lâu dài để tránh được thất bát cho vụ nấm tiếp theo điều nhà sản xuất cung cấp giống, cũng như những người trồng nấm cần nhất lúc này là các cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao nấm chết hàng loạt để có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế thiệt hại cho cả ba nhà “Trung tâm - đại lý và người trồng nấm”.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Bình Định: Nguy cơ hàng Thái Lan lấn lướt hàng Việt

Khoảng vài năm trước, hàng tiêu dùng có xuất xứ Thái Lan được bán ở thị trường Bình Định chủ yếu là đồ hóa mỹ phẩm. Nhưng đến nay, hàng Thái với hàng trăm chủng loại, có mặt trong nhiều cửa hàng, chợ, siêu thị... Bà con đi chợ có thêm cơ hội để lựa chọn nhưng đây cũng là thách thức lớn đối với các sản phẩm “Made in Việt Nam".

Trong khi các sản phẩm tiêu dùng có xuất xứ Trung Quốc dần dần bị người tiêu dùng xa lánh vì có chứa các chất gây hại cho sức khỏe thì hàng Thái Lan đang chiếm được lòng tin của người tiêu dùng với chủng loại hàng hóa rất phong phú, từ đồ gia dụng như: Khăn giấy, chén đũa, bột giặt, nước xả vải, nồi cơm điện, máy xay sinh tố, đến hàng lương thực, thực phẩm như bánh kẹo, nước ngọt, gạo các loại, mỹ phẩm, trang sức, giày dép…

Sự góp mặt của hàng Thái làm thị trường tiêu dùng trở nên sôi động hơn, tuy nhiên, sự góp mặt ngày càng nhiều của hàng Thái Lan khiến hàng Việt Nam lại đứng trước thách thức cạnh tranh, thậm chí có cạnh tranh không lành mạnh. Bởi bên cạnh hàng hóa được nhập khẩu chính ngạch thì hiện có một số lượng không ít hàng nhập lậu từ Thái Lan vào Việt Nam qua biên giới với giá cả cạnh tranh với hàng Việt vì không phải chịu thuế. Các sản phẩm này được bán dưới dạng hàng xách tay, đa phần là các loại hóa mỹ phẩm, quần áo… Theo các chủ cơ sở kinh doanh, hàng tiêu dùng có xuất xứ từ Thái Lan, được ưa chuộng nhất là các sản phẩm hóa mỹ phẩm (dầu gội, sữa tắm, kem đánh răng…), sau đó đến đồ nhà bếp, thực phẩm. Lợi thế của hàng Thái Lan là chất lượng bảo đảm, giá rẻ hơn nhiều so với hàng cùng loại nhập từ: Đài Loan, Nhật, Hàn Quốc.

Tuy nhiên, thời gian gần đây bà con mua hàng có xu hướng chuyển sang lựa chọn các sản phẩm tiêu dùng hàng Việt và chỉ lựa chọn hàng Thái khi hàng Việt không có sản phẩm cùng loại. Tại các siêu thị, các sản phẩm có xuất xứ Thái Lan chủ yếu là hóa chất tẩy rửa, hóa mỹ phẩm… và cũng được ưa chuộng. Tuy nhiên, các siêu thị vẫn ưu tiên và đẩy mạnh quảng bá hàng Việt với nhiều chương trình khuyến mại vì nhiều sản phẩm hàng Việt chất lượng tốt và giá rất cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Đồng Nai: Nông dân điêu đứng vì khoai mì rớt giá

Hiện nông dân trồng mì đang bước vào vụ thu hoạch, song giá khoai mì đang ở mức thấp so với nhiều năm trở lại đây. Cụ thể, khoai mì tươi chở đến tận nơi bán cho các lò chế biến chỉ còn 1.400 đồng/kg, giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Thương lái mua tại vườn chỉ còn 1.000 đồng/kg do chi phí vận chuyển tăng. Mì lát bán được hơn 4.000 đồng/kg nhưng đa số nông dân phải bán củ mì tươi vì thời tiết mưa gió không thuận lợi cho việc phơi khô. Từ đầu năm đến nay, giá khoai mì liên tục giảm khiến nhiều nông dân lo lắng cho vụ thu hoạch chính năm nay dự kiến vào tháng 11 tới. Hiện toàn tỉnh Đồng Nai có 1.547 héc-ta trồng mì, tăng hơn 700 héc-ta so năm ngoái.

Hồng Dân (Bạc Liêu): Mở hướng mới cho nghề nuôi cá chình

Cũng như một số nghề nuôi trồng khác, nuôi cá chình lệ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, khi giá cá thương phẩm có lúc trên 700.000 đồng/kg rồi rớt xuống mức 370.000 đồng/kg. Trước thực trạng này, chính quyền huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) đã chủ động sang Hàn Quốc tìm đối tác và cho ra đời một liên doanh ươm nuôi, chế biến cá chình phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu. Đây có lẽ là tin vui nhất với các hộ nuôi cá chình. Bởi lẽ từ trước đến nay, tuy cá chình tiêu thụ được nhưng chung quy đều chở lên thành phố Hồ Chí Minh giao lại cho thương lái, sau đó phần lớn được đóng thùng bán qua Trung Quốc. Thương lái Trung Quốc cho giá bao nhiêu, vựa mua bấy nhiêu, người nuôi cá không biết đâu mà lần.

Cùng với tin vui này, những ngày qua người nuôi cá chình ở Hồng Dân còn đón nhận thông tin trại giống cá chình Hoàng Thông ở thị trấn Phước Long (Bạc Liêu), địa bàn giáp ranh với Hồng Dân, đã ươm nuôi thành công cá chình bạc tử lên thành 20 - 50 con/kg để có thể thả nuôi. Kết quả này sẽ giúp giảm đến 50% chi phí đầu tư mua con giống của ngư dân.

Việc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu hợp tác với một công ty của Hàn Quốc trong chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi, chế biến và tiêu thụ cá chình sẽ góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm với giá có lợi hơn cho người nuôi.

Cùng lúc đó, ươm nuôi thành công cá chình giống có trọng lượng nhỏ hơn góp phần cung ứng con giống cho thị trường với giá rẻ hơn, cũng như khắc phục được tình trạng người nuôi phải mua con giống không rõ nguồn gốc, không đồng cỡ. Đây là những yếu tố thuận lợi để phát triển nghề nuôi cá chình ở Bạc Liêu.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Mù Cang Chải (Yên Bái): Táo mèo vẫn giữ được thị trường, giá bán ổn định

Với giá bán trung bình 10.000 đồng/kg, táo mèo (còn gọi là quả sơn tra) đang được xem là một trong những loại quả giúp thoát nghèo của nhiều đồng bào dân tộc ở tỉnh Yên Bái. Hiện tại, giá táo mèo bán tại Hà Nội dao động từ 25.000 – 35.000 đồng/kg nhưng vẫn luôn đắt khách, điều này chứng tỏ nhu cầu của khách hàng đối với loại quả này là khá lớn.

Sản lượng lớn...

Quả táo mèo có ở một số tỉnh miền núi như: Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái…, nhưng tỉnh Yên Bái là nơi được đánh giá là có sản lượng táo lớn và chất lượng nhất.

Với dân buôn táo mèo chuyên nghiệp, táo mèo của Yên Bái, đặc biệt là táo mèo của huyện Mù Cang Chải luôn là sự lựa chọn đầu tiên. Bởi đến nay, diện tích táo mèo đang cho thu hoạch ở Mù Cang Chải vẫn chủ yếu là táo mèo mọc tự nhiên, trên các triền đồi núi cao, cách mặt biển khoảng 1.300 mét. Do trưởng thành trong môi trường khí hậu trong lành, mát mẻ nên táo mèo của Mù Cang Chải có vị thơm, chua khá đặc biệt. Táo mèo của Mù Cang Chải chủ yếu tập trung ở các xã: Nậm Có, Nậm Khắt, Lao Chải, La Pán Tẩn… với sản lượng hơn 2.000 tấn/năm.

Dẫn chúng tôi vượt dốc, lên thăm đồi táo mèo trên đỉnh đồi Sú Đở Tẩu, ông Lý Chồng Di - Phó Bí thư – Chủ tịch HĐND xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải) cho biết: Ở La Pán Tẩn, hộ nhiều cũng có 1 -2 héc-ta, hộ ít cũng có 1.000 đến 2.000 m2 trồng cây táo mèo. Cây táo mèo vốn mọc tự nhiên, một số ít được trồng để giữ đất, chống xói mòn. Gần đây, khi giá trị của quả táo mèo được nhiều người nhắc đến, táo mèo đã trở thành sản phẩm hàng hóa, được bà con thu hái để đem bán.

Mời chúng tôi nếm thử những quả táo mèo má hồng vừa hái trên cây xuống, chàng trai người Mông - Hảng A Hải, cho biết: Gia đình em hiện có 400 gốc táo, trong đó 300 gốc đang cho thu hoạch. Trung bình một cây táo mèo cho khoảng 60 – 70 kg. Nếu như trước đây, người dân ở Mù Cang Chải đa số đều cùng hái để bán chung, thì từ năm 2013, nhà nào hái bán nhà đó. Tại La Pán Tẩn, ngay từ đầu vụ, gia đình ông Hảng Súa Già, Lý Sấu Đế đã có thương lái đến đề nghị mua trọn đồi táo với giá 200 triệu đồng. Với gia đình em Hải, mặc dù số lượng không nhiều so với nhiều hộ khác, nhưng với giá bán trung bình 10.000 đồng/kg, dự kiến năm nay gia đình em sẽ thu về khoảng 60 – 70 triệu đồng.

Thị trường mở rộng

Thấy tôi lo lắng vì với sản lượng táo mèo tương đối lớn, người dân sẽ tiêu thụ như thế nào? Ông Lý Chồng Di cho biết, bán táo ở La Pán Tẩn không khó, vì có nhiều người vào tận hộ dân thu mua. Tuy nhiên, giá táo mèo cao hay thấp đều do người mua quyết định, chứ chưa có đơn vị nào nhận bao tiêu sản phẩm. Hiện, táo mèo mã xấu khoảng 5.000 đồng, loại ngon 15.000 – 20.000 đồng/kg.

Không giống như các loại trái cây khác như: Vải, nhãn, mận, thường thu hoạch rộ trong 1 thời điểm nên nhiều khi phải bán đổ bán tháo với giá thấp. Táo mèo ở Mù Cang Chải có lợi thế là mọc tự nhiên, ở nhiều địa bàn khác nhau, nên có thời gian thu hoạch khá dài. Từ tháng 7 một số nơi đã bắt đầu có táo và kéo dài cho đến đầu tháng 10… Chính vì vậy, đầu tháng 9, trong khi xã Nậm Khắt, bà con đã thu hoạch xong táo mèo với sản lượng khoảng 300 tấn, thì tại La Pán Tẩn, vụ thu hoạch mới bắt đầu. Táo mèo cũng là loại quả dễ bảo quản, giữ mã được lâu, ít dập nát nên khá thuận lợi trong vận chuyển.

Thực tế, táo mèo tiêu thụ ở Mù Cang Chải rất ít, chủ yếu các thương lái thu mua rồi tập trung bán ở Ngã Ba Kim, chợ thị trấn Mù Cang Chải. Tại đây, một số hộ thu mua cả chục tấn/ngày. Từ đây, táo mèo sẽ được phân loại, đóng bao tải chuyển đi các tỉnh: Lào Cai, Sơn La, Hà Nội, vào tận 1 số tỉnh miền Trung, miền Nam. Tại các địa phương này, táo mèo Mù Cang Chải có khi đã mang danh một vùng miền khác như: Táo mèo Tú Lệ, táo mèo Sơn La, táo mèo Sa Pa… và giá bán theo đó cũng đội lên khá nhiều. Có thời điểm vào cuối vụ, giá táo mèo lên tới 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo chị Kim Loan ở ngã ba cây 9 Yên Bái - chủ một vựa táo chuyên đánh hàng về Hà Nội – cho biết: Tốt nhất là nên mua đúng vụ, đảm bảo táo sạch 100%. Với những loại táo để cuối vụ, giá thì đắt mà khả năng táo có sử dụng chất bảo quản là rất lớn.

Không tốn quá nhiều công chăm sóc, lại là 1 loại cây đa tác dụng, nên mới đây huyện Mù Cang Chải đã có dự thảo đề án quản lý, bảo vệ, phát triển cây táo mèo. Với đề án này, hy vọng táo mèo Mù Cang Chải sẽ có được hướng phát triển bền vững hơn; thực sự trở thành loại cây giảm nghèo của nhiều hộ gia đình.

NHÀ NÔNG CẦN BIẾT

Dùng phân NPK Văn Điển cho cây trồng vụ đông

Nhằm giúp bà con giải đáp thắc mắc về các vấn đề thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, khoa học công nghệ, từ số 18 (ra ngày 02/5/2014), Chuyên đề DTTS & MN (Báo Công Thương) mở chuyên mục “Nhà nông cần biết” với sự hợp tác của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao và các doanh nghiệp ngành phân bón, hóa chất, nông nghiệp...

Phân NPK Văn Điển có thành phần dinh dưỡng cao, phù hợp với từng loại cây trồng, có nhiều chất vi lượng bổ sung cho đất đang thiếu hụt. Đa số nông dân ưa chuộng phân NPK Văn Điển vì chất lượng tốt, yên tâm không có hàng giả. Những nơi làm điểm về rau an toàn đều được khuyến cáo sử dụng phân NPK Văn Điển.

Đối với đậu tương và lạc

Với đậu tương, lạc chất dinh dưỡng cần nhiều nhất và đóng góp vai trò quan trọng là lân vì chúng là loại cây họ đậu, trong nốt sần có vi khuẩn cố định đạm “biến lân thành đạm” nên cả 2 cây trên bón lót 1 sào 20kg phân lân Văn Điển. Tốt nhất là thay thế bón phân lân đơn bằng bón phân đa yếu tố NPK Văn Điển 4.12.7 chuyên dùng cho đậu, lạc (loại trộn 3 hạt). Đối với lạc và đỗ tương trên đất màu: Làm đất, đánh rạch sâu, rải phân chuồng và 20 - 30 kg phân NPK 4.12.7/sào xuống đáy rãnh, vùi đất, lấp kín phân sau đó mới tra hạt lạc, hạt đậu lên trên. Trường hợp diện tích lớn có thể rải vôi + phân chuồng + 25 - 30kg phân NPK 4.12.7/sào rồi cày bừa trộn đều phân trước 1 tuần sau đó tra hạt lạc, hạt đỗ. Đối với đậu tương trên đất 2 lúa: Sau khi tra hạt xong dùng 15-20 kg phân NPK 4.12.7/sào trộn đều với 1 - 2 thúng đất bột, rải đều trên mặt ruộng rồi lồng giập rạ.

Đối với ngô


Bón lót bằng phân NPK Văn Điển 5.10.3 (dạng ve viên), 18 - 20 kg/sào cuốc hốc hoặc đánh rãnh, rải phân NPK cùng với phân chuồng vào hố hoặc rãnh lấp đất dày 4 - 5cm kín phân sau tra hạt hoặc đặt bầu. Bón thúc bằng loại phân NPK Văn Điển 14.8.7 (dạng trộn 3 hạt) mức bón từ 30 - 40kg/sào: Chia làm 3 đợt: Đợt 1: Ngô 3 - 4 lá, bón 10-12kg; đợt 2: Khi ngô có từ 7 - 8 lá: Bón 10 - 12 kg/sào; đợt 3: Khi ngô xoắn nõn: Bón 8 - 10kg/sào. Bón phân xa gốc kết hợp với vun gốc, lấp đất kín phân. Nếu đất khô cần tưới nước để ngô hấp thụ phân được thuận lợi.

Đối với rau màu

Loại phân bón cho rau là phân NPK Văn Điển: 5.10.3, mức bón 20 - 40 kg/sào tùy theo loại rau và năng suất, chỉ dùng bón lót: Rải phân, lấp kín đất rồi gieo hạt. Phân NPK Văn Điển bón cho khoai tây, khoai lang, hoa,… cũng rất hiệu quả. Khoai tây dùng loại phân NPK Văn Điển bón lót: 9.9.12 và loại bón thúc NPK: 22.5.11. Loại phân lót bón: 20 - 25 kg/sào, bón vào đáy hốc, phủ kín đất rồi đặt củ. Bón thúc sau trồng 25 - 30 ngày, bón 8 - 12kg phân NPK thúc, bón dọc theo hàng khoai, xới đất vun vào gốc khoai.

Bảo quản, chế biến nhãn

Khi vỏ quả nhãn chuyển từ màu vàng nhạt sang màu vàng, từ dày, xù xì chuyển sang mỏng và nhẵn thì bà con tiến hành thu hoạch. Sau đó chọn loại nhãn ngon, cùi dày, hạt nhỏ, ráo nước để làm long nhãn.
Bảo quản đúng cách

Các biện pháp bón phân tưới nước làm tăng chất lượng quả, song để tạo điều kiện cho công tác bảo quản tốt cần dừng bón phân tưới nước 1 tuần đến 10 ngày trước khi thu hoạch. Cần tỉa bỏ quả bị sâu bệnh, quả lép, quả mọng bị nứt, quả bị sây sát, quả dập, cho vào sọt, thùng gỗ, thùng cát-tông, để bảo quản được lâu cần sử dụng một số biện pháp sau:

Xử lý bằng hóa chất: Nhúng quả vào dung dịch Benlate 0,1%, hong khô ở nơi thoáng mát sau đó cho vào túi giấy, sọt tre hoặc hộp cát-tông, hòm gỗ. Cũng có thể chia thành túi nhỏ mỗi túi đựng 1-2 kg, cho vào hòm cát-tông, sọt tre, hòm gỗ, mỗi hòm từ 10 - 15 túi để chuyên chở đến nơi tiêu thụ.

Bảo quản trong buồng lạnh: Để trong buồng lạnh 5 - 10oC hoặc vận chuyển trong xe lạnh 10oC chở đến nơi tiêu thụ. Trong điều kiện nhiệt độ từ 3 - 5oC có thể bảo quản được nhãn từ 10 - 15 ngày. Tùy theo điều kiện mà chọn phương thức bảo quản thích hợp, nếu dùng nhãn để chế biến thì chế biến phải làm nhanh trong thời gian 4 - 5 tiếng sau khi ra khỏi buồng lạnh sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng quả tươi.

Chế biến long nhãn

Trước đây nhãn chủ yếu phục vụ ăn tươi, những năm gần đây do nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu long nhãn, diện tích trồng nhãn đang được phát triển mở rộng. Quả để làm long nhãn phải để thật chín mới thu hoạch, nên chọn loại nhãn ngon, cùi dày, hạt nhỏ ráo nước vì vậy khi trồng nhãn cần phải chọn những giống cho phù hợp, ở miền Bắc nước ta các giống nhãn đường phèn và nhãn nước làm long nhãn tốt hơn cả.

Nhãn sau khi đã thu hoạch tỉa bỏ quả bị sâu bệnh, bị thối, quả lép. Nhúng cả chùm vào nước sôi 1 - 2 phút, lấy ra phơi từ 15 - 20 nắng cho đến khi lắc thấy lọc sọc là được, sau đó bóc vỏ lấy cùi, rải cùi thành một lớp mỏng trên nong, nia, dần sàng, đem phơi 2 - 3 ngày đảo đều cho cùi nhãn khô thêm có màu cánh gián sẫm, cầm không dính tay là được. Long nhãn phơi xong để nguội hẳn, đóng vào bao ni-lon để nơi khô ráo, thoáng mát hoặc để trong chum vại để bảo quản.

HÀNG THẬT - HÀNG GIẢ

Công nghệ sản xuất thực phẩm giả, chất lượng kém

Thực phẩm, đồ ăn, đồ uống kém chất lượng bằng nhiều con đường khác nhau đã từng bước tiếp cận bà con miền núi. Đặc biệt, đối với các loại sữa bột, thực phẩm dinh dưỡng thì càng khó phát hiện bởi hình thức bao bì bên ngoài giống y chang hàng thật.

Từ nguyên liệu rẻ tiền biến thành sữa ngoại

Mới đây, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với Công an xã Vĩnh Lộc A tiến hành kiểm tra một cơ sở sản xuất sữa tại ấp 2A, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng lập biên bản thu giữ toàn bộ tang vật vi phạm hành chính gồm 22 bao đường hóa học, 8 bao bột sữa NDC (có nguồn góc Trung Quốc), 19 bao bột nguyên liệu cùng máy móc sản xuất, đóng hộp, lon. Ngoài ra, cơ quan quản lý còn thu giữ một lượng lớn sữa bột thành phẩm với gần 1.200 hộp và vỏ hộp sữa mang các nhãn hiệu Pigo, Gina Milk, Physogrow…, 80kg nhãn mác các nhãn hiệu sữa. Điều đáng nói là nguyên liệu bột dùng để chế biến sữa được chủ cơ sở mua từ cơ sở khác mà trên bao bì không ghi rõ nguồn gốc, ngoài ra công thức tự chế với các thành phần Mato (đường lạt), Dextro (đường ngọt), bột sữa, bột béo... tất cả cho vào máy trộn đều và ra sản phẩm sữa đóng lon, đóng hộp đưa ra thị trường. Sau khi đóng lon, hộp và dán nhãn mác (nhái thành phần nguyên liệu như các hãng sữa cao cấp khác) do cơ sở đặt in sẵn, số sữa này sẽ được bán ra thị trường. Dù là sữa dành cho người già hay trẻ em đều chung một công thức, nguyên liệu. Chủ cơ sở sản xuất cho biết, hầu hết các loại sữa này được phân phối và tiêu thụ nhiều ở thị trường các tỉnh miền Tây và miền Trung.

Công nghệ sản xuất xúc xích bằng hóa chất

Không chỉ có mặt hàng sữa rởm, công nghệ sản xuất xúc xích bằng hóa chất được bày bán tại nhiều cổng trường học cũng đáng báo động. Theo một số chủ cửa hàng kinh doanh thực phẩm tại chợ Đồng Xuân thì loại xúc xích này do những cơ sở tư nhân làm. Những chiếc xúc xích tưởng như vô hại có màu sắc đẹp nhờ chất phụ gia này được các quán ăn rong gần cổng trường học mua với số lượng lớn chỉ 2.000 đồng/chiếc. Qua tìm hiểu thì loại xúc xích này chỉ có 10% là thịt tự nhiên, 30% mỡ động vật, da và thịt gia cầm. Phần còn lại là chất đạm, chất béo hóa chất. Ngoài ra, để đảm bảo có màu sắc đẹp, tránh hỏng trong quá trình vận chuyển, các cơ sở sản xuất còn cho thêm chất phụ gia như sodium nitrite... Chỉ cần một chiếc lò nướng nhỏ hoặc một chiếc chảo với chút dầu ăn, những chiếc xúc xích kém chất lượng được bán tại cổng trường với giá 8.000 – 10.000 đồng/chiếc. Nhiều phụ huynh đã vô tình mua cho con em ăn ngay trước cổng trường học mà không biết rằng ăn nhiều xúc xích nhiễm hóa chất sẽ bị nhiễm trùng bộ máy tiêu hóa. Theo tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng, sự kết hợp giữa các chất đạm của thịt và sữa với chất tạo màu, chất nhũ hoá, chất làm đặc và hương liệu có thể gây hại cho sức khỏe trẻ em, gây dị ứng hoặc viêm dạ dày ở người lớn. Sự nguy hiểm của xúc xích được làm bằng hoá chất còn nằm ở các chất hoá học chứa trong đó. Bởi, khi vào cơ thể, nó đòi hỏi các cơ quan tiêu hoá phải làm việc nhiều hơn để thải chúng ra. Kết quả là hệ thống miễn dịch của trẻ bị suy yếu, khó chống lại sự nhiễm trùng ở bộ máy tiêu hóa.

box: Các chuyên gia về dinh dưỡng cho biết, muốn phân biệt sữa tốt hay không thì người tiêu dùng có nhiều cách. Cách cơ bản là xem nguồn gốc, xem hạn sử dụng và xem sữa. Xem mã vạch là xem xuất xứ loại sữa cần mua đến từ quốc gia nào như mã vạch của Mỹ có đầu số dài nhất (000-039), Nhật có 2 đầu số (450-459 và 490-499), Trung Quốc có một đầu số (690-695). Ngay cả với những thương hiệu sữa uy tín nhưng hàng hóa vẫn được sản xuất tại Trung Quốc thì cũng không thể vượt qua các quy luật này. Hạn sử dụng là thứ dễ làm giả nhất và thường được làm giả ngày hết hạn. Nếu thấy có yếu tố cạo sửa và mực in hạn sử dụng bị nhòe thì là sữa giả. Nếu ngày sản xuất và hạn sử dụng không khớp tròn 2 hoặc 3 năm thì chắc chắn hạn sử dụng đã bị can thiệp. Về mặt cảm quan, thường sữa kém chất lượng sẽ rất mau tan khi vừa đổ nước ấm vào. Sữa giả cũng không nổi lên như sữa thật mà chìm xuống rất nhanh, có sữa mùi hơi nồng chứ không dễ chịu. Và có một điều mà sữa giả không thể giống được sữa thật chính là lượng chất xơ trong sữa bởi trẻ em uống sữa giả bao giờ cũng bị tiêu chảy.

Ban biên tập ((Thông tin do báo Công thương và Cổng Thông tin UBDT phối hợp thực hiện))