Thông tin giá cả thị trường tuần từ 27/10/2014 đến 31/10/2014

09:15 AM 31/10/2014 |   Lượt xem: 2016 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Vùng trung du, miền núi phía Bắc: Phát triển đậu tương hàng hóa

Đậu tương là cây thực phẩm quan trọng trong cơ cấu cây trồng nông nghiệp nước ta, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để phát triển cây đậu tương theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng đậu tương làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi giúp nâng cao thu nhập cho bà con.
Hiệu quả chưa xứng tiềm năng

Năm 2014, khu vực miền núi phía Bắc đã gieo trồng được khoảng 50.000 – 60.000 héc-ta đậu tương. Trong đó, tập trung ở các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La… và được trồng chủ yếu ở vụ xuân và hè thu trên nương rẫy. Riêng tỉnh Hà Giang gieo trồng đạt gần 24.000 héc-ta, năng suất bình quân 13 tạ/héc-ta, với sản lượng ước đạt hơn 30.000 tấn, đứng đầu cả nước về diện tích cũng như sản lượng đậu tương. Điều đáng nói là diện tích và sản lượng đậu tương của cả nước đang có xu hướng giảm dần trong khi năng suất hầu như không thay đổi, bình quân 14,3 tạ/héc-ta, trong khi lượng đậu tương phải mua của nước ngoài lại tăng từng năm. Năm 2013 cả nước phải nhập khẩu 1,2 triệu tấn, nếu cộng thêm khô dầu đậu tương thì con số này tăng lên gần 4 triệu tấn. Bên cạnh đó giá đậu tương của Việt Nam đang cao hơn thế giới. Nếu tính cả phí vận chuyển về Việt Nam, giá đậu tương thế giới chỉ khoảng 13.500 đồng/kg trong khi giá đậu tương trong nước hiện đang dạo động ở mức 15.000 - 16.000 đồng/kg. Chính điều này cũng làm ảnh hưởng đến việc mở rộng diện tích sản xuất đậu tương trong nước. Do đó cần có ngay những giải pháp cơ bản, cơ giới hóa, gắn kết được “bốn nhà” trong việc liên kết phát triển cây đậu tương theo hướng sản xuất hàng hóa.
Những việc cần làm

Hiện nhu cầu đậu tương ở nước ta khá lớn, khoảng 3 triệu tấn khô dầu, 1 triệu tấn đậu tương/năm. Nhưng sản xuất đậu tương trong cả nước cao nhất cũng chỉ đạt 300.000 tấn, bằng 7,5% nhu cầu. Điều này cho thấy, cần đẩy nhanh việc tăng diện tích, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tăng năng suất, chất lượng, sản xuất theo quy mô hàng hóa thì đây thực sự là cơ hội tạo thu nhập ổn định, tiến tới làm giàu cho người nông dân. Muốn vậy mục tiêu trước mắt là phát triển diện tích trên tất cả những vùng đất có khả năng tăng vụ như: Vùng cao trên đất ngô, ruộng một vụ; vùng thấp trên đất nương, đồng thời tập trung đẩy mạnh thâm canh trên tất cả diện tích, trong đó quy hoạch phát triển tập trung thành vùng, liên vùng nguyên liệu năng suất, sản lượng cao. Đặc biệt, đối với vùng sản xuất đậu tương lớn thứ hai cả nước tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La... cần khai thác vùng bãi ngang, vùng đất cao chuyên trồng màu, vùng Trung du có truyền thống trồng đậu tương để trồng hai vụ xuân và hè - thu; lựa chọn giống thích hợp cho từng vụ, từng vùng sinh thái, kết hợp tuyển chọn, áp dụng các giống đậu tương ngắn ngày, dài ngày cho năng suất cao; xây dựng quy trình canh tác chi tiết từng vụ, từng vùng sản xuất theo hướng đáp ứng đúng yêu cầu của cây, giảm chi phí sản xuất, nhất là về chi phí giống, thuốc bảo vệ thực vật.

Đối với vùng núi thấp của các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Hòa Bình và Bắc Giang cần mở rộng diện tích đậu tương đông trên đất ruộng với kỹ thuật làm đất tối thiểu để tranh thủ thời vụ và giảm chi phí lao động; Đối với các tỉnh vùng núi cao Tây Bắc và Đông Bắc, cùng với mở rộng gieo trồng đậu tương xuân trên đất một vụ lúa mùa và đậu tương hè - thu trên đất nương rẫy, cần trồng xen đậu tương với ngô, sắn, mía và các cây công nghiệp dài ngày như cao su, cà phê, chè… có như vậy sẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng năng suất, sản lượng đậu tương của vùng.

MUA GÌ


Bến Tre: Tăng thu nhập từ bán rơm

Nông dân tỉnh Bến Tre vừa thu hoạch xong hơn 22.000 héc-ta lúa hè thu với mức giá khoảng 5.700 đồng/kg lúa tươi cân tại ruộng, nông dân có lãi rất thấp. Tuy nhiên, việc tận dụng rơm rạ cho bò ăn, sản xuất nấm rơm, dùng lót dưa hấu… lại giúp nhiều hộ thu lãi cao hơn hoặc tương đương tiền bán lúa. Những hộ gia đình không nuôi bò thì thu hoạch lúa xong là có người đến mua rơm. Nhu cầu mua rơm cho bò ăn tại đây nhiều nên một số thương lái còn mua rơm từ các tỉnh có diện tích lúa lớn như Long An, Đồng Tháp phơi khô và đem về bán, giá khoảng 3.500 đồng/kg rơm khô. Một nông dân trồng lúa tại xã An Bình Tây (huyện Ba Tri) cho biết, anh vừa thu hoạch xong 8 công lúa, tận dụng rơm để trồng nấm. Anh cho biết tổng lượng nấm rơm anh thu hoạch được gần 250 kg, với mức giá khoảng 22.000 đồng/kg mang lại cho gia đình thu nhập khá.

Cà Mau: Giá tôm thẻ chân trắng không ổn định

Người dân nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang hết sức lo lắng trước tình hình giá tôm nguyên liệu liên tục giảm, nhất là tôm thẻ chân trắng. Giá tôm thẻ chân trắng tính đến thời điểm hiện tại giảm trung bình từ 15.000 – 20.000 đồng/kg tùy loại. Hiện giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg giá 100.000 đồng/kg, loại 70 con/kg giá 120.000 đồng/kg. Ông Diệp Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hội Thủy sản Cà Mau cho biết: Nguyên nhân tôm giảm giá một phần là do thuế chống phá giá từ phía Mỹ nên các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản đã chủ động giảm giá mua vào. Người nuôi tôm sợ giá tiếp tục bị giảm nên ào ạt thu hoạch tôm, làm cho sản lượng thu hoạch vượt công suất chế biến của các nhà máy. Nếu kéo dài tình trạng này, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục giảm giá. Trước tình hình giá tôm biến động mạnh, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Cà Mau khuyến cáo bà con nên theo dõi tình hình thị trường, không thu hoạch tôm trong thời điểm hiện nay, nhằm giảm áp lực sản xuất lên các nhà máy chế biến, có như vậy giá tôm trong thời gian tới mới tăng trở lại.

Phú Quốc: Được mùa cá cơm

Khoảng gần nửa tháng nay, ngư dân Phú Quốc được mùa cá cơm, trong khi đó giá thu mua ổn định giúp ngư dân thu lãi hàng trăm triệu đồng một chuyến. Tàu vừa cập bến, hàng chục chiếc xe tải chờ sẵn để vận chuyển. Ngay sau đó, cá cơm lập tức được đưa lên bờ và tiến hành cân ngay tại chỗ để kịp vận chuyển đến các nhà thùng trong huyện. Mỗi chuyến ra khơi khoảng 1 tuần, mỗi tàu thu hoạch được khoảng 10 tấn. Với giá từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, mỗi chuyến ngư dân thu được hơn 100 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 80 triệu đồng. Bên cạnh những tàu đánh cá dài ngày, muối cá ngay ngoài biển để bán cho các nhà thùng thì một số tàu chọn phương thức đánh bắt ngắn ngày, cá không qua ướp muối để bán cho các trại sấy cá cơm khô.

Giá gừng củ tăng mạnh

Năm nay gừng có giá nên một số hộ ở U Minh Thượng (Kiên Giang) thu hoạch sớm bán gừng non. Hiện nay giá gừng non bán ở chợ làm thực phẩm đã giảm chút ít những vẫn còn khá cao, khoảng 28.000 – 30.000 đồng/kg. Lúc cao điểm lên đến 32.000 – 34.000 đồng/kg. Với giá này, mỗi công gừng (1.000 thước vuông) đang cho thu nhập từ 40 - 45 triệu đồng, trong khi chi phí đầu tư chỉ khoảng 15 triệu đồng. Đây là mức lãi rất cao, gấp cả chục lần so với trồng lúa. Một số thương lái thỏa thuận giá với nông dân, chấp nhận đặt cọc trước chờ tới mùa mới thu hoạch. Trái hẳn với vài năm trước, giá gừng củ quá thấp khiến nông dân phải bỏ vì thu hoạch không bõ tiền công. P.V

Giá lúa gạo trong tuần tại một số địa phương

Thị trường

Sản phẩm

Giá (đồng/kg)

Long An

Lúa thường hạt dài, khô

6.300

Gạo tẻ thường

11.000

Gạo nàng thơm chợ Đào

17.000

Lúa thường hạt dài

5.300

Gạo nguyên liệu loại 1

7.500

Trà Vinh

úa thường mới

6.000

Gạo thường

10.000

Gạo Tài Nguyên

14.000

Nếp ngon

18.000

Cám gạo

6.000

Hậu Giang

Gạo tẻ thường

11.800

Thóc tẻ thường khô

4.300

Gạo nguyên liệu loại 1

6.500

Gạo nguyên liệu loại 2

6.750

Gạo thành phẩm XK 5% tấm

6.950







Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân ở tỉnh Đồng Tháp nhờ mạnh dạn cải tạo vườn tạp, chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng xoài đã cho thu nhập ổn định. Theo chủ nhà vườn ở xã Hòa An, vào mùa nghịch, giá xoài cát Hòa Lộc lên đến 80.000 - 85.000 đồng/kg, xoài cát Chu cũng có giá 22.000 - 24.000 đồng/kg. Khi tham gia sản xuất xoài theo mô hình VietGAP, GlobalGAP, nhà vườn được nhiều lợi thế như bán giá cao hơn ngoài thị trường từ 3.000 - 4.000 đồng/kg, cách sử dụng thuốc, chăm sóc, kỹ thuật có cán bộ chuyên môn hướng dẫn.

Đồng bằng sông Cửu Long: Trồng thêm 25.000 héc-ta bưởi đặc sản phục vụ xuất khẩu

Từ nay đến năm 2020, các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ trồng thêm 25.000 héc-ta bưởi năm roi và bưởi da xanh nhằm phục vụ xuất khẩu, nâng tổng diện tích bưởi đặc sản trong vùng lên 36.000 héc-ta. Ba tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre có diện tích lớn nhất, chiếm 74% diện tích bưởi toàn vùng. Mỗi năm, ngành ngân hàng sẽ cho nông dân vay 60 tỷ đồng mua cây giống và vật tư nông nghiệp chăm bón cho cây tăng trưởng tốt. Ngành nông nghiệp tập huấn kỹ thuật trồng, bón phân, tưới nước, chăm sóc trái để mỗi trái đạt trọng lượng từ 1kg trở lên, năng suất đạt thấp nhất 15 tấn/héc-ta/năm. Bưởi năm roi bán buôn tại vườn có giá từ 9.000 - 10.000 đồng/kg, bưởi da xanh từ 18.000 - 20.000 đồng/kg. Đến nay, Vĩnh Long đã xuất sang thị trường châu Âu trên 1.000 tấn bưởi năm roi. Tỉnh Bến Tre cũng đã xuất khẩu sang thị trường Đức, Canada, Hà Lan, Nga, Hồng Kông hàng trăm tấn bưởi da xanh đạt chuẩn GlobalGAP.

Vải, nhãn đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), 9 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu rau quả đã đạt 1,16 tỷ đô-la Mỹ. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu 9tháng hơn 321 triệu đô-la Mỹ. Các mặt hàng chủ yếu xuất qua nước này như xoài, vải, nhãn, chuối, thanh long, dừa và dứa chiếm 35% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước. Các thị trường xuất khẩu rau quả khác cũng tăng mạnh gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… Nhiều mặt hàng rau quả được phép xuất khẩu vào thị trường lớn như thanh long, chôm chôm, nhãn và vải đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ từ tháng 10 này. Vì vậy, dự kiến năm 2014, xuất khẩu rau quả sẽ vượt con số dự tính đưa ra đầu năm là 1,2 tỷ đô–la Mỹ.

Quảng Ngãi: Ưu tiên thu mua sắn ở các vùng trũng

Để tránh thiệt hại cho nông dân trồng sắn tại các vùng trũng thấp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, hai nhà máy sản xuất tinh bột sắn Tịnh Phong và Sơn Hải (thuộc Công ty cổ phần Nông sản Quảng Ngãi) đã ưu tiên thu mua hơn 135.700 tấn, chế biến được 35.185 tấn tinh bột sắn. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết không thuận lợi, nên đến nay, tại xã Tịnh Hà, vùng nguyên liệu lớn nhất huyện Sơn Tịnh cũng chỉ mới thu hoạch sắn đạt 25% tổng diện tích. Vụ này, mỗi héc-ta sắn cho năng suất khoảng 20 - 25 tấn; với giá thu mua hiện nay là 1.900 đồng/kg (có 30% độ bột) tại nhà máy, người nông dân có thể thu về từ 38 - 47,5 triệu đồng/héc-ta. Tuy nhiên, hầu hết nguyên liệu đầu vụ chỉ cho độ tinh bột từ 25 - 27%, ít hơn độ bột mà nhà máy quy định nên bà con nông dân chỉ thu nhập 35 - 45 triệu đồng/héc-ta.

Giá gà giảm mạnh

Sau khi giữ mức giá ổn định trong 3 tháng qua, thị trường gà lông màu bỗng mất giá thê thảm và quay trở về ngưỡng thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Tại vùng gà lớn như Yên Thế, Tân Yên, Lục Ngạn, Lục Nam (tỉnh Bắc Giang), gà mía lai trên 90 ngày cách đây hơn 1 tháng giá bán tới 65.000 - 70.000 đồng/kg nay chỉ còn 38.000 - 42.000 đồng/kg. Gà mía thuần, trước giá 70.000 - 80.000 đồng/kg, nay nuôi trên 120 ngày, đàn nào đẹp nhất cũng chỉ 55.000 - 58.000 đồng/kg. Các giống gà ta lai như: Gà ri Thái Bình, lai chọi, Vạn Phúc… trước đều có giá trên 80.000 đồng/kg nay xuống còn 50.000 - 55.000 đồng/kg, mức giá chỉ tương đương giá gà công nghiệp (lông trắng) nuôi 45 - 50 ngày. Nguyên nhân chính kéo tụt giá gà do nguồn cung dư thừa. Trước chỉ có một số vùng, tỉnh là nuôi gà ta lai như: Bắc Giang, Hải Dương, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc… nhưng nay gần như tỉnh nào cũng phát triển chăn nuôi gà thả vườn, đặc biệt là những tỉnh tại miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam nên dẫn tới tổng thể thị trường dư thừa, dù tổng đàn tại những vùng chăn nuôi truyền thống không có biến động.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Lai Châu: Khuyến nghị bà con sử dụng máy hái chè đúng kỹ thuật

Tại Lai Châu, cây chè hiện là một trong những cây trồng mũi nhọn giúp bà con dân tộc thiểu số, dân vùng tái định cư thủy điện ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, thời gian qua, do bà con sử dụng máy cắt và liềm không đúng kỹ thuật làm ảnh hưởng đến năng suất búp chè.

Nhà nhà sử dụng máy thu hoạch chè

Tổng diện tích chè ở Lai Châu ước đạt trên 3.358 héc-ta với 6 công ty, doanh nghiệp và 3 hợp tác xã tham gia chế biến búp chè tươi. Để gắn kết các cơ sở chế biến với vùng nguyên liệu, tỉnh Lai Châu đã phân vùng nguyên liệu ở một số địa bàn cho các tổ chức, doanh nghiệp thu mua, chế biến chè. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp bước đầu thực hiện ký kết hợp đồng với người dân ngay từ đầu vụ như: Cung ứng trước vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không tính lãi; thu mua sản phẩm chè búp tươi với giá hợp lý. Qua đó, tình trạng tranh mua, tranh bán sản phẩm chè búp tươi trên địa bàn đã dần khắc phục. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm chưa cao và không đồng đều do nhiều hộ gia đình đã sử dụng máy thu hoạch chè không đúng kỹ thuật. Mặc dù giá thu mua chè cắt tay cao hơn cắt máy từ 1.000 - 1.500 đồng/kg nhưng nhiều gia đình chấp nhận cắt máy do muốn dành thời gian cho việc khác. Nhiều gia đình neo người thu hoạch theo phương pháp hái tay thủ công, tiền thuê nhân công khá tốn kém. Việc sử dụng máy trong thu hoạch giúp giảm bớt thời gian và công sức. Trên thực tế, với sản lượng thu hoạch không đổi, nếu thu hái bằng tay, vào vụ thu hoạch, mỗi tháng các hộ gia đình phải hái làm 3 đợt. Trong khi đó, sử dụng liềm và máy móc để thu hoạch với 2 nhân công, vận hành 1 máy, mỗi ngày cắt được 1 tấn chè. Nhưng việc sử dụng máy và liềm để cắt chỉ thấy rõ cái lợi trước mắt, đó là tiết kiệm thời gian, nhân lực. Sản lượng chè tăng (do chè cắt dài không đúng tiêu chuẩn 1 búp 2 lá) nhưng những lứa chè sau này sẽ không có búp mà chỉ lên lá non, năng suất sẽ giảm và ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng chè.
Không đúng kỹ thuật sẽ giảm năng suất

Vào thời điểm thu hoạch, hai dây chuyền của Công ty cổ phần chè Lai Châu hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm. Khu vực tập kết nguyên liệu luôn chất đầy chè thu mua. Tuy nhiên, khi kiểm tra chè, 100% chè nhập về đều không đúng tiêu chuẩn nhà máy đưa ra là 1 búp 2 lá, thậm chí bà con còn cắt cả cành chè dài, một số cành chè không có búp. Đại diện Công ty cổ phần chè Lai Châu cho biết, dù đã khống chế số lượng nhưng cứ vào thời kỳ thu hoạch, lượng nguyên liệu nhập vào tăng cao trong khi chất lượng chưa đảm bảo theo yêu cầu. Công ty đã cử cán bộ, phối hợp với phòng nông nghiệp các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con hái chè theo đúng quy chuẩn. Tuy nhiên, do bà con chỉ quan tâm tới năng suất và tiến độ sản xuất và cung cấp nguyên liệu cho nhà máy mà chưa gắn trách nhiệm với sản phẩm. Bởi vậy, nhiều hộ vẫn sử dụng máy cắt chè không đúng theo hướng dẫn khiến cây chè không có búp hoặc có thì rất ít.

Theo ông Hà Văn Um - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lai Châu, việc sử dụng liềm hoặc dùng máy cắt không làm ảnh hưởng đến chất lượng búp chè. Tuy nhiên, nếu sử dụng máy không đúng quy cách, sai kỹ thuật hái sẽ tác động không nhỏ đến năng suất búp chè, đặc biệt là trong những năm tiếp theo. Đặc biệt, bà con có thói quen cắt chè quá dài, sâu, tác động đến thời gian ra búp của cây bởi cách làm như vậy khiến cây chè bị mất nhiều chất kích thích sinh trưởng. Do vậy, các công ty, doanh nghiệp phải có trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hái chè cho người nông dân. Về phía bà con cũng cần phải thu hoạch đúng lứa chè, đúng kỹ thuật mới không ảnh hưởng tới sản lượng.

Chủ trương cơ giới hóa trong nông nghiệp nông thôn, khuyến khích bà con sử dụng máy móc, giảm nhân công trong thu hoạch là hướng đi đúng cần được nhân rộng. Nhưng để đạt hiệu quả về năng suất và sản lượng, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con hái chè theo đúng quy chuẩn. Nếu bà con gắn trách nhiệm và quyền lợi với các nhà máy thì thương hiệu chè của Lai Châu mới có thể giữ vững và vươn xa.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Đầu ra cho rau an toàn gặp khó

Năm 2010, khi mô hình rau an toàn được các cơ quan Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh giới thiệu, hỗ trợ, hướng dẫn cặn kẽ kỹ thuật canh tác, bà con nông dân xã Hạ Long (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) đã nhanh chóng bắt nhịp và nhân rộng ra toàn địa bàn. Mô hình này cho hiệu quả cao với thu nhập trung bình 20 - 30 triệu/sào. Nhờ mô hình này, đời sống của người trồng rau đã được cải thiện, sắm sửa được nhiều tiện nghi phục vụ cuộc sống. Nhiều hộ đã mở rộng quy mô vườn trồng, thu nhập đạt 200 - 300 triệu đồng/năm không còn hiếm...

Tuy nhiên, niềm vui của người dân xã Hạ Long chưa được trọn vẹn do thời gian đầu, việc tiêu thụ rau của người dân chủ yếu phụ thuộc vào các mối giao cho các tiểu thương đến thu mua, bán cho các đơn vị doanh nghiệp. Còn thời gian gần đây, hầu hết người dân gặp khó trong khâu tiêu thụ cho thương lái do giá bán quá rẻ. Số lượng tiêu thụ cũng không ổn định. Nhiều người phải mang ra bán lẻ ở chợ huyện. Trước tình hình trên huyện đã có hướng dẫn thành lập Hợp tác xã, nhằm xác lập một thương hiệu cụ thể, định hướng nâng cao giá trị cây trồng. Qua đó, có thể dễ dàng kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp tiêu thụ, giúp đỡ bà con trồng rau. Như vậy trong khi chờ giải pháp hiệu quả từ việc thành lập hợp tác xã thì người trồng rau an toàn ở Hạ Long vẫn phải tự xoay xở với câu hỏi trồng rau xong thì bán cho ai?

Ninh Thuận: Giá rau thấp - người trồng lao đao

Lâu nay, các loại rau màu ngắn ngày vẫn được nông dân Ninh Thuận gieo trồng, là nguồn thu nhập chính của không ít gia đình. Khoảng một tháng trở lại đây, giá rau màu các loại xuống rất thấp, nguồn thu từ nông sản không bù được chi phí sản xuất. Mất giá thê thảm nhất là bí đao. Nếu như cách đây 3 tháng, giá mỗi ki-lô-gam bí đao thu mua tại vườn dao động từ 6.000 – 7.000 đồng/kg, thì nay, giá bán chỉ ở mức 500 – 800 đồng/kg.

Giá các loại rau củ khác như bầu, khổ qua, đậu đũa, đậu bắp… cũng ở mức rất thấp. Tại các điểm thu mua, quả bầu có giá dao động từ 2.000 – 2.500 đồng/kg, khổ qua thì ở mức 3.000 – 4.000 đồng/kg, còn đậu bắp thì từ 1.000 – 1.500 đồng/kg, đậu đũa chỉ khoảng 2.500 đồng/kg.

Riêng tại huyện Ninh Phước, tổng diện tích rau đậu các loại khoảng 1.400 héc-ta, tập trung ở các xã Phước Sơn, Phước Vinh, An Hải. Đa số bà con chọn trồng những loại đang có giá cao, gieo trồng đồng loạt cùng một loại cây, thường khiến nguồn cung mất cân đối. Mặt khác, thị trường nông sản tươi, đặc biệt là mặt hàng rau, củ, quả luôn biến động, đầu ra cũng không ổn định, hay bị tư thương ép giá.

Cam sành Hà Giang bị giả mạo

Hàng năm cứ đến tháng 10, sản phẩm cam sành trôi nổi trên thị trường gắn nhãn mác cam sành Hà Giang được bày bán công khai với giá chỉ từ 10.000 - 15.000 đồng, thậm chí có nơi chỉ bán với giá 6.000 - 8.000 đồng. Giá rẻ, mẫu mã đẹp, không có hạt nên rất thu hút người tiêu dùng. Nhưng thực ra, thời điểm tháng 10 cam sành Hà Giang đang trong thời kỳ sinh trưởng và tích nước, trái cam còn nhỏ và rất chua, vỏ sần, cùi dày; phải đến tháng 12 dương lịch cam chín mới đến thời điểm thu hoạch. Cam sành chính gốc có giá 20.000 - 30.000 đồng/kg, cho nên người trồng sẽ không bán cam non với giá rẻ như vậy.

Đặc sản cam sành Hà Giang được trồng chủ yếu ở xã Vĩnh Hảo (huyện Bắc Quang, Hà Giang), chiếm trên 80% diện tích cam sành của huyện Bắc Quang. Vài năm gần đây xã Vĩnh Hảo được huyện triển khai chương trình trồng và chăm sóc cam sành theo tiêu chuẩn VietGap, chất lượng, mẫu mã sản phẩm cam sành Hà Giang đã được cải thiện, nâng giá thành cam Hà Giang. Tuy nhiên, cam sành trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGap cũng cho thu hoạch đúng mùa vụ vào tháng 12 dương lịch hàng năm, nên cam bán trên thị trường thời điểm này chắc chắn không phải cam sành Hà Giang.

Bình Phước: Nông dân và doanh nghiệp chế biến điều cần hỗ trợ nhau

Năm 2014, Việt Nam là một trong 3 nước có sản lượng điều thô cao nhất thế giới. Sang năm dự báo giá hạt điều tươi sẽ tăng, Hiệp hội Điều Việt Nam đã khuyên người dân nên tập trung chăm sóc, cải tạo vườn điều để đạt năng suất cao. Tuy nhiên, do lượng điều bà con tự sản xuất chỉ đáp ứng 50% nhu cầu chế biến trong nước. Nhưng cũng vì vậy, doanh nghiệp chế biến cần thận trọng không nên nhập điều thô quá nhiều, đồng thời không găm hàng, bắt tay giữ giá gây thiệt hại cho nông dân. Vụ điều năm nay, giá vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng, công thu hoạch cao, trong khi giá hạt điều thấp, năng suất giảm. Do vậy nông dân mong được doanh nghiệp hỗ trợ trong việc ký kết hợp đồng, ổn định giá. Phía doanh nghiệp lại cho rằng, xu thế cạnh tranh ngày càng mạnh nên doanh nghiệp muốn mua điều giá thấp cũng không được. Để đạt hiệu quả kinh tế cao, bà con nên tập trung canh tác nâng cao năng suất, chất lượng điều thì mới bán được giá.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Kon Tum: Bà con phấn khởi vì giá cà phê tăng mạnh

Thời điểm này, tại một số vùng chuyên canh cà phê, không khí chuẩn bị vụ thu hoạch cà phê mới (khoảng đầu tháng 11 tới) khá khẩn trương, nhà nhà tất bật chuẩn bị bao bì, dọn sân phơi, tìm nhân công… Tất cả các hộ trồng cà phê đều rất phấn khởi vì giá cà phê đang ở ngưỡng khá cao so với các niên vụ trước và có xu hướng tăng lên từng ngày.
Theo đó, giá cà phê nhân xô đang đứng ở mức 41.000 – 42.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 10.000 – 12.000 đồng/kg; giá quả tươi từ 8.500 – 9.000 đồng/kg, cao hơn 3.500 – 4.000 đồng/kg so với cùng thời điểm này năm trước.

Năm nay, mới chớm vụ thu hoạch mà giá đã lên cao, các hộ trồng cà phê dự đoán năm nay sẽ có một vụ cà phê thắng lợi. Với mức giá như hiện nay, sau khi trừ các khoản chi phí, người trồng cũng còn lời 35 – 40 triệu đồng/héc-ta.

Với những hộ chuyên bán cà phê tươi, mức giá như hiện tại đã đủ làm họ hài lòng; nhưng với những người thu mua tạm trữ cà phê hoặc các hộ chuyên để dành đợi khi giá lên cao mới bán thì lại đứng trước nhiều băn khoăn. Nếu đầu vụ giá thấp, những người thu mua cà phê yên tâm trữ hàng vì biết chắc chắn giá sẽ còn tiếp tục lên nữa. Song năm nay, mới bước vào ngưỡng của vụ thu hoạch mà giá đã ở mức cao nên khó đoán diễn biến của thị trường. Bình thường, hầu hết đầu vụ các hộ trồng cà phê chỉ bán một phần cà phê thu được để trang trải cho các khoản đã ứng hoặc mua nợ như: Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhiên liệu và chi trả cho việc thuê nhân công thu hái… hoặc trả các khoản nợ ngân hàng. Còn lại họ thường phơi khô cất vào kho hoặc ký gửi tại các nhà máy, đại lý để chờ giá lên rồi mới chốt.

Tuy nhiên, năm nay một số hộ quyết định sẽ bán sớm vì theo họ mức giá hiện tại đã khá cao, trong khi đó, trữ cà phê luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro như: Hao hụt, ẩm mốc, phải trả nhiều khoản phí khác… mà giá cả chưa biết thế nào nên họ chọn giải pháp bán sớm cho chắc ăn. Nhưng một bộ phận người trồng cà phê vẫn chọn cách trữ lại và tiếp tục chờ giá lên vì họ tin giá cà phê trên thị trường sẽ tiếp tục được cải thiện vào đợt giữa và cuối vụ thu hoạch.

Bình Phước: 10 mô hình sản xuất hiệu quả

Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 10 mô hình sản xuất hiệu quả, xin giới thiệu để bà con liên hệ học tập kinh nghiệm.

1. Hộ ông Lưu Chí Cường (khu phố Phú Mỹ, phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài) trồng bưởi da xanh, quất cảnh, quýt đường, rau lang, ổi Đài Loan, gà Đông Tảo, ao cá trên diện tích 1,3 héc-ta. Mỗi năm ông Cường thu nhập 274 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

2. Hộ ông Nguyễn Khánh Ngọc (ấp Thanh Kiều, xã Thanh Lương, TX. Bình Long), nuôi giống gà Bình Định dưới tán 2 héc-ta cao su, mỗi năm xuất chuồng khoảng 16.000 con; thu 525 triệu đồng.
3. Ông Nguyễn Văn Tằm (thôn 2, xã Long Bình, huyện Bù Gia Mập) trồng điều, tiêu, cà phê ghép, nuôi heo nái và heo thịt, cung cấp tinh heo giống cho bà con trên địa bàn tỉnh. Với 2,1 héc-ta, mỗi năm ông Tằm thu nhập 408 triệu đồng.

4. Ông Đỗ Trường Sơn (ấp Sơn Lập, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng) trồng điều, cà phê, tiêu, sầu riêng và nuôi gà trên 2,2 héc-ta, thu nhập 397 triệu đồng/năm.

5. Hộ ông Dương Truyền Thống (ấp Đồng Tân, xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản) trồng cao su, điều, nuôi heo gia công cho Công ty cổ phần CP Việt Nam, nuôi rắn, chim bồ câu trên 2,9 héc-ta, thu 288 triệu đồng/năm.
6. Ông Nguyễn Văn Ngọc (ấp An Hòa, xã Tân Tiến, Đồng Phú) trồng cao su, điều, tiêu, nuôi chim trĩ, gà Đông Tảo và ao cá trên tổng diện tích 3,5 héc-ta, thu lợi nhuận 511 triệu đồng/năm.

7. Ông Nguyễn Văn Bớt (ấp 5, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú) với 3,5 héc-ta trồng: Điều, ca cao dưới tán điều, tiêu leo trên thân cây điều và nuôi gà thả vườn. Mỗi năm ông Bớt thu 329 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
8. Ông Nguyễn Văn Huỳnh (ấp 1, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng) trồng cà phê, điều, ca cao, tiêu, nuôi heo nái, heo thịt và ao cá trên 3,8 héc-ta; thu nhập 595 triệu đồng/năm.

9. Ông Dương Văn Mạnh (ấp Thanh An, xã Thanh lương, Bình Long) trồng nhãn, quýt đường, nuôi heo, gà, ngan và đào ao thả cá trên 4 héc-ta, thu nhập 455 triệu đồng/năm.

10. Hộ ông Nguyễn Văn Rí (ấp Thanh An,xã Thanh Lương, TX. Bình Long) trồng nhãn, chanh, cam, quýt và ao cá trên 4 héc-ta, đem lại thu nhập 584 triệu đồng/năm.

Theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Bình Phước


HÀNG VIỆT

Đồng Tháp: Xây dựng thương hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Năm 2014 là năm thứ ba Sở Công Thương Đồng Tháp tổ chức bình chọn và trao giải sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Nhiều sản phẩm có chất lượng và giá trị sử dụng cao, mang đậm nét đặc trưng địa phương, có tiềm năng phát triển đã được phát hiện và tôn vinh, đặc biệt là nhiều sản phẩm được làm từ nguồn nguyên liệu tại chỗ.
Đa dạng sản phẩm

Các sản phẩm được xét chọn dựa theo các tiêu chí về doanh thu và khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường, tiêu chí về chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật - xã hội, tính văn hoá, thẩm mỹ… và được bình chọn qua 2 cấp huyện và tỉnh. Năm nay, có 11 sản phẩm đạt giải gồm: Bún gạo Nàng Hương, Bột mè đen hạt sen và Bột gạo lứt hạt sen của Công ty Cổ phần Thực phẩm Bích Chi (thành phố Sa Đéc); Muối sấy Ngọc Yến của Cơ sở chế biến muối sấy Ngọc Yến, Tranh “Sắc màu sông nước quê hương” của doanh nghiệp tư nhân Thảo Minh (huyện Thanh Bình); Hạt sen sấy và Rượu Hồng Sen Tửu của Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại du lịch Đồng Tháp Mười (huyện Tháp Mười); Khô cá lóc, sặc rằn Tứ Quý của Công ty Cổ phần Tứ Quý Đồng Tháp (huyện Tam Nông); Khăn choàng, vải mùng của Làng nghề Dệt choàng ấp Long Tả, xã Long Khánh A và dây chuyền sản xuất bánh hỏi tự động của doanh nghiệp tư nhân Bùi Thanh Tú (huyện Hồng Ngự). Các doanh nghiệp này luôn tiên phong trong việc đa dạng hóa sản phẩm, đổi mới công nghệ, không chỉ đáp ứng thị trường trong nước mà còn vươn ra nước ngoài.

Nỗ lực xây dựng thương hiệu

Thông qua chương trình này, các doanh nghiệp có cơ hội quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ. Bằng sự khéo tay cùng lòng đam mê nghề thủ công, các sản phẩm: Ví cầm tay, hoa cầm tay, các sản phẩm trang trí nội thất như tranh hoa khô, bình hoa khô đã được bà Nguyễn Thị Đẹp – chủ doanh nghiệp tư nhân Thảo Minh (xã An Phong, huyện Thanh Bình) tạo ra từ rác thải công nghiệp (giấy báo), phế phẩm nông nghiệp (vỏ bắp, vỏ mè), cây cỏ dại có sẵn trong tự nhiên. Hiện các sản phẩm hoa khô của doanh nghiệp Thảo Minh ngày càng trở nên quen thuộc với khách hàng trong và ngoài tỉnh; thường xuyên có mặt tại nhiều chương trình hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại. Doanh nghiệp này đang có những đơn hàng xuất qua thị trường Mỹ và Nhật Bản. Trong số các cơ sở chế biến cá khô thủ công trên địa bàn huyện Tam Nông, chỉ có duy nhất một cơ sở là Công ty Cổ phần Tứ Quý chế biến khô cá lóc bằng hệ thống máy móc thiết bị theo quy trình, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Đỗ Công Bình - Giám đốc Công ty Cổ phần Tứ Quý cho biết, sản phẩm khô của công ty không sử dụng phẩm màu và chất bảo quản, không phơi nắng mà được sản xuất theo quy trình khép kín với hệ thống máy sấy, máy chiếu tiệt trùng bằng tia cực tím và máy đóng gói chân không. Đây cũng là sản phẩm cá khô đầu tiên của tỉnh được cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong thời gian tới, công ty sẽ liên kết thêm nhiều địa chỉ tiêu thụ sản phẩm, mở rộng nhiều mặt hàng để thương hiệu khô cá Tứ Quý ngày càng vươn xa – ông Đỗ Công Bình phấn khởi.

Để sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu thật sự là nguồn hàng hoá có giá trị cao, mang lại lợi ích lớn về kinh tế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Dương yêu cầu các sở, ngành cần ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp này. Trong đó, tạo điều kiện đầu tư đổi mới công nghệ, học hỏi kỹ năng và kiến thức quản lý thiết bị, đào tạo lao động, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ, đồng thời tăng cường rà soát phát hiện và tôn vinh các sản phẩm khác có tiềm năng, giá trị sản xuất và đặc biệt là phát triển sản phẩm mới tại địa phương và mạnh dạn đầu tư để sản phẩm nông thôn tiêu biểu phát triển lớn mạnh mẽ cả về chất lượng và số lượng. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Sở Công Thương đã đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét cho doanh nghiệp vay 42 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh, đầu tư thiết bị, xây dựng nhãn hiệu, đăng ký tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, mã vạch hàng hoá.

NHẬN BIẾT HÀNG THẬT - HÀNG GIẢ


Nâng cao nhận thức, hành động của người tiêu dùng

Trong khuôn khổ Hội chợ quốc tế Hàng Công nghiệp Việt Nam 2014, tại Triển lãm Giảng Võ (Hà Nội), Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã tổ chức Tuần lễ truyền thông nâng cao nhận thức về công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và Triển lãm hàng thật - hàng giả.

Tuần lễ truyền thông được tổ chức nhằm cung cấp thông tin cho công chúng về tình hình hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên thị trường; tác động tiêu cực tới kinh tế, xã hội của các hành vi làm hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; các biện pháp xử phạt đối với các hành vi này; kêu gọi ý thức của người dân trong việc tố giác, đấu tranh kiên quyết với những hành vi làm hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tăng cường nhận thức cho các doanh nghiệp về: Tầm quan trọng của việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ; lợi ích của doanh nghiệp trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng chống các hành vi làm hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; nâng cao ý thức tự bảo vệ của doanh nghiệp trước nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tuyên truyền về kết quả công tác chỉ đạo và kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng Quản lý thị trường; khẳng định vai trò chủ công của lực lượng Quản lý thị trường trong công tác chống sản xuất, buôn bán hàng giả hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Theo Cục Quản lý thị trường, Triển lãm hàng thật - hàng giả năm nay trưng bày các mẫu hàng thật - hàng giả do cơ quan Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý. Ngoài ra còn trưng bày các mẫu hàng thật - hàng giả của chính các doanh nghiệp bị làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm các mặt hàng: Đồ điện, điện tử, thiết bị y tế, thực phẩm, đồ gia dụng, tem chống giả...

Triển lãm hàng thật - hàng giả được tổ chức với mục đích: Giúp người tiêu dùng nhận biết hàng thật, hàng giả; từ đó nâng cao nhận thức và hành động của người tiêu dùng trong việc tham gia bài trừ nạn hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác của người tiêu dùng, các cơ sở bán lẻ, sản xuất, cung cấp hàng hóa đối với hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp triển lãm, trưng bày giới thiệu sản phẩm, hàng hoá của mình, nâng cao uy tín và bảo vệ sản phẩm chính hiệu của các doanh nghiệp kinh doanh chân chính; đồng thời khuyến khích, hướng dẫn các doanh nghiệp chủ động tích cực tham gia công tác đấu tranh chống hàng giả. Cùng với đó là giới thiệu kết quả của lực lượng Quản lý thị trường trong công tác đấu tranh chống hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, qua đó thúc đẩy phong trào thi đua của lực lượng Quản lý thị trường cả nước trong công tác đấu tranh chống hàng giả hiệu quả hơn.

box: Theo thống kê, mỗi năm lực lượng Quản lý thị trường cả nước kiểm tra, xử lý gần 90.000 vụ vi phạm pháp luật liên quan đến hàng giả. Tính riêng 9 tháng năm 2014, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 119.651 vụ (tăng 8,92% so với cùng kỳ năm 2013), xử lý 63.978 vụ (tăng 12,25% so với cùng kỳ năm ngoái), với tổng số tiền phạt lên đến 187,86 tỷ đồng.

Ban biên tập ((Thông tin do báo Công thương và Cổng Thông tin UBDT phối hợp thực hiện))