Bộ trưởng Chu Ngọc Anh: Khoa học hướng tới miền núi như chiến lược đặc thù

03:08 PM 17/08/2020 |   Lượt xem: 1592 |   In bài viết | 

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi làm việc chiều 14/8. Ảnh: LK.

Nội dung được đề cập trong buổi làm việc của Đoàn Giám sát của Hội đồng dân tộc Quốc hội với Bộ Khoa học và Công nghệ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011-2020, tổ chức chiều 14/8. Ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc là Trưởng đoàn giám sát.

Báo cáo về 10 năm thực hiện chính sách khoa học công nghệ đối với miền núi, dân tộc thiểu số, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết, diện mạo đời sống, kinh tế của bà con dân tộc thiểu số và miền núi đã thay đổi. Các nhiệm vụ nghiên cứu đã huy động nguồn vốn đầu tư, trong đó có cả ngân sách, doanh nghiệp và đóng góp của người dân, để nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật.

Từ các đề tài, dự án, mô hình, người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập và thay đổi tập quán sản xuất. Các sản phẩm địa phương như hoa hồi, na Chi Lăng, chè Shan Tuyết (Sơn La), cafe Buôn Mê Thuột, hồ tiêu Chư Sê... đã áp dụng các kỹ thuật sản xuất tiến bộ, xây dựng nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Theo ông Tạc, vẫn còn những điểm hạn chế, trong đó nguồn nhân lực khoa học công nghệ phục vụ phát triển vùng dân tộc và miền núi có xu hướng giảm về chất lượng do chính sách ưu đãi chưa đủ hấp dẫn. Việc nhân rộng các mô hình sau khi triển khai còn gặp khó khăn cả về vốn và nhân lực có trình độ kỹ thuật để duy trì sản xuất. Ông đề xuất, thời gian tới Quốc hội sửa đổi một số điều bổ sung của Luật Khoa học Công nghệ 2013, có quy định đặc thù để phát triển khoa học công nghệ phục vụ đồng bào dân tộc và miền núi, đồng thời tiếp tục bố trí đủ kinh phí cho hoạt động khoa học và công nghệ.

Góp ý cho báo cáo, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khẳng định vai trò của khoa học công nghệ và bổ sung thêm kết quả. Theo đó, riêng năm 2019 xuất khẩu đạt 14 tỷ USD đối với các sản phẩm điều, hồ tiêu, cao su và cây ăn quả... Các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tại khu vực này không chỉ giúp sinh kế cho bà con, mà còn giúp ngành tăng trưởng. Trong thành công này, có đóng góp của khoa học công nghệ.

Bà Hoàng Thị Hạnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng ghi nhận, thời gian gần đây các chương trình khoa học công nghệ đã quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số và đóng góp vào phát triển kinh tế vùng.

Bà gợi ý, để phù hợp thực tế và trình độ tiếp nhận kỹ thuật, khoa học công nghệ cho miền núi, dân tộc thiểu số cần đi sâu ứng dụng, thực chất hơn. "Cụ thể nói 4.0 trong Covid-19, làm thế nào để bà con tiếp nhận được công nghệ, các nghiên cứu này rất quan trọng", bà Hạnh nói và đề nghị Bộ hướng tới đào tạo những nhà nghiên cứu mới, bắt đầu từ nhân lực có sẵn tại địa phương để có thể hiểu về những vấn đề mới phát sinh ở vùng dân tộc thiểu số là cần thiết.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh ghi nhận góp ý và chia sẻ, thực tế báo cáo chưa khái quát được bức tranh chung đóng góp của khoa học với phát triển chung. Tuy nhiên, khoa học và công nghệ luôn với tâm thế phục vụ, đồng hành cùng các ngành, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng chung của đất nước, sau đó tập trung vào đối tượng đặc thù chuyên biệt có vị trí chiến lược là khu vực miền núi, dân tộc thiểu số.

Ông khẳng định, thời gian qua, các chính sách tiến bộ của quốc tế về khoa học đã được Quốc hội ủng hộ, vận dụng linh hoạt trong điều kiện của Việt Nam, nhưng để đi vào cuộc sống vẫn có những điểm chưa đồng bộ với các luật liên quan. Trong khó khăn chung, khoa học đã từng bước thể hiện vai trò, nhất là với khu vực nông thôn miền núi. Minh chứng là các Chương trình Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Nông thôn miền núi, Chương trình Quỹ gene... với hơn 1.000 đề tài, dự án liên quan đến dân tộc thiểu số, miền núi.

Đánh giá cao những đóng góp này, ông Hà Ngọc Chiến cho rằng, nhìn vào số đề tài, nhiệm vụ trực tiếp giải quyết các vấn đề vùng miền núi, dân tộc thiểu số là số lượng đồ sộ. Trong 10 năm đã có 6 chương trình khoa học công nghệ liên quan đến dân tộc thiểu số và miền núi, với 1.115 đề tài, dự án, 4,324 mô hình cho thấy sự quan tâm đầu tư đối với khu vực này. "Nhờ việc thực hiện các chính sách này vào cuộc sống thực tế thay đổi "một trời một vực". Các kết quả nghiên cứu còn là căn cứ để hoạch định chính sách trong thời gian tới", ông Chiến nói.

(vnexpress.net)