Thông tin giá cả thị trường tuần từ 22/12/2014 đến 26/12/2014
02:49 PM 23/12/2014 | Lượt xem: 2152 In bài viết |TIÊU ĐIỂM |
Sản xuất cà phê có chứng nhận: Giải pháp phát triển cà phê bền vững
Những năm gần đây, nhiều bà con đã làm quen với thuật ngữ “cà phê bền vững có chứng nhận, kiểm tra”. Đó chính là một số chương trình chứng nhận cà phê bền vững như 4C, UTZ Certified, Thương mại công bằng (Fairtrade - FT), Liên minh rừng mưa (Rainforest Alliance – RFA) đã được ứng dụng tại nhiều địa phương và ngày càng thu hút sự quan tâm của người nông dân cũng như các doanh nghiệp, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.
Mang lại lợi ích kinh tế lớn
Theo các tổ chức chứng nhận cà phê bền vững, diện tích và sản lượng cà phê có chứng nhận của Việt Nam tăng rất nhanh trong 2 năm gần đây. Hiện có 175.000 héc-ta diện tích cà phê và hơn 50% sản lượng tức là khoảng hơn 60.000 tấn có chứng nhận. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế là tiết kiệm chi phí đầu vào, gia tăng giá bán sản phẩm đầu ra mà quan trọng là định hướng cho sự phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam phù hợp với xu hướng thế giới. Ông Nguyễn Văn Thiết, đại diện Tổ chức UTZ Certified tại Việt Nam nhận định: Những năm gần đây, doanh nghiệp và nông dân trồng cà phê đã nhận thức rõ hơn về những quyền lợi có được khi tham gia chứng nhận UTZ. Bên cạnh việc được hưởng thêm giá thưởng do người mua sản phẩm được chứng nhận UTZ chấp nhận trả thêm ngoài giá thị trường, nông dân sản xuất cà phê còn được hưởng nhiều lợi ích lâu dài khác như: Được tập huấn cách canh tác bền vững, chuyên nghiệp; năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng lên; có ý thức về bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường sạch, sử dụng hóa chất hợp lý, chú ý về an toàn lao động… Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 40.959 nông dân tham gia sản xuất cà phê có chứng nhận, với tổng diện tích 61.458 héc-ta. Việc nông dân tham gia sản xuất cà phê có chứng nhận sẽ góp phần phát triển cà phê bền vững, cải thiện kinh tế, bảo đảm năng suất, chất lượng và môi trường.
Đầu ra cho sản phẩm cà phê chứng nhận
Việc triển khai và áp dụng tiêu chuẩn của các loại hình cà phê có chứng nhận đã làm tăng giá trị của cà phê xuất khẩu. Bà con được hưởng lợi từ việc nhận giá cộng thêm và giá bán cao đặc biệt đối với cà phê chứng nhận Rainforest và Fairtrade. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất giảm nhờ giảm chi phí đầu vào thông qua chương trình tập huấn chương trình GAP. Sản lượng cà phê có chứng nhận được tiêu thụ đang tăng khá nhanh. Chẳng hạn, với cà phê có chứng nhận UTZ, đến hết tháng 11/2014, đã có 64.000 tấn được tiêu thụ, tăng khá nhiều so với mức 49.000 tấn trong cả năm ngoái. Dự kiến đến hết năm nay, sẽ có khoảng 68.000 tấn cà phê UTZ được tiêu thụ và trong năm 2015, sản lượng cà phê UTZ được tiêu thụ sẽ vào khoảng 90.000 tấn.
Tuy nhiên, nếu so với tổng sản lượng cà phê đã được chứng nhận, thì lượng cà phê có chứng nhận đã được tiêu thụ vẫn rất thấp. Ông Nguyễn Văn Thiết, đại diện Tổ chức UTZ Certified cho rằng, nguyên nhân quan trọng là do sự tăng trưởng thị trường đầu ra không kịp so với tăng trưởng về chứng nhận đầu vào. Cụ thể, trong những năm qua, chứng nhận đầu vào đã tăng tới 100%, trong khi sự phát triển thị trường lại chỉ tăng 35%. Đây là một thực trạng chung của cà phê chứng nhận trên thế giới. Bởi hiện nay, trên thế giới có nhiều chứng nhận bền vững khác nhau cho cà phê, nhưng sản lượng cà phê có chứng nhận được tiêu thụ đều chưa cao. Khá nhất là chứng nhận Organic thì lượng tiêu thụ cũng chỉ đạt trên 50%. Ở những chứng nhận khác, lượng tiêu thụ chỉ đạt khoảng trên dưới 30%. Số cà phê có chứng nhận còn lại vẫn đang được tiêu thụ như cà phê không có chứng nhận. Ngoài ra, chất lượng tập huấn của nông dân chưa cao, vẫn còn tình trạng nhiều nông dân đang trộn lẫn các sản phẩm có chứng nhận khác nhau, khiến cho sản lượng cà phê có chứng nhận trên thực tế không cao so với thống kê của các tổ chức chứng nhận, chất lượng không đảm bảo ở nhiều sản phẩm cà phê có chứng nhận. Chính vì vậy, trong niên vụ 2014 - 2015, các tổ chức chứng nhận sẽ tập trung vào củng cố chất lượng của số cà phê đã được chứng nhận, đồng thời đẩy mạnh công tác thương mại cho cà phê có chứng nhận.
MUA GÌ |
Nghệ An: Giá cam dự kiến tăng cao
Nông dân huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đang thực hiện chuyển đổi cây trồng, nhiều hộ chấp nhận bỏ cây mía để áp dụng mô hình trồng cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao, trong đó có cây cam... Bà con xóm Minh Hồ (xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp) đang bước vào mùa thu hoạch cam với niềm vui được mùa. Khắp các vườn trong xóm, xung quanh nhà, đâu đâu cũng thấy màu vàng chín rộ của những vườn cam quả trĩu cành. Cam Vân Du được bán ngay tại vườn với giá 35.000 đồng/ki-lô-gam, còn cam Xã Đoài là 50.000 đồng/ki-lô-gam, giá khá cao nhưng vẫn được cánh thương lái ưa chuộng, thu hoạch đợt nào là hết đợt đó. Dù đây mới chỉ là giữa mùa nhưng nhiều thương lái đã cất công tìm đến tận nơi để đặt hàng phục vụ nhu cầu ngày Tết. Năm ngoái, dịp Tết giá mua cam tại vườn gần 70.000 đồng/ki-lô-gam. Theo dân trong nghề, giá cam năm nay nhiều khả năng còn cao hơn nữa.
Đà Lạt: Dịp Tết, giá hoa địa lan sẽ rất cao
Người trồng địa lan ở Đà Lạt đang lo lắng vì nhiều vườn đã nở hoa và chỉ còn lại khoảng 10% diện tích hoa nở trúng dịp Tết Nguyên đán. Do đó, dự đoán giá địa lan năm nay sẽ rất cao và ít nhà vườn có hoa để bán. Giá địa lan cắt cành loại A hiện nhà vườn bán ra 50.000 một cành, giống loại B và C giá bán thấp hơn. Theo người trồng loại hoa này, địa lan cắt cành nếu nở đúng Tết như những năm trước giá phải từ 100.000 - 150.000 đồng/cành. Còn giá bán nguyên chậu sẽ tùy thuộc chậu nhiều hay ít cành, thông thường mỗi cành được tính 400.000 - 500.000 đồng. Riêng địa lan thuộc loại A nguyên chậu 4 cành có giá 1,8 - 2 triệu đồng/chậu.
Tiền Giang: Vú sữa Lò Rèn mất mùa, giá thấp
Hiện nay, các vùng trồng vú sữa Lò Rèn ở huyện Châu Thành (Tiền Giang) mới bắt đầu cho thu hoạch trái đầu mùa nên sản lượng vú sữa cung cấp cho thị trường không nhiều, giảm 20 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái do thời tiết diễn biến thất thường, nhưng giá vú sữa cũng giảm mạnh. Tại xã Phú Phong, huyện Châu Thành, vú sữa Lò Rèn loại I (loại da bóng sáng, trái to, khối lượng 4 trái đạt gần 1 ki-lô-gam) bán tại các đại lý chỉ có giá 27.000 - 30.000 đồng/ki-lô-gam, còn vú sữa loại 2 và loại 3 chỉ có giá 15.000 - 20.000 đồng/ki-lô-gam. Giá vú sữa các loại đã giảm gần nửa so với tháng trước. Nguyên nhân khiến giá vú sữa đầu mùa năm nay giảm so với mọi năm là do đầu ra khó khăn, trên thị trường có nhiều loại trái cây khác để người tiêu dùng lựa chọn như cam sành, quýt đường, nhãn... Bên cạnh đó, sản lượng vú sữa các tỉnh khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng ngày càng tăng. Theo Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, hiện nay ngành nông nghiệp huyện đang thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển toàn diện cây vú sữa Lò Rèn, chọn ra những hộ có đủ điều kiện để thực hiện VietGAP, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của trái vú sữa Lò Rèn trên thị trường trong và ngoài nước.
Giá sầu riêng giảm mạnh
Theo nhiều nhà vườn ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang), giá sầu riêng giảm mạnh là do thị trường Trung Quốc có dấu hiệu tiêu thụ chậm lại, các tỉnh miền Đông Nam bộ cũng đang thu hoạch nên sầu riêng ở đây bị cạnh tranh gay gắt. Tại ấp 4, xã Cẩm Sơn, từ đầu tháng 12 trở lại đây, giá sầu riêng giảm mạnh, chỉ còn 40.000 đồng/ki-lô-gam. Mức giá như vậy làm cho nhiều nhà vườn sắp bước vào đợt thu hoạch lo lắng, vì rất ít thương lái đến vườn mua như trước.
Giá nông sản tại một số tỉnh trong tuần
Thị trường | Sản phẩm | Giá (đồng/kg) |
Lạng Sơn | Hành khô | 45.000 |
Tỏi khô | 65.000 | |
Ớt khô (bột) | 55.000 | |
Gừng | 30.000 | |
Hạt trám đen | 80.000 | |
Vải sấy khô | 47.000 | |
Quảng Ninh | Tinh bột sắn loại 1 | 13.500 |
Tinh bột sắn loại 2 | 12.700 | |
Ớt tươi | 35.000 | |
Lào Cai | Ngô hạt | 7.000 |
Sắn tươi | 8.000 | |
Su su | 4.000 | |
Chuối xanh | 10.000 | |
Thảo quả | 160.000 |
BÁN GÌ |
Thanh long Việt Nam gây sốt ở Ấn Độ, nhập khẩu tăng 20 lần
Theo Bộ Công Thương, trái cây thanh long đã trở thành một hiện tượng gây sốt ở Ấn Độ, với lượng nhập khẩu tăng gần 20 lần trong hai tháng qua.
Hầu hết thanh long - còn được gọi là Pitaya - nhập khẩu vào Ấn Độ đến từ Việt Nam. Chính việc thay đổi hình thức vận chuyển từ đường hàng không sang đường biển đã dẫn đến việc lượng thanh long nhập khẩu vào Ấn Độ gia tăng theo cấp số nhân. Điều này đã làm giảm chi phí vận chuyển từ 150 rupi/kg xuống còn 20 Rupi/kg.
Trái thanh long bắt đầu được tiêu thụ phổ biến tại các đô thị, đặc biệt là ở miền Nam Ấn Độ. Thanh long trồng tại Ấn Độ có giá bán rẻ hơn so với nhập khẩu nhưng mùa vụ chỉ kéo dài khoảng 5 tháng trong năm so với 10 tháng mùa vụ ở Việt Nam. Ấn Độ là một thị trường tiêu thụ lớn nhưng mới chỉ mở cửa cho nhập khẩu thanh long Việt Nam từ đầu năm nay. Đáng chú ý, thanh long nhập khẩu vào nước này không cần phải chiếu xạ và xử lý hơi nước nóng nên trái thanh long Việt Nam đang có nhiều thuận lợi để xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ.
Giá tinh bột sắn xuất khẩu ổn định
Trong tháng 11, giao dịch tinh bột sắn tại cửa khẩu Móng Cái tiếp tục trầm lắng khi phía Trung Quốc lấy hàng nhỏ giọt, thanh toán chậm. Giá tinh bột loại 1 tại cửa khẩu Móng Cái dao động từ 2.700 - 2.720 tệ/tấn. Tại Lạng Sơn, hàng đi cũng khá chậm do phía Trung Quốc thanh toán chậm và ăn hàng yếu. Do vậy, các đơn vị có hàng ra Bắc chủ yếu tập trung giao tại cửa khẩu Móng Cái. Đối với tinh bột sắn xuất khẩu theo đường biển, mức chào giá đi các thị trường tương đối ổn định và có xu hướng giảm nhẹ. Dự báo, giá tinh bột sắn có nhiều khả năng giảm do các doanh nghiệp Trung Quốc chuyển sang sử dụng tinh bột ngô và tinh bột khoai tây với giá cạnh tranh hơn.
Ảnh: Thu hoạch sắn
Xuất khẩu cà phê tăng cả lượng và chất
Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, niên vụ vừa qua, các doanh nghiệp xuất khẩu 1,6 triệu tấn cà phê nhân với kim ngạch 3,3 tỷ đô-la Mỹ, tăng 17,2% về lượng và 12,5% về giá trị. Chế biến cà phê đạt công suất 1,2 triệu tấn. 8 công ty có nhà máy chế biến cà phê hòa tan và cà phê 3 trong 1 với tổng công suất 88.700 tấn/năm, dự kiến năm 2015 tăng lên 164.000 tấn. Để đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và lành mạnh hóa thị trường này, Vicofa sẽ làm việc với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tiến tới việc xây dựng bộ tiêu chuẩn cà phê rang xay và cà phê hòa tan cho nội địa.
Gạo Việt nhập vào Mexico chịu thuế 20%
Thương vụ Việt Nam tại Mexico cho biết từ ngày 9/1/2015, các lô hàng gạo nhập khẩu từ Việt Nam và các nước khác khi cập cảng Mexico sẽ bị áp dụng trở lại biểu thuế nhập khẩu 20% đối với gạo, 9% đối với thóc (lúa khô). Sở dĩ có quyết định này là do trước đây, chính phủ Mexico áp dụng chính sách tự do thương mại nên lượng nhập khẩu lúa gạo vào Mexico tăng, giá gạo nhập khẩu cũng thấp hơn giá gạo sản xuất trong nước.
Với lý do bảo vệ sản xuất trong nước, Hội đồng Lúa gạo Mexico đã liên tục gây sức ép và đề nghị chính phủ Mexico tăng thuế nhập khẩu lúa gạo. Theo số liệu của Mexico, 9 tháng đầu năm 2014, gạo Việt Nam đã đứng đầu lượng nhập khẩu tại thị trường này với 65.040 tấn. Dự kiến cả năm 2014 Việt Nam có thể xuất khẩu 87.000 tấn gạo vào Mexico.
Giá cá tra xuất khẩu sang Mỹ tăng gần 4%
Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong 10 tháng đầu năm nay đạt 273,3 triệu đô-la Mỹ, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu khiến lượng cá tra xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm trong những tháng vừa qua do mức thuế chống bán phá giá do Mỹ áp đặt cao nên nhiều doanh nghiệp đã hạn chế xuất khẩu sản phẩm cá tra sang thị trường này. Tuy nhiên, giá xuất khẩu trung bình lại tăng gần 4%. Mỹ hiện là thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam lớn thứ hai sau EU.
LƯU Ý CẢNH BÁO |
Cho vay tái canh cà phê ở Tây Nguyên: Nên tạo điều kiện tối đa cho bà con
Tái canh cà phê là chủ trương lớn của Chính phủ nhằm cải tạo lại vùng đất trồng cà phê lâu đời, cằn cỗi của các tỉnh Tây Nguyên. Đồng thời, giúp tăng năng suất, chất lượng cà phê xuất khẩu, từ đó cải thiện đời sống cho bà con. Tuy nhiên, hầu hết bà con vẫn thờ ơ với gói tín dụng ưu đãi dành cho chương trình tái canh cà phê.
Thủ tục nhiêu khê, rắc rối
Ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cho biết, diện tích cà phê già cỗi, kém năng suất trên cả nước đang vào giai đoạn tăng nhanh, làm giảm sản lượng cà phê xuất khẩu. Đặc biệt, khi giá cà phê lên cao, để đạt năng suất tối đa, bà con đã sử dụng phân hóa học, nước tưới và thuốc bảo vệ thực vật cao hơn mức khuyến cáo, trong khi ít bón hoặc không bón phân hữu cơ, tiết giảm hoặc loại bỏ cây che bóng để tăng mật độ cà phê. Hậu quả của tình trạng thâm canh quá mức đó đã làm cho vườn cà phê nhanh xuống cấp, sâu bệnh gia tăng, nguồn nước tưới và đất trồng nhanh chóng thoái hóa. Trước tình hình trên, Ngân hàng NN&PTNT và các bộ ngành, UBND các tỉnh Tây Nguyên đã ký kết chương trình cho vay tái canh cà phê. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù đang rất cần vốn nhưng nhiều hộ trồng cà phê ở Tây Nguyên vẫn thờ ơ với nguồn vốn này do giá trị không lớn, lãi suất chưa hấp dẫn, thủ tục nhiêu khê, thậm chí bất lợi cho người vay.
Thứ nhất, mỗi héc-ta cà phê được ngân hàng cho vay khoảng 150 triệu đồng, nhưng mức vay không vượt quá 75% giá trị tài sản thế chấp. Trong khi đó, giá đất trồng cà phê tại một số vùng do Nhà nước quy định chỉ có 60 triệu đồng/héc-ta. Vậy muốn vay 150 triệu đồng, bà con phải thế chấp thêm các tài sản khác, cụ thể là sổ đỏ.
Thứ hai, vốn được cấp nhiều đợt theo tiến độ, lãi suất thấp hơn khoảng 2% so với các khoản vay bình thường là mức lãi suất chưa hấp dẫn, chưa thu hút được bà con.
Thứ ba, thời hạn thu hồi vốn 7 năm cũng không hợp lý, bởi trừ 2 năm luân canh cây ngắn ngày để trừ nấm bệnh, 3 năm kiến thiết cơ bản, lúc đó cà phê mới bắt đầu thu bói, làm sao trả nợ được?
Thứ tư, để được vay vốn, bà con phải xin giấy xác nhận đủ điều kiện tái canh, nằm trong quy hoạch trồng cà phê được tỉnh phê duyệt, tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật do Bộ NN&PTNT ban hành… Trong khi đó, một số tỉnh chưa có quy hoạch cà phê, chưa áp dụng đúng quy trình kỹ thuật...
Đưa ra những giải pháp thiết thực hơn
Theo Bộ NN&PTNT, để việc vay vốn hỗ trợ cho chương trình tái canh cà phê đến tận người sản xuất, đáp ứng nhu cầu và đạt hiệu quả cần có những giải pháp thiết thực hơn. Trong đó, ngân hàng nên tính toán mức lãi suất phù hợp cho từng thời kỳ, kiến thiết vườn cây thì phải thấp hơn giai đoạn kinh doanh. Trong trường hợp rủi ro, phải có chính sách hỗ trợ như khoanh nợ, giãn nợ… cho bà con. Để đảm bảo cà phê phát triển bền vững, thời gian tái canh tối thiểu phải mất 5 năm, trong đó ít nhất 2 năm cho việc nhổ bỏ, luân canh các loại cây phù hợp để cải tạo đất và tối thiểu 3 năm cho thời gian kiến thiết cơ bản. Như vậy, trong thời gian này bà con không thể thu hoạch sản phẩm thì việc trả lãi ngân hàng không phải là dễ.
Một khó khăn nữa là vấn đề thế chấp tài sản để vay vốn tái canh. Nếu không còn tài sản khác để thế chấp thì khó có thể vay tối đa số tiền cần tái canh theo quy định cho phép vay. Chưa kể, phần lớn số hộ sản xuất cà phê đã dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp vay vốn sử dụng cho các nhu cầu khác trước đó nên việc thế chấp tài sản để vay vốn tái canh là hết sức khó khăn. Do vậy, cần có sự linh động hơn. Ví dụ, hộ nông dân có nhu cầu vốn tái canh từ 50 triệu đồng trở xuống, nếu chứng minh có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, đủ điều kiện trả nợ gốc, lãi vốn vay và sử dụng vốn vay hiệu quả, có thể cho vay tín chấp hoặc cho vay tối đa đối với giá tài sản thế chấp là vườn cây tái canh... Đặc biệt, các tỉnh cần chú trọng đến việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, cụ thể và rõ ràng để người sản xuất nắm bắt thông tin kịp thời và chính xác. Trong đó giải thích rõ việc hỗ trợ vay vốn tái canh bao gồm cả hỗ trợ vốn vay “cải tạo” (cưa đốn và ghép chồi) để bà con thấy được lợi ích lâu dài và hiệu quả cao.
Tuyên truyền để bà con nắm bắt thông tin kịp thời và chính xác về gói tín dụng ưu đãi tái canh cà phê
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG |
Quảng Nam, Quảng Ngãi: Giá các loại giống, VTNN trước vụ đông xuân bình ổn
Mặc dù sắp đến thời điểm bà con nông dân bước vào vụ sản xuất đông xuân 2014 - 2015 nhưng giá các loại vật tư nông nghiệp thiết yếu trên địa bàn hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi vẫn ổn định.
Cụ thể, giá bán lẻ phân kali ở các cửa hàng, đại lý vật tư nông nghiệp vừa và nhỏ là 8.500 đồng/kg, urê 10.000 đồng/kg, NPK 3 màu các loại dao động 12.000 - 16.000 đồng/kg… Một số ý kiến cho rằng, những năm gần đây, các nhà máy sản xuất phân bón ra đời nhiều tạo nên sự cạnh tranh về giá cũng như chất lượng giữa các doanh nghiệp. Để bán được sản phẩm, nhiều nhà cung cấp và đại lý bán lẻ buộc phải giữ nguyên giá cũ hoặc hạ chút ít nhằm giữ chân khách hàng.
Không chỉ giá phân bón tiếp tục bình ổn, hiện nay giá các loại thuốc bảo vệ thực vật cũng không thay đổi, nhất là thuốc diệt cỏ thường được sử dụng nhiều trong giai đoạn đầu vụ. Cụ thể là, thuốc Sofic 300EC có giá 33.000 đồng/chai, Echo 300EC 28.000 đồng/chai, Map Famix 30EC 30.000 đồng/chai, đều cùng loại 100ml. Các cơ quan chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở đối với các đại lý và cửa hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn nhằm nhắc nhở các hộ kinh doanh chấp hành nghiêm những quy định của Nhà nước về đăng ký kinh doanh, đảm bảo chất lượng hàng hóa, niêm yết bảng giá… Qua đó, góp phần ổn định thị trường, đẩy lùi hành vi gian lận thương mại, ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả và phục vụ tốt nhất nhu cầu sử dụng của nhà nông.
Tương tự Quảng Nam, bà con nông dân Quảng Ngãi cũng đang rất phấn khởi vì giá các loại giống, phân bón, vật tư giảm. Cụ thể giá kali 390.000 đồng/bao 50 kg, giảm 100.000 đồng; Urê 415.000 đồng/bao 50kg, giảm 50.000 đồng, lân 150.000 đồng/bao 50kg… Trong khi đó, giá bán các loại giống bằng hoặc thấp hơn các năm từ 500 đồng/kg. Những giống phổ thông như ĐV108, HT1... có giá 13.000 đồng/kg; các giống chất lượng như KDđột biến, ĐB6, OM6976... từ 17.500 – 18.000 đồng/kg. Riêng giá các loại lúa lai cao hơn mọi năm, như Nhị ưu 838 tăng từ 55.000 đồng/kg lên 62.000 – 63.000 đồng/kg.
Đạ Tẻh (Lâm Đồng) chuẩn bị vụ dưa hấu Tết: Hy vọng nhưng vẫn lo
Đạ Tẻh là huyện trọng điểm với diện tích và sản lượng dưa hấu đứng đầu cả tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, cũng như nhiều năm, bà con nông dân vẫn lo lắng vì được giá thì làm một vụ dưa hấu bằng hai - ba vụ lúa nhưng nếu “có chuyện” thì coi như trắng tay.
Chẳng hạn năm ngoái, giá dưa hấu ở Đạ Tẻh biến động nhanh đến mức bà con không kịp trở tay. Đầu vụ thu hoạch, có ngày giá lên đến trên 15.000 đồng/kg; sau đó ổn định ở giá trên dưới 10.000 đồng. Với giá này, bà con nông dân bội thu. Nhưng bất ngờ đến sau hai mươi tháng Chạp âm lịch, giá dưa rớt xuống còn không đến 3.000 đồng/kg - nhiều hộ dân lỗ nặng. Rồi đến những ngày giáp Tết giá dưa bất ngờ vọt lên trên 10.000 đồng, rồi 15.000 đồng/kg. Đến lúc đó, các vựa dưa lại không còn nhiều hàng để bán. Theo tính toán, vụ dưa năm nay, nếu năng suất đạt từ 45 tấn/héc-ta trở lên và với giá trên dưới 10.000 đồng/kg thì nhà nông thu lãi khoảng trên 100 triệu đồng/héc-ta; còn nếu với giá 5.000 - 6.000 đồng thì coi như lấy công làm lời. Nhiều hộ đang trông đợi vụ dưa năm nay sẽ có thu nhập tốt để sang năm chuyển đến vùng đất khác để trồng. Vì không thể trồng dưa trên một chân ruộng quá lâu, vì đất bị "chai" và dưa dễ sinh nhiều bệnh.
Trong vài năm gần đây, ở Đạ Tẻh bắt đầu trồng dưa trái vụ với giống khá mới mà bà con gọi là giống “mặt trời đỏ”. Dưa trái vụ thường xuống giống khoảng trước và sau Tết âm lịch. Giống dưa mặt trời đỏ có hình thức bề ngoài không bắt mắt (nên thường không được chọn để trồng dưa vụ Tết chính vụ) nhưng dưa không hạt và cơm rất ngon (ngọt thanh, hương thơm...) nên rất được giá - gấp đôi hoặc gần gấp đôi so với dưa giống thường. Đây là một hướng mới rất triển vọng nhưng đến nay vụ dưa trái vụ giống mặt trời đỏ chưa được phát triển mạnh (thường chỉ bằng khoảng 1/4 - 1/3 diện tích dưa chính vụ) vì suất đầu tư lớn. Bà con ở Đạ Tẻh đang trông đợi sự hướng dẫn của cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng trong việc tìm nguồn tiêu thụ để đầu tư mạnh trồng dưa trái vụ.
CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG |
Bà Rịa – Vũng Tàu: Sản lượng trái cây phục vụ Tết sẽ giảm
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, 2 loại trái cây phục vụ Tết Nguyên đán 2015 được trồng nhiều trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là bưởi da xanh và quýt đường đều thất thu do diện tích trồng giảm mạnh và do sâu bệnh.
Mùa bưởi Tết năm nay, người trồng bưởi trên địa bàn xã Sông Xoài (huyện Tân Thành) đang lo lắng bưởi sẽ mất mùa vào dịp Tết vì tỷ lệ hoa đậu trái thấp hoặc đậu trái non nhưng rụng nhiều do tác động của thời tiết khi lúc nắng nóng kéo dài làm cây thiếu nước; khi thì mưa lớn và kéo dài làm vườn bưởi bị úng nước, chết cây. Đây là tình trạng chung mà các nhà vườn trồng bưởi tại Tân Thành đang phải đối mặt. Theo thống kê của HTX Bưởi da xanh Sông Xoài, xã có khoảng 100 hộ trồng bưởi da xanh trên tổng diện tích 120 héc-ta, trong đó có hơn 30 héc-ta bưởi đang thu hoạch. Năng suất trung bình mỗi vụ đạt 4 - 5 tấn/héc-ta. Vào dịp Tết, Sông Xoài cung cấp cho thị trường hơn 100 tấn bưởi, giá bán trung bình khoảng 40.000 đồng/ki-lô-gam. Với những hộ trồng quýt đường ở huyện Xuyên Mộc, hàng trăm héc-ta quýt bị chặt bỏ do nhiễm bệnh vàng cuống khiến mùa quýt Tết năm nay giảm 50% sản lượng. Ông Dương Xuân Nôi, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lâm cho biết, trước đây xã Tân Lâm có 200 hộ dân canh tác khoảng 400 héc-ta quýt đường. Thế nhưng, hiện ở Tân Lâm có nhiều vườn quýt đường bị xóa sổ, hơn 100 héc-ta quýt đường đã bị phá bỏ.
Nhận định về hiện tượng mất mùa năm nay, các nhà khoa học nông nghiệp tại Trung tâm cây ăn quả miền Đông Nam bộ cho rằng, ngoài yếu tố thời tiết còn do yếu tố chăm sóc và phòng, trị bệnh của bà con nông dân thời gian qua chưa hiệu quả. Mặt khác, nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh cũng được xác định là do người trồng không kiểm soát được nguồn giống. Hơn nữa, xét về vùng đất trồng quýt, đất Bà Rịa – Vũng Tàu khác với chất đất miền Tây (nơi xuất xứ giống quýt) nên chưa thể nói là phù hợp để canh tác cây quýt bền vững. Ở vùng đất mới, tình hình sâu bệnh nhiều nên vòng đời cây quýt cũng ngắn hơn. Bà con mong ngành nông nghiệp sớm tìm được giải pháp phòng trừ bệnh vàng cuống và rụng trái non trên quýt và bưởi.
Nhiều sản phẩm hải sản khô phục vụ Tết
Những ngày này, các làng nghề khai thác, sơ chế, chế biến thủy hải sản nổi tiếng trên địa bàn các tỉnh miền Tây lại càng trở nên nhộn nhịp. Nhà nhà tất bật phơi khô, đóng gói các mặt hàng để phục vụ nhu cầu thị trường dịp Tết Nguyên đán.
Thời điểm này các làng nghề đã tăng tốc để sản xuất thủy hải sản khô với sản lượng gấp đôi, gấp ba ngày thường. Làng nghề cá khô ở Định An và Mỹ Long (Trà Vinh) hiện có rất nhiều loại khô ngon nổi tiếng như cá đù, cá lưỡi trâu, cá khoai, cá phi... và các loại khô tôm, khô mực, với giá bán dao động từ 25.000 - 120.000 đồng/ki-lô-gam tùy loại. Các cơ sở chế biến khô ở An Giang, Đồng Tháp giới thiệu một sản phẩm mới từ nguồn nguyên liệu quen thuộc là khô cá trê. Bà con nên mua hàng của các doanh nghiệp có nhãn hiệu, thương hiệu để đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Một số công ty đã đầu tư dây chuyền sấy khô hiện đại, tiệt trùng bằng tia UV, hút chân không và bảo vệ sản phẩm bằng bao bì an toàn để tránh tình trạng nhiễm vi sinh từ môi trường. Ngoài các sản phẩm trên, người tiêu dùng còn có thể chọn khô cá tra được chế biến theo quy trình công nghiệp, làm từ cá tươi nên thịt săn, mùi thơm, vị không mặn như khô phồng. Đây cũng là mặt hàng mới của các doanh nghiệp An Giang, Đồng Tháp.
Các hộ chế biến tôm khô Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) cũng đang hối hả chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho thương lái tại các tỉnh, thành phố lớn… Theo các chủ cơ sở kinh doanh tôm khô ở tỉnh Cà Mau, dịp giáp Tết, hầu hết các mặt hàng khô như: tôm khô, cá khô các loại đều tăng giá khoảng 30% so với ngày thường. Tôm khô loại 1 trước đây giá chỉ 900.000 đồng/ki-lô-gam, nay tăng lên 1,1 triệu đồng. Cá lóc khô giá ngày thường chỉ 250.000 đồng/ki-lô-gam, nay tăng lên 400.000 đồng/ki-lô-gam; cá khô bổi từ 300.000 đồng/ki-lô-gam tăng lên 450.000 đồng/ki-lô-gam.
Thái Nguyên: Hàng Việt về tận thôn, xóm
Giờ đây, với nhiều người dân ở các vùng nông thôn tỉnh Thái Nguyên, lựa chọn hàng Việt Nam đang là ưu tiên số 1. Đây cũng là kết quả của quá trình dài vừa tuyên truyền vừa tăng cường đưa hàng Việt về với các vùng nông thôn của ngành Công Thương Thái Nguyên.
Bà con đã mặn mà với hàng Việt
Nếu như 3 năm trước, hàng xuất xứ từ Trung Quốc tràn ngập địa bàn xã Văn Hán, xã Minh Lập (huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên), thì giờ đây, hàng Việt đã chiếm tới gần % thị phần hàng hóa bày bán ở các hộ kinh doanh trong xã.
Bà Nguyễn Thị Sáu, một hộ kinh doanh tạp hóa ở xóm Ao Sơn, xã Minh Lập cho biết: Nhà bà có tới 70% hàng hóa là sản xuất trong nước. So với cách đây khoảng 3 năm thì lượng hàng Việt bán ra từ cửa hàng đã tăng gấp 2 lần do nhu cầu của bà con địa phương về hàng Việt Nam tăng cao.
Theo ông Phạm Kiều Hưng, Phó trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đồng Hỷ, góp phần làm cho hàng Việt phổ biến ở nông thôn ở Đồng Hỷ như hiện nay, có sự đóng góp tích cực, hiệu quả từ các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Những chuyến đưa hàng Việt về các vùng nông thôn không chỉ tạo nên sự hào hứng cho người tiêu dùng nơi đây, mà hơn thế còn kích thích sức mua của người dân.
Tuy nhiên, từ thực tế chương trình đưa hàng Việt về nông thôn được tổ chức tại huyện Phú Lương, ông Bàng Toàn Thắng, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phú Lương cũng chỉ ra rằng, thời gian qua, doanh nghiệp trong nước đã bỏ ngỏ khu vực nông thôn nên chưa nắm bắt được tâm lý, thị hiếu của khách hàng ở đây, do đó hàng hóa được các doanh nghiệp bày bán chưa thật phù hợp với nhu cầu của người dân. Tại phiên chợ, chỉ có một số mặt hàng thiết yếu, thực sự cần thiết hoặc đã quảng bá rộng rãi được người dân tiêu thụ mạnh như: hàng gia dụng, thực phẩm, may mặc, công cụ sản xuất, đồ sành sứ Hải Dương, bóng đèn Rạng Đông; giấy, bút, vở Hồng Hà... Những mặt hàng khác chưa có sự phong phú về chủng loại, mẫu mã, lại có giá cao nên khó cạnh tranh được với hàng ngoại nhập, nhất là hàng Trung Quốc.
Để hàng Việt tận thôn, xóm
Theo ông Đinh Khắc Hiển, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên: Sau 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Sở Công Thương Thái Nguyên đã triển khai 22 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, với 500 lượt doanh nghiệp tham gia, doanh số bán hàng của các đơn vị đạt trên 16 tỷ đồng, thu hút hơn 200.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm. Qua các phiên chợ, đã có trên 20 doanh nghiệp kết nối được với các cửa hàng bán lẻ, mở rộng mạng lưới cung ứng hàng hóa, tiếp cận thị trường tại khu vực nông thôn, miền núi của địa phương. Về phía người tiêu dùng, đặc biệt với khu vực nông thôn, miền núi cao, đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều cơ hội tiếp cận và sử dụng sản phẩm thiết yếu có chất lượng cao, cùng nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn…
Tuy nhiên, thực tế các doanh nghiệp mặc dù rất tích cực tham gia chương trình nhưng phần lớn đều chưa có kinh nghiệm, chỉ quan tâm đến doanh số bán hàng mà chưa chú trọng nhiều tới công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, thương hiệu… Trong khi đó, trên tổng số 135 chợ trên địa bàn Thái Nguyên, có tới 99 chợ ở khu vực nông thôn. Hầu hết các chợ này đều do nhân dân địa phương tự góp vốn xây dựng và tự quản lý nên chưa đảm bảo được yêu cầu về vệ sinh, bày bán sản phẩm… Thực trạng này đang khiến nhiều đơn vị, doanh nghiệp hoạt động thương mại “ngại” khi xây dựng hệ thống bán hàng ở những nơi này. Thêm vào đó, với 45 xã chưa có hệ thống chợ, chủ yếu ở các xã vùng sâu vùng xa, đang khiến hàng hóa, trong đó có hàng Việt, lưu thông về các địa bàn này gặp nhiều khó khăn.
Với mục tiêu tiếp tục tạo điều kiện cho người dân nông thôn, miền núi được tiếp cận với các mặt hàng Việt Nam chất lượng, phù hợp với nhu cầu, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng mạng lưới, kênh phân phối, mở rộng thị trường…; thời gian tới, Sở Công Thương Thái Nguyên sẽ tiến hành khảo sát, nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu qua các phiếu thăm dò; trực tiếp phỏng vấn người dân, phối hợp chặt chẽ với chính quyền xã, huyện để đưa hàng Việt về nông thôn theo đúng nhu cầu của từng địa phương – ông Hiển cho biết.
HÀNG GIẢ - HÀNG THẬT |
Quảng Ninh: Cư dân biên giới tiếp tay cho buôn lậu
Theo Quyết định 254/2006/QĐ-TTg, quy định việc mua, bán, trao đổi hàng hoá của cư dân biên giới được miễn thuế nhập khẩu hàng hoá không quá 2 triệu đồng/người/ngày. Dù chính sách miễn thuế ưu đãi với cư dân biên giới nhằm phục vụ đời sống dân sinh của người dân khu vực này thuận lợi hơn nhưng chính quyết định đã và đang tạo ra kẽ hở lớn cho nhiều kẻ muốn trục lợi. Nhiều câu hỏi đặt ra, liệu hàng vạn lượt người qua cửa khẩu mỗi ngày mua hàng theo quyết định trên về có phải theo “đơn đặt hàng” của giới đầu nậu.
Cư dân ùn ùn sang biên giới “xách hàng”
Theo Cục hải quản Quảng Ninh, lượng người dân xuất - nhập cảnh sang Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái, TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh để xách hàng về tăng đột biến. Điều này khiến cửa khẩu luôn ở trong tình trạng quá tải, nhất là dịp cuối năm. Trong khi chiều đi đông nghẹt người tay không thì chiều về, hàng ngàn người dân lại gồng, gánh mang vác đủ các loại hàng hóa. Theo ước tính của hải quan, lượng người xuất - nhập cảnh với mục đích xách hàng về nước mỗi ngày lên tới gần 1 vạn. Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng như: Hải quan, biên phòng… đã phải tăng cường thêm lực lượng tại cửa khẩu Móng Cái để xử lý tình hình.
Theo các cơ quan chức năng, lượng người qua Trung Quốc xách hàng về nước tăng đột biến thời gian qua là do các lực lượng chức năng ra quân, tăng cường phòng, chống buôn lậu quyết liệt. Tất cả những điểm có thể xảy ra tình trạng hàng lậu được tuồn về Móng Cái đều bị bịt chặt. Vì vậy, các đầu nậu lợi dụng Quyết định 254/2006 của Thủ tướng Chính phủ để thuê người dân xách hàng hợp pháp về bán cho các đầu nậu.
Một người dân chuyên xách hàng ở Móng Cái cho biết, nếu người dân xé lẻ hàng để vượt qua trạm liên hợp Km 15 rồi giao cho các đầu nậu chuyển vào nội địa thì các cơ quan chức năng cũng rất khó phát hiện. Trong khi đó, nếu tích tụ tại nhà số lượng hàng đủ lớn thì bỗng một ngày, chính người dân có thể trở thành kẻ buôn lậu. Do vậy, một số hộ gia đình đã huy động mọi thành viên trong gia đình sang Trung Quốc xách hàng về, có hộ gia đình có tới 4 – 5 người hàng ngày xếp hàng sang biên giới mua hàng. Hiện một số lượng lớn các loại hàng thuộc nhóm đối tượng này đã được thu giữ để chờ xử lý, cùng với lượng hàng vượt định mức 2 triệu đồng/người/ngày và hàng hóa không đúng chủng loại. Ngoài việc làm thủ tục cho người dân xuất - nhập cảnh, những ngày qua, các lực lượng chức năng phải căng mình để “cân, đo, đong, đếm” vì số lượng hàng hóa về quá lớn.
Đề nghị bỏ chính sách miễn thuế cho cư dân biên giới
Theo Ban chỉ đạo phòng, chống buôn lậu, hàng giả Quảng Ninh (Ban 389), việc số lượng người qua cửa khẩu chính ngạch xách hàng về cho thấy, nếu không xử lý được việc cư dân biên giới tiếp tay cho buôn lậu bằng hình thức xách hàng thuê cho đầu nậu qua đường chính ngạch thì đây chính là kẽ hở lớn để các đầu nậu lợi dụng.
Tổng cục Hải quan đang đề nghị bỏ chính sách miễn thuế cho cư dân biên giới để tránh đối tượng buôn lậu lợi dụng. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách dành cho những cư dân này. Một số ý kiến cho rằng, nên quy định, mỗi cư dân đủ điều kiện và có thẻ chỉ được phép 1 lần/tuần qua biên giới mua hàng miễn thuế với mức dưới 2 triệu đồng, thay cho 1 lần/ngày/người như hiện nay.
Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan: Hiện cơ quan hải quan đang báo cáo Bộ Tài chính thay đổi một số quy định trong chính sách miễn thuế ưu đãi với cư dân biên giới nhằm phục vụ đời sống dân sinh của người dân khu vực này thuận lợi hơn, tránh tình trạng tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại.
Box: Ông Nguyễn Văn Đọc – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh: Ban Chỉ đạo 389 chỉ đạo các địa phương, các cơ quan liên quan phải kiểm soát chặt thị trường, để không hình thành các điểm tích hàng lớn. Tuyên truyền để nhân dân hiểu, không găm hàng đến mức quá lớn, không tiếp tay cho các đầu nậu. Đặc biệt, phải kiểm soát chặt, xử lý nghiêm đối với các loại hàng không đúng chủng loại và vượt định mức 2 triệu đồng/người/ngày.
Ban biên tập (Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin Điện tử UBDT phối hợp thực hiện)