Bảo đảm hàng Tết đúng chất lượng cho bà con vùng sâu vùng xa
09:24 AM 28/12/2018 | Lượt xem: 2693 In bài viết |Ngày 27/12, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) tổ chức họp báo chuyên đề một số nội dung liên quan đến hoạt động xuất cấp hàng dự trữ Quốc gia cho các địa phương để hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu đói, dự án trồng rừng và học sinh vùng đặc biệt khó khăn trong năm 2018.
Ông Lê Văn Thời, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN cho biết, từ đầu năm đến nay, Tổng cục DTNN đã xuất cấp 120.428 tấn gạo (trong đó, xuất gạo là 113.183 tấn; xuất thóc gia công xay xát thành gạo là 7.245 tấn) với tổng giá trị khoảng 1.186 tỷ đồng để hỗ trợ nhân dân các địa phương.
Cụ thể, trong dịp Tết Nguyên đán là 11.848 tấn gạo; hỗ trợ giáp hạt, dịch bệnh là 9.810 tấn gạo; hỗ trợ mưa lũ, thiên tai là 6.976 tấn gạo; hỗ trợ các dự án trồng rừng là 18.674 tấn gạo; hỗ trợ học sinh là 68.120 tấn gạo (gồm: học kỳ II năm học 2017-2018 là 29.939 tấn gạo; học kỳ I năm học 2018-2019 là 38.181 tấn gạo) và xuất viện trợ cho Cu Ba 5.000 tấn gạo.
Về vật tư, thiết bị, thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xuất cấp vật tư thiết bị cho các địa phương và phối hợp với với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn triển khai xuất cấp trang thiết bị theo kế hoạch năm 2018 để trang bị cho các bộ, ngành, địa phương với tổng giá trị xuất cấp khoảng 302,35 tỷ đồng.
Ngoài ra, Tổng cục DTNN xuất cho Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để xuất cấp cho Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn của các bộ, ngành và địa phương và các Quân, Binh chủng để phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai: 105 bộ xuồng các loại, 1500 bộ nhà bạt các loại, 351.500 chiếc phao cứu sinh các loại (200.000 chiếc phao tròn, 150.000 phao áo, 1.500 bè nhẹ) 30 bộ thiết bị khoan cắt, 150 bộ máy bơm chữa cháy, 30 bộ máy phát điện loại 30 KVA, giá trị xuất cấp khoảng 287 tỷ đồng.
Với các hàng do bộ ngành quản lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện xuất cấp hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai dịch bệnh: 1,226 triệu liều vaccine các loại; 65.345 lít hóa chất sát trùng các loại; 550 tấn hóa chất Chlorine; 16.000 lít hóa chất Han-Iodine; 32,5 tấn hạt giống rau; 3.615 tấn hạt giống lúa và 483 tấn hạt giống ngô với tổng giá trị hàng hóa là 217 tỷ đồng.
Việc sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương đã được báo chí và dư luận quần chúng nhân dân đồng tình hưởng ứng và đánh giá cao.
Đặc biệt, việc hỗ trợ gạo cho nhân dân dịp Tết Nguyên đán, giáp hạt đầu năm 2018 và khắc phục hậu quả mưa lũ là một trong những chính sách hợp lòng dân, là việc làm hết sức cần thiết, có ý nghĩa lớn lao, đậm chất nhân văn thể hiện tinh thần “tương thân tương ái” sẻ chia của Đảng, Chính phủ cho bà con vùng đặc biệt khó khăn, vùng thiên tai, mất mùa, thời điểm giáp hạt... góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm sự ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng thêm niềm tin tưởng của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, của Chính phủ.
Đối với việc hỗ trợ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho học sinh được các địa phương và nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn đánh giá là một trong những chính sách mang lại hiệu quả và ý nghĩa chính trị rất lớn. Cụ thể, khuyến khích động viên các em học sinh đến trường, tỉ lệ học sinh đến trường và số lượng học sinh chuyên cần tại các trường ngày càng tăng cao; tạo điều kiện thuận lợi để các em học sinh sử dụng ngôn ngữ dân tộc được tiếp xúc với tiếng phổ thông sớm hơn góp phần rút ngắn khoảng cách giữa văn hóa và điều kiện phát triển giữa các vùng, miền; giảm bớt khó khăn cho gia đình và các cấp chính quyền địa phương trong công tác ổn định, phát triển kinh tế và bảo đảm công tác an sinh xã hội trên địa bàn.
Ông Lê Văn Thời- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN khẳng định, tiến độ cấp hàng được bảo đảo, tối đa sau 3 ngày kể từ khi nhận được quyết định hỗ trợ, hàng của DTNN sẽ đến về được đến bà con kể cả ở các địa phương xa xôi, ví dụ như Nghệ An về điểm miền núi có nơi cách gần 300 km.
Về chất lượng gạo dự trữ quốc gia, bảo đảm theo đúng tiêu chuẩn Việt Nam, còn các thông tin gạo mốc hôi, đi kiểm tra xác minh vào dịp có nhiều nguồn hỗ trợ không phải từ DTNN. Hàng trong kho DTNN phải đáp ứng được bảo quản trong thời gian dài, môi trường kín, chất lượng đúng tiêu chuẩn.
“Thực tế, khi nhập hàng vào kho kiểm tra rất chặt, phải đạt tiêu chuẩn Việt Nam. Vì hàng nhập kho của DTNN phải đạt chất lượng nghiêm ngặt đến mức có những doanh nghiệp nói thích đưa hàng đi xuất khẩu hơn là chuyển cho dự trữ vì nhập kho của DTNN kiểm tra cực kỳ chặt chẽ, không có dự du di”, ông Lê Văn Thời chia sẻ.
Lãnh đạo Tổng cục DTNNN khẳng định hàng dự trữ được dùng đúng mục đích đối tượng được thụ hưởng. Vừa qua, Tổng cục DTNN cùng Văn phòng Chính phủ và một số bộ, ngành đi kiểm tra và nhận thấy các địa phương đánh giá cao về chất lượng hàng dự trữ. “Có địa phương thấy rằng hỗ trợ bằng tiền sử dụng khó hơn, vì tiền ngân sách khi mua hàng qua đấu thầu, cán bộ không hiểu quy trình thủ tục. Việc xuất gạo, hàng trực tiếp thì cán bộ làm giám sát vất vả hơn nhưng lại hiệu quả”, ông Lê Văn Thời nói.
(baochinhphu.vn)